11/10/2024
Chủ nghĩa nữ quyền được hình thành trên cơ sở phong trào nữ quyền. Phong trào này được hình thành ở các nước châu Âu từ thế kỷ XVIII nhằm chống lại tư tưởng nam quyền, coi phụ nữ là “thứ yếu” bên cạnh cái “chủ yếu” là nam giới. Từ khi ra đời đến nay, trải qua nhiều làn sóng đấu tranh và vẫn đang tiếp diễn trong thời hiện tại, cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới, giải phóng nữ giới vẫn đang nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân loại tiến bộ.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng lý thuyết này vẫn cần được tiếp tục phát huy và vận dụng một cách khoa học hơn, nhất là trong bối cảnh các vấn nạn bạo hành, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động… người phụ nữ vẫn không ngừng diễn ra. Đây chính là cơ sở khoa học của việc lựa chọn chủ đề seminar này. Bên cạnh đó, việc lựa chọn chủ đề seminar còn xuất phát từ sự gặp gỡ giữa GS. Linke và giảng viên khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức về một mối quan tâm chung: lý thuyết giới và việc vận dụng lý thuyết này vào nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Trong buổi seminar, GS. Linke đã trình bày tham luận có tiêu đề: “Chủ nghĩa nữ quyền ở phương Tây: những vấn đề đương đại” với các nội dung như tư tưởng nữ quyền phương Tây đương đại, những cuộc tranh luận lý thuyết quan trọng từ những năm 1980, các vấn đề trọng tâm đối với hoạt động nữ quyền, các xu hướng khác nhau của lý thuyết và hoạt động của chủ nghĩa nữ quyền, mô hình bình đẳng giới và ví dụ điển hình tại CHLB Đức. Tiếp theo, các giảng viên, nhà nghiên cứu đang công tác tại khoa Khoa học xã hội - Trường Đại học Hồng Đức trình bày tham luận về các vấn đề nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa của người Việt", “Quyền của phụ nữ trong Bộ luật Hồng Đức”, “Tiếng nói nữ quyền trong thơ Hồ Xuân Hương”, “Bất bình đẳng giới trong gia đình Việt Nam”, “Bình đẳng giới trong phát triển du lịch”... từ góc nhìn/lý thuyết giới. Các tham luận trình bày đều nhận được sự quan tâm, thảo luận, hỏi - đáp rất sôi nổi của đại biểu tham dự, tạo nên một không khí vừa mang tính hàn lâm/học thuật, vừa giàu tính thực tiễn, sống động.
Kết thúc chương trình, Ban chủ nhiệm khoa thay mặt tập thể cán bộ giảng viên và sinh viên khoa Khoa học xã hội tặng quà lưu niệm GS. Linke. Quà tặng là một chiếc áo dài truyền thống với hy vọng GS yêu thích và mặc cả trong những ngày ở Việt Nam cũng như khi đã trở về quê hương của mình.
Một số hình ảnh buổi seminar
PGS.TS Mai văn Tùng, Trưởng khoa KHXH phát biểu chào mừng,
giới thiệu về khoa KHXH
PGS.TS Lê Tú Anh, Phó trưởng khoa KHXH giới thiệu về chương trình hợp tác với GS. Linke và chủ đề seminar.
GS. Gabriele Linke trình bày tham luận
“Chủ nghĩa nữ quyền ở phương Tây: những vấn đề đương đại”.
Các đại biểu tham dự phát biểu và thảo luận về các chủ đề
BCN khoa Khoa học xã hội tặng quà lưu niệm GS. Gabriele Linke
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm với GS. Gabriele Linke
Ban tổ chức