Hành trình miền Trung - Chuyến thực tế ý nghĩa của sinh viên K18 - ĐHSP Ngữ Văn, Khoa Khoa học Xã hội

1/15/2018 3:36:47 PM
 Từ ngày 04/01/2018 đến ngày 09/01/2018, các sinh viên K18 – ĐHSP Ngữ Văn đã có một chuyến hành trình thực tế đầy ý nghĩa dọc theo dải đất miền Trung của Tổ quốc dưới sự hướng dẫn của các thày cô giáo trong bộ môn Văn học Việt Nam.
 
        
         Chiều ngày 04/01, đoàn đã có mặt tại Huế - thành phố của cung điện, đền đài, lăng tẩm và cũng là một trung tâm du lịch lớn, tiêu biểu của cả nước. Về với mảnh đất cố đô, thơ mộng, yên bình, các bạn sinh viên được tham quan chùa Thiên Mụ, Đại nội – Kinh thành Huế; được thăm lăng Minh Mạng (Hiếu lăng), lăng Tự Đức (Khiêm lăng), lăng Khải Định (Ứng lăng)... Tại các di tích này, sau khi  tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc độc đáo trong quần thể di tích cố đô Huế, nghe giới thiệu, các sinh viên đã có những trao đổi về nhiều vấn đề học thuật liên quan đến văn hóa, văn học Việt Nam... Không chỉ vậy, các bạn còn được ghé chợ Đông Ba, thăm phủ Vĩ Giạ, ru mình trong làn điệu ca Huế và thả hoa đăng trên dòng sông Hương thơ mộng, thưởng thức hương vị ẩm thực Huế. Một địa điểm không thể bỏ qua đối với sinh viên ngành Sư phạm Ngữ Văn khi đến Huế là Di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu – chí sĩ yêu nước lỗi lạc, tác gia văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tại đây, các sinh viên đã được tái hiện lại cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp văn học của cụ Phan, nhất là thời kỳ “Ông già Bến Ngự”, được dâng hương lên phần mộ của cụ một cách thành kính.
         Buổi sáng ngày 07/01, đoàn di chuyển vào Đà Nẵng. Tại đây, đoàn đã tham quan chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà và ghé thăm Bảo tàng điêu khắc nghệ thuật Chăm-pa (Đà Nẵng) - nơi lưu giữ những dấu tích văn hóa đặc sắc của đồng bào người Chăm. Buổi tối, đoàn đến với phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, với hơn hai tiếng đi bộ trong khu phố cổ, các bạn sinh viên đã được quay trở về với thời kỳ lịch sử huy hoàng của một trong những thương cảng sầm uất nhất Đông Nam Á vào thế kỷ XVII - XVIII và được chứng kiến sự giao thoa văn hóa đặc sắc Việt - Hoa - Nhật trong những nếp nhà rường, trong những kiến trúc chùa Cầu - Hội quán, sự hiện diện của nền văn hóa Sa Huỳnh trong những sản phẩm thủ công truyền thống và được thưởng thức những món ăn nổi tiếng như Cao lầu, mì Quảng, hoành thánh...
         Một ngày mới tiếp theo trong cuộc hành trình, đoàn đến thăm Thánh địa Mỹ Sơn còn gọi là Đô thành Sư tử của Vương triều Chăm-pa từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII. Các sinh viên đã được tận mắt chiêm ngưỡng công trình kiến trúc đền tháp đặc biệt đã trường tồn với thời gian với những biểu tượng văn hóa độc đáo, điệu múa Apsara, chiếc khăm Mat tơ ra... mà trước đây chỉ được biết qua sách vở. Buổi chiều, đoàn có mặt tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại thành phố Tam Kỳ. Sau lễ dâng hương tưởng niệm, đoàn được nghe thuyết minh viên giới thiệu bảo tàng. Niềm xúc động trào dâng, những giọt nước mắt tự lăn trên má, những đôi mắt đỏ hoe, ướt nhoèn vì xúc động của sinh viên trước sự hy sinh lớn lao của các mẹ.
         Chia tay Quảng Nam, trên đường trở về Thanh Hóa, đoàn sinh viên ghé thăm Thành cổ Quảng Trị trong tiết trời lất phất mưa. Tại địa danh lịch sử này, mọi người cùng nhau sống lại những giây phút hào hùng đầy máu và nước mắt trong 81 ngày đêm huyền thoại chiến đấu bảo vệ Thành cổ của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vào mùa hè năm 1972. Thành cổ Quảng Trị đươc gọi bằng một cái tên bi thương: Nghĩa trang không nấm mồ, bởi nơi đây có biết bao chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống mà nhiều người trong số họ thân xác vĩnh viễn tan hòa vào đất đai, cây cỏ… Nhiều bạn sinh viên đã rơi nước mắt khi nghe hướng dẫn viên tại Thành cổ nghẹn ngào đọc lại bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, nhưng cũng tràn ngập sự xúc động tự hào bởi trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, trong từng con chữ vẫn cháy lên ngọn lửa bất diệt của tình người và một niềm tin mãnh liệt về tương lai tươi sáng của đất nước.
         Chuyến thực tế đã không chỉ giúp các bạn sinh viên kiểm tra lại những kiến thức đã học trên giảng đường, cọ xát với thực tế: những địa danh, những tác gia văn học, hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm văn học... đồng thời, hành trình ấy còn giúp các bạn tăng thêm tình đoàn kết, tình yêu đối với quê hương đất nước và thổi lên ngọn lửa đam mê đối với văn chương. Đi để biết, đi để làm cháy lên ngọn lửa của tình yêu với nghề mà các bạn đã lựa chọn./.
 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH
 
 
SV nghe thuyết minh tại Đại Nôi - Kinh thành Huế
 
Tại Hiếu lăng (Lăng Minh Mạng)
 
 Sinh viên nghe thuyết minh tại Khiêm lăng (Lăng Tự Đức)
 
 Nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu
 
 
Đoàn thăm Bảo tàng tại Tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng (Quảng Nam)
 
 
Dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
 
                                                                                            Tin bài, ảnh: Nguyễn Quế
 

Tin liên quan