Tục ngữ người Việt về sản vật nông nghiệp xứ Thanh

3/7/2023 10:09:24 PM
Thanh Hóa là một vùng đất đa dạng địa hình: đồi núi, đồng bằng châu thổ và miền biển. Hơn nữa, xứ Thanh được hình thành trên miền đất cổ Đông Sơn của đồng bằng sông Mã nên sớm phát triển văn hóa nông nghiệp lúa nước một cách toàn diện. Tục ngữ người Việt là kho tàng tri thức phản ánh nhiều lĩnh vực trong tự nhiên và cuộc sống con người. Bộ phận tục ngữ phản ánh về các sản vật nông nghiệp xứ Thanh, trong đó có sản vật cây trồng, đã góp phần vẽ nên bức tranh khá toàn diện về sản vật cây trồng nơi đây.

 

 ThS Nguyễn Thị Quế
Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức

         

 Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành nông nghiệp với loại cây chủ đạo là lúa nước. Ngoài ra, khí hậu, đất đai ở Thanh Hóa cũng rất thuận lợi cho việc trồng các loại cây trái mùa. Sau khi hai vụ lúa kết thúc, người dân còn tranh thủ trồng các loại cây hoa màu như: đậu, ngô, khoai, lạc... ở ngoài đồng. Tận dụng những khu vườn nhà để trồng rau, củ, quả phục vụ cho đời sống. Đó chính là cách người dân tự cung, tự cấp cho cuộc sống thường nhật của mình. Họ đã đúc kết thành kinh nghiệm trao truyền cho con cháu nhằm nâng cao chất lượng cây trồng. Không đơn thuần như vậy, nhiều sản vật còn gắn với địa phương, do tính chất sinh học của cây phụ thuộc vào địa hình và thổ nhưỡng của từng vùng trong tỉnh. Do đó, sản vật từ cây trồng ở Thanh Hóa được phản ánh khá nhiều trong tục ngữ.

            Tục ngữ người Việt phản ánh về cây lúa và hoa màu, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người lao động Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Huyện Quảng Xương có đất đai màu mỡ, rộng thẳng cánh cò bay. Đặc biệt ở đồng Lái (Quảng Hợp), lúa năm nào cũng tốt bời bời, hơn hẳn các vùng khác: “Lúa đồng Lái, gái Dụ Côn” (1).

Xưa kia, năng suất lúa chưa đồng đều giữa các vùng, nên người dân còn chịu đói kém. Từ đó, họ đã biết trồng thêm các loại cây hoa màu. Khoai lang là loại cây trồng khá phổ biến ở các huyện trong tỉnh Thanh Hóa. Khoai lang có nhiều loại: “Cà làng Hạc ăn gãy răng, khoai làng Lăng ăn tắc cổ” (2), “Khoai làng Ná, cá sông Mực” (3) hay “Khoai Đồng Đà, cà khua Cốcốc mau sau”. Khoai ở làng Lăng (làng Linh Lộ, Quảng Hợp, Quảng Xương) là loại khoai trồng ở đất cát miền biển, củ to, thường gọi là khoai sắn ruột trắng. Ăn sống rất ngọt, luộc chín ăn bở nhưng bứ cổ vì chứa nhiều bột. Còn ở làng Ná (Nông Cống) có loại khoai lim đỏ, ngon ngọt rất nổi tiếng. Đồng Đà thuộc thôn Bàn Thạch, (xã Xuân Giang, Thọ Xuân) có giống khoai củ to và ngon. Những câu tục ngữ này đã khái quát chất lượng, đặc điểm từng loại khoai lang ở mỗi địa phương cụ thể.

Người dân cũng đúc kết cách phân biệt những loại khoai ăn được và không ăn được, dù giống nhau về hình dáng: “Khoai ao Lang Xá, chè  Phú Điền” (4). Câu tục ngữ này có hai giả định: một là ở địa danh Lang Xá (?), Phú Điền (Hậu Lộc) trồng nhiều khoai, chè ngon; hai là ở đây cũng như nhiều vùng khác của tỉnh, có loại khoai, cây giống khoai sọ, cây mùng nhưng ăn bị ngứa, gọi là cây khoai ao (lá và dọc cây xanh đậm, không có đốm tròn màu tím ở trên mặt lá). Đây có lẽ là kinh nghiệm cảnh báo của bà con vùng đất Hậu Lộc với những ai không phân biệt được khoai ao và khoai đốm (ăn được dọc và củ), khoai sọ.

 Tục ngữ còn cung cấp kinh nghiệm của người Thanh Hóa trong chế biến khoai lang. Khoai lang luộc rất nhanh chín và chín bằng hơi là ngon nhất: “Khoai lang nóng bàng (vung) thì chín” (5). Có thể nói, khoai là sản phẩm gắn bó mật thiết với đời sống người dân. Xưa kia, khi đói kém, người ta thường phải ăn khoai thay cơm. Không chỉ vậy, khoai còn là sản phẩm dùng cho chăn nuôi: dây khoai, chằm khoai (củ nhỏ và rễ cây khoai lang) cho lợn và bò ăn. Vì vậy, sản vật này được in dấu nhiều trong tục ngữ.

Bên cạnh khoai, các loại rau cũng đi vào trong tục ngữ một cách dung dị. Đó là những thức ăn chính trong cơ cấu bữa ăn của người Việt: “ làng Hạc ăn gãy răng, khoai làng Lăng ăn tắc cổ” (6), “Đường mía Vạn Lại, dưa cải chợ Bùi”. Người xưa có câu “Thịt cá là hoa, tương cà là gia bản”, quả không sai. Cà là loại quả thường được muối mặn, làm thức ăn dài ngày cho các gia đình. Ngoài ra còn dùng để luộc, om... Có những loại cà giòn gọi là cà pháo, còn cà bát to, dai... Ở chợ Bùi (Quảng Giao, Quảng Xương), nổi tiếng loại cải sen, thơm cay rất ngon. Người dân thường muối thành dưa để làm món ăn hằng ngày. Như vậy, tục ngữ phản ánh về các loại cây thuộc nhóm lương thực, rau củ, gắn bó thường xuyên với cuộc sống con người khá phong phú, giúp chúng ta nhận ra được đặc tính của từng sản vật và đặc điểm vùng đất gieo trồng nên các sản vật ấy.

Cùng với chủ đề phản ánh về sản vật cây trồng, các cây lương thực, thực phẩm, tục ngữ còn phản ánh về các loại cây ăn quả: mít, dừa, mía… Trên địa bàn Thanh Hóa, mít là loại cây trồng khá nhiều ở các vùng như Thạch Thành, Yên Định, Triệu Sơn... và mang bán nhiều nơi; nhưng muốn được thưởng thức mít ngon là phải đến chợ Bôn (Đông Thanh, Đông Sơn). Người dân thường mua mít từ các nơi trong vùng, mang về bán, trong đó có giống mít mật, múi to, cùi dày, ngọt: “Ăn mít đi chợ Bôn, ăn tôm đi chợ Ghép” (7), “Dừa làng Nghĩa, mía làng Tào” (8). Dừa Hoằng Hóa, xứ Thanh mang hương vị ngọt lành khó quên, được chắt lọc từ mạch nước nguồn sông Mã và lòng đất lắng đọng phù sa và cả những giọt mồ hôi mặn mòi thấm đẫm tình người nơi đây. Đến đất Hoằng Hóa, cửa ngõ phía Bắc thành phố Thanh Hóa, nhiều du khách đã thích thú ngắm nhìn những buồng dừa xanh trĩu quả. Hoằng Hóa nổi tiếng với dừa làng Nghĩa, thuộc xã Hoằng Lộc. Mùa dừa trổ hoa, hương thơm lan rộng, bay xa. Cả xóm làng nhuốm mình trong một màu xanh tươi trù phú. Xưa kia, những buồng hoa dừa hay được dùng trang trí trên bàn cô dâu, chú rể trong ngày cưới. Khi hôn lễ cử hành xong, lũ trẻ con tranh nhau xin nhánh hoa dừa rồi bóc lõi, bóc hoa mà ăn. Đó chính là những kỷ niệm, những tình cảm gắn bó của con người quê Thanh với cây dừa. Đất tốt nên quả sai, trái ngọt. Dừa làng Nghĩa từ lâu đã trở thành quà thơm ngon, đặc sản của làng quê Hoằng Hóa, hấp dẫn nhiều du khách gần xa về thẩm thụ. Trái dừa nơi đây to hơn dừa Bến Tre mang vị ngọt riêng. Giá trị nhất là dừa mùa, còn gọi là dừa chính vụ, nước dừa và cùi dừa rất tốt cho sức khỏe con người.

Mía cũng là loại cây trồng khá phổ biến của người dân Thanh Hóa. Phổ biến hơn cả là nghề trồng mía ở Thọ Xuân, ở Kim Tân (Thạch Thành). Mía Kim Tân có vỏ đỏ tím, vừa giòn, vừa ngọt, mắt mía cũng rất mềm. Mía quý ở Tống Sơn, Hà Trung gọi là mía Đường Trèo, gióng thưa, nước ngọt, dùng để tiến vua. Mía Đường Trèo không chỉ đi vào tục ngữ mà còn in dấu trong âm nhạc như một niềm tự hào. Vạn Lại (Xuân Châu, Thọ Xuân, Thanh Hóa) nổi tiếng với giống mía ngon, ngọt đậm. Mía ở đây nhiều và người ta biết chế biến mía thành đường, mật: “Đường mía Vạn Lại, dưa cải chợ Bùi”.

