Bộ môn Ngữ văn khoa Khoa học xã hội

19/12/2022

Trong quá trình 25 năm trưởng thành và phát triển, bộ môn Ngữ văn đã có nhiều đóng góp to lớn trong đào tạo các thế hệ sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có chất lượng cao cho tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Ở tuổi 25 tràn đầy sinh lực, bộ môn Ngữ văn đang viết tiếp truyền thống tự hào hơn nửa thế kỷ đào tạo giáo viên mà tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Bề dày thành tích ngày hôm nay là kết tinh biết bao công sức, tâm huyết và trí tuệ của các thế hệ thầy cô, cán bộ, giảng viên và người học xây đắp nên.

 

1. Lịch sử hình thành

Trong quá trình 25 năm trưởng thành và phát triển, bộ môn Ngữ văn đã có nhiều đóng góp to lớn trong đào tạo các thế hệ sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có chất lượng cao cho tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Ở tuổi 25 tràn đầy sinh lực, bộ môn Ngữ văn đang viết tiếp truyền thống tự hào hơn nửa thế kỷ đào tạo giáo viên mà tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Bề dày thành tích ngày hôm nay là kết tinh biết bao công sức, tâm huyết và trí tuệ của các thế hệ thầy cô, cán bộ, giảng viên và người học xây đắp nên. Nhiều cán bộ giảng viên trưởng thành từ bộ môn khi chuyển vị trí công tác khác đều chứng tỏ được phẩm chất và năng lực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đơn vị mới, là niềm tự hào của cán bộ giảng viên và sinh viên khoa Khoa học xã hội nói riêng, trường Đại học Hồng Đức nói chung. Từ khi thành lập trường đến nay, Bộ môn Ngữ văn đã trải qua một quá trình tách, nhập nhiều lần với nhiều tên gọi khác nhau.

 

Ngày 24 tháng 09 năm 1997 trường Đại học Hồng Đức có quyết định thành lập. Đến ngày 17 tháng 01 năm 1998, theo QĐ số 138-TC/UB của Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hoá về tổ chức bộ máy trường Đại học Hồng Đức, khoa Xã hội được đổi tên mới thành khoa Khoa học xã hội với cơ cấu gồm 05 tổ chuyên môn, trong đó ngành Văn gồm 3 tổ: tổ Văn học 1 với 14 cán bộ giảng dạy, do cô Vũ Thị Oanhlàm tổ trưởng; tổ Văn học 2 với 08 cán bộ giảng dạy do thầy Lê Quốc Lập làm tổ trưởng; tổ Tiếng Việt với 15 cán bộ giảng dạy do thầy Lê Xuân Soan làm tổ trưởng.

 

Ở thời điểm thành lập (24/9/1997), tổ Văn học 2 có 07 giảng viên: Thầy Lê Quốc Lập (tổ trưởng), thầy Nguyễn Xuân Trần (tổ phó), cùng các thầy Võ Hồng Hà (Trịnh Đình Hà), Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Mạnh Hùng, cô Nguyễn Thị Bích Hường, cô Hỏa Diệu Thúy. Sau năm 1998, khi khoa Xã hội được đổi tên thành khoa Khoa học xã hội, tổ Văn học 2 (Lý luận văn học và Văn học nước ngoài) vẫn giữ tên cũ, quen gọi là tổ Văn 2. Tháng 9 năm 2005, nhà trường đổi cách gọi “tổ” thành “bộ môn”, tổ Lý luận văn học và Văn học nước ngoài (Văn 2) được gọi là bộ môn Lý luận văn học và Văn học nước ngoài. Đến năm 2013, bộ môn Lý luận văn học và Văn học nước ngoài được đổi tên thành bộ môn Văn học nước ngoài theo quyết định số 43/QĐ-ĐHHĐ ngày 11 tháng 01 năm 2013. Trong quá trình xây dựng đội ngũ, bộ môn lần lượt tiếp nhận thầy Lê Như Bình (11/1997), cô Nguyễn Thị Hạnh (về khoa 09/2000, về bộ môn 09/2002), cô Lê Thị Bích Thủy (10/2004), cô Nguyễn Thị Thu Dung (08/2005), cô Nguyễn Thị Tuyết (08/2007), thầy Vũ Thanh Hà (02/2010), cô Nguyễn Thị Thanh Nga (06/2012). Cùng với Quyết định đổi tên bộ môn (ngày 11/01/2013), các thầy cô thuộc nhóm Lý luận văn học (Lê Như Bình, Vũ Thanh Hà, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Thị Bích Thủy) được tách ra để thành lập bộ môn mới.

 

Năm 2000, do số lượng giảng viên đông và để đáp ứng nhu cầu phát triển, tổ Văn học 1 tách thành tổ Văn 1 và tổ Văn 3. Tổ Văn 1 (Văn học dân gian, Văn học trung đại, Hán Nôm) gồm các thầy cô: Mai Thị Hồng Hải, Phạm Thị Hằng (Văn học dân gian), Trần Sinh, Lê Xuân Cương, Trịnh Quang Lực, Trần Quang Dũng, tổ trưởng là cô Phạm Thị Hằng. Tổ Văn 3 (Văn học hiện đại, Phương pháp văn) gồm các thầy cô Nguyễn Văn Bồng, Vũ Thị Oanh, Lê Thị Hạnh, Lê Thị Quý, La Đức Thuyết, Hoàng Thị Mai, Kiều Thọ Long, Ngô Xuân Sao, Vũ Thị Thắng, tổ trưởng là cô Vũ Thị Oanh. Tháng 9 năm 2000, tổ Văn 1 bổ sung thêm các thầy Nguyễn Văn Thế, Vũ Ngọc Định; tổ Văn 3 bổ sung thêm cô Lê Tú Anh. Cũng năm 2000, cô Hoàng Thị Mai bảo vệ luận án Tiến sĩ, trở thành Tiến sĩ đầu tiên của tổ và là Tiến sĩ trẻ nhất trường. Năm 2002, thầy Nguyễn Văn Bồng nghỉ chế độ. Năm 2003, cô Phạm Thị Hằng chuyển lên phòng Quản lý khoa học & Công nghệ, thầy Trần Sinh phụ trách bộ môn. Năm 2003, cô Vũ Thị Thắng chuyển sang tổ Tiếng Việt.Năm 2005, nhà trường cấu trúc lại các tổ và chuyển tên gọi thành “Bộ môn”. Bộ môn Văn học Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất tổ Văn 1 và tổ Văn 3. Thầy Trần Quang Dũng làm trưởng bộ môn, cô Lê Tú Anh là phó trưởng bộ môn. Các thành viên trong tổ cũng có sự thay đổi: thầy Lê Xuân Cương nghỉ chế độ, các cô Hoàng Thị Mai, Vũ Thị Thắng và thầy Kiều Thọ Long chuyển sang bộ môn Ngôn ngữ và Phương pháp dạy học Ngữ văn; cô Hỏa Diệu Thúy, cô Hoàng Thị Huệ chuyển về. Bộ môn Văn học Việt Nam từ năm 2005 gồm các thầy cô: Vũ Thị Oanh, Lê Thị Quý, Lê Thị Hạnh, Trịnh Quang Lực, La Đức Thuyết, Trần Quang Dũng, Mai Thị Hồng Hải, Hỏa Diệu Thúy, Lê Tú Anh, Ngô Xuân Sao, Nguyễn Văn Thế, Hoàng Thị Huệ. Những năm sau, một số thầy cô chuyển đơn vị công tác: thầy Ngô Xuân Sao chuyển sang bộ môn Việt Nam học - Du lịch (2010), thầy Nguyễn Văn Thế chuyển lên phòng Quản lý Khoa học & Công nghệ (2011). Các thầy cô theo năm tháng cũng lần lượt nghỉ chế độ: cô Lê Thị Hạnh (2007), các cô Vũ Thị Oanh, cô Lê Thị Quý (2008), các thầy La Đức Thuyết, Trịnh Quang Lực (2009), thầy Trần Sinh (2013), cô Mai Thị Hồng Hải, thầy Trần Quang Dũng (2020). Bộ môn cũng được bổ sung thêm các thành viên mới: các cô Lê Thị Nương, Mỵ Thị Quỳnh Lê (2009), Nguyễn Thị Quế (2011), Lê Thị Hiền (2014, sau chuyển sang bộ môn Việt Nam học - Du lịch). Năm 2015, cô Hoàng Thị Huệ được bầu làm phó trưởng bộ môn. Sau khi thầy Trần Quang Dũng nghỉ chế độ, cô Hoàng Thị Huệ là trưởng bộ môn. Bộ môn Văn học Việt Nam tồn tại đến tháng 5 năm 2021 thì được hợp nhất cùng với các bộ môn Ngôn ngữ học, LLVH-VHNN-LL&PPDH Ngữ văn thành bộ môn Ngữ văn.

 

Bộ Môn Ngôn ngữ tiền thân là tổ Tiếng Việt, khoa Xã hội của trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Tổ Tiếng Việt do thầy Lê Xuân Soan làm tổ trưởng, Hà Cao Phong làm tổ phó cùng các thầy cô Hoàng Tiến Lễ, Hồ Xuân Lộ, Vũ Hữu Thỏa, Nguyễn Thế Hinh, Phạm Thị Hằng (Tiếng Việt), Lê Thị Đương, Phạm Vân Anh, Nguyễn Thị Thanh Hương, Hoàng Thị Tâm, Nguyễn Hồng Kiên. Về sau tổ Tiếng Việt được chia thành Tiếng Việt 1 do thầy Lê Xuân Soan làm tổ trưởng, Tiếng Việt 2 do thầy Hà Cao Phong làm tổ trưởng. Năm 2005, tổ Tiếng Việt 1 và Tiếng Việt 2 được sáp nhập thành bộ môn Ngôn ngữ và Phương pháp dạy học Ngữ văn do cô Lê Thị Phượng làm tổ trưởng. Năm 2013, bộ môn lại được tách thành bộ môn Ngôn ngữ học do cô Mai Thị Hảo Yến làm trưởng bộ môn, đồng chí Vũ Thị Thắng làm Phó trưởng bộ môn. Tên gọi này tồn tại cho đến tháng 05 năm 2021 thì được sáp nhập vào bộ môn chung với tên gọi bộ môn Ngữ văn.

 

Bộ môn Lý luận văn học và Phương pháp dạy học Ngữ văn được thành lập theo quyết định 43/QĐ-ĐHHĐ ngày 11 tháng 01 năm 2013. Bộ môn Lý luận văn học và Phương pháp dạy học Ngữ văn tiền thân là các giảng viên của bộ môn Lý luận văn học và bộ môn Ngôn ngữ và Phương pháp dạy học Ngữ văn. Khi thành lập, bộ môn Lý luận văn học và Phương pháp dạy học Ngữ văn do đồng chí Lê Thị Phượng làm trưởng bộ môn, thầy Lê Như Bình là phó trưởng bộ môn cùng các thầy cô: Hoàng Thị Mai, Vũ Thanh Hà, Lê Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu Dung, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Nga, Phạm Vân Anh, Nguyễn Mạnh Hùng. Năm 2017, thầy Vũ Thanh Hà được giao giữ chức trưởng bộ môn cho đến tháng 10 năm 2020. Tháng 10 năm 2020, nhà trường lại sáp nhập bộ môn Lý luận văn học và Phương pháp dạy học Ngữ văn với bộ môn Văn học nước ngoài thành bộ môn Lý luận văn học, Văn học nước ngoài và Phương pháp dạy học Ngữ văn do thầy Trịnh Đình Hà trưởng bộ môn) cùng các thầy cô Vũ Thanh Hà, Nguyễn Thị Hạnh (phó trưởng bộ môn) cùng các thầy cô: Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Hoa, Lưu Thị Thanh Thùy, Lê Thị Phượng, Chung Thị Thúy là thành viên.

