06/01/2022
Một thế kỷ khảo cổ học Việt nam đã phát hiện trên vùng đất hạ lưu đôi bờ sông Mã nhiều văn hóa khảo cổ học quan trọng. Cuốn “Những nền văn hóa cổ đôi bờ sông Mã” của 2 tác giả T.S Phạm Văn Đấu và Phạm Hoàng Mạnh Hà (NXB KHXH Hà Nội 2006) đã giới thiệu khá đầy đủ về các nền văn hóa cổ đã hình thành, tỏa sáng tự ngàn xưa trên vùng đất địa lịnh nhân kiệt xứ Thanh.
Là một tiến sĩ khảo cổ học có hiểu biết khá sâu sắc về sự hình thành phát triển, mối quan hệ và vị thế của các văn hóa cổ trên đất Việt Nam. Sau cuốn “Những nền văn hóa cổ tiêu biểu ở Việt Nam” tác giả đã cho ra mắt tiếp cuốn “Những nền văn hóa cổ đôi bờ sông Mã” nhằm đi sâu giới thiệu về chiều sâu lịch sử xứ Thanh.
Trên cơ sở phân tích những cơ sở tự nhiên, môi trường có liên quan đến việc xuất hiện của con người và những văn hóa khảo cổ đã được phát hiện và nghiên cứu trên đôi bờ sông Mã. Các nền văn hóa cổ được giới thiệu ở đây bao gồm toàn bộ những văn hóa cổ từ thời đại đồ đá đến thời đại đồ đồng và sơ kỳ thời đại sắt.
Những dấu vết, di tích văn hóa Hòa Bình ở Thanh Hóa được giới thiệu nhằm khẳng đinh địa bàn quan trọng và những đóng góp của văn hóa Hòa Bình trên đất Thanh Hóa, trong đó di tích hang con Moong được đặc biệtc chú ý nhằm khẳng định vị thế của di tích này trong hệ thống các di tích văn hóa Hòa Bình ở Việt nam.
Văn hóa Đa Bút được chú ý trong mối quan hệ với việc hình thành và kiến tạo châu thổ sông Mã và sự hình thành các làng cổ từ thời đại đá mới. Văn hóa Đa Bút với những cơ sở ban đầu về nông nghiệp cổ truyền trên vùng đất được xem là một trong những trung tâm cấy trồng sớm của nhân loại.
Văn hóa Hoa Lộc với những đặc trưng riêng biệt và nét đặc sắc của văn hóa này đã khẳng định về một trung tâm sản xuất nông nghiệp tiên tiến ở vùng đồng bằng ven biển phía Bắc Thanh Hóa.
Mối quan hệ và sự giao tiếp giữa văn hóa này với các văn hóa khác ở vùng đồng bằng Trung du bắc bộ, vùng hải đảo phía Bắc và vùng ven biển phía Nam được tác giả nhấn mạnh là chiếc chìa khóa để tìm hiểu về quá trình hình thành văn hóa tộc người ở buôỉ ban đầu thời kỳ dựng nước đầu tiên.
Văn hóa Đông Sơn được giới thiệu với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu và quá trình hình thành trung tâm văn hóa Đông Sơn ở hạ lưu sông Mã. Mối quan hệ giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hoa lộc là một nguồn lực góp phần taọ dựng văn hoá Đông Sơn trên đôi bờ sông Mã - địa bàn gốc của văn hóa Đông Sơn – đã khẳng định vị thế của văn hóa Đông Sơn đối với quá trình ra đời của nhà nước đầu tiên trên nước ta.
Cùng với châu thổ sông Hồng – nơi quê hương buổi đầu lịch sử dân tộc, đôi bờ sông Mã với những nền văn hóa cổ đã đóng góp vào qúa trình hình thành, phát triển văn hóa, văn minh dân tộc và tạo dựng những tiền đề cho việc hình thành sắc thái văn hóa xứ Thanh.