Hiện trạng kế thừa nghề nghiệp trong tình hình gia tăng hiện tượng di động nghề nghiệp

10/4/2021 2:59:54 PM
Di động nghề nghiệp là một hiện tượng tất yếu trong xã hội hiện đại và có những tác động tích cực, mạnh mẽ tới sự phát triển của xã hội. Có hai hướng nghiên cứu cơ bản về di động nghề nghiệp: hướng thứ nhất: các nhà xã hội học chỉ rõ sự di động nghề nghiệp trong một xã hội có sự phân tầng khép kín, hướng thứ hai: phân tích di động xã hội trong sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Di động nghề nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với kế thừa nghề nghiệp, bởi di dộng nghề nghiệp xóa dần đi hiện tượng cha truyền con nối một nghề cụ thể. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn đang diễn ra sự tiếp nối nghề nghiệp giữa các thế hệ ở vùng nông thôn với những người làm nông nghiệp, còn những người ở đô thị và xuất thân từ tầng lớp khá giả khả năng di động nghề của họ mạnh mẽ hơn.
Th.S Nguyễn Thị Lý[1]

 

Tóm tắt: Di động nghề nghiệp là một hiện tượng tất yếu trong xã hội hiện đại và có những tác động tích cực, mạnh mẽ tới sự phát triển của xã hội. Có hai hướng nghiên cứu cơ bản về di động nghề nghiệp: hướng thứ nhất: các nhà xã hội học chỉ rõ sự di động nghề nghiệp trong một xã hội có sự phân tầng khép kín, hướng thứ hai: phân tích di động xã hội trong sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Di động nghề nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với kế thừa nghề nghiệp, bởi di dộng nghề nghiệp xóa dần đi hiện tượng cha truyền con nối một nghề cụ thể. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn đang diễn ra sự tiếp nối nghề nghiệp giữa các thế hệ ở vùng nông thôn với những người làm nông nghiệp, còn những người ở đô thị và xuất thân từ tầng lớp khá giả khả năng di động nghề của họ mạnh mẽ hơn.

Từ khóa: Di động nghề nghiệp, kế thừa nghề nghiệp, địa vị nghề nghiệp, thăng tiến nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp

  1. Những hướng nghiên cứu cơ bản về di động nghề nghiệp

Trong thế giới hiện đại, khi nền kinh tế công nghiệp đang dần dần được thay thế bằng nền kinh tế tri thức thì nhiều nghề mới xuất hiện, nhiều nghề cũ mất đi hoặc thay đổi nội dung, phương pháp và mẫu mã sản phẩm nhờ vào sự ứng dụng của các công nghệ mới. Hiện tượng đó tất yếu dẫn đến sự di động nghề nghiệp của người lao động.

Tình hình mới này đang xóa dần đi hiện tượng nghề truyền thống của gia đình và dòng họ, tức là mất đi hiện tượng cha truyền con nối một nghề cụ thể nào đó.

Trước những biến đổi kinh tế - xã hội, di động nghề nghiệp trở thành một hiện tượng đáng chú ý được những nhà xã hội học quan tâm, nghiên cứu. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về di động nghề nghiệp các công trình nghiên cứu chia làm hai hướng.

Hướng thứ nhất, các nhà xã hội học chỉ rõ sự di động nghề nghiệp trong một xã hội có sự phân tầng khép kín.

Hướng nghiên cứu này đã được Sorokin đưa ra thảo luận từ những năm đầu của thế kỉ XX. Trong tác phầm Social mobility, ông đã chỉ ra nguyên nhân của di động xã hội là do vai trò của các yếu tố như: nền tảng kinh tế, xã hội của nhóm, gia đình cũng như trình độ học vấn của bản thân. Trong tác phẩm "American occupational structure" (Cấu trúc nghề nghiệp ở Mĩ) của các tác giả Peter M. Blau và Otis D. Duncan  cũng có những quan điểm giống Sorokin. Các tác giả này đã chỉ ra các mối tương quan giữa nghề nghiệp của bố và con. Các nghiên cứu của ông cho thấy: “Trình độ giáo dục của bố tác động đến sự đạt được về nghề nghiệp của người con trai và cho rằng điều này xuất phát từ những ảnh hưởng nghề nghiệp của bố. Nhiều nghiên cứu cho rằng giáo dục của người con trai là cầu nối chủ yếu giữa gốc gác gia đình và sự thành đạt nghề nghiệp, một nửa các mối tương quan giữa hai yếu tố này đều thông qua yếu tố trung gian là giáo dục. Trẻ em trong những gia đình có đặc quyền là những người có trình độ học vấn cao hơn những đứa trẻ cùng trang lứa xuất thân từ những gia đình kém hơn” [1, tr. 143].