 

Tháng 05 năm 2021, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và tái cơ cấu nhân sự, tạo điều kiện thuận tiện trong công tác quản lý, trường Đại học Hồng Đức đã sáp nhập các bộ môn: Văn học Việt Nam; Ngôn ngữ học; Lý luận văn học, Văn học nước ngoài và Phương pháp dạy học Ngữ văn thành bộ môn Ngữ văn theo Quyết định 778/QĐ-ĐHHĐ ngày 10 tháng 05 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Bộ môn Ngữ văn gồm 16 cán bộ, giảng viên, trong đó có 04 PGS.TS. (Lê Tú Anh, Lê Thị Phượng, Hỏa Diệu Thúy, Mai Thị Hảo Yến), 10 Tiến sĩ (Lê Tú Anh, Lê Thị Phượng, Hỏa Diệu Thúy, Vũ Thanh Hà, Nguyễn Thị Hạnh, Hoàng Thị Huệ, Lê Thị Nương, Lê Thị Bình, Nguyễn Thị Thanh Hương), 06 Thạc sĩ (Vũ Ngọc Định, Nguyễn Thị Quế, Mỵ Thị Quỳnh Lê, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Hoa, Lưu Thị Thanh Thùy). Năm 2022, PGS.TS Mai Thị Hảo Yến xin nghỉ công tác, TS. Nguyễn Văn Thế chuyển từ phòng Quản lý KH&CN về.

 

Bộ môn Ngữ văn hiện nay có 16 giảng viên, trong đó có 03 PGS.TS, 10 Tiến sĩ, 04 Nghiên cứu sinh, 02 Thạc sĩ. Giảng viên của bộ môn có trình độ chuyên môn cao, năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy tốt, có tinh thần làm việc nhiệt tình, năng động, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong tình hình mới.

 

Trong bộ môn có nhiều đồng chí đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong khoa và chi bộ: Đồng chí Lê Thị Phượng (Phó Trưởng khoa, Phó Bí thư chi bộ), đồng chí Lê Tú Anh (Phó Trưởng khoa, Chi ủy viên), đồng chí Nguyễn Văn Thế (Phó Trưởng khoa), đồng chí Vũ Thanh Hà (Chủ tịch Công đoàn khoa, UVBCH Công đoàn trường).

 

2. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

2.1. Hoạt động đào tạo

Hiện nay, cùng với các bộ môn khác trong khoa Khoa học xã hội, bộ môn Ngữ văn đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Bộ môn đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo sinh viên Đại học Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Đại học sư phạm Ngữ văn, Đại học Sư phạm Ngữ văn hệ Liên thông, Vừa làm vừa học. Bộ môn Ngữ văn cũng là một trong những bộ môn đầu tiên của trường Đại học Hồng Đức được quản lý đào tạo trình độ Thạc sĩ (chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam theo Quyết định số 88/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 01 năm 2009). Tiếp đó là các chuyên ngành: Thạc sĩ Văn học Việt Nam (theo Quyết định số 5280/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 08 năm 2009) và Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn - tiếng Việt (theo Quyết định số 1119/QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 03 năm 2012). Đặc biệt, bộ môn Ngữ văn cũng thuộc trong số không nhiều bộ môn quản lý đào tạo 2 chuyên ngành trình độ Tiến sĩ (Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam theo Quyết định số 3619/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 09 năm 2014 Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Văn - tiếng Việt theo Quyết định số 1927/QĐ-BGDĐT ngày 31 tháng 05 năm 2017). Vào đúng thời điểm nhà trường chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập, 5 nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn học Việt Nam khóa 1 đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng Tiến sĩ. Như vậy, bộ môn Ngữ văn là một trong số rất ít bộ môn trong toàn trường được giao nhiệm vụ chủ trì đào tạo tất cả các bậc học, từ Cao đẳng, Đại học, đến Thạc sĩ và Tiến sĩ.

