13/03/2023
Trường Đại học Hồng Đức, số 565 Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Biến đổi khí hậu được xem là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu mà không một quốc gia, lãnh thổ, cá nhân nào đứng ngoài cuộc bởi nó tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế- xã hội và sức khỏe của con người.
Thanh Hóa là một tỉnh ven biển của Việt Nam, có tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch biển. Trong nhiều năm qua, ngành du lịch Thanh Hóa đã có những bước phát triển mạnh, giữ vai trò kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, với hơn 102km đường bờ biển, Thanh Hóa luôn phải gánh chịu những thiệt hại từ các thiên tai bão, lũ, nước biển dâng... do BĐKH. Vì thế Thanh Hóa đã xác định “Phát triển du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng…” là mục tiêu, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 09/02/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa).
Thành phố Sầm Sơn thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa, có bờ biển dài khoảng 9 km, từ cửa Hới (sông Mã) đến Vụng Tiên (Vụng Ngọc) với các bãi biển đẹp như bãi biển nội thị (A, B, C, D), bãi biển Quảng Cư, Bãi Nix, Bãi Lãn, Bãi Vụng Tiên… Đây là những bãi biển rộng, bằng phẳng, độ dốc thoải, cát trắng mịn, sóng biển vừa phải, nước biển trong xanh, mùa đông ấm và có nồng độ muối vừa phải rất phù hợp cho tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí; có hệ thống di sản vật thể, phi vật thể đồ sộ, phong phú nên từ lâu Sầm Sơn đã là khu nghỉ mát và thăm quan nổi tiếng trong cả nước. Nhờ có lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa mà trong nhiều năm qua, du lịch Sầm Sơn đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Tuy nhiên, thập niên gần đây du lịch Sầm Sơn đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ BĐKH, trong đó phải nói đến là tác động của Bão. Trong 60 năm qua, bão mạnh đổ bộ vào Sầm Sơn có xu hướng tăng. Đặc biệt những năm gần đây, bão có cường độ mạnh có xu hướng gia tăng rõ rệt, đã có nhiều cơn bão với cường độ mạnh cấp 12-13, phá hủy nghiêm trọng hạ tầng và CSVCKT du lịch ven biển, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, để góp phần phát huy những tiềm năng, lợi thế du lịch ven biển, đồng thời giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra thì việc nghiên cứu đặc điểm của bão và thực trạng tác động của nó đối với hạ tầng và CSVCKT du lịch thành phố Sầm Sơn là rất cấp thiết.
2. DỮ LIỆU SỬ DỤNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Dữ liệu sử dụng
Bài viết sử dụng nguồn dữ liệu từ các Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá từ năm 2010-2020; tài liệu, số liệu của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá; Báo cáo tình hình phát triển kinh tế- xã hội của UBND thành phố Sầm Sơn; Báo cáo chương trình phát triển du lịch thành phố Sầm Sơn giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 của UBND thành phố Sầm Sơn; Kết quả điều tra, khảo sát thực tế và các tài liệu khác có liên quan đến nội dung nghiên cứu.
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
- Phương thu thập và phân tích, tổng hợp tài liệu, số liệu
- Phương pháp khảo sát điều tra, thực tế.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Đặc điểm của bão ở khu vực thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Đối với khu vực Thanh Hóa trong đó có thành phố Sầm Sơn bão thật sự bắt đầu từ tháng 6 kết thúc vào tháng 10, trung bình mỗi một năm có khoảng từ 1 - 2 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến khu vực Sầm Sơn. Trong các tháng cao điểm (tháng 8 - 10) trung bình cứ khoảng 2 - 3 năm có 1 cơn bão, còn các tháng khác 4 - 8 năm mới có một cơn.
Có một khoảng thời gian dài từ 1997 đến 2002, 6 năm liên tục không có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào khu vực Sầm Sơn. Ngược lại có những khoảng thời gian năm nào cũng có bão và ATNĐ đổ bộ vào Sầm Sơn, đó là từ 1961 đến 1968, 8 năm liên tục và từ 2009 đến 2013, 5 năm liên tục mỗi năm có từ 1 - 2 cơn bão và ATNĐ đổ bộ vào. Riêng năm 2005 có 5 cơn, năm 1973 có 4 cơn và năm 1996 có 3 cơn bão và ATNĐ, đây là những trị số mang tính lịch sử. Điều này càng thể hiện tính phức tạp và khắc nghiệt về điều kiện khí tượng-thủy văn ở Thanh Hóa, mặt khác cũng thể hiện được tính phức tạp, đa dạng, khó dự tính, dự báo về bão và ATNĐ.
Qua thống kê, phân tích và đánh giá số lượng bão ảnh hưởng lớn cũng như đổ bộ trực tiếp vào khu vực thành phố Sầm Sơn từ 1980 đến 2019, có thể rút ra một số nhận xét về đặc điểm của bão như sau:
- Về số lượng bão: có 18 cơn bão đổ bộ trực tiếp và 47 cơn ảnh hưởng lớn đến khu vực thành phố Sầm Sơn, tuy nhiên qua từng thập niên thì số lượng có thay đổi, số cơn đổ bộ trực tiếp cũng như ảnh hưởng lớn đến Sầm Sơn càng về những năm gần đây càng nhiều hơn, đặc biệt là thập niên 2010 - 2019 nhiều hơn cả, chiếm 44,4% trong 4 thập niên và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.
Bảng 1: Số cơn bão tác động trực tiếp tới khu vực Sầm Sơn giai đoạn 2010-2020
Năm |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Số cơn bão |
1 |
2 |
1 |
1 |
2 |
0 |
0 |
2 |
3 |
3 |
0 |
Nguồn: Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá)
So sánh số cơn bão tác động trực tiếp tới khu vực Sầm Sơn (Thanh Hóa) với các vùng trong cả nước cho thấy: ít hơn so với trên toàn vùng từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa (tại Thanh Hóa trung bình là 1.5 cơn/năm, từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là 2.0 -2.5 cơn/năm); nhiều hơn khu vực Đông Bắc (1.0-1.5 cơn/năm), gấp 3 lần khu vực Tây Bắc (0.5 cơn/năm); xấp xỉ số cơn bão đổ bộ vào khu vực Nghệ An- Thừa Thiên- Huế (1.5-2.0 cơn/năm).
Bảng 2: Số cơn bão trung bình trong năm
Vùng |
Số cơn bão trung bình (cơn/năm) |
Từ Quảng Ninh - Thanh Hóa |
2.0 - 2.5 |
Thanh Hóa |
1.5 |
Đông Bắc |
1.0-1.5 |
Tây Bắc |
0.5 |
Nghệ An - Thừa Thiên- Huế |
1.5-2.0 |
Nguồn: Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá)
- Về gió bão: Khu vực thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cường độ bão càng về những năm gần đây nhìn chung là mạnh hơn so với những năm trước, nhất là trong thập niên 2010 đến 2019 có nhiều cơn bão mạnh đạt cấp siêu bão trên biển, khi đổ bộ vào đất liền phổ biến là cấp 8, cấp 9. Trong tổng số 18 cơn bão đổ bộ vào thành phố Sầm Sơn, có 2 cơn khi đổ bộ vào đất liền đạt cấp 10, đó là cơn bão DAMREY vào tháng 9/2005 và cơn bão MINDULLE vào tháng 8/2010. Theo số liệu thống kê 45 cơn bão và ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào Sầm Sơn thì có 12% gió 40m/s; 17% từ 30 - 39m/s; 45% từ 20 - 29% và 26% là dưới 20m/s. Trung bình một cơn bão có từ 15 - 24 giờ, ít nhất là 6 - 10 giờ gió đạt từ 15m/s trở lên. Tốc độ gió bão trung bình ở Sầm Sơn là 62 - 76km/h tương đương với cấp 8, cấp 9, mạnh nhất có thể lên tới cấp 13 (137km/h). Theo tính toán ban đầu thì cứ 8 - 10 năm sẽ xuất hiện bão cấp 10 và 15 - 20 năm mới có bão cấp 12. Vùng ven biển Thanh Hóa là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão, điển hình là trận bão RUTH (9/1980), trận bão IRVING (7/1989), trận bão DAMREY (9/2005) và bão MANGKHUT (8/2013). Mức độ ảnh hưởng của bão giảm dần từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng núi. Khu vực đồng bằng ven biển gió bão 30 - 40m/s, mưa lớn có thể kéo dài 2, 3 ngày gây lũ lụt, ngập úng [4], [6].
Bảng 3: Một sô con bão điển hình đổ bộ trực tiếp vào Sầm Sơn trong những năm gần đây
STT |
Tên bão |
Năm |
Tháng |
Cường độ lúc đổ bộ |
Cường độ trên BĐ |
||||
Pmin (hPa) |
Vmax (m/s) |
Cấp |
Pmin (hPa) |
Vmax (m/s) |
Cấp |
||||
1 |
MINDULLE |
2010 |
8 |
979 |
25 |
10 |
980 |
28 |
11 |
2 |
WUTIP |
2013 |
9 |
969 |
26 |
9 |
960 |
38 |
13 |
3 |
KALMAEGI |
2014 |
9 |
996 |
25 |
9 |
970 |
32 |
12 |
4 |
MIRINAE |
2016 |
7 |
978 |
25 |
9 |
965 |
33 |
12 |
5 |
TALAS |
2017 |
7 |
978 |
18 |
9 |
967 |
30 |
12 |
6 |
DOKSURI |
2017 |
9 |
970 |
28 |
10 |
947 |
44 |
15 |
7 |
BEBINCA |
2018 |
8 |
975 |
25 |
9 |
962 |
34 |
12 |
(Nguồn: Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá)
- Về diễn biến và hướng di chuyển của bão: So với các thập niên trước, thập niên 2010-2020, bão có diễn biến phức tạp hơn, hướng di chuyển có nhiều biểu hiện bất thường và tồn tại nhiều ngày trên biển hơn. Điển hình là cơn bão MEGI (số 5 năm 2010), cơn bão HAIMA (số 7 ngày 21/6/2011), cơn bão SONTINH (số 8 năm 2012), cơn bão WUTIP (số 10, năm 2013) và gần đây nhất là cơn bão BEBINCA (số 4 ngày 05/8/2018).
- Về mưa trong bão: Bão thường gây ra mưa lớn khi chúng đổ bộ vào đất liền. Mưa do bão hoặc những quá trình mưa có liên quan đến bão chiếm từ 40-50% tổng lượng mưa năm. Khoảng 45% số cơn bão và ATNĐ có tổng lượng mưa từ 200-300mm; 20% số cơn bão và ATNĐ có tổng lượng mưa lớn hơn 300mm; 15% số cơn bão và ATNĐ có tổng lượng mưa dưới 150mm.Thời gian mưa lớn trong bão trung bình từ 2-3 ngày, hình thế gây mưa đặc biệt lớn tập trung trong vài ngày, thường gây ra lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng. Phần lớn các cơn bão đổ bộ vào khu vực Sầm Sơn đều cho lượng mưa từ 200 - 300mm và xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10. Trung bình hàng năm có từ 20 - 25 ngày mưa do bão với lượng mưa cực đại trong một ngày (24h) từ 200 - 500mm, trong một trận bão có thể từ 500 - 1000mm.
Hình 1: Biểu đồ tổng lượng mưa trung bình năm
thành phố Sầm Sơn giai đoạn 2010-2020
- Tỷ suất bão theo lượng mưa khi đổ bộ trực tiếp hoặc ảnh hưởng trong khu vực Sầm Sơn có sự khác nhau giữa các cấp mưa: chiếm tỷ lệ cao trên 30% đối với cấp mưa lớn hơn 100 mm và dưới 300 mm; cao nhất là 42% ở cấp mưa 100-200m khi bão đổ bộ trực tiếp; ở cấp không mưa và lượng mưa trên 300 mm đạt tỷ suất thấp, dưới 10%.
