21/03/2023
I. Bài báo đăng trên tạp chí Thiết bị giáo dục số 263, tháng 4, Kì 2, năm 2022
THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG PHIM TƯ LIỆU TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ
LỚP 6 TRUNG HỌC CƠ SỞ
TS. Nguyễn Thị Vân - Cao Thị Linh, Lê Thị Nhung,
Lang Thị Ngọc Huyền, Lê Thị Loan, Bùi Thị Thúy
- Lớp ĐHSP Lịch sử K22 CLC, Trường Đại học Hồng Đức
1. Đặt vấn đề
Thiết kế và sử dụng phim tư liệu là một trong những biện pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông, thể hiện rõ tinh thần đổi mới của quá trình dạy học hiện nay. Đây là biện pháp có lợi thế trong việc tái hiện sự kiện, từ đó, tạo biểu tượng lịch sử sinh động, giúp học sinh hiểu bản chất sự kiện và yêu thích môn học.
Khác với chương trình vẫn hiện hành, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Theo đó, nội dung, cấu trúc…các môn học có sự thay đổi phù hợp. Nội dung kiến thức Lịch sử đã được tích hợp với Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý, giúp việc kết nối giữa hai môn học chặt chẽ hơn, thực hiện tinh giản về kiến thức nhưng vẫn đảm bảo tính hệ thống, tính toàn diện...
Năm học 2021 - 2022, học sinh khối lớp 6 được triển khai học tập trong thực tế mô hình một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa. Tại các trường THCS, qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi nhận thấy việc thực hiện chương trình có nhiều điểm tích cực, giáo viên chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch dạy học dựa trên mục tiêu chung, yêu cầu cần đạt và những thành tố mang tính thực tiễn tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng không ít những khó khăn, lúng túng. Đặc biệt, việc vận dụng phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, cấu trúc chương trình sách giáo khoa có nhiều đổi mới.
Để góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trường THCS, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bài viết tập trung đề xuất các biện pháp sử dụng phim tư liệu với vai trò một phương tiện trực quan đặc biệt quan trọng trong tổ chức bài học lịch sử lớp 6.
2. Phân loại phim tư liệu
“Phim tư liệu lịch sử là loại phim được xây dựng trên những hình ảnh ghi lại một cách khách quan trung thực những sự kiện, hiện tượng ngay tại thời điểm nó diễn ra, chủ yếu phục vụ cho mục đích giáo dục hoặc lưu trữ các sự kiện lịch sử” [6]. Vì vậy, đây là nguồn tư liệu đảm bảo tính khoa học, chính xác, chân thực của quá khứ lịch sử, đồng thời, là phương tiện trực quan quý giá trong dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng.
Hiện nay, căn cứ các tiêu chí khác nhau, chúng ta có nhiều cách để phân loại phim tư liệu lịch sử (căn cứ vào nguồn gốc, nội dung, đối tượng phản ánh, thể loại…). Dựa vào nguồn gốc, chúng ta phân chia phim tư liệu lịch sử thành hai loại là phim tư liệu gốc và phim tư liệu “tái tạo”.
“Phim tư liệu gốc là những đoạn phim ghi lại sự kiện, hiện tượng lịch sử tại thời điểm diễn ra, đảm bảo được tính lịch sử, tính chính xác và tính chân thực” [4]. Do vậy, phim tư liệu gốc được xem là nguồn tư liệu đặc biệt quý giá. Tuy nhiên, các đoạn phim tư liệu gốc rất hiếm, không phải bất kì một sự kiện, hiện tượng lịch sử nào cũng có thể ghi hình lại ngay thời điểm diễn ra. Do vậy, bên cạnh phim tư liệu gốc, phim tư liệu tái tạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình dạy học bộ môn.
Phim tư liệu “tái tạo” là “những đoạn phim được xây dựng dựa trên nguồn tranh ảnh lịch sử với sự hỗ trợ của phương tiện công nghệ để phục vụ mục đích dạy học” [4]. Việc thiết kế và sử dụng phim tư liệu trong dạy học nói chung, dạy học môn Lịch sử nói riêng phải gắn liền với nội dung bài học và đảm bảo những yêu cầu cơ bản. Căn cứ đặc điểm của từng loại, chúng tôi nhận thấy, phim tư liệu “tái tạo” là loại thường dùng trong dạy học bộ môn vì có thể thiết kế trên cơ sở hình ảnh tư liệu, nội dung sự kiện và các phần mềm hỗ trợ.
