Giảng viên Lưu Thị Thanh Thùy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp trường

12/26/2023 9:47:03 AM
Sáng chủ nhật, ngày 24/12/2023, tại phòng bảo vệ luận án Trường Đại học Hồng Đức (tầng 5 Trung tâm Thông tin - Thư viện), nghiên cứu sinh (NCS) Lưu Thị Thanh Thùy đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường với đề tài: Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình ở trường trung học phổ thông. Đề tài thuộc chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn - Tiếng Việt, được NCS thực hiện dưới sự hướng dẫn của hai nhà khoa học: 1. PGS. TS Hoàng Thị Mai (Trường Đại học Hồng Đức), 2. GS.TS Nguyễn Thanh Hùng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
 
Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202312/Images/thuy3-20231226095346-e.jpg

Quang cảnh phiên họp hội đồng đánh giá luận án.

Đến dự buổi bảo vệ luận án của NCS Lưu Thị Thanh Thùy, có đại diện cơ quan công tác của NCS: PGS. TS Hoàng Thị Mai - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, PGS. TS Mai Văn Tùng - Trưởng khoa Khoa học xã hội, Ban chủ nhiệm khoa và đông đảo giảng viên, sinh viên khoa Khoa học xã hội, Đại diện lãnh đạo Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hồng Đức - Trường Đại học Hồng Đức.

Đề tài luận án của NCS Lưu Thị Thanh Thùy đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, tính thời sự và thực tiễn: Tư duy phản biện là một trong những năng lực cốt lõi của công dân toàn cầu thế kỉ XXI. Tư duy phản biện (Critical thinking) được xem là “nghệ thuật phân tích và đánh giá tư duy với định hướng cải thiện nó”. Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại và thị trường lao động, giáo dục cần đặt trọng tâm vào việc phát triển cho người học năng lực tư duy, đặc biệt là tư duy bậc cao (High Order Thinking), trong đó có tư duy phản biện.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202312/Images/thuy4-20231226095349-e.jpg

NCS trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài luận án.

Tại Việt Nam, năng lực tư duy phản biện của học sinh (HS) nhìn chung còn yếu. HS thiếu tinh thần phản biện, chưa phát triển các thành tố của năng lực tư duy để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Các công trình nghiên cứu phát triển năng lực tư duy phản biện trong dạy học nói chung và trong dạy học Ngữ văn nói riêng còn nhiều hạn chế.

Đề tài: Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình ở trường trung học phổ thông với mong muốn vừa nâng cao hiệu quả đọc hiểu văn bản thơ trữ tình vừa góp phần phát triển ở HS một trong những năng lực cốt lõi - năng lực tư duy phản biện, giúp HS nâng cao chất lượng học tập, chất lượng cuộc sống và công việc. Từ mục đích đặt ra của đề tài, vận dụng những phương pháp nghiên cứu hợp lí, các bước khảo sát hiệu quả, luận án Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình ở trường trung học phổ thông đã đạt được những kết quả chính, cũng là những đóng góp mới là:

- Góp phần bổ sung lí thuyết về: cấu trúc, tiêu chí đánh giá năng lực tư duy phản biện của HS trong dạy học thơ trữ tình, một số luận điểm mới về các yêu cầu và biện pháp phát triển năng lực tư duy phản biện cho HS THPT trong giờ dạy học thơ trữ tình, qua đó góp phần phát triển hệ thống lí thuyết dạy học thơ trữ tình và phát triển năng lực tư duy cho HS ở nhà trường phổ thông.

- Góp phần xác định được thực trạng phát triển năng lực tư duy phản biện cho HS THPT trong dạy học đọc hiểu văn bản thơ trữ tình, xác định được những tồn tại trong việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho HS trong dạy học thơ trữ tình nói riêng, trong dạy học Ngữ văn nói chung.

- Là tài liệu tham khảo cho GV và HS trong dạy học thơ trữ tình, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học thơ trữ tình, phát triển năng lực tư duy phản biện cho HS, phát triển năng lực tự học của HS.

Những kết quả nghiên cứu trên của luận án đã phản ánh quá trình học tập, nghiên cứu hăng say, chủ động, sáng tạo của NCS Lưu Thị Thanh Thùy, dưới sự hướng dẫn tận tình của các nhà khoa học. Trong suốt quá trình nghiên cứu, NCS đã gặp không ít khó khăn về vấn đề sức khỏe, gia đình (chồng công tác xa, hai con nhỏ) và cả những vướng mắc trong vấn đề nghiên cứu... Đã có khoảng thời gian NCS tưởng chừng khó có thể vượt qua. Tuy nhiên, nhờ năng lực vượt khó và nhất là niềm say mê nghiên cứu khoa học, cộng với sự động viên, khích lệ của thầy cô, gia đình, bạn bè đồng nghiệp, NCS đã hoàn thành xuất sắc đề tài luận án.  

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202312/Images/thuy1-20231226095343-e.jpg

NCS tặng hoa các nhà khoa học trong hội đồng, thầy cô hướng dẫn và đại diện cơ sở đào tạo.

Thành công của Luận án là kết quả đáng trân trọng của NCS Lưu Thị Thanh Thùy. Đặc biệt, kết quả này càng có ý nghĩa khi đây là luận án đầu tiên của chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn - Tiếng Việt của Trường ĐH Hồng Đức. Tân tiến sỹ Lưu Thị Thanh Thùy sẽ rất tự hào, vinh dự và trách nhiệm khi vừa là NCS đầu tiên của chuyên ngành đào tạo ở Trường ĐH Hồng Đức bảo vệ thành công luận án và tương lai sẽ là người trực tiếp tham gia vào việc đào tạo chuyên ngành ở các bậc sau Đại học.

Luận án Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình ở trường trung học phổ thông của NCS Lưu Thị Thanh Thùy bảo vệ thành công ở cấp trường với kết quả 7/7 phiếu tán thành (trong đó có 6/7 phiếu xếp loại xuất sắc). Chúc mừng tân TS. Lưu Thị Thanh Thùy, chúc mừng quả ngọt cuối năm của Khoa và Nhà trường!  

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202312/Images/thuy6-20231226095352-e.jpg
Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202312/Images/thuy7-20231226095352-e.jpg
Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202312/Images/thuy5-20231226095350-e.jpg

Khoa Khoa học xã hội, Bộ môn Ngữ Văn và sinh viên tặng hoa chúc mừng tân Tiến sĩ.

Hội đồng đánh giá luận án của NCS Nguyễn Thị Thủy được thành lập theo quyết định số 3339/QĐ-ĐHHĐ ngày 21 tháng 11 năm 2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, gồm:

1. PGS. TS Lê Thị Phượng, Trường Đại học Hồng Đức, Chủ tịch hội đồng

2. GS. TS Lê Phương Nga, Trường Đại học Quốc gia, Hà Nội, Ủy viên phản biện 1

3. PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Vân, Viện Khoa học giáo dục, Ủy viên phản biện 2

4. PGS. TS Bùi Minh Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Ủy viên phản biện 3

5. PGS. TS Trương Thị Bích, ĐH Quốc gia Hà Nội, Ủy viên

6. TS. Nguyễn Hồng Kiên, Trường Đại học Giáo dục, Ủy viên

7. TS. Phạm Thị Anh, Trường Đại học Hồng Đức, ủy viên thư kí Hội đồng.

 

Tin bài: Bộ môn Ngữ văn

 

Tin liên quan