Lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở địa phương sử dụng trong dạy học Lịch sử trường THPT tỉnh Thanh Hóa

11/22/2021 9:02:01 PM
Di sản văn hóa (DSVH) là những “sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác” (1). Đó là tổng thể những tài nguyên văn hóa truyền thống trong hệ thống giá trị của xã hội, là sự tồn tại hiện thực của văn hóa, là bộ phận trọng yếu của nền văn hóa dân tộc. DSVH chứa đựng trong đó những kinh nghiệm, những tri thức sống, những truyền thống - gọi một cách bao quát là các giá trị và chuẩn mực của xã hội. Bởi vậy, trong dạy học lịch sử (DHLS), DSVH nói chung, DSVHPVT nói riêng là một trong những nguồn sử liệu quan trọng bởi nó không chỉ có giá trị tích cực trong việc tạo biểu tượng lịch sử (LS), giúp học sinh (HS) được trải nghiệm sáng tạo, ghi nhớ sự kiện, hiểu bản chất, khái niệm, rút ra quy luật và bài học LS... dưới dạng của quá trình nhận thức và hoạt động tích cực, hứng thú và sáng tạo. Việc lựa chọn, khai thác tốt DSVH, sử dụng vào quá trình dạy học (DH) không những sẽ góp phần vào việc kích thích hứng thú học tập của HS, mà đây sẽ là một trong những biện pháp quan trọng, góp phần đổi mới phương pháp DH theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học theo tinh thần Nghị quyết số 29- NQ- TW và Nghị quyết số 44- NQ-CP của đảng, chính phủ.

 

TS. Nguyễn Thị Vân - Trường Đại học Hồng Đức

 

Di sản văn hóa (DSVH) là những “sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác(1). Đó là tổng thể những tài nguyên văn hóa truyền thống trong hệ thống giá trị của xã hội, là sự tồn tại hiện thực của văn hóa, là bộ phận trọng yếu của nền văn hóa dân tộc. DSVH chứa đựng trong đó những kinh nghiệm, những tri thức sống, những truyền thống - gọi một cách bao quát là các giá trị và chuẩn mực của xã hội. Bởi vậy, trong dạy học lịch sử (DHLS), DSVH nói chung, DSVHPVT nói riêng là một trong những nguồn sử liệu quan trọng bởi nó không chỉ có giá trị tích cực trong việc tạo biểu tượng lịch sử (LS), giúp học sinh (HS) được trải nghiệm sáng tạo, ghi nhớ sự kiện, hiểu bản chất, khái niệm, rút ra quy luật và bài học LS... dưới dạng của quá trình nhận thức và hoạt động tích cực, hứng thú và sáng tạo. Việc lựa chọn, khai thác tốt DSVH, sử dụng vào quá trình dạy học (DH) không những sẽ góp phần vào việc kích thích hứng thú học tập của HS, mà đây sẽ là một trong những biện pháp quan trọng, góp phần đổi mới phương pháp DH theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ-TW và Nghị quyết số 44-NQ-CP của đảng, chính phủ.

DSVH được sử dụng trong DHLS ở trường phổ thông bao gồm DSVHVT và DSVHPVT. DSVHPVT là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” (2). Khác với DSVHVT, DSVHPVT mang tính trừu tượng cao, khó nắm bắt, có đặc điểm không ngừng được tái tạo, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác… bởi vậy, để có thể khai thác sử dụng hiệu quả loại hình DSVH này, việc lựa chọn nội dung di sản phù hợp rất cần thiết. Bài viết trên cơ sở những nguyên tắc, cơ sở khoa học để lựa chọn những nội dungDSVHPVT tại địa phương sử dụng trong DHLSdân tộc ở các trường trung học phổ thông (THPT) tỉnh Thanh Hóa nhằm nâng cao hiệu quả bài học.

  1. Những nguyên tắc lựa chọn nội dung di sản

Lựa chọn nội dung DSVHPVT tại điạ phương sử dụng trong DHLS ở trường phổ thông trước hết phải đảm bảo tính tư tưởng. Đây là nguyên tắc mang tính nền tảng, các tài liệu lựa chọn để khai thác phải phản ánh đúng sự thật lịch sử, không xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Muốn đảm bảo nguyên tắc này, GV cần phải đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng... khi lựa chọn tài liệu.

Thứ hai, khi lựa chọn nội dung di sản phải đảm bảo tính khoa học. Những DSVHPVT tại địa phương được ưu tiên lựa chọn để khai thác, sử dụng trong DHLS phải được các cơ quan quản lý văn hóa (Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, ban Quản lý di tích) công nhận xếp hạng (cấp quốc gia, hay cấp địa phương); Những di sản chưa được xếp hạng có thể lựa chọn để sử dụng phải có tính điển hình, có vị trí, ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Đồng thời, phải liên quan mật thiết, phản ánh hoặc làm rõ các sự kiện, hiện tượng, nhân vật tiêu biểu trong chương trình lịch sử THPT.

Tính khoa học còn thể hiện ở việc thận trọng trong tiếp cận, lựa chọn. Các nguồn tài liệu về DSVHPVT được lựa chọn để sử dụng phải có tính chính xác, có độ tin cậy, phải được xác minh, phê phán một cách khoa học. Đặc điểm riêng của DSVHPVT là “di sản sống”, luôn có sự vận động và biến đổi. Vì vậy, khi lựa chọn tài liệu về loại hình di sản này cần phải xác minh, phê phán một cách khoa học, đảm bảo được yêu cầu đó thì nguồn tài liệu này mới phát huy được giá trị, góp phần đánh giá khách quan, tạo biểu tượng sinh động về các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử; mặt khác giúp HS làm rõ mối liên hệ giữa lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc.

Thứ ba, lựa chọn nội dung di sản còn phải đảm bảo tính sư phạm. Nội dung các DSVHPVT tại địa phương được lựa chọn trong DHLS phải phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học, phù hợp thời lượng tiết học, với trình độ, khả năng nhận thức của HS, với cơ sở vật chất của nhà trường… Tài liệu về DSVHPVT ở địa phương vô cùng phong phú, bao gồm các hình thức biểu hiện là: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian.Tuy nhiên, chúng ta trước hết phải căn cứ vào mục tiêu và nội dung của bài học lịch sử để lựa chọn. Mỗi loại DSVHPVT tại địa phương có những giá trị khác nhau trong quá trình DHLS, tùy theo mục tiêu và nội dung bài học, GV khai thác những loại hình di sản phù hợp. Ví dụ: ngữ văn dân gian thường góp phần làm rõ sự kiện, nhân vật lịch sử; Tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gianthường làm rõ đặc điểm văn hóa; Lễ hội truyền thống lại thường liên quan mật thiết đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử, phản ánh đời sống xã hội nói chung…; Nghề thủ công truyền thống thường cụ thể hóa những thành tựu về kinh tế…

  1. Cơ sở lựa chọn

Cơ sở mang tính định hướng trong việc lựa chọn nội dung di sản là mục tiêu DH. Khi lựa chọn nội dung DSVHPVT tại địa phương trong DHLS, GV phải hướng vào việc thực hiện mục tiêu đã được xác định ở mỗi bài học, chương học, khối lớp học, cấp học… Mục tiêu mỗi bài học là cái “đích” cuối cùng mà thầy trò phải hướng tới ở mỗi giờ học, xác định mục tiêu của bài phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ trong chương trình, phải xác định toàn diện trên cả ba phương diện: kiến thức, thái độ và kỹ năng.

Khi lựa chọn nội dung di sản, đồng thời, phải căn cứ vào nội dung DH. Trong quá trình DH, hai yếu tố mục tiêu và nội dung DH luôn có mối quan hệ thống nhất. Với bộ môn lịch sử, nội dung DH là một hệ thống kiến thức khoa học đã được lựa chọn và trình bày trong Sách giáo khoa, trong chương trình. Giáo viên cần dựa vào chương trình, Sách giáo khoa và các tài liệu hướng dẫn để xác định kiến thức cơ bản của mỗi bài học lịch sử. Việc lựa chọn những nội dung DSVHPVT tại địa phương sử dụng trong DHLS phải góp phần làm rõ những kiến thức cơ bản của mỗi bài học, tránh sa đà kể lể ở những kiến thức không trọng tâm gây khó khăn trong việc tạo biểu tượng lịch sử, quá tải về kiến thức.

DSVH nói chung, DSVHPVT tại địa phương nói riêng có giá trị to lớn trong giáo dục thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để trở thành nguồn tài liệu trong DH việc lựa chọn nội dung di sản còn phải căn cứ vào đối tượng HS. Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, trình độ nhận thức, khả năng hoạt động… của HS là cơ sở quan trọng khi lựa chọn nhằm đảm bảo tính vừa sức- đây là một nguyên tắc quan trọng của quá trình DH. Đặc biệt, cần ưu tiên lựa chọn những DSVHPVT điển hình trong không gian sống gần gũi đối với HS.

Ngoài ra, GV cần căn cứ và điều kiện cơ sở vật chất, thời lượng quy định của giờ học, đặc điểm và thực trạng của các di sản… để lựa chọn nội dung DSVHPVT tại địa phương phù hợp sử dụng trong quá trình DH bộ môn.

  1. Hệ thống DSVHPVT tại địa phương có thể và cần thiết khai thác sử dụng trong DHLStrường THPT tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa làvùng đất có truyền thống lịch sử- văn hóa lâu đời, bởi vậy, có hệ thống DSVH vô cùng phong phú. Trong đó, DSVHPVT tại Thanh Hóa rất đa dạng với đầy đủ các loại hình thể hiện, mỗi loại có những giá trị quan trọng khác nhautrong DHLS. Căn cứ các nguyên tắc, cơ sở lựa chọn và đặc điểm của mỗi loại hình di sản GV sẽ lựa chọn tài liệu về nội dung di sản một cách phù hợp phục vụ cho mỗi bài học lịch sử. Bài viết đề cập chủ yếu nội dung di sản cần thiết khai thác trong DH phần lịch sử dân tộc lớp 10 THPT.

Trước hết, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều lễ hội dân gian phong phú, đa dạng với đủ các loại hình và quy mô từ dòng họ đến làng, liên làng, liên vùng. Trong đó, nhiều lễ hội gắn với những sự kiện, nhân vật lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước; nhiều lễ hội phản ánh, làm rõ những đặc trưng kinh tế, văn hóa dân tộc… GV cần chú ý khai thác phục vụ cho DHLS. Ví dụ, khi dạy về các cuộc khởi nghĩa Bà Triệu- một dấu son sáng ngời trong lịch sử chống ngoại xâm thời kỳ Bắc thuộc, GV cần lựa chọn tài liệu về lễ hội Bà Triệu( diễn ra từ ngày 21-23/02 âm lịch, tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc); khi dạy về cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược ưu tiên lựa chọn là lễ hội Lê Hoàn (diễn ra từ ngày 7 - 9/03 âm lịch, tại thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, Thọ Xuân); khi dạy về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh trong lịch sử, GV cần lựa chọn lễ hội Lam Kinh với không gian rộng lớn và quy mô hoành tráng… Việc sử dụng các lễ hội tiêu biểu này có giá trị lớn trong việc tạo biểu tượng về các sự kiện: khởi nghĩa Bà Triệu, cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất, cuộc kháng chiến chống quân Minh… với vai trò của các  nhân vật lịch sử bà Triệu- nữ tướng oai hùng, Lê Hoàn- vị vua có tài cầm quân, Lê Lợi - lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh, đồng thời là người sáng lập ra vương triều Hậu Lê huy hoàng trong lịch sử dân tộc… Với những biểu tượng lịch sử sinh động đó chắc chắn việc lĩnh hội kiến thức lịch sử với HS sẽ hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn. Mặt khác mục tiêu giáo dục lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với cha ông mình, ý thức trân trọng, bảo vệ các di sản văn hóa địa phương sẽ có cơ sở vững chắc.