Một trong những sản vật cây trồng xứ Thanh được coi là đặc sản, đó là quế. Tục ngữ đã ghi nhận sản phẩm đặc biệt này: “Nem xứ Huế, quế xứ Thanh” (9), “Quạt Lưu vệ, quế Chính Sơn” (10). Chính Sơn thuộc xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân có nhiều quế tốt. Cây quế cũng là loại thuốc quý, có rất nhiều tác dụng. Quế ở Thường Xuân được coi là quế ngọc, rất quý, đặc biệt là quế bạch. Quế ở Thường Xuân đã được dâng tiến vua triều Nguyễn để chữa bệnh cho Thái hậu khỏi đau mắt. Xưa kia, người đi buôn quế chỉ cần có trong tay một khoanh quế bạch thì đã tương đương với 10 lạng vàng.

Bên cạnh đó, những thảo dược quý hiếm, những cây thuốc vườn nhà mộc mạc, cũng đi vào tục ngữ một cách tự nhiên, dung dị. Những loại cây này rất dễ tìm thấy quanh ta và tác dụng thật bất ngờ, người dân gọi là thuốc Nam. Dây khoai lang có nhiều công dụng với sức khỏe của nam giới. Cây ích mẫu có nhiều công dụng cho phụ nữ. Cỏ gấu (người Thanh Hóa còn gọi là cỏ ngú, tên đông y là hương phụ), diếp rừng (bồ công anh) có thể chữa đau bụng, bệnh sản... Cây hương nhu, ngải cứu, rau má... cũng chữa bệnh rất tốt. Đó cũng là những bài thuốc dân gian quý giá, an toàn. “Đàn ông trồng lang, đàn bà trồng ích mẫu” (11), “Đau bụng có ngú, đau vú diếp rừng, đau lưng hổ cốt, đau nhọt lá lang, đau sang (ghẻ) mấu chó” (12), “Nhức trốc (đầu) buộc hương nhu” (13), “Sản ho la mần trầu” (14), “Ngải cứu cứu ngãi” (15), “Rau má, ra máu” (16), “Nghệ già lá mít khoai khô, ăn rồi ông cúm bà cô đi liền” (17).

“Có thể xem đây chính là những biểu hiện của tình cảm quê hương gắn bó sâu sắc ở người dân Thanh Hóa. Nếu không gắn bó, lăn lộn trên mảnh đất quê hương thì làm sao có thể phát hiện được những giá trị tiềm ẩn, những thứ cây quả vốn rất dân dã, phổ biến ấy” (18). Đây là cơ sở để khẳng định, tục ngữ người Việt phản ánh về sản vật cây trồng xứ Thanh khá đa dạng và phong phú. Từ những loại cây lương thực cung cấp thức ăn nuôi sống con người đến các loại rau quả, cây ăn quả, cây đặc sản và cả những cây thuốc Nam rất dân dã mà hiệu quả trong phòng, chữa bệnh cho người dân đã được đúc kết trong những câu nói ngắn gọn.

Cùng với những sản vật lúa, khoai và rau củ, quả, tục ngữ người Việt còn cung cấp các sản phẩm của cây trồng đã qua chế biến. Đó là các loại bánh, cháo, chè, rượu... Tất cả những sản vật đó không chỉ là cách lưu tên mà còn thể hiện chất lượng sản phẩm và ẩn chứa tình cảm con người ở các địa phương trên dải đất Thanh Hóa: “Đi thì mỏi gối trối lè, không đi thì nhớ cháo chè Đình Hương” (19), “Bánh chưng Cầu Hậu, cháo đậu Quán Lào” (20). Các loại đậu, lạc, khoai, gạo nếp nấu mềm nhừ với đường đã tạo nên món ăn hấp dẫn: món cháo chè Đình Hương thơm ngon, bổ dưỡng, nổi tiếng. Thị trấn Quán Lào (Yên Định) là trung tâm mua bán của dân cư các huyện Yên Định, Thiệu Hóa. Cháo đậu ở đây nấu ngon, rẻ nên những ngày chợ phiên, người ta thường ăn trưa là cháo đậu.

Từ những hạt gạo trắng ngần, người dân Thanh Hóa đã khéo léo chế biến thành những món bánh ngon. Trong đó, có loại bánh dùng ngày lễ, tết như bánh chưng, bánh lá... Có loại dân dã như bánh đúc, bánh đa, bánh rán... Bánh đúc là món bình dân dễ làm, thường ăn trong ngày mưa. Xay bột tẻ thật nhỏ, cho một chút nước vôi trong và lạc nhân vào nấu chín, rồi gạt ra lá chuối tươi, để nguội cắt thành miếng vuông hoặc cho vào bát con để tạo thành từng miếng tròn. Người vùng chợ Go (Thiệu Châu, Thiệu Hóa) hay làm bánh đúc mang đi bán ngoài chợ. Bánh ăn có chút vị nồng đặc trưng của vôi, vị thơm của bột, vị bùi của lạc, ăn giòn sần sật. Nhiều người thích thưởng thức món bánh này với gia vị là mắm tôm: “Bánh đúc chợ Go, trâu bò chợ Bản” (21).

 Bánh chưng, bánh lá thường có vào các dịp tết hay trong các đám cưới. Đây là loại bánh cũng làm từ gạo. “Bánh chưng Cầu Hậu, cháo đậu Quán Lào” (22)[1]. Bánh đúc, bánh lá, bánh trưng khi ăn phải có bát, đũa thì bánh tráng lại rất giản tiện, chỉ cần dùng tay bẻ ra là ăn được: “Chồng đánh không chừa vẫn giữ cùi dừa bánh tráng” (23), “Chồng đánh đã đáng vẫn giữ bánh tráng cùi dừa” (24). Câu tục ngữ này nhắn nhủ cùi dừa phải ăn với bánh tráng thì mới cảm nhận được độ ngon của nó. Bánh tráng còn được gọi là bánh đa, loại bánh làm từ gạo tẻ. Sau khi xay thành bột nước, tráng chín bằng hơi, được rắc thêm vừng rồi phơi khô và quạt chín qua than hồng. Khi ăn có vị thơm của bột gạo nướng, thơm bùi của vừng. Nếu ăn với cùi dừa bánh có vị ngậy, ngọt béo rất ngon. Sản phẩm này thể hiện sự khéo léo của người xứ Thanh qua cách chế biến tinh tế hạt gạo.

            Sẽ là thiếu sót khi nói đến sản vật đã qua chế biến của xứ Thanh lại bỏ qua đặc sản chè lam Phủ Quảng. Ở Vĩnh Lộc có nghề gia truyền làm chè lam. Nghề này có nguồn gốc từ Nam Định, những người dân Nam Định di cư vào một số huyện phía tây Thanh Hóa sinh sống, họ đã phát triển nghề của cha ông theo đặc trưng của miền đất Vĩnh Lộc, tạo ra loại kẹo chè lam với hương vị mới lạ. Loại chè này được luyện từ bột nếp, xay nhỏ trộn với mạch nha, đường, lạc rang và một chút gừng. Khi sản phẩm được nấu chín thì dát mỏng, cắt thành thanh nhỏ. Ăn có vị ngọt, thơm đặc trưng của bột nếp và mật, vị bùi của lạc rang, vị thơm cay nhẹ của gừng. Sản phẩm này giòn tan, thưởng thức với nước chè thì rất tuyệt: “Vàng mã làng Giàng, chè lam Phủ Quảng” (25).

 Tục ngữ người Việt đã phản ánh sản vật cây trồng xứ Thanh một cách đa dạng, phong phú. Tục ngữ đã giới thiệu các sản vật ở từng địa phương trong tỉnh, với những đặc tính, cách thưởng thức từng sản phẩm ấy. Không dừng lại ở đó, tục ngữ người Việt còn giúp nhận biết các đặc sản của quê hương Thanh Hóa. Qua đó, có thể thấy được diện mạo chung của các sản vật từ bình dị, dân dã đến đặc sản, từ miền núi đến đồng bằng miền biển, từ tự nhiên đến chế biến và tình yêu quê hương của người dân xứ Thanh. Có thể nói, Thanh Hóa là mảnh đất phong phú các loại cây trồng, từ đó tạo ra các sản vật nông nghiệp nổi tiếng, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa ẩm thực thêm tinh tế, du lịch, làng nghề truyền thống thêm phát triển, còn chữa bệnh phục vụ tốt cho sức khỏe. Tục ngữ về sản vật nông nghiệp xứ Thanh là phương thức lưu truyền và quảng bá hiệu quả nhất về vùng đất này.

[1] Có dị bản: “Bánh chưng cầu Hậu, cháo đậu Quán Rào” (Quán Rào là một địa danh ở Hoằng Hóa).

1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 16, 20, 21, 22, 23, 24. Nguyễn Xuân Kính, Kho tàng tục ngữ người Việt, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 1649, 326, 1438, 125, 208, 209, 555.

4, 19. Vũ Quang Dũng, Địa danh Việt Nam trong tục ngữ, ca dao, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2006, tr. 343, 190.

9, 10, 25. Nguyễn Xuân Kính, Kho tàng tục ngữ người Việt, tập 2, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 1950, 2277, 2838.

11, 12, 13, 14, 15, 17, 18. Địa chí Thanh Hóa, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr. 144.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 376, tháng 10-2015

 

Tin liên quan