Tiểu vùng văn hóa Xứ Thanh

27/06/2022

Xứ Thanh, một cách gọi dân gian chỉ tỉnh Thanh Hoá, một thực thể địa lý tự nhiên và văn hoá, khiến Pierre Pasquier, viên Toàn Quyền Đông Dương người Pháp trước kia coi Thanh Hoá không chỉ là một tỉnh mà là một Xứ (pays). Cái nhìn địa - văn hoá này đã được cha ông ta từ xa xưa thấu tỏ, do vậy, dù trải qua bao nhiêu triều đại, qua bao cuộc sát nhập và phân chia thì Xứ Thanh vẫn là Xứ Thanh, Thanh Hoá vẫn là Thanh Hoá.

 

Trước thời Hán, Thanh Hoá thuộc quận Cửu Chân, thời Hán quận Cửu Chân thuộc bộ Giao Chỉ. Thời nhà Lương, đổi Cửu Chân thành ái Châu. Bắt đầu thời phong kiến tự chủ, Thanh Hoá vẫn thuộc Châu ái. Đến thời Lý, năm Thuận Thiên thứ nhất, đổi thành phủ Thanh Hoá, cái tên Thanh Hoá bắt đầu có từ đấy. Sau này, trải qua các triều đại, có lúc Thanh Hoá được gọi là phủ, trấn, lộ, trại, thừa tuyên..., thậm chí, cái tên Thanh Hóa có từ thời Lý cũng có lúc đổi thành Thanh Đô, Tây Đô, Thanh Hoa, thì cái thực thể Xứ Thanh vẫn không có gì thay đổi. Năm Thiệu Trị thứ nhất, chính thức đổi tên thành tỉnh Thanh Hoá và tồn tại tới ngày nay (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1970).


Có điều cần ghi nhận là, thứ nhất, do vị trí nằm giữa (trung gian) Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, nên có lúc Xứ Thanh thuộc về bộ Giao Chỉ, có lúc thuộc quận Cửu Chân, cùng với Nghệ An và Hà Tĩnh. Như vậy, ngay từ thời xa xưa, "tiền nhân" cũng đã có sự "lưỡng lự" về sự cắt đặt vị trí hành chính của Thanh Hoá, mà dân gian hiện nay vẫn coi Thanh Hoá là "Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào". Hoặc giả, khi dự báo thời tiết của Đài phát thanh hay truyền hình Việt Nam, có lúc người ta nhập Thanh Hoá vào phía đông Bắc Bộ, có lúc lại gộp chung với bắc Trung Bộ. Do vậy, tính chất trung gian của Xứ Thanh là có thật, là một thực thể địa - văn hoá, để lại dấu ấn nhiều mặt trong đời sống vật chất và tinh thần của con người Xứ Thanh.


Thứ hai, Thanh Hoá - Xứ Thanh không phải là tứ trần nội kinh (Xứ Bắc, Xứ Đông, Xứ Đoài, Xứ Nam vây quanh Thăng Long xưa, tương ứng với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tiếp giáp với Hà Nội ngày nay), mà là ngoại trấn, là trại, là đất phên dậu, là vùng ngoại vi của trung tâm văn hoá - chính trị Thăng Long hay Huế- Phú Xuân. Vị trí địa - chính trị, địa - văn hoá này cũng tạo cho Xứ Thanh - Thanh Hoá những sắc thái văn hoá mang tính đặc thù.

Nếu đồng bằng Bắc Bộ là châu thổ của hệ thống sông Hồng, thì đồng bằng Thanh Hoá chính là châu thổ của hệ thống sông Mã - sông Chu, do vậy Lê Bá Thảo cho rằng, quang cảnh đồng bằng Thanh Hoá như là sự lặp lại một phần của đồng bằng châu thổ sông Hồng (Lê Bá Thảo, 1998). Đồng bằng Thanh Hoá là đồng bằng rộng nhất ở Trung Bộ, diện tích bằng 1/2 diện tích của các đồng bằng Trung Bộ cộng lại, tức khoảng 3000 km2, đất đai cũng mầu mỡ hơn. Tuy nhiên, Thanh Hoá với địa hình núi non chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh, một số mạch núi kế tiếp mạch núi vùng Tây Bắc chạy sát ra biển, nên ở Thanh Hoá, cảnh quan đồng bằng, biển và rừng núi nối kết và cận kề nhau hơn, làm tăng tính chất rừng và biển của đồng bằng, chứ không "xa rừng, nhạt biển" như đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Đồng bằng Thanh Hoá là do hệ thống sông Mã và sông Chu bồi phủ, tuy nhiên, đồng bằng phía Nga Sơn lại là sản phẩm thành tạo, bồi phủ của sông Hồng, do vậy, đồng bằng Thanh hoá gắn kết một phần với đồng bằng sông Hồng. Hơn thế nữa, về mặt địa lý tự nhiên, Thanh Hoá được coi là thuộc khu Hoà Bình - Thanh Hoá, phân khác với địa lý vùng Nghệ Tĩnh. Đây lại là một lý do nữa chứng tỏ mối quan hệ gắn kết về tự nhiên giữa Thanh Hoá và Bắc Bộ (Lê Bá Thảo,1989) 1989).

Cũng giống như sông Hồng ở Bắc Bộ, Sông Mã (có chi nhánh là sông Chu) là cái trục chính, là linh hồn của Thanh Hoá. Bắt nguồn từ Tây Bắc, chảy qua Sầm Nưa (Thượng Lào) rồi vào thượng du Thanh Hoá, nơi rừng núi trùng điệp, có nhiều đỉnh núi cao thuộc loại trung bình, như Bù Rinh (1291 m), Bù Chó (1563 m)... rồi theo hướng đông chảy ra biển vịnh Bắc Bộ. Khoảng trung lưu, sông Mã gặp nhánh sông Chu trước khi đổ ra biển, sông Mã không chỉ bồi đắp nên đồng bằng rộng lớn và tươi tốt, mà mức độ rộng lớn và phì nhiêu của nó chỉ đứng sau châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, mà còn là đường thông thương huyết mạch giưa miền ven biên, đồng bằng với thượng lưu ở phía tây, là con đường không chỉ chuyên chở lâm thổ sản từ miền núi về miền xuôi, mà còn chuyên chở hàng thủ công, hải sản từ miền biển, đồng bằng lên miền núi. Cách đây chưa lâu, các đoàn thuyền đinh ngược xuôi tấp nập, nối liền các bến chợ dọc bờ sông, nay được bổ sung thêm hệ thống đường bộ. Sông Mã không chỉ là huyết mạch về kinh tế, mà còn là con "sông văn hoá", tạo nên hai bên bờ tả hữu những hiện tượng văn hoá vật chất và tinh thần phong phú và đa dạng, là con đường giao lưu văn hoá giữa các vùng và các tộc người. 

Biển Thanh Hoá vẫn thuộc Vịnh Bắc Bộ, tuy nhiên có vẻ "mặn mòi", "biển" hơn so với biển ở các tỉnh phía bắc, như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... Cũng bắt đầu từ Thanh Hoá, các dãy núi có xu thế tiến sát ra biển, kề liền với đồng bằng, thậm chí ăn ra biển xa, tạo thành các dãy đảo, các hòn, như Hòn Nẹ, Hòn Nôm, Hòn Ngư, Hòn Mê, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng: Núi - đồng bằng - biển, mà ở đó sinh hệ khá đa dạng, thường là nơi con người tiền sử lựa chọn sinh sống. Chất biển của Thanh Hoá không chỉ thể hiện ở đường bờ biển dài hơn 200 km, ở dải "cồn cát duyên hải", dấu tích của giới hạn của các vụng biển cũ mà nay châu thổ đã lấp đầy. ở Thanh Hoá cũng như các tỉnh Trung Bộ có nhiều cửa sông chảy ra biển như cửa Đáy, Lạch Trường, Cửa Hới, nơi có nhiều tôm, cá và phát triển nghề biển. Sầm Sơn, nơi phát triển kiểu bè mảng rất độc đáo nơi bãi ngang, giúp con người có thể đi ra khơi xa để đánh bắt cá. Cần phải nói thêm rằng, bè mảng Sầm Sơn, nơi gốc tích của kỹ thuật bè mảng nước ta , chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa biển và rừng núi, một khi nguyên liệu chính để làm loại bè mảng vượt biển độc đáo này lại lấy từ tre luồng trên đất Lam Sơn, Quan Hoá, Ngọc Lạc, theo phương thức "măng, tre đưa xuống, cá chuồn đưa lên".

Thanh Hoá là một tỉnh đông dân, khoảng 3triệu 6 người, một tỉnh có dân số thuộc loại đông nhất ở nước ta. ở đồng bằng, tuy đất đai không phì nhiêu như Đồng bằng Bắc Bộ, nhưng mật độ dân cư khá cao, thí dụ ở Đông Sơn mật độ khoảng 1000-3000 người/km2, nơi thấp nhất cũng khoảng 500 người/km2, còn ở thành phố Thanh Hoá và Diễn Châu đạt tới 3000 người/km2. Điều đó chứng tỏ tần xuất sử dụng đất của con người ở đây đạt mức độ cao.

Thanh Hoá là một tỉnh đa tộc người, ngoài người Kinh (Việt) sinh sống ở đồng bằng, còn có các tộc người thiểu số khác, như Mường, Thái, Khơ Mú, Thổ, Mông, Dao, thuộc các nhóm ngôn ngữ: Việt - Mường, Môn - Khơ me, Thái - Tày, Mông -Dao, tụ cư chủ yếu ở miền núi, trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thành. Địa bàn này chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh, dân số các dân tộc thiểu số kể trên khoảng 1 triệu người, chiếm khoảng 1/3 cả tỉnh (Địa chí Thanh Hoá, T.2). Các tộc người ngày nay sinh sống xen cài với nhau, nhưng lại thuộc các vùng sinh thái tự nhiên khác nhau: Thái, Mường ở thung lũng, Thổ, Khơ mú ở rẻo giữa, còn Mông ở rẻo cao. Cũng cần nói thêm rằng, trong sự phân vùng văn hoá của chúng tôi, thì vùng núi các dân tộc Thanh Hoá và Nghệ An lại gần gũi hơn với vùng văn hoá Tây Bắc và miền núi Thanh Nghệ.

3. Thanh Hoá cũng là một vùng đất lịch sử lâu đời. Có lẽ hiếm có vùng đất nào như Thanh Hoá lại có đầy đủ những mốc nổi tiếng đánh dấu các giai đoạn lớn của lịch sử, từ tối cổ đến tận ngày nay. Do vậy, thiên nhiên và văn hoá Xứ Thanh đều thấm đượm sắc màu lịch sử. 

Di chỉ Núi Đọ phát hiện năm 1960 ở huyện Thiệu Hoá, là cái mốc tối cổ, nơi tìm được dấu tích con người thuộc thời đại đá cũ sơ kỳ, cách ngày nay khoảng hai chục vạn năm*. Kế tiếp, di chỉ hang Con Moong phát hiện ở Thạch Thành, chứa đựng các dấu vết khảo cổ học từ văn hoá Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ) ở lớp dưới, trên đó là các lớp văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn. Như vậy, người Con Moong đã sinh sống ở đây nối tiếp mấy chục ngàn năm, suốt từ hậu kỳ đá cũ qua sơ kỳ và trung kỳ đá mới. 

Văn hoá khảo cổ Đa Bút ở lưu vực sông Mã là một phát hiện quan trọng của giới khảo cổ học, vì Đa Bút là sự phát triển nối tiếp của văn hoá Hòa Bình - Bắc Sơn trong quá trình chinh phục đồng bằng ven biển Thanh Hoá thời đá mới, cách ngày nay khoảng trên dưới 6000 năm. Đây cũng là thời kỳ "cách mạng đá mới" phát sinh nông nghiệp, khai phá đồng bằng, làm quen với biển cả, phát triển đồ gốm cổ, thời kỳ từ văn hoá Hoà Bình thống nhất hình thành các văn hoá địa phương khá đa dạng, một dấu hiệu mang tính tộc thuộc (Trần Quốc Vượng, Bùi Vinh, 2003).

Văn hóa Hoa Lộc là văn hoá khảo cổ thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, phát hiện ở huyện Hậu Lộc, phân bố chủ yếu ở vùng ven biển, có niên đại khoảng 4000 năm. Về mặt di vật đồ đá, đồ gốm của văn hoá Hoa Lộc có mối quan hệ với các nền văn hoá ven biển khác ở nước ta, như văn hoá Hạ Long ở phía bắc và Bàu Tró ở phía nam. Người ta giả thuyết rằng có thể cư dân Hoa Lộc và các văn hoá ven biển khác cùng thời thuộc về tổ tiên của cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesiens).

Đông Sơn là văn hoá thời đại kim khí (đồ đồng, sơ kỳ sắt), phát hiện lần đầu tiên năm 1924 tại làng Đông Sơn, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá, trở thành tên gọi Văn hoá Đông Sơn, một nền văn hoá khảo cổ có diện phân bố rộng, trong đó trung tâm là châu thổ sông Hồng và sông Mã. Các di chỉ khảo cổ Đông Sơn tìm thấy nhiều nhất trên đát Thanh Hoá, hiện vật tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn là trống đồng cũng tìm thấy nhiều ở đây với các kiểu dạng khác nhau. Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hoá, văn minh Việt Nam trên cơ sở phát triển nông nghiệp ruộng nước, kỹ thuật đúc đồng, rèn sắt, từ đó hình thành nhà nước cổ đại, hình thành tộc người Việt Cổ, hình thành và định hình cơ tầng của văn hoá Việt Nam cổ truyền.

Như vậy, hơn bất cứ một địa phương nào khác, Thanh Hoá là nơi đã phát hiện được các di chỉ khảo cổ học thuộc hầu hết các thời đại khảo cổ học lớn của nước ta thời tiền sử và sơ sử. Đây không phải là ngẫu nhiên mà là một tất yếu, bởi vì Thanh Hoá về mặt tự nhiên cũng như văn hoá, nó là một “Việt Nam thu nhỏ”. Thanh Hoá cùng với đồng bằng châu thổ Bắc Bộ là cái nôi hình thành dân tộc Việt nam, quốc gia Việt Nam và nền văn hoá Việt Nam. Chẳng thế mà trên mảnh đất Xứ Thanh, đây đó chúng ta có thể bắt gặp những "mô thức" huyền thoại về Tản Viên, Thánh Gióng, Mỵ Châu - Trọng Thủy của "đất tổ" đồng bằng Bắc Bộ được "địa phương hóa" ở đây. Có chăng chỉ trong thời Bắc Thuộc, nhất là thời phong kiến tự chủ với trung tâm là kinh đô Thăng Long, Thanh Hoá mới ít nhiều trở thành nơi biên viễn, ngoại trấn.

Bước vào thời kỳ lịch sử của dân tộc, trên mảnh đất Xứ Thanh cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Mê Linh với sự hưởng ứng của "65 huyện thành", khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) ở Thanh Hoá nổ ra năm 248 được nhân dân cả quận Giao Chỉ và Cửu Chân hưởng ứng, giết chết viên thứ sử Giao Châu, khiến sử Ngô cũng phải ghi chép: Năm 248 "toàn thể châu Giao đều chấn động" (Lịch sử Việt Nam, tập I, 1971). Cuộc khởi nghĩa cuối cùng thất bại trước sự đàn áp dã man của kẻ thù. Nay lăng mộ và đền thờ của Bà trên núi Tùng ( xã Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hoá), cũng chính là nơi Bà đã anh dũng hy sinh. Tuy nhiên hình ảnh và sự tích về Bà vẫn không phai nhạt trong tâm tưởng của nhân dân:

"Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi
Muốn coi lên núi mà coi
Có Bà Triệu tướng cưỡi voi bành vàng"

Như vây là, trong các thế kỷ đầu của thời Bắc thuộc, hai cuộc khởi nghĩa lớn đều do thủ lĩnh là hai phụ nữ khởi xướng: Bà Trưng và Bà Triệu, một ở Bắc Bộ, một ở Thanh Hoá. Cho tới nay hàng năm nhân dân đều mở hội tưởng niệm hai Bà.

Thanh Hoá từ lâu được mệnh danh là đất của các bậc đế vương sáng nghiệp, ít nhất cũng đã từng có 3 dòng họ đế vương như vậy gốc tích từ Xứ Thanh: Vương triều Hồ, Vương triều Lê và Vương triều Nguyễn. Đấy là chưa kể Lê Hoàn có phải là người Xứ Thanh (làng Sộp, xã Trung Lập, huyện Thọ Xuân) hay không thì hãy còn tranh luận (Trần Quốc Vượng, 1998). Hồ Quý Ly có gốc tích từ Nghệ An, tuy nhiên đến đời thứ 4 tính từ Hồ Quý Ly trở lên, tổ tiên đã chuyển về Thanh Hoá. Ông vốn là một quý tộc vương triều Trần, nhưng sau xây dựng thế lực lật đổ vương triều Trần lúc đó đã trở nên thối nát, lập ra vương triều mới: Triều Hồ (Lích sử Việt Nam T.,1). Do vậy, sau khi lên ngôi, ông xây dựng kinh đô mới An Tôn, dân gian gọi là thành Nhà Hồ, tức Tây Đô (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) và thực hiện một loạt cải cách quan trọng. Nơi đây, vẫn còn đền thờ Hồ Quý Ly và truyền tụng nhiều truyền thuyết, huyền thoại về thành nhà Hồ và về vương triều ngắn ngủi này.

Một vương triều khác kế tiếp, vương Triều Lê với vị vua sáng nghiệp là Lê Lợi đã thai nghén và dựng nghiệp lớn từ mảnh đất Lam Kinh, Xứ Thanh. Đây là một triều đại phong kiến lớn và rực rỡ nhất của chế độ quân chủ Việt Nam. Ngoài những gì sử sách ghi chép thì trong dân gian, những di tích và truyền thuyết về Lam Sơn vẫn để lại những dấu ấn đậm nét. Nổi tiếng nhất là sự tích gươm thần và việc Vua Lê Lợi trả kiếm cho Rùa Vàng, để lại cái tên hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Thăng Long. Ngoài ra, ở Lam Kinh và các vùng khác ở Xứ Thanh liên quan tới cuộc khởi nghĩa Lê Lợi, thì trong tâm thức người dân vẫn không phai mờ những sự tích, truyền thuyết, trong đó Lê Lợi là nhân vật trung tâm. Đó là các truyền thuyết, sự tích gắn với núi Mục Sơn, nơi tiền đồn của nghĩa quân Lam Sơn, đến núi Voi, một môtíp về truyện con voi bất nghĩa, về Núi Rồng có mắt rồng canh gác bảo vệ nghĩa quân thời còn non yếu, Núi Dầu gắn với sự tích Ông bán dầu, tức Trần Nguyên Hãn trước khi gặp Lê Lợi, hay Bà hàng dầu, người chuyên tiếp tế dầu cho nghĩa quân, truyền thuyết về Lê Lai liều mình cứu chúa. Rồi hàng loạt truyền thuyết khác liên quan tới Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, tạo thành một vùng truyền thuyết Lam Sơn, phổ biến không chỉ ở người Kinh mà cả người Mường nữa (Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn, 1973).

Ngày nay, trên mảnh đất Lam Sơn, nơi quê hương của Lê Lợi và vương triều Lê vẫn còn tồn tại một quần thể di tích Lam Kinh với những lăng mộ, bia ký của các vua Lê, nền cung điện, những chạm khắc đá tiêu biểu cho kiến trúc và mỹ thuật thời Lê. Đó là những chứng tích vật chất cùng với các chứng tích phi vật thể kể trên, tạo nên tâm thức lịch sử và lòng tự hào trong lòng người dân Xứ Thanh.

Một vương triều khác, tuy không xây dựng trên chính mảnh đất Xứ Thanh, nhưng những người sáng nghiệp lại có gốc rễ từ đây, đó là nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng của chế độ phong kiến nước ta. Người khởi nghiệp các Chúa Nguyễn Đàng Trong là Nguyễn Hoàng. ông là con Nguyễn Kim, quê ở làng Gia Miêu, huyện Hà Trung, Thanh Hoá, là viên tướng của Chúa Trịnh, với con mắt nhìn xa trông rộng đã vận động xin vào trấn thủ Thuận Hoá và Quảng Nam, từ đó xây dựng thanh thế trở thành tập đoàn Chúa Nguyễn Đàng Trong. Nguyễn Hoàng và những người kế nghiệp, như Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát..., một mặt đối địch với Chúa Trịnh ở Đàng ngoài, mặt khác, tăng cường mở rộng lãnh thổ, khai phá vào phía nam, tạo nên giang sơn riêng. Trong quá trình khai phá phương nam như vậy, Chúa Nguyễn vận động nhiều cư dân vùng Thanh Nghệ vào lập nghiệp, là tổ tiên chính của người Việt ở vùng trung và nam Trung Bộ ngày nay. Do vậy, những mối dây liên hệ về xã hội và văn hoá giữa Thanh Hoá với đàng trong, nhất là các tỉnh miền trung là một thực tế lịch sử. Công bằng mà nói, việc Chúa Nguyễn cát cứ khai thác Đàng trong, về phương diện nào đó tạo nên một động lực lịch sử cho quá trình mở mang bờ cõi và định hình cương vực quốc gia Việt Nam. Sau này, Nguyễn Ánh khi đánh bại Tây Sơn, khôi phục vương triều dòng họ Nguyễn thì vẫn coi Thanh Hoá là đất tổ của mình.

Xứ Thanh còn là quê hương của nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử khác nữa, như Lê Phụng Hiểu, một võ tướng có công lớn với vua Lý, người duy nhất được hưởng lộc "thác đao điền", khi mất trở thành một vị thánh - Thánh Bưng, Thánh Tến, được thờ phụng và hàng năm tổ chức nghi lễ có trò Chèo Chải ở Hoằng Sơn quê Ông; như Nguyễn Hữu Cảnh, người đất Hà Trung, có công lớn trong việc chinh phục Chiêm Thành, Chân Lạp, làm trấn thủ nhiều vùng phiên trấn ở phương Nam; như Đào Duy Từ, một người văn võ song toàn, vừa là tác giả của cuốn binh thư Hổ trướng khu cơ, bàn về việc xây đắp thành, vừa là một nhà nghệ thuật sân khấu với các vở tuồng nổi tiếng, phụ trách nhà hát tuồng thời chúa Nguyễn (Địa chí Thanh Hoá, t.,2)...

Không rõ có phải Xứ Thanh là vùng đất "địa linh nhân kiệt", vùng đất của những "quân vương" nên con người Xứ Thanh luôn có tâm lý "hướng thượng", muốn thành "đầu lĩnh", cứ có đến hai người Thanh Hoá trở lên là họ ít khi "chịu" nhau, do vậy ở người Xứ Thanh tính cố kết địa phương có phần giảm thiểu hơn người Xứ Nghệ ?

4. Cũng như đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa là nơi con người tụ cư và khai phá từ rất sớm, xứng đáng là cái nôi ra đời các làng xã cổ và nền văn hóa truyền thống. Tương tự với cơ cấu xã hội được gọi là làng, ở Thanh Hóa còn có nhiều tên gọi khác, như kẻ, xá, trang, hương, phưòng, vạn... Với hiểu biết cho tới nay, tên gọi kẻ phân bố từ Bắc Bộ đến trung Trung Bộ, tuy nhiêm đậm đặc hơn cả vẫn là ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, thậm chí ở Thanh Hóa tên gọi kẻ còn thấy nhiều hơn cả ở Bác Bộ. Kẻ là tên gọi khá cổ, xuất phát từ tên gọi nơi tụ cư, cộng cư của các gia đình tiểu nông, mà sau này nó đồng nghĩa với tên gọi làng, thôn. Hiện tại có nhiều cách cát nghĩa tên "kẻ", có người cho rằng tên kẻ bắt nguồn từ "quel" trong tiếng Mường, mà sau này thành từ "quê" (về quê, quê hương) trong tiếng Việt. ở Bắc Bộ tên "kẻ" thường bị Hán - Việt hóa thành tên "cổ", như Cổ Loa (Hà Nội), Cổ Lễ (Nam Định), còn ở Thanh Hóa vốn là địa bàn người Việt sống gần gũi với người Mường nên tên "kẻ" còn lưu lại nhiều hơn.

Tên gọi "xá" kèm theo tên một dòng họ cũng là một hiện tượng khá phổ biến ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, như Cao Xá, Ngô Xá, Đỗ Xá, Hoàng Xá, Lê Xá... Đó là đấu tích của các làng xưa có một dòng họ hay dòng họ lớn, dòng họ đầu tiên lập nên làng. Các làng ven sông, biển ở Thanh Hóa quen gọi là Vạn, phường, như Vạn Biện Thượng (Vĩnh Lộc), Vạn ái Sơn (Đông Sơn), Phường Thượng Sa (Thiệu Hóa), Phường Mỹ Quan (Hà Trung)... Những tên gọi trên mách bảo chúng ta rằng, làng xã Thanh Hóa còn lưu giữ các hình thức tên gọi khá cổ xưa.


Xét về nghề nghiệp và một số đặc trưng xã hội, làng ở Thanh Hóa cũng khá đa dạng, như làng thuần nông, làng thủy cơ chuyên nghề đáng cá hay kết hợp đánh cá với nông nghiệp, làng có nghề thủ công, làng khoa cử, làng có các trò diễn nổi tiếng... (Địa chí Thanh Hóa, tập II- Văn hóa xã hội, 2003).

5. Làng xã Thanh Hóa không chỉ cổ xưa và tổ chức chặt chẽ như đồng bằng Bắc Bộ mà các sinh hoạt tín ngưỡng, phong tục, lễ hội cũng rất phong phú. Về tín ngưỡng tôn giáo, các làng xã đều thờ Phật, Đạo, Nho, Kitô giáo và các tín ngưỡng dân gian khác như nhiều làng quê ở Bắc Bộ. Tuy nhiên, trên đất Thanh Hóa người ta vẫn thấy nổi lên một số hiện tượng tín ngưỡng khá độc đáo, đó là việc thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đạo Đông (Đạo nội chính tông) và Thần Độc Cước.

Đối với Đạo Mẫu, ngoài Phủ Giầy được coi là trung tâm của đạo Mẫu Tam phủ và Tứ phủ của nước ta, thì Thanh Hóa với Đền Sòng, Phố Cát được coi như một trong những nơi phát xuất hình thức tín ngưỡng dân gian này. Theo Thanh Hóa chư thần lục, soạn năm Thành Thái thứ 15 (1903) thì ở Thanh Hóa có 48 địa điểm có đền miếu thờ Liễu Hạnh với vị trí là một Thượng đẳng thần. Như ở huyện Tống Sơn có xã Cổ đam, tức Đền Sòng, huyện Nga Sơn có các thôn Hà, thôn Thổ Khối, thôn Cự, làng Phùng Thiện, ấp Quy Nhân, thôn Văn Phú, xã Hy Vịnh, thôn Ngọc Lâu, thôn Mậu Xuân, thôn Bãi Nãi, thôn Xa Liễn, làng Nam Sơn, thôn Vạn Tiền. Huyện Hậu Lộc có các thôn Phong Mục, thôn Phúc Thọ, thôn Phú Xá. Huyện Ngọc Sơn có các xã Du Xuyên, thôn Xuyết Tân, xã Lại Xá, thôn Hậu Đại, thôn Hào Môn, thôn Yêm, thôn Hào Vịnh, thôn Khánh Trạch, thôn Sơn Châu, thôn Thạch Luyện, thôn My Điền. Huyện Nông Cống có xã Xuân Hòa, huyện Vĩnh Lộc có xã Biểu Hiện, thôn Thạch Bằng, thôn Đông Trung, thôn Hưng, huyện Thạch Thành có Phố Cát, xã Mỹ Tân, xã Đồng Tráng, xã Ngọc Trạo, xã Tây trác, xã Tế Hộ. Huyện Thụy Nguyên có xã Như Lăng, xã Đại Lý, xã An Lạc, xã Thọ Sơn. Huyện An Định có xã Phương Thị, huyện Mỹ Hào có thôn Đại Điền, huyện Đông Sơn có giáp Nam Phố, ấp Nam Lý (Thanh Hóa chư thần lục, bản chép tay, Viện Hán Nôm).

Thanh Hóa không dừng lại ở chỗ có nhiều nơi thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh mà chính là ở chỗ vị trí của Thanh Hóa trong việc hình thành và định hình hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo này. Nếu như Phủ Giầy được coi là nơi giáng trần lần đầu của công chúa Liễu Hạnh, nơi bà sống cuộc sống trần gian với cha mẹ, chồng con, tức cuộc sống trần tục, chưa có chút gì là là linh thiêng, siêu thực, thì Đền Sòng là nơi giáng trần lần cuối với đầy đủ tính chất của một biểu tượng thần linh với cuộc đối đầu với dòng phù thủy nội đạo trong trận Sòng Sơn đại chiến. Đặc biệt, nơi đây Liễu Hạnh được Phật Bà Quan Âm cứu vớt và cảm hóa từ một ác thần tác oai tác quái, trừng phạt hết người này đến người khác, khiến kinh động cả triều đình, trở thành một phúc thần ban phúc lộc, may mắn, sức khỏe cho chúng sinh. Thanh Hóa cũng là mảnh đất đã diễn ra cuộc đối đầu giữa dòng tín ngưỡng Nội đạo và đạo Mẫu hay đúng hơn là giữa đạo phù thủy và shaman giáo trong phạm vi Nội Đạo Việt nam (hiểu Nội Đạo theo nghĩa rộng nhất là tín ngưỡng bản địa). Ngoài ra, cũng phải kể đến vùng thờ Mẫu khá đậm đặc này nằm trên trục giao thông bắc nam, nơi diễn ra các quan hệ giao lưu buôn bán tấp nập, môi trường thuận lợi cho việc hình thành một hình thức tín ngưỡng liên quan chặt chẽ với nghề buôn. Do vậy, có thể nói rằng, chính trên mảnh đất Thanh Hóa tín ngưỡng thờ Mẫu mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam đã hình thành và định hình.

Thuở ban đầu cũng như hiện nay dưới dạng tàn dư, dòng Nội đạo có diện phân bố khá rộng, phía bắc tới các địa phương khác nhau ở đồng bằng Bắc Bộ, còn phía nam thì ít nhất cũng vươn tới vùng Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên xét về gốc tích cũng như nơi còn lại khá đậm nét của dòng Nội Đạo này thì phải kể tới vùng An Đông, một xã thuộc huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Do vậy, xưa nay ngươi ta vẫn gọi đạo phù thủy này là Đạo An Đông, Đạo Đông, được Vua Lê, Chúa Trịnh phong là Nội Đạo chính tông. Còn Trần Lộc người khởi đạo này thì quê ở An Đông được cả dân gian lẫn triều đình coi là ông tổ của dòng nội đạo này.

Về bản chất, Nội đạo An Đông là đạo phù thủy xử dụng các phép thuật điều khiển các âm binh để trừ tà chữa bệnh. Ông tổ dòng đạo này là Trần Lộc, tương truyền đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Lê Thần Tông, đã đánh yêu tinh ở núi Mỏ Diều, đã trừ được 9 con yêu quái khác ở cửa bể Tây Nam... (Phạm Đình Hổ, 1970). Điện thần của Nội Đạo gồm Thượng Phật ở vị trí cao nhất, thứ hai là Phật tổ Như Lai Trần Ngọc Lành (Trần Lộc), hàng thứ ba là các thánh, tương truyền là con trai của Phật tổ Như Lai Trần Ngọc Lành, đó là Tả quan thánh Nhật Quang, Hữu quan thánh Nguyệt Quang, Tiền quan Thánh Ngọc Quang, Hậu quan Thánh, con trai của Tiền quan thánh. Hàng thứ tư là các thần tướng, như Bát bộ kim cương, Thập nhị nguyên soái, Bạch xà thần tướng, Ngũ hổ thần tướng, Bạch tượng cửu nha... Đó đều là các vị thần của Đạo giáo. 

Hệ thống kinh đã được biên soạn, gồm 3 tập trong Nội đạo Tam thánh linh ứng chân kinh, nội dung chính là ca ngợi công đức của các thánh, cầu phong đăng hòa cốc, các bài khấn, ấn quyết giải ách trừ tà. Các pháp sử dụng các bí thuật như việc "triệu âm binh", các "bí ngôn" là các lời khấn, lời phán truyền để giao tiếp với thần linh, các động tác "bắt quyết", "yểm bùa"... để giải ách, trừ tà.

Như vậy, Nội đạo là một sự hỗn hợp, pha tạp giữa các hình thức tín ngưỡng dân gian với Phật giáo, Đạo giáo. Đạo tổ của Nội đạo khoác tấm áo của Phật Tổ Như Lai cũng như việc thực hành tín ngưỡng này trong phạm vi ngôi chùa thờ Phật, việc dùng các bộ kinh trong đó chứa đựng nội dung Phật giáo và đạo giáo... cho thấy sự hỗn hợp tôn giáo tín ngưỡng ở đây là khá sâu sắc, tạo nên một hình thức tín ngưỡng rất đặc thù ở Thanh Hóa trước kia cũng như hiện nay.

Ở nước ta, không có nơi nào thần Độc Cước lại được thờ phụng nhiều như ở Thanh Hóa. Sầm Sơn là nơi hình thành huyền thoại vị thần này và có đền thờ thần Đọc Cước (còn gọi là Thánh Độc, Độc Cước chân nhân). Tương truyền, để giúp dân chài lưới đánh cá trên biển, vị thần này đã tự phân thân, một nửa ở trên bờ, còn một nửa ở dưới biển Đông để đánh đuổi bọn quỷ Đỏ (quỷ Đông). Vị thần này đã để lại dấu chân khổng lồ trên mỏn núi đá Cố Giải thuộc dãy núi Trường Lệ (Sầm Sơn) nhô ra biển. Nhân dân lập đền thờ và đặt tên là thần Độc Cước (thần Một Chân). Ngoài Sầm Sơn, ở Thanh Hóa còn có 11 huyện, trong đó có 53 làng có thần vị và thờ cúng thần Độc Cước, như: Ngọc Sơn (14 làng), Mỹ Hóa (8 làng), Hoằng Hóa (9 làng), Hậu Lộc (6 làng), Yên Định (4 làng), Quảng Xương (3 làng), Cẩm Thủy (3 làng), Lôi Dương (2 làng), Nga Sơn (1 làng), Thụy Nguyên (1 làng), Đông Sơn (1 làng) (Địa chí Thanh Hóa, T.,2, 2003).

Thần Độc Cước được đưa vào thần điện Phật giáo với tư cách như là đệ tử của Quan Thế Âm Bồ Tát. Đồng thời thần điện Đạo giáo Việt Nam cũng coi Độc Cước như là một vị thần của mình. Do vậy có thể coi đây như là một hình thức tôn giáo tín ngưỡng pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo và Đạo giáo.

Ngoài những tín ngưỡng kể trên, ở Thanh Hóa còn có nhiều vị thần được tôn thờ ở nhiều làng khác nhau, tạo thành những vùng thờ các vị thần khác nhau. Trong Thanh Hóa chư thần lục, người ta đã thống kê tới 414 làng thờ Sơn Thần ( Cao Sơn Tôn Thần) với các danh xưng khác nhau, như: Sơn Tiêu độc cước, Cao Sơn lập thạch, Cao Sơn hiệp linh tôn thần, Miêu Sơn tôn thần, Kiều Lộ tôn thần... Cao Sơn tôn thần được thờ ở 15 huyện khác nhau, trong đó đậm đặc hơn cả ở các huyện vùng giáp núi bán sơn địa, như Nông Cống (56 nơi thờ), Lôi Dương (82 nơi), Ngọc Sơn (71 nơi), Thụy Nguyên (24 nơi), Tống Sơn (29 nơi)... Điều này phản ánh tâm thức hướng về nguồn cỗi núi rừng, nơi mà theo các kết quả nghiên cứu khảo cổ học những năm gần đây là người miền núi hang động đã xuôi theo lưu vực sông Mã xuống khai thác đồng bằng Thanh Hóa trong thời kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí.

Nếu vùng ven núi thờ Cao Sơn tôn thần như vậy, thì ven biển phổ biến thờ Đông Hải đại Vương và Tứ Vị Thánh Nương. Đông Hải Đại Vương là một vị thần biển, được 72 làng ven biển thờ hay chọn làm thành hoàng, trong đó một số nơi đã "lịch sử hóa" và đồng nhất vị thần này với Đoàn Thượng (đời Trần) và Nguyễn Phục (đời Lê) thành Đông Hải đại vương Nguyễn Phục và Đông Hải đại vương Đoàn Thượng. Một số làng khác thì vẫn thờ Đông Hải đại vương.

Tứ Vị thánh nương (với tước hiệu Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh Nương) là vị thần biển được 94 làng thuộc 11 huyện của Thanh Hóa phụng thờ, trong đó đậm đặc nhất là ở các huyện Ngọc Sơn (33 làng), Hoằng Hóa (16 làng), Quảng Xương (13 làng), Nga Sơn (10 làng)... Vị thủy thần này được thờ nhiều nhất là ở các cửa sông, lạch đổ ra biển, như Lạch Bạng, Lạch Mom, Lạch Vích... Nơi phát xuất sự tích và thờ cúng Bà là ở Cửa Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), sau "trôi dạt" đi khắp bờ biển từ bắc tới nam. Tứ vị Thánh Nương được tôn vinh là Thượng đẳng thần còn trên cả Đông Hải đại vương. Do vậy, vào mùa lễ hội, kiệu của Đông Hải đại vương phải rước tới đền thờ Tứ vị Thánh Nương, coi như là "em tới thăm chị", sau đó kiệu Tứ Vị Thánh Nương mới tới đền Đông Hải đại vương, coi như là "chị đi thăm em".

Như trên đã nói, Thanh Hóa là vùng đất vừa mang tính huyền thoại vừa mang tính lich sử. Huyền thoại vì vùng đất này cũng là cái nôi hình thành dân tộc, hình thành quốc gia, hình thành văn hóa, do vậy không thiếu gì những hiện tượng mang tính huyền sử. Đó là các nhân vật khổng lồ có sức mạnh phi thường xẻ núi lấp biển, những Ông Gióng đánh giặc Ân, An Dương Vương xây thành, Mỵ Châu - Trọng Thủy, các vị Thánh Cao Sơn Đại vương, Tứ Vị Thánh Nương, Thánh Lưỡng, Thanh Bưng cũng như hàng trăm vị Thành Hoàng nửa huyền thoại, nửa lịch sử. Lịch sử vì trên mảnh đất này chứng kiến bao sự kiện lịch sử hào hùng, nơi sinh thành nhiều vị vua sáng nghiệp, nhiều anh hùng lừng danh và vô danh. Điều này đã để lại những dấu ấn sâu sắc không chỉ trên các trang sử được ghi chép qua các triều đại, mà còn trong các lễ nghi, phong tục, hội hè. Đó là thứ lịch sử được ghi khắc trong tâm thức của nhân dân, thậm chí là những người không có chữ, không biết chữ, nhưng cứ đến dịp lễ tiết hàng năm, nó lại được tái hiện thông qua các lễ hội, các nghi lễ, diễn xướng thấm đượm tính lịch sử, hơn thế nữa, nó đã trở thành một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được linh thiêng hóa, tín ngưỡng hóa.

Có lẽ xuất phát là từ hệ thống thần thoại, huyền thoại của Thanh Hóa phản ánh hệ ý thức của con người trên các phương diện khai phá đất đai hình thành quê hương xứ sở, về đấu tranh khắc phục những lực lượng cản trở của thiên nhiên, khẳng định sức mạnh của con người, đấu tranh chống ngoại xâm, khai phá đát đai, sáng tạo nghề nghiệp, khẳng định cương vực... Tất cả kho tàng huyền thoại và thần thoại này đều được thần tích hóa và chừng nào còn lịch sử hóa nữa, từ đó tạo nên một lớp các nhân vật nửa huyền thoại nửa lịch sử, một lực lượng mang tính siêu nhiên bảo vệ, che trở cho sự tồn vong của cộng đồng dân tộc, được nhân dân lập đền miếu thờ phụng, hàng năm mở hội tưởng niệm.

Lớp nhân vật thứ hai được nhân dân tôn thờ, đó là các nhân vật lịch sử, những nhân thần vốn đương thời là những con người có công với dân làng, địa phương trong việc giữ nước chống ngôại xâm, mở mang ngành nghề, xây dựng quê hương, sau khi mất hiển linh và trở thành các vị thành hoàng làng, được nhân dân tin sùng, thờ phụng và hàng năm mở hội làng để tưởng niệm và cầu mong sự che chở.

Liên quan tới hệ thống lễ hội của Thanh Hóa còn có hệ thống các vị thần linh của các tôn giáo, tín ngưỡng, như Phật giáo, Đạo giáo dân gian, các tín ngưỡng liên quan tới Sơn thần, Thủy thần, liên quan tới các nghi lễ nông nghiệp, ngư nghiệp, các thần tổ các ngành nghề...

Đó là lớp thần tích vừa do sự tưởng tượng, sáng tạo của dân và về sau này còn do sự san định và phong thần của triều đình phong kiến, mà ngày nay trải qua bao cuộc binh lửa, nhân dân các địa phương vần lưu giữ các thần tích, thần sắc. Cả một hệ thống thần tích vừa phong phú vừa rất phức tạp của tín ngưỡng đa thần đã thể hiện qua thần điện các đình, miếu, đền, chùa của hầu như làng nào cũng có, nơi diễn ra các lễ hội hàng năm với các nghi thức thờ cúng, các lễ tục, các diễn xướng dân gian phong phú...

Có thể phân chia lễ hội ở Thanh Hóa thành mấy loại chính, đó là hội làng gắn với thờ cúng thành hoàng làng, nơi sàn sinh và bảo tồn chính các lệ tục và trò diễn dân gian độc đáo của Xứ Thanh; các lễ hội mang tính lịch sử, gắn với các nhân vật lịch sử hay đã được lịch sử hóa, thường có quy mô vượt ra khỏi phạm vi của làng, trở thành lễ hội của một vùng, như lễ hội đền Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Phụng Hiểu, Lê Lợi, Trần Khát Chân..., trong đó có những lễ hội còn mang tính dân gian đậm nét, nhưng cũng có những lễ hội mang tính cung đình, như Lễ hội Lam Kinh gắn với Lê Lợi. Các lễ hội gắn với các tôn giáo tín ngưỡng, như hội chùa, hội nhà thờ Thiên chúa giáo, đặc biệt là các lễ hội gắn với tín ngưỡng dân gian, như hội Đền Sòng, Phố Cát của Đạo Mẫu, lễ hội của Đạo Đông (Nội Đạo)... Trong từng loại lễ hội như vậy, bao gồm hàng tăm lễ hội mở vào các dịp xuân thu nhị kỳ, trong đó, theo sách Địa chí Thanh Hóa, thì ở Xứ Thanh tiêu biểu hơn cả là một số lễ hội sau: Hội đền Mưng, hội Nghè Sâm, hội làng Cổ Bôn, hội làng Xuân Phả, hội đền thánh Tến, hội đền Bà Triệu, hội Lam Kinh, hội đền Le - Bố Vệ, hội làng Cự Nham, hội đền Sòng - Phố Cát.


Ngày nay, chúng ta chưa đáng giá hết được giá trị nhiều mặt của lễ hội truyền thống, nó không chỉ thỏa mãn những nhu cầu của con người về trở về nguồn, trong đó có nguồn cỗi tự nhiên, nguồn cỗi dân tộc và cộng đồng, nhu cầu về cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, về cân bằng đời sống tâm linh, về sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, mà lễ hội còn là nơi bảo tàng sống văn hóa cổ truyền của dân tộc. Thử hỏi nếu chúng ta thiếu đi những lễ hội phong phú và đa dạng như vậy thì văn hóa cổ truyền Xứ Thanh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ mất còn ra sao. Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao Xứ Thanh lại có thể lưu giữ lâu dài các lệ tục, diễn xướng, trò diễn dân gian phong phú và độc đáo như vậy.

Hội làng ở Thanh Hóa ngoài các nghi thức cúng bái, rước tế mang tính linh thiêng, các trò diễn đóng vai trò rất quan trọng trong hội làng. Tất nhiên, trò diễn là một hiện tượng khá phổ biến trong hội làng nước ta, tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, không nơi nào như ở Thanh Hóa còn bảo lưu kho tàng trò diễn dân gian điển hình và phong phú như vậy. Điều này chỉ có thể giải thích từ góc độ cơ cấu tổ chức làng bền vững, từ sinh hoạt hội làng, môi trường nảy sinh, tồn tại của các trò diễn dân gian.

Số lượng các trò diễn trong lễ hội ở Thanh Hóa rất lớn, có khi trong một trò, như Trò Láng, Trò Bôn, Trò Rủn... lại bao gômg nhiều trò diễn hợp lại, do vậy, tính ra phải tới hàng trăm trò diễn khác nhau. Sách Địa chí Thanh Hóa, giới thiệu 8 trò tiêu biểu, đó là Trò Chụt, Trò Triềng, Trò Rủn, Trò Bôn, Trò Láng, Chèo Chải, Trò Rối Chuộc, Rối Si, trong đó phần lớn tên mỗi trò lấy từ địa danh làng. Ví như Trò Láng (hay Trò Xuân Phả) gồm 8 trò, như: Hội kéo, Chạy giải, Chèo thuyền múa mạn, Hoa Lang, Chiêm Thành (trò Xiêm), trò Ai Lao (trò Lào), Ngô Quốc (hay Trò Ngô), Lục hồn nhung (hay Tú Huần). Trò Bôn là tên của Kẻ Bôn, một làng thuộc xã Đông Thanh (Đông Sơn, Thanh Hóa), gồm 6 trò, như: Đấu cờ người, Tiên cuội (Tiên phường), Trò thủy (Thủy phường), Trò Ngô (Ngô phường), Trò Hà Lan (Hà Lan phường), Trò Lăng Ba Khúc...

Trò diễn là hiện tượng khá phổ biến trong nhiều hội làng ở Thanh Hóa, tuy nhiên cũng đã hình thành nên các trung tâm, nơi mà ở đó số lượng các trò diễn đậm đặc hơn, có các trò diễn lớn và điển hình. Trong các địa phương ở Thanh Hóa thì Đông Sơn là huyện tập trung nhiều trò diễn, cũng như có nhiều trung tâm trò diễn khá tiêu biểu, như Tuyên Hóa với Ngũ Trò, Trò Thủy, trò Bắt cọp... Bôn với Trò Thủy, Tiên cuội, Lăng ba khúc, trò Ngô, trò Hà Lan, Viên Khê với các trò Múa Đèn, Tiên cuội, Trống Mõ, Xiêm Thành, Trò Thiếp, Trò Ngô... (Trần Thị Liên, 1997).

Các trò diễn ở Thanh Hóa khá đa dạng, tuy nhiên, nếu căn cứ vào nội dung phản ảnh của các trò này thì chúng tập trung vào mấy nội dung sau:

- Các trò diễn phản ánh đời sống nông nghiệp, như trò Tứ dân, trò Sĩ nông công thương, trò Múa đèn, Trò Thủy...

- Các trò diễn phản ánh nội dung lịch sử, như Trò Láng (Xuân Phả), tái hiện lại mối quan hệ bang giao giữa nước ta và các nước láng giềng trong lịch sử, Trò Ngô, Ngô Quốc trong Trò Láng hay Trò Rủn, trực tiếp hay gián tiếp đề cập tới mối quan hệ giữa nươc ta và Ngô Quốc (Tàu), Trò Tung cù ở Vệ Yên (xã Đông Vệ, Đông Sơn) tái tạo cuộc chiến giữa quân ta và quân Ngô, các trò liên quan tới các nhân vật lích sử hay huyền thoại, như Cao Hoàng, Nguyễn Khải...

- Trò diễn liên quan tới các phong tục của làng, như Trò Thiếp (cầu hồn), Trò Hệch, Trò vật cù, cướp cù, Chèo Làng Mưng, Tú Huần...

Trò diễn hình thành và tồn tại trong môi trường lễ hội, nhất là hội làng, ngoài phần trò vui, nó ít nhiều gẵn với nghi thức tín ngưỡng dân gian, trong đó chủ yếu là tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng làng. Do vậy, các yếu tố hội (các trò diễn, các sinh hoạt giải trí, đua tài...) đan xen với các nghi lễ, phong tục, tạo nên tính tổng thể của hội làng cũng như tính đa diện của trò diễn dân gian. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, trò diễn nói riêng cũng như sinh hoạt hội làng nói chung đều hình thành và tồn tại trên nền tảng và môi trường tín ngưỡng dân gian, nếu tách chúng ra khỏi môi trường này thì lễ hội cũng như diễn xướng cũng không thể tồn tại lâu dài được.

Nhiều nhà nghiên cứu đã thấy trong tò diễn dân gian ở Thanh Hóa những yếu tố tiền sâu khấu. Đó là trong các "tích" đã bắt đầu hình thành các cốt truyện, đó là những lời thoại của nhân vật khi diễn xướng với những mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn mang tính kịch, đó là tính cách của một số nhân vật đã bắt đầu hình thành, như Thằng ngô, Con đĩ, các nhân vật Sĩ, Nông, Công, Thương... Đặc biệt ở đây ta có thể thấy được những nét tương đồng, ảnh hương qua lại giữa trò diễn và sân khấu dân gian, như Chèo, hát Bội. 

Hai hình thức sân khấu có mối liên hệ khá mật thiết với trò diễn dân gian Xứ Thanh là Chèo và Hát bội. Thực ra, trong quan niệm của người dân Xứ Thanh, không có sự phân biệt thật rõ ràng giữa Chèo và Hát bội. Theo nghệ sĩ Nguyễn ổn (Cả ổn), người từng đóng các vai Lã Bố, Quan Công, Tiết Đinh Sơn trong các vở Hát bội ở Thanh Hóa, thì "Chèo là Bội và Bội cũng là Chèo" hay "trong Bội có Chèo và trong Chèo có Bội". Vào những năm đầu thế kỷ XX, ở Xứ Thanh hình thành nên nhiều phường Hát Bội dân gian, như Phường Bội làng Quỳ Chử ở xã Hoàng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, phường Bội làng Vĩnh Gia ở xã Hoàng Phượng, huyện Hoằng Hóa, Phường Bội làng Phú Khê, huyện Hoằng Hóa, phường Bội làng Tòng Tân, xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa... Sự phân biệt giữa Hát bội, Chèo và các trò diễn, như trò Rủn, trò Bôn, Trò Láng, trò Triềng, trò Chuộc... chủ yếu ở cấp độ của sân khấu, có nghĩa là, các vở Hát Bội là các vở diễn hoàn chỉnh theo "tích", khác với xem các "trò" ở đình, nghè trong các dịp lễ hội. Trước những năm 20 của thế kỷ XX, người dân Thanh Hóa cũng không quen dùng tên gọi "Hát tuồng", mà chỉ gọi là "hát Bội" mà thôi. Như vậy, ở Xứ Thanh từ căn cỗi các hình thức sân khấu Chèo, Bội, trò diễn có nét gần giũ với nhau và ảnh hưởng qua lại với nhau. Hát Chèo và Hát Bội đều có những yếu tố nguồn gốc trong trò diễn dân gian, tuy nhiên, để hình thành nên hát Bội trước kia và Hát Chèo từ thời cận đại đến nay không thể không kể tới yếu tố ành hưởng của Tuồng và Chèo cân hiện đại. Đó chính là nét độc đáo, nét riêng biệt của quá trình hình thành sân khấu Hát Bội và Chèo của Xứ Thanh.

Liên quan tới hình thức sân khấu Hát Bội, chúng ta không thể không kể tới nhân vật Đào Duy Từ. Ông vốn xuất thân từ gia đình kép hát ở làng Nổ Giáp, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trưởng thành, ông vào Đàng Trong giúp Chúa Nguyễn truyền dạy nghề Hát Tuồng, giới sân khấu tuồng Huế thờ Đào Duy Từ là một trong những tổ nghề. Do vậy, có người đã giả thuyết rằng Đào Duy Từ đã mang hát Bội từ Thanh Hóa vào miền trung để sáng tạo ra Tuồng Huế và Hát Bội vùng Xứ Quảng.
Trên mảnh đất Xứ Thanh nghề hát Ca Công - hát Cửa Đình cũng khá phát triển. Tương truyền tổ sư nghề hát Ca Công này là ở làng Ngọc Trung (tức Xuân Minh, huyện Thọ Xuân ngày nay), với duệ hiệu là Thanh Xà trơn thuận tôn thần và Mãn Đường Hoa công chúa. Các làng hát Ca Công nổi tiếng ở Thanh Hóa, như Bái Thủy (Yên Định), làng Hoa Trai (Tĩnh Gia), Hoa Nhai (Thiệu Hóa), Tòng Tân (Thiệu Hóa) , Quán Nhà Trò (Quảng Xương)... Hát Ca Công là hát nghi lễ ở đình, nên còn có tên là hát Cửa Đình. Từ hình thức hát nghi lễ mang tính dân gian này đã phát triển lên các hình thức cao hơn, nhưng cũng xa rời môi trường tín ngưỡng hơn, đó là Hát Ca trù, Hát ả Đào, Hát Cửa Quyền, một hình thức hát mang tính thính phòng, hát cung đình.

Người ta cũng đã nói về mối quan hệ giữa Hát Ca Công - Hát Cửa Đình của Thanh Hóa với các làng hát Ca Trù, như Cổ Đạm (Hà Tĩnh) và Lỗ khê (Đông Anh, Hà Nội), ngoài việc cùng thờ Thanh Xà tôn thần và Mãn Đào công chúa, thì phải chăng còn có mối quan hệ nguồn gốc cư dân từ Xứ Thanh? Chỉ biết rằng ông Tổ nghề ca trù ở Lỗ Khê (Hà Nội) là Đinh Triết, con trai Đinh Lễ là người Thanh Hóa vốn đàn hay hát giỏi, kết duyên với cô gái Nga Sơn (Thanh Hóa), cũng là một ca sĩ. Hai người đã có công phát triển nghề ca trù ở Lỗ Khê và sau khi mất được thờ làm tổ nghề ca trù. 

9. Để kết luận, chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề mang tính chung nhất, mà có lẽ từ đó tạo nên những sắc thái văn hóa độc đáo của xứ này, đó là tính vừa hoàn chỉnh, biệt lập tương đối lại vừa trung gian, chuyển tiếp của Xứ Thanh trong tổng thể văn hóa xã hội Việt Nam.

Về phương diện địa lý tự nhiên, như nhà địa lý học Lê Bá Thảo đã nói, đồng bằng châu thổ Sông Mã, như là sự lặp lại của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ (châu thổ sông Hồng) cả về phương diện hệ thống đồi núi bao bọc thượng nguồn, đến lượng phù sa bồi đắp ở hạ lưu, độ cao đồng bằng châu thổ. Chính vì vậy, có thể coi đồng bằng châu thổ sông Mã là hệ thống châu thổ đứng thứ ba sau châu thổ sông Hồng ở phía bắc và Cửu Long ở phía nam. Về cơ cấu cư dân và dân tộc, về quá trình hình thành quốc gia và văn hóa, Xứ Thanh đều nằm trong một cái nôi chung với Bắc Bộ, thậm chí như là một phiên bản của Bắc Bộ. Tuy nằm trong cùng một hệ thống lịch sử - văn hóa với Bắc Bộ, nhưng xứ Thanh vẫn mang tính “biệt lập” nhất định và trên một mức độ nào đó nó tồn tại như một hệ thống riêng, một phiên bản của cả hệ thống chung. Như vậy, Thanh Hóa với cái nôi văn hóa - lịch sử miền Bắc nó vừa mang tính chung lại vừa mang tính khác biệt, biệt lập.

Với miền Trung, Xứ Thanh như là sự mở đầu, trước nhất cho một mô hình hệ sinh thái kết hợp chặt chẽ giữa đồng bằng, rừng núi và biển cả. Thanh Hóa chưa được coi là Tứ trấn nội Kinh nhu Kinh Bắc, Sơn Nam, nhưng cũng không phải là vùng trại xa xôi như Xứ Nghệ. Tính trung gian chuyển tiếp không chỉ trên bình diện môi trường địa lý tự nhiên mà cả về phương diện lịch sử và văn hóa, khiến người ta coi Thanh Hóa lúc thì nhập vào Bắc Bộ, lúc thì nhập vào Trung Bộ. Đó chính là "tính cách" của một vùng mang tính chuyển tiếp văn hóa, từ đó tạo nên tất cả những gì gọi là nét riêng của Xứ Thanh.

Ngô Đức Thịnh


Tài liệu trích dẫn

- Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970.
- Lê Bá Thảo. Địa lí Việt Nam, các vùng lãnh thổ, Nxb Thế giới, 1998.
- Địa chí Thanh Hóa, T. 2, phần văn hóa xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, 2003.
- Trần Quốc Vượng, Bùi Vinh, "Đa Bút dưới cái nhìn tổng quan về tiền - sơ sử Việt Nam", Tạp chí Khảo cổ học, số 3 (123), 2003.
- Uy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, T.1, Hà Nội, 1971.
- Trần Quốc Vượng, Việt Nam, cái nhìn địa văn hóa, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998.
- Ti văn hóa Thanh Hóa, Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn, Thanh Hóa, 1973.
- Thanh hóa chư thần lục, bản chép tay, Viện Hán Nôm.
- Phạm Đình Hổ. Tang thương ngẫu lục, Nxb Sử học, Hà Nội, 1970.
- Trần Thị Liên, Trò diễn dân gian Đông Sơn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997.

(Nguồn: Tạp chí Văn hoá Dân gian, Số 1(91)/04)

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN