Sách “Tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa " của PGS.TS Mai Văn Tùng, PGS.TS Hoàng Thanh Hải.

9/10/2023 10:42:21 PM
Cùng với nguồn tư liệu nghiên cứu thực địa, nhóm tác giả gồm PGS.TS Mai Văn Tùng và PGS.TS Hoàng Thanh Hải đã kế thừa có chọn lọc những thành quả khoa học, biên soạn hệ thống thành cuốn sách có ý nghĩa trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, khoa học và giáo dục, với mục tiêu là giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa về một vùng đất cụ thể - huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài các phần Lời giới thiệu, Kết luận, Phụ lục, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của cuốn sách gồm 4 chương.
 
Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202309/Images/bia-sua-20230910103958-e.jpg

 

Thường Xuân là một trong 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa. Đây vừa là cửa ngõ “tiền trạm”, vừa là “phên dậu” có vị trí trọng yếu của vùng thượng du xứ Thanh nói riêng và của quốc gia dân tộc Việt Nam nói chung. Thường Xuân không chỉ gắn với đặc sản có tính biểu tượng “Quế ngọc châu Thường” mà còn được biết đến với tư cách một vùng “địa linh nhân kiệt” gắn liền với địa danh Lũng Nhai - nơi diễn ra Hội thề của 18 tướng lĩnh cùng Bình Định Vương Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV, là quê hương của Cầm Bá Thước - thủ lĩnh người Thái trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX. Đây còn là một không gian lịch sử văn hóa tiêu biểu - nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của các tộc người Thái, Mường, Kinh giàu bản sắc, đa dạng, độc đáo. Hơn nữa, Thường Xuân còn là vùng đất có truyền thống nhân văn, truyền thống lao động sáng tạo, truyền thống anh hùng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương cũng như của quốc gia dân tộc. Đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là “Bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị văn hóa ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh...”. Xuất phát từ tinh thần trên, Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Thường Xuân tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với nguồn tư liệu nghiên cứu thực địa, nhóm tác giả gồm PGS.TS Mai Văn Tùng và PGS.TS Hoàng Thanh Hải đã kế thừa có chọn lọc những thành quả khoa học, biên soạn hệ thống thành cuốn sách có ý nghĩa trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, khoa học và giáo dục, với mục tiêu là giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa về một vùng đất cụ thể - huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài các phần Lời giới thiệu, Kết luận, Phụ lục, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của cuốn sách gồm 4 chương:

Chương 1. Vài nét về điều kiện tự nhiên, quá trình hình thành các dân tộc và hành chính của huyện Thường Xuân qua các thời kì

Chương 2. Truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm

Chương 3. Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo

Chương 4. Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ tục - lễ hội truyền thống

Nhìn chung, tài liệu đã giới thiệu khái quát được những vấn đề cốt lõi về điều kiện tự nhiên, con người, giá trị lịch sử - văn hóa vùng đất Thường Xuân, làm cơ sở cho việc nhận thức, nâng cao lòng tự hào về quê hương mình, cũng như tiềm năng thế mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. Đồng thời trang bị những kiến thức cơ bản giúp học sinh có những hiểu biết về truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương, từ đó hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù góp phần phát triển cho học sinh năng lực thích ứng tích cực với cuộc sống. Nhờ đó, học sinh dễ hòa nhập với môi trường đang sinh sống, có trách nhiệm trong việc tìm hiểu, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống về lịch sử - văn hoá của quê hương và đất nước; định hướng tốt hơn trong hành trình lập thân, lập nghiệp của học sinh, theo đúng tinh thần mục tiêu triết lý giáo dục của UNESCO.

Để cuốn Tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa được ra mắt bạn đọc, ngoài sự nỗ lực lao động trí tuệ của các soạn giả, còn nhận được sự giúp đỡ nhiều mặt của các tập thể, cá nhân trong huyện, trong tỉnh, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện; các cơ quan, đơn vị cấp huyện; Trường Đại học Hồng Đức, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa; Nhà xuất bản Thanh Hóa; các nhà nghiên cứu người địa phương đang công tác trên mọi miền Tổ quốc, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Thường Xuân... Nhóm tác giả biên soạn tài liệu trân trọng cảm ơn sự đóng góp, giúp đỡ quý báu đó.

Lập thu 2023

Nhóm tác giả

Tin liên quan