Tác giả Phạm Tiến Triều - Cựu sinh viên Đại học Sư phạm Ngữ Văn, Trường Đại học Hồng Đức

12/23/2022 11:25:22 AM
Phạm Tiến Triều là sinh viên khóa 1 Đại học Sư phạm Ngữ Văn của Trường Đại học Hồng Đức. Với quan niệm “Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người”, Phạm Tiến Triều đã miệt mài, đam mê giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa Mường đến cộng đồng rộng lớn suốt từ thời sinh viên Đại học. Đến nay, sau một quãng thời gian đủ dài, anh đã có một gia tài đáng trân trọng gồm 5 tập thơ đã được xuất bản và nhiều tác phẩm báo chí với nhiều giải thưởng của các hội, các báo chí văn nghệ trung ương và địa phương. Phạm Tiến Triều đã trở thành gương mặt trẻ tiêu biểu của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, góp phần bổ sung, làm phong phú, giàu có diện mạo và thành tựu văn học dân tộc thiểu số. Website khoa Khoa học xã hội trân trọng giới thiệu tác giả - cựu sinh viên Phạm Tiến Triều và một số tác phẩm của anh.
Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202212/Images/trieu-1-20221223112828-e.jpg

 

Nhà thơ PHẠM TIẾN TRIỀU

Sinh ngày: 10/07/1979; Dân tộc: Mường.

Quê quán: xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

Chỗ ở hiện tại: Khu tập thể giáo viên trường THCS&THPT Như Thanh, thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hoá;

Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Điện thoại: 0961534166; Email: phamtientrieu1979@gmail.com

Tác phẩm đã xuất bản:

1) Thơ tình gửi mùa đông - Tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 2002.

2) Ta là người của núi - Tập thơ, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, Hà Nội 2014.

3) Mùa bông trăng - Tập thơ, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội 2016.

4) Người mường Trại - Tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 2019.

5) Bùa lá - Tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 2020.

Giải thưởng văn học:

- Giải Ba cuộc thi viết Đất và người xứ Thanh nhân dịp Năm du lịch quốc gia 2015 trên Báo Văn hoá và Đời sống với bút kí Trôi giữa đại ngàn.

- Giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2016 - Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho tập thơ Mùa bông trăng.

- Giải Nhì về thơ (Không có giải Nhất) Cuộc thi Sáng tác Văn học trẻ trên Tạp chí Xứ Thanh năm 2018 cho chùm thơ: Bùa lá, Lũ trẻ với những chú chim non.

- Giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020 - Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ Bùa lá.

- Giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020 - Hội văn học nghệ thuật Thanh Hóa cho tập thơ Bùa lá.

- Giải Nhì cuộc thi kí Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2020 trên Tạp chí Xứ Thanh cho bút kí Khát vọng xanh.

Quan niệm về văn chương: “Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình”.

 

 

 

DÂNG

 

Cha mẹ sinh ta trong ngày đói

mẹ rệu rã bàn tay cấu nát mặt sàn (1)

dâng sinh linh bé nhỏ

đón ánh bình minh

 

ta lớn lên

cha ra bến quăng lưới vào mùa đói khát

thu về một mẻ lặng thinh

người dâng từng bữa nhịn

để con lớn thành người

 

một ngày

đứa trai Mường lớn lên trong sắn khoai

biết chạy như con báo rừng tìm miếng ngon dâng cha mẹ

biết vượt qua gió xé

lớn lên

 

một ngày

gã trai Mường biết dâng em lời ngọt thương

biết vượt qua ba mường bảy núi

biết buộc vía (2) em vào nhớ

biết đưa em về mường

biết dâng lời yêu thương...

 

_____________

(1) Mặt sàn: Sàn nhà gác của người Mường làm bằng gỗ hoặc tre, luồng,...

(2) Buộc vía: Một tập tục đẹp trong văn hoá Mường (mang ý nghĩa tinh thần, tâm linh). Theo quan niệm của người Mường, vía phải luôn bên người mới mạnh khoẻ nên phải làm lễ buộc vía. Khi ốm đau, phải làm lễ gọi vía (hôốc vại). Khi trai gái yêu nhau, vía của họ cũng quấn quýt lấy nhau. Buộc vía cho trai gái (vợ chồng) thể hiện lòng chung thuỷ giữa hai người với nhau.

