Thử cắt nghĩa các yếu tố tạo nên sức sống vững bền cho tác phẩm của Thạch Lam

3/5/2023 11:42:51 AM
Thạch Lam thuộc trong số những thành viên trụ cột của Tự lực văn đoàn. Là người ý thức rất sâu sắc về ý nghĩa của hành động viết, Thạch Lam đồng thời suy nghĩ rất sâu về giá trị và sức sống của tác phẩm văn học. Bởi vậy, đương thời, trong khi các nhà văn của nhóm và nhiều nhà văn khác chiều theo thị hiếu độc giả, đa số là tầng lớp thị dân, viết về các chủ đề có tính nhất thời; thì Thạch Lam chủ trương “đi sâu vào tâm hồn của chúng ta mà thôi” và “phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới”. Đó là những câu chuyện bình dị, thoạt nghe không có vẻ hấp dẫn nhưng thực chất lại chứa đựng tính nhân bản, nhân văn sâu sắc. Nội dung ấy được biểu đạt trong một văn phong ngắn gọn, chuẩn mực, hiện đại. Dù vào thời điểm đó, văn Thạch Lam “bán ế nhất” (nhận xét của Nhất Linh) so với các nhà văn khác trong nhóm, nhưng ngày nay đọc lại ta vẫn thấy được sức hấp dẫn mạnh mẽ của những phẩm tính vững bền cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật.

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202303/Images/thach-lam-20230305114157-e.jpg
PGS.TS Lê Tú Anh
Trường Đại học Hồng Đức; Email: letuanh@hdu.edu.vn

 

 

1. Trong công việc của một nhà biên tập, một chủ bút[1], Thạch Lam có điều kiện và đã quan sát rất kỹ đời sống văn học mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Ông nhận thấy rất rõ các xu thế vận động của tiểu thuyết. Miêu tả những chuyển động của văn chương, nhất là tiểu thuyết từ sau khi xuất hiện Phong hóa, nghĩa là bao gồm cả tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn, Thạch Lam thấy có điểm chung là sự nông nổi, hời hợt, nghèo nàn vốn sống, trí tưởng tượng, rất hiếm sự thành thực và ít người có “cái can đảm mình dám làm mình”, thậm chí nhiều người thường hay bắt chước, a dua. Tất nhiên, nhận xét của Thạch Lam bao hàm cả những vận động “khó nhọc” ở bước đi chập chững đầu tiên của văn xuôi quốc ngữ, nhưng điều đáng nói là ông đã có một thái độ rất thẳng thắn, nhìn trực diện vào những giới hạn của đời sống văn học đương thời. Đó là thái độ phê bình rất cần thiết cho một nền văn học đang phát triển[2].

Không chỉ đánh giá sát sao về người viết, Thạch Lam còn quan tâm kỹ lưỡng đến người đọc. Ông cho rằng, về cơ bản, đời sống văn học luôn có hai dạng độc giả: một hạng “chỉ cốt xem truyện” và một hạng “thích suy nghĩ, thích tìm trong sách những trạng thái tâm lý giống tâm hồn mình”, trong đó, hạng “chỉ cốt xem truyện” đông hơn. Hạng này “ngốn tiểu thuyết như người ta ăn cơm lấy no”[3] và chính là những người khiến cho nhiều nhà văn phải chạy theo thị hiếu của họ. Các loại tiểu thuyết kiếm hiệp, võ hiệp được số đông độc giả bấy giờ yêu thích vì nó khiến họ được thỏa mãn về tâm lý - tâm lý “đi tìm an ủi trong những cái tưởng tượng huyễn diệu, dù rằng vô lý”[4]. Cũng để thỏa mãn người đọc số đông, các loại tiểu thuyết trinh thám, phiêu lưu, du ký… đã bắt đầu nảy nở, dù vẫn còn khiêm tốn.

2. Quan sát và suy ngẫm về đời sống văn học bấy giờ, ngoài một sự đọc chăm chỉ và thái độ phê bình thẳng thắn, Thạch Lam còn có một quan niệm rất sâu về tác phẩm văn học. Ông nhận thức rất đúng rằng: “Cuộc lựa chọn của thời gian thực sự rất nghiêm khắc và công bằng”[5]. Theo Thạch Lam, muốn tác phẩm có sức sống bền vững mãi mãi, nhà văn cần phải diễn tả những “tính tình bất diệt của loài người” bằng một “nghệ thuật chắc chắn”. Với ông, viết văn là một nghề đòi hỏi phải công phu, nhưng không chỉ công phu, người viết văn muốn có tác phẩm hay, cần phải có sự rung động thực sự. Nhà văn trước hết phải thành thực với chính mình - đó không phải là thuộc tính duy nhất, nhưng là đòi hỏi đầu tiên đối với một nhà văn. Bởi vì, chỉ có sự thành thực mới tránh cho nhà văn thói a dua, thói bắt chước, viết theo phong trào chứ không vì những nhu cầu tự thân.

Bằng những cách khác nhau, Thạch Lam nhắc nhiều đến chữ “sâu sắc”. Nói về Tố Tâm và số phận của tác phẩm này, ông viết: “Tố Tâm bị số phận đó (nhanh chóng bị lãng quên giống như tác phẩm của Từ Trẩm Á - LTA chú) vì cái nghệ thuật không vững bền; cuốn tâm lý tiểu thuyết ấy chỉ phân tích có cái tâm lý hời hợt bên ngoài, một cái thái độ của tâm hồn mà thôi”[6]. Ông cũng nói nhiều về hai chữ “tinh thần”, “tâm hồn” như là những phần quý giá, thiêng liêng của sự sống con người. Theo ông, tác phẩm văn học, nhất là những tiểu thuyết không chạy theo cái nhất thời, đều có thể góp phần làm cho đời sống tâm hồn con người trở nên phong phú, dồi dào, mãnh liệt. Và “Khi tâm hồn ta đã rèn luyện thành một sợi dây đàn sẵn sàng rung động trước mọi vẻ đẹp của vũ trụ, trước mọi cái cao quý của cuộc đời, chúng ta là người một cách hoàn toàn hơn”[7]. Nghĩa là nhà văn đánh giá rất cao vai trò của tác phẩm văn học, nhất là tiểu thuyết, trong việc làm phong phú, cao quý cuộc sống của con người, giúp cho con người biết sống hơn.

3. Với một nhận thức sâu sắc về vai trò của tác phẩm văn học, với niềm ấp ủ về những sáng tác có sức sống “bất diệt”, “đời đời”, “lâu bền”, “vững bền”, “mãi mãi”…, Thạch Lam đã không hề chạy theo số lượng, không viết một cách ồ ạt. Cuộc sống thiếu thốn với nhà tranh vách đất[8] và mưu sinh vất vả[9] không hề làm nao núng ngòi bút của ông. Ra đi khi mới 32 tuổi đời, vào lúc tuổi nghề đang độ chín, Thạch Lam để lại một sự nghiệp văn chương khiêm tốn về số lượng, trong đó nổi bật là mấy tập truyện ngắn: Gió lạnh đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), truyện dài Ngày mới (1939), tập tiểu luận Theo giòng (1941), tập tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943)… Tất cả đều do nhà xuất bản Đời nay của Tự lực văn đoàn xuất bản. Dù nghiên cứu rất kỹ thị hiếu độc giả và xu hướng của văn học đương thời, nhưng sáng tác của Thạch Lam tuyệt nhiên không có dấu hiệu của văn học thị trường. Ông không chiều theo tâm lý đám đông - những người đọc dễ dãi, đọc tiểu thuyết chỉ cốt xem truyện, nhất là truyện về những chủ đề có tính nhất thời, đang thịnh hành, đang mốt[10]. Ông đánh giá cao sáng tác của các nhà văn Anh, Nga vì nó đi sâu vào tâm hồn con người. Và một điều lạ nữa ở Thạch Lam là, dù nghiên cứu kỹ văn học Âu - Mỹ, dù rất tán thưởng nhiều quan điểm về văn chương của các nhà văn tiến bộ Anh, Nga, Pháp, Mỹ…, nhưng dấu ấn ảnh hưởng phương Tây trong văn của Thạch Lam không hề lộ ra ở những biểu hiện giản đơn, mang tính hình thức.

Từ tất cả những quan sát, học hỏi, phân tích, chiêm nghiệm…, cuối cùng Thạch Lam nhận ra một cách viết mà theo ông, nó chính là con đường đưa tác phẩm của nhà văn đến sự thành công: “Chúng ta không cần bắt chước ai, (mà công việc bắt chước không phải là công việc sáng tác). Chúng ta cứ việc diễn tả cái tâm hồn annam của chúng ta, những tư tưởng, những ý nghĩ mà chúng ta ấp ủ trong thâm tâm. Chúng ta chỉ có thể bằng các nhà văn ngoại quốc, khi chúng ta đi sâu vào tâm hồn của chúng ta mà thôi”[11]. Tất nhiên, ngày nay đọc lại ta thấy khó đồng tình với chữ “annam” vì trong thời Pháp thuộc nó được dùng để chỉ Trung Kỳ - “vùng đất do triều đình nhà Nguyễn cai quản dưới sự bảo hộ của Pháp”[12], nó có thể gợi ra cảm giác về sự chia cắt, lệ thuộc, thân phận nô lệ. Tôi cho rằng, đây chỉ là một thói quen ngôn ngữ, ý để chỉ người Việt Nam, chứ Thạch Lam hoàn toàn không có tâm lý lệ thuộc. Ý chí tự cường, tự lực về văn hóa thể hiện rất rõ ngay trong phát biểu này của ông và trong toàn bộ tác phẩm ông để lại.

Diễn tả tâm hồn Việt để không bị lặp lại những điều mà các nhà văn lớn của thế giới đã viết là lựa chọn để vượt lên những cái bóng lớn trên văn đàn. Khát vọng này của Thạch Lam không chỉ hướng tới tầm quốc gia, ông như đang mường tượng về tầm vóc của một nhà văn thế giới trong bản sắc dân tộc mình. Trên hành trình tìm tới nhân loại, Thạch Lam đã quay về cái bản ngã trong một quan niệm hết sức giản dị mà chuẩn xác: “Qua tâm hồn ta, chúng ta có thể đoán biết được tâm hồn mọi người. Và chỉ khi nào chúng ta hiểu biết những trạng thái tâm lý của mình một cách sâu sắc, chúng ta mới hiểu biết được trạng thái tâm lý người ngoài”[13]. Nói như thế không có nghĩa là Thạch Lam không quan tâm đến đời sống hiện thực. Trong cái nhìn bao quát, có thể thấy, tác phẩm của Thạch Lam đã làm nổi bật đời sống thiếu thốn, lam lũ, tội nghiệp của phần đông người Việt Nam trong bối cảnh thuộc địa. Đặc biệt, vào những năm đầu thập niên 40 thế kỷ XX, Thạch Lam cũng như nhiều nhà văn khác, nhất là các nhà văn theo khuynh hướng hiện thực, hẳn là đã bị ám ảnh ghê gớm về một nạn đói hoành hành dữ dội. Cùng thời với Thạch Lam, Nam Cao đã viết về miếng ăn như một tiếng kêu khẩn thiết trước nguy cơ đe dọa sự sống của con người. Hiện thực ấy khiến một nhà văn rất quan tâm đến con người như Thạch Lam không thể không xúc động. Nhân vật mẹ Lê (Nhà mẹ Lê - Thạch Lam) khiến ta liên tưởng tới chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố): cũng vì sự sống của mình, của gia đình, mẹ Lê đã liều đến nhà ông Bá xin ít gạo giống như chị Dậu liều đến nhà Nghị Quế giữa giờ trưa, cả hai đều bị chó nhà giàu cắn, máu chảy đầm đìa, nhưng chị Dậu vẫn giữ được mạng sống, còn mẹ Lê thì không thể vượt qua một kết cục bi thảm là cái chết. Truyện Đói (Thạch Lam) khiến ta liên tưởng đến Đời thừa, Sống mòn (Nam Cao) - truyện về những thanh niên, trí thức bị “miếng ăn ghì cho sát đất” nhưng vẫn có lúc tỉnh táo để ăn năn về những sự “khốn nạn”, “bất lương”, vô liêm sỉ của mình… Cũng bởi những sự tương đồng đó, nhiều người xếp Thạch Lam vào khuynh hướng hiện thực, cho rằng sáng tác của Thạch Lam gần gũi với chủ nghĩa hiện thực hơn cả so với các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn. Cả Nhà mẹ Lê, Đói đều là những câu chuyện giàu kịch tính, có thể phù hợp với tâm lý người đọc đương thời, có thể phản ánh được một phần cái thời cuộc mà ông và nhiều người trải qua. Nhưng rồi, như ta đã thấy, Thạch Lam không sa đà vào một đề tài mà có lẽ theo ông, dù quan thiết, hệ trọng, vẫn mang tính nhất thời.

Đọc toàn bộ sáng tác của Thạch Lam, có thể nhận thấy, dù không chủ trương phản ánh hiện thực - những hiện thực có tính nhất thời, nhưng xét về đề tài/chủ đề, truyện của Thạch Lam đề cập đến rất nhiều vấn đề, phong phú không kém các cây bút hiện thực chủ nghĩa. Bên cạnh bức tranh về đời sống lam lũ, bần hàn của những người lao động thuộc tầng lớp dưới cùng của xã hội, có vấn đề con người rời bỏ nông thôn lên thành thị kiếm sống rồi rơi vào cảnh mòn mỏi, tàn tạ (Một cơn giận, Người bạn trẻ), vấn đề con người trong môi trường đô thị, chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, quên nghĩa cũ tình xưa (Trở về, Trong bóng tối buổi chiều…), vấn đề thân phận người phụ nữ trong cuộc mưu sinh cực nhọc ở đô thị (Tối ba mươi), thân phận người phụ nữ trong những bi kịch gia đình (Một đời người, Hai lần chết), thân phận người trí thức viết văn kiếm sống nhưng tác phẩm ít người đọc (Cuốn sách bỏ quên), thân phận người đàn ông từng đi lính cho Pháp ở chiến trường châu Âu cuối đời sống lay lắt, khổ sở (Người lính cũ), có truyện thấp thoáng đời sống người thợ/công nhân (Trong bóng tối buổi chiều), có cả câu chuyện về mối giao lưu Pháp - Việt (Người đầm)… Tuy nhiên, khác với các nhà văn hiện thực, Thạch Lam không tiếp cận vấn đề trên bình diện xã hội, giai cấp. Từ đầu đến cuối, nhà văn nhất quán cách tiếp cận từ góc độ con người cá nhân với những thân phận cụ thể, cá biệt. Hầu như ông không có ý định lột tả bản chất xã hội của vấn đề, không chủ trương điển hình hóa, khái quát hóa các vấn đề xã hội. Ông tìm kiếm và thể hiện bản thể, nhân tính trong những câu chuyện thân phận con người.

Phần lớn truyện ngắn của Thạch Lam chỉ quan tâm thể hiện những trạng thái tâm lý, cảm xúc hết sức thông thường: trạng thái của một người đàn ông lần đầu được làm cha (Đứa con đầu lòng); nỗi buồn tủi, niềm khát khao sum họp trong thân phận lạc loài tha hương giữa đêm giao thừa của những cô gái lầm lỡ (Tối ba mươi); trạng thái bực tức tự nhiên, vô cớ gây đau khổ cho người khác (Một cơn giận); sự thay đổi của một người từ chỗ đau khổ vì bị người khác gây thương tổn thể xác đến khi được bù đắp vật chất lại sa vào hưởng lạc vô nghĩa rồi tự gây thêm cho mình vết thương tinh thần (Cái chân què); nỗi niềm chưa kịp vui đã buồn, thậm chí tuyệt vọng, của một nhà văn về thái độ đón nhận tác phẩm của người đọc (Cuốn sách bỏ quên); cuộc đấu tranh nội tâm giữa sự trung thực và gian dối (Sợi tóc); diễn biến của mối tình đầu chớm nở nhiều cung bậc giữa cô con gái ông chủ nhà với người trọ học (Tình xưa)… Dù những trạng thái đó có là nguyên nhân hay kết quả của nhiều sự kiện, biến cố khác, thì mối quan tâm của nhà văn vẫn là dành cho việc làm nổi bật những trạng thái đó mà thôi. Trong truyện Người bạn cũ, nhân vật tôi thời tuổi trẻ hăng hái đã từng rất thân thiết với Lệ Minh, từng hứa lúc nào cũng sẵn lòng giúp cô trong lúc khó khăn, vậy mà khi trưởng thành, được sống cuộc đời trưởng giả, gặp lại người cũ lỡ bước cần giúp đỡ, anh ta đã tìm cách từ chối. Ở đây có hai tuyến truyện: một là mối quan hệ giữa “tôi” và Lệ Minh và hai là cuộc đời của Lệ Minh, mà theo tôi, chuyện cuộc đời Lệ Minh cũng thật ly kỳ, có thể phát triển thành những bi kịch kiểu cô Ba Tràh (Cô Ba Tràh), cô Phượng (Mồ cô Phượng) xuất hiện trước đó rất ăn khách[14]. Nhưng cuối cùng, phần đọng lại, dư âm của truyện lại không phải là chuyện đó, mà là một truy vấn bản thể của “tôi” - “tôi là ai?”: “Rồi tôi băn khoăn tự hỏi xem trong hai cái hình ảnh ấy, hình ảnh người thiếu niên hăng hái và hình ảnh người trưởng giả an nhàn, cái hình ảnh nào thật là của tôi? Tôi không dám trả lời.”[15]. Tương tự như thế, truyện Một cơn giận ngắn mà gợi mở nhiều mạch truyện: truyện giữa nhân vật anh Thanh với một phu xe và truyện về thân phận của người phu xe. Giữa hai mạch này, truyện người phu xe có nhiều tình tiết gay cấn hơn, nhất là sau chuyến xe chở khách vượt tuyến từ ngoại thành vào nội thành bị cảnh sát phát hiện. Những miêu tả cận cảnh về anh xe, về dãy nhà trọ ở phố Khâm Thiêm nơi gia đình anh xe trú ngụ khiến ta ngay lập tức liên tưởng đến các phóng sự của Tam Lang (Tôi kéo xe), của Vũ Trọng Phụng (Cơm thầy cơm cô)… với những miêu tả đưa lại nhiều cảm nhận thị giác: “Một bà cụ già gầy giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấu vào tận trong mình.”; “Khi mắt đã quen rồi, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ngồi ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy”[16]. Nếu theo đuổi lối viết này và hướng đến những vấn đề nóng hổi, tác phẩm của Thạch Lam có thể đã “bán chạy”. Nhưng truyện quay về nhấn mạnh hậu quả cái cơn giận vô cớ của anh Thanh: không chỉ là một thảm kịch cho gia đình anh xe, mà ngay với anh Thanh, nó vẫn luôn hiện diện như là một “vết thương chưa khỏi”. Như vậy, từ góc nhìn chủ thể sáng tạo, Thạch Lam rõ ràng không phải không có khả năng quan sát và miêu tả sâu sắc, hấp dẫn những chủ đề nóng bỏng/“hợp thời”. Vấn đề ở đây là sự lựa chọn, là bản lĩnh và trí tuệ người viết. Việc “lội ngược dòng” xu hướng chung, tức lựa chọn viết những điều mà loại người đọc “chỉ cốt xem truyện” - lực lượng đông đảo hơn lúc bấy giờ - không thấy hấp dẫn, trước hết thể hiện bản lĩnh dám chấp nhận một đối xử thiếu công bằng, một sự thờ ơ, thậm chí ghẻ lạnh, của số đông. Đổi lại, điều ông mong mỏi là sự sống dài lâu hơn cho những đứa con tinh thần của mình, ngay cả khi ông không còn được chứng kiến điều đó. Thử thách còn lại là câu chuyện của tài năng: làm thế nào để chuyện bình thường mà gây được sự xúc động, tác động được vào nhận thức của con người? Câu trả lời có lẽ không gây nhiều tranh cãi: Thạch Lam đã miêu tả một cách hết sức chính xác và tinh tế những trạng thái, diễn biến cảm xúc nhỏ bé nhất của con người. Có thể nói, Thạch Lam giống như một nhà tâm lý học diễn tả tri thức chuyên ngành bằng hình tượng và ngôn từ nghệ thuật. Và thông qua những hình tượng, ngôn từ, chính xác tới mức như là khoa học về con người ấy, truyện của Thạch Lam đã thể hiện được những nhân tính phổ quát, thường hằng. Do thế, đó không phải là câu chuyện của một thời nữa, vượt lên thử thách của thời gian, chúng không có giới hạn về thời gian.

Vậy là, Thạch Lam đã hiện thực hóa được điều ông quan niệm về hoạt động sáng tác văn học: “qua tâm hồn ta để ta hiểu được tâm hồn người”. Với việc đi sâu vào nội tâm con người, trước hết là những người nhỏ bé chung quanh, và hơn hết là tâm hồn chính mình, Thạch Lam đã nhìn ra được cái phổ quát mang tính nhân loại. Cùng với việc thể hiện những nhân tính phổ quát, Thạch Lam - một nhà văn giàu tinh thần dân tộc, đã có nhiều tác phẩm tập trung khám phá, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Việt. Gắn với nội dung này là những trang văn đem lại cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, đôi khi vút lên bởi những âm thanh cao khiết trong đời sống tinh thần của con người. Điều này khiến cho tác phẩm của Thạch Lam có sự khác biệt rất rõ so với Tam Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... Theo tôi, sự khác biệt này không hẳn do phương pháp sáng tác. Nó xuất phát từ một quan niệm riêng của Thạch Lam về sứ mệnh người cầm bút: “Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”[17]. Bởi thế, phần lớn sáng tác của Thạch Lam đều kể những câu chuyện hết sức bình dị, bình dị tới mức, đối với người đọc chỉ cốt xem truyện, nó có thể khiến người ta thấy khó chịu vì cho rằng không có gì đáng để đọc. Đó là tình cảm thương yêu, sẵn sàng sẻ chia cho người cùng cảnh ngộ của những đứa trẻ nghèo (Gió lạnh đầu mùa); là niềm hãnh diện của một cô gái mới lớn lần đầu được mẹ tin tưởng giao cho chiếc chìa khóa một cửa hàng tạp hóa (Hai đứa trẻ); là cảm giác lo toan trĩu nặng của người chị cả trong thiên tính của người vợ, người chị, người phụ nữ (Cô hàng xén); là cảm giác thanh thản, trong lành, dịu êm khi được trở về khu vườn, nếp nhà ở thôn quê của bà, được gặp lại người bạn gái ngày xưa (Dưới bóng hàng lan)… Tất cả đều ở dạng những trạng thái cảm xúc chưa thật rõ ràng, rất mơ hồ, khó biểu đạt và dễ bị bỏ qua. Thạch Lam không những không bỏ qua, ông đã miêu tả một cách hết sức tinh tế. Tinh tế đến mức có thể chạm đến phần sâu thẳm bên trong mỗi con người. Những thiếu nữ, những người chị, người vợ đều thấy bóng mình trong hình dáng và cảm xúc của Liên (Hai đứa trẻ), của Tâm (Cô hàng xén). Những người có tuổi thơ gắn bó sâu nặng với bà, với những ngôi nhà đơn sơ trong vườn cây nhiều hoa trái và chiếc giếng trong mát hẳn là muốn đọc hơn một lần Dưới bóng hàng lan để đồng cảm và hồi ức về những kỷ niệm thơ ấu của mình. Một vài ví dụ để thấy những điều Thạch Lam quan tâm hầu như chẳng có gì to tát, nhưng nó có sức lan tỏa, lay động. Bởi vì đó không phải là tâm trạng của một người, mà là vẻ đẹp tâm hồn của người Việt, tính cách của người Việt đời đời. Bối cảnh đô thị hóa đã và đang làm cho đời sống vật chất, quan hệ tình cảm của con người thay đổi, và truyện của Thạch Lam trở thành nơi lưu giữ ký ức Việt, lưu giữ những nét đẹp văn hóa thuần Việt cho muôn đời sau.

Cũng bằng cảm quan của một nhà văn thường trực cái nhìn hướng nội, chú trọng nội tâm, cảm xúc, Thạch Lam đã gây bất ngờ bởi truyện Người đầm. Thực ra, sự xuất hiện của người phụ nữ Pháp trong một rạp chiếu phim ở xứ sở thuộc địa lúc ấy không phải là chuyện bất thường. Ngay cả cái chi tiết hàng ghế “lô” và hạng nhất toàn là người Pháp cũng không gây ngạc nhiên, dù cho nó có thể giúp mạch truyện rẽ sang hướng trình bày, phân tích những vấn đề rất hệ trọng như sự kỳ thị, phân biệt đối xử, sự bất công, bất bình đẳng… trong xã hội đang được “khai hóa”. Điều làm cho nhân vật “tôi” “sửng sốt”, “tò mò”, “chú ý”, “không nghĩ đến xem phim nữa” là ở chỗ một người Pháp, mà lại là một người đàn bà, ngồi ở hạng nhì lẫn với mọi người. Đặc biệt, “vẻ buồn lặng lẽ và trầm mặc phảng phất trên nét mặt người đàn bà đó” gợi cho người kể quá nhiều cảm xúc, suy nghĩ, hình dung, tưởng tượng… Theo dõi nhất cử nhất động của người đầm, bên trong rạp rồi ra ngoài rạp, nhân vật “tôi” từ sự chú ý, ngạc nhiên, đã “tự nhiên đem lòng thương mến người đàn bà Pháp ấy” đến nỗi “tôi chỉ muốn chạy theo nói cho bà biết cái cảm tình đằm thắm của tôi, lòng kính trọng của tôi trước sự đau đớn, lòng mến yêu của tôi đối với một kẻ nhân từ”[18]. Người đầm của Thạch Lam gợi nhớ tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa[19]. Điểm chung của hai tác phẩm là đều lấy cảm hứng từ những người phụ nữ phương Tây. Nhưng nếu tiểu thuyết của Huỳnh Thị Bảo Hòa dựa trên một chuyện có thật “xưa nay hiếm” như lời tác giả ở đầu sách, thì Thạch Lam lại xuất phát từ sự rung động trước những chi tiết hết sức thường nhật. Điều này hoàn toàn nhất quán với chủ trương cầm bút của Thạch Lam. Và chính vì phát hiện được cái đẹp “ở chỗ mà không ai ngờ tới”, Thạch Lam đã vượt lên cái nhìn đại để, xác quyết về tính phi giới hạn của tình thương yêu con người. Hơn thế, đó còn là một cách để nhà văn thể hiện kín đáo vẻ đẹp tâm hồn Việt: Trong thân phận những người dân nô lệ của một nước thuộc địa, người Việt Nam vẫn có thể thương mến thành thực một người Pháp bất hạnh.

Khám phá tâm tính Việt, Thạch Lam đã phát hiện cả những nét đẹp lẫn nhiều trang u buồn. Tôi muốn nói đến hai truyện ngắn rất thú vị của Thạch Lam: Đứa conTrở về.

Vợ chồng ông Cả trong truyện Đứa con có đầy đủ những nét tính cách thuộc về bản chất của bọn địa chủ quan lại: cũng giàu lên nhờ cho vay nặng lãi, cũng tham lam, keo kiệt, độc ác, coi của hơn người. Họ chỉ thiếu một đứa con, dù đã “lễ hết đền kia phủ nọ”. Gia đình chị Sen, như rất nhiều gia đình nghèo khổ khác, là nạn nhân của nạn đi vay nặng lãi. Thầy chị Sen vì muốn có chức Nhiêu nên phải vay ông bà Cả ba chục, đến ngày mùa mà vẫn chưa trả hết được, đành phải gán chị Sen làm đứa ở không công trả nợ. Chị Sen suốt ngày đầu tắt mặt tối, quán xuyến hầu hết công việc trong nhà mà vẫn bị mắng chửi, đánh đập. Xót thương chị Sen, xóm giềng thầm trách ông bà Cả ác nghiệt thế nên không có con là phải. Ngót một năm chị Sen ở với ông bà Cả, đến ngày thầy u đem lễ vật lên xin cho chị về để lấy chồng, chị chỉ có mấy cái quần áo cũ rách “gói ghém trong cái khăn vuông, cùng với cái lược con ba xu, một cái gương tròn nhỏ và một hộp sáp cô Ba”. Hai năm sau, chị Sen lấy chồng, có con, chị lại bế con cùng thầy u lên tết ông bà Cả. Nhưng lần này, sự xuất hiện của thằng bé mười bốn tháng tuổi con chị Sen đã làm thay đổi thái độ của bà Cả. Niềm khát khao có được một đứa con như đứa bé kháu khỉnh kia để nâng niu ấp bồng như “ấp ủ một cái mầm sống” khiến bà nghĩ đến việc giá có thể đánh đổi tất cả của cải để có được đứa con. Và rồi, lòng tham lam phút chốc như không còn chỗ, bà Cả từ chối nhận lễ của vợ chồng bác Nhiêu nghèo, lại còn mở tủ lấy hai đồng bạc mới đưa cho chị Sen bảo về may áo cho con mặc. Đứa con, đối với người Việt, luôn là một tài sản rất lớn, lớn hơn tất cả những vật chất giá trị khác. Trong truyện này, Thạch Lam cho thấy, niềm khao khát đứa con có thể làm thay đổi tâm tính bà Cả theo hướng thiện lương. Nó đúng với triết lý mà ông bà ta đã đúc kết: “Có vàng, vàng chẳng hay phô/Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe” (Ca dao).

Trong khi đứa con còn quý hơn cả gia tài của một người mẹ - kể cả với những người tham lam, keo kiệt như bà Cả; thì người mẹ lại có thể trở nên xa cách, trở thành nỗi vướng bận, thậm chí ngại ngùng, xấu hổ với những đứa con đã thay lòng đổi dạ khi rời xa mái nhà của mẹ, có cuộc sống hưởng thụ sung sướng nơi đô thành. Đó là nỗi bất hạnh của bà cụ trong truyện Trở về: Bà cụ có con trai là Tâm. Tâm xuất thân nông thôn nhưng lên Hà Nội lập nghiệp, nhờ gắng sức nên có địa vị xã hội, lại lấy được vợ nhà giàu, Tâm quên hẳn quê nhà. Cái đời thôn quê mà lúc nhỏ Tâm nghĩ nó là đời sống giản dị, sung sướng, sau này Tâm thấy quê mùa, nhạt nhẽo. Anh ta cũng không muốn liên lạc, ràng buộc gì với những người họ hàng ở làng quê nữa. Chỉ còn người mẹ già, anh ta đối xử bằng nghĩa vụ, bổn phận. Đọc Trở về khiến ta liên tưởng đến Nhà quê của Ngọc Giao[20]. Thái trong Nhà quê cũng có hành trình giống như Tâm. Và trong một lần, rất lâu rồi mới trở về quê, Thái định dứt khoát bán nốt phần đất đai còn lại của gia đình rồi sẽ ra ngay Hà Nội. Nhưng ngôi nhà cũ đã khơi dậy trong lòng Thái nhiều kỷ niệm gắn với tuổi thơ và những người yêu dấu, thiên nhiên làng quê đem đến cho Thái những cảm giác rất dễ chịu, nhất là nếp sống giản dị, thuần khiết, thái độ trân trọng nâng niu những kỷ vật cũ của bố con ông Bút - người quản gia… đã khiến Thái thay đổi quyết định không quay lại thành phố nữa mà ở lại hẳn quê nhà. Còn với Tâm, cuộc trở về thăm quê, thăm mẹ sau năm, sáu năm xa như một nghĩa vụ cũng là lần chối bỏ phũ phàng, quyết liệt những năm tháng tuổi thơ, những người thân và không gian sống quê nhà. Không gì, kể cả những tình cảm quyến luyến tội nghiệp nhất của bà mẹ già, của người con gái láng giềng thầm thương nhớ chờ đợi có thể làm lay động tâm hồn, khiến cho Tâm có chút suy nghĩ lại. Tâm đã hoàn toàn thay đổi, đã thành kẻ khác. Nhẹ nhàng mà chua xót, Trở về của Thạch Lam như nhắc nhở, cảnh tỉnh: chuyện thay lòng đổi dạ, “tham phú phụ bần”, “tham vàng bỏ ngãi” có lẽ cũng là một căn tính. Nói đúng hơn, đó là một thói tật ở xứ sở này, đã được đúc kết, chứ không riêng gì trong bối cảnh đô thị hóa, tư sản hóa đầu thế kỷ XX.

4. Thể hiện những điều bình dị mà tinh tế, sâu sắc như thế, dĩ nhiên, nhà văn phải cần đến một văn phong hiện đại. Tuy nhiên, phải hình dung rằng, trong bối cảnh văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, hành trình để đi đến một lối hành văn thực sự hiện đại là không hoàn toàn dễ dàng[21]. Từ những bi quan ban đầu - ta có nước mà không có văn (Phạm Quỳnh), đến những bước đi chập chững của một lối văn “trơn tuột như lời nói thường”[22], thái độ/hành động quyết liệt, dứt khoát của Hoàng Tích Chu (từ chối cái bả viết văn kéo dài”, “bao nhiêu thứ chữ thì, chữ gần bị loại hết”)… là một quá trình dài của nhận thức và thực hành, thể nghiệm. Quá trình đó có không ít khó khăn, cản trở, không phải chỉ do một thói quen tiếp nhận/một “tầm đón đợi” đã mặc định; mà còn cả từ phía người viết[23]. Trong công cuộc kiến thiết một lối văn mới, Phong hóa - cơ quan ngôn luận của Tự lực văn đoàn, đã đóng vai trò rất quan trọng: Phong hóa hết sức phá bỏ các sáo cũ trong cách viết văn[24]. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Phong hóa, Ngày nay cũng như khả năng hiện thực hóa chủ trương của Tự lực văn đoàn ở mỗi cây bút của nhóm là không giống nhau. Trong những trang văn xuôi của nhiều cây bút nhóm Tự lực văn đoàn, âm hưởng du dương, réo rắt không phải đã hoàn toàn mất hẳn. Trong bối cảnh đó, Thạch Lam thuộc trong số những cây bút mà cho đến hôm nay đọc lại ta vẫn thấy văn phong hoàn toàn chuẩn mực. Tính hiện đại của văn Thạch Lam được thể hiện ở sự chính xác, vừa vặn, thuần thục, linh hoạt, uyển chuyển… của chữ viết, từ ngữ và cú pháp; ở khả năng miêu tả, biểu đạt hết sức tinh tế, sâu sắc mọi vấn đề của đời sống, kể cả những chuyển động nhỏ nhất trong nội tâm con người. Tôi thật sự ngạc nhiên trước những đoạn tả người, tả cảnh của Thạch Lam: “Lan lặng yên cầm quèo với một cành cao. Thân thể trẻ tươi và dẻo dai của nàng vươn cong dưới bóng cây, và tấm áo mảnh căng sát để phô hẳn những đường mềm mại”[25]; “Giọng u chị Sen tấm tức, rồi nghẹn ngào trong nước mắt. Còn chị Sen từ nãy vẫn cứ lặng yên đứng ở góc nhà, tay ôm chặt cái gói quần áo cũ. Một lát sau, chị lẳng lặng theo thầy u đi ra, dáng đi chậm chạp và khó nhọc, như còn đang gánh gánh nước ở trên vai”[26]... Không phải bây giờ mà tôi tin, nó vẫn còn sức hấp dẫn với người đọc nhiều chục năm sau.

Giữa bối cảnh bề bộn, ngổn ngang của đời sống văn học trong cuộc biến động của lịch sử, cuộc vần xoay của xã hội đầu thế kỷ XX, việc lựa chọn hướng đi nào phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh và tài năng của người viết. Lựa chọn của Thạch Lam, vào lúc ấy, có thể không được xem là “thức thời”, “nhạy bén”, nhưng thời gian đã có câu trả lời cho các giá trị trong sáng tác của ông. Nếu nói rằng Tự lực văn đoàn đã có đóng góp rất lớn vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, thì trong công lao đó, ta không thể không kể vai trò quan trọng của Thạch Lam. Ngẫm ra, tất cả những thành tựu sáng tác của Thạch Lam đều có cơ sở từ việc ông tuân thủ một cách rất nghiêm túc các tôn chỉ, mục đích của Tự lực văn đoàn. Do vậy, nó cũng là minh chứng cho tính đúng đắn của các chủ trương xây dựng nền văn học dân tộc của văn đoàn này. Những tìm hiểu, tham bác từ quan niệm, tư tưởng, sáng tác của các nhà văn thế giới, dù rất phong phú, cũng không lấn át được tinh thần dân tộc, ý thức tự cường về văn hóa, văn học trong Thạch Lam. Chúng chỉ góp phần bồi đắp cho ông một nội lực giàu có hơn để từ đó mà “tự lực” kiến tạo thế giới nghệ thuật của mình.

Liên hệ đến đời sống sáng tác hiện tại, trong bối cảnh rất phức tạp của các xu thế hiện đại hóa, toàn cầu hóa, của biến đổi khí hậu, đại dịch, chiến tranh…, trước rất nhiều vấn đề lớn của thời đại, nhân loại, việc lựa chọn đối tượng phản ánh và cách biểu đạt thế nào để tác phẩm đi cùng được với độc giả theo thời gian luôn là chuyện không dễ. Trường hợp Thạch Lam, do thế, vẫn có thể được nhắc lại như một tham khảo hữu ích.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Bằng (1969), Bốn - mươi - năm nói-láo (tái bản), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.
  2. Thạch Lam (1941), Theo giòng, Nxb Đời Nay, Hà Nội.
  3. Thạch Lam (1937), Gió lạnh đầu mùa (tái bản lần thứ tư), Nxb Văn học, Hà Nội, 2018.
  4. Vũ Ngọc Phan (1942-1945), Nhà văn hiện đại (tái bản), Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.
  5. Nguyễn Vỹ (1994), Văn thi si tiền chiến, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

 

 

 

____________________

[1] Trong “Vài ý kiến về tiểu thuyết”, ông cho biết: “Tôi đã có dịp đọc nhiều tác phẩm chưa xuất bản của các nhà văn. Tôi phải buồn rầu khi nhận thấy, trong vài chục văn phẩm đó, một sự nghèo nàn không ai ngờ.”, Theo giòng, Nxb Đời Nay, Hà Nội, tr. 25.

[2] Về điều này, Thạch Lam rất gần gũi với Vũ Ngọc Phan trong công trình Nhà văn hiện đại. Chúng tôi đã bàn đến vấn đề trong một tiểu luận đã được công bố: Phê bình văn học nhìn từ đầu thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Số 8/2017, tr.63-72.

[3] Thạch Lam (1941), Theo giòng, Nxb Đời Nay, Hà Nội, tr. 34.

[4] Thạch Lam (1941), Theo giòng, sđd, tr. 36.

[5] Thạch Lam (1941), Theo giòng, sđd, tr. 12.

[6] Thạch Lam (1941), Theo giòng, sđd, tr. 13.

[7] Thạch Lam (1941), Theo giòng, sđd, tr. 46-47.

[8] Ngôi nhà tranh vách đất còn được gọi là "nhà cây liễu" ở đầu làng Yên Phụ là do chị Nguyễn Thị Thế nhường lại cho vợ chồng ông.

[9] Kiếm sống bằng nghề viết để đỡ đần cho gia đình lớn, để nuôi vợ và các con thơ là một công việc hết sức nhọc nhằn. Chính vì thế, Thạch Lam sớm mắc bệnh lao phổi - căn bệnh nan y mà nhiều văn thi sĩ trước cách mạng mắc phải.

[10] Tất nhiên không phải nhà văn nào viết về những chủ đề đang thịnh hành/nhất thời cũng là vì để chiều theo thị hiếu độc giả, mà đôi khi còn vì những nhiệm vụ quan trọng khác do sứ mệnh nghệ sĩ xui khiến. Chẳng hạn Khái Hưng từng chia sẻ với Nguyễn Vỹ: “Những Roman à these (tiểu thuyết có chứa đựng một luận đề - Nguyễn Vỹ chú) của tôi (câu này, anh dùng tiếng Pháp) chỉ có mục đích cải cách một vài tập tục trong xã hội Việt Nam hiện nay, những tập tục mà ta thấy rõ ảnh hưởng không tốt cho xã hội. Một ngày sau những tập tục đó sẽ không còn trong một xã hội tiến bộ hơn thì tiểu thuyết của tôi sẽ mất giá trị của nó” (Văn thi sĩ tiền chiến, tr.128). Như vậy, Khái Hưng ý thức rất rõ những bất lợi cho tiểu thuyết của mình nếu lựa chọn những đề tài có tính nhất thời, nhưng vì sự tiến bộ xã hội, lựa chọn đó của ông đầy tinh thần dấn thân và hy sinh.

[11] Thạch Lam (1941), Theo giòng, sđd, tr. 25.

[12] “An Nam”, nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/An_Nam

[13] Thạch Lam (1941), Theo giòng, sđd, tr. 24.

[14] Cô Ba Tràh (Nguyễn Ý Bửu, Impr. Xưa nay, Saigon, 1927), Mồ cô Phượng (Trứ Giả, Công Nông Thương báo, Hà Nội, 1926) đều được sáng tác dựa trên những nguyên mẫu là các cô gái một thời nức tiếng xinh đẹp, nhưng vì cuộc sống xô đẩy, bản thân không đủ nghị lực vượt lên cám dỗ nên đã trượt dài trên con đường hư hỏng, tội lỗi. Đương thời, hai tác phẩm này, một ở miền Bắc, một ở miền Nam, với kiểu xây dựng nhân vật nữ có cuộc đời nhiều biến cố, nhiều tình tiết éo le, ly kỳ, được người đọc rất ưa thích.

[15] Thạch Lam (1937), Gió lạnh đầu mùa, tập truyện ngắn, tái bản lần thứ tư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2018, tr.20.

[16] Thạch Lam (1937), Gió lạnh đầu mùa, tr.31-32.

[17] Thạch Lam (1941), Theo giòng, sđd, tr. 39.

[18] Thạch Lam (1937), Gió lạnh đầu mùa, sđd, tr.122.

[19] Xin xem: Lê Tú Anh, “Tây phương mỹ nhơn trên nền cảm hứng đạo lý trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời”, in trong Văn xuôi Việt Nam hiện đại - khảo cứu và suy ngẫm, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2018.

[20] Ngọc Giao (1944), Nhà quê, tiểu thuyết, Nxb Hà Nội (tái bản), Hà Nội, 2011.

[21] Xin xem: Lê Tú Anh, “Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời”, In trong Văn xuôi Việt Nam hiện đại - khảo cứu và suy ngẫm, sđd.

[22] Chủ trương từ cuối thế kỷ XIX của học giả Trương Vĩnh Ký được tiếp tục thực hiện đến tận những năm ba mươi của thế kỷ XX, nhất là ở Nam bộ.

[23] Chính Hoàng Tích Chu từng thú nhận: "Bởi lối văn không cho phép viết dài câu, hay là thừa nhiều tiếng, nên mỗi khi giãi bày một lý thuyết nào, tôi thấy khó xoay sở lắm", dẫn theo Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (tái bản), tập 2, tr.614.

[24] Thạch Lam (1941), Theo giòng, sđd, tr. 21.

[25] Thạch Lam (1937), Gió lạnh đầu mùa, tr.143.

[26] Thạch Lam (1937), Gió lạnh đầu mùa, tr.128.

 

(Bài đã đăng trên tạp chí Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật, 2-2023, tr. 115-124).

 

 

Tin liên quan