Sông Mã trong đời sống người Mường ở Thanh Hóa

04/10/2021

Sông Mã là hệ thống sông lớn thứ hai ở miền Bắc (sau sông Hồng) và lớn thứ tư ở Việt Nam (sau sông Mê Kông, sông Hồng và sông Đồng Nai). Sông Mã bắt nguồn từ dãy núi Bon Kho thuộc huỵên Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), chảy theo hướng tây bắc - đông nam qua huyện sông Mã (tỉnh Sơn La), các huyện Mường Ét, Xiềng Khọ, Sốp Bau (tỉnh Hủa Phăn - Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hoá), huyện Mai Châu (tỉnh Hoà Bình), các huyện của tỉnh Thanh Hoá: Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hoá, thành phố Thanh Hoá, Hoằng Hoá, Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn… rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở dòng chính là sông Mã (cửa Hới - Lạch Trào) cùng hai phân lưu là sông Tào (cửa Lạch Trường) và sông Lèn (cửa Lèn - Lạch Sung).

 

PGS. TS Mai Văn Tùng

 

1. Đôi nét về dòng sông Mã

Sông Mã là hệ thống sông lớn thứ hai ở miền Bắc (sau sông Hồng) và lớn thứ tư ở Việt Nam (sau sông Mê Kông, sông Hồng và sông Đồng Nai). Sông Mã bắt nguồn từ dãy núi Bon Kho thuộc huỵên Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), chảy theo hướng tây bắc - đông nam qua huyện sông Mã (tỉnh Sơn La), các huyện Mường Ét, Xiềng Khọ, Sốp Bau (tỉnh Hủa Phăn - Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hoá), huyện Mai Châu (tỉnh Hoà Bình), các huyện của tỉnh Thanh Hoá: Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hoá, thành phố Thanh Hoá, Hoằng Hoá, Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn… rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở dòng chính là sông Mã (cửa Hới - Lạch Trào) cùng hai phân lưu là sông Tào (cửa Lạch Trường) và sông Lèn (cửa Lèn - Lạch Sung).

Sông Mã có tổng chiều dài 512 km, trong đó đoạn chảy trên tỉnh Điện Biên dài 58km (11%), đoạn chảy qua tỉnh Sơn La dài 82 km (16%), đoạn chảy qua tỉnh Hủa Phăn (Lào) dài 102km (20%), và đoạn chảy qua tỉnh Thanh Hoá dài 270km (53%). Sử cũ gọi sông Mã là sông Lỗi Giang; ngoài ra còn có nhiều tên gọi khác như sông Tất Mã, Lễ, Định Minh, Nguyệt Thường, Hội Thường. Cũng như nhiều dòng sông khác ở Việt Nam, sông Mã có nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi của dòng sông này1.

Đặc điểm dòng chảy sông Mã trên địa bàn Thanh Hoá có thể chia làm 3 vùng. Vùng thượng lưu, từ đầu nguồn tới Hồi Xuân (huyện Quan Hoá), sông Mã nằm giữa hai dãy núi cao trung bình, dòng sông hẹp và sâu, hai bờ là vách đá dựng đứng nhiều ghềnh thác, đáy có nhiều đá ngầm, độ dốc đáy sông lớn, nước chảy mạnh và xâm thực lớn. Vùng trung lưu, từ Hồi Xuân (huyện Quan Hoá) về tới xã Cẩm Phong, Phong Ý (huyện Cẩm Thuỷ), có chiều dài khoảng trên 100km, lòng sông mở rộng, ít ghềnh thác, độ dốc đáy sông hạ thấp rõ rệt, chỉ còn khoảng từ 1 - 3%, các quá trình diễn biến lòng sông diễn ra khá phức tạp. Ở đoạn này sông Mã chủ yếu chảy qua vùng núi đá vôi và diệp thạch2. Vùng hạ lưu, có thể tính từ vùng dưới Phong Ý (huyện Cẩm Thuỷ), có chiều dài trên 100km, lòng sông mở rộng và độ dốc đáy sông chỉ còn khoảng 1%. Từ đây sông Mã chảy vào vùng đồng bằng của Thanh Hoá gồm các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hoá, Đông Sơn, Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Quảng Xương.

Người Mường ở lưu vực sông Mã Thanh Hoá cư trú mật tập chủ yếu ở vùng trung lưu, tương ứng với địa bàn các huyện Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ, trong các mường cổ như mường Khô, mường Ống, mường Ai, mường Khôông, mường Trám.v.v… Ở khu vực này có những thung lũng lớn, đất đai màu mỡ, có những bãi bồi ven sông. Vì vậy, con người trong đó có người Mường đến tụ cư ở đây từ rất lâu đời và phát triển sớm nghề nông trồng lúa nước và trồng các cây hoa màu như ngô, khoai các loại ven sông, ven suối. Trong quá trình sinh tồn, người Mường còn đúc kết được nhiều kinh nghiệm ứng xử với dòng sông Mã thông qua đánh bắt, nuôi trông thuỷ sản, đi lại và giao thương.v.v...

2. Dòng sông của lịch sử và văn hoá

Trước hết phải thấy rằng, trải qua hàng vạn năm chinh phục và khai phá vùng đất Bá Thước, Cẩm Thuỷ... để sinh cơ lập nghiệp, bên cạnh con đường thượng đạo Bắc - Nam thì chắc chắn nhiều lớp người đến đây trong đó có cư dân Việt cổ, Việt - Mường và một số tộc người khác phải nương tựa và sống cùng với những dòng sông. Một trong những dòng sông có vị trí quan trọng bậc nhất trong đời sống của người Mường nói riêng là dòng sông Mã - dòng sông Mẹ huyền thoại.

Những kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, dòng sông Mã là một dòng chảy văn hoá liên tục từ cội nguồn, không ngừng bồi đắp bản sắc, bản lĩnh, sức sống văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá Mường nói riêng, đồng thời góp phần quan trọng cho việc hình thành nên những nền văn hoá cổ tiêu biểu. Ở vùng trung lưu sông Mã, trên vùng đất Bá Thước, thuộc hậu kỳ đá cũ cách ngày nay hàng vạn năm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở những hang động, mái đá hàng chục dấu tích của người nguyên thủy, tiêu biểu nhất là mái Đá Điều, mái Đá Nước, hang Làng Tráng (Lâm Xa)… Qua các di chỉ này cho thấy bước phát triển liên tục của con người từ hậu kỳ đồ đá cũ sang sơ kỳ thời đại đá mới và không ngừng phát triển đến ngày nay. Ngoài ra, ở vùng hạ lưu - châu thổ sông Mã còn hình thành nên những nền văn hoá cổ toả sáng rực rỡ như văn hoá Hoà Bình, văn hoá Đa Bút, văn hoá Hoa Lộc, Đông Sơn, đóng góp quan trọng vào quá trình tạo dựng văn hoá - văn minh Việt cổ. Vì vậy, có thể ví dòng sông Mã như một “cây văn hoá” sinh ra các nền văn hoá cổ, tạo cho xứ Thanh trở thành một trong những cái nôi quan trọng của dân tộc Việt Nam nói chung.

Người Mường ở lưu vực sông Mã Thanh Hóa sinh tụ trong những xóm làng trú phú dọc đôi bờ sông Mã, tập trung chủ yếu ở các huyện Bá Thước và Cẩm Thuỷ. Họ chính là lớp cư dân bản địa có kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú và đa dạng về thể loại, đặc biệt là có bề dày lịch sử. Trong đó nổi bật là hàng vạn câu sử thi đã được biên tập thành Mo sử thi dân tộc Mường3. Đây là một trường thiên, hùng tráng có một không hai của người Mường cổ ở Đông Nam Á. Tất cả được khởi nguồn từ vùng đất của mường Ca Da, mường Ký, mường Ống, mường Ai có cội nguồn đặt câu thơ thứ nhất ở gốc cây Chu Đá, lá Chu Đồng bông thau, quả thiếc. Những địa danh này thuộc vùng Mường huyện Bá Thước và Quan Hóa của xứ Thanh. Diễn trình của thiên sử thi nối huyết mạch qua Hòa Bình, đi Ba Vì, đến Tản Viên là Đồng Chì Tam Quan Kẻ Chợ. Phải chăng đây cũng là thông điệp về cái nôi tộc người ban đầu của cư dân Mường nói riêng và của cư dân Việt cổ từ thời kỳ các vua Hùng nói chung mà người Mường gửi gắm trong các câu truyện cổ tích và những áng sử thi - mo Mường4?

Sông Mã còn là con đường thuỷ thượng đạo (thuỷ đạo) quan trọng nhất nối liền Thanh Hoá với các tỉnh phía Bắc và nước bạn Lào. Đây cũng chính là con đường di chuyển của các tộc người trong lịch sử, đồng thời là kho dự trữ nguồn thuỷ sinh nuôi sống các lớp lớp cư dân từ thời kỳ nguyên thuỷ cho đến các cộng đồng dân cư bên đôi bờ sông Mã trong đó có người Mường. Do vậy, khi nói đến Thanh Hoá người ta thường gắn với dòng sông Mã huyền thoại, dòng sông gắn liền với những nền văn hoá5, gắn liền với nhà nước cổ đại Văn Lang - Âu Lạc và các triều đại phong kiến. Quan trọng hơn, dòng sông huyền thoại này còn nắm giữ sứ mệnh chuyên chở, giao lưu văn hoá giữa các tộc người, giữa các vùng trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế.

Đi dọc sông Mã, chúng ta còn thấy rất nhiều dấu vết cư trú của các lớp người trong lịch sử, dấu vết quan trọng nhất, đó là những khu mộ táng mà những người dân bản địa ở đây hiện nay cũng chưa xác định được chủ nhân cụ thể? Về phía hữu ngạn từ xã Thiết Ống chúng ta bắt gặp những “Đống tha ma” lớn với các cột đá đồ sộ, có phiến rộng dài gần 1 mét, cao hơn 3 mét ở Đống Lơn (làng Nga cũ); Đống Côn (làng Chiếng); Đống Dồn (Bàn Cải). Trên Đồi Đàng, đường qua Bến Bai Đồi Vuốn cũng có khu mổ cổ. Xuống đến các xã vùng mường Khô, số nghĩa địa cổ càng dày đặc hơn. Tập trung nhất là vùng xung quanh làng Ấm như làng Lùng, làng Ví, làng Cọc Ngán, Xăm Xèo. Sang địa phận Cẩm Thuỷ tất cả các xã phía Nam sông Mã đều có đống Ma kiểu Thái6.

Từ những cư liệu trên, có thể khẳng định chắc chắn rằng, trong lịch sử có nhiều lớp người đã cư trú men theo dòng sông này, nhưng không rõ lý do gì mà họ phải di chuyển đi nơi khác, sau đó các lớp người lại tiếp tục đến đây sinh sống, cụ thể là những cư dân hiện nay vẫn chủ yếu định cư thành những bản làng trù phú bên đôi bờ sông Mã nhờ vào nguồn nước mát lành của dòng sông Mẹ này.

Không chỉ thế, dòng sông Mã còn có vai trò rất quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây là một trong những con đường rút lui thoát hiểm lên vùng đất Bá Thước, Lang Chánh khi nghĩa quân rơi vào tình thế nguy cấp nhất... Đi dọc dòng sông Mã, sông Âm, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều những địa danh, những sự tích và những truyền thuyết dân gian liên quan đến Lê Lợi và nghĩa quân của Ông trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gian khổ mà anh hùng.

Khi xây dựng thành Tây Đô, nhà Hồ đã sử dụng sông Mã là tuyến giao thông đường thuỷ chuyển nguyên vật liệu, trao đổi buôn bán, đồng thời là nơi vãn cảnh của vua quan trong triều. Các địa danh như Bến Đá (thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên), Bến Ngự (thôn Phú Lĩnh, xã Vĩnh Tiến) và Bến Giáng (làng Giáng, xã Vĩnh Thành) vẫn tồn tại đến nay cho biết hoạt động của nhà Hồ trên khúc sông này.v.v...

3. Dòng sông của giao thông và giao thương

Đoạn sông Mã trên địa bàn huyện Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ thuộc vùng trung lưu, nên việc giao lưu qua lại trên lưu vực sông này diễn ra thuận tiện hơn. Với chiều dài trên 100km, chảy lượn theo địa hình núi non qua địa bàn Hồi Xuân (huyện Quan Hoá), các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Lâm Xa, Tân Lập, Ái Thượng, Lương Ngoại, Điền Lư, Điền Trung, Lương Trung (huyện Bá Thước) và xuôi xuống các xã Cẩm Phong, Phong Ý (huyện Cẩm Thuỷ) chia địa bàn thành 2 khu vực có những đặc điểm khác nhau: phía Bắc sông Mã có nhiều dãy núi đá vôi cao; phía Nam sông Mã có nhiều đồi thoai thoải. Thung lũng sông Mã mở ra như một lòng chảo, uốn lượn theo thế sông núi, dung nạp hầu hết các dòng suối trong địa bàn. Do đó từ xưa sông Mã trở thành mạch máu giao thông đường thuỷ quan trọng không chỉ của người Mường mà của cả người dân Thanh Hoá nói chung.

Người Thái ở Bá Thước nói riêng và Thanh Hoá nói chung gọi sông Mã là Nặm Má, có nghĩa là con nước lớn, dâng tràn lan. Người ta còn giải thích tên Nặm Má gọi trệch từ Nặm Mạ, vì sông Mã bắt nguồn từ một mó nước ngầm, lộ ra dưới chân một rừng cây Mạ nở hoa rực rỡ suốt cả mùa Kin chiêng boóc mạy (mùa xuân). Cách đặt tên này là một cách quen thuộc của người Thái, cũng giống như con sông bắt nguồn từ mường Tuồng gọi là Nậm Tuồng (sông Luồng), bắt nguồn từ Năm Mo (sông Lò), bắt nguồn từ bản Nủa, gọi là suối Nủa… Truyền thuyết và lời Mo Mường thì gọi sông Mã là sông Ly, sông Láng, còn người Mường ở Bá Thước và Cẩm Thuỷ gọi sông Mã là sông Phão7.

Trong lịch sử, dòng sông Mã còn là đường giao thông đi lại giữa các làng, các mường trong và ngoài địa bàn Quan Hoá, Bá Thước, Cẩm Thuỷ. Trước đây, phương tiện đi lại chủ yếu thường xuyên trên tuyến sông này là bè, mảng. Hiện nay, chúng ta vẫn còn thấy đâu đó bóng dáng của phương tiện cổ truyền này. Ngoài ra, dòng sông Mã còn là con đường giao thương buôn bán hàng lâm sản gỗ, luồng từ trên miền núi xuống đồng bằng, có những bè luồng được người Mường xuôi theo đường sông Mã xuống tận các bến sông Hoạt, sông Lèn ở hai huyện miền biển Nga Sơn và Hậu Lộc. Đến những thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ XX, việc vận chuyển hàng hóa đi lại ngược xuôi vẫn diễn ra thường xuyên trên sông. Các bè luồng nối đuôi nhau về xuôi đồng thời mắm, muối, lương thực, thực phẩm lại ngược dòng sông Mã về phía thượng nguồn.

Từ chỗ thuận lợi giao thông đi lại nên trong không gian văn hoá Mường lưu vực sông Mã đã hình thành nên các tụ điểm giao thương ở các bến sông, gọi là chợ bến sông. Có thể tìm thấy những dấu ấn văn hoá chợ ở các bến sông trên địa bàn huyện Bá Thước trước năm 1945 tiêu biểu như sau:

- Bến La Hán, trước năm 1945 là phố Thịnh Đức, là lỵ sở của châu Tân Hoá. Từ năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm thì không gian buôn bán này không còn nữa, buộc người dân phải chuyển xuống khu vực Cành Nàng họp chợ và chợ Cành Nàng được hình thành nên từ ấy.

- Bến Vạn Cha - vũng Chu, xưa thuộc mường Ống, nay thuộc xã Thiết Kế, nằm ở nơi tiếp xúc giữa suối Cha với sông Mã nên mực nước rất sâu, vì vậy trước đây có một thời kỳ bến Vạn Cha đã trở thành nơi giao thương trao đổi hàng hoá giữa người miền núi với người miền xuôi, trong đó có cả người bên nước Lào cũng qua đây buôn bán.

- Bến Kẽm, nay thuộc địa bàn Điền Giang - Điền Lư, trước đây khu vực này cũng là nơi giao lưu, mua bán tấp nập trên bến dưới thuyền.

- Chợ Bến Sông, người dân địa phương còn gọi là Vạn Giang, cũng là một không gian bến sông mua bán thợ mộng trước đây. Nay địa bàn này thuộc thôn Chiềng, xã Lương Trung.

- Bến Chiềng Ai (phía trên xã Ái Thượng và Hạ Trung).

Ngoài ra, có thể kể thêm về nét đẹp văn hoá của văn hoá chợ Quan Hoàng, cũng được hình thành bên bờ Mã. Chợ Quan Hoàng thuở xưa trên bến dưới thuyền, nơi tiếp giáp giữa Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc, Yên Định, có đường thuỷ bộ thuận lợi. Quan Hoàng là thủ phủ của người Mường, bởi vậy Quan Hoàng trở thành chợ - nơi trao đổi buôn bán sản vật của miền núi và đồng bằng thuở ấy. Ngoài giao lưu kinh tế, Quan Hoàng còn là trung tâm giao lưu văn hoá giữa các dân tộc; chợ Quan Hoàng mang theo dấu ấn truyền thuyết về chuyện tình Nàng Nga - Hai Mối. Đây là một thiên tình sử tuyệt đẹp, làm nên tác phẩm văn học đặc sắc của dân tộc Mường, hình ảnh ấy đã sống mãi trong đời sống tình cảm của dân tộc. Dù xã hội có thể thay đổi nhưng chuyện tình Nàng Nga - Hai Mối vẫn là tiếng lòng, vẫn là khát vọng ngàn đời của người Mường8.

Hiện nay, vận tải của sông Mã không còn nhộn nhịp như xưa do sự phát triển mạnh mẽ của đường bộ. Tuy nhiên, trong vận tải vật liệu xây dựng, than, vật tư nông nghiệp và đặc biệt là lâm sản thì sông Mã vẫn đóng vai trò quan trọng. Người Mường lưu vực sông Mã Thanh Hoá nói riêng và xứ Thanh nói chung có diện tích luồng nhiều nhất trong cả nước, nên được gọi là xứ luồng. Theo thống kê vào năm 2006, Thanh Hoá có gần 60 ngàn ha rừng luồng, chiếm hơn một nửa diện tích rừng trồng của cả tỉnh, có trữ lượng gần 60 triệu cây và khả năng khai thác mỗi năm khoảng 15 triệu cây. Các huyện Quan Hoá, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc được coi là vùng luồng trọng điểm. Ngoài ra, luồng còn được trồng nhiều ở Mường Lát, Thường Xuân, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành và một số địa phương thuộc vùng bán sơn địa trong tỉnh. Khoảng hơn 1 triệu người ở Thanh Hoá sinh sống hoặc có các hoạt động kinh tế liên quan đến cây luồng và các sản phẩm của nó. Do vậy trong lịch sử vùng văn hoá sông Mã đã hình thành một nghề là buôn bè (xuôi bè) luồng trên sông Mã từ lâu đời và nhiều người ở một số địa phương đã gắn với nghề buôn luồng như một nghiệp chính. Từ dòng sông này, mỗi năm hàng chục triệu cây luồng mang thương hiệu xứ Thanh tỏa đi Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng9

Nhìn chung, cho đến những năm 1980 của thế kỷ XX, giao thông đường thủy vẫn giữ một vị trí chủ đạo, dòng sông Mã là hệ thống giao thông cực kỳ quan trọng trong đời sống đồng bào Mường ở lưu vực sông Mã. Từ các bến sông dần dần hình thành những con đường mòn, đường bộ. Hiện nay, các con đường này đang được đầu tư xây dựng thành các tuyến đường liên thôn, liên xã ngày một kiên cố, tạo điều kiện cho việc đi lại, giao thương được thuận lợi.

4. Dòng sông giàu thuỷ sản

Khu hệ cá lưu vực sông Mã có 263 loài thuộc 167 giống và 58 họ, nằm trong 14 bộ. Trong đó có 254 loài cá địa phương (chiếm 96,6%) và 9 loài cá nhập nội (chiếm 3,4%); có 152 loài có nước ngọt (chiếm 57,8%) và 111 loài cá nước mặn và lợ (chiếm 42,2%)10. Ngoài ra, khu hệ cá sông Mã còn thể hiện tính độc đáo bởi giá trị tiêu biểu, đặc sắc mà các khu hệ khác không có. Đó là hệ thống suối cá thần tiêu biểu như Suối các thần Cẩm Lương (thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ), Suối cá thần Cẩm Liên (thuộc thôn Rùng, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thuỷ), Suối cá thần Văn Nho (thuộc bàn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước).

4.1. Kinh nghiệm khai thác và nuôi trồng thuỷ sản

Sự giàu có của nguồn thuỷ sản cho thấy dòng sông Mã đã cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho những cư dân sống bên đôi bờ trong đó có người Mường. Trong hoạt động kinh tế truyền thống, đánh bắt nguồn thuỷ sản là một hoạt động kinh tế bổ trợ nhưng nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống và trong bữa ăn hàng ngày của phần nhiều các gia đình người Mường ở lưu vực sông Mã. Chính vì vậy, người Mường đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt. Trong thực đơn của họ có hàng chục loại cá sông, cá suối, tôm, cua, ốc.v.v…; có hàng chục dụng cụ đánh bắt khác nhau, với nhiều kỹ thuật đánh bắt phong phú và đa dạng. Cho đến hiện nay người Mường ở làng Cha, làng Chiềng, làng Cốc (mường Ống), làng Chiềng Triu, làng Chiềng Lẫm (mường Khô) và nhiều làng khác sống dọc bên đôi bờ sông Mã và những dòng suối lớn còn nhớ rất rõ từng loại cá, tôm, cua, ốc.

Để khai thác hiệu quả nguồn thủy sản trên người Mường có những kinh nghiệm đánh bắt theo từng mùa, chẳng hạn như cá mải là loại cá ngon chỉ đánh bắt chủ yếu vào đầu mùa mưa từ tháng 4 - 5 hàng năm; cá noong chỉ đánh bắt được trong những đêm mặt trăng đỏ tía vào tháng 9 - 10; hay cá ngạnh (cá bò) thường sống trong các hốc đá ở dưới đáy sông nên muốn bắt được chúng phải hụp lặn xuống mò.v.v…

Trải qua nhiều đời đánh bắt, người Mường tạo ra hàng chục loại dụng cụ đánh bắt địa phương khác nhau phù hợp với từng loại cá như: chài, lưới, câu giăng (cân đạ), cần câu, vó bè, vó tay, vinh, đó, mượng, lừ.v.v…

Bên cạnh các dụng cụ đánh bắt, người Mường còn sử dụng các loại mồi nhử như bã rượu, cám rang trộn với phân trâu ném xuống những chỗ nước lặng khi thấy nước sủi tăm đó là tín hiệu cá đã đến ăn mồi và người ta quăng chài bắt cá. Kinh nghiệm còn cho biết ở những đoạn sông, suối, khe có nước hay sủi tăm, sủi bọt thường ở chỗ đó có nhiều cá trê. Ngoài kinh nghiệm câu cá trê theo mùa, người Mường còn dùng lá quýt giã lẫn với vỏ ốc quắn gói vào lá rồi bỏ vào trong cái lừ để nhử cá.

Ngoài các hình thức đánh bắt trên còn có các hình thức đánh bắt khác như mò bằng tay, man bằng đèn và dùng cung tên để bắn tôm. Cung tên để bắn tôm không to như cung tên săn bắn chim, thú. Mũi tên được làm bằng tre dài khoảng 50cm, đầu mũi tên được gắn 3 - 4 kim nhọn dài bằng nhau khoảng 4 - 5cm. Dụng cụ này chỉ dùng để khai thác tôm vào ban đêm, người ta dùng đèn man gắn vào trán soi xuống nước để tìm tôm và dùng cung tên bắn. Do đó, nước sông càng trong thì càng dễ bắn tôm, vì thế người ta chỉ khai thác tôm theo kiểu này vào mùa nước cạn.

Người Mường ở đây căn cứ vào mức độ gầy béo của cá mà chia làm 2 mùa cá: mùa cá gầy và mùa cá béo. Mùa cá gầy từ tháng Chạp đến tháng Tư (Âm lịch) vì đây là mùa nước cạn khan hiếm nguồn thức ăn, hơn nữa đây là mùa cá sinh đẻ nên ít khi đánh bắt cá vào thời điểm này mục đích để bảo vệ cá giống. Mùa cá béo từ tháng 5 đến tháng 10 Âm lịch vì đây vừa là mùa mưa, nguồn thức ăn phong phú do đó cá rất béo, người Mường chủ yếu khai thác cá vào mùa này.

Xưa kia, người Mường ở khu vực Điền Lư (mường Khô) còn tổ chức đánh bắt cá tập thể trên sông Mã. Phương tiện đánh bắt bằng bè mảng, dụng cụ đánh bắt chủ yếu là chài và lưới. Đây là hình thức đánh bắt cá theo phường giống như phường săn. Đứng đầu là ông trưởng phường, tuy nhiên, ông trưởng phường chài cũng có thể là lang đạo. Trước khi đi đánh chài, ông trưởng phường đánh cồng báo hiệu cho cả phường biết để tập trung cùng đi. Khi nghe tín hiệu cồng thì những người tham gia nhận biết và chuẩn bị dụng cụ chài, lưới, đèn dầu (đèn bão) và thức ăn (chủ yếu là gạo và muối) sẵn sàng lên đường. Mọi người ra chỗ tập kết, kiểm tra toàn bộ dụng cụ xong, ông trưởng phường thay mặt phường chài cầu khấn thần linh của làng đi theo phù hộ cho mọi người mạnh khỏe và đánh được nhiều cá tôm.

Có thể nói, nguồn thuỷ sản cá, tôm, cua, ốc… là nguồn thức ăn quan trọng mà đến những năm 1960 - 1970 của thế kỷ XX còn khá dồi dào, chưa phải là vấn đề làm đồng bào Mường lo nghĩ. Câu ca “Cơm trên cá dưới” của người Mường trước đây nói lên sự phong phú nguồn thuỷ sản này, cứ chỗ nào có ruộng là có cơm, có nước là có cá. Cá ở sông, khe suối, bai đập, ruộng. Tuy nhiên, người Mường chỉ đánh bắt đủ ăn, họ có ý thức trong việc khai thác và bảo vệ nguồn thuỷ sản quý giá này. Họ không dùng thuốc độc, lá độc trong rừng để khai thác cá, thậm chí người ta chỉ bắt cá to, những con nhỏ không bắt để tiếp tục sinh trưởng. Kiêng đánh bắt cá vào mùa sinh sản vừa để bảo vệ con giống, hơn nữa mùa sinh sản cá gầy ăn không ngon. Trước đây người Mường ít khi ăn cá da trơn như cá lăng, cá dốc… vì họ cho rằng cá da trơn không ngon bằng cá có vẩy.

Ngoài nguồn thuỷ sản cá, tôm, cua, ốc, dòng sông Mã còn cung cấp cho người Mường nguồn rêu đá (tráy). Rêu đá chỉ phát triển vào mùa đông từ tháng 10 đến tháng 12 Âm lịch. Muốn có rêu đá họ phải bơi ra giữa sông lặn xuống vớt rêu, rửa sạch mang về băm nhỏ ướp với các loại gia vị như: hành tươi, hạt khẻn, gừng, sả, mắm, mì chính rồi gói vào trong lá chuối tươi ủ trong tro nóng cho chín rồi lấy ra ăn. Món ăn này là đặc sản trong ẩm thực Mường.

Bên cạnh khai thác nguồn thuỷ sản, từ lâu đời người Mường cũng rất thành thạo trong nuôi trồng thuỷ sản. Những làng ở hai bên bờ sông Mã trước đây hầu hết tận dụng nguồn nước sông để nuôi cá lồng. Chỉ tính riêng ở làng Cha trong thời kỳ 1992 - 1993 trở về trước có tới 40% số hộ gia đình nuôi cá lồng trên đoạn sông Mã chảy qua làng. Đây là nguồn thức ăn và là nguồn thu nhập đáng kể của một số hộ gia đình. Tuy nhiên, công việc nuôi cá sông cũng vất vả vì luôn luôn phải kiểm soát mực nước lên xuống trên sông. Từ năm 1995 đến nay mưa lũ thất thường, và cũng từ trận lũ lịch sử năm 1995 nhiều gia đình đã bỏ nghề nuôi cá lồng. Vì vậy, hiện nay ở làng Cha chỉ còn 7 hộ gia đình nuôi 7 lồng cá, mỗi lồng khoảng 50 - 100 con11 chủ yếu là cá trắm và một ít cá ké. Cá ké là loài cá da trơn gần giống như cá lăng, đây là một trong những loài cá đặc sản của lưu vực sông Mã huyện Bá Thước12.

4.2. Kinh nghiệm quản lý nguồn nước và thuỷ sản

Theo luật tục, dân ở làng nào thì có quyền quản lý và khai thác sông suối chảy qua địa bàn làng đó. Vì vậy, người ngoài làng tuyệt đối không được đánh bắt nguồn thuỷ sản trong địa bàn của làng. Mọi người dân trong làng đều phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuỷ sản.

Ngoài những quy ước trong việc bảo vệ nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, sản xuất, người Mường còn có quy ước nguồn thuỷ sản cá, tôm, cua, ốc... ở khe suối, sông hồ trong phạm vi địa bàn của làng là của chung dân làng, mọi thành viên phải có trách nhiệm quản lý và có quyền được đánh bắt, nhưng cấm sử dụng thuốc độc, lá độc trong rừng đánh bắt làm ô nhiễm nguồn nước và huỷ diệt nguồn thuỷ sinh.

Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến trước đây một số làng định cư ven sông, suối lớn có nguồn thuỷ sản dồi dào, theo luật tục, hàng năm dân làng được khai thác và có trách nhiệm cống nạp cho lang đạo một phần. Cụ thể như ở mường Khô xưa kia có hai nơi nổi tiếng về cá và thú đó là làng Song và đồi Muốn, hàng năm xã chòm (quan chòm) huy động dân làng Song đánh bắt những loại cá to và ngon nhất của sông Mã cống nạp cho lang đạo Hà Công quản lý mường này. Câu tục ngữ “Cá lồông Khoong, moong đồi Muồn” (Cá làng Song, thú muông đồi Muốn)13, hay “Cá to quan Phoong, moong to quan Muốn” của người Mường ở Bá Thước vừa để nói đến đặc sản của vùng đất này đồng thời được đúc kết từ thực tế cống nạp trên. Qua đây cho thấy quản lý nguồn tài nguyên nói chung ở cấp mường thuộc về những người đứng đầu mường, đó là dòng họ lang đạo.

Còn ở các suối cá thần, tiêu biểu như suối cá thần Cẩm Lương có trữ lượng hàng ngàn con lớn nhỏ, phần lớn trọng lượng trong khoảng từ 2kg đến 5kg và cá chúa nặng khoảng 35-40kg. Loài cá này người dân Mường địa phương gọi là cá phôốc. Các bậc cao niên ở xã Cẩm Lương khẳng định rằng, làng Lương Ngọc được thành lập vào thể kỷ XIV, khi đó đã có suối cá thần. Tuy nhiều cá như vậy, nhưng người dân Mường và nhân dân quanh vùng tuyệt đối không khai thác giống cá này để ăn mà còn chăm sóc bảo vệ. Họ quan niệm đây là giống cá “Thần”, nếu ai ăn thịt sẽ gặp điều không may và thậm chí gây tai hoạ cho bản thân, những người thân trong gia đình và cả cộng đồng. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình an, no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường. Chính vì thế dân làng còn lập bàn thờ bên suối để thờ cúng hàng năm từ ngày mồng 8 đến 15 tháng giêng âm lịch, mở hội tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối. Do vậy vùng này trở thành nơi bảo tồn nguồn gen, tham quan, học tập, nghiên cứu mang lại nguồn lợi kinh tế du lịch cho người dân địa phương14. Qua đây cho thấy, tín ngưỡng bản địa của người Mường nói riêng còn có nhiều yếu tố tích cực trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhiều khi nó có sức mạnh hơn cả luật pháp hiện hành của Nhà nước.

Người Mường ở Bá Thước có tập quán sử dụng nguồn nước sông Mã để nuôi cá lồng, do đó trước đây các làng bên sông có những quy ước quản lý nguồn nước như cấm không được thả các chất độc xuống sông, nhất là những khúc sông nuôi cá lồng; không được đánh bắt gần khu vực nuôi cá.

Trước đây dòng sông Mã đã đem lại nguồn lợi lớn về thuỷ sản và thuỷ cầm cho đồng bào Mường. Do đó người dân từng làng có trách nhiệm rất cao trong việc quản lý để bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến nguồn thuỷ sinh của cộng đồng. Vì vậy, đến những năm 1960 của thế kỷ XX nguồn nước ở lưu vực sông Mã nói chung còn rất trong lành, nguồn thuỷ sản cá, tôm… còn rất dồi dào.

Nhìn chung, trải qua nhiều đời ứng xử với nước, người Mường đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ hợp lý nguồn nước thông qua hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Trong xã hội truyền thống, người Mường quản lý tài nguyên nước nói chung vẫn chủ yếu dựa trên quy ước, luật tục. Song kết quả cho thấy cách quản lý này rất hiệu quả, phù hợp với điều kiện xã hội truyền thống. Do đó đã phát huy được lợi ích trong sử dụng mà không ảnh hưởng xấu đến nguồn nước như ô nhiễm, cạn kiệt nguồn thuỷ sinh hay những mâu thuẫn xã hội khác. Đây là tri thức bản địa được đúc kết, chắt lọc qua thực hành, trải nghiệm, cần được bảo tồn, kế thừa và phát huy trong đời sống hôm nay.

5. Kết luận

Có thể khẳng định, sông Mã không lớn như các dòng sông Hồng (ở phía Bắc), sông Mê Kông, sông Đồng Nai (ở phía Nam), nhưng dòng sông này lại có vị trí cực kỳ quan trọng trong lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng. Do vậy có thể gọi dòng sông này là dòng sông của lịch sử và văn hoá. Bởi nhẽ dòng sông này góp phần nuôi dưỡng những chủ nhân của lịch sử và hun đúc nên những nền văn hoá cổ trong đó có văn hoá Mường, góp phần quan trọng cho việc hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc và nền văn minh Đông Sơn rực rỡ. Không chỉ có vậy, sông Mã còn là dòng sông của giao thông và giao thương, là sứ giả chuyển tải văn hoá giữa các vùng miền và nối liền khoảng cách giữa các vùng miền trong và ngoài tỉnh. Nguồn nước mát lành của dòng sông còn góp phần bảo tồn sinh thái và sự đa dạng sinh học, mang lại nguồn thức ăn thuỷ sản giàu chất dinh dưỡng cho các lớp cư dân ăn đời ở kiếp nơi đây.

Người Mường là một trong những dân tộc sống cùng dòng sông Mã - sông Phão từ thuở khai thiên lập địa cách đây từ mấy ngàn năm. Và cũng chính dòng sông Mã đã góp phần bồi đắp nên nền văn hoá Mường đồ sộ và cũng đồng thời bảo lưu gìn giữ những sắc thái văn hoá riêng gọi là Mường sông Mã. Chính vì thế từ nhiều đời nay người Mường ở lưu vực sông Mã Thanh Hoá họ tự nhận mình là Món Ha (tức người Mường Trong) để phân biệt với người Mường từ nơi khác ở phía Bắc di cư đến là Món Hée (tức người Mường Ngoài). Tính bản địa của bộ phận đáng kể này không pha tạp, không đồng hóa, không lẫn với các bộ phận khác từ tiếng nói đến trang phục15. Trong đó tiêu biểu là người mường Ống, mường Ai, mường Khô..., là những địa danh xuất hiện rất sớm, gắn liền với truyền thuyết dựng bản lập mường và có nguồn gốc dân gian ấn tượng sâu sắc.

 

CHÚ THÍCH

1. Vũ Trường Giang (2012), Sông Mã, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3, tr.52-53.

2. Diệp thạch là đá phiến.

3. Vương Anh (1997) (chủ biên), Mo sử thi dân tộc Mường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

4. Vương Anh (2001), Tiếp cận với văn hóa bản mường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.12.

5. Phạm Văn Đấu - Phạm Hoàng Mạnh Hà (2006), Những nền văn hoá cổ đôi bờ sông Mã, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Hà Nam Ninh (2009), Dấu vết của người Thái trong vùng dân cư Mường Việt dọc sông Mã, trong Thanh Hoá xưa và nay, Nxb Thanh Hoá, số 3, tr.12-13.

7. Hà Nam Ninh (2009), Dấu vết của người Thái trong vùng dân cư Mường Việt dọc sông Mã, trong Thanh Hoá xưa và nay, Nxb Thanh Hoá, số 3, tr.9.

8. Vương Anh (2001), Tiếp cận văn hoá bản Mường, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, tr.93.

9. Vũ Trường Giang (2012), Sông Mã, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3, tr.56-57.

10. Nguyễn Hoàng Ngọc Mên (1998), Quá trình hình thành và phát triển châu thổ sông Mã, Luận án phó tiến sĩ Địa chất học, Viện các khoa học về Trái đất, Hà Nội.

11. Ở thời điểm tháng 6 – 2009, làng Cha có 7 lồng cá của gia đình các ông: Bùi Văn Cẩm, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Văn Huấn, Lục Văn Khoa, Nguyễn Văn Nhao, Bùi Văn Oánh, Phạm Hồng Quân.

12. Mai Văn Tùng (2011), Tri thức địa phương về sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của người Mường ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá, Luận án Tiến sỹ Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

13. Làng Song, đồi Muốn trước đây thuộc đất mường Khô, hiện nay làng Song thuộc xã Điền Lư, huỵên Bá Thước. Làng Song gần bờ thượng nguồn sông Mã có nhiều cá và đồi Muốn (nay thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước) là khu vực rừng đầu nguồn có nhiều lợn lòi, hoẵng, nai, gấu…

14. Vũ Trường Giang (2012), Sông Mã, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3, tr.58-59.

15. Vương Anh (2001, Tiếp cận với văn hóa bản mường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.5-6.

 

(Bài đã in trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11 (2014), tr.57-65).  

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN