Truyền thống hiếu học, khoa cử của người Thanh Hóa

12/2/2021 6:46:14 AM
Thanh Hóa không chỉ tự hào là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, sản sinh ra “Tam vương, nhị Chúa”, nhiều anh hùng dân tộc, mà còn là vùng văn hóa đặc sắc, phong phú, trong đó nổi bật là truyền thống hiếu học và khoa bảng. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, truyền thống đó có những lúc suy, lúc thịnh, nhưng thời nào cũng sản sinh ra những vị đại khoa, làm rạng danh nền văn hóa nước nhà.

 

PGS.TS Hoàng Thanh Hải

 

Thanh Hóa không chỉ tự hào là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, sản sinh ra “Tam vương, nhị Chúa”, nhiều anh hùng dân tộc, mà còn là vùng văn hóa đặc sắc, phong phú, trong đó nổi bật là truyền thống hiếu học và khoa bảng. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, truyền thống đó có những lúc suy, lúc thịnh, nhưng thời nào cũng sản sinh ra những vị đại khoa, làm rạng danh nền văn hoá nước nhà.

Ngày nay, với đường lối phát triển “giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu của Đảng, truyền thống hiếu học, khoa bảng của người Thanh Hóa tiếp tục được phát huy, trở thành nhân tố quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của quê hương, đất nước.

1. Khái quát về truyền thống hiếu học, khoa bảng của người Thanh Hóa trong lịch sử

Ngay từ khi nền Nho học của nước ta chưa bắt đầu, thời thuộc Đường (618-905), 2 anh em Khương Công Phục và Khương Công Phụ, người thôn Cẩm Châu, xã Tường Vân (nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đã sang tận Trung Quốc dự thi và đều đỗ Tiến sĩ. “Đây chính là hai người đã có công khai mạch đại khoa Nho học đầu tiên cho cả nước ta, người đầu tiên đạt học vị Tiến sĩ Hán học” [5; tr. 340] Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, đất nước ta bước vào kỷ nguyên phong kiến độc lập, tự chủ. Các triều đại Ngô (939-987), Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) phải chăm lo chỉnh đốn nội bộ và gây dựng cơ nghiệp, đồng thời sự tồn tại của các triều đại này quá ngắn ngủi nên không đủ thời gian để tổ chức giáo dục và khoa cử. Việc dạy và học chữ Hán chỉ được thực hiện trong các nhà chùa. Phật giáo đóng vai trò tích cực trong những buổi bình minh của giáo dục. So với cả nước, Phật giáo ở Thanh Hóa thịnh hành hơn. Nhiều vị sư mở đầu cho việc truyền bá đạo Phật đã từng lưu chân ở Châu Ái, hoặc chính là con em của của châu Ái, như Khuông Tăng Hội, Đại Thăng Đăng... Nổi tiếng nhất phải kể đến nhà sư Ngô Chân Lưu, hiệu là Khuông Việt đại sư, quê ở hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, quận Cửu Chân (huyện Tĩnh Gia ngày nay). “Mặc dầu là nhà sư, song ông “tích cực nhập thế”. Đằng sau tấm áo cà sa là một tấm lòng yêu nước của một nhà đại trí thức Việt Nam ở thế kỷ X” [12; tr. 14].

Sang thời Lý Trần, việc học hành, thi cử đã có luật lệ rõ ràng, tổ chức quy cũ và mở rộng hơn trong toàn xã hội, vì thế đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Thanh Hóa lúc này đã nổi lên như một trung tâm học hành, khoa bảng tiêu biểu, có rất nhiều người đỗ đạt cao. Người mở đầu cho nền khoa bảng của Thanh Hóa trong thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ là hai anh em Lưu Miễn và Lưu Diễn. Lưu Diễn, người xã Hoằng Quang, là người thông minh, học rộng, thi đỗ Đệ nhất giáp Đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa thi Thái học sinh năm Nhâm Thìn (1232) đời vua Trần Thái Tông, ông được phong đến chức Đông các đại học sĩ. Lưu Miễn, người làng Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, là anh Bảng nhãn Lưu Diễn. Khoa thi Thái học sinh năm Kỷ Hợi (1239) đời vua Trần Thái Tông, ông đỗ Đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khi mới 22 tuổi. Ông làm quan được thăng đến chức Tả tư mã. Khoa thi Thái học sinh, năm Kỷ Hợi, niên hiệu Thiên Ưng Chính Bình thứ 7 (1939), đời vua Trần Thái Tông, Lưu Miễn đỗ Đệ nhất giáp, đệ nhất danh. Lưu Miễn từng giữ các chức như An phủ xứ Thanh Hóa và có công lao rất lớn trong việc đào đắp các đê sông.  Suốt triều Trần, nhiều người Thanh Hóa học giỏi, đậu cao, để lại danh tiếng cho đời sau, đó là Đào Miễn, Hoằng Hoan, Trương Phóng (Vĩnh Lộc), La Tu (hậu Lộc), Lê Bá Quát (Hay Lê Quát- Đông Sơn), Lê Thân (Nông Cống), Hoàng Hối Khanh (Yên Định).

Người nổi tiếng nhất cho việc học hành, thi cử thời Trần ở xứ Thanh là Lê Văn Hưu. Ông quê ở làng Phủ Lý (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa). Ông đỗ Bảng nhãn khoa thi Đinh Mùi (1247), đời vua Trần Thái Tông, khi mới 18 tuổi. Lê Văn Hưu đã từng giữ các chức quan trọng trong triều đình, như Hàn lâm viện học sĩ, Binh bộ Thượng thư, tước Nhân uyên hầu. Đóng góp to lớn nhất của ông cho đất nước là đã biên soạn bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển. Đây là bộ quốc sử đầu tiên ở nước ta, nên ông xứng đáng được coi là ông Tổ của nền sử học Việt Nam.

Sang thời Hồ, khoa thi Thái học sinh năm 1400, xứ thanh có Nguyễn Mộng Tuân cùng đậu với Nguyễn trãi, Lý tử Tấn, đã sáng tác tập thơ Cúc pha thi tập với nhiều bài thơ hay.

Sự nghiệp chói lọi nhất của Hồ Nguyên Trừng (con trưởng của Hồ Quý Ly) có lẽ là sự nghiệp khoa học khi Ông đã chế ra súng thần công sớm nhất ở phương Đông. Khi bị giặc Minh bắt giải về Trung Quốc, với tâm trạng đau xót của một người dân mất nước, ông đã viết cuốn sách Nam Ông mộng lục.

Năm 1428, ngay sau khi chiến thắng quân Minh, Lê Lợi đã tổ chức lại việc học tập và thi cử rất có quy cũ và có nhiều cải cách so với các triều đại trước. Hoằng Hóa vốn là cái nôi học hành, thi cử của Thanh Hóa, nên dưới triều Lê Sơ đã có nhiều người đỗ đạt như: Nguyễn Nhân Lễ (1461-1522) người xã Hoằng Lộc, thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1481). Ông đã được thăng các chức quan từ Tri huyện lên đến Hiến sát sứ. Lương Đắc Bằng (1475-1526), người xã Hoằng Phong,  thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn). Ông làm quan trải thăng đến chức Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các học sĩ.

Một thời gian cầm quyền hơn 60 năm - một giai đoạn lịch sử không dài, lại xảy ra nhiều biến cố, nhưng nhà Mạc vẫn tổ chức các khoa thi đều đặn để tuyển dụng nhân tài. "Vùng đất Hoằng Hóa cũng có nhiều Nho sĩ thi cử đỗ đạt thời Mạc như: Nguyễn Thanh (1506-1545) đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu Triều Mạc Phúc Hải (1541) xã Hoằng Lộc. Lương Hữu Khánh (1527-1590), người làng Hội Triều (xã Hoằng Phong), là người thông minh, mẫn cán, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Thời Mạc ông đi thi đỗ đạt cao ở kỳ thi Hội, ông về phó tá cho Vua Lê, Chúa Trịnh để thực hiện ý nguyện của mình...” [7; tr. 58].

Thời Lê Trung Hưng tồn tại 192 năm, từ năm 1595 đến năm 1787, đã tổ chức 23 kỳ thi Đình, lấy đỗ 343 Tiến sĩ, trong đó có 6 người đỗ trạng nguyên, 9 người đỗ Bảng nhãn, 19 người đỗ Thám hoa.

