Giải biểu tượng trong truyện ngắn Raymond Carver

1/8/2024 9:54:54 AM
TS. Nguyễn Thị Hạnh - Trường Đại học Hồng Đức

 

                        

“Liệu còn có nhà văn đương đại nào viết truyện ngắn hay hơn Raymond Carver?...” Robert Housston viết trên tờ The Nation, không phải là nhận xét vô căn cứ khi đọc các tập truyện ngắn của Raymond Carver – người được mệnh danh là “một Chekhov của nước Mỹ hậu hiện đại”. Gần như lật giở bất kì truyện ngắn nào của Raymond, với sự lựa chọn các chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng một cách có hệ thống cùng những khoảnh khắc để nhân vật hiện diện, “khai ngộ”, người đọc có thể dễ dàng nhận ra một nước Mỹ thời hậu công nghiệp với những hoang mang, hoài nghi và bất ổn. Thế giới mà nhà văn diễn trình qua hệ thống các truyện ngắn của mình luôn là thế giới đang hiện tồn nhưng tiềm ẩn và dự báo đầy nguy cơ, là thế giới của sự đổ vỡ những biểu tượng về một-trung-tâm-ý -nghĩa tồn tại. 

 

Đọc tập truyện Mình nói gì khi nói chuyện tình(1) của Raymond Carver, chúng tôi chọn ba truyện ngắn trong số đó, phần nào tổ hợp được sự tan vỡ biểu tượng về hôn nhân, hạnh phúc, gia đình, giá trị sống… mà con người trong cuộc sống hậu hiện đại đang phải đối mặt.

 

1. Sao không nhảy đi? - bản nhạc không lời của cái chết

 

Là truyện ngắn mở đầu cho tập truyện, Raymond Carver tiếp tục mở ra những mảnh đời với những lát cắt đời thường có vẻ quen thuộc trong xã hội Mỹ thế kỉ XX thông qua dung lượng con chữ không nhiều và sự tận dụng đến mức triệt để những chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng. Một cuộc sống tương đối tiện nghi được bóc trần, được lột vỏ, y như sự phơi bày những đồ dùng tiện nghi được đem ra bán lại. Một cái lò sưởi xách tay, một ghế mây có gối tựa, bộ tủ bếp bằng nhôm đánh bóng, một tấm vải muslin vàng, một món quà trải trên bàn, hộp dao nĩa bạc, một máy quay đĩa, một ti vi to kiểu đặt sàn, một cái ghế sofa, ghế tựa, một cái đèn để sàn, đồng hồ treo tường... được liệt kê như một bản danh sách các mặt hàng được bày bán trong cửa hàng. Kiểu bán đồ cũ (secondhand) không có gì xa lạ với người Mỹ. Nhưng cách liệt kê chúng một cách chi tiết và luôn đi kèm với con số “một” ngầm ẩn hai điều: chủ nhà hiện tại sống một mình và đã từng có cuộc sống trung lưu. Chủ nhà vừa mới trải qua sóng gió của cuộc hôn nhân đổ vỡ. Thì ra không cần mô tả bản lí lịch của người đàn ông – chủ căn hộ tiện nghi kia, người đọc đủ nhận ra chặng đời hiện tại của ông là sự cô độc, không vợ, không con. Nếu để ý kĩ hơn đến những chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng gợi mở trước mắt độc giả khi cặp đôi trẻ bước vào ngôi nhà của người đàn ông kia: “Họ ra khỏi xe và bắt đầu xem xét các thứ, cô gái sờ tấm vải muslin, chàng trai cắm phích cái máy xay và bật công tắc sang chế độ XAY NHUYỄN, cô gái cầm một cái đĩa bị mẻ lên, chàng trai bật tivi và chỉnh”. Khi đã quen với lối tiết chế ngôn ngữ của nhà văn, độc giả dễ dàng nhận ra trong câu kể mang tính liệt kê này chứa đầy những biểu tượng: một cuộc sống mỏng manh dễ vỡ (tấm vải muslin), một cuộc đời bị băm nhuyễn nát (máy xay và chế độ “MINCE” - được tác giả cố tình viết hoa), một quá trình trải nghiệm chỉ chuốc lấy toàn đắng cay, thất bại (cái đĩa bị mẻ). Cùng hoà trộn với lớp nghĩa biểu tượng này là thời khắc đêm tối và bóng tối bao trùm ngôi nhà: đốm lửa từ điếu thuốc của chàng trai, “cô nghĩ mình nhìn thấy một ngôi sao”, “ngôi nhà tối”, “các ngôi nhà dọc con phố lên đèn”… Tất cả quyện chặt vào nhau cùng gợi ra một bầu không khí ảm đạm cho ngôi nhà và chủ nhân của nó cũng như mang tính dự báo nguy cơ tiềm ẩn cho những kẻ bước chân vào ngôi nhà này.

 

Điểm đáng lưu ý là nhà văn lựa chọn bối cảnh ấy để hai nhân vật trẻ tuổi xuất hiện. Như chính Carver đã khẳng định rằng, ông hay quan tâm tới việc lựa chọn khoảnh khắc: “Phần lớn nhân vật trong truyện của tôi giống nhau ở một điểm: đến một lúc họ hiểu ra rằng sự thoả hiệp và nhượng bộ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống của họ. Khoảnh khắc đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống của họ. Khoảnh khắc khai ngộ đó làm thay đổi cuộc sống thường ngày của họ(2). Ở đây cũng vậy, khoảnh khắc căn nhà bày ra hàng loạt đồ dùng tiện nghi đơn lẻ là điểm dừng chân cho đôi bạn trẻ đang lo toan cho cuộc sống ở chung (nhà văn cũng không nói là họ sắp cưới hay mới cưới hay họ chỉ là những cặp đôi rất phổ biến trong đời sống hiện đại, thích là dọn về ở chung) đến chọn đồ. Nghịch lí đến trớ trêu ở khoảnh khắc ấy. Bất hạnh của người này rất có thể trở thành may mắn của người khác. Đôi bạn trẻ sung sướng lựa được những món đồ ưng ý, giá rẻ để góp nhặt dựng xây tổ ấm của mình. Thậm chí, chủ nhà còn cho phép họ tự đưa ra giá và  mời họ uống rượu và nhảy. Sự nhạy cảm mang tính bản năng của đàn bà giúp cô nhận ra người đàn ông kia đang tuyệt vọng. Bất hạnh của người đàn ông mở ra cơ hội tốt cho đôi bạn trẻ. Họ có được cái họ cần và thờ ơ trước cuộc sống của người khác. Thế giới này là thế giới không có sự sẻ chia. Cho nên, sau đó vài tuần, khi nghe tin người đàn ông kia chết, cô gái cố gắng kể lể với mọi người về ông ta. Cách “cô cứ nói mãi” rồi “cô cứ cố nói ra bằng lời” và “sau một thời gian, cô thôi không cố nữa” chỉ chất chồng thêm thói thờ ơ, lãnh cảm của con người trước bất hạnh người khác. Và hạnh phúc của cô được xây dựng trên sự góp nhặt từ đổ vỡ của người khác xem ra lại tiềm ẩn nguy cơ của sự bất ổn.

 

Bản thân nhân vật người đàn ông trong truyện được nhắc đến cũng rất kì lạ. Bề ngoài, người ta thật khó đoán định được ông đang chuẩn bị cho cái chết của mình. Ông mời họ ăn, uống vui vẻ và còn bật đĩa hát, rồi mời cô gái nhảy. Điệu bộ của ông vui vẻ, thoải mái, không có biểu hiện gì khác lạ. Nhưng tinh ý một chút, ta thấy ông dù cố gắng che giấu vẫn để lộ ra những hành động bất an. Nào là việc đồng ý bất cứ cái giá nào mà cô gái đưa ra khi lựa đồ, thậm chí, không ai bán hàng mà lại yêu cầu người mua tự đưa ra giá theo ý họ. Nghĩa là, với ông, tiền bạc lúc này không có nghĩa lí. Nào là hành động uống hết li rượu này đến li rượu khác. Nào là “ông dán mắt vào ti vi” và uống, “ông vươn người tới bật đèn để sàn lên”, “chính lúc đó điếu thuốc ông hút tuột tay rơi vào giữa đám gối dựa”, chứng tỏ mọi cái diễn ra quanh ông chẳng khiến ông bận tâm. Đến khi ông bật đĩa nhạc, ông mời hai người nhảy và sau cùng cô gái lại mời ông nhảy. “Ông cảm thấy hơi thở của cô trên cổ ông”, có thể cảm giác ấy đã gợi trong ông sự liên tưởng tới chiếc giường của mình, nơi đã từng ghi lại bao dấu ấn của hạnh phúc xưa cũ. Ông chợt nói với cô: “Tôi hy vọng cô thích cái giường”. “Cô gái nhắm mắt rồi mở ra. Cô ngả đầu lên vai người đàn ông. Cô kéo người đàn ông lại gần hơn” và nói: “Ông hẳn là đang tuyệt vọng lắm”. Hơi thở của cô trên cổ ông, lời nói êm dịu của cô, cái ngả vai nhẹ nhàng của cô là “đặc ân” cuối cùng ông nhận được trước khi chấp nhận vĩnh viễn chia tay với cuộc sống đơn độc, đổ vỡ này. Hành động “ông vươn người tới” để bật đèn sàn thể hiện sự nỗ lực cuối cùng của ông trong thế giới u tối mà ông đang đối mặt cũng chẳng làm ngôi nhà sáng lên mà “chính lúc đó điếu thuốc ông hút tuột tay rơi vào giữa đám gối dựa” tiềm ẩn một sự huỷ diệt kế tiếp đang đón đợi. Kiểu ngôn ngữ cực hạn của Carver khiến cho độc giả không thôi suy luận. Bản nhạc ông bật lên cũng là bản nhạc cuối cùng ông được nhảy. Bản nhạc không còn là một biểu tượng trung tâm gắn liền với hạnh phúc, ước mơ mà giờ đây nó tấu lên âm hưởng của nỗi tuyệt vọng sau sự đổ vỡ hôn nhân.

 

Có thể thấy, Sao không nhảy đi? là một truyện ngắn có tầng tầng lớp lớp các chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng. Daniel W. Lehman phát hiện ra rằng: Đằng sau hình ảnh “ánh sáng nhân tạo (những ngọn đèn), hoặc những hình ảnh (tivi), hoặc âm thanh (đĩa hát) hoặc sự gần gũi (chiếc giường ngủ và chiếc ghế dài), Carver dường như muốn nói rằng, không thể níu giữ lại bóng tối, thậm chí ngay cả những đối tượng của một mối quan hệ cũng không thể tạo ra hoặc duy trì mối quan hệ hoặc ngăn chặn sự tuyệt vọng của cái chết(3) . Con người không thể níu giữ được ánh sáng, được sự sống đã là một nỗi đau khổ lớn, đằng này, ngay cả bóng tối cũng không thể. Sự tuyệt vọng và đau khổ được nhân lên gấp đôi. Rốt cuộc, những con người của nước Mỹ hậu công nghiệp này hoặc là lớp người có tuổi tuyệt vọng và bế tắc trong cuộc sống nên tìm đến cái chết, hoặc là lớp người trẻ đang trên đường tìm cho mình một cuộc sống hạnh phúc nhưng được trao đổi và hoán vị từ bất hạnh của người khác. Đằng nào, họ cũng là những kẻ bất hạnh hoặc có nguy cơ sẽ rơi vào “nỗi tuyệt vọng của sự phân huỷ” (“the despair of dissolution(4)). Đúng như Nguyễn Vĩnh Nguyên đã nhận thấy “bầu khí quyển nguy cơ”(5) trong truyện ngắn của Raymond. Thế giới đang tồn tại hay tương lai phía trước, dường như chỉ có một con đường đến duy nhất: sự tuyệt vọng và hoài nghi, sự hoang mang và bế tắc, sự tan rã hoặc huỷ diệt. Một thế giới đã đánh mất đi cái-trung-tâm-ý-nghĩa-tồn-tại.

 

 2. Kính ngắm – những mảnh vỡ về nỗi hoang mang, sợ hãi

 

Vẫn với lối viết quen thuộc, không đi sâu mô tả hay kể lể về lai lịch, số phận của các nhân vật theo một trình tự nào, Carver bày lên trang viết của mình một nhân vật tôi và gã thợ chụp ảnh không tên tuổi, không rõ lai lịch, nghề nghiệp, không quá khứ, chỉ có hiện tại trước mắt được cắt mảnh, rằng tôi đứng từ cửa sổ ngôi nhà mình và nhìn thấy gã chụp ảnh chụp ngôi nhà của tôi. Đó là người thợ chụp ảnh bị cụt tay nhưng thao tác chụp và gài các đồ dùng với những móc bám trên người rất lành nghề, chuyên nghiệp chứng tỏ hắn ta dựa vào nghề này để kiếm sống. Sau đó, tay thợ xin dùng nhờ toilet nhà tôi. Tác phong, lời nói của gã rất tự tin, cứ như gã là chủ nhà còn tôi mới là người đi cầu cạnh. Gã phán xét cuộc sống của tôi như thể gã đã tường tận lí lịch của tôi. Xây dựng nhân vật hoán đổi ngôi vị cho nhau vốn quen thuộc trong lối viết của Carver. Chủ nhà lại có vẻ giống như khách, khách có vị thế như chủ nhà. Từ Những người đi thu tiền, Hàng xóm... trong tập truyện Em làm ơn im đi được không? cho đến Sao không nhảy đi?, Kính ngắm... trong tập Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình đều có kiểu hoán vị này. Trong Kính ngắm, gã chụp ảnh muốn bán những bức ảnh chụp ngôi nhà của tôi. Tôi đồng ý mua và yêu cầu gã chụp cho tôi thêm một số bức nữa. Tôi trèo lên mái nhà mình, tay cầm những viên sỏi ném thật xa trong tư thế rất chênh vênh, nguy hiểm và yêu cầu gã chỉnh kính ngắm và chụp.

 

Daniel W. Lehman, khi so sánh hai truyện ngắn Sao không nhảy đi?Kính ngắm, phát hiện ra điểm chung giữa chúng là cùng có “cấu trúc mang tính biểu tượng” và cả “hai câu chuyện về một người đàn ông sẽ trả lời như thế nào khi ngôi nhà của mình, cuộc sống của mình đang bị tấn công”, nhưng khác là “hai người đàn ông phản ứng theo những cách rất khác nhau: một câu chuyện kết thúc bế tắc, còn câu chuyện kia ít nhất vẫn gợi mở một hành động có ý nghĩa(6). Chúng tôi lại không cho là như vậy vì kết thúc tác phẩm, cả hai nhân vật của hai truyện đều rơi vào trạng thái bế tắc và tuyệt vọng như nhau, nhưng cách thức phản ứng trước khi rơi vào kết cục bi đát thì khác nhau. Nếu Lehman căn cứ vào lớp nghĩa biểu tượng của các chi tiết: những tảng đá, máy ảnh, ngôi nhà riêng “được phú cho ý nghĩa chỉ sự hướng tới tương lai tốt đẹp, hơn là sự thất vọng có chủ ý” theo hướng biểu tượng một trung tâm thì chúng tôi nhận thấy dường như không phải là như vậy. Bởi lẽ, ta hãy xem các chi tiết này được đặt trong bối cảnh ẩn chứa bi kịch và sự bế tắc.

 

Tôi (tay chủ nhà) tưởng chừng muốn nỗ lực thay đổi cuộc đời tăm tối, cô độc (có lẽ sau khi vợ con rời bỏ), muốn lưu lại dấu ấn cuối cùng trong cuộc đời mình qua ống kính của tay thợ ảnh nhưng lại tiềm ẩn đầy nguy cơ, dự báo cái chết đang cận kề. Anh ta trèo lên mái nhà, vung tay cật lực ném viên đá đi xa và rất có thể sẽ lộn nhào bất cứ lúc nào. Hành động của anh ta chẳng khác nào kẻ trong cơn cuồng điên muốn tự vẫn. Hòn đá trong tay anh ta được ném đi không phải hướng về một thế giới tốt đẹp của tương lai phía trước mà là những nỗ lực cuối cùng trước khi rơi vào bế tắc. Vị trí anh ta đứng quá chông chênh (“trên nóc nhà”), trạng thái có vẻ bị kích động (“hét”, “la”, “gào”) và tôi tự nhận thấy ngôi nhà của mình chẳng khác nào “thảm kịch” (“Tất tần tật. Chúng mang đi hết rồi” – ám chỉ những đứa con và có lẽ cả vợ nữa). Chỉ bằng cách nói kiệm lời này của tôi, người đọc có thể hình dung ra bất hạnh mà nhân vật vướng phải. Nhà văn không gọi tên cụ thể, song hẳn rằng thảm kịch trong ngôi nhà của tôi không phải do áp lực cuộc sống, công việc mà do cuộc sống gia đình, vợ con gây ra. Bất hạnh này thường trở đi trở lại trong các truyện ngắn của Raymond Carver. Và Kính ngắm là sự phá vỡ biểu tượng trung tâm về thế giới của khát vọng, ước mơ quen thuộc mà trở thành biểu tượng mới cho nối hoang mang và sợ hãi.

 

Trong khi đó, đối lập với tôi, gã chụp ảnh có vẻ như là một con người rất nỗ lực vươn lên khắc phục hoàn cảnh sống đáng thương của gã. Gã bị cụt bàn tay nhưng vẫn đường hoàng và tự tin kiếm sống bằng nghề chụp ảnh. Nhìn cách gã trang bị đồ nghề cho mình đủ biết gã nỗ lực nhường nào. Gã buộc chặt cái máy ảnh vào “những cái đai da thắt lại thành vòng qua vai rồi chạy khắp lưng” để có thể siết chặt cái máy ảnh vào ngực khi chụp ảnh. Nhìn cách gã đi, đứng, nói năng, bàn luận khi vào trong nhà tôi để dùng nhờ toilet và thoả thuận giá cả, người ta đủ nhận thấy gã tuy bị cụt tay nhưng rất tự tin, đường hoàng. Gã giống kẻ từng trải qua đau khổ và bất hạnh để trụ vững trong thế giới đầy bất trắc. Do vậy, không cần nhiều lời, không cần miêu tả chi tiết, gã dễ dàng nhận diện cuộc sống riêng của chủ nhà. Khi gã nhìn vào phòng khách, gã lắc đầu và và bình luận: “Vất vả, vất vả”, rồi gã “ngả người ra sau thở dài, và mỉm cười như thể biết một điều gì đó mà sẽ không nói cho tôi”. Lát sau, trong khi trao đổi về bức ảnh chụp ngôi nhà tôi và có tôi trong đó, gã còn khẳng định và gọi tên được thảm kịch của tôi: “Bọn nó lớn rồi bỏ ông đi”, “tôi cũng từng có con, cũng như ông”. Thì ra, “thảm kịch” mà những người đàn ông trong truyện này gặp phải có vẻ như rất phổ biến trong xã hội, cho nên nhìn vào cái bếp, phòng khách của ngôi nhà, người ta có thể “chỉ mặt, đặt tên” ngay loại thảm kịch mà con người đương mắc phải. Nếu trong một số truyện ngắn khác của Carver, nhà văn chỉ ra vấn nạn về tai nạn xe cộ, áp lực công việc, nguy cơ thất nghiệp đang đè nặng lên tâm lí của con người hậu công nghiệp tạo nên những tâm lí bất an thì trong Sao không nhảy đi?, Kính ngắm, ông lại chỉ ra được nguy cơ đẩy con người rơi vào tuyệt vọng, bi quan và cái chết nhanh nhất chính là sự đổ vỡ gia đình. Cách tôi nói trước khi tôi trèo lên mái nhà tìm đến cái chết nghe thật não nề: “Tất tần tật. Chúng mang đi hết rồi”. Tiếng kêu thương đau, não nùng, tuyệt vọng nghe sao gần với tiếng kêu của lão Goriot trong tác phẩm cùng tên của Balzac. Nhưng nếu lão Goriot của Balzac trước khi chết vẫn hy vọng vào những đứa con thì nhân vật của Carver lại hoàn toàn tuyệt vọng.

 

Đáng nói là, về phía nhân vật gã chụp ảnh, dù nỗ lực vượt qua hoàn cảnh đầy tự tin đến thế, tưởng chừng không còn bão giông nào trong cuộc đời này khiến gã bất ngờ nữa thì đến phút sau chót, gã buộc phải gào to khi nhìn thấy hành động bất thường của tôi. Tiếng gào của gã: “Tôi không chụp ảnh động” vừa thể hiện cảm giác hoang mang, lo lắng cho số phận của tôi vừa là nỗi hoang mang, lo lắng cho niềm tin của chính mình. Không ngờ, hòn sỏi trong tay người khách hàng quẫn trí, tuyệt vọng kia lại làm khuấy động vùng tĩnh lặng của cuộc đời tưởng chừng đã hết sóng gió của gã. Lại vẫn là việc lựa chọn “khoảnh khắc” của Carver. Tưởng như “khoảnh khắc khai ngộ” ấy có thể làm thay đổi được cuộc đời của tôi và gã chụp ảnh, song, cuối cùng, đó vẫn chỉ là “khoảnh khắc thoáng qua khi họ không muốn nhân nhượng nữa. Thế nhưng sau đó, họ nhận ra rằng chẳng có gì thực sự thay đổi hết(7).

 

Thêm một lần nữa, gã nhận ra, cuộc đời này là sự tiếp nối liên tục của những con người, những số phận với nguy cơ của sự tuyệt vọng luôn đe doạ. Hôm nay, con người ta tưởng chừng đã có thể lấp đầy những bất hạnh, những tuyệt vọng của ngày hôm qua để nỗ lực vươn lên, nhưng ngày mai, họ lại có thể bị rơi vào những tuyệt vọng khác. Cuộc đời con người hoá ra chỉ sống bằng chuỗi dài hoài nghi và mất niềm tin. Đó là thế giới chứa đầy những hoang mang của những con người như tôi, như trong những biểu tượng trung tâm mới...

 

3. Thanh thản – cách định danh mới của sự bất ổn

 

So với hai truyện ngắn trên, Thanh thản có số lượng nhân vật nhiều hơn. Và cũng giống như Kính ngắmSao không nhảy đi?, nhân vật của Thanh thản cũng không được gọi tên cụ thể mà xuất hiện theo kiểu định hình, định tính, định nghề, gồm tay bảo vệ (sau này được biết tên là Charles), tay già (có tên là Albert), tay cầm tờ báo, tay thợ cắt tóc (tên là Bill) và tôi. Lại vẫn là việc lựa chọn khoảnh khắc để khơi gợi xung đột, Carver quy tụ các nhân vật vào trong cửa hiệu cắt tóc. Trong lúc đợi đến lượt mình, tay bảo vệ kể chuyện hắn ta đi săn và bắn được con hươu già đã kích thích và tạo ra cuộc xung đột nảy lửa giữa ba người, trừ tôi đang được cắt tóc.

 

Tưởng chừng tôi là nhân vật được lắng nghe và chứng kiến cuộc va chạm giữa bọn họ thì điểm nhìn sẽ tập trung vào tôi song không phải như vậy. Lúc này, nghệ thuật phi trung tâm điểm nhìn được Carver phát huy tối đa. Điểm nhìn được chia đều cho năm nhân vật, với số lượng phát ngôn không đều nhau nhưng rất khó phân định điểm nhìn trung tâm thuộc về ai. Bởi câu chuyện liên quan đến ba nhân vật: tay bảo vệ, tay giàtay cầm tờ báo dẫu chiếm tới ¾ dung lượng truyện ngắn, song phần cuối câu chuyện sức ám ảnh lại có vẻ nghiêng về cảm giác của tôi. Vậy nên, xét về chủ đề, điểm nhìn, nhân vật,... tất cả đều dừng ở mức phi trung tâm. Đằng sau nó, một chuỗi các chủ đề được tạo dựng.

 

3.1. Thế giới của những bất ổn

 

Chỉ cần thông qua câu chuyện kể của tay bảo vệ, người ta đã tập hợp được một chuỗi những bất ổn đang tồn tại trong thế giới đó. Trước hết, khi vấn đề cơm áo, gạo tiền không quá đè nặng lên đôi vai của con người hiện đại thì thú săn bắn đang trở thành vấn nạn. Tay bảo vệ hào hứng kể chuyến đi săn của mình. Hắn ta làm bảo vệ nhưng giọng của hắn người nghe được sẽ thấy mình hiện chẳng được an toàn, chẳng được bảo vệ chút nào. Hắn sung sướng kể lại chiến tích bắn được con hươu già đáng thương. Hắn dửng dưng khi mô tả những vệt máu của con vật tội nghiệp: “Máu trên mặt đất và máu trên lá. Máu khắp nơi”, thậm chí còn nhấn mạnh: “Tôi chưa bao giờ gặp con hươu già nào mà lắm máu đến thế” nghĩa là tội ác của hắn đã gây ra rất nhiều lần. Hắn lạnh lùng khi nhìn xác con vật được làm thịt để nhậu: “con hươu về lều rồi, treo lên, và làm ruột sạch bong, tim, thận đã gói lại bằng giấy nến bỏ vào thùng đá” và ngợi ca việc ông bố của gã kết liễu được con hươu đó là “xuất thần”. Đáng buồn hơn, cuộc đi săn thú rừng này không chỉ có riêng cá nhân hắn mà còn có tới nhiều đối tượng – đại diện cho nhiều thế hệ: cha hắn – hắn – thằng nhỏ. Nghĩa là vấn nạn tàn phá môi trường, thiên nhiên hoang dã dự báo nguy cơ đáng báo động.

 

Lại nữa, trong câu chuyện kể của tay bảo vệ, dù hắn kể rất lướt, như là một sự việc bình thường hiện tồn, ta lại thấy ám ảnh với hình ảnh thằng nhỏ hẳn còn là trẻ con mới lớn “nốc rượu say mềm và săn gái suốt đêm”, là đám người “vặt trộm những quả xanh non trong vườn cây ăn quả”. Tất cả đều là sự tàn phá: tàn phá môi trường, tàn phá sức khoẻ, tàn phá thành quả lao động.

 

3.2. Thế giới của những xung đột

 

Xung đột được hiện lên trong tác phẩm không phải là những cuộc chiến tranh đẫm máu với quy mô lớn mà là những va chạm nảy lửa giữa con người với con người nhưng có thể gây ra án mạng bất cứ lúc nào. Người Mỹ từng rất tự hào với tuyên ngôn “nhân quyền”, nhưng giờ đây, ngay giữa thời bình, nhân quyền là kiểu người lớn dạy trẻ con bằng bạo lực. Tay bảo vệ sẵn sàng “bạt tai thằng nhóc” khi nó bắn trượt con hươu và nôn mửa. Giả dụ như, cái bạt tai ấy của hắn dành cho thằng nhỏ vì tội “nốc bia say mềm và săn gái suốt đêm” thì không có gì đáng nói. Đằng này, khi thằng nhỏ bắn trượt con hươu thì nó sẵn sàng bị hình phạt bằng bạo lực của người lớn.

 

Bản thân thế giới người lớn tồn tại trong thế giới này chỉ là những cuộc khiêu khích nhau bằng “cuộc chiến” này lửa. Đầu tiên là khiêu khích bằng ngôn ngữ. Lời qua tiếng lại, tay bảo vệ và tay già đốp chát nhau. Mâu thuẫn không phải bắt đầu từ chuyện đi săn con hươu của tay bảo vệ mà là cả hai đã phát hiện ra nhau. Cả hai đã từng có xung đột. Nguy cơ của sự đổ máu tiềm ẩn và bùng phát bất cứ lúc nào. Và sau cùng, cả hai thách đố nhau bằng đề nghị: “ra ngoài chiến”. Sau đó, nhà văn không mô tả diễn biến tiếp theo mà chỉ khép lại bằng 3 phát ngôn ngắn giúp độc giả đủ nhận ra cuộc chiến sắp diễn ra không chỉ có hai người mà khả năng kéo cả ba người vào cuộc. Truyện của Raymond Carver vì thế đem lại sức ám ảnh lớn từ những câu chữ ngắn, gọn.

 

3.3. Thế giới của những tật bệnh

 

Vẫn trong truyện ngắn này, bên cạnh những bất ổn và xung đột tồn tại trong cuộc sống được khơi gợi đằng sau những trang viết của nhà văn, một thế giới của những tật bệnh còn khiến cho người đọc cảm thấy rợn người khi tôi tự có cảm giác “thanh thản”. Ngoài tay già được người thợ cắt tóc thông báo là “sắp chết vì bị khí thũng” thì tay thợ cắt tóctôi cũng khiến cho người đọc lo lắng trước những căn bệnh khá phổ biến của thời đại này.

 

Rõ ràng là tay thợ cắt tóc có sự bất thường về giới tính. Thử xem cách người thợ cắt tóc biểu lộ với khách hàng đồng giới là tôi có kì lạ không: “Bọn tôi cùng nhau nhìn vào gương, tay y vẫn ôm đầu tôi. Tôi đang nhìn mình, và y cũng đang nhìn tôi. Nhưng nếu có thấy gì đó, người thợ cũng không lên tiếng nhận xét. Y luồn tay vào vuốt tóc tôi. Y lần tay dịu dàng như người tình.”

 

Vấn đề bệnh đồng giới (gay) đang ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới hậu hiện đại. Chủ trương hướng tới đời sống tinh thần tự do đối với một số người, giờ đây trở thành một trào lưu bệnh hoạn. Hành động của tay thợ cắt tóc không còn bình thường. Nhẽ ra, cảm giác ghê rợn sẽ là phản ứng tự nhiên của tôi khi y lần tay vuốt tóc “dịu dàng như người tình” thì khi nhớ lại, tôi lại cảm thấy “thanh thản” và “ngọt ngào” khi “nhắm mắt lại và để cho những ngón tay của người thợ lùa vào...”. Tôi đồng loã cho hành động bất bình thường của tay thợ cắt tóc. Thế giới này quả thực là một mớ những “hỗn độn” (Chaos), mọi quy chuẩn hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự hiện diện và lên ngôi của những lệch lạc tâm lí, giới tính và cách hành xử.

 

Truyện ngắn duy nhất của Raymond Carver có nhan đề là Thanh thản thì lại chẳng thanh thản chút nào. Hay nói chính xác hơn, thế giới này đã đưa ra sự định danh, định tính cho khái niệm thanh thản một lớp nghĩa mới. Nghĩa là, tồn tại và đối mặt với thế giới hậu hiện đại, con người sẽ hoài nghi tất thảy mọi giá trị: từ khái niệm cho đến thực tiễn và từ đó con người hoài nghi cả chính mình. Ngay cả tôi cũng vậy. Ban đầu, tôi có vẻ lạc loài trong thế giới hỗn độn ấy nên đã nỗ lức để từ bỏ Crescent City của California, nơi có hiệu cắt tóc và tay thợ bị bệnh đồng giới kia. Thế mà “hôm nay, tôi nghĩ lại nơi đó” cùng cảm giác thanh thản khi nhắm mắt lại cùng thông điệp cuối cùng được gợi ra: “những sợi tóc đã bắt đầu mọc”, nghĩa là rất có khả năng tôi sẽ quay trở lại hiệu cắt tóc ấy”. Tưởng chừng sự cố gắng dứt bỏ sẽ giúp tôi thanh thản song hoá ra không phải như vậy. Rốt cuộc, tôi lại trở thành kẻ đồng loã cho thế giới của những bất thường kia. Tôi cũng là một kẻ bệnh hoạn.

 

Như vậy, sử dụng hệ thống các chi tiết mang tính biểu tượng theo cách làm tan rã biểu tượng trung tâm và sự lựa chọn những “khoảnh khắc khai ngộ” là một trong những cách Raymond Carver có thể dễ dàng khái quát hóa thân phận con người của nước Mỹ hậu hiện đại đang hàng ngày hàng giờ đối diện với nỗi bất an và nguy cơ hủy diệt. Tuy nhiên, theo William L. Stull, Carver đã từng tuyên bố: “Tôi là một nhà nhân bản” bởi ông cho rằng: “Nghệ thuật không phải là tự thể hiện” mà “đó là sự kết nối”(7). Chính vì thế, truyện ngắn của nhà văn không chỉ phản ánh một cách chân thực mặt tối của nước Mỹ thời Reagan như ông đã từng gọi (“the dark side of Reagan’s America(8)) mà quan trọng hơn, người đọc có thể sẻ chia, đồng cảm với những số phận bất hạnh. Dẫu rằng, nỗi hoang mang, tuyệt vọng bao trùm lên các nhân vật trong Kính ngắm, Sao không nhảy đi, hay Thanh thản,... điều đó không có nghĩa các truyện ngắn ấy khiến cho người đọc cũng rơi vào trạng thái tuyệt vọng, hoài nghi bởi nhà văn, thông qua chuỗi truyện ngắn của mình không phải trưng ra mà còn gợi cho chúng ta biết bao suy nghĩ và sẻ chia. Từ những tiếng kêu khắc khoải ấy, truyện ngắn của Raymond Carver đã kết nối được cho những thế hệ của thời đại sau ông những nỗ lực và cố gắng. Đứng ở góc độ này, ít nhiều ta nhận ra giá trị nhân bản mà nhà văn muốn gửi gắm.

 

Chú thích:

(1) Carver, Raymond (2012), Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình, (Dương Tường, Nguyễn Hạnh Quyên dịch), Nxb Văn hóa Sài Gòn; Carver, Raymond (2009), Where I`m calling from, New and selected stories, The Atlantic Monthly Press, Nerw York.

(2), (7), (8). Stull, William L. and Gentry, Marshall Bruce (editors) (1990), Conversations with Raymond Carver (Literary Conversations Series), University of Mississippi.

(3), (4). Lehman, Daniel W. (2006), Symbolic significance in the stories of Raymond Carver, Journal of the short story in English, Vol. 46, p. 78 - 79.

(5). Nguyễn Vĩnh Nguyên, Raymond Carver trong bầu khí quyển nguy cơ (http: www.baomoi.com/ Raymond Carver trong bau khi quyen nguy co)

(6). Dẫn lại theo Phillip Carson, Nhãn quan của Raymond Carver (http: //tieulun.hopto.org:25000)

 

 

(Bài đã in trong Đặc trưng truyện ngắn hậu hiện đại Hoa Kỳ, Lê Huy Bắc chủ biên,

Nxb Văn học, Hà Nội, 2015, tr. 113 – 124).

 

 

Tin liên quan