Thần Độc Cước - Biểu tượng trong đấu tranh chống thế lực ngoại xâm và bảo vệ biển đảo của cộng đồng ngư dân Thanh Hóa

10/4/2021 2:46:01 PM
Thần Độc Cước trong tín ngưỡng bản địa của cư dân vùng ven biển Bắc Trung Bộ và trong giao lưu với các tín ngưỡng ngoại lai được hiển hóa dưới nhiều hình hài khác nhau như: thiên thần, nhân thần, môn đệ của Phật, thánh hóa của Đạo giáo. Dù hiển hóa ở vai trò nào, hình tượng nào thần Độc Cước cũng thể hiện hình ảnh một vị thần luôn đồng cam, cộng khổ cùng nhân dân lao động. Bên cạnh đó hình tượng thần Độc Cước – hình tượng cậu bé đứng một chân được tôn thờ trong các thần điện, Phật điện là biểu tượng cho sự kiên cường, anh dũng của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống cái ác, cái hung bạo.
ThS. Hoàng Hồng Anh[1]

 

Thần Độc Cước trong tín ngưỡng bản địa của cư dân vùng ven biển Bắc Trung Bộ và trong giao lưu với các tín ngưỡng ngoại lai được hiển hóa dưới nhiều hình hài khác nhau như: thiên thần, nhân thần, môn đệ của Phật, thánh hóa của Đạo giáo. Dù hiển hóa ở vai trò nào, hình tượng nào thần Độc Cước cũng thể hiện hình ảnh một vị thần luôn đồng cam, cộng khổ cùng nhân dân lao động. Bên cạnh đó hình tượng thần Độc Cước – hình tượng cậu bé đứng một chân được tôn thờ trong các thần điện, Phật điện là biểu tượng cho sự kiên cường, anh dũng của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống cái ác, cái hung bạo.

Từ khóa: Thần Độc Cước, thần tích, đấu tranh, tín ngưỡng dân gian

 

Ở Việt Nam, thần Độc Cước được thờ dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Theo nhà nghiên cứu Tạ Đức, hiện nay tại Việt Nam có tới 300 đền thờ Thần Độc Cước chủ yếu ở vùng ven biển đảo và ven sông đồng bằng Bắc Bộ, riêng Thanh Hoá có 52 đền, nổi tiếng nhất là đền Độc Cước ở Sầm Sơn(1).  Theo Địa chí tỉnh Thanh Hoá, Độc Cước tôn thần được thờ ở 11 huyện với 53 làng thờ, trong đó, điểm đậm nhất là huyện Ngọc Sơn (Tĩnh Gia) có tới 14 làng thờ, Mỹ Hóa và Hoằng Hóa có tới 17 làng thờ, còn Quảng Xương là nơi phát tích truyền thuyết Độc Cước lại chỉ có 3 làng thờ(2).

