10/01/2023
Trên thực tế, từ năm 1804, khu vực Thọ Hạc huyện Đông Sơn đã chính thức trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của cộng đồng cư dân xứ Thanh, góp phần quan trọng để vua Gia Long và các vua kế vị của triều Nguyễn củng cố vương quyền ở lưu vực sông Mã. Từ đó, đô thị Thanh Hóa ra đời, vận động, phát triển trong thể chế quân chủ cuối cùng ở nước ta. Trên phạm vi 14 tỉnh của “Xứ Trung Kỳ”, vào ngày 12-7-1899, vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập 6 trung tâm đô thị (Centre - urbain) là Thanh Hóa, Vinh, Huế, Hội An, Quy Nhơn, Phan Thiết. Tiếp đó, ngày 30-8-1899, toàn quyền Đông Dương ký nghị định chuẩn y Đạo Dụ trên. Từ đó cho đến hết hiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), trung tâm đô thị Thanh Hóa chuyển hẳn từ trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa trong chế độ quân chủ, sang trung tâm đô thị dưới thời Pháp thuộc của vùng Bắc Trung Bộ. Quá trình vận động thành phố Thanh Hóa ra đời (31-5-1929) chính là kết quả của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất và thứ hai mà Pháp triển khai ở Bắc Trung Bộ. Quá trình ấy diễn ra phức tạp, tạo nên những biến đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của cộng đồng cư dân thành phố Thanh Hóa nói riêng và cư dân tỉnh Thanh Hóa nói chung. Công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra ở đô thị Thanh Hóa từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1929 mang đặc điểm chung của quá trình hình thành các trung tâm đô thị ở nước ta, đồng thời có những nét riêng điển hình từ trước tới nay chưa được quan tâm nghiên cứu.
Trong cơn lốc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 và những biến động về chính trị liên tiếp nổ ra như phong trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào đấu tranh dân chủ công khai 1936 - 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Nhật vào Đông Dương... chính quyền thuộc địa và các tập đoàn tư bản Pháp vẫn tiếp tục duy trì công cuộc thống trị và khai thác nguồn tài nguyên khóang sản giàu có ở Đông Dương nói chung và Bắc Trung Bộ nói riêng. Trước những biến động chính trị đó, đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở thành phố Thanh Hóa có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, thành phố Thanh Hóa phát triển theo chủ trương và quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa và Chính phủ Việt Nam. Do đó, nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của thành phố Thanh Hóa - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa không chỉ góp phần thiết thực vào việc nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển các đô thị trong thời kỳ cận - hiện đại ở nước ta mà còn cho chúng ta thấy được diện mạo, những đặc điểm cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của “thành” và “phố”, cũng như góp phần nhận diện bức tranh đa dạng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội... và sự biến biến đổi của nó trong từng thời kỳ lịch sử - xã hội.
Quan trọng hơn, nghiên cứu về đô thị nói chung và lịch sử đô thị (urban history) nói riêng ở nước ngoài đã có nhiều, nhưng ở Việt Nam vẫn còn hiếm. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi mà
nước ta đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa thì việc có thêm những những nghiên cứu về lịch sử đô thị lại càng có ý nghĩa thực tiễn đặc biệt quan trọng. Nghiên cứu toàn diện về thành phố Thanh Hóa xuất phát từ ý nghĩa trên, góp thêm cơ sở cho việc kế thừa những mặt tích cực và hợp lý về những giá trị truyền thống đang bị mai một, đồng thời khắc phục những mặt hạn chế, tiêu cực của cách quản lý xã hội không còn phù hợp với thực tiễn hôm nay nhằm xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh và giàu mạnh đúng như tình thần chủ trương của Đảng và Chính phủ đề ra.
Như vậy, việc nghiên cứu, xuất bản chuyên khảo Thành phố Thanh Hóa - Quá trình hình thành và phát triển từ năm 1804 đến năm 2020 không chỉ có giá trị về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa về thực tiễn.
Trên tinh thần học hỏi, tiếp thu, cầu thị, chúng tôi mong muốn nhận được sự đóng góp, phê bình cho cuốn sách từ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và bạn đọc gần xa.
Tác giả