26/09/2024
PGS.TS Lê Tú Anh - Phó trưởng khoa Khoa học xã hội khai mạc chương trình.
Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, cái tên Nguyễn Đình Tú lần đầu được người đọc biết đến là qua các tác phẩm “Tuổi xanh” đăng trên báo Tiền phong. Thời điểm đó, các phương tiện nghe nhìn còn hết sức giới hạn nên báo Văn nghệ, báo Tiền phong là những món ăn tinh thần được nhiều người yêu thích. Do vậy, ngay từ khi xuất hiện, Nguyễn Đình Tú đã được chú ý. Và khi anh xuất bản tiểu thuyết đầu tay (Hồ sơ một tử tù) cùng với một số tập truyện ngắn thì cái tên Nguyễn Đình Tú đã nhanh chóng nổi lên như một hiện tượng văn chương đầy triển vọng. Trong cuộc thi tiểu thuyết và ký do Hội Nhà văn phối hợp với Bộ công an tổ chức từ năm 1998 đến năm 2002, anh cũng là tác giả trẻ nhất tham gia và đoạt giải.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Đình Tú giao lưu sôi nổi với các sinh viên, giảng viên.
Qua bao thăng trầm của thời cuộc và của văn chương, rất nhiều người cùng thời đã rời bỏ hoặc coi văn chương như món đồ trang sức, Nguyễn Đình Tú vẫn say mê tìm kiếm những giá trị của ngôn từ bằng sự dũng cảm của một người dấn thân, bằng tình yêu, niềm tin, như cách anh chia sẻ: “Văn học vẫn đi theo con đường mà nó phải đi. Tín hiệu lạc quan nằm trong chính tình yêu của chúng ta với văn học chứ không phải ở hiện tượng văn đàn có sôi động vì những điều phi văn học hay không”. Bằng niềm tin ấy, Nguyễn Đình Tú đã làm nên một hành trình sáng tạo phong phú, đa dạng với các vùng đề tài khác nhau, từ đề tài chiến tranh đến truyện trinh thám - hình sự, từ đề tài tính dục đến truyện cho thiếu nhi, từ những bộn bề của cuộc sống đương đại đến những vấn đề chưa ngủ yên của lịch sử, từ khuynh hướng hiện thực đến lối viết fantasy (tưởng tượng/kỳ ảo)... Là người luôn muốn thử thách những khả năng và giới hạn của mình, Nguyễn Đình Tú đã chinh phục độc giả bằng những bất ngờ thú vị - đó là thành quả của quá trình lao động miệt mài và đam mê không ngừng nghỉ. Thành quả đó đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá của tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng… Nhiều tác phẩm của nhà văn đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh ăn khách như: Hồ sơ một tử tù (2002) chuyển thể thành phim Lời sám hối muộn màng; Phiên bản (2009) chuyển thể thành phim Hương Ga…
Sức hấp dẫn của tác phẩm Nguyễn Đình Tú là ở chỗ nhà văn luôn nhạy bén bắt nhịp với thời cuộc và đưa được hơi thở của đời sống đương đại với tất cả sự phồn tạp của nó vào tác phẩm cùng với sự đổi mới không ngừng về cách viết. Vì thế, có một lượng người đọc khá đông, thuộc nhiều lứa tuổi, trình độ tìm đọc tác phẩm của anh. Nguyễn Đình Tú và tác phẩm của anh cũng gây được sự cuốn hút và có sức lan tỏa với người trẻ, nhất là những người mới bước vào con đường văn chương.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974, tại Kiến An, Hải Phòng. Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 1996, sau 5 năm công tác trong ngành Kiểm sát Quân sự, đến năm 2000, anh về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tại đây, anh trải qua nhiều chức vụ: Biên tập viên văn xuôi, Trưởng ban Văn xuôi, Phó tổng biên tập và hiện đang là Trưởng ban sáng tác của Tạp chí, mang quân hàm Đại tá.
Trong khoảng thời gian hơn 3 giờ đồng hồ, diễn giả - đại tá, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã chia sẻ những thông tin, kiến thức lý thú và ý nghĩa về hai chủ đề: “Văn hóa đọc trong thời đại số” và “Văn học về đề tài chiến tranh và người lính trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam”.
Khán phòng giao lưu.
Về văn hóa đọc trong thời đại số, dù thời lượng dành cho chủ đề không nhiều nhưng diễn giả đã cố gắng chắt lọc để chia sẻ những vấn đề cốt yếu. Sách cho ta tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi mặt của đời sống, giúp “con người sống người hơn” (Các Mác). Vì vậy, đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của loài người. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin và sự bùng nổ của hệ thống truyền thông nghe - nhìn, sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nghe nhìn đa dạng, hấp dẫn đang tạo ra thách thức lớn cho việc phát triển văn hóa đọc. Việc đọc và cao hơn là văn hóa đọc đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Nhà văn Nguyễn Đình Tú đã diễn giải cặn kẽ, tường minh ở những khái niệm, những thuật ngữ chìa khóa để sinh viên có những kiến thức vừa cụ thể vừa khái quát về thời đại công nghệ 4.0. Từ đó, diễn giả gợi mở, mong muốn các thế hệ sinh viên (được coi là những độc giả được lựa chọn) niềm yêu thích, đam mê việc đọc và cao hơn là ý thứ trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa đọc; nhận thức rõ hơn thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển như vũ bão của văn hóa nghe - nhìn là một thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để thúc đẩy văn hóa đọc.
Về chủ đề thứ hai trong buổi nói chuyện: Đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam hiện đại có thể xem là sở trường của nhà văn - đại tá quân đội Nguyễn Đình Tú (anh là tác giả của những cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang trên văn đàn văn học đương đại Việt Nam về đề tài chiến tranh, đặc biệt chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc). Nhà văn đã chọn điểm tiếp cận riêng, tạo sự hấp dẫn cho người nghe về chủ đề này. Đề tài chiến tranh là siêu đề tài trong văn học Việt Nam, một dòng chủ lưu. Cũng là gợi mở, diễn giả đã chia sẻ để người nghe hiểu sâu hơn về dòng chủ lưu - đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam, được làm nên bởi những thành tố chính: đội ngũ sáng tác, tác phẩm, thành tựu. Xen vào đó là những câu chuyện vô cùng lí thú về những chuyến đi thực tế của chính nhà văn, những chuyến đi giúp nhà văn hiểu sâu hơn về những tượng đài trong văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh (như tác phẩm Tây tiến...), những chuyến đi nhằm thu thập tư liệu để nhà văn sáng tác những tiểu thuyết về đề tài chiến tranh (như Hoang tâm, Xác phàm, Bên dòng Sầu Diện…).
Phần giao lưu tuy được kết hợp trong suốt buổi nói chuyện nhưng diễn giả vẫn dành một khoảng thời gian nhất định cuối buổi để thầy cô, các bạn sinh viên được chia sẻ, đề đạt những băn khoăn, những mong muốn về những vấn đề quan tâm. Rất tiếc thời gian không có nhiều nhưng nhà văn cũng đã phần nào đáp ứng những mong muốn đó.
Các giảng viên bộ môn Ngữ Văn khoa Khoa học xã hội chụp ảnh lưu niệm với
đại tá, nhà văn Nguyễn Đình Tú.
Buổi nói chuyện kết thúc trong không khí hào hứng, dù vẫn còn những luyến tiếc. Những buổi nói chuyện như thế này thật sự đáng quý với các bạn sinh viên. Các em không chỉ được tích lũy nhiều hơn những kiến thức mà còn được trau dồi thêm những kĩ năng cần thiết, được giao lưu, học hỏi.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên, sinh viên.
Tin, bài: Bộ môn Ngữ Văn khoa Khoa học xã hội