PGS.TS Lê Văn Trưởng và những nghiên cứu Địa lí giàu tâm huyết

15/07/2022

Trong 24 năm ở môi trường giáo dục đại học, với tổng số trang viết đã xuất bản là 2.900 trang, PGS.TS Lê Văn Trưởng thực sự là một chuyên gia của ngành Địa lí tỉnh Thanh Hóa và cả nước.

 

                                                                                      Bộ môn Địa lí

 

Tháng 7 năm 1979, người thanh niên Lê Văn Trưởng tốt nghiệp ngành Sư phạm Địa lí Trường ĐHSP Hà Nội 2 và tháng 10/1979 trở thành giáo viên dạy Địa lí ở trường cấp 3 Ngọc Lạc (nay là THPT Ngọc Lặc), tỉnh Thanh Hóa.

Sau 2 năm học Sau đại học, tháng 10/1984, thầy được phân công về dạy Địa lí cho khối chuyên của Trường THPT Lam Sơn. Nhiều thế hệ học sinh chuyên Lam Sơn những năm 1985-1995 vẫn còn nhớ như in những kiến thức và tư duy địa lí được chuyển tải qua tác phong dạy học “rất Địa lí” của thầy. Ngay từ khi còn là giáo viên trường THPT Lam Sơn, vào năm 1990, thầy đã xuất bản sách Địa lí tỉnh Thanh Hóa (Tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy học phần Địa lí địa phương).

Năm 1997, chuyển về công tác tại Trường ĐH Hồng Đức, khát vọng nghiên cứu Địa lí học của thầy dần trở thành hiện thực. Mặc dù có 23 năm trên cương vị quản lí (3 năm là Phó trưởng khoa, 6 năm là Trưởng khoa Khoa học xã hội và 14 năm là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức), nhưng thầy không bao giờ rời được “Tư duy lãnh thổ” và “Khát vọng khám phá các vùng đất”. Vì thế tính đến 10/2021, thầy là chủ nhiệm của 5 đề tài các cấp (01 cấp Bộ, 02 cấp tỉnh, 02 cấp cơ sở); công bố 58 bài báo (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) trên nhiều tạp chí chuyên ngành uy tín; là chủ biên và tham gia biên soạn 20 ấn phẩm xuất bản (sách, giáo trình và tài liệu tham khảo, chuyên khảo, địa chí), đồng thời là phó chủ nhiệm chủ trì và tham gia nhiều công trình khác. Tính đến 10/2021, thầy đã hướng dẫn thành công 5 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án Tiến sĩ, 34 học viên Cao học và giảng dạy nhiều học phần cho ĐHSP Địa lí và các chuyên ngành Cao học như Địa lí học, Quản trị kinh doanh, Quản lý Giáo dục và Trồng trọt.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202110/Images/th-truong-3-20211022035158-e.jpg

Một số sách đã công bố của PGS. TS Lê Văn Trưởng

PGS.TS Lê Văn Trưởng là một trong những nhà Địa lí có nhiều đóng góp trong nghiên cứu nông nghiệp đô thị ở Việt Nam. PGS đã tập trung nghiên cứu đặc trưng và bản chất của Nông nghiệp đô thị Việt Nam; tình hình phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam; lựa chọn định hướng và giải pháp phát triển Nông nghiệp đô thị Việt Nam. Theo hướng nghiên cứu này, thầy đã công bố hơn 10 bài báo, chủ nhiệm 01 đề tài cấp trường, 01 đề tài cấp bộ và hướng dẫn luận văn, luận án cho 03 học viên hoàn thành chương trình thạc sỹ, tiến sĩ của mình.

Thầy cũng là một “Nhà Thanh Hóa học” trong nghiên cứu “Kinh tế lãnh thổ” và “Thanh Hóa” với những đóng góp to lớn như: “Địa lý Thanh Hóa” làm tài liệu tham khảo giảng dạy; tham gia nghiên cứu và biên soạn “Địa chí Thanh Hóa” tập I và tập III; đã xuất bản rất nhiều bài báo; thực hiện 02 đề tài khoa học về Thanh Hóa (01 đề tài cấp trường và 01 đề tài cấp tỉnh); nghiên cứu đa dạng hóa nông nghiệp ở Sầm Sơn (2007); nghiên cứu thực trạng phát triển các khu công nghiệp ở Thanh Hóa (2006); đánh giá các nhân tố địa lý trong việc hình thành Khu kinh tế tổng hợp Nghi Sơn (2007), Phát triển kinh tế Thanh Hóa theo lãnh thổ (2020); “Nghiên cứu về hệ thống nông nghiệp đô thị ở Thành phố Thanh Hóa” (2012). Thầy đã là đồng chủ biên và tham gia biên soạn địa chí cho 09 huyện, thành phố trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa gồm Lang Chánh, Ngọc Lạc, Bá Thước, Như Xuân, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát và thành phố Sầm Sơn.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa, thầy đã có nhiều cống hiến về nghiên cứu Du lịch và Tổ chức lãnh thổ du lịch như thực hiện đề tài "Nghiên cứu xác định các loại hình, điểm và tuyến du lịch vùng địa giới Thanh Hoá - Ninh Bình” (cấp cơ sở 2007) và "Nghiên cứu xác định các loại hình, điểm, khu và tuyến du lịch khu vực phía tây đường Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hoá” (cấp tỉnh 2009); tài liệu “Tổng quan du lịch thuộc Đề án “Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao chất lượng quản trị  doanh nghiệp du lịch theo mô hình chuẩn quốc tế giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định Số 1358/QĐ-UBND ngày 27-4-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; công bố nhiều bài báo chuyên ngành và hướng dẫn nhiều luận văn thạc sĩ liên quan hướng nghiên cứu này.

Ngoài 4 hướng trên, hiện nay PGS đang triển khai các hướng nghiên cứu về Đô thị hóa, Tổ chức lãnh thổ kinh tế Địa lí công nghiệp.

Chúng tôi xin được giới thiệu cụ thể 5 công trình nổi bật trong sự nghiệp của nhà Địa lí học Lê Văn Trưởng:

1. Sách Địa lý Kinh tế - xã hội đại cương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005 là một trong những học phần cơ bản thuộc chuyên ngành đào tạo Địa lý của các trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm. Địa lí Kinh tế - xã hội đại cương được biên soạn đáp ứng mục tiêu trang bị kiến thức cơ bản về phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, các khái niệm và quy luật địa lý kinh tế - xã hội; phát triển tư duy tổng hợp, tư duy lãnh thổ, tư duy kinh tế, tư duy sinh thái; rèn luyện kỹ năng phân tích số liệu, đọc bản đồ, biểu đồ, viết báo cáo... Giáo trình Địa lí kinh tế - xã hội đại cương đã kế thừa có chọn lọc các xuất bản trước song có nhiều điểm mới trong cách tiếp cận và nội dung: tiếp cận các vấn đề địa kinh tế ở góc độ rộng và liên ngành (đặc biệt là các lý thuyết, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, chỉ số đánh giá nền kinh tế - xã hội, lý luận về tổ chức lãnh thổ, phân vùng và quy hoạch lãnh thổ kinh tế - xã hội…). Trong lời giới thiệu sách, GS.TS. Lê Thông đã đánh giá rất cao tính thực tiễn của giáo trình: “Với cách tiếp cận và cấu trúc như vậy, chúng tôi tin rằng bộ giáo trình này sẽ rất bổ ích cho các sinh viên, học viên Cao học, giáo viên Địa lí ở các trường phổ thông trung học và những người quan tâm đến ngành khoa học này ở Việt Nam”.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202110/Images/le-van-truong-20211029093442-e.jpg

 

2. Đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xác định các loại hình du lịch, điểm, khu và tuyến du lịch khu vực phía tây đường Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa”. Đề tài đã xây dựng cơ sở lý thuyết, luận giải về các loại hình, điểm, khu và tuyến du lịch vận dụng cho địa bàn nghiên cứu; xây dựng sơ đồ nối các điểm, khu và tuyến du lịch phía tây đường HCM tỉnh TH với các điểm, khu và tuyến khác trong và ngoài tỉnh; báo cáo chuyên đề về kết quả điều tra, khảo sát của 50 điểm nghiên cứu thuộc phạm vi lãnh thổ của đề tài; bộ tư liệu ảnh và video quay các loại hình, điểm du lịch khu vực phía tây đường HCM… Đề tài được xếp loại xuất sắc.

3. Đề tài cấp bộ Nghiên cứu các hệ thống nông nghiệp đô thị Thành phố Thanh Hóa (2012) đã tổng quan các quan điểm về nông nghiệp đô thị và hệ thống nông nghiệp đô thị; Xây dựng 7 tiêu chí để xác định các hệ thống sản xuất nông nghiệp đô thị gồm: địa bàn phân bố sản xuất, chủ thể, mục đích của sản xuất, sản phẩm, mức độ thương mại hoá, kỹ thuật sản xuất và công nghệ sử dụng, qui mô sản xuất. Phân tích đặc điểm của 10 hệ thống sản xuất nông nghiệp đô thị ở thành phố Thanh Hoá bao gồm: hệ thống sản xuất nông nghiệp tại nơi ở, hệ thống sản xuất nông nghiệp trên đất công, hệ thống sản xuất nông nghiệp tại các khuôn viên, hệ thống công viên, hệ thống vườn thương mại quy mô nhỏ, hệ thống trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, hệ thống nuôi thuỷ sản, hệ thống lâm nghiệp đô thị, xí nghiệp nông nghiệp và hệ thống trang trại đa chức năng. Đề xuất được các giải pháp để phát triển bền vững 10 hệ thống SXNNĐT trên. Đề tài được xếp loại xuất sắc

4. Đề tài cấp tỉnh (2015): “Luận cứ khoa học điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Hồng Đức đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược của Trường Đại học Hồng Đức giai đoạn 2010-2020 (tháng 7/2010 đến 9/2015). Nghiên cứu cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn của việc bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện Chiến lược phát triển Trường ĐH Hồng Đức đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề xuất những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Chiến lược phát triển Trường ĐHHĐ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.  Đề tài được xếp loại xuất sắc.     

5. Vận dụng mô hình của Buttler để đánh giá các điểm đến du lịch bờ biển Thanh Hóa - Nghệ An. Thầy đã áp dụng mô hình của Butler về vòng đời của các điểm đến du lịch để phân loại các điểm đến du lịch dọc 184 km bờ biển Thanh Hóa - Nghệ An. Kết quả tổng số 32 điểm du lịch được phân loại, có 21 điểm đang ở giai đoạn thăm dò, 9 điểm ở giai đoạn tham gia và chỉ có 2 điểm là Sầm Sơn và Cửa Lò ở giai đoạn phát triển. Thầy cũng đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch trong những năm tới

Trong 24 năm ở môi trường giáo dục đại học, tổng số trang viết đã xuất bản của thầy là 2.900 trang. Với những công trình trên, PGS.TS Lê Văn Trưởng thực sự là một chuyên gia của ngành Địa lí tỉnh Thanh Hóa, đất nước và trong lòng mỗi chúng tôi.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202110/Images/th-truong-4-20211022040611-e.jpg

   

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202110/Images/th-truong-5-20211022040640-e.jpg

Hạnh phúc của người thầy

 

Tham khảo các danh mục công bố của PGS.TS Lê Văn Trưởng theo đường link trên website: http://khxh.hdu.edu.vn/pgsts-le-van-truong.html

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN