17/10/2024
Sự kiện đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, lãnh đạo phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (QLKHCN&HTQT). Tham sự seminar, cùng với toàn thể cán bộ giảng viên khoa Khoa học xã hội (KHXH) còn có rất đông sinh viên các lớp Đại học sư phạm Ngữ văn do Khoa quản lí. Sau phát biểu chào mừng của PGS. TS Mai Văn Tùng - Trưởng khoa Khoa học xã hội, seminar diễn ra dưới sự điều hành của GS. Gabriele và PGS. TS Lê Tú Anh.
GS. Gabriele và PGS. TS Lê Tú Anh điều hành Seminar.
Sau báo cáo đề dẫn mở đầu chương trình Seminar của PGS. TS Lê Tú Anh, GS. Gabriele đã trình bày một tham luận được chuẩn bị rất công phu: "Gender studies in flux - post-feminism as a challenge to feminis" (Nghiên cứu về giới trong dòng chảy - hậu nữ quyền như một thách thức đối với nữ quyền). Trong tham luận của mình, sau khi lược sử quá trình đấu tranh cho nữ quyền để thực hiện bình đẳng giới ở phương Tây, GS khẳng định dù phong trào nữ quyền đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng xã hội vẫn chưa hoàn toàn bình đẳng. Nguyên nhân là bởi những đặc thù công việc giữa nam và nữ khác nhau và sự tồn tại dai dẳng của những định kiến về giới. GS cũng phân tích những biểu hiện của "Hậu nữ quyền" như: những phản ứng dữ dội chống lại chủ nghĩa nữ quyền (chính trị nữ quyền); những nghịch lí hiện diện qua diện mạo và trang phục, trang sức của phụ nữ châu Phi; "lời nói dối" của các diễn ngôn nữ quyền...
TS. Lê Văn Tôn, TS. Lưu Thị Thanh Thùy, ThS-NCS Vũ Thị Phương trong vai trò chuyển ngữ tạo seminar.
Tham luận của GS. Gabriele đã nhận được sự quan tâm và thảo luận rất sôi nổi của các cử tọa. PGS. TS Mai Văn Tùng lấy cảm hứng từ bài phát biểu của GS. Gabriele, cho rằng ở Việt Nam không có bất bình đẳng giới và minh chứng rất sinh động bằng cả những kiến thức sách vở lẫn thực tiễn đời sống. Seminar tiếp tục duy trì không khí hào hứng, sôi nổi khi nhiều tham luận khác được trình bày như: "Bộ 女 (nữ) và vai trò của giới nữ trong xã hội" (ThS. Mỵ Quỳnh Lê); Bình đẳng giới về quyền chăm sóc con cái trong gia đình một số đô thị việt nam hiện nay (ThS. Đoàn Thị Như Quỳnh); "Phụ nữ ở các làng xã ven đô thời kì đổi mới: chuyển đổi vai trò và vị thế trong gia đình và xã hội" (TS. Đào Thanh Thủy); "Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trung học phổ thông trong dạy học các tác phẩm viết về phụ nữ" (TS. Lưu Thị Thanh Thùy); "Lai tạo văn hóa và bình đẳng giới trong nhóm lao động di cư Việt Nam tại Thái Lan" (TS. Lê Văn Tôn); "Hình tượng người phụ nữ trong ca dao Việt Nam nhìn từ lí thuyết giới" (SV Phạm Thị Phương Thành và nhóm nghiên cứu khoa học của lớp K24 ĐHSP Ngữ Văn CLC)...
ThS. Mỵ Quỳnh Lê trình bày tham luận và trao đổi tại hội thảo.
Sinh viên Phạm Thị Phương Thành trình bày tham luận
"Hình tượng người phụ nữ trong ca dao Việt Nam nhìn từ lí thuyết giới".
TS. Đào Thanh Thủy - Trưởng BM Việt Nam học - Du lịch trình bày tham luận bằng tiếng Anh.
Tham luận Bộ 女 (Nữ) và vai trò của giới nữ trong xã hội của ThS. Mỵ Thị Quỳnh Lê gây hứng thú ngay từ việc tác giả đi sâu giải nghĩa về bộ 女 (Nữ). Tác giả tham luận cũng trình bày những phân tích thú vị về địa vị, vai trò của phụ nữ cả truyền thống và hiện đại. Tham luận Hình tượng người phụ nữ trong ca dao Việt Nam nhìn từ lí thuyết giới của SV Phạm Thị Phương Thành đã tạo nên ở người nghe sự xúc động và mối đồng cảm với người phụ nữ trong ca dao cổ truyền người Việt. Tham luận Enhancing High School Students' Critical Thinking Competence through Teaching Works Written about Women của TS. Lưu Thị Thanh Thùy gợi mở vấn đề tiếp cận các tác phẩm văn học viết về phụ nữ để phát triển tư duy phản biện cho học sinh phổ thông. Tham luận Phụ nữ ở các làng xã ven đô thời kì đổi mới: chuyển đổi vai trò và vị thế trong gia đình và xã hội của TS. Đào Thanh Thủy tập trung phân tích sự thay đổi vai trò và vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ở các làng ven đô thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, từ năm 1986 đến nay. Tham luận Lai tạo văn hóa và bình đẳng giới trong nhóm lao động di cư Việt Nam tại Thái Lan của TS. Lê Văn Tôn từ góc nhìn so sánh đã giải thích về sự tiếp nhận, dung hợp, lai tạo văn hóa và vấn đề bình đẳng giới trong lao động…
Các tham luận hay, bổ ích đã được tập hợp trong Kỷ yếu và chuyển đến cử tọa bằng cả bản in và mã QR, đã chứng minh sự nỗ lực của các tác giả bài viết, của ban tổ chức cũng như sự hấp dẫn, thu hút của lý thuyết giới trong nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn. Cũng vì thế, bên cạnh các tham luận được trình, nhiều ý kiến phát biểu nhận xét, trao đổi rất đa chiều của các cử tọa đã làm không khí sôi nổi, thú vị của buổi seminar được duy trì từ đầu đến cuối. Seminar khép lại nhưng mở ra rất nhiều ý tưởng, luận điểm khoa học thú vị, bổ ích. Hy vọng từ sự kiện này, nhiều nghiên cứu chất lượng của cán bộ giảng viên khoa KHXH về/vận dụng lý thuyết giới sẽ được công bố trên các tạp chí uy tín.
Lãnh đạo khoa Khoa học xã hội và đại diện lãnh đạo phòng KHCN&HTQT tặng quà lưu niệm GS. Gabriele.
Những tấm hình lưu niệm.
Tin bài: BBT Website KHXH