3. Những yêu cầu khi thiết kế và sử dụng phim tư liệu trong dạy học lịch sử
Ngoài những yêu cầu chung khi sử dụng đồ dùng trực quan trong quá trình dạy học, thiết kế và sử dụng phim tư liệu trong dạy học lịch sử cần chú ý đảm bảo những yêu cầu sau:
Đảm bảo tính khách quan, khoa học: Đây là yêu cầu quan trọng nhất của phim tư liệu lịch sử. Bởi việc học tập lịch sử vốn không thể trực tiếp quan sát sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử, do vậy, phim tư liệu trong trường hợp này chính là nguồn tư liệu tái hiện sự kiện khách quan, chân thực vốn có của nó. Để đảm bảo tính khách quan, khoa học của phim tư liệu thì tất cả những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử phản ánh không được hư cấu, xen lẫn ý muốn, suy nghĩ chủ quan của tác giả. Nếu là phim tư liệu gốc thì không được cắt ghép, chỉnh sửa làm sai lệch sự thật so với những gì đã diễn ra trong quá khứ; Phim tư liệu tái tạo phải căn cứ vào lịch sử quá khứ khách quan, không thể xây dựng một bộ phim tư liệu sai lệch với sự thật.
Đảm bảo tính mục tiêu: Việc lựa chọn phương pháp và phương tiện hỗ trợ phải căn cứ mục tiêu dạy học. Bởi lẽ, đây chính là thành tố cơ sở, định hướng toàn bộ quá trình dạy học. Nội dung phim tư liệu được thiết kế và sử dụng phải đáp ứng mục tiêu của bài học. Đối với phim tư liệu gốc, giáo viên căn cứ mục tiêu cần đạt để lựa chọn đoạn phim phù hợp; Đối với phim tư liệu “tái tạo”, hình ảnh được lựa chọn để dựng phim phải có nguồn rõ ràng, thống nhất với nội dung sự kiện, chú ý đảm bảo kiến thức trọng tâm và phù hợp trình độ nhận thức của người học.
Đảm bảo tính sinh động, hấp dẫn: phim tư liệu được tạo thành từ nhiều yếu tố như hình ảnh, âm thanh, lời thuyết minh... Các yếu tố này vận động dựa trên sự kết nối của người thiết kế. Từ đó, tác động đến các giác quan (thị giác, thính giác…) của học sinh, giúp học sinh có thể quan sát được sự vận động và phát triển của lịch sử. Tính động là cơ sở cho sự sinh động, hấp dẫn, truyền cảm của phim tư liệu. Khi quan sát, tiếp nhận kiến thức từ phim tư liệu, những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử được tái hiện sống động, chân thực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của học sinh. Đây là biện pháp hiệu quả tạo hứng thú và những xúc cảm lịch sử cho học sinh trong quá trình dạy học.
Đảm bảo yêu cầu đổi mới và phát huy tính chủ động của HS: Mục tiêu dạy học tiếp cận năng lực luôn phải gắn liền với nguyên tắc phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Để thực hiện yêu cầu này, khi sử dụng phim tư liệu trong dạy học lịch sử, giáo viên phải trở thành người định hướng, hỗ trợ, tư vấn…. cho học sinh, giúp học sinh chủ động khai thác kiến thức từ phim tư liệu đã thiết kế. Từ đó, hình thành các năng lực đặc thù (năng lực tìm hiểu, nhận thức và tư duy lịch sử, năng lực vận dụng những bài học vào cuộc sống…) và năng lực chung cần thiết (năng lực tự học, năng lực hợp tác, năng lực ngôn ngữ, năng lực sáng tạo…). Để các hoạt động sử dụng phim tư liệu có tính khả thi trong việc phát huy sự chủ động học tập từ phía học sinh, giáo viên cần quan tâm sử dụng kết hợp các phương pháp trình bày miệng và một số công cụ hỗ trợ như sử dụng phiếu học tập, sơ đồ tư duy…
Ngoài những yêu cầu trên, khi sử dụng phim tư liệu trong dạy học lịch sử, giáo viên còn cần đảo bảo thời lượng dành cho mỗi hoạt động của tiết học, đảm bảo cơ sở vật chất hỗ trợ và có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin… Đảm bảo những yêu cầu trên là cơ sở để vận dụng hiệu quả biện pháp này trong quá trình dạy học bộ môn.
4. Đề xuất một số biện pháp sử dụng
4.1. Sử dụng phim tư liệu kết hợp câu hỏi nêu vấn đề khởi động bài học.
Một trong những tác dụng lớn nhất của biện pháp sử dụng phim tư liệu kết hợp với câu hỏi nêu vấn đề để khởi động là tạo được những ấn tượng đầu tiên về sự kiện, hiện tượng lịch sử. Đồng thời, giúp học sinh hứng thú khi tiếp cận bài học. Phim tư liệu vốn là những thước phim động, có hình ảnh và âm thanh lôi cuốn sẽ tác động mạnh mẽ vào nhận thức, kích thích đồng thời các giác quan (từ thị giác đến thính giác…), do đó sẽ giúp học sinh tập trung, chú ý chủ đề giáo viên muốn dẫn dắt.
Ví dụ: Khi giảng dạy bài 10 - Hi Lạp và La Mã cổ đại (SGK lớp 6, môn Lịch sử và Địa lý, tr. 44, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), để khởi động bài học, giáo viên có thể sử dụng đoạn phim tư liệu ngắn kết nối các hình ảnh một số công trình kiến trúc và tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của văn hóa Hi Lạp và La Mã thời cổ đại. Các hình ảnh của đoạn phim tư liệu: đền Pactenong, đấu trường La Mã, điêu khắc Lực sĩ ném đĩa, Thần vệ nữ thành Milo… chính là những nét khắc họa đầu tiên trong não học sinh về một nền văn minh cổ đại rực rỡ. Từ đó, kích thích các em mong muốn được khám phá, tìm kiếm những tri thức về nền văn minh phương Tây cổ đại này.
4.2. Sử dụng phim tư liệu kết hợp các phương pháp trình bày miệng tạo biểu tượng lịch sử
Sử dụng phim tư liệu kết hợp các phương pháp trình bày miệng trước hết giúp học sinh tái hiện lại sự kiện, hiện tượng lịch sử một cách sinh động, hấp dẫn. Từ đó, giúp học sinh có những biểu tượng sâu sắc về sự kiện. Đây là biện pháp dạy học có thế mạnh trong việc khắc sâu biểu tượng lịch sử cho học sinh. Bởi lẽ, sự kiện diễn ra trong quá khứ đã được sinh động hóa bằng hình ảnh, âm thanh theo logic, hệ thống ở bố cục phim. Trên cơ sở đó, giáo viên giúp các em gợi mở để hiểu bản chất sự kiện, đánh giá đặc điểm, tính chất, ý nghĩa… của các sự kiện, hiện tượng hoặc nhân vật lịch sử đoạn phim tư liệu đã tái hiện.
Ví dụ: Khi dạy Bài 4 - Nguồn gốc loài người (SGK Lịch sử 6, tr.17, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), giáo viên có thể thiết kế và sử dụng đoạn phim tư liệu “Quá trình tiến hóa từ vượn thành người”. Để tạo biểu tượng về sự kiện trên, sau khi cho học sinh khai thác thông tin từ đoạn phim, giáo viên hướng dẫn các em thuyết minh cho đoạn phim đã được tắt tiếng mô tả quá trình tiến hóa từ vượn thành người. Biện pháp này không chỉ giúp các em hình thành biểu tượng về các giai đoạn tiến hóa của người nguyên thủy, mà bước đầu được vận dụng kiến thức, đóng vai “thuyết minh” định hướng nghề nghiệp.
4.3. Sử dụng phim tư liệu kết hợp sơ đồ tư duy khắc họa sự biến chuyển của sự kiện
Dạng kiến thức biến chuyển của sự kiện lịch sử đối với HS phổ thông nói chung, HS THCS nói riêng vốn rất khó tiếp cận. Do đặc điểm của dạng kiến thức biến chuyển sự kiện là cần phải hình thành cho học sinh kiến thức về sự thay đổi bản chất, sự phát triển của một quá trình, hiện tượng, biến cố lịch sử thông qua những biểu hiện cụ thể. Một số dạng kiến thức điển hình về biến chuyển sự kiện như: sự biến chuyển trong xã hội, biến chuyển về kinh tế, văn hóa, tư tưởng, quy luật tuần hoàn của một hiện tượng lịch sử, sự phát triển của một tiến trình lịch sử… Điều khó khăn nhất trong việc khắc họa sự biến chuyển của sự kiện chính là tính trừu tượng rất cao, khó cụ thể hóa, lượng hóa, khó thể hiện bằng lối diễn đạt thông thường. Trong trường hợp học sinh không hiểu bản chất sự kiện, không được tiếp cận kiến thức một cách hệ thống, tổng quát thì rất dễ dẫn đến nhìn nhận sai lệch vấn đề, sự kiện lịch sử như bản chất vốn có của nó.
Vì vậy, đối với dạng kiến thức rất khó này cần có một phương pháp sinh động, cụ thể hóa, có thể kết hợp với sơ đồ, nhưng vẫn phải đảm bảo tính uyển chuyển vốn có trong sự biến đổi của sự kiện. Trong trường hợp này, phim tư liệu kết hợp sơ đồ thông thường không hợp lý, vì sơ đồ có tính công thức, ổn định, cứng nhắc và đóng khuôn (ví dụ như sử dụng sơ đồ để thể hiện bộ máy nhà nước, hay thể hiện chế độ đẳng cấp, hệ thống giai cấp trong xã hội…). Khắc phục các nhược điểm trên, phim tư liệu khi kết hợp với sơ đồ tư duy vừa đảm bảo tính hệ thống, logic, khoa học như sơ đồ hóa nhưng cũng có tính mềm dẻo, uyển chuyển, không đóng khuôn tư duy của học sinh vì nó được thể hiện bằng những nét vẽ mở, mềm mại…
Việc sử dụng phim tư liệu kết hợp sơ đồ tư duy sẽ giúp học sinh khắc sâu sự biến chuyển của sự kiện. Bởi vì, nếu phim tư liệu giúp học sinh có cái nhìn chân thực, khách quan và hấp dẫn về sự kiện thì sơ đồ tư duy sẽ giúp học sinh có cái nhìn khái quát, toàn cảnh và sâu sắc về sự phát triển của một quá trình, của sự kiện lịch sử.
Ví dụ, khi dạy Bài 6 - Sự chuyển biến và phân hóa của xã hội nguyên thủy (SGK lịch sử lớp 6, tr.32, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), giáo viên có thể thiết kế đoạn phim tư liệu “Sự tan rã của xã hội nguyên thủy ở Việt Nam” kết hợp sử dụng với sơ đồ tư duy. Giáo viên cho học sinh thực hiện nhiệm vụ quan sát đoạn video và hoàn thiện sơ đồ tư duy về sự tan rã của xã hội nguyên thủy ở Việt Nam theo các nhánh chính là sự chuyển biến về kinh tế, sự chuyển biến về xã hội… Biện pháp này giúp học sinh khắc sâu, hiểu rõ về một nội dung kiến thức vốn trừu tượng và rất khó.
4.4. Sử dụng phim tư liệu trong hoạt động kiểm tra đánh giá phát triển năng lực tự chủ và sáng tạo.
Hoạt động kiểm tra, đánh giá là khâu cuối cùng của quá trình dạy học. Nếu thực hiện hiệu quả hoạt động này, kiểm tra đánh giá có vai trò như phương pháp dạy học, hỗ trợ, tạo ra sự thay đổi của toàn bộ quá trình dạy học. Tuy nhiên, nhìn chung các hình thức kiểm tra, đánh giá trong môn Lịch sử ở các trường THCS hiện nay chưa thật sự đa dạng, thậm chí còn áp lực đối với học sinh.
Sử dụng phim tư liệu trong hoạt động kiểm tra, đánh giá cung cấp một giải pháp mới và hiệu quả, góp phần phát triển năng lực tự chủ, sáng tạo cho học sinh. Đây là một biện pháp có thế mạnh trong việc giúp cho học sinh trải nghiệm, qua đó, rèn luyện kĩ năng quan sát, lắng nghe, có thể phát triển năng lực của mỗi cá nhân, phát huy khả năng sáng tạo của các em. Bởi lẽ, khi phần nội dung, kiến thức sử dụng kiểm tra, đánh giá được thể hiện thông qua hình ảnh, âm thanh sẽ tạo hứng thú cho học sinh trong hoạt động. Từ đó, kích thích sự sáng tạo và tình yêu đối với môn học.
Sử dụng phim tư liệu để kiểm tra đánh giá giáo viên có thể thực hiện với nhiều biện pháp như kết hợp với câu hỏi trắc nghiệm (nên thực hiện đối với bài kiểm tra 15 phút, thời lượng không quá nhiều), thực hành viết thuyết minh cho đoạn phim tư liệu đã được tắt tiếng, hoặc nhập vai tình huống để tường thuật, miêu tả, kể lại sự kiện thể hiện trong đoạn phim… Đó là các biện pháp kiểm tra không chỉ đánh giá được kiến thức mà còn rèn luyện các kĩ năng kèm theo, kích thích hứng thú và sự sáng tạo của học sinh.
5. Kết luận
Thiết kế và sử dụng phim tư liệu trong môn Lịch sử là giải pháp tích cực thể hiện tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, hỗ trợ hiệu quả việc thực hiện Chương trình phổ thông 2018. Biện pháp này có thể sử dụng ở nhiều khâu, đa dạng trong các hoạt động của quá trình dạy học, từ khởi động đến hình thành kiến thức mới, củng cố bài học, kiểm tra đánh giá… Giáo viên cần nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của phim tư liệu trong dạy học lịch sử, nắm vững những yêu cầu khi thiết kế và sử dụng, từ đó, vận dụng các biện pháp vào bài học cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở trường THCS hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Côi (2006), Các con đường, biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường phổ thông, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
2. Phan Ngọc Liên (CB) (2009), Phương pháp dạy học lịch sử, 02 tập, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
3. Hoàng Thanh Tú và Nguyễn Tiến Trình (2007), Sử dụng phim tư liệu trong dạy học lịch sử, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số tháng 5.
4. Hoàng Thanh Tú, Ninh Thị Hạnh (2011), Thiết kế và sử dụng phim tư liệu lịch sử với sự hỗ trợ của phần mềm Proshow Gold, Tạp chí Thiết bị Giáo dục, số 68,tr.1.
5. Nguyễn Mạnh Hưởng (2011), Hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả các đoạn phim tài liệu trong dạy học lịch sử ở trường THPT, Tạp chí Giáo dục, số 258.
6. Nguyễn Ngọc Trinh (2018), Sử dụng phim tài liệu nhằm phát triển năng lực học sinh trong dạy học lịch sử ở trường THPT, Tạp chí Khoa học - Trường ĐH Quy Nhơn, tập 12, Số 6, tr. 60.
Tóm tắt: Thiết kế và sử dụng phim tư liệu là biện pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông, thể hiện rõ tinh thần đổi mới của quá trình dạy học hiện nay. Bài viết trên cơ sở xác định những yêu cầu cơ bản, tập trung đề xuất các biện pháp sử dụng phim tư liệu trong dạy học lịch sử lớp 6 nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Summary: Designing and using documentary films is an effective measure to improve the quality of history teaching in high schools, clearly demonstrating the innovative spirit of the current teaching process. On the basis of identifying the basic requirements, the article focuses on proposing measures to use documentary films in teaching 6th grade history in order to contribute to the effective implementation of the new general education program in 2018, as well as improving the quality of teaching History in high schools.
Từ khóa: phim tư liệu, thiết kế và sử dụng.
II. Các đoạn phim tư liệu phục vụ cho DH Lịch sử thế giới Lớp 6