25/04/2025
PGS.TS Lê Tú Anh khai mạc chương trình giao lưu và giới thiệu khái quát về hai tác giả.
Với chủ đề “Văn Đắc, Từ Nguyên Tĩnh - Những gương mặt tiêu biểu của văn học Thanh Hóa đương đại”, hai diễn giả là nhà thơ Văn Đắc và nhà văn Từ Nguyên Tĩnh chia sẻ hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, trả lời nhiều câu hỏi của sinh viên về sự phân định thể loại từ góc độ của chủ thể sáng tác. Cách chia sẻ dung dị, dễ hiểu mà vẫn đậm chất học thuật, dung chứa những quan điểm nghệ thuật sâu sắc của người sáng tác khiến cho sinh viên thực sự thích thú.
Nhà thơ Văn Đắc chia sẻ quan niệm về thơ và hành trình sáng tác của mình.
TS. Hoàng Thị Huệ trình bày cảm nhận về thơ Văn Đắc.
Hà Lý, Hà Lan - SV k25 ĐHSP Ngữ Văn song ca bài Đường về Thanh Hóa.
Các nhà văn và giảng viên khoa KHXH chụp hình lưu niệm.
Nhà thơ Văn Đắc đã trả lời câu trả lời câu hỏi của sinh viên về đặc trưng của thơ trữ tình, về sự khác nhau giữa thơ và trường ca bằng cả những kinh nghiệm viết và một giọng đọc hào sảng, lôi cuốn những thi phẩm của mình. Ông cũng cho biết mất gần chục năm trời, ông mới “bứt dây, vằng phá”, thoát khỏi chất trữ tình mang tính mô phạm của trường học để hình thành một lối viết. Cũng bằng một chất giọng "trữ tình", TS. Hoàng Thị Huệ đã trình bày những cảm nhận sâu sắc về thơ Văn Đắc qua tiểu luận "Văn Đắc Đi tìm thời trai trẻ hay hành trình tìm kiếm chữ “tình” cho thơ". Tiểu luận đã phát hiện rất nhiều trạng thái của thơ Văn Đắc. Nhà thơ đã bát tuần nhưng hồn thơ vẫn rất tươi trẻ, có một chút dành cho trực cảm sex, khi thì kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, có lúc nghiêng cả về phía hiện sinh…
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh với nhiều câu trả lời rất sinh động, tạo hứng thú cho người đối thoại.
TS. Nguyễn Thị Hạnh trình bày cảm nhận về truyện ngắn của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh.
Những câu hỏi thú vị từ sinh viên gửi tới nhà thơ Văn Đắc và nhà văn Từ Nguyên Tĩnh.
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh sáng tác nhiều thể loại, cả truyện ngắn, tiểu thuyết, ký và thơ, nhưng thành công hơn cả là thể loại truyện ngắn. Ông đã có một gia tài khá đồ sộ gồm 4 tập thơ, 10 tập truyện ngắn và ký, 6 cuốn tiểu thuyết; trong đó tập truyện ngắn Mối tình chàng Lung mù đã mang lại cho ông niềm vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022. Từ Nguyên Tĩnh đáp lại các câu hỏi bằng cách kể chuyện khá thú vị. Ông cũng chia sẻ, một nhà thơ hay nhà văn phải vừa là người sáng tác nhưng đồng thời cũng như một nhà nghiên cứu phê bình văn học thì các sáng tác mới đi xa được. Từng là lính pháo trên mặt trận Hàm Rồng, sáng tác của ông mang nhiều kí ức về chiến tranh. Thơ ông phá cách, “khó đọc”, tiểu thuyết rất đáng đọc nhưng cũng “khó nhằn”, và cái khó ấy tạo nên “thi pháp Từ Nguyên Tĩnh”. Tiểu luận Đặc trưng truyện ngắn Từ Nguyên Tĩnh của TS. Nguyễn Thị Hạnh đã khai thác được những nét đặc biệt trong các trang viết của ông bằng cách tiếp cận khoa học, sâu sắc. Nhà văn thể hiện niềm xúc động và rất ấn tượng với những phát hiện trong cách tiếp cận này.
Trong khoảng thời gian giới hạn, những câu hỏi thông minh của sinh viên, cách chia sẻ chân thành, những luận bàn sâu sắc về sáng tác của nhà văn, các tiểu luận giàu tính học thuật của giảng viên… đã làm nên sự thành công của buổi giao lưu. Những văn nghệ sĩ đến từ Chi hội nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa và Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa như nhà thơ Huy Trụ, nhà thơ Lâm Bằng, nhà thơ Đinh Ngọc Diệp, tác giả Vũ Quang Trạch cũng góp phần làm cho không khí của buổi giao lưu thêm sôi nổi. Một nhà thơ đã chia sẻ: “Đến với giao lưu hôm nay, được nghe các thầy cô, các sinh viên luận bàn, tiếp cận, phân tích tác phẩm văn học, chúng tôi như được tiếp thêm động lực và cảm hứng sáng tạo”. Đối với sinh viên ngành ĐHSP Ngữ Văn, hoạt động này tiếp tục bồi đắp cho họ tình yêu văn học nghệ thuật, gợi mở thêm về khả năng kết nối giữa văn học nhà trường và đời sống, tiếp tục rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp để họ có thể đáp ứng tốt các vị trí việc làm trong tương lai. Đối với nhà trường, đây là hoạt động trong chuỗi nhiều hoạt động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thanh Hóa, với Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa nhằm góp phần phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (16/6/2008) của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Các nhà văn và giảng viên khoa KHXH chụp hình lưu niệm.
Các nhà văn và giảng viên, sinh viên khoa KHXH chụp hình lưu niệm.
Tin bài: BBT Website khoa KHXH