04/10/2021
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trường học là môi trường giáo dục quan trọng, không chỉ cung cấp tri thức mà còn giúp định hướng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, là nơi đặt nền tảng cho những giá trị để giúp các em trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng học sinh vi phạm các chuẩn mực xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự vào hỗ trợ bộ từ nhà trường, gia đình và xã hội. Công tác xã hội học đường, mà chủ thể thực hiện là nhân viên công tác xã hội sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thực hiện các giải pháp trên một cách hiệu quả.
NỘI DUNG
1. Hành vi lệch chuẩn ở học sinh: biểu hiện, thực trạng và những tác động
Từ điển Tâm lý học định nghĩa: “Hành vi lệch chuẩn là hệ thống hành vi hoặc các hành vi riêng lẻ đối lập với các chuẩn mực đạo đức hoặc pháp luật đã được xã hội thừa nhận. Những kiểu hành vi lệch chuẩn chủ yếu là phạm pháp và những hành vi phi đạo đức nhưng chưa phải chịu trách nhiệm hình sự (say rượu, ăn cắp vặt…). Những hành vi lệch chuẩn thường là cơ sở hình thành các hành vi vi phạm pháp luật” [2].
Trong những năm gần đây, số học sinh có hành vi lệch chuẩn trong trường học ngày càng gia tăng. Tình trạng phổ biến ở các trường học là học sinh thường hay bỏ học, bỏ tiết không xin phép, lười biếng không học bài, không làm bài đầy đủ, nhìn bài của bạn, gian lận trong thi cử, lấy đồ của người khác, nói dối, cãi nhau, chửi nhau thậm chí đánh nhau trong lớp học, không giữ gìn bảo vệ của công, nói tục, chửi bậy, quấy rối làm mất trật tư trong lớp. Hơn thế nữa là tình trạng học sinh hút thuốc lá, uống rượu trong trường học, bạo lực, bắt nạt học đường gia tăng mạnh mẽ. Điều đáng nói là có một bộ phận học sinh có những ứng xử thô lỗ, vô lễ với giáo viên, với người quản lý trong trường học khi bị nhắc nhở hoặc bị xử lý vì những vi phạm khác. Không những thế, thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc bạo lực học đường có liên quan đến vấn đề yêu đương, ghen tuông, phản ảnh tình trạng học sinh thể hiện tình cảm ngay trong lớp học, xa hơn nữa là hành vi quan hệ tình dục sớm, dẫn đến những hậu quả không đáng có ở lứa tuổi còn nhiều non nớt này.
Tại Hội thảo “Thực trạng văn hóa học đường” tổ chức tháng 9/2013, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa lý luận và ứng dụng (Đại học Quốc gia TPHCM đã đưa ra một kết quả điều tra: tỷ lệ học sinh nói dối cha mẹ ở bâc tiểu học là 22%, THCS là 50%, THPT là 64%, sinh viên là 80%. Số liệu của Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh, sinh viên, thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Khắc Bình cung cấp qua điều tra 500 em học sinh THCS ở quận 6, Tp. HCM cho thấy: 32.2% học sinh có thái độ vô lễ với thầy cô giáo, nhiều học sinh chỉ chào thầy cô khi ở trong trường, còn ra ngoài thì coi như không quen biết, 38% học sinh thương xuyên nói tục. [3]
Bên cạnh đó, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội năm 2011, thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất: khoảng 60%, từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện. [4]
Báo cáo của Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Công an công bố tại Hổi thảo Công tác bảo đảm an ninh trật tự trường học và công tác học sinh, sinh viên năm học 2014-2015 cho biết: từ năm 2009 đến 2015, số học sinh, sinh viên liên quan đến trên 8000 vụ việc pháp luật hình sự, trong đó các hành vi gây rối trật tự công cộng có 935 vụ, tội phạm ma túy có 357 vụ, giết người có 37 vụ, trộm, cướp tài sản trên 6000 vụ. Theo báo cáo sơ bộ của công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ năm 2010 đến 2015, có trên 7700 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật. [7]
Có thể nói rằng, hành vi lệch chuẩn của thanh, thiếu niên nói chung và của học sinh nói riêng đang ngày càng gia tăng và phức tạp khiến cho công đồng xã hội có những bất ổn nhất định và các bậc phụ huynh cũng như nhà trường rất lo ngại vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc tiếp thu tri thức của các em mà còn tác động rất lớn đến sự trưởng thành và phát triển nhân cách của các em sau này. Nó cũng là yếu tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến chất lượng của hệ thống giáo dục.
2. Công tác xã hội học đường trong trợ giúp học sinh có hành vi lệch chuẩn
2.1. Vai trò của công tác xã hội học đường
Nhận thức được tình trạng và những hậu quả của hành vi lệch chuẩn ở học sinh, nhiều trường phổ thông đã và đang tìm các giải pháp nhằm hỗ trợ các em học sinh có hành vi lệch chuẩn. Tuy nhiên, không phải lúc nào các biện pháp đó cũng mang lại hiệu quả bền vững. Hành vi lệch chuẩn được hình thành do tác động từ nhiều yếu tố: bên trong thế giới tâm lý của học sinh và môi trường xã hội. Vì vậy, việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ cũng cần xem xét và kết hợp của các dịch vụ hỗ trợ đồng bộ và lâu dài. Công tác xã hội học đường là một trong những biện pháp hỗ trợ tích cực, bền vững đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Theo Werner Boehm, nhà giáo dục CTXH người Mỹ gốc Đức: “Công tác xã hội là một ngành, một nghề có mục đích thăng tiến chức năng xã hội của con người thông qua ba lĩnh vực: phục hồi khả năng bị thương tổn, giúp con người tận dụng được những tài nguyên sẵn có và phòng ngừa tình trạng mất khả năng sống bình thường trong xã hội”. Khái niệm này của thể hiện khá đầy đủ vai trò của công tác xã hội và giải thích tại sao CTXH ngày càng trở nên cần thiết ở tất cả các quốc gia.
Thực hiện ba chức năng chủ yếu trên, công tác xã hội đã triển khai các dịch vụ hỗ trợ học đường, trong đó nhân viên công tác xã hội học đường có nhiệm vụ giúp đỡ học sinh vượt qua những khó khăn về tâm lý xã hội, giúp các em phát huy tối đa tiềm năng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ học tập. Bằng các kiến thức, kỹ năng, cộng với sự hợp tác, liên kết với giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan khác, nhân viên CTXH học đường có thể phát hiện dễ dàng các dấu hiệu của học sinh có hành vi lệch chuẩn. Từ đó, có kế hoạch tìm hiểu, can thiệp kịp thời không để xảy ra các hậu quả đáng tiếc từ những sai lệch hành vi.
Hiện nay công tác xã hội học đường đã được thực hiện ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Nhân viên công tác xã hội học đường thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau: [1]
- Giải quyết những vấn đề nảy sinh trong trường học
- Giải quyết những vấn đề trong mối quan hệ với gia đình
- Giải quyết những vấn đề liên quan đến cộng đồng
Nhân viên công tác xã hội thường làm việc với:
- Học sinh
- Cha mẹ học sinh
- Thầy cô giáo và những nhân viên khác trong trường học
Nhân viên xã hội học đường giúp:
- Học sinh các vấn đề về học tập, các mối quan hệ giao tiếp với bạn bè
- Đóng vai trò liên kết giữa gia đình và nhà trường
- Chuyển tuyến tới các cơ sở dịch vụ có liên quan trong cộng đồng
- Can thiệp khủng khoảng
- Xây dựng các chương trình mang tính phòng ngừa trong trường học và ngoài cộng đồng.
2.2. Công tác xã hội học trong can thiệp, hỗ trợ học sinh có hành vi lệch chuẩn học đường
Trước hết cần làm rõ cơ sở hình thành hành vi lệch chuẩn ở học sinh dựa trên một số lý thuyết. Về cơ bản có 4 cơ sở:
(1) Cơ sở sinh học: Các nhà khoa học thuộc trường phải này cho rằng sự lệch lạc hành vi có liên quan đến nhiễm sắc thể và hình dạng cơ thể. Tuy nhiên, trường phái này không được ủng hộ rộng rãi vì tính không chính xác của nó. [6]
Mặc dù vậy, giai đoạn từ 11 đến 18 tuổi là giai đoạn các em đang có những thay đổi mạnh mẽ về cơ thể sinh học, nhất là giai đoạn dạy thì từ 11-15 tuổi, sự thay đổi đột ngột về hình thái cơ thể dẫn đến những biến động về mặt tâm lý, hành vi.
(2) Cơ sở tâm lý: trường phái này cho rằng hành vi lệch chuẩn là do những vấn đề về tâm lý không ổn định. Ví dụ, theo Frued thì hành vi lệch chuẩn diễn ra khi phần bản năng quá mạnh vượt ra khỏi phần kiểm soát của siêu ngã. [6]
(3) Cơ sở Xã hội học: cách giải thích này dựa trên giá trị và chuẩn mực xã hội để xác định hành vi lệch chuẩn khi xuất hiện. Travis Hirschi đưa ra lý thuyết kiểm soát cho rằng, sự kiểm soát xã hội phụ thuộc vào việc lường trước hậu quả của hành vi [6]. Tác giả cho rằng cá nhân nào cũng ít nhiều có khung hướng lệch chuẩn nhưng nhận thức hậu quả của lệch chuẩn khác nhau ở mỗi cá nhân dẫn đến hành vi lệch chuẩn sẽ được thực hiện hay không. 4 dạng kiểm soát xã hội là sự gắn bó với người khác, sự cam kết vào sự tuân thủ, sự ràng buộc với các hoạt động hợp pháp, niềm tin vào luân lý và luật lệ xã hội là 4 yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân. Như vậy, theo lý thuyết kiểm soát xã hội thì nếu cá nhân nào được kiểm soát tốt bởi 4 dạng trên sẽ ít có nguy cơ thực hiện các hành vi lệch chuẩn.
(4) Môi trường xã hội: Lý thuyết môi trường hệ thống mà nổi bật là quan điểm sinh thái tác động tới sự phát triển con người giải thích các hành vi con người có mối quan hệ mật thiết với môi trường sống của họ. Cá nhân có thể đang làm sai chức năng hoặc thích nghi không đúng với môi trường xã hội.
Như vậy, hành vi lệch chuẩn của học sinh chịu tác động từ cả yếu tố tâm lý bên trong cá nhân và từ môi trường xã hội bên ngoài mà cá nhân đó đang sống. Để hợp chuẩn hành vi của học sinh cần tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các em cũng như tạo ra sự thay đổi môi trường các em đang tương tác. Môi trường đó chính là gia đình, nhà trường, nhóm xã hội, các dịch vụ xã hội, yếu tố truyền thông, ý thức hệ. Sự tương tác này không thể diễn ra một cách tự nhiên mà được tiến hành thông qua sự hoạch định và can thiệp của nhân viên xã hội.
Dựa trên sự giải thích cơ sở hình thành hành vi ở trên, nhân viên xã hội khi trị liệu hành vi lệch chuẩn ở học sinh cần nhấn mạnh đến cơ sở môi trường xã hội trong công tác xã hội với cá nhân và công tác xã hội với nhóm, nhân viên xã hội có thể thực hiện các nhiệm vụ chính sau đây:
Thứ nhất, Tham vấn cá nhân
NVXH gặp riêng từng em, đánh giá nhu cầu ban đầu của các em để xây dựng kế hoạch tham vấn phù hợp. Vấn đề có thể là của cá nhân, vấn đề liên quan đến gia đình, vấn đề liên quan đến trường học hoặc cả 3[5]. Ngoài ra, NVXH còn giúp các em giải quyết những căng thẳng, áp lực trong việc học hành, khơi dậy tiềm năng ở các em để các em có thể tự tin hơn vào chính năng lực của bản thân.
Thứ hai, Sinh hoạt nhóm
Làm việc nhóm là cách hiệu quả nhất trong việc giúp hình thành mối quan hệ tốt của học sinh với môi trường xã hội. Khi tham gia nhóm, các em có thể học hỏi được những hành vi mới, tích cực thông qua việc quan sát, tương tác thực tế với những hoạt động nhóm. Các em sẽ thấy được vai trò, trách nhiệm của cá nhân với nhóm và với xã hội. Có thể cần huy động sự tham gia của cả phụ huynh và giáo viên trong các hoạt động nhóm nếu thấy cần thiết. Đối với những học sinh có hành vi lệch chuẩn nghiêm trọng có thể hình thành nhóm gồm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, tâm lý, sức khỏe tâm thần, .... để giúp các em, trong đó nhân viên xã hội là một thành viên. Chương trình này bao gồm 2 giai đoạn: đánh giá động cơ của hành vi và lập kế hoạch can thiệp. Kế hoạch này bao gồm những phương pháp quản lý cảm xúc, suy nghĩ và chỉnh đổi hành vi nhằm giúp các em giảm hành vi có vân đề và tăng cường hành vi tích cực.
Thứ ba, Hỗ trợ phụ huynh
Gia đình là môi trường có nhiều ảnh hưởng nhất đến hành vi lệch chuẩn của các em. Nhân viên xã hội có thể sắp xếp các buổi làm việc với phụ huynh giúp họ trang bị kỹ năng làm cha mẹ. Kêu gọi sự phối hợp của phụ huynh trong việc tìm hiểu tâm lý và mong muốn của các em là một yêu cầu cần thiết của việc giúp các em có những định hướng và hành vi tích cực. Hỗ trợ phụ huynh tiếp cận và sử dụng được các nguồn lực tại trường học và cộng đồng như các nguồn học bổng, chế độ chính sách… Nhân viên xã hội cũng là một phần của các nhóm khác có liên quan trong trường học như: Quản lý trường học, giáo viên, phụ huynh và các nhóm học sinh. Vì vậy, NVXH có thể phát hiện kịp thời những học sinh có nguy cơ bỏ học, từ đó có kế hoạch hợp tác giúp đỡ để ngăn chặn nguy cơ này.
Thứ tư, Hỗ trợ xây dựng môi trường học đường thân thiện
Nhân viên xã hội cần thúc đẩy việc xây dựng và duy trì môi trường học đường thân thiện, tăng cường sự tin cây giữa các giáo viên, giữa học sinh, giữa học sinh với giáo viên. Môi trường học đường thân thiện giúp các em có cảm giác yên tâm và yêu thích được đến trường. Triển khai các chương trình cung cấp kỹ năng xã hội giúp các em hướng vào giải quyết mâu thuẫn: kiểm soát sự giận dữ, giải tỏa ức chế, thương lượng để giải quyết vấn đề mà không cần đến bạo lực. Nhân viên xã hội cần phối hợp với giáo viên, các đoàn thể trong nhà trường để giúp những học sinh yếu lấy lại căn bản để có thể tự tin hơn, hòa đồng hơn với các bạn. Nhân viên xã hội giúp học sinh xây dụng giá trị bản thân và phát triển những kỹ năng như nhận diện và quản lý cảm xúc, biết quan tâm đến người khác, đi đến những quyết định có trách nhiệm, xây dựng được những mối quan hệ tích cực, giải quyết một cách hiệu quả các thách thức của môi trường sống. Ngoài ra, nhân viên xã hội cũng cần hỗ trợ giáo viên hiểu về hoàn cảnh, điều kiện và đặc điểm của các em để có các biện pháp uốn nắn phù hợp khi tham gia các buổi học trên lớp và sinh hoạt ngoại khóa.
Thứ năm, Tham gia góp ý, xây dựng, biện hộ chính sách
NVXH có thể đóng góp ý kiến với các nhà chuyên môn, các nhà quản lý giáo dục trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ, các chương trình phòng ngừa đối với học sinh, đảm bảo việc thực hiện đúng và nghiêm túc các chế độ chính sách, các quy định luật như: chính sách hỗ trợ học sinh thuộc gia đình khó khăn, thuộc vùng khó khăn, học sinh có thành tích trong học tập,… Thêm nữa, NVXH có thể tham gia góp ý xây dựng các cơ chế thưởng – phạt, quy định về giáo dục đạo đức, lối sống,… của nhà trường.
KẾT LUẬN
Hành vi hợp chuẩn là nhân tố quan trọng để tạo nên nhân cách của con người. Học sinh có hành vi lệch chuẩn sẽ ảnh hưởng không chỉ việc tiếp nhận tri thức mà còn đến việc hình thành và phát triển nhân cách, lối sống sau này. Hỗ trợ thay đổi hành vi lệch chuẩn cho học sinh cần phải được tiến hành một cách đồng bộ, kết hợp và huy động sự tham gia của gia đình, nhà trường, xã hội và không thể thiếu được sự hợp tác của chính bản thân các em. Chủ thể thực hiện hiệu quả các hoạt động trợ giúp này chính là các nhân viên xã hội học đường. Với vai trò quan trọng như trên, công tác xã hội cần thiết được triển khai rộng rãi ở các trường học ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
[1]. Lê Chí An, Công tác xã hội học đường ở Việt Nam: Thực tiễn và Triển vọng, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xã hội và an sinh xã hội, Hà Nội, 2013.
[2]. Vũ Dũng, 2008, Từ điển Tâm lý học, Nxb Từ điển Bách khoa.
[3]. Sơn Hà, 2011, Xây dựng ý thức phát triển cho thanh, thiếu niên giúp giảm vi phạm, Báo Pháp luật Việt Nam, T11/2011.
[4]. Hồ Nguyễn Quân, 2011, Bàn về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, Báo Tòa án, T11, 2011.
[5]. Võ Thị Hoàng Yến, 2011, Nhiệm vụ của Nhân viên công tác xã hội học đường, Tp. HCM.
[6] Trung tâm Nghiên cứu – Tư vấn CTXH & PTCĐ, 2012, Tài liệu tập huấn “Nâng cao năng lực cho NVXH cơ sở ở Tp. HCM”.
(Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hồng Đức, Số đặc biệt, 8 – 2017)
[1] Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức.