Nghiệm thu đề tài cấp bộ: “Xây dựng các dạng câu hỏi, bài tập hướng dẫn sinh viên học hợp tác khi dạy các học phần Văn học sử ở Đại học”

1/19/2013 11:47:47 AM
8h sáng ngày 30/10/2011, tại phòng 206 nhà A5 cơ sở 1, Tiến sĩ Hoàng Thị Mai (Phó trưởng khoa Khoa học Xã hội) cùng cộng sự đã bảo vệ thành công đề tài cấp bộ: “Xây dựng các dạng câu hỏi, bài tập hướng dẫn sinh viên học hợp tác khi dạy các học phần Văn học sử ở Đại học”. Đề tài được hội đồng thẩm định đánh giá cao về khả năng ứng dụng trong giảng dạy và học tập, có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành Ngữ văn Khoa Khoa học Xã hội.

Đề tài hướng tới mục tiêu nghiên cứu xây dựng được một hệ thống các dạng câu hỏi, các bài tập nhóm về các học phần Văn học sử theo hướng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo và kỹ năng hợp tác cho sinh viên. Đề tài góp phần bổ sung hoàn thiện hóa hệ thống lý thuyết về các hình thức dạy học tích cực trong học học văn nói chung, dạy học Văn học sử ở nhà trường đại học nói riêng. Ngoài ra, các tác giả đã cụ thể hóa các căn cứ, cách thức xây dựng câu hỏi, bài tập; đề xuất một số dạng câu hỏi, bài tập nhóm có khả năng phát triển tư duy phê phán, tư duy sáng tạo và khả năng hợp tác của sinh viên.

Để hoàn thành đề tài, nhóm tác giả đã đưa ra cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng câu hỏi, bài tập cho sinh viên HHT khi dạy các học phần Văn học sử ở trường đại học; bên cạnh đó là các dạng câu hỏi, bài tập cho sinh viên học hợp tác khi dạy các học phần văn học sử;  và cuối cùng là phần thực nghiệm. Trong đó đáng chú ý là các dạng câu hỏi, bài tập cho sinh viên mà nhóm tác giả đã đề xuất, đó là:

-          Theo cấp độ tư duy;

-          Theo đặc điểm, kiểu bài Văn học sử;

-          Theo tiến trình dạy học;

-          Theo kiểu giờ học;

-          Theo số lượng sinh viên thực hiện.

Các tác giả đã đi đến các kết luận:

  1. Kỹ năng hợp tác là tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực, trình độ người lao động bối cảnh kết nối toàn cầu hóa, vì vậy nó trở thành yêu cầu bắt buộc mà các trường đại học ở Việt Nam cần hình thành cho sinh viên. Việc nghiên cứu thiết kế hệ thống tình huống, câu hỏi, bài tập, vấn đề, dự án phù hợp cho sinh viên học theo nhóm luôn là một đòi hỏi cấp thiết của mỗi môn học, ngành học
  2. Việc thiết kế hệ thống tình huống, câu hỏi, bài tập cho sinh viên học hợp tác vừa phải dựa trên những thành tựu mới của khoa Lý luận phê bình văn học và lịch sử văn học, vừa phải dựa trên những thành tựu lý luận của tâm lý học, giáo dục học hiện đại. Câu hỏi, bài tập vừa phải xuất phát từ những căn cứ lý luận khoa học vừa phải có khả năng lôi cuốn, thách thức trí tuệ sinh viên, khơi gợi ở họ niềm đam mê luận giải sâu sắc vấn đề nhằm phát triển các kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng nghiên cứu và hợp tác.
  3. Các học phần Văn học sử bao gồm một phạm vi kiến thức vô cùng rộng lớn. Một số kiểu dạng bài tập, câu hỏi mà các tác giả đưa ra chỉ là những dạng chung. Việc sử dụng để đạt hiệu quả còn tùy thuộc vào đối tượng cụ thể của từng nhóm, lớp sinh viên; phân phối chương trình, đề cương chi tiết học phần và vai trò cố vấn dẫn dắt của người thầy.
  4. Câu hỏi, bài tập hợp tác có những yêu cầu và nguyên tắc cụ thể; mỗi học phần có mục tiêu, nội dung, đặc điểm kiến thức khác nhau đòi hỏi phải có những căn cứ cụ thể khoa học khi xây dựng các câu hỏi, bài tập.

 Đề tài đã được hội đồng thẩm định đánh giá cao về khả năng ứng dụng trong giảng dạy và học tập, có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành Ngữ văn Khoa Khoa học Xã hội.

 

Thực hiện: Việt Hoàng

Tin liên quan