Những tác giả trên cho rằng, di động nghề nghiệp giữa các thế hệ trong gia đình tại một xã hội khép kín thường ít xảy ra. Giáo dục dựa trên những điều kiện của gia đình là yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến sự lựa chọn nghề nghiệp của con cái.

Nhà xã hội học người Anh Stenphen Aldrige coi vấn đề vốn văn hóa của gia đình, cách dạy dỗ con cái trong gia đình là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới giá trị và lối cư xử của cá nhân, do đó mà ảnh hưởng đến cơ hội sống của họ sau này. Nhà xã hội học Pierre Bourdieu người Pháp cũng luôn quan tâm xem xét cách thức mà vốn văn hóa có thể tạo nên những ưu thế hay sự kém ưu thế của nhóm này so với nhóm khác.

Một số công trình nghiên cứu về di động nghề nghiệp ở Việt Nam cho thấy,  những thanh thiếu niên sinh ra trong những gia đình khá giả có sự lựa chọn về giáo dục tốt hơn và cũng được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn (Marr and Rosen 1998), có cơ hội để tìm được nghề nghiệp tốt hơn và có khả năng tìm được công việc phù hợp hơn (Dang et.at 2008), có nhiều cơ hội trong việc thành lập những cơ sở kinh doanh tư nhân (Turner 2005). Turner (2005) and King et.at (2008) quan sát sự tiếp nối về công việc trong khu vực nhà nước giữa nhóm gia đình thuộc tầng lớp trung lưu cũ trong giai đoạn trước đổi mới và tầng lớp trung lưu trẻ trong thời kì đổi mới. Theo các tác giả này, thế hệ trước truyền lại những ưu thế mà họ được hưởng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa cho con cái họ khi nền kinh tế cũ chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những năm gần đây có một số tác phẩm như của Jee Young Kim “Vốn chính trị, vốn con người và di động nghề nghiệp liên thế hệ ở miền bắc Việt nam” (Political capital, Human capital and inter – generational ocupational mobility in Northerm Vietnam), trong công trình của Phillip Taylor (2004) “Bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam và những thách thức cho đổi mới”  (Social inequality in Vietnam anh the challenges to reform) và các công trình của Đỗ Thiên Kính về Di động xã hội giữa các thế hệ trong hai thời kì trước và sau đổi mới ở Việt Nam phần I [Tạp chí xã hội học số 2 năm 2007] và phần II [Tạp chí xã hội học số 1 năm 2009]. Tác giả đã chỉ ra rằng,  so với “cơ cấu khép kín của Việt nam những năm trước đổi mới thì xã hội Việt Nam sau đổi mới đã có xu hướng phát triển: như một xã hội mở [6, tr. 62]. Tác giả Jee Young Kim, trong nghiên cứu của mình vào năm 1995 đã đưa ra nhận xét: có sự thay đổi rất lớn về cấu trúc nghề nghiệp giữa các thế hệ. Sự thay đổi này diễn ra ở hầu khắp các nhóm nghề, đặc biệt là nhóm nghề trong hệ thống nhà nước và nhóm nghề có trình độ kĩ năng cao. Tác giả chỉ ra rằng, chỉ có 16% những người làm công việc trong hệ thống nhà nước là có thể truyền lại địa vi nghề nghiệp của mình cho con cái và con số này ở nhóm người có trình độ chuyên môn cao là 12%. Trong khi đó, ¾ số người làm nông nghiệp có con cái cũng làm nông nghiệp. Như vậy, ở Việt Nam sự di động nghề nghiệp giữa các thế hệ chủ yếu tồn tại trong những nhóm nghề của những người làm việc trong hệ thống nhà nước và những nhóm người có trình độ chuyên môn cao. Tỉ lệ này tương đối thấp với những người làm nông nghiệp.

Hướng nghiên cứu thứ hai phân tích di động xã hội trong sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế

Như trên đã phân tích, di động nghề nghiệp là một hiện tượng có nguồn gốc từ những thay đổi trong cấu trúc kinh tế. Di động nghề nghiệp được coi là một tất yếu trong sự phát triển của thế giới hiện đại.

Ở hướng nghiên cứu này, các nhà xã hội học đã tập trung phân tích và thực hiện những cuộc điều tra thống kê về cơ cấu kinh tế và lao động việc làm. Nhiều tác giả đã có những phân tích về vấn đề này như Lê Hữu Nghĩa – Lê Ngọc Hùng (2012) trong tác phẩm “Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội trong điều kiện đối mới ở Việt Nam”, Tạ Ngọc Tấn (2010)“Một số vấn đề biến đổi cơ cấu xã hội ở Việt Nam hiện nay”, Nguyễn Thị Vân Anh (2010) “ Chuyển dịch cơ cấu lao động vùng đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2011 – 2015”, Nguyễn Thị Vĩnh Hà (2006), “Tác động của quá trình đô thị hoá đến cơ cấu lao động và việc làm của các hộ gia đình ở Từ Liêm – Hà Nội”, Nguyễn Đình Tấn (2010) "Sự hình thành tầng lớp xã hội ưu trội và vai trò của nó ở Việt Nam trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế", Lê Hải Thanh (2005), "Sự biến đổi cơ cấu lao động việc làm ở nông thôn ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh", Nguyễn An Lịch, “Sự tác động của yếu tố kinh tế đến sự di động xã hội và cơ cấu dân cư ở miền Bắc của Việt Nam"… Các công trình nghiên cứu trên đã chỉ ra: mỗi năm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp ở nước ta giảm 1 – 1,5%. Năm 2010, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp của cả nước là 43,4%. Dự tính con số này sẽ giảm xuống còn hơn 30% vào năm 2020. Như vậy, có sự dịch chuyển lao động trên toàn xã hội trong một thời gian dài. Sự dịch chuyển này chắc chắn sẽ tạo ra sự dịch chuyển nghề nghiệp giữa các thế hệ khác nhau.

Những phân tích trên cho thấy, di động nghề nghiệp là một hiện tượng tất yếu trong xã hội hiện nay. Trên thực tế di động nghề nghiệp là hiện tượng phản ánh những bước phát triển của xã hội. Di động xã hội gia tăng sẽ làm cho hiện tượng kế thừa nghề nghiệp giảm đi.

  1. Tác động của di động nghề nghiệp với đời sống xã hội

Di động nghề nghiệp (occupational mobility) có quan hệ với sự vận động của người cùng một nhóm nghề nghiệp, hoặc của một cá nhân thành viên trong cùng một nghề nghiệp, hoặc của một chỗ trống nghề nghiệp, diễn ra trong hệ thống phân tầng của không gian xã hội [1, tr. 140].  Như vậy, có thể nhận thấy di động nghề nghiệp là một hiện tượng tất yếu của đời sống xã hội. Di động nghề nghiệp sẽ tạo ra những liên kết xã hội và do đó tại các địa vị mới, chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn. Chúng ta có thể phân tích một số tác dụng của di động nghề nghiệp như sau:

- Di động nghề nghiệp làm thay đổi kết cấu hệ thống nghề trong xã hội và từ đó dẫn theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động. (Chẳng hạn: ở Việt Nam, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa đã thúc đẩy nông dân đi sang các nghề phi nông nghiệp, làm gia tăng các ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ…)

Trong khoảng 10 năm từ năm 1991 đến 2001, tỷ trọng lao động trong ngành dịch vụ tăng 10%. Chỉ tính riêng năm 2001, số lượng việc làm mới do ngành dịch vụ tạo ra là 450 000 việc làm, đạt trên 50% tổng số việc làm mới được tạo ra trên các ngành [4, tr. 87]. Quá trình dịch chuyển trên tạo đà cho các nhóm ngành trong lĩnh vực dịch vụ phát triển, thu hút người dân tham gia vào lĩnh vực nghề nghiệp này. Như vậy, tính di động nghề nghiệp tăng lên đồng nghĩa với việc sự kế thừa nghề nghiệp giữa các thế hệ trong gia đình sẽ giảm đi. Tỉ lệ con cái làm cùng nghề hoặc nhóm nghề giống với cha mẹ sẽ giảm.

- Di động nghề nghiệp làm phát triển năng lực sáng tạo của con người, làm bộc lộ những tiềm năng lao động của nhân cách. Chúng ta đều biết rằng, muốn nâng cao mức sống cho người dân thì chiến lược công nghiệp hóa tạo ra người trung lưu ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để di động đến sự phân tầng xã hội cao hơn ngoài những chính sách của nhà nước về việc làm phải tạo ra những nỗ lực và ước muốn của mỗi con người về chất lượng cuộc sống của mình. Mỗi một công dân luôn có ước muốn thăng tiến trong nghề nghiệp do đó họ phải có lựa chọn những nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân.

Chẳng hạn: Trong hệ thống phân tầng xã hội ở nước ta hiện nay, đa số nông dân có mức sống thấp nhất nằm ở dưới đáy. Hệ thống phân tầng này sẽ khó bị phá vỡ nếu không có những thay đổi căn bản về cơ cấu kinh tế - lao động – việc làm. Hiện tượng di động nghề nghiệp khiến một số lao động nông nghiệp có thể phát triển năng lực kinh doanh khi rời bỏ ruộng đất hoặc vẫn giữ ruộng đất nhưng kinh doanh trên chính ruộng đất của mình.

- Di động nghề nghiệp khiến những nghề có thu nhập cao, những nghề ứng dụng công nghệ mới ngày càng thu hút lao động, tạo nên sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nâng cao GDP/đầu người, tạo điều kiện để xã hội phát triển bền vững hơn. Thực tế xã hội cho thấy rằng, kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, chính sách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có những thay đổi lớn và tác động không nhỏ đến di động nghề nghiệp của người lao động. Những thay đổi trong chính sách một mặt đã tạo nên nhiều cơ hội nghề nghiệp mới, mặt khác cũng tạo sức ép buộc người lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp. Di động nghề nghiệp từ một hiện tượng ít xảy ra trong nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp thì nay trở thành một hiện tượng phổ biến hơn trong kinh tế thị trường. Sự dịch chuyển việc làm diễn ra giữa các khu vực kinh tế, giữa các vị trí nghề nghiệp, trong đó, dịch chuyển việc làm từ khu vực nhà nước sang tư nhân, từ ngành phi dịch vụ sang dịch vụ, từ vị trí “tham gia sản xuất kinh doanh cùng gia đình” sang “tự kinh doanh sản xuất” và “làm công” đang là xu hướng chính hiện nay. Hiện tượng này khiến xã hội Việt Nam phát triển đúng theo quỹ đạo của của nền kinh tế thị trường trên thế giới, do đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.

- Di động nghề nghiệp làm thay đổi sự phân bổ dân số và chất lượng dân số. Hiện tượng di dân từ địa bàn dân cư này sang địa bàn dân cư khác sẽ điều chỉnh lại sự phân bố dân cư.

Thực vậy, di cư được coi là đặc trưng của loài người. Lúc đầu là ở Châu Phi, các nhóm người đã toả đi tất cả các vùng đất trên thế giới. Sự di cư thường kéo theo sự phổ biến các tư tưởng văn hoá, tập quán kỹ thuật từ vùng này sang vùng khác.

Di cư có tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương xuất cư. cũng như địa phương nhập cư. Trong xu thế di cư ra thành phố, người nhập cư đã có những đóng góp vào sự phát triển đô thị (Nguyễn Thanh Liêm, 2006; Lê Văn Thành, 2007; Nguyễn Hữu Minh, 2008; Lưu Bích Ngọc, 2012; Đặng Nguyên Anh và cộng sự, 2010; Veronique Marx & Katherine Fleischer, 2010; Đinh Quang Hà, 2010; Trương Văn Tuấn, 2012;…). Ví dụ, nghiên cứu của Nguyễn Hữu Minh (2008) “Đóng góp kinh tế - xã hội của người nhập cư” chỉ ra những đóng góp của người nhập cư vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương xuất cư và đô thị.

Đối với địa phương nơi xuất cư, di cư góp phần phân bố lại nguồn nhân lực; cải thiện chất lượng cuộc sống của người di dân và gia đình họ.

Đối với đô thị: người di cư đóng góp vào việc tăng lượng tiền cho giáo dục, điện nước, mua hàng hóa… Hoạt động kinh tế của người nhập cư đã đáp ứng nhu cầu dịch vụ việc làm tại thành phố; mang theo nhiều kỹ năng nghề nghiệp giúp phát triển sản xuất. Sự giao lưu giữa người nhập cư và người đô thị cũng đã góp phần bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa truyền thống tại các khu vực đô thị. 

3. Kết luận:

Trong tương lai, khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu hơn thì hiện tượng di động nghề nghiệp sẽ ngày càng tăng, tác động của quá trình hội nhập đối với di động nghề nghiệp sẽ càng lớn. Điều này sẽ khiến sự kế thừa nghề nghiệp giữa các thế hệ giảm đi. Những nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra nhiều yếu tố cùng lúc quyết định địa vị nghề nghiệp mà cá nhân đạt được như thành quả học tập/đào tạo nghề, tầng lớp xuất thân, dân tộc, tuổi, giới tính, nguồn lực kinh tế gia đình, nguồn lực xã hội cá nhân và gia đình, nguồn lực văn hóa của cá nhân và gia đình. Vì vậy, để xây dựng một xã hội có chất lượng dân số cao, phát triển bền vững cần phải xây dựng lí tưởng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ, cần phải học sâu, hiểu kĩ một nghề nhưng phải biết nhiều nghề để ứng dụng được trong thời đại mới. Ở một số nước công nghiệp hiện nay, mỗi một lao động trong một đời thường phải thay đổi nghề vài ba lần, vì vậy thế hệ trẻ tuổi phải trau dồi năng lực để di chuyển được nghề trong xã hội công nghệ phát triển, có như vậy mới đáp ứng được xu thế tất yếu của xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhóm dịch giả Bùi Thế Cường – Đặng Thị Việt Phương – Trịnh Huy Hoá (2010), Từ điển xã hội học Oxford, NXB Đại học Quốc gia.

2. Trần Hữu Dũng (2003), Vốn xã hội và kinh tế, Tạp chí Thời đại, số 8, tháng 7 – 2003, trang 82 – 102.

3. Trần Hữu Dũng (2006), Vốn xã hội và phát triển kinh tế, Tạp chí Tia sáng, số 13, tháng 7 – 2006, tr 32-33.

4. Lê Thúy Hằng (2011), Di động việc làm trong quá trình chuyển đổi ở Việt Nam: nhìn từ những thay đổi trong chính sách kinh tế và hội nhập quốc tế, Tạp chí Xã hội học số 3, tr 83 – 90.

5. Đỗ Thiên Kính (2007), Di động xã hội giữa các thế hệ trong hai thời kì trước và sau đổi mới ở Việt nam, phần 1, Tạp chí Xã hội học số 2 – 2007.

6. Đỗ Thiên Kính (2009), Di động xã hội giữa các thế hệ trong hai thời kì trước và sau đổi mới ở Việt nam, phần 2, Tạp chí Xã hội học số 1 – 2009. tr.52.

7. Đỗ Thiên Kính (2014), Rào cản đối với tầng lớp nông dân trong hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Xã hội học, số 2, tr.4 – 15.

 


[1] Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức.

Tin liên quan