Về lai lịch của thần Độc Cước, hiện nay đang lưu truyền trong dân gian nhiều bản thần tích, ở mỗi địa phương thần tích lại có nội dung thêm bớt khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều có chung nội dung đại ý như sau: Thần được sinh ra từ một bà mẹ bị chết đuối do sóng biển dạt vào làng Núi,.. Ngoài khơi thời ấy có một bọn quỷ mũi đỏ đến vùng biển Sầm Sơn làm hại dân lành. Bấy giờ có một chú bé mồ côi cha, vừa ra khỏi bụng mẹ đã lớn nhanh như thổi và trở thành người khổng lồ. Chàng khổng lồ đánh thắng bọn quỷ ngoài biển, bọn quỷ lại tràn vào đất liền cướp phá; nếu chàng ở trong đất liền thì quỷ lại phá ở ngoài khơi. Chàng bèn lấy búa tự xẻ đôi thân mình, một nửa thân và một chân đứng trên đỉnh núi Trường Lệ, một nửa thân và một chân theo bè mảng ra khơi hộ vệ dân chài. Từ đó, bọn quỷ vào bờ hay ra biển đều bị chàng khổng lồ đánh cho tan tác. Chúng sợ quá liền bỏ đi nơi khác, không dám bén mảng đến vùng biển này nữa. Nhân dân vô cùng biết ơn và cung kính gọi chàng là thần Độc Cước. Thần tích về thần Độc Cước cho dù mang nhiều yếu tố hư cấu, huyền thoại nhưng câu chuyện đó đã phần nào phản ánh sức mạnh nội tại trong mỗi cá nhân của cha ông ta, nói lên ước mơ kỳ diệu của người xưa trong công cuộc đấu tranh chống lại cái ác, chinh phục tự nhiên, ca ngợi tấm gương anh dũng xả thân bảo vệ nhân dân, bảo vệ quê hương đất nước cũng như bảo vệ biển đảo. Cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù gian nguy đến đâu song ngư dân vẫn bám biển, vẫn lao động sản xuất cho dù công việc đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của họ. Tất cả không phải đơn thuần chỉ là vì miếng cơm manh áo hàng ngày mà là địa phận, chủ quyền – nơi họ có quyền hợp pháp được tự do lao động sản xuất. Nếu họ sợ chết lùi bước họ sẽ không có nơi sản xuất, không có cơm ăn, mà trên hết địa phận, chủ quyền mà họ cai quản sẽ thuộc về thế lực ngoại xâm chính là bọn quỷ mũi đỏ.

Huyền hoại thần Độc Cước, từ mộ chú bé đã lớn nhanh như thổi gợi lại cho chúng ta nhớ về chuyện Thánh Gióng cũng trong hình hài một đứa trẻ đã lớn nhanh như thổi khi nghe tin đất nước, nhân dân đứng trước hoàn cảnh nguy nan. Hai câu chuyện, khác nhau về nội dung, thời gian, địa điểm nhưng cũng cùng một tư tưởng – tình yêu quê hương, nòi giống, căm thù cái ác, đấu tranh đến cùng với thế lực ngoại xâm. Nhân dân Việt Nam ta tự hào có Thánh Gióng trên đất liền, nay lại càng tự hào hơn khi có “Thánh Gióng” trên biển khơi. Hai hình ảnh đó là đại diện cho ý chí đấu tranh chống ngoại xâm và nguyện vọng về cuộc sống thanh bình ấm no cũng như mong ước, khát khao vươn lên mạnh mẽ của dân tộc.  

Tín ngưỡng thờ thần Độc Cước ở Thanh Hóa mang nhiều nét dân dã thường gắn với văn hóa miền biển và các vùng sông nước. Trong văn bia “Thượng đẳng thần từ môn thạch tượng ký - Bia ghi việc dựng voi đá ở đền thờ Thượng đẳng thần, soạn ngày ngày 26 tháng 3 năm Canh Thân (1860) đời Tự Đức ở đền Độc Cước, tác giả Đặng Huy Trứ viết(3): Linh thần trong huyện này do có linh tích mà được ghi vào tự điển, thì Độc Cước sơn tiêu Thượng đẳng thần là một trong số đó. Bốn thôn trong xã Lương Niệm ở men theo bờ biển, dân cư thạo nghề sông nước, đánh cá kiếm ăn, nhân nơi phế tích ở núi Sầm mà dựng đền thờ thần. Hễ cầu là ứng, hễ đảo là thông, vậy nên tôn thần được dân làng thờ cũng đã có tự lâu đời rồi. Đám hương binh trong làng từ ngày cầm binh khí tham gia thuỷ binh, hoặc ra biển tuần tiễn, hoặc chở hàng vào kinh. Thuyền buồm lướt sóng đi tới, gió thổi sóng xô, thuyền được yên ổn, tất cả đều cậy nhờ thần linh âm phù mặc trợ vậy. Trong tâm thức ngư dân đi biển, quân lính thuỷ binh, người buôn bán đường sông nước thì Ngài là bậc linh thần, là chỗ dựa về tinh thần cho họ. Trước mỗi chuyến ra khơi họ lại nhờ cậy, gửi gắm niềm tin cậy nhờ thần phù trợ cho chuyến đi của họ được bình an, được thuận buồm xuôi gió. Trong hệ thống thần điện thờ các vị nhân thần, nhân tướng Việt Nam, thường có đôi câu đối ca ngợi “Sinh ra là bậc lương tướng - Thác đi thành bậc lương thần”. Khi sống thì giúp dân, giúp nước đến khi hiển thánh thì tiếp tục âm phù cho nhân dân đất nước. Theo truyền thuyết khi vua Trần đi đánh giặc Chiêm Thành được thần Độc Cước đi theo phù trợ đã giành thắng lợi, khi trở về tưởng nhớ đến công lao của thần bèn lệnh cho dân lập đền mới và cho phép thờ phụng thần, coi việc thờ thần như là một niềm vui của đất nước của nhân dân. Theo Thanh Hoá chư thần lục(4) trong toàn tỉnh có 5.561 cơ sở thờ tự tôn thờ gần 1.000 vị thần, trong đó có 226 vị là có ghi thần tích và cũng chỉ có 23 vị thần được ghi là có công âm phù các vua từ thời Hùng Vương, Lí, Trần, Lê Sơ đánh giặc. Điều đó cho thấy địa vị của thần Độc Cước sơn tiêu trong hệ thống thần điện ở Thanh Hóa là vô cùng tôn quý vì không phải vị thần nào cũng được vinh dự âm phù nhà vua đi đánh giặc.

Về mặt tạo hình thì tượng Độc Cước không lớn, chỉ cao khoảng 15cm đến 50cm, tượng được thể hiện dưới dạng võ tướng với một nửa người theo lối bổ dọc, nửa còn lại là mây cuộn đang trong thế vần vũ. Tượng lộ nửa người bên phải hoặc bên trái, cũng có tượng lại chỉ thiếu phần chân hoặc phần tay. Có thể thấy hình tượng thần Độc Cước được sinh ra theo trí tưởng tượng và vì nhu cầu tâm linh của người dân.

Thần Độc Cước trong tín ngưỡng dân gian là vị thần thiêng, ông vừa là thiên thần; nhân thần (có cha mẹ sinh ra, sống cuộc sống dân chài); thánh hóa; thành hoàng; phúc thần; môn đệ của Phật (hình tượng nhà sư đứng một chân giảng kinh), vị thánh của Đạo giáo; Nho giáo hóa,… qua giao lưu với các tôn giáo, tín ngưỡng ngoại lai khác như: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo thần Độc Cước với hình tượng là con người cụ thể đã tạo nên tín ngưỡng được bản địa, được dân gian hóa. Tín ngưỡng đó thể hiện niềm ước mơ, kỳ vọng có cuộc sống bình yên, no ấm nên dân gian đã thần thánh hóa một nhân thần thành thiên thần đồng cam, cộng khổ bảo hộ nhân dân cùng nhân dân lao động chống lại sức mạnh của thiên nhiên của thế lực ngoại xâm đã được nâng lên thành niềm tin tôn giáo(5).

Thông qua hình tượng nhân vật thần Độc Cước chúng ta có thể khẳng định rằng:

Thứ nhất, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đoàn kết các tôn giáo, tín ngưỡng là cơ sở tạo nên sức mạnh dân tộc.

Thứ hai, dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, khi đất nước bị đe doạ bởi thế lực ngoại xâm thì lòng yêu nước đó lại trỗi dậy, cho dù đó là từ đứa trẻ nhỏ.

Thứ ba, chủ quyền về lãnh thổ dân tộc luôn là thiêng liêng, là không thể từ bỏ cho dù có phải hy sinh tính mạng.

Thứ tư, người dân Việt Nam yêu lao động sản xuất, yêu chuộng hoà bình nhưng luôn đấu tranh không khoan nhượng với cái ác.

Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ thần Độc Cước còn thể hiện những giá trị về văn hóa và tinh thần, tiêu biểu như: Giá trị cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giá trị cố kết cộng đồng địa phương; giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa thông qua lễ hội; giá trị truyền bá và bảo tồn văn hóa,…

Thần Độc Cước đối với cộng đồng cư dân vùng biển Thanh Hóa nói riêng và vùng duyên hải từ Quảng Ninh đến Nghệ An nói chung là một dạng biểu tượng mang nét đẹp kỳ bí và mang hơi thở về ước vọng của nhân dân lao động. Nét đẹp kỳ bí thể hiện ở mặt tạo hình, ở mặt nhân dạng, tượng thần Độc Cước được tạo tác trong một hình hài “thiếu thốn” tựa như hình hổ phù, long phù, nhật - nguyệt trong tín ngưỡng Đạo giáo, đó là những biểu tượng cho sức mạnh, quyền uy và sự trường tồn bất diệt. Hình tượng thần Độc Cước mang ước vọng của nhân dân lao động về chinh phục tự nhiên và trên hết là khát vọng truyền đời về một cuộc sống bình yên, một cuộc sống mà sinh mạng con người không bị đe dọa bởi một thế lực xấu xa nào đó. Hình tượng thần Độc Cước cũng là một lời tuyên bố mạnh mẽ đối với các thế lực xấu rằng: vì cuộc sống, vì bình yên của quê hương đất nước. Cho dù trong hoàn cảnh nào, cho dù phải hy sinh, mất mát đến đâu người dân Việt Nam cũng sẵn sàng chiến đấu cho khát vọng được tự do, được lao động trên mảnh đất quê hương mình.

Nhìn chung, tín ngưỡng thờ thần Độc Cước và lễ hội đền Độc Cước là nét đẹp văn hóa rất riêng của người dân vùng biển xứ Thanh. Hình tượng thần Độc Cước là hình tượng Thánh Gióng trên biển - hình ảnh vị thần bảo vệ biển đảo quê hương. Trong bối cảnh hiện nay, hình tượng vị thần Độc Cước vẫn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đây là biểu tượng cao đẹp về tinh thần gìn giữ nền độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia cần được phát huy.

_____________

Chú thích:

(1) Tạ Đức (2015),www.baovanhoa.vn. Thánh Gióng nơi biển đảo. (Bài đăng ngày 12/2/2015).

(2) Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh Thanh Hóa (2003) Địa chí Thanh Hóa, T2, tr.646, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

(3) Đặng Huy Trứ, tự Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, Tỉnh Trai, quê làng Bát Vọng, sau sang ngụ ở làng Thanh Lương - nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, thành phố Huế. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, đĩnh ngộ. Khoa thi năm 1847, ông đã lọt qua các vòng thi Hương, thi Hội đến khi thi Đình do bài thi phạm húy nên bị đánh trượt và cấm thi trọn đời. Biết tài học của ông, một vị quan lớn đương triều đã mời ông về dạy học cho con em trong nhà và cho tới 8 năm sau, nhờ vị quan nọ tâu xin với vua nên ông được thi lại và đỗ tiến sĩ năm 1855. Ông viết văn bia này khi đang giữ chức Tri huyện huyện Quảng Xương.

(4) Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội,  Thanh Hoá chư thần lục, bản chữ Hán kí hiệu VHV.1290, tr.15.

(5) Hoàng Minh Tường (2010), Tục thờ thần Độc cước ở làng Núi Sầm Sơn, Thanh Hoá, NXB Thanh Niên; Hoàng Minh Tường (2011), Tín ngưỡng thờ Độc Cước - sự tiếp biến giữa các yếu tố văn hoá bản địa và ngoại sinh, Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, tháng 4/2011; Hoàng Bá Tường (2010), Tục thờ thần Độc Cước ở một số làng ven sông biển tỉnh Thanh Hóa (Luận án Tiến sĩ VHDG 2010).

(Bài đã đăng trong Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2018)

 

[1] Trường Đại học Hồng Đức.

Tin liên quan