 Ngữ văn dân gian Thanh Hóa cũng đặc biệt phong phú về thể loại: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, các giai thoại, các bài vè, truyện thơ, tục ngữ, ca dao, câu đố, câu đối, các bài ca… Đây cũng là loại hình quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương có giá trị to lớn trong DHLS bởi nó ghi lại những dấu vết của thời xa xưa hoặc phản ánh toàn diện nhiều mặt của xã hội… Tài liệu ngữ văn dân gian Thanh Hóagóp phần cụ thể hóa giúp HS hiểu sâu sắc hơn các sự kiện tiêu biểu, tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, hoặc thể hiện rõ những đóng góp của lịch sử địa phương đối với lịch sử dân tộc. Vì vậy trong quá trình DHLS, GV cần chú ý lựa chọn sử dụng loại DSVHPVT này. Ví dụ: Khi dạy lịch sử Việt Nam thời dựng nước các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, sử thi Thanh Hóa… góp phần làm rõ các phong tục tập quán,đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Văn Lang- Âu Lạc xưa; Khi dạy về thời kỳ Bắc thuộc, nhiều bài thơ dân gian phản ánh rõ chính sách đôhộ hà khắc, thâm độc của bọn phong kiến phương Bắc; Dân ca Thanh Hóa lại là một minh chứng cho sự bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa Việt trong chính sách “đồng hóa” của kẻ thù; Câu đối bất hủ trong đền thờ bà Nguyễn Thị Hoa (Nga Thiện, Nga Sơn) lại khẳng định rõ đóng góp của nhân dân Thanh Hóa trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Thơ ca về Bà Triệu đã góp phần xây dựng hình tượng nữ tướng quật cường trong lòng dân… Ở thời kỳ phong kiến độc lập, có thể nói Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là người anh hùng gắn với rất nhiều giai thoại, những giai thoại dân gian này đã trở thành DSVHPVT vô giá giúp HS hiểu sâu sắc hơn về sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng này, đồng thời góp phần làm rõ đóng góp của nhân dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống quân Minh dành lại độc lập cho dân tộc; Nhiều câu đồng dao ở địa phương lại phản ánh tình hình kinh tế, đặc biệt sự phồn thịnh về nông nghiệp thời Lê sơ. Sau này, những giai thoại dân gian về Trạng Quỳnh đã làm rõ thể chế chính trị đặc biệt và bối cảnh thời vua Lê- chúa Trịnh…

Trong các loại hình DSVHPVT tại Thanh Hóa, nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng là loại hình rất đặc sắc, với dòng chảy mạnh mẽ có sức sống lâu bền. Các biểu hiện chủ yếu của loại hình di sản này ở Thanh Hóa có thể và cần thiết sử dụng trong DHLS là trò diễn, âm nhạc dân gian, múa dân gian, sân khấu dân gian… Trong bối cảnh nghìn năm Bắc thuộc với chính sách “đồng hóa” của kẻ thù, người Việt vẫn không dung nạp tiết tấu nhịp điệu hùng tráng, ồn ã của nhã nhạc, kinh kịch, diễn xướng Trung Hoa mà vẫn duy trì nhạc dân gian trữ tình nhẹ nhàng, ở Thanh Hóa tiêu biểu là các điệu hát dân ca, chèo, hát bội… Các trò diễn ở Thanh Hóa cũng rất phong phú và đặc sắc, tiêu biểu như trò Chụt, trò Triềng, trò Rủn, trò Bôn, trò Láng (trò Xuân Phả), Chèo Chải, trò Rối Chuộc, Rối Si… Trong đó, nhiều trò diễn phản ánh đời sống của cư dân nông nghiệp, phản ánh bản sắc của văn hóa Việt, như Chèo Chải, múa Đèn, trò Thủy… có thể sử dụng trong các bài lịch sử dân tộc có nội dung về thành tựu văn hóa hoặc là minh chứng cho sức sống bền bỉ của văn hóa dân tộc trong dã tâm “đồng hóa” của kẻ thù; Nhiều trò diễn phản ánh nội dung lịch sử như trò Ngô,  Ngô Quốc (trong trò Xuân Phả, trò Rủn) đề cập tới mối quan hệ giữa ta với Ngô, trò Tú Huần và Hoa Lang mô phỏng lại việc tộc người Tú Huần và Hà Lan đến tiến cống vua Đại Việt, trò Tung Cù ở Đông Sơn tái tạo lại cuộc chiến giữa ta với quân Ngô… Như vậy, những DSVHPVT này một lần nữa minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của văn hóa thuần Việt, là nguồn tài liệu quan trọng góp phần làm sáng tỏnhiều sự kiện của lịch sử địa phương và dân tộc, trở thành phương tiện trực quan sinh động trong DHLS nói chung.

Kinh tế cũng là một nội dung quan trọng trong chương trình lịch sử trường THPT. Để góp phần làm sinh động hóa kiến thức cho sự phát triển thủ công nghiệp qua các thời kỳ, các nghề thủ công truyền thống tại địa phương là loại hình DSVHPVT cần thiết khai thác để sử dụng trong DH. Các nghề thủ công tiêu biểu ở Thanh Hóa có thể lựa chọn trong DHLS như nghề đúc đồng (Thiệu Trung, Thiệu Hóa), nghề Rèn (Tiến Lộc, Hậu Lộc), nghề chế tác đá (làng Nhồi, Đông Sơn), nghề Mộc (Đạt Tài, Hoằng Hóa), nghề làm gốm (Lò Chum, TP. Thanh Hóa), nghề dệt thổ cẩm của người Mường…

Tóm lại, các DSVHPVT tại địa phương có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong DH nói chung, DHLS nói riêng. Đây không chỉ là nguồn tài liệu quan trọng về lịch sử địa phương mà còn phần cụ thể hóa, làm sáng tỏ kiến thức lịch sử dân tộc, là phương tiện trực quan đặc biệt làm sinh động hóa kiến thức. Mỗi loại hình DSVHPVT tại địa phương khi sử dụng trong DHLS có đóng góp ở nhiều khía cạnh khác nhau trong mỗi bài học. Để phát huy giá trị của loại hình di sản này, GV cần dựa trên những nguyên tắc và cơ sở khoa học để lựa chọn những di sản phù hợp với mỗi bài học lịch sử, từ đó góp phần đổi mới phương pháp và nâng cao hiệu quả DH bộ môn ở trường phổ thông. 

Chú thích

(1), (2) Bộ GD& ĐT– Bộ VHTT & DL, Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, số 73/HD-BGDDT- BVHTTDL, H. 2012

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ GD&ĐT- Bộ VHTT& DL, Tài liệu tập huấn “Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông”, Hà Nội, 2013
  2. Ban chấp hành Đảng bộ, UBND tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thanh Hóa, Tập 2, NXB KHXH, 2004
  3. Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa, Văn hóa phi vật thể Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa, 2005
  4. Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam- Thanh Hóa, Lễ tục, lễ hội truyền thống xứ Thanh, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001
  5. Phan Ngọc Liên (CB), Phương pháp dạy học lịch sử, 02 tập, NXB Đại học sư phạm Hà Nội, 2009.
  6. SGK Lịch sử Lớp 10, NXB Giáo dục, 2013.

 

Summary: The article has affirmed the value of cultural heritage in general, cultural intangible heritage in particular in teaching history. At the same time, clearly stated principles and scientific basis to choose the system of cultural heritage in local use in teaching history in secondary schools in Thanh Hoa province. The focus range option is the typical legacy content used in teaching the section national history class 10 at the high school.

 

Tin liên quan