Bảng 4: Tỷ suất bão theo lượng mưa các cấp ở Sầm Sơn (%)
Cấp mưa |
Không mưa |
< 100 mm |
100 - 200 mm |
200 - 300 mm |
> 300 mm |
||||||||||
Dạng bão
Điểm đo |
Đổ bộ trực tiếp |
Ảnh hưởng |
Cả hai loại |
Đổ bộ trực tiếp |
Ảnh hưởng |
Cả hai loại |
Đổ bộ trực tiếp |
Ảnh hưởng |
Cả hai loại |
Đổ bộ trực tiếp |
Ảnh hưởng |
Cả hai loại |
Đổ bộ trực tiếp |
Ảnh hưởng |
Cả hai loại |
Sầm Sơn |
6 |
8 |
6 |
19 |
37 |
35 |
42 |
34 |
32 |
23 |
15 |
17 |
10 |
6 |
10 |
(Nguồn: Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá)
- Về nước dâng do bão: Ngoài gió mạnh, mưa lớn, bão còn mang đến một tai hoạ khủng khiếp dọc bờ biển, đó là hiện tượng nước dâng do bão. Ở các khu vực ven biển Thanh Hóa nói chung, thành phố Sầm Sơn nói riêng đã có một số cơn bão làm cho nước biển dâng cao gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Cơn bão ngày 21/9/1927 làm cho nước biển dâng cao hơn bình thường 4-5m, vùng biển Tĩnh Gia, Quảng Xương nhiều nhà cửa bị sụp đổ và ngập trong nước biển. Đặc biệt hai năm liên tiếp là 1980 và 1981 vùng ven biển Thanh Hóa phải gánh chịu hai lần nước dâng trong bão. Cơn bão số 6 tháng 9 năm 1980 với sức gió mạnh trên cấp 12, làm cho nước biển dâng cao ở diện rộng, từ Lạch Trường đến Cửa Hới nước dâng trung bình 1,0 - 1,5 m, cao nhất 2 - 3 m. Cơn bão số 2 tháng 7 năm 1981 với sức gió cấp 10, đổ bộ vào phía nam Thanh Hóa, làm cho nước biển khu vực Ghép trở vào dâng cao trung bình 1,5 - 2,0 m, cao nhất 3,0 - 3,5 m [4], [6].
3.2. Những tác động tiêu cực của bão đến hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thành phố Sầm Sơn
Do tác động của BĐKH, các loại hình thiên tai, trong đó bão ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng cả về số lượng cũng như cường độ. Bão thường gây ra mưa to và nước dâng trong bão, là nguyên nhân ngập lụt ở vùng ven biển ngày càng nhiều. Dưới đây là những tác động tiêu cực của bão đối với hạ tầng và CSVCKT du lịch thành phố Sầm Sơn:
- Tác động khi bão đổ bộ vào đất liền gây ra gió mạnh và mưa lớn:
+ Để có khả năng chống chịu được gió bão lớn ven biển yêu cầu phải tốn kém đầu tư kinh phí cho xây dựng các công trình phục vụ du lịch như nhà hàng, khu vui chơi giải trí, đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống cung cấp điện cho người dân địa phương và du khách. Theo kết quả báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2010-2020, toàn thành phố Sầm Sơn có 34 ngôi nhà bị đổ nát, 222 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có các công trình phục vụ du lịch ven biển. Thông tin thu được từ khảo sát thực tế cho thấy địa bàn thành phố Sầm Sơn vẫn đang tồn tại nhiều cơ sở lưu trú (nhà nghỉ) đã được xây dựng từ nhiều chục năm, xuống cấp nên rất dễ bị hư hỏng, đỗ vỡ nhất là hệ thống cửa kính khi có gió bão mạnh. Tại khu vực chân núi phía Nam dãy Trường Lệ - nơi hứng gió bão trực tiếp từ biển thổi vào, các cơ sở ăn uống, hàng quán, cửa hàng mua bán được các chủ kinh doanh xây dựng rất tạm bợ, sơ sài bằng các vật liệu như tre, luồng, mái kè, một số hàng quán dựng bằng tôn sắt, lợp bạt hoặc tấm nhựa... nên khi có bão đổ bộ vào đều bị tốc mái, quật đổ, cuốn đi. Mỗi năm thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng đối với mỗi hộ kinh doanh.
Khu vực phía đông đường Hồ Xuân Hương, trước năm 2015, các cơ sở ăn uống, dịch vụ bán hàng, tắm nước ngọt ngoài bãi biển được xây dựng đơn giãn, ít đầu tư nên vào mừa mưa bão đều bị phá hủy nặng nề, tuyến đường Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du thường xuyên bị ngập úng khi có mưa bão. Năm 2014, nhằm mục đích mở rộng mặt đường và nâng cao nền đường, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước hạn chế ngập lụt, tạo thuận lợi cho các phương tiện giao thông và di chuyển của du khách, 3,5 km tuyến đường huyết mạch du lịch ven biển Hồ Xuân Hương từ khu du lịch Vạn chài đến chân núi Trường Lệ được thành phố nâng cấp, cải tạo với kinh phí lên tới 450 tỷ đồng; Cùng năm đấy, các điểm hubway (bán cà phê phục vụ du khách) và điểm tắm nước ngọt, tắm trắng ở phía đông đường Hồ Xuân Hương được đầu tư xây dựng kiên cố, giảm thiểu đáng kể thiệt hại.
Hình 2: Các tuyến đường trong thành phố bị ngập lụt sao cơn bão số 10 năm 2017
Hình 3: Ảnh chụp tác giả đi thực tế tại các cơ sở kinh doanh, bán hàng, ăn uống phía nam dãy núi Trường Lệ
+ Gió bão mạnh, mưa lớn làm mất hoặc gián đoạn thời gian khai thác du lịch, số ngày đón khách giảm, gây lãng phí CSVCKT. Bão và ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Sầm Sơn chỉ trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10, đây chính là thời điểm hoạt động cao điểm của du lịch trong năm. Trong những ngày mưa bão khách du lịch gần như không đến vì thế hoạt động ăn uống, vui chơi giải trí, di chuyển của các phương tiện giao thông trong điểm du lịch giảm sút đáng kể. Thập niên 2010-2020 có tới 21 cơn bão (không tính ATNĐ) đổ bộ và ảnh hưởng lớn đến Sầm Sơn, chiếm 44,4% trong 4 thập niên cùng và trước đó. Trung bình mỗi cơn bão đổ bộ trực tiếp làm gián đoạn hoạt động du lịch từ 5-7 ngày.
+ Bão lũ làm ngập úng cục bộ tại một số khu vực, các tuyến đường giao thông bị ngập nước, ngừng trệ lưu thông. Vì vậy, hàng năm thành phố phải chi một khoản kinh phí lớn cho sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cung cấp điện. Từ năm 2010-2020, toàn thành phố có 439 m3 kênh mương bị sạt lỡ, 92 km đường giao thông ngập nước, trong đó có các tuyển đường ven biển phục vụ hoạt động du lịch (đường Hồ Xuân Hương, đường Nguyễn Du, đường Thanh Niên). Điển hình như cơn bão số 10 đổ bộ vào Bắc Trung Bộ ngày 15/9 năm 2017, do ảnh hưởng của bão số 10 triều cường và gió mạnh đã khiến nhiều đợt sóng to 3-5m đổ vào đô thị ven biển Sầm Sơn. Bão qua đi, để lại hàng ngàn tấn cát trong hệ thống hubway sát biển và lòng đường Hồ Xuân Hương. Sóng lớn cộng nước triều dâng đánh mạnh lên đường Hồ Xuân Hương khiến cả con đường ven biển này thành sông. Toàn thành phố có 9 ngôi nhà, 4 bến thuyền bị đổ, tốc mái; 1 cống tiêu khu vực đoạn đê K60+870 bị hư hỏng; sạt lở 30m đường Hồ Xuân Hương, hư hỏng 300m đá ốp đê chắn sóng đường Hồ Xuân Hương; sạt lở 75m2 nền móng bê tông khu tưởng niệm Bác Hồ (phường Vinh Sơn); sạt lở 40m2 tường rào, 2 cột điện hư hỏng; 75 biển quảng cáo đổ vỡ; trên 200 cây xanh bị gãy đổ, thiệt hại cho thành phố tới 13,6 tỷ đồng.
Sau 2 năm, cơn bão số 4 năm 2019 ghi nhận tại thành phố Sầm Sơn gây mưa lớn, nước đổ về nhiều, khiến khu phố Khánh Sơn bị ngập chìm trong nước, nhiều tài sản, đồ đạc của người dân bị thiệt hại nặng nề. Khu phố này nhiều lần bị nước lũ nhấn chìm, chính quyền thành phố đã phải nghiên cứu lắp đặt máy bơm nước để hút nước cứu hộ cho dân. Để cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải, thoát nước mưa, khu vực phía tây đường Hồ Xuân Hương, năm 2019 thành phố Sầm Sơn đã đầu với tổng mức kinh phí lên đến 158,64 tỷ đồng [1], [2], [6], [8], [9].
- Tác động do nước dâng trong bão kết hợp với triều cường làm cho xâm thực mạnh, sói lỡ bờ biển và xâm nhập mặn:
+ Nước dâng do bão là hiện tượng thiên tai nguy hiểm đã xảy ra tại nhiều các huyện ven biển của Thanh Hóa, trong đó có thành phố Sầm Sơn. Tư liệu cho thấy đã có nhiều cơn bão hoặc siêu bão gây nước dâng kết hợp triều cường làm ngập lụt lớn cho vùng cửa sông, ven biển trên diện tích rộng. Điển hình năm 1989, nước dâng lớn nhất do cơn bão Irving gây ra tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) là 2,9m; cơn bão DAN (1989) tại cửa Ghép là 2,6m. Trong nước biển và những nơi bị nhiễm mặn thường chứa nhiều sulfat (một loại muối của axit sulfuric), có khả năng phản ứng với các chất hydroxit và hydro aluminat canxi trong bê tông, gây ăn mòn bê tong, làm cho những công trình xây dựng ở vùng biển đảo hay bị rỗ bề mặt và có tuổi thọ ngắn, chỉ sau vài năm đã phải sửa sang, gia cố, tốn nhiều thời gian và công sức. Bởi vậy, để tăng độ bền cho các công trình khách sạn, nhà hàng... ven biển của thành phố đòi hỏi phải sử dụng loại vật liệu xây dựng chịu được mặn có chi phí cao hơn nhiều vật liệu xây dựng thông thường.
+ Nước dâng do bão gây thiệt hại đối với hạ tầng và CSVCKT du lịch thành phố Sầm Sơn như làm xói lở bờ biển, phá hủy đê, kè và các công trình ven biển. Nếu bão đổ bộ đúng kỳ triều cường và lúc triều lên thì nước dâng dễ xảy ra và càng cao hơn, hung hản hơn. Ví dụ như cơn bão MINDULLE đổ bộ trực tiếp vào thành phố Sầm Sơn ngày 28/6/2010. Do ảnh hưởng của triều cường, kết hợp với mưa, bão và dòng chảy sông Mã, bờ biển và đất rừng phòng hộ ở thành phố Sầm Sơn bị sạt lở nghiêm trọng. Hơn 2 km bờ bị nước biển xâm thực, gây sạt lở, đường bờ biển từ cửa lạch sông Mã xuống đến khu du lịch Vạn Chài bị bị nước biển tàn phá chỗ sâu nhất khoảng 100 m, nơi nông cũng đến 40 m.
Hình 4. Ảnh chụp tác giả đi thực tế khu vực kè biển thuộc bãi tắm D Sầm Sơn
Hình 5. Bãi biển đoạn qua thôn Hồng Thắng và Cường Thịnh, xã Quảng Cư, TP Sầm Sơn
đang bị xâm thực mạnh
+ Xâm thực mạnh, sói lở bờ biển do nước dâng trong bão kết hợp với triều cường làm cho dọc từ cửa sông Mã đổ ra biển xuống đến khu du lịch sinh thái Vạn Chài, có nhiều điểm bị nước biển xâm thực mạnh, các bờ kè tuyến này bị sóng biển đánh tan nát, có những chỗ nước biển xâm thực sâu nhất vào đất liền dài khoảng 100m so với trước kia. Dọc bờ biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thuộc xã Quảng Cư đang xảy ra hiện tượng nước biển xâm thực mạnh khiến nhiều cây xanh, cây tùng chắn sóng bị đánh bật rễ;
+ Nước dâng trong bão gây nguy hiểm cho các công trình, nhà cửa, nhà nghỉ khu du lịch, nhất là các công trình sát mặt nước. Theo thống kê, từ năm 2010-2020, toàn Thành phố Sầm Sơn có 34 ngôi nhà bị đổ, 222 nhà tốc mái, trong đó 30% là các công trình ven biển phục vụ du lịch dọc theo các bãi tắm A, B,C,D và trên tuyến đường Hồ Xuân Hương.
+ Nước dâng trong bão kết hợp với triều cường đòi hỏi phải nâng code trong xây dựng các công trình CSVCKT. Ví dụ: một số khu vực độ cao thấp hơn 2m thuộc bãi tắm C, D, để có độ cao san nền tối thiểu là 3m thì cần khối lượng rất lớn đất hoặc cát san nền. Chi phí thoát nước cũng sẽ tăng lên, chưa kể đến xu thế nước biển dâng và sự sụt lún khu vực ven biển đang diễn ra, khi đấy nước biển sẽ dâng cao thêm, đòi hỏi khối lượng đất hoặc cát san nền lớn hơn để nâng cao code cho các công trình.
+ Xâm thực mạnh, sói lỡ bờ biển làm thay đổi cấu hình mạng lưới giao thông trong khu vực du lịch. Nước biển ngày một lấn sâu vào chân công trình, cần phải thay đổi vị trí bố trí hệ thống khách sạn, nhà hàng, công viên, khu vui chới giải trí, sân Golf theo chiều hướng vào sâu trong đất liền. Trước kia các khu vui chơi giải trí như xe điện đều, khu vui chơi cảm giác mạnh Clazy Wave… được xây dựng ngoài bãi biển (phía đông đường Hồ Xuân Hương), nhưng hiện nay đã di chuyển vào sâu trong đất liền, cách bờ biển gần 500m (nằm trên đường Nguyễn Du). Trong tương lai, hạng mục khu kỹ thuật sân Golf Links trong khu vực FLC sẽ phải quy hoạch vào bên trong để trả lại đất rừng phòng hộ ven biển, nhằm chắn sóng lấn biển, chống sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển.
+ Tăng cao chi phí củng cố và xây dựng mới các công trình đê, kè chắn sóng, chống sạt lở. Nước biển xâm thực năm nào cũng diễn ra làm nhiều đoạn đê, nhiều tuyến đường, nhiều đường bờ biển bị tàn phá. Từ năm 2010-2020, bão lụt đã làm sạt lỡ 1410 m3 đất ở Sầm Sơn. Điển hình như mưa bão diễn ra vào ngày 28/6/2010 đã làm cho đường bờ biển từ cửa lạch sông Mã xuống đến khu du lịch Vạn Chài bị nước biển tàn phá chỗ sâu nhất khoảng 100 m, nơi nông cũng đến 40 m, cuốn trôi gần 30 ha đất, trong đó, có khoảng 20 ha đất rừng phòng hộ. Người dân dùng giải pháp đóng cọc tre, cột gỗ, bao cát quai đê, thậm chí đổ cả bê tông gia cố nhưng vẫn không chống được sự xâm thực của nước biển. Dọc bờ biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương thuộc xã Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn đang xảy ra hiện tượng nước biển xâm thực mạnh khiến nhiều cây xanh bật gốc, bờ cát bị xói lở, ngoạm sâu vào chân móng các công trình ven biển. Những mảng tường lớn và gạch đá, bê tông cũng bị cuốn phăng ra biển, khu vực bãi D bị sóng "ngoạm" trơ móng, nhiều đoạn đã bị đứt gãy rất nguy hiểm. Theo ước tính, mỗi năm thành phố Sầm Sơn thiệt hại nhiều tỷ đồng vì biển xâm thực, trong đó thiệt hại được thể hiện rõ nét ở khu du lịch Vạn Chài resort. Nếu không có các giải pháp ứng phó kịp thời, gần 3 km bờ biển còn lại của Sầm Sơn sẽ bị nước biển xâm thực sâu vào đất liền [1], [2], [6], [8], [9].
4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm với điều kiện môi trường tự nhiên. Vì vậy BĐKH và hậu quả của nó (nắng nóng gia tăng, hạn hán, bão, lụt…) sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động du lịch nói chung, hạ tầng và CSVCKT du lịch nói riêng. Là một đô thị du lịch ven biển, trong nhiều thập kỹ qua, Sầm Sơn luôn phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do bão gây ra.
Qua thống kê, phân tích và đánh giá số lượng bão ảnh hưởng lớn cũng như đổ bộ trực tiếp vào Thanh Hóa, trong đó có khu vực Sầm Sơn, từ 1980 đến 2019 có thể rút ra một số nhận xét chung về đặc điểm của bão như sau: Qua từng thập niên thì số lượng có thay đổi, số cơn bão đổ bộ trực tiếp cũng như ảnh hưởng lớn càng về những năm gần đây càng nhiều hơn; cường độ bão cũng mạnh hơn so với những năm trước; diễn biến của bão càng phức tạp, hướng di chuyển có nhiều biểu hiện bất thường và tồn tại nhiều ngày trên biển.
Bão đã gây thiệt hại đến hạ tầng và CSVCKT du lịch của thành phố. Trong thập niên 2010-2020, gió bão, mưa lớn đã làm cho nhiều công trình du lịch ven biển bị hư hỏng, nhiễm mặn; gây ngập lụt nhiều tuyến đường, xói lở bờ biển, phá hủy đê, kè và các công trình du lịch (nhà hàng, khu vui chơi giải trí...); làm thay đổi cấu hình mạng lưới giao thông; nâng code trong xây dựng, gây nguy hiểm cho các công trình...
Những phân tích, đánh giá về thực trạng tác động của bão đối với hạ tầng và CSVCKT du lịch thành phố Sầm Sơn sẽ là cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra trong công trình nghiên cứu tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Thị Bích (2022), Tác động của biến đổi khí hậu đến cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Luận văn thạc sỹ Địa lí học, ĐH Hồng Đức.
[2]. Lê Kim Dung (Tác giả chính), (2022), Xác định các tiêu chí đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Số 8 (382): 4/2022, trang 33-35.
[3]. Nguyễn Xuân Hải (2015), Phát triển du lịch biển Sầm Sơn ứng phó với biến đổi khí hậu. Luận văn thạc sỹ du lịch, ĐH KHXH&NV.
[4]. Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá, (2020) Báo cáo về Bão và ATNĐ ảnh hưởng đến Thanh Hóa giai đoạn 2010-2020;
[5]. Tổng cục khí tượng thủy văn, trung tâm thủy văn khí tượng quốc gia, Phân chia 8 vùng ảnh hưởng của bão trên lãnh thổ Việt Nam.
[6]. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tiềm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020.
[7]. Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn, Bản đồ quy hoạch thành phố Sầm Sơn 2022
[8]. Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn (2011), Báo cáo Tổng kết tổ chức và hoạt động của UBND huyện nhiệm kỳ 2011 – 2015.
[9]. Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn (2016), Báo cáo Tổng kết tổ chức và hoạt động của UBND huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021.
CHARACTERISTICS OF STORMS AND THEIR IMPACT ON INFRASTRUCTURE AND TECHNICAL FACILITIES OF TOURISM IN SAM SON CITY, THANH HOA PROVINCE
Le Kim Dung
Hong Duc University, 565 Quang Trung, Dong Ve Ward, Thanh Hoa City
Abstract: Due to the influence of climate change, in Sam Son city, Thanh Hoa province, in recent years, the law of operation and the number and intensity of storms have shown many unusual manifestations. Storm season comes earlier and ends later than the average of many years... which has seriously affected the tourism development in general, the infrastructure and technical facilities for tourism in Sam Son city in particular. In this study, by analyzing and synthesizing documents and data in combination with survey and actual investigation on the characteristics and situation of storms and their damage to infrastructure and technical facilities for tourism in Sam Son, the article aims to clarify about: number of storms, storm winds, movement and direction of storms, rain and storm surge; negative impacts of storms on infrastructure and technical facilities of tourism in Sam Son city in the period 2010-2020.
Keywords: storm, infrastructure and technical facilities of tourism.
Tác giả liên hệ: Lê Kim Dung; Email: lekimdung@hdu.edu.vn; Di động: 0945516169
(Bài đã đăng trong Kỷ yếu hội nghị khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2022, tr. 59-67)