Thanh Hóa trong thời kỳ này có nhiều người thi cử đỗ đạt cao như: Lê Nhữ Bật (1527-1599) người làng Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoằng Giáp). Nguyễn Nhân Thiệm (1534-1597) người xã Hoằng Lộc thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi Hội năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Hưng thứ 6 (1583). Lưu Đình Chất (1566-1627), người làng Đông Khê, xã Quỳ Chữ thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Đình Nguyên (Hoàng Giáp) khoa thi Đình năm Đinh Mùi (1607). Rất nhiều người khác đỗ đạt cao như khoa thi Hương năm Kỷ Dậu, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ nhất (1729), trường thi Thanh Hóa lấy đỗ 60 người, sĩ tử Hoằng Hóa đỗ 18 người  [7; tr. 59- 60].

Trong sự nghiệp mở mang bờ cõi phía Nam của các chúa Nguyễn, Đào Duy Từ (1572-1634), quê ở làng Nổ (Thổ Sơn), xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia không chỉ là một khai quốc công thần bậc nhất mà còn là một danh sĩ nổi tiếng ở thế kỷ XVII với các tác phẩm thơ nôm, như Ngọa Long cương ngâm, Tư Dung văn, Ngọa Long cung văn (Ông học rất giỏi, nhưng vì là gia đình hát xướng, nên không được đi thi)

Sang thời Nguyễn, nhất là từ nửa sau thế kỷ XIX, đầu XX, mặc dầu việc học hành, thi cử có sự thay đổi, trong sự giao thoa giữa nền Nho học và Tây học, nhưng Thanh Hoá- quê hương của Chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn, vẫn là một trong những trung tâm nền giáo dục, khoa cử hàng đầu của cả nước.

Ở Bắc Hà có 6 trường thi được lập, gồm: Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây. Năm 1807, vua xuống chiếu mở khoa thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn, Thanh Hoá là là 1 trong 6 tỉnh của Bắc Hà được lập trường thi. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), trường thi chính thức được lập ở phía Đông Bắc trấn thành, thuộc địa phận làng Thọ Hạc (Phường Trường Thi, Thành phố Thanh Hoá ngày nay). Trường thi Thanh Hoá tồn tại đến năm 1918, năm thi Hương cuối cùng ở Thanh Hoá.

Nhiều huyện như Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Hoằng Hoá, Tĩnh Gia, Nông Cống, Nga Sơn đều có văn chỉ huyện. Đây là nơi thờ các bậc tiên thánh đạo Nho, là nơi các Nho sỹ hàng năm đến làm lễ tôn vinh. Ở các văn chỉ còn có bia ghi họ, tên và khoa thi các bậc khoa cử đỗ đạt, là niềm tự hào, vinh dự của cả huyện. Một số làng cũng có văn chỉ làng, thường là một bàn đá, được xây trên đất công, ruộng công của làng. Văn chỉ làng cũng ghi học, tên những người đậu Tú tài trở lên. Ngoài ra làng còn có hội tư văn, gồm những người đã đậu, đã thi nhưng hỏng và những người đang học để đi thi. Hội tư văn tổ chức hàng năm lễ cúng Tiên Thánh đạo Nho để động viên phong trào học tập của làng. Những người trong hội tư văn phải giữ tư cách mẫu mực của nho sỹ. Nếu người nho sỹ phạm vào đạo đức, hội bắt phạt và bị đuổi ra khỏi hội, nếu đang học để đi thi thì phải ra làng, nhận phu phen, tạp dịch.

Tiêu biểu nhất cho các hình thức khuyến học ở các làng xã trong tỉnh là làng Bột Thượng (Xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá hiện nay). Tại đây từ lâu đã xây dựng đình Bảng (còn gọi là Bảng Môn Đình), là nơi tụ họp, nêu gương, ghi danh những người đỗ đạt.

Tính từ khoa thi năm Đinh Mão đời vua Gia Long (khoa thi hương đầu tiên ở trường thi Thanh Hoá), đến khoa thi Mậu Ngọ (1919) đời vua Khải Định ( khoa thi Hương cuối cùng ở trường thi Thanh Hoá), với 40 khoa thi, có 500 người đậu cử nhân, trong đó có 430 người đậu tại trường thi Thanh Hoá, còn lại thi đậu ở các trường thi khác như Nghệ An, Hà Nội. Theo quy định của triều đình, ở trường thi Hương, mỗi tỉnh được lấy đậu 1 cử nhân thì được lấy đậu 3 tú tài. Như vậy, trong 40 khoa thi Hương, đã có 1500 tú tài. Số sĩ tử ở mỗi kỳ thi Hương ở trường thi Thanh Hoá khá đông, từ 1000 đến 2000. Trong số 430 cử nhân người Thanh Hoá thi đậu ở trường thi Hương Thanh Hoá, nhiều người đã vào kinh đô Phú Xuân thi hội, thi đình, đã có 29 người đậu đại khoa, đó có 15 tiến sỹ, 14 phó bảng. Trong 15 tiến sỹ có 1 bảng nhãn (Triều Nguyễn không cho ai đỗ Trạng nguyên và Bảng nhãn và cũng chỉ lấy đỗ 2 người), 2 Thám hoa (Triều Nguyễn lấy đỗ tất cả 9 Thám hoa), 4 Hoàng giáp... Nhiều người đã có những cống hiến xuất sắc cho triều đình, như Hà Duy Phiên (Hoằng Hoá), Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hoá), Mai Anh Tuấn (Nga Sơn)… Trong thời kỳ nhà Nguyễn, nhiều Nho sĩ Hoằng Hóa thi cử đỗ đạt cao và đều dốc lòng dốc sức phụng sự đất nước, như Đặng Quốc Lang (1805-1869) người Hoằng Cát, thi đỗ Giải nguyên năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Nguyễn Bá Nhạ (1822-1848), người xã Hoằng Đạo, nay là Hoằng Lộc thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân thứ nhất (Hoằng Giáp) khoa thi Hội năm Quý Mão (1843). Nguyễn Xuân (1831-?), người làng Tào Trụ, tổng Dương Thăng, nay là xã Hoằng Lý, đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý (1864) dưới thời Tự Đức. Những người Hoằng Hóa thi đỗ Giải nguyên, Cử nhânHương cống thời Nguyễn có hàng trăm người như Lê Xuân Tiến, làng Quỳ Chữ, Đỗ Xuân Cát, làng Yên Vực, xã Hoằng Long, Hà Duy Phiên người Hoằng Lộc, Lê Huy Phan xã Hoằng Phúc, Lê Trí Trực xã Hoằng Trung, Nguyễn Đôn Dự người làng Hoằng Phúc, Nguyễn Đình Văn người xã Hoằng Anh, Lê Viết Tạo người xã Hoằng Quang... [7; tr.62 - 63].

Với truyền thống hiếu học, khoa bảng được hun đúc qua hàng ngàn năm, Thanh Hóa cũng là tỉnh có nhiều “làng khoa bảng”, “vùng khoa bảng”, “dòng họ khoa bảng”. Tiêu biểu nhất đó là các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia, Nông Cống và các làng, như làng Đông Biện (nay là làng Bồng Trung, huyện Vĩnh Lộc), làng Bột Thái, Bột Thượng (nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá), làng Cổ Định (huyện Nông Cống), làng Trương Xá (huyện Hậu Lộc), vùng Tào Sơn, Ngọc Đường (Tĩnh Gia), vùng Dành, Hoành (Yên Định). Trong số 39 dòng họ ở Thanh Hoá có người đỗ đạt cao, có 2 cự tộc khoa cử là họ Nguyễn với 122 người, họ Lê với 100 người đỗ đạt.

2. Một số đặc điểm trong truyền thống hiếu học, khoa bảng của người Thanh Hóa

Truyền thống hiếu học của người Thanh Hóa được hình thành và vun đắp từ trong từng gia đình, dòng họ, làng xã.

Từ xa xưa, giáo dục đã được “xã hội hóa” một cách sâu rộng ở mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi làng. Đó là sự quan tâm và khuyến khích về vật chất, tinh thần đối với những người học và đỗ đạt.

Bất kỳ dòng họ nào cũng đưa vấn đề giáo dục lên hàng đầu, động viên con cháu trong họ học tập để làm rạng rỡ dòng tộc. Hơn nữa, theo quan niệm của người xưa “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Trong họ mà có người đỗ đạt làm quan thì cả họ mừng rỡ, bởi vì đây là sự hãnh diện so với các dòng họ khác trong làng, người trong họ muốn làm văn tự, khế ước không phải chạy vạy cậy nhờ cửa quan hay nhờ người ngoài tộc. Bên cạnh đó, trong họ mà có nhiều người có học thức, làm quan thì sẽ che chở cho người trong họ, không sợ bị quan trên bắt nạt… Dòng họ nào cũng dành một phần đất hương hỏa để canh tác, hoặc đóng góp của các gia đình để làm quỹ khuyến học. Ngày giỗ họ cũng là ngày tổng kết công tác học tập của con em trong họ, những cháu chăm ngoan học tập tốt sẽ được khen thưởng, ngược lại những cháu chưa chăm ngoan học tập thì bị trưởng họ phê bình.

Việc học cũng được các làng của xã rất quan tâm, làng nào cũng lập quỹ khuyến học để khuyến khích việc học của con em mình. Quỹ khuyến học ở đây là dăm ba sào ruộng trích từ ruộng công, nhiều hay ít tùy từng làng, gọi là “học điền”, hàng năm lấy hoa lợi để khen thưởng, giúp đỡ cho những người theo đòi kinh sử. Ngoài ra, các làng còn lập Từ Chỉ để khích lệ việc học. Việc tế tự hàng năm 2 lần: Xuân tế, Thu tế nghi thức như tế thần. Ngoài ra các sĩ tử trước khi đi thi đến lễ “Kỳ khoa”, khi thi đỗ đến lễ “Tạ ơn”. Những gia đình trước khi cho con đi học thì đến Từ Chỉ để làm lễ “khai tâm”.

Ở làng Vĩnh Trị (Hoằng Quang, Hoằng Hóa) người nào đỗ đạt thì cố gắng chuẩn bị một bữa cỗ để khao làng, coi đó là một vinh dự của bản thân. Làng quy định: “Người nào của bản xã dự kỳ thi Hương, nếu trúng tam trường thì xôi 3 mâm, gà ba con, rượu ngon dùng đủ đem đến lễ ở đền. Tiền nguyên 3 quan 5 trăm. Đến mậu khoa thì tiền thêm 1 quan lấy đấy làm lệ thường. Người nào của bản xã dự kỳ thi Hương nếu trúng tứ trường thì yết lễ là lợn 1 con, nếp 3 mâm, rượu ngon dùng đủ. Những thứ trên đưa đến lễ ở từ đường. Tiền thì y như là Sinh đồ, người nào trúng nhất trường đều phải nộp tiền để trọng nho khoa… Người nào đỗ Tiến sĩ ở Kinh thì tiền 100 lúc xuất lễ chào mừng cho đến lúc vinh quy thì lễ là một con vật (lợn, bò)” [7; tr 15 - 16].

Những người đi học khi đến tuổi gánh vác việc làng, việc nước hay phu phen tạp dịch đều được làng cho miễn. Những người đỗ đạt ở mức độ khác nhau sẽ được làng khuyến khích khác nhau. Như ở làng Nguyệt Viên, đi sát hạch mà được loại ưu, nếu ở:

Tại huyện: thưởng tiền 2 quan và một tập giấy bút

Tại phủ: thưởng tiền 3 quan và một tập giấy bút

Tại tỉnh: thưởng tiền 5 quan và một tập giấy bút.

Theo quy định của nhà nước phong kiến, người đỗ đạt không chỉ được làng đón rước “vinh quy bái tổ” một cách linh đình, mà làng còn làm cho người đỗ đạt một ngôi nhà gỗ ba gian.

Khi công việc của làng thì người có học vị đều được làng ưu tiên ngồi chiếu trên, tùy vào mức độ khác nhau, dù phẩm tước và quan tước to hơn, nhưng học vị thấp hơn đều phải ngồi chiếu dưới. Bên cạnh đó, những người có học vị khi vào hội tư văn đều được kính trọng, hoặc khi làng có việc đều được ngồi vị trí cao nhất, thể hiện “trọng khoa hơn trọng tước”. Ở làng Nguyệt Viên quy định: Việc họp bàn hay cỗ bàn tại đình, làng căn cứ vào người đỗ cao trong các khoa thi được ngồi trên. Ngoài những chính sách trực tiếp trong việc khuyến khích học tập, làng xã có chính sách giúp đỡ gián tiếp đó là: “Những bà mẹ, bà vợ có công nuôi con cái hay chồng ăn học, nếu làm nghề phụ buôn bán thì được làng ưu tiên cho một chỗ ngồi tốt trong lều chợ, vừa sạch sẽ, vừa thuận lợi cho việc làm ăn” [7; tr. 66].

Thế hệ sau nối tiếp và phát huy thế hệ trước, cho nên đã xuất hiện nhiều dòng họ hiếu học, khoa bảng. Theo sách Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa, đối chiếu với sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, 204 ông nghè thời phong kiến Thanh Hóa được chia cho 29 dòng họ có truyền thống khoa cử. Trong đó, có một số dòng họ khoa bảng đỗ đạt nhiều qua các thời kì như họ Lê: 57 người, họ Nguyễn: 53 người, họ Đỗ: 14 người... Nhờ truyền thống đó mà mỗi con người đều ý thức được cần phải cố gắng để phát huy truyền thống mà cha ông đã dày công xây đắp.

Về nguyên nhân hình thành truyền thống hiếu học, khoa bảng của người xứ Thanh, các nhà nghiên cứu xưa nay đã lý giải ở những góc độ chủ yếu sau

Thứ nhất, xét về địa văn hóa, Thanh Hóa có vị trí địa lý, núi sông rất đặc biệt. Nhà bác học Phan Huy Chú đã lý giải: “Thanh Hóa mạch núi cao chót vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao ở phía Tây, bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước” [1; tr. 47].

Với vẻ non sông tươi tốt và đất thiêng đã hình thành những phong tục tốt đẹp: “Người Kinh kẻ sĩ thường chuộng học văn, đời nào cũng có bậc hiền tài, trù đãng hiếu nghĩa, những người lỗi lạc có khí cốt thì không phải ít. Có lẽ nhờ khí chất cứng mạnh của núi sông vậy” [13; tr. 1074]. Các sử thần trong Quốc sử quán triều Nguyễn trong bộ Đại nam nhất thống chí cũng đã nhận xét: “Sĩ tử thích văn học, giữ khí tiết... Duy các huyện Quảng Địa, Thạch Thành và Cẩm Thủy, có biết ít nhiều văn tự” [9; tr. 281-282].

Thứ hai, trong lịch sử, Thanh Hóa “không phải là vùng đất phồn hoa, đô hội, cũng không phải là trung tâm kinh tế trọng yếu của đất nước, nhưng lại là cái nôi sản sinh và hội nhập giữa nền văn hóa ngàn năm từ phương Bắc với văn hóa bản địa và văn hóa phương Nam truyền ra, để tạo nên nét đặc thù gọi là văn hóa xứ Thanh” [11; tr. 21]. Chính truyền thống hiếu học, khoa bảng cũng là một yếu tố quan trọng làm nên văn hóa xứ Thanh. Khi chép về phủ Hà Trung, thư tịch cổ cho biết “Vốn có tiếng là văn nhã mà ba huyện Hoằng Hóa, Mỹ Hóa, Hậu Lộc có phần trội hơn. Tống Sơn, Nha Sơn cũng có tiếng là thuần phác. Người đi học và làm ruộng nhiều, người làm thợ và buôn bán không mấy” [13; tr. 1080]. Viết về phủ Thiệu Hóa, Tĩnh Gia: “Người đi học và người cày ruộng nhiều” [13; tr. 1112]. Như vậy, từ thời xa xưa, Thanh Hóa đã có truyền thống trọng sỹ, “nhất sỹ nhì nông”

 

Thứ ba, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra “tam vương, nhị chúa”, vì vậy “động cơ” học hành để làm quan, học để thoát nghèo cũng là nguyên nhân quan trọng để hình thành truyền thống hiếu học. Đây cũng là nguyên nhân người xứ Thanh chuyển cư “làm giàu” truyền thống khoa bảng cho kinh thành Thăng Long và nhiều nơi khác. Chẳng hạn “làng Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) là làng khoa bảng nổi tiếng, trong đó các tiến sĩ mạch văn tập trung vào 4 họ: Phạm, Phan, Nguyễn, Hoàng và hai dòng họ Nguyễn khác, trong đó ba họ chuyển cư từ Thanh Hóa ra.” [6; tr. 112].

 

KẾT LUẬN

1. Truyền thống hiếu học, khoa bảng của người Thanh Hóa hình thành từ rất sớm, được duy trì và phát triển liên tục, rộng khắp, trở thành một trong những địa phương tiêu biểu hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, thành tựu chủ yếu vẫn là nền Hán học. Tư tưởng duy tân mới xuất hiện giai đoạn sau 1919, nhưng cũng như các tỉnh khác ở Việt Nam, do âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, do hoàn cảnh bấy giờ… nên rất yếu ớt…

2. Nền giáo dục, khoa cử nêu trên không chỉ có ý nghĩa nâng cao dân trí, mở mang văn hoá các vùng các huyện, mà quan trọng là còn góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, chống xâm lược của nhân dân ta, nhất là tầng lớp nho sĩ. Mặc dầu các trường quốc ngữ, Pháp ngữ mới ra đời đầu thế kỷ XX, nhưng một số thanh niên yêu nước đã nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ mới, nhất là khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, họ đã trở thành những người Cộng sản đầu tiên của quê hương.

3. Truyền thống hiếu học, khoa bảng liên tục được duy trì và phát triển qua các thời kỳ. Ngày nay, Thanh Hoá tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế, một tỉnh rộng lớn, đông dân, nhưng vẫn l dẫn đầu cả nước thành tựu giáo dục, đào tạo.                                         

4. Trong bối cảnh quê hương, đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nhiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, để phát huy giá trị truyền thống hiếu học, khoa cử ngàn năm của con người xứ Thanh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục có những công trình nghiên cứu xứng tầm về truyền thống hiếu học, khoa bảng của con người xứ Thanh, về những danh nhân văn hóa, những nhà khoa bảng, những vùng, những làng nổi tiếng, tuyên truyền, giáo dục trong thế hệ trẻ học sinh, sinh viên tự hào, kế thừa, phát huy các giá trị của truyền thống đó.

Thứ hai, khôi phục, tôn tạo, phát huy các di sản về khuyến học, như các di tích, văn chỉ, văn bia, những phong tục tốt đẹp tôn vinh học hành, khuyến học, khuyến tài từ mỗi gia đình, dòng họ, làng xóm, xã….

Thứ ba, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài phải là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội, không chỉ ở các nhà trường; Cần xây dựng một xã hội học tập, phong trào học tập suốt đời, thực học, thực tài, ý chí vươn lên nhất là đối với thế hệ trẻ.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Cao Xuân Dục (2011), Quốc triều Hương khoa lục, Nxb Lao động- Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông - Tây

3. Hà Mạnh Khoa (2009), Làng nghề thủ công và làng khoa bảng thời phong kiến ở đồng bằng sông Mã, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.

4. Ngô Sĩ Liên và sử thần triều Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb KHXH, Hà Nội.

5. Lý Thị Mai (2003), Đất Thanh Hoá thời Nguyễn- Đất học, Trong Thanh Hoá thời kỳ 1802 – 1930, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb Thanh Hoá.

6. Nguyễn Đình Mạnh, Chuyển cư và tác động của nó đến kết quả khoa cử ở một số dòng họ xứ Thanh, Tạp chí Văn hóa dân gian số 5 (143), 10-12.

7. Trịnh Nhu, Lê Trung Tấn (chủ biên) (2015), Lịch sử giáo dục huyện Hoằng Hóa, Nxb Thanh Hóa.

8. Quốc sử quán triều Nguyễn (1970), Đại Nam nhất thống chí (Tập 1), Nxb KHXH, Hà Nội.

9. Quốc sử quán triều Nguyễn (1970), Đại Nam nhất thống chí (Tập 2), Nxb KHXH, Hà Nội.

10. Trần Văn Thức, Nguyễn Hữu Tâm (2015),  Truyền thống hiếu học, một trong những tính cách đặc sắc của người Thanh Hóa qua các thư tịch cổ, trong Tài liệu Hội thảo khoa học Xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế, Trường Đại học Hồng Đức.

11. Phạm Văn Tuấn (2015), Di sản văn hóa xứ Thanh: Diện mạo và thách thức, trong Di sản văn hóa xứ Thanh trên đường hội nhập và phát triển, Nxb Thanh Hóa.

12. Sở GD&ĐT Thanh Hóa (1995), 50 năm giáo dục và đào tạo Thanh Hóa 1945-1995, sự kiện và thành tựu, Nxb Thanh Hóa.

13. Viện nghiên cứu Hán Nôm (2003), Đồng Khánh dư địa chí, Nxb Thế giới, Hà Nội.

 

 

Tin liên quan