 

 

 

BÙA LÁ

 

Những chiếc lá thương lá yêu

cho anh câu xường hẹn buổi gặp nhau bên suối

để anh biết em đêm nào cũng bứt lá đếm yêu

lá quấn thương vào nhớ

lá quấn em vào anh

một đời

 

câu xường thương theo lá uốn trên môi

dẫn anh theo lối về mường em ngày hội

dắt vía anh vượt ba núi bảy mường

vía quấn vào chân thang

vía lang thang thung núi

quên lối, quên đường

 

em giận anh nỗi hờn loang câu xường

khi anh không kịp ngỏ lời xường yêu đêm trăng

để lá thương lá nhớ

lá rơi trên tay em

lá giận, lá hờn

 

ngày em về làm dâu, làm con

những chiếc lá xoè vòng tay ôm em vào lòng núi

lá giữ vía em không đi lạc mường

giữ chân em cho chắc

cầm tay em cho bền

 

ngày ngày em lên nương

những chiếc lá cho bông yêu đơm nụ

cho bông thương kết hoa

đất mường ta kết trái

để em không phải bứt lá đếm yêu

cho lá quấn thương vào nhớ

cho lá quấn em vào anh

một đời…!

 

 

 

LŨ TRẺ VỚI NHỮNG CHÚ CHIM NON

 

Ngày con chim rừng tha sợi khói chiều quê về góc vườn làm tổ

những kẻ đi săn rình mò ngày chúng nở bầy chim non

những chiếc cánh đập đập háo hức

những chiếc mỏ xinh xinh chờ mồi

 

ngày chim mẹ mải miết đi tìm sâu cho lũ chim non

những người đi săn lại rình mò lũ chim con khờ khạo

chúng bắt về những ngôi nhà mang hình chiếc hộp

tập cho lũ chim non tấu lên bản nhạc ngợi ca lũ người đi săn

 

một ngày

những chú chim non trở thành bạn thân của lũ trẻ lên ba, lên năm

đôi cánh đã muốn cất mình bay cao

đôi mắt đã muốn nhìn xa

và những chiếc mỏ đã muốn mổ mồi tự lập

lũ trẻ biết những bạn thân muốn trở về nơi đã ra đi

 

một ngày

lũ trẻ vẫy tay chào những đôi cánh thiên di

sẽ đưa lũ chim non trở về rừng mẹ

những đôi mắt non tơ ứa lệ

nhìn lũ chim bay hút cuối trời...

 

 

 

LỠ

                   

Ta đã lỡ chạm yêu vào hoang lạnh

trời trở thương ngày gió díu dan mùa

thì mặc phố cứ cậy sương mỏng mảnh

để môi chiều vương sắc tím hoa mua

 

Ta đã lỡ chạm yêu vào mây biếc

trời lúc mưa, lúc nắng thuở dậy thì

dùng dằng phố, áp mình lên ngực cỏ

dùng dằng thương quên cả lối thiên di

 

Ta đã lỡ chạm yêu ngàn thông hát

xanh ngút xanh cho phố mãi nồng nàn

thì mặc gió, mặc mưa, mặc hoang lạnh

giữa trăm năm say vũ khúc bazan

 

Ta đã lỡ chạm yêu vào ánh mắt

ai bỏ quên chiều ấy ở bên đường

đã lỡ chạm nỗi yêu vì giọng nói

lời mềm môi nghe thương đến là thương

 

Đã trót lỡ chạm yêu vào Đà Lạt

nói rằng yêu, yêu đến mấy cho vừa

vì trót quên tim mình nơi dốc vắng

trong chiều hoang phố núi dùng dằng… mưa…!

Trại sáng tác Đà Lạt 2017

 

 

MÙA SIM

 

Trời chạm mùa, trở chứng

Lúc nắng rồi lúc mưa

Sim nở tràn thung núi

Đổ tím ngát ngàn Nưa (1)

 

Cỏ cứ thơm đến lạ

Biêng biếc tràn thung sâu

Lúc hờn rồi lúc giận

Em hay là cơn ngâu

 

Tuổi thơ anh ngập nắng

Tuổi thơ em tràn mưa

Ta bay trong cổ tích

Qua những triền sau xưa

 

Trải qua mùa sim chín

Căng mọng bên sườn đồi

Em lớn thành thiếu nữ

Êm êm ngọt nụ môi

 

Qua bao là năm tháng

Qua bao chuyện xưa sau

Về ngang mùa sim chín

Lòng tím ngát thung sâu...

__________________


(1) Ngàn Nưa: Dãy núi huyền thoại gắn với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, cũng là ranh giới hai huyện Như Thanh và Triệu Sơn, nơi có Am Tiên linh thiêng. Phía giáp Như Thanh mọc bạt ngàn sim, mua.

 

 

 

Tin liên quan