Mãi mãi một niềm tin

11/10/2024

Hôm nay, khoa Khoa học xã hội và Trường Đại học Hồng Đức đã có 25 năm truyền thống. Với tôi đã có 15 năm gắn bó với khoa (và 10 năm nghỉ chế độ, từ năm 2012). Tôi vẫn luôn quan tâm và theo dõi từng bước đi của các thế hệ thầy cô giáo và sinh viên trong khoa. Tôi tự hào và tin tưởng về sự lớn mạnh của khoa bởi vì khoa luôn giữ vững khối đoàn kết để ổn định và phát triển; đội ngũ cán bộ quản lí, cán bộ giảng viên có trách nhiệm với khoa và có nhiều bằng cấp cao; tự hào vì khoa đã vươn lên đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ; khoa sẵn sàng đảm nhiệm nhiệm vụ mà Nhà trường, Tỉnh và Bộ giao cho…

 

                                                                                            ThS. Lê Xuân Soan
Nguyên Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội

 

Khoa Khoa học xã hội Trường Đại học Hồng Đức được tiếp thu truyền thống đào tạo giáo viên cấp 2 dạy các môn Văn, Lịch sử, Địa lí từ các trường thuộc hệ sư phạm cấp tốc (6 tháng, 9 tháng), hệ 9+2, 7+3, 10+1, 10+3 Xã hội. Những hệ đào tạo này đều có tính lịch sử và đã đáp ứng kịp thời cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà qua từng giai đoạn, đặc biệt là sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc năm 1954. Năm 1978, Trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, và khoa Văn Sử cũng được thành lập. Cuối năm 1992, khoa Văn Sử được bổ sung bộ môn Địa lí và đổi tên thành khoa Xã hội.

 

Ngày 24 tháng 9 năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Trường Đại học Hồng Đức trên cơ sở sáp nhập ba trường Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Y tế và Cao đẳng Kinh tế Kĩ thuật Thanh Hóa. Đây là niềm vui chung của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ đây, khoa Xã hội được mang một tên mới với đầy đủ nội hàm và ý nghĩa: Khoa Khoa học xã hội.

 

Những ngày đầu thành lập, cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa ai cũng hồ hởi, phấn chấn, tự hào khi được giảng dạy, học tập và công tác ở môi trường Đại học. Danh dự của từng cá nhân, vị thế mới của các tổ chuyên môn và của một khoa lần đầu tiên đào tạo hệ đại học như một luồng gió mới, lan tỏa trong mọi hoạt động của khoa. Thời điểm ấy, khoa Khoa học xã hội chỉ có 1 Tiến sĩ, 17 Thạc sĩ, chưa có giảng viên chính, lại đảm nhận khối lượng công việc của một khoa đại học. Cũng những năm đầu ấy, chất lượng tuyển sinh của khoa thật ấn tượng. Điểm đầu vào của sinh viên khoa Khoa học xã hội “ngang ngửa” với điểm của sinh viên thi vào khoa Văn ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Vinh. Đó thực sự là cơ hội và cũng là thách thức!

 

Dưới sự lãnh đạo của Ban chi ủy, Ban chủ nhiệm khoa mà đứng đầu là trưởng khoa, thầy Nguyễn Văn Bồng – người đã kinh qua các bậc đào tạo và từng giảng dạy ở cấp 2, giảng dạy ở ĐHSP Vinh – đã bằng kinh nghiệm và nhiệt huyết để truyền cảm hứng cho tập thể cán bộ giảng viên và sinh viên trong khoa. Bây giờ ngẫm lại càng thấy tầm nhìn của thầy Nguyễn Văn Bồng, Nhà giáo ưu tú, một nhà giáo vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi quản lí. Đó là: động viên thầy cô giáo đi đọc sách, đề cao giải pháp tự học để nâng cao trình độ; mời các giáo sư đầu ngành ở ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Vinh về giảng dạy một số học phần để giảng viên được nghe giảng và bổ trợ kiến thức cùng kinh nghiệm giảng dạy bậc Đại học; cử giảng viên đi học Cao học, làm nghiên cứu sinh; tổ chức biên soạn giáo trình đại học (dùng trong nội bộ); tổ chức các Hội thảo khoa học trong cán bộ giảng viên; đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên; sắp xếp lại các tổ chuyên môn và đội ngũ trợ lí; chọn cử giáo viên chủ nhiệm các lớp đại học… Tất cả những việc làm trên đều tạo nên những hiệu ứng tích cực trong chất lượng từng hoạt động đào tạo của khoa. Chính vì vậy, khoa Khoa học xã hội đã sớm chấm dứt tình trạng “ăn đong”, “giật gấu vá vai”, “cơm chấm cơm” trong hoạt động dạy - học. Khoa Khoa học xã hội đã có những sinh viên tốt nghiệp các khóa đầu đạt loại xuất sắc. Nhiều sinh viên đã trở thành cán bộ cốt cán chuyên môn ở các trường THCS, THPT; có em là Bí thư Tỉnh đoàn, Bí thư Huyện ủy, cán bộ ban ngành ở tỉnh và huyện, cán bộ quản lí giáo dục; có em đã là Phó giáo sư, Tiến sĩ, công tác ở cơ quan Trung ương; có em là nhà thơ, nhà văn… Đó là những trái ngọt đầu mùa mà sinh viên khoa Khoa học xã hội đã đem vinh dự và tự hào về cho khoa và nhà trường.

 

Hôm nay, khoa Khoa học xã hội và Trường Đại học Hồng Đức đã có 25 năm truyền thống. Với tôi đã có 15 năm gắn bó với khoa (và 10 năm nghỉ chế độ, từ năm 2012). Tôi vẫn luôn quan tâm và theo dõi từng bước đi của các thế hệ thầy cô giáo và sinh viên trong khoa. Tôi tự hào và tin tưởng về sự lớn mạnh của khoa bởi vì khoa luôn giữ vững khối đoàn kết để ổn định và phát triển; đội ngũ cán bộ quản lí, cán bộ giảng viên có trách nhiệm với khoa và có nhiều bằng cấp cao; tự hào vì khoa đã vươn lên đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ; khoa sẵn sàng đảm nhiệm nhiệm vụ mà Nhà trường, Tỉnh và Bộ giao cho…

 

Tự hào vì khoa Khoa học xã hội đã mang một tầm vóc mới, vạm vỡ và bề thế lên rất nhiều!

Hai lăm năm một chặng đường. Hai lăm là tuổi đang độ sung sức và bứt phá! Xin kính chúc các thế hệ thầy cô giáo và sinh viên trong khoa sức khỏe, hạnh phúc và thành công, tiếp tục góp phần vun đắp cho bề dày truyền thống của khoa Khoa học xã hội. Chúc khoa Khoa học xã hội ngày càng gặt hái được những thành tựu to lớn trong hành trình giáo dục và đào tạo!

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202209/Images/17773jpg-20220921112534-e.jpg

Các thế hệ cán bộ, giảng viên khoa Khoa học xã hội trong Kỷ niệm 25 năm thành lập khoa 

 

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN