Sự biến đổi cơ cấu dân số ở thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội

4/11/2023 6:54:15 PM
Nghiên cứu về cơ cấu dân số giúp nhận diện rõ bức tranh dân số của mỗi quốc gia đang diễn tiến như thế nào để có những định hướng phát triển dân số phù hợp; vừa phát triển kinh tế bền vững và đảm bảo giáo dục, an sinh xã hội. Thành phố (TP) Sầm Sơn là đô thị lớn đang trong quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ của tỉnh Thanh Hóa; yêu cầu đánh giá về biến đổi cơ cấu dân số càng có ý nghĩa quan trọng. Về mặt lí luận, bài báo góp phần làm sáng tỏ các khái niệm; lựa chọn hệ thống chỉ tiêu, phương pháp vận dụng để nghiên cứu sự biến đổi cơ cấu dân số ở một địa bàn cụ thể. Về mặt thực tiễn, bài báo đã đánh giá sự biến đổi cơ cấu dân số ở TP Sầm Sơn trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội trên các khía cạnh: cơ cấu dân số theo tôn giáo, dân tộc, giới tính, độ tuổi, trình độ văn hóa…; Bài báo đánh giá cụ thể tới 11 xã/phường của thành phố; so sánh với toàn tỉnh và một số đô thị khác trong tỉnh Thanh Hóa; tìm ra nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp điều chỉnh cơ cấu dân số phù hợp với phát triển kinh tế- xã hội ở TP Sầm Sơn trong tương lai.

 

 

Nguyễn Thị Dung1, Vũ Thị Minh Thư2

1 Trường Đại học Hồng Đức, 565 Quang Trung, Đông Vệ, TP Thanh Hóa

2 Học viên Cao học Địa lí K14, Trường Đại học Hồng Đức

 

 

 

* Từ khóa: Cơ cấu dân số, Thành phố Sầm Sơn, phát triển kinh tế - xã hội.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thành phố Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa; là đô thị có vị trí chiến lược quan trọng cả về mặt chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng đối với toàn tỉnh. Quá trình phát triển kinh tế- xã hội, mở rộng địa giới hành chính, quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa đã làm biến đổi bức tranh cơ cấu dân số của TP Sầm Sơn; trong đó quan trọng nhất là sự chuyển đổi mô hình dân số, sự thay đổi trong cơ cấu tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hóa của dân cư… Sự thay đổi này có những mặt tích cực, và còn một số hạn chế, thách thức. Do vậy, để điều khiển cơ cấu dân số ở TP Sầm Sơn hợp lí hơn tromg những năm tiếp theo, cần thiết phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ và bền vững với sự chung sức của toàn dân.

2. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Dữ liệu

Các dữ liệu nghiên cứu trong bài báo được thu thập tại: Tổng cục Thống kê Việt Nam, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam; các báo cáo đánh giá sự biến đổi cơ cấu dân số của Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa; báo cáo Tổng điều tra dân số Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn các năm 1999, 2009 và 2019; các bài báo, chuyên khảo liên quan đến cơ cấu dân số từ các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước...

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài báo sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu là:

- Phương pháp thu thập và xử lí tài liệu: Phương pháp này giúp tác giả có thể tiếp cận với những cơ sở dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu và nguồn số liệu cập nhật từ các công trình nghiên cứu khoa học trước đó. Đây là một trong những phương pháp nghiên cứu quan trọng nhất nhằm có được một hệ thống tài liệu thứ cấp.

- Phương pháp bản đồ, biểu đồ: đây là phương pháp đặc trưng của Địa lí học; phương pháp này được sử dụng trong bài báo để xử lí số liệu, xây dựng các biểu đồ thể hiện trực quan nội dung và kết quả nghiên cứu.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Cơ cấu dân số theo dân tộc và tôn giáo

3.1.1. Cơ cấu dân số theo dân tộc

TP Sầm Sơn là địa bàn định cư của người Kinh. Tuy nhiên do chính sách tự do cư trú và các hoạt động sản xuất mà các dân tộc khác đã hội tụ về Sầm Sơn sinh sống, công tác, hoạt động sản xuất, dịch vụ du lịch…. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 502 người thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm 0,45% dân số TP Sầm Sơn. Trong số đó, đông nhất là người Mường (251 người), sau đó đến người Thái (179 người), người Thổ (23 người), các dân tộc khác chỉ có 49 người.

Bảng 1: Quy mô dân số theo dân tộc của TP Sầm Sơn năm 2021

                                                                                                    (Đơn vị tính: người)

 

Số dân

Theo các  dân tộc

Kinh

Mường

Thái

Thổ

Dân tộc khác

TP Sầm Sơn

111.317

110.815

251

179

23

49

P. Bắc Sơn

8.715

8.369

180

120

18

28

P. Trường Sơn

13.622

13.592

8

19

-

3

P. Trung Sơn

15.377

15.366

6

5

-

-

P. Quảng Tiến

15.606

15.596

5

1

-

4

P. Quảng Cư

11.346

11.327

11

7

-

1

P. Quảng Thọ

9.017

9.005

8

-

1

3

P. Quảng Châu

9.584

9.561

13

8

-

2

X. Quảng Minh

5.217

5.204

8

4

-

1

P. Quảng Vinh

9.926

9.906

6

11

3

-

X. Quảng Hùng

6.402

6390

6

2

1

3

X. Quảng Đại

6.505

6499

-

2

-

4

                                                                                                     (Nguồn: [3], [4])

Các dân tộc sống trên lãnh thổ TP Sầm Sơn tuy đều có những bản sắc văn hóa khác nhau; song họ đều có lòng yêu nước sâu sắc, tính cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, sống hòa hợp với thiên nhiên, làng xóm và nhân hậu, vị tha với những người xung quanh. Đồng thời, họ cũng nhanh chóng hội nhập, hòa mình vào cuộc sống và hoạt động của một đô thị du lịch đang trên đà phát triển nhanh.

3.1.2. Cơ cấu dân số theo tôn giáo

Hiện nay, trên địa bàn TP Sầm Sơn có hai tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo. Hai tôn giáo này được truyền vào vùng đất Sầm Sơn khá sớm chủ yếu bằng cả đường biển (nam truyền) và đường bộ (bắc truyền). Năm 2021, số người theo tôn giáo ở TP Sầm Sơn là 3.362 người, chiếm 3,02 % dân số. Trong đó số người theo Công giáo là 3.323 người (chiếm 98,83% tổng số người theo tôn giáo), theo Phật giáo là 34 người (chiếm 1,01% số người theo tôn giáo), đạo Tin lành là 4 người và 1 người theo Giáo hội các thành hữu ngày sau Chúa Giê su Ky Tô.

Bảng 2: Dân số theo tôn giáo phân theo các phường của TP Sầm Sơn, năm 2021

                                                                                         (Đơn vị tính: người)

 

Số dân

Dân số theo

tôn giáo

Dân số phân theo tôn giáo

Phật giáo

Công giáo

Tin lành

Tôn giáo

khác

TP Sầm Sơn

111.317

3.362

34

3.323

4

1

P. Bắc Sơn

8.715

482

6

476

-

-

P. Trường Sơn

13.622

5

1

3

-

1

P. Trung Sơn

15.377

1.556

6

1.548

2

-

P. Quảng Tiến

15.606

1.205

15

1.189

1

-

P. Quảng Cư

11.346

2

1

-

1

-

P. Quảng Thọ

9.017

44

1

43

-

-

P. Quảng Châu

9.584

4

4

-

-

-

X. Quảng Minh

5.217

1

1

-

-

-

P. Quảng Vinh

9.926

60

-

60

-

-

X. Quảng Hùng

6.402

1

1

-

-

-

X. Quảng Đại

6.505

2

-

2

-

-

                                                                                       (Nguồn: [3], [4])

Công giáo là tôn giáo có số lượng người theo đông nhất, chiếm 98,83% tổng số người theo tôn giáo ở TP Sầm Sơn. Số người theo Công giáo ở TP Sầm Sơn cũng thay đổi theo thời gian. Năm 1954 tổng số giáo dân là trên 800 người. Sau cuộc di cư, giáo dân tản mát khắp nơi, hầu hết vào Nam sinh sống, nên chỉ còn lại trên 300 người. Thời gian ly tán qua đi, sự phát triển thịnh vượng lại trở về với giáo xứ, số giáo dân gia tăng mạnh mẽ. Vào năm 1960, giáo xứ có 13 họ đạo gồm: Lương Trung (Trị sở); Hải Thôn; Sơn Thôn; Cá Lập; Triều Dương; Hoà Chúng; Xuân Độ; Văn Lâm Thượng; Thung Thôn; Nho Quan; Trường Tân; Triều Công; Tân Lập. Về sau, 1963 - 1969 do thời thế khó khăn nên số giáo dân sa sút, một vài họ đạo bị xóa sổ hoặc chuyển sang sinh hoạt ở xứ khác, như: Họ Văn Lâm Thượng, họ Thung Thôn đã bị xóa sổ, họ Triều Công nhập vào xứ Phúc Lãng. Năm 1995 sát nhập 4 họ Hải Thôn, Tân Lập, Cá Lập và Triều Dương thành họ Tân Hải với số giáo dân trên 2.000 người. Hiện nay giáo xứ Sầm Sơn còn lại 4 giáo họ: Trị sở, Hoà chúng, Nho Quan và Xuân Độ.

Tất cả các phường, xã ở TP Sầm Sơn đều có người theo tôn giáo, nhưng đông nhất là các phường Trung Sơn (1.556 người), Quảng Tiến (1.205 người), Bắc Sơn (482 người), Quảng Vinh (60 người), Quảng Thọ (44 người). Nhìn chung với cộng đồng tôn giáo đa dạng như hiện nay, thực sự là một nguồn lực để TP Sầm Sơn thực hiện xã hội hóa công tác xã hội, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp, phù hợp với với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3.2. Cơ cấu sinh học

3.2.1. Cơ cấu dân số theo giới tính

Tỷ số giới tính của TP Sầm Sơn thay đổi qua các thời kỳ. Năm 1985, quy mô dân số TP Sầm Sơn là 34.989 người, trong đó có 16.091 nam và 18.898 nữ; với tỷ số giới tính ở mức thấp nhất chỉ 85,14%. Nguyên nhân là do một bộ phận nam giới bị hy sinh trong chiến tranh, bên cạnh đó là nghề đi biển ở Sầm Sơn cần nhân lực nam, trong bối cảnh tàu thuyền lúc này còn lạc hậu, nên dễ bị thiệt mạng khi gặp bão, dông tố, gió lớn trên biển.

Bảng 3: Tỉ số giới tính dân số ở một số đô thị của tỉnh Thanh Hóa, 1999- 2021

                                        (Đơn vị tính: nam/100 nữ)

 

ĐVHC

1999

2004

2009

2014

 

2019

 

2021

Biến động 1999- 2021

Toàn tỉnh

95,6

96,0

97,7

97,9

99,6

98,9

3,3

TP Thanh Hóa

95,1

90,4

93,6

92,7

95,9

97,6

2,5

TX Bỉm Sơn

102,2

100,7

104,2

102,8

99,7

99,9

-2,3

TP Sầm Sơn

97,3

95,2

98,2

96,5

99,6

99,1

1,8

TX Nghi Sơn

96,7

97,0

98,5

100,5

99,9

98,7

2,0

                                                                                               (Nguồn: [2], [3], [4])

Trải qua các giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển kinh tế- xã hội, TP Sầm Sơn luôn là điểm du lịch lớn của tỉnh Thanh Hóa và vùng Bắc Trung Bộ nên cần nhiều lao động nữ trong lĩnh vực dịch vụ; do đó tỷ số giới tính của dân số TP Sầm Sơn tương đối thấp dù vẫn theo xu thế chung là tăng dần lên. Theo Tổng điều tra dân số ngày 01-4-1999, Sầm Sơn có tỷ số giới tính là 97,3%; năm 2009 tăng lên 98,2%; năm 2019 là 99,6%; đến năm 2021 là 98,9%. Nhìn chung so với các đô thị khác trong tỉnh, giai đoạn 1999- 2021 tỉ số giới tính của dân số TP Sầm Sơn có tăng, nhưng sự biến động không nhiều, chỉ 1,6%.

Bảng 4: Tỷ số giới tính dân số TP Sầm Sơn phân theo xã, phường năm 2021

                                                                                (Đơn vị: nam/100 nữ)

Tên phường, xã

Tỷ số giới tính

Tên phường, xã

Tỷ số giới tính

TP Sầm Sơn

98,9

X. Quảng Minh

96,7

P. Trung Sơn

98,7

X. Quảng Hùng

101,0

P. Bắc Sơn

98,9

P. Quảng Thọ

98,2

P.Trường Sơn

96,9

P. Quảng Châu

99,6

P. Quảng Cư

100,4

P.Quảng Vinh

99,5

P. Quảng Tiến

101,4

X. Quảng Đại

101,1

                                                                    (Nguồn: Tính toán từ [3], [4])

Từ bảng 4 có thể thấy: sự khác biệt về tỷ số giới tính giữa các xã/phường ở TP Sầm Sơn khá lớn. Trong đó các xã/phường có nghề đánh bắt thủy hải sản có tỷ số giới tính cao hơn như: Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Hùng, Quảng Đại; các phường có tỷ số giới tính thấp hơn thường gắn liền với hoạt động dịch vụ, du lịch biển như: Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn, Quảng Minh, Quảng Thọ, Quảng Châu... Nhìn chung tỷ số giới tính bị tác động trực tiếp bởi mô hình sinh, chết ở xã/phường; điều kiện sống và quan niệm về sinh con trai, con gái; và trong đời sống sản xuất của từng địa phương, những nơi thu hút nhiều người di cư là nam giới sẽ làm tăng tỷ số giới tính và ngược lại. Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa làm cho tỷ số giới tính ở TP Sầm Sơn ngày càng tăng lên trong vòng 10 năm qua là tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh.

Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai sinh ra sống trên 100 bé gái sinh ra sống. Trong Dân số học, tỷ số này dao động trong khoảng 104-106 là bình thường. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ số giới tính khi sinh của TP Sầm Sơn tăng lên rất nhanh, từ 109,5 (năm 2009) lên 130,0 (năm 2019) và 129,3 (năm 2021); tăng thêm 19,8 bé trai/100 bé gái. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh trung bình toàn tỉnh Thanh Hóa cùng thời gian này là 110,7, 114,9 và 113,9; chỉ tăng thêm 3,2 bé trai/100 bé gái. Như vậy, TP Sầm Sơn có hiện tượng chênh lệch giới khi sinh rất lớn, tới mức báo động.

Chênh lệch giới tính khi sinh sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu về các mặt cơ cấu dân số, cơ cấu lao động, tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn, tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không thể kết hôn, nhiều phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao… Cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới của TP Sầm Sơn sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại. Với qui mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài, nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ giới trong cùng một thế hệ, và họ có thể phải đối mặt với những khó khăn khi tìm kiếm bạn đời, trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỉ lệ sống độc thân ...

3.2.2. Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi

Trong giai đoạn 1999 - 2021, cơ cấu tuổi theo khoảng cách không đều nhau của dân số TP Sầm Sơn biến động theo hướng: tỉ lệ trẻ em (0 - 14 tuổi) giảm từ 33,1% năm 1999 xuống còn 26,3 % năm 2021 (tỉnh Thanh Hóa tương ứng là 35,5% và 25,3%. Tỉ lệ dân số nhóm tuổi 15 - 59 (nhóm lực lượng lao động) tăng từ 58,9% năm 1999 lên 61,1% năm 2021 (cả tỉnh 55,4% lên 60,2%). Nhóm dân số trên 60 tuổi tăng nhanh, từ 8,0% năm 1999 lên 12,6% năm 2021 (cả tỉnh 9,1% lên 14,5%). Về cơ bản, sự biến động cơ cấu tuổi dân số TP Sầm Sơn diễn ra mạnh hơn so với cả tỉnh.

Bảng 5: Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi TP Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa, 1999- 2021

                                                                                                    (Đơn vị: %)

Năm/

Nhóm tuổi

1999

2009

2019

 

2021

Biến động

1999 - 2021

Thanh Hóa

TP Sầm Sơn

Thanh Hóa

TP Sầm Sơn

Thanh Hóa

TP Sầm Sơn

Thanh Hóa

TP Sầm Sơn

Thanh Hóa

 TP Sầm Sơn

0 - 14

35,5

33,1

23,4

24,5

24,6

26,4

25,3

26,3

- 10,2

6,8

15 - 59

55,4

58,9

65,9

66,8

61,3

61,3

60,2

61,1

4,8

2,2

Trên 60

9,1

8,0

10,7

8,7

14,1

12,3

14,5

12,6

5,4

4,6

    (Nguồn: Tính toán từ [2], [3], [4])

Trong cơ cấu tuổi theo khoảng cách đều nhau có thể thấy: nhóm tuổi trẻ có số lượng đông; càng lên các nhóm tuổi cao, số lượng cả nam và nữ đều giảm. Năm 2021, nhóm tuổi 0- 14 có 29.320 người, chiếm 26,3% tổng dân số, giảm 6,8% so với năm 1999. Điều này phản ánh trong 20 năm qua, mức sinh của Sầm Sơn đã có xu hướng giảm nhanh; đây chính là thành tựu của công tác DS- KHHGĐ. Nhóm tuổi 25- 29 và 30- 34 có số lượng cao hơn các nhóm 10- 14, 15-19 và 20- 24; phản ánh mức sinh của dân số Sầm Sơn rất cao trong thập kỷ 80- 90 của thế kỷ 20. Với số lượng đông, trong 5- 10 năm tới, trung bình hàng năm sẽ có thêm một lực lượng lớn dân số (trên 2.000 người) bước vào độ tuổi lao động. Đây là một thách thức mà Sầm Sơn cần tập trung giải quyết để tạo việc làm cho lực lượng này.

Số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ thuộc 3 nhóm có khả năng sinh đẻ cao nhất (20- 24, 25- 29 và 30- 34) là 12.691 người, chiếm 22,9% tổng số phụ nữ. Đây là một chỉ báo về mức sinh có nguy cơ cao trong những năm tới, nếu như họ không thực hiện tốt chính sách dân số của Nhà nước.

Sự biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc tuổi dân số ở TP Sầm Sơn đã tác động lớn làm thay đổi: tháp dân số; mô hình dân số; tỉ lệ dân số phụ thuộc; và chỉ số già hóa dân số.

+ Tháp dân số

Tháp tuổi năm 2009 và 2021 của TP Sầm Sơn về cơ bản vẫn là đáy rộng, đỉnh nhọn. Tuy nhiên tháp năm 2021 có đáy thu hẹp, đỉnh tù hơn và thuộc kiểu tháp quá độ từ tháp mở rộng (tháp dân số trẻ) sang tháp trưởng thành (tháp dân số phát triển chậm).

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/dung-e-20230411070014-e.png

                                        (Nguồn: Xây dựng từ [3], [4])

Hình 1: Tháp tuổi thành phố Sầm Sơn năm 2009 và 2021

Nhìn chung không có sự khác biệt ở phần đáy tháp của năm 2021 so với năm 2009, cho thấy mức sinh vẫn duy trì ổn định. Phần giữa tháp năm 2021, hai thanh nhóm tuổi 10-14 và 15- 19 thu hẹp so với năm 2009 cho thấy tỷ trọng lực lượng thanh thiếu niên có xu hướng giảm. Các thanh ở nhóm tuổi 25- 65 của tháp năm 2021 vẫn được mở rộng và không có biến động nhiều so với tháp năm 2009, điều này cho thấy TP Sầm Sơn vẫn duy trì được một lực lượng lao động dồi dào. Đấy là lợi thế lớn trong việc phát triển kinh tế, nhưng cũng là sức ép đối với công tác giải quyết việc làm. Tháp tuổi năm 2021 của TP Sầm Sơn thuộc kiểu tháp chuyển tiếp từ dân số trẻ sang già, đặc trưng cho dân số trưởng thành với dân số tăng chậm; tương tự tháp dân số Việt Nam hiện nay.

+ Mô hình dân số

Với cấu trúc dân số như trên, TP Sầm Sơn đang trong mô hình quá độ từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già, thuộc giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Lợi thế to lớn của “cơ cấu dân số vàng” là đem lại nguồn nhân lực dồi dào; nếu được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, từ đó tạo sự phát triển vượt bậc về kinh tế. Về mặt xã hội, “cơ cấu dân số vàng” tạo cơ hội cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên. “Cơ cấu dân số vàng” tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Lực lượng lao động dồi dào với đặc tính cần cù, thông minh cũng đang là yếu tố tạo nên sức hút của Sầm Sơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp TP Sầm Sơn trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thách thức của thời kỳ “dân số vàng” là áp lực giải quyết việc làm cho người lao động. Cùng với đó, trong thời kỳ đòi hỏi lao động phải có trình độ chuyên môn, tay nghề cao; việc đào tạo người lao động để có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ hiện đại là thách thức không nhỏ. Nếu không giải quyết được vấn đề này, lao động Sầm Sơn sẽ chỉ là lao động giản đơn, có năng suất thấp, không tạo được nhiều giá trị gia tăng và là trở ngại lớn trên con đường đưa TP Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch hiện đại.

+ Tỷ số phụ thuộc

Tỷ số phụ thuộc chung của dân số TP Sầm Sơn tăng từ 50,3% năm 2009 lên 63,8% năm 2021. Nguyên nhân là do tỷ số phụ thuộc già và phụ thuộc trẻ tăng nhanh. Năm 2021, chỉ số phụ thuộc già tăng lên tới 20,7%, tăng thêm 8,99% so với năm 2009; và tỷ số phụ thuộc nhóm 0- 14 tuổi tăng thêm 2,56% so với năm 2009.

Bảng 6: Tỷ số phụ thuộc và chỉ số già hóa dân số theo các xã, phường của

TP Sầm Sơn năm 2021

Xã/phường

Tỷ số phụ thuộc (%)

Chỉ số già hóa (%)

Xã/phường

Tỷ số phụ thuộc (%)

Chỉ số già hóa (%)

TP Sầm Sơn

63,8

48,0

X.Quảng Minh

62,1

49,0

P.Trung Sơn

62,3

40,4

X.Quảng Hùng

58,5

46,8

P.Bắc Sơn

60,5

49,4

P.Quảng Thọ

68,6

54,1

P.Trường Sơn

64,8

41,8

P.Quảng Châu

64,2

51,1

P.Quảng Cư

64,0

37,0

P.Quảng Vinh

64,5

45,0

P.Quảng Tiến

56,5

53,7

X.Quảng Đại

61,6

48,8

                                    (Nguồn: Tính toán từ [3], [4])

Ở TP Sầm Sơn, số người bước vào độ tuổi lao động tăng nhanh, đạt đỉnh cao nhất  vào năm 2009 với 66,8%; hiện nay đang có xu hướng giảm do quá trình già hóa dân số, năm 2021 chỉ còn chiếm 61,1%. Vào thời điểm năm 2021, cứ 100 người ở nhóm tuổi 15- 60 phải đảm nhiệm 63,8 người ở nhóm tuổi trẻ em và người già.

+ Già hóa dân số

Tỉ lệ người 60 tuổi trở lên ở TP Sầm Sơn đã tăng từ 8,0% năm 1999 lên 12,6% năm 2021. Trong đó, tỉ lệ người già từ 65 tuổi trở lên cũng tăng khá nhanh từ 5,8% lên 8,3%. Như vậy, nếu căn cứ vào cả 2 chỉ số (từ 65 tuổi trở lên > 7%, và từ 60 tuổi trở lên > 10%), dân số TP Sầm Sơn đã chạm ngưỡng “già hóa dân số” từ năm 2009; điều đó đồng nghĩa với việc TP Sầm Sơn đang trong quá trình chuyển đổi nhanh về nhân khẩu học.

Chỉ số già hoá của TP Sầm Sơn tăng nhanh qua các năm, từ 21,6 năm 1999 lên 48,0 năm 2021 (được nêu trong bảng 6). Các chỉ số này thấp hơn so với mức trung bình toàn tỉnh (chỉ số già hóa toàn tỉnh lần lượt là từ 26,6 lên 62,4). Tuổi thọ trung bình tăng và mức sinh giảm chính là yếu tố dẫn đến sự già đi của dân số. Đáng lưu ý là dân số nữ được xem là “già hóa” hơn dân số nam, như hệ lụy tất yếu sau chiến tranh cùng với đặc điểm cố hữu là tuổi thọ trung bình của nữ giới luôn cao hơn nam giới. Những dự báo cho thấy, già hóa dân số ở TP Sầm Sơn tiếp tục tăng rất nhanh. Đây là thách thức lớn, do TP Sầm Sơn bước vào giai đoạn già hóa dân số trong bối cảnh kinh tế còn nghèo, các vấn đề an sinh xã hội còn nhiều hạn chế, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người cao tuổi gặp nhiều khó khăn.

Xu hướng già hoá dân số và tỉ lệ dân số phụ thuộc già có sự phân hóa theo các xã, phường (xem trong bảng 6) trong đó phường Bắc Sơn, xã Quảng Minh, phường Quảng Thọ, phường Quảng Châu có chỉ số già hóa cao hơn mức trung bình của TP Sầm Sơn, chủ yếu liên quan tới việc gia tăng tỷ lệ dân số già trong cơ cấu dân số.

Già hóa dân số có những tác động lẫn tiêu cực. Tác động tích cực đó là: mở ra nhiều cơ hội phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp, chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng... Tác động tiêu cực đó là: sự suy giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế; sự gia tăng nghèo và bất bình đẳng trong xã hội; sức ép đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và  hệ thống y tế; sức ép đối với tài chính công với những áp lực về đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; những thách thức về xã hội như đảm bảo đời sống văn hóa và tinh thần cho người cao tuổi, điều chỉnh thị trường lao động- việc làm, giải quyết mâu thuẫn và xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già...

3.3. Cơ cấu dân số theo trình độ văn hóa

Ở TP Sầm Sơn trong những năm qua, trình độ văn hoá của dân cư đã có xu hướng được cải thiện và nâng cao; đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, gia tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy các mặt khác của đời sống xã hội phát triển.

3.3.1. Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi

Trải qua 10 năm, giáo dục phổ thông ở Sầm Sơn đã có sự cải thiện rõ rệt trong việc tăng tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi. Trong đó bậc trung học phổ thông có sự cải thiện rõ ràng nhất. Tuy vậy vẫn còn sự chênh lệch về thực trạng đi học giữa các bậc học, các phường, xã ở TP Sầm Sơn và theo giới. Theo số liệu của Tổng điều tra năm 2019 thì:

Ở cấp tiểu học: TP Sầm Sơn có tỷ lệ đi học chung là 101,7%, trong đó nam là 101,8% và nữ là 101,5%. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả tỉnh (100,9%). Tỷ lệ đi học chung có sự khác nhau theo phường/xã; cao nhất là phường Bắc Sơn (106,2%), Quảng Tiến (105,5%); thấp nhất là xã Quảng Đại (98,5%). Tỷ lệ đi học đúng tuối cấp tiểu học của Sầm Sơn là 98,4%, tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của nam bằng nữ. Tỷ lệ này thấp hơn một chút so với tỷ lệ bình quân chung của cả tỉnh (là 98,7%). Tỷ lệ đi học đúng tuổi cao nhất là xã Quảng Hùng (99,8%), rồi đến  xã Quảng Minh (99,3%), thấp nhất là xã Quảng Đại (96,7%).

Ở cấp trung học cơ cở: Tỷ lệ đi học chung là 96,0%, trong đó nam là 95,8% và nữ là 96,2%. Tỷ lệ đi học chung cao nhất là phường Quảng Châu (99,3%), rồi đến phường Quảng Cư (98,7%). Tỷ lệ đi học đúng tuổi là 92,2%, của nam 91,4% và của nữ là 93,1%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cao nhất là phường Quảng Châu (96,5%) rồi đến phường Trường Sơn (96,3%) và thấp nhất là phường Bắc Sơn (984,8%).

Ở cấp trung học phổ thông: Tỷ lệ đi học chung là 84,9%; của nam là 81,3%, của nữ là 88,7%). Tỷ lệ đi học chung thấp nhất là phường Quảng Cư (75,5%), xã Quảng Đại (77,1%) và cao nhất là xã Quảng Minh (95,8%). Tỷ lệ đi học đúng tuổi là 79,3%; của nam là 75,9%, thấp hơn của nữ 7% (nữ là 82,9%). Tỷ lệ đi học đúng tuổi cao nhất là xã Quảng Minh (88,9%), phường Quảng Thọ (88,4%) và thấp nhất là phường Quảng Vinh (74,1%).

3.3.2. Tình hình biết đọc, biết viết

Biết đọc, biết viết là chìa khóa để tiếp thu kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và là một nhân tố để phát triển con người và xã hội. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ lệ biết chữ của dân số TP Sầm Sơn từ 15 tuổi trở lên là 96,8%, thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh một chút (97,30%). Trong đó tỷ lệ biết chữ của nữ là 96,2%, thấp hơn của nam (97,5%). Trong 10 năm (2009- 2019), tỷ lệ biết chữ của người Sầm Sơn đã tăng thêm 5,1% (từ 91,7% lên 96,8%).

Chênh lệch về tỷ lệ biết chữ của nam và nữ đã được thu hẹp đáng kể. Năm 2009, tỷ lệ biết chữ của nam là 93,7%, của nữ là 90,1%, chênh nhau 6,7%. Đến năm 2019, tỷ lệ biết chữ của nam là 97,5% và của nữ là 96,2%, chênh lệch 0,7%. Đây là một thành công trong việc thực hiện chính sách bình đẳng giới của thành phố. Tuy nhiên, nếu xét theo từng nhóm tuổi thì có sự chênh lệch khá rõ: nhóm tuổi trẻ tỷ lệ biết chữ tương đương nhau, càng lên nhóm tuối cao thì sự chênh lệch này khá lớn. Đây là hệ quả của những thiệt thòi mà người phụ nữ phải chịu trong quá khứ (cách đây 45- 55 năm).

Đáng chú ý là tại TP Sầm Sơn tỷ lệ biết chữ khu vực thành thị thấp hơn nông thôn (96,6% và 98,3%). Nguyên nhân chính là do khu vực thành thị có một bộ phận dân cư làm nghề khai thác hải sản, người dân đi biển dài ngày nên ít chú trọng đến việc học tập.

3.3.3. Số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng

Số năm đi học bình quân của dân số TP Sầm Sơn là 9,0 năm; trong đó của nam là 9,3 năm, của nữ là 8,6 năm; chênh lệch nhau 0,65 năm. So với toàn tỉnh và các đô thị khác thì TP Sầm Sơn có số năm đi học bình quân thấp hơn.

Số năm đi học kỳ vọng cung cấp một tín hiệu tốt về tương lai của nền giáo dục và là cơ hội tiếp cận với giáo dục chuyên sâu. Số năm đi học kỳ vọng của TP Sầm Sơn là 11,3 năm; trong đó nữ là 11,5 năm và nam là 11,0 năm. Khu vực thành thị có số năm đi học kỳ vọng cao hơn khu vực nông thôn (12,8 năm và 11,1 năm). Tuy nhiên số năm đi học kỳ vọng của TP Sầm Sơn thấp hơn mức trung bình của tỉnh (11,7 năm) và các đô thị: TP Thanh Hóa là 14,4 năm, TX Bỉm Sơn là 14,4 năm. Đây cũng là một nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Sầm Sơn cần phải giải quyết trong những năm tiếp theo.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1. Kết luận

Từ những phân tích trên, ta có thể thấy rằng: TP Sầm Sơn đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ quá độ dân số, mức sinh giảm và đã đạt tới “cơ cấu dân số vàng”- đây là cơ hội vàng trong việc sử dụng nguồn nhân lực trẻ, dồi dào cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh trong điều kiện vấn đề an sinh xã hội chưa đảm bảo; sự gia tăng nhanh chóng bất thường của tỷ số giới tính khi sinh ảnh hưởng lớn đến cấu trúc dân số trong tương lai; các chỉ tiêu về trình độ học vấn của dân cư so với cả tỉnh còn thấp và có sự phân hóa giữa các xã/phường... là những thách thức lớn của TP Sầm Sơn trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở giai đoạn tiếp theo.

4.2. Kiến nghị

Để cơ cấu dân số TP Sầm Sơn có sự biến đổi phù hợp; vừa phát triển kinh tế bền vững vừa đảm bảo giáo dục, an sinh xã hội; tác giả có đề xuất một số kiến nghị điều chỉnh cơ cấu dân số TP Sầm Sơn như sau:

* Để cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Sầm Sơn nên: phát động các chiến dịch giáo dục nhằm đề cao giá trị của trẻ em gái; đảm bảo thực hiện đầy đủ các khung pháp lý và chính sách hiện hành nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; nghiêm cấm lựa chọn giới tính trước khi sinh, ngăn chặn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và sử dụng hợp lý công nghệ hỗ trợ sinh sản; giải quyết tất cả các hình thức phân biệt đối xử về giới, bao gồm các các vấn đề liên quan đến đăng ký đất đai, bạo lực, hôn nhân, lựa chọn sinh sản, và thừa kế; khuyến khích học hỏi kinh nghiệm giải quyết trình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh của các địa phương khác và thúc đẩy thảo luận công khai…

* Với cơ cấu dân số vàng, TP Sầm Sơn phải đồng thời giải quyết cả hai nhóm nhiệm vụ có liên quan đến dân số trẻ và dân số già. Đối với cơ cấu dân số trẻ cần phải giải quyết các nhu cầu về: giáo dục, chăm sóc sức khoẻ; phát triển kinh tế để tạo việc làm cho số người bước vào tuổi lao động nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp. Ngược lại, đối với cơ cấu dân số già, tuy không chịu sức ép về dân số, giáo dục, y tế, chất lượng cuộc sống; song lại phải đối mặt với những vấn đề như tình trạng thiếu lao động, an sinh tuổi già và nguy cơ suy giảm số dân.

* Để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số hiện nay và lão hóa dân số trong những năm tới, TP Sầm Sơn cần: (1) nhìn nhận người cao tuổi, nhóm dân số già có vai trò, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của thành phố, là chỗ dựa cho các thế hệ trẻ, thay vì nhìn nhận chỉ như các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội; (2) Già hóa dân số đang trở thành xu hướng chung không chỉ tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Do vậy, trong phát triển kinh tế- xã hội cần tính đến cả thời cơ và thách thức mà già hóa dân số mang lại. (3) Đảm bảo thu nhập cho người cao tuổi, khuyến khích tạo việc làm phù hợp để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau; đảm bảo cho người cao tuổi tiếp cận được với các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu. (4) Xã hội hóa, huy động các nguồn lực đa dạng để đáp ứng nhu cầu của sự già hóa dân số. Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào hạ tầng y tế, văn hóa, xã hội cho người cao tuổi…

* Các giải pháp điều chỉnh dân số khác: Thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ để giảm gia tăng dân số tự nhiên; tập trung nâng cao chất lượng dân số, nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em; chủ động điều chỉnh quy mô, gia tăng và sự phân bố dân số hợp lí.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa;  Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[2] Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa, (2000, 2020, 2020), Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Thanh Hóa các năm 1999, 20009, 2019; Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa các năm từ 2000 đến 2021; NXB Thống kê, Hà Nội.

[3]. Chi cục thống kê TP Sầm Sơn, (2020), Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 Thành phố Sầm Sơn; NXB Thống kê, Hà Nội.

[4]. Chi cục thống kê TP Sầm Sơn, (2020), Niên giám thống kê TP Sầm Sơn các năm từ 2000 đến 2021; NXB Thống kê, Hà Nội.

[5]. Nguyễn Đình Cử: Những xu hướng biến đổi dân số ở Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội, 2010.

[6]. Nguyễn Thị Dung (2020); Nghiên cứu đặc điểm dân số tỉnh Thanh Hóa; Luận án Tiến sĩ Địa lí học; Trường ĐHSP Hà Nội

CHANGE OF POPULATION STRUCTURE IN SAM SON CITY, THANH HOA PROVINCE IN THE SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT

 

Nguyen Thi Dung1, Vu Thi Minh Thu2

1Hong Duc University, 565 Quang Trung road, Dong Ve ward, Thanh Hoa city

2Geography Graduate Student - K14, Hong Duc University.

 

Abstract:

Research on population structure helps to clearly identify how the population picture of each country is progressed to have appropriate population development orientations, sustainable economic development and ensure education and social security. Sam Son city is a big urban area which is being in the process of strong industrialization of Thanh Hoa province; thus, the assessment of population structure change is even more important. Theoretically, the article contributes to clarify the concepts; select a system of indicators and methods of application to study the change in population structure in a particular area. Practically, the article assesses the change of population structure in Sam Son city in the process of socio-economic development in terms of population structure by religion, ethnicity, gender, age, educational level…etc. The article specifically evaluates at 11 communes/wards of Sam Son city and compares these regions with the whole province as well as some other urban areas of Thanh Hoa province; it also finds out the causes and propose some solutions to adjust the population structure in line with socio-economic development of Sam Son city in the future.

Keywords: Population structure, Sam Son city, socio-economic development.

 

 

Tác giả liên hệ: Nguyễn Thị Dung;

Học hàm, học vị: Tiến sĩ Địa lí học

Đơn vị công tác: Bộ môn Địa lý, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, 656 Quang Trung, Phường Đông Vệ, TP Thanh Hoa.

Email: nguyenthidungxh@hdu.edu.vn

Di động: 0945.872.819

 

 

STT

HỌ VÀ TÊN

TÊN BÀI BÁO

TẬP SỐ TRANG

TÊN TẠP CHÍ

1

Nguyễn Thị Dung

Sự biến đổi dân số ở TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong quá trình phát triển KT-XH

Tâp 1, tr 439-447

Hôị nghị khoa học Địa lí toàn quốc XIII

 

 

 

Tin liên quan