 

Đến nay bộ môn cùng với Khoa đã đào tạo hàng nghìn người học thuộc các bậc đào tạo, các loại hình đào tạo; trong số đó có nhiều sinh viên, học viên đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong các cơ quan Nhà nước; góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Tỉnh và cả nước.

 

Ngoài ra bộ môn còn đảm nhận giảng dạy một số học phần chung cho các khoa và bộ môn khác trong trường, giảng dạy chương trình Tiếng Việt cho Lưu học sinh Lào tại trường Đại học Hồng Đức và các trường khác trong tỉnh Thanh Hóa; hướng dẫn luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ của nghiên cứu sinh tại trường Đại học Hồng Đức và các cơ sở đào tạo ngoài trường; Tham gia Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Hồng Đức và các cơ sở đào tạo khác trong cả nước; Tham gia công tác xây dựng Chương trình đào tạo, thẩm định sách giáo khoa, chuyển giao, tập huấn Chương trình dạy học môn Ngữ văn, xây dựng Đề cương chi tiết học phần, Ngân hàng câu hỏi thi, hệ thống bài giảng theo chuẩn đầu ra của mục tiêu đào tạo theo định hướng phát triển năng lực người học.

 

2.2. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Cùng với hoạt động giảng dạy, cán bộ giảng viên của bộ môn Ngữ văn đã có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Ngoài việc hoàn thành định mức giờ nghiên cứu khoa học theo quy định, mỗi giảng viên trong bộ môn đều tích cực công bố các nghiên cứu mới gắn với chuyên môn đào tạo. Đến nay, giảng viên của bộ môn đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố, tham gia nhiều Hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế (và công bố bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh). Có nhiều cán bộ giảng viên là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp tỉnh và cấp Bộ.

 

Cụ thể, giảng viên bộ môn đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ như: Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chương trình văn học địa phương trong các trường THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do PGS.TS. Lê Thị Phượng chỉ trì, nghiệm thu năm 2012; Nghiên cứu những đặc điểm của văn học yêu nước nửa sau thế kỷ XIX ở Việt Nam, do TS. Nguyễn Văn Thế chủ trì, nghiệm thu năm 2015; Văn xuôi Việt Nam về đề tài tha hương thập niên đầu thế kỷ XXI, do PGS.TS. Lê Tú Anh chủ trì, nghiệm thu 2015; Sự vận động của văn xuôi Thanh Hóa thời kỳ đổi mới do PGS.TS. Hỏa Diệu Thúy chủ trì; Nghiên cứu tiến trình thơ Nôm Đường luật Việt Nam thời trung đại do TS. Trần Quang Dũng chủ trì.

 

Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh như: Tinh hoa văn hóa xứ ThanhThực trạng môi trường văn hóa vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa, do PGS.TS. Hỏa Diệu Thúy chủ trì; Vận dụng tri thức bản địa của cư dân ven biển Thanh Hóa xây dựng chương trình truyền thông bảo vệ chủ quyền biển đảo, do TS. Nguyễn Văn Thế chủ trì, nghiệm thu năm 2014; Nghiên cứu xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chương trình Ngữ văn địa phương trong các trường THCS trên đại bàn tỉnh Thanh Hóa, do PGS.TS. Lê Thị Phượng chỉ trì, nghiệm thu năm 2015. Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do PGS.TS. Lê Thị Phượng chỉ trì, nghiệm thu năm 2021; Nghiên cứu xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho cư dân vùng biên giưới tỉnh Thanh Hóa, do TS. Nguyễn Văn Thế chủ trì, đang thực hiện.

 

Hầu hết giảng viên của bộ môn đều đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

 

3. Hoạt động xuất bản sách và tài liệu phục vụ dạy học

Bộ môn Ngữ văn cũng là một trong những bộ môn có nhiều giảng viên xuất bản sách chuyên khảo, tham khảo, có đóng góp to lớn trong việc bổ sung nguồn tư liệu cho thư viện trường Đại học Hồng Đức. Có thể kể đến những tấm gương như: PGS.TS. Hỏa Diệu Thúy, PGS.TS. Lê Tú Anh, PGS.TS. Lê Thị Phượng, TS. Hoàng Thị Huệ, ThS. Vũ Ngọc Định, TS. Nguyễn Thị Hạnh, TS. Lê Thị Nương... 

 

PGS.TS Hỏa Diệu Thúy với các công trình tiêu biểu như: Truyện ngắn hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, Nxb Hội Nhà văn, 2007, tái bản 2010; Văn học hiện đại Thanh Hóa, Nxb Hội Nhà văn, 2013; Sự đọc, chỉ dấu và đường biên, Nxb Văn học, 2022; Lý luận, phê bình văn học Thanh Hóa mười năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Văn học, 2011 (in chung); Lý luận, phê bình văn học Thanh Hóa từ 2010 đến 2019, Nxb Văn học, 2019 (in chung)...

 

PGS.TS Lê Tú Anh với các công trình tiêu biểu như: Tiểu thuyết Việt Nam 1900-1930 (chuyên luận, viết một mình), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012; Quá trình hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại trong văn học Việt Nam và một số nước Đông Nam Á (chuyên khảo, viết chung), Nxb Văn học, Hà Nội, 2016; Văn xuôi Việt Nam hiện đại: khảo cứu và suy ngẫm (tiểu luận - phê bình, viết một mình), Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, 2018; Đề tài tha hương trong văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XXI (chuyên luận, viết một mình), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2019...

 

PGS.TS Lê Thị Phượng với các công trình tiêu biểu như: Phương pháp dạy học Ngữ văn địa phương Thanh Hóa ở Trung học cơ sở (Chủ biên), Nxb Đại học Sư phạm, 2015; Đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn đáp ứng mô hình giáo dục phát triển năng lực (Viết chung), Nxb Đại học Vinh, 2019; Cẩm nang hướng nghiệp cho học sinh THPT tỉnh Thanh Hóa (Chủ biên), Nxb Giáo dục Việt Nam, 2020; Tài liệu Giáo dục địa phương Thanh Hóa lớp 10 (Viết chung), Nxb Giáo dục Việt Nam, 2022...

 

TS. Hoàng Thị Huệ có bài in trong các sách: Tố Hữu - Nhà thơ lớn của nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005; Tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam từ sau 1975, Nxb Đại học Vinh, 2012; Lí thuyết phê bình văn học hiện đại - tiếp nhận và ứng dụng, Nxb Đại học Vinh, 2013; Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986 - 2016) sáng tạo và tiếp nhận, Nxb Văn học, Hà Nội, 2017.

 

TS. Nguyễn Thị Hạnh với các công trình tiêu biểu như: Văn học hậu hiện đại - Lí thuyết và thực tiễn (2013) (Kỉ yếu hội thảo quốc gia), Nxb ĐHSP Hà Nội; Lê Huy Bắc (chủ biên) (2013), Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Nxb Tri thức; Lê Huy Bắc (Chủ biên) (2015), Đặc trưng truyện ngắn Hậu hiện đại Hoa Kỳ, Nxb Văn học.

 

Thạc sĩ Vũ Ngọc Định với các công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, dịch thuật tiêu biểu như: Chùa xứ Thanh, tập 2,3,4 (Viết chung, Tái bản 2017); Hành trạng chư tăng ni Thanh Hóa, tập 1 (Đồng tác giả) Nxb Thanh Hóa, 2017; Thanh Hóa quan phong (Chủ biên) Nxb Thanh Hóa, 2020; Thanh Hóa kỷ thắng (Chủ biên) Nxb Thanh Hóa, 2021; các sách tham gia với tư cách thành viên biên soạn gồm: Tuyển tập văn bia Phật giáo Thanh Hóa (2017), Danh sĩ Thanh Hóa với việc học và khoa cử đời xưa (2019), Thanh Hóa thời Lý và những dấu ấn nổi bật (2019), Địa chí huyện Như Xuân (2019), Địa chí huyện Quan Hóa (2019...

 

TS. Lê Thị Nương có bài in trong các sách: Lí thuyết phê bình văn học hiện đại - tiếp nhận và ứng dụng, Nxb Đại học Vinh, 2013; Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ Việt Nam (Kỉ yếu hội thảo quốc tế), Nxb Đại học Cần Thơ, 2018; sách chuyên khảo Đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020.

 

Bên cạnh những công trình là sản phẩm của các cá nhân, bộ môn Ngữ văn còn tham gia biên soạn, viết bài, biên tập với tư cách là đơn vị chịu trách nhiệm chính về nội dung các công trình như: Kỷ yếu hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Thanh Hóa, 2004; Tố Hữu - Nhà thơ lớn của nhân dân, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005; Lý thuyết phê bình văn học hiện đại - Tiếp nhận và ứng dụng, Nxb Đại học Vinh, 2013; Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia, Nxb Văn học, Hà Nội, 2019...

 

Bộ môn Ngữ văn cũng đã phối hợp với Nhà trường chủ trì nhiều Hội thảo quốc gia, liên trường, hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa có chất lượng, được đông đảo các nhà khoa học trong nước tích cực hợp tác và đánh giá cao. Đồng thời, bộ môn Ngữ văn cũng thường xuyên có các chương trình giao lưu, gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, tạo niềm hứng khởi đối với sinh viên trong học tập và nghiên cứu. Hàng năm, vào dịp Rằm tháng Giêng, bộ môn Ngữ văn cùng với Nhà trường tổ chức Đêm thơ “Mừng Đảng mừng xuân”. Đây là dịp giao lưu, gặp gỡ các nhà thơ Việt Nam và Thanh Hóa, tạo nên sức xuân mỗi dịp Tết đến xuân về, cũng là dịp hội tụ của những tâm hồn thơ xứ Thanh.

 

Nhiều cán bộ giảng viên của bộ môn tuy đã nghỉ chế độ nhưng vẫn không ngừng đọc, viết, hướng dẫn, phản biện luận văn, luận án, nghiên cứu và công bố các công trình có giá trị như PGS.TS Mai Thị Hồng Hải, TS. Trần Quang Dũng, TS. Trịnh Đình Hà, ThS. Lê Xuân Soan, ThS. Lê Như Bình, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, thầy Vũ Hữu Thỏa, cô Vũ Thị Oanh...

 

4. Mục tiêu phát triển

 

Phát huy truyền thống 25 năm trưởng thành và phát triển, cán bộ giảng viên bộ môn Ngữ văn tiếp tục giữ vững mối đoàn kết, thống nhất, phấn đấu giữ vững và phát triển hơn nữa thành tích đã đạt được, tạo niềm tin, thương hiệu góp phần cùng với khoa Khoa học xã hội và trường Đại học Hồng Đức trở thành cơ sở đào tạo lớn mạnh xứng tầm khu vực và quốc tế.

 

- Về đội ngũ, phấn đấu đến năm 2027, bộ môn có 90% cán bộ giảng viên có trình độ Tiến sĩ, 25% cán bộ giảng viên được công nhận chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư.

 

- Về đào tạo và nghiên cứu khoa học: Gắn chặt hơn nữa nhiện vụ giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Đảm nhiệm quản lí và giảng dạy có chất lượng các Chương trình giáo dục đại học và đại học chất lượng cao ngành sư phạm Ngữ văn, đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam, Văn học Việt Nam, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn - Tiếng Việt và đào tạo trình độ tiến sĩ các chuyên ngành Văn học Việt Nam, Lý luận và phương pháp dạy học Bộ môn Văn - Tiếng Việt đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước; Tích cực tham gia các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp tỉnh và tăng cường các công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và Quốc tế; Tăng cường hơn nữa công tác xuất bản sách, tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học. Phấn đấu giữ vững là bộ môn vững mạnh trong khoa và Nhà trường đáp ứng yêu cầu trong thời kì hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với niên hiệu Hồng Đức, một trong những triều vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam.

 

 

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202209/Images/bo-mon-ngu-van-20222-20220901030126-e.jpg

 

Bộ môn Ngữ văn năm 2022

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN