Trường Đại học Hồng Đức hỗ trợ cư dân vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa phát triển sinh kế qua mô hình: Vườn rau hữu cơ sử dụng phân ủ từ chế phẩm sinh học tự làm phù hợp với địa hình vùng cao

09/08/2023

Nằm trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho cư dân vùng biên giới tỉnh Thanh Hóa” do TS. Nguyễn Văn Thế làm chủ nhiệm đề tài, trong hơn 1 năm (từ tháng 2 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023); nhóm nghiên cứu Trường Đại học Hồng Đức đã tiến hành xây dựng mô hình: “Vườn rau hữu cơ sử dụng phân ủ từ chế phẩm sinh học tự làm và vườn rau trồng trên giá thể phù hợp với địa hình vùng cao cho cư dân vùng biên giới huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa” hướng đến mục tiêu phát triển sinh kế bền vững cho bà con.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một trong những huyện có những điều kiện khá phù hợp để phát triển sản xuất rau hữu cơ đặc biệt là về điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Là địa phương vùng cao có nhu cầu thị trường tiêu thụ rau tương đối lớn, tuy vậy giá thành rau của huyện Quan Sơn lại khá cao so với các huyện, xã trên địa bàn tỉnh (trung bình 15.000-20.000/kg), do đó, việc xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ tại các hộ gia đình trên địa bàn huyện Quan Sơn vừa giúp bà con tự cung tự cấp rau sạch, an toàn phục vụ sinh hoạt, vừa giải quyết bài toán việc làm cho người dân, tăng nguồn thu nhập, hướng đến nền nông nghiệp xanh sạch, bền vững.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202303/Images/z4222858706854-b53364ab717c9484f7243cc9dc215ec5-20230330092319-e.jpg

Đại diện sở KHCN, đại diện lãnh đạo xã Sơn Điện, phòng QLKH&HTQT Trường Đại học Hồng Đức kiểm tra quá trình thực nghiệm mô hình của nhóm nghiên cứu

 

Lựa chọn Bản Na Nghịu, xã Sơn Điện - một xã nghèo của khu vực biên giới huyện Quan Sơn là địa điểm thực nghiệm mô hình, nhóm nghiên cứu đề tài đã trực tiếp ký cam kết thực hiện với 20 hộ dân. Nhận được sự ủng hộ của chính quyền và sự tham gia tích cực của người dân địa phương, nhóm đề tài đã tổ chức tập huấn lý thuyết xây dựng vườn rau hữu cơ theo hướng phù hợp với người dân địa phương; hướng dẫn người dân kỹ thuật tự làm men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ phục vụ trồng rau cho 20 hộ tham gia thực hiện mô hình; xây dựng mô hình làm men vi sinh ủ phân hữu cơ sử dụng để tạo đống ủ phân hữu cơ và  trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn bà con trồng rau theo đúng kỹ thuật, quy trình.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202303/Images/z4222855072648-1557d2c3a4fd098224e5d25979d5e744-20230330092318-e.jpg
Media/1_hdu_home/FolderFunc/202303/Images/z4222857106110-b5b89f2f643d048dd89ec90ea5206d0b-20230330093040-e.jpg

Chương trình tập huấn được nhóm nghiên cứu triển khai cho bà con bản Na Nghịu, xã Sơn Điện,

huyện Quan Hóa năm 2022

 

Theo TS. Mai Thành Luân – Thành viên chính của nhóm nghiên cứu, người trực tiếp tập huấn, hướng dẫn bà con trồng rau cho biết: Khi nhóm nghiên cứu chúng tôi bắt đầu đi thực địa tại địa phương, với địa hình dốc thường xảy ra tình trạng xói mòn lớp đất trồng sau những những đợt mưa lớn kéo dài và làm cho đất trở nên cằn, khô vào mùa khô nên khu vực này đất rất khô cằn. Đặc biệt khu vực này còn thiếu nguồn nước canh tác, người dân phụ thuộc nhiều vào tự nhiên (nước mưa), nguồn nước tưới chưa chủ động gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp có thể hạn chế được nước tưới, công tưới và giữ được lớp đất trồng bề mặt tránh để xói mòn.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202303/Images/z4222858377486-9ee00992cae675b96e84cd825ca862e0-20230330092319-e.jpg
Media/1_hdu_home/FolderFunc/202303/Images/z4222855309369-b9dd63905ff053d479581d14a6c0ab6e-20230330092320-e.jpg

TS. Mai Thành Luân trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đường ống dẫn nước, kỹ thuật tạo nguồn men vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học từ vật liệu có sẵn tại địa phương

 

Khác với kỹ thuật trồng rau thông thường, mô hình sử dụng kỹ thuật trench garden phù hợp cho canh tác vùng đồi núi dốc, khô cằn. Phía đáy của các luống trồng được lót bằng các vật liệu tự nhiên như gỗ mục, thân, lá cây (tưới hoặc khô) đã phối trộn với men vi sinh tự làm nhằm tạo lớp đệm sinh học dưới luống trồng. Lớp đệm sinh này giúp giữ nước và dinh dưỡng cho luống trồng tốt hơn, cải thiện môi trường đất, giúp cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh. Kỹ thuật giúp hạn chế tưới nước và bón phân thường xuyên vốn rất vất vả, khó khăn cho bà con ở những vùng núi cao này.

 

Ngoài ra, các kỹ thuật tự sản xuất các thuốc trừ sâu, bệnh sinh học và phân bón từ các vật liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương như sản xuất giấm gỗ từ phế thải tre luồng, làm thuốc trừ sâu bệnh từ củ giềng, làm men vi sinh từ các nguồn lá, thân cây rừng giúp tạo phân hữu cơ từ nguồn phân chuống. Kỹ thuật  giúp bà con chủ động tự tạo ra nguồn men vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học từ những vật liệu sẵn có tại địa phương với chi phí rẻ, không phải đi mua hoặc phụ thuộc vào nhà cung cấp (thường bà con không tiếp cận được do ở khá xa, không có đại lý phân phối bán các sản phẩm). Đây là điều quan trọng để bà con duy trì bền vững mô hình

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, bà con ở bản Na Nghịu, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn về cơ bản đã nắm được kỹ thuật trồng các loại rau, tự sản xuất tạo nguồn thực phẩm rau tươi phục vụ đời sống giúp giảm thiểu chi phí sinh hoạt, chủ động được nguồn lương thực, một số hộ gia đình đã có rau cung cấp cho các trường mầm non và người dân ở khu vực lân cận.

 

Đánh giá hiệu quả bước đầu của mô hình, TS. Nguyễn Văn Thế - chủ nhiệm đề tài cho biết: Mô hình vườn rau hữu cơ được thiết kế phù hợp với địa bàn vùng cao, có thể tận dụng được nhân công lao động là phụ nữ, người già. Nguyên vật liệu để xây dựng vườn rau quy mô hộ gia đình có sẵn tại địa phương, chi phí rẻ phù hợp với thu nhập của người dân vùng cao. Vườn rau hữu cơ cũng là nơi để thử nghiệm các cây trồng bản địa, cây trồng mới nhập nội hoặc nhập ngoại có giá trị kinh tế cao như: nho, măng tây, khoai mán vàng, cây hồng ăn quả không hạt, quýt…. nhằm hướng tới thử nghiệm chuyển đổi cây trồng, phục vụ nguồn cung tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.

Media/1_hdu_home/FolderFunc/202303/Images/z4222856016452-e6f177ca9e3cdb5ce9bbc9efdbdfed7f-20230330092321-e.jpg
 
Media/1_hdu_home/FolderFunc/202303/Images/z4222856199879-d2cd9686ad8b89faf163598ee73ea146-20230330092319-e.jpg

Hình ảnh vườn rau của các hộ gia đình sau 1 năm tham gia mô hình của nhóm nghiên cứu

 

Là địa phương được chọn làm địa bàn thực nghiệm mô hình, Ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện khẳng định: Từ kết quả thực nghiệm của đề tài nghiên cứu do Trường Đại học Hồng Đức là cơ quan chủ trì; lãnh đạo xã Sơn Điện đang vận động và hỗ trợ bà con, nhân rộng mô hình trồng rau của bản Na Nghịu; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, liên kết với các HTX, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Phát huy tiềm năng, lợi thế, xã Sơn Điện phấn đấu mở rộng diện tích trồng rau tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau an toàn xã Sơn Điện.

 

Trong thời gian qua, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hồng Đức đã rất nỗ lực, chủ động thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất và đời sống.  Những kết quả nghiên cứu cơ bản đã góp phần phát triển một số hướng ứng dụng mang tính liên ngành, đa ngành, giúp tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất. Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN của cán bộ giảng viên Nhà trường được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện địa phương./.

 

(Nguồn: http://hdu.edu.vn/truong-dai-hoc-hong-duc-ho-tro-cu-dan-vung-bien-gioi-tinh-thanh-hoa-phat-trien-sinh-ke-qua-mo-hinh-vuon-rau-huu-co-su-dung-phan-u-tu-che-pham-sinh-hoc.html)

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN