07/12/2022
Là trường Đại học đầu tiên theo mô hình trực thuộc địa phương của cả nước, đóng trên địa bàn của một tỉnh đất rộng người đông, địa lợi nhân hòa, có truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống hiếu học và khoa bảng. Do vậy, trường Đại học Hồng Đức đã rất nhanh chóng trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm văn hóa lớn nhất của Thanh Hóa. Đến nay, Trường Đại học Hồng Đức được đánh giá là một trong những trường đại học tốp đầu trong hệ thống các trường đại học của địa phương, có vị thế và tầm ảnh hưởng ấn tượng trong khu vực và cả nước. Tháng 02 năm 2022, theo Bảng xếp hạng Webometrics, Trường Đại học Hồng Đức được xếp thứ 30 trong tổng số 178 trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam, từng bước vươn lên sánh vai đồng hành với các trường đại học lớn trong cả nước.
Cùng với sự ra đời và phát triển của Trường Đại học Hồng Đức, khoa Khoa học xã hội (KHXH) - một trong những khoa đào tạo trụ cột của Nhà trường đến nay tròn 25 tuổi. ¼ thế kỉ đối với sự phát triển của một khoa đào tạo Đại học chưa phải là dài, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu liên tục và bền bỉ, các thế hệ thầy và trò khoa KHXH đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào và ấn tượng. Những thành tựu đó, trước hết khởi nguồn từ truyền thống đào tạo giáo viên THCS các ngành Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý của khoa gần nửa thế kỷ qua.
1. Khoa Khoa học xã hội và truyền thống gần nửa thế kỷ đào tạo giáo viên THCS các ngành Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý
Những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ ác liệt, gian khổ, sự nghiệp giáo dục của đất nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng vẫn được duy trì, phát triển. Nhu cầu giáo viên THCS của các huyện, thị rất lớn, nên có nhiều hệ đào tạo giáo viên THCS Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý, như hệ cấp tốc (6 tháng, 9 tháng), hệ 9+2, 7+3 miền xuôi, 7+3 miền núi, 10+1, 10+3 Xã hội. Trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa thời bấy giờ là một trong những trung tâm đào tạo giáo viên lớn, có uy tín nhất tỉnh và khu vực. Với 7 khóa 10+3 và nhiều hệ đào tạo ngắn hạn như trên, Khoa và Nhà trường đã đáp ứng kịp thời lực lượng lớn giáo viên THCS các môn xã hội cho ngành giáo dục của Tỉnh.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam bước sang thời kỳ phát triển mới. Hầu hết các tỉnh đều thành lập trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP). Năm 1978, trường Sư phạm 10+3 Thanh Hóa được nâng cấp thành trường CĐSP Thanh Hóa. Khoa Văn - Sử cũng được hình thành và là một trong những khoa lớn của Trường. Ngoài các tổ Ngữ văn, Lịch sử, khoa còn có tổ Ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh). Cuối năm 1992, tổ Địa lý (từ khoa Hóa - Sinh - Địa) nhập về, tổ Ngoại ngữ tách thành khoa Ngoại ngữ, khoa Văn - Sử đổi thành khoa Xã hội.
Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Trường CĐSP Thanh Hóa là một trong những trường CĐSP bề thế cả về quy mô đội ngũ GV, số lượng SV và chất lượng đào tạo. Trường có cả khoa đào tạo Đại học đại cương, đã từng chủ trì biên soạn giáo trình CĐSP chung cho các trường CĐSP cả nước, thực hiện các chương trình NCKH lớn của tỉnh như “Nghiên cứu danh nhân Thanh Hóa”. Cùng với nhà trường, vượt qua những khó khăn của đời sống thường nhật, những thay đổi của nhu cầu đào tạo, có lúc phải cho SV ra trường sớm 1 năm, có thời điểm phải đào tạo tại các huyện, cũng có lúc phải tạm dừng tuyển sinh... song khoa Xã hội vẫn ổn định và không ngừng phát triển. Đội ngũ GV liên tục được tăng cường. Đầu năm học 1997 - 1998, trong số hơn 40 GV của khoa, đã có 01 TS, 17 ThS. Số lượng người học những năm cao điểm lên tới hàng nghìn SV.
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, khoa Văn - Sử, khoa Xã hội, trường CĐSP Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Với 23 khóa đào tạo hệ CĐSP, có lúc là ban Văn - Sử, Văn - Chính trị, Văn - Giáo dục công dân, Văn - Kỹ thuật, Văn - Anh văn..., rồi Sử - Chính trị, Sử - Giáo dục công dân, Sử - Địa, Địa - Sử, Địa - Giáo dục công dân, hàng chục nghìn giáo viên các môn KHXH đã trưởng thành từ nôi đào tạo sư phạm này. Nhiều thầy cô giáo trở thành Trưởng, Phó các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, là cán bộ quản lý giáo dục các huyện thị, các trường THCS, là giáo viên giỏi cấp tỉnh, là nhà giáo ưu tú...
Với chặng đường gần nửa thế kỷ, từ các hệ đào tạo giáo viên ngắn hạn, đến 10+3, rồi CĐSP, từ khoa Văn - Sử đến khoa Xã hội, đã tạo dựng, bồi đắp cho khoa truyền thống đào tạo giáo viên THCS. Đây là nền tảng căn bản, là hành trang vững chắc để khoa vững bước sang trang sử mới, với nhiệm vụ đào tạo đại học và sau đại học.
2. Khoa Khoa học xã hội - 25 năm xây dựng và phát triển (1997 - 2022)
Được thành lập từ khoa Xã hội của trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, phát huy truyền thống đào tạo giáo viên gần nửa thế kỷ, 25 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, sự hợp tác trách nhiệm của các đơn vị trong và ngoài trường, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể các thế hệ giảng viên và người học, khoa KHXH đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các mặt chủ yếu sau:
2.1. Công tác đào tạo phát triển vững chắc, toàn diện
Ngay từ năm học đầu tiên sau khi thành lập 1998-1999, thực hiện chủ trương của Nhà trường là giảm dần đào tạo các bậc cao đẳng, trung học, tăng bậc đại học, khoa đã tích cực nghiên cứu xây dựng chương trình, biên soạn bài giảng, giáo trình, chuẩn bị đội ngũ giảng viên và được chọn là đơn vị tổ chức đào tạo ngành đại học đầu tiên: Đại học sư phạm (ĐHSP) Ngữ văn. Năm học sau đó (1999 - 2000), khoa đã tổ chức đào tạo đủ 3 ngành ĐHSP là ĐHSP Ngữ văn, ĐHSP Lịch sử, ĐHSP Địa lý, cả hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học. Hằng năm cung cấp cho ngành giáo dục của tỉnh hàng trăm giáo viên có trình độ đại học chính quy và hàng trăm GV THCS được đào tạo liên thông, nâng cao trình độ từ bậc cao đẳng lên đại học.
Về chất lượng đào tạo, giáo sinh các ngành KHXH được các trường THCS và THPT đánh giá cao về tinh thần thái độ, sự tâm huyết với nghề cũng như trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp tương đương các trung tâm Sư phạm lớn của cả nước. Từ năm học 2002 - 2003, khi nhu cầu đào tạo giáo viên của Thanh Hoá giảm mạnh, khoa KHXH đã nhanh chóng thích ứng nghiên cứu chương trình, thị trường, chuyển đổi một cách linh hoạt sang đào tạo các ngành cử nhân khoa học. Do vậy, khoa đã đào tạo được nhiều khóa Đại học Ngữ văn, Văn học, Đại học Lịch sử (Định hướng quản lý di tích danh thắng), Đại học Địa lý (định hướng Quản lý Tài nguyên môi trường, từ 2015 định hướng Địa chính), Đại học Việt Nam học (định hướng Hướng dẫn viên Du lịch, từ 2015 định hướng Quản lý khách sạn - du lịch), Đại học Xã hội học (định hướng Công tác xã hội) thuộc hệ chính quy. Liên tục 10 năm (2005 - 2015), mỗi năm khoa tuyển sinh gần 500 sinh viên chính quy và gần 300 sinh viên hệ vừa làm vừa học của 8 ngành đào tạo nêu trên, đưa tổng số sinh viên hàng năm của khoa lên hơn 2000, trở thành một trong 2 khoa có số lượng sinh viên đông nhất trường. Nguồn tuyển sinh cũng đã được mở rộng. Bên cạnh sinh viên là con em người Thanh Hoá, từ năm học 2002 - 2003, mỗi khóa đều có hàng chục sinh viên các tỉnh từ Quảng Bình trở ra, cũng có năm một số sinh viên từ khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long đến nhập học. Đến năm học 2020 - 2021, khoa có 3 ngành ĐHSP Ngữ văn, ĐHSP Lịch sử, ĐHSP Địa lý đã được kiểm định chất lượng CTĐT; các chương trình đào tạo được cập nhật, điều chỉnh theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, tiên tiến, gắn với chuẩn đầu ra; hệ thống đào tạo theo học chế tín chỉ linh hoạt; công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng chuẩn hóa. Từ năm học 2008-2009, cùng với toàn trường, khoa đã thực hiện chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ. Năm học 2011 - 2012, khóa SV đầu tiên đã tốt nghiệp theo phương thức đào tạo này. Chất lượng toàn diện của SV đã được nâng lên một bước, đáp ứng nhu cầu xã hội. Qua điều tra các năm gần đây, khoảng 70% - 80% SV tốt nghiệp có việc làm sau một năm.
Năm học 2008 - 2009, khoa KHXH được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam. Đây là chuyên ngành đào tạo bậc Thạc sĩ đầu tiên của Nhà trường, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong công tác đào tạo của Khoa và Nhà trường. Đến năm học 2013 - 2014, khoa tổ chức đào tạo 4 chuyên ngành Thạc sĩ: Ngôn ngữ Việt Nam, Văn học Việt Nam, Lý luận và phương pháp dạy học BM Văn - Tiếng Việt, Lịch sử Việt Nam, tuyển sinh hàng năm mỗi chuyên ngành khoảng 15 - 25 học viên. Từ năm học 2018 - 2019, khoa tiếp tục tổ chức đào tạo thêm chuyên ngành Thạc sĩ Địa lý học. Hiện nay khoa đang đào tạo 5 chuyên ngành Thạc sĩ trên tổng số 19 ngành đào tạo Thạc sĩ của Nhà trường.
Đặc biệt, từ năm học 2014 - 2015, khoa đã được giao nhiệm vụ đào tạo bậc Tiến sỹ, chuyên ngành Văn học Việt Nam (một trong 2 chuyên ngành TS đầu tiên của nhà trường) đã tuyển sinh khóa 1 với 6 NCS. Các năm sau đó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo thêm 2 chuyên ngành bậc Tiến sĩ, đó là chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Văn - Tiếng Việt, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. Hiện nay khoa đã và đang đào tạo tổng số 13 NCS của 3 chuyên ngành bậc Tiến sĩ trên tổng số 4 chuyên ngành bậc Tiến sĩ của Nhà trường. NCS khóa 1 chuyên ngành Văn học Việt Nam đã hoàn thành chương trình đào tạo, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, được các Hội đồng chuyên môn đánh giá cao về chất lượng của các luận án. Đây là nỗ lực và vinh dự không chỉ của tập thể CBGV khoa KHXH mà của cả Nhà trường về thương hiệu chất lượng toàn diện các hệ bậc đào tạo, góp phần cung cấp nguồn nhân lực quan trọng có chất lượng cao cho tỉnh Thanh Hoá và vùng Bắc Trung Bộ.
Thực hiện Hiệp định hợp tác giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Hủa phăn (nước CHDCND Lào), từ cuối năm 2011, khoa KHXH bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ quốc tế mới - giảng dạy tiếng Việt cho học sinh Lào tại thị xã Sầm Nưa (Hủa phăn). Từ năm học 2012 - 2013 đến nay, mỗi năm khoa đào tạo tiếng Việt cho khoảng 100 LHS Lào trước khi các em trở thành sinh viên trường Đại học Hồng Đức và các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, 25 năm xây dựng và phát triển, khoa Khoa học Xã hội đã đào tạo được gần 6.000 cử nhân đại học (trong đó gần 50 cử nhân Lào), hơn 3.000 cử nhân cao đẳng chính quy, hơn 1.000 cử nhân hệ LT, VLVH, gần 500 thạc sĩ và tiến sĩ, đào tạo tiếng Việt cho gần 1.000 lưu học sinh Lào. Thời điểm đông nhất, khoa có số lượng người học lên tới 2.500 người. Vì vậy, khoa Khoa học xã hội được xem như “một trường Đại học KHXH&NV thu nhỏ” trong Trường Đại học Hồng Đức, khẳng định thương hiệu và góp phần tạo lập giá trị truyền thống trong đào tạo Sư phạm nói riêng và các ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV nói chung.
2.2. Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phát triển đột phá
NCKH là một trong hai nhiệm vụ chính, quan trọng của một trường đại học, một khoa đào tạo, một giảng viên. Ngay từ năm học đầu tiên, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Khoa đã chú trọng tổ chức các hoạt động NCKH, phát huy tiềm năng đội ngũ GV, điều kiện của địa phương, một tỉnh có truyền thống lịch sử - văn hóa hàng nghìn năm. Hoạt động NCKH được triển khai theo nhiều hướng, với mục tiêu chủ yếu là: nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy; phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng và phát triển đội ngũ... Từ khi tỉnh thực hiện cơ chế mở rộng tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học cấp Tỉnh (năm 2003) và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nhà trường đăng ký, tuyển chọn đề tài cấp Bộ (2009) đến nay, hàng năm cán bộ, giảng viên của khoa đã chủ động đăng kí tham gia, chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp Tỉnh, cấp Bộ.
Hàng năm, CBGV trong khoa thực hiện 10-12 đề tài cấp trường, hướng dẫn 15-20 đề tài khoa học của sinh viên. Liên tục trong 10 năm gần đây, SV của khoa đều đạt giải SV nghiên cứu khoa học cấp Bộ, giải Tài năng KH&CN trẻ cấp Bộ. Đồng thời, hàng năm CBGV của khoa công bố 40-60 các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học của các trường Đại học và các tạp chí chuyên ngành của các viện nghiên cứu trong cả nước. Trong 2 số chuyên đề hàng năm của Tạp chí Khoa học trường Đại học Hồng Đức là Khoa học xã hội và nhân văn và Khoa học Giáo dục và quản lý, bài viết của CBGV khoa KHXH đóng vai trò nòng cốt. 18 số Tập san Khoa học xã hội nhân văn và nhà trường (Khi chưa có Tạp chí Khoa học của nhà trường) đã phát hành, được đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên và bạn đọc trong, ngoài trường đón nhận, thực sự trở thành diễn đàn sinh hoạt học thuật bổ ích, chắp cánh cho nhiều giảng viên trẻ vững bước trên con đường khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và quảng bá cho thương hiệu, hình ảnh của Khoa và Nhà trường.
Ngoài ra, Khoa đã chủ trì và đóng vai trò nòng cốt trong hàng chục hội thảo khoa học cấp trường, liên trường, quốc gia, tiêu biểu như các hội thảo: “Hoàng đế Lê Thánh Tông” (2002), “50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” (2004), “Tố Hữu - Thơ ca và cách mạng” (2005) “Thanh Hoá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” (2005), “Quốc triều hình luật - Giá trị lịch sử và đương đại” (2007), “Thanh Hóa với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” (2010), “Lý thuyết phê bình văn học hiện đại - Tiếp nhận và ứng dụng (2013)”, “Chiến thắng Hàm Rồng - 50 năm nhìn lại” (2015), “Xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế” (2015), “Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc” (2019)...
Đặc biệt, nhiều giảng viên của khoa đã được tuyển chọn biên soạn các giáo trình đào tạo đại học và cao đẳng cho các dự án Phát triển giáo viên tiểu học, Đào tạo giáo viên THCS, Đào tạo giáo viên THPT... Nhiều giảng viên của khoa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Văn học - Nghệ thuật, hội Khoa học Lịch sử, hội Văn nghệ dân gian, hội Dân tộc học và nhân học Việt Nam và Thanh Hoá. Tham gia một số chương trình khoa học lớn của tỉnh như biên soạn Địa chí Thanh Hoá tập 1, 2, 3; biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam trong chương trình khoa học quốc gia đều có sự đóng góp đáng kể của một số cán bộ giảng viên khoa KHXH... Ngoài ra, một số giảng viên có học vị Tiến sĩ, học hàm Phó giáo sư được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các Sở ngành trong tỉnh mời nghiệm thu các đề tài luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ, đề tài khoa học cấp tỉnh, tham gia tập huấn về chương trình sách giáo khoa mới, tập huấn đánh giá chương trình đào tạo, thẩm định quốc gia sách giáo khoa.v.v...
Nhìn chung, khoa KHXH luôn là đơn vị dẫn đầu, đạt nhiều thành tích xuất sắc về công tác nghiên cứu khoa học trong trường, đồng thời cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu KHXH&NV lớn, có uy tín trong Tỉnh. ¼ thế kỉ qua các thế hệ giảng viên của khoa đã chủ trì 01 đề khoa học cấp Nhà nước, hàng chục đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh, công bố gần 1.000 bài báo khoa học trong các tạp khoa học trong nước và quốc tế; chủ trì và đóng vai trò nòng cốt hàng chục hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp liên trường, cấp trường; chủ biên hoặc tham gia biên soạn, xuất bản gần 100 công trình chuyên khảo, giáo trình, tài liệu tham khảo, phục vụ thiết thực và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Hàng chục sinh viên của khoa đạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp khối ngành của Trường.
Hoạt động Hợp tác quốc tế của khoa hàng năm đều có những thành tựu nổi bật, nhất là trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, năm học 2018 - 2019, khoa là nòng cốt tổ chức thành công chương trình Summer School tại Việt Nam với chủ đề “Phát triển du lịch bền vững” và “Những vấn đề cơ bản của Du lịch cộng đồng”. Năm học 2019 - 2020, giảng viên và sinh viên của khoa đã tham gia tích cực và có hiệu quả tuần trao đổi sinh viên tại Trường Đại học Goerlitz/Zittau (CHLB Đức). Năm học 2021 - 2022, khoa phối hợp với phòng Hợp tác quốc tế Nhà trường mời GS. Gabrie Linke đến Trường Đại học Hồng Đức giảng dạy học phần Văn học phương Tây từ thế kỷ XVIII đến nay cho sinh viên lớp ĐHSP Ngữ Văn chất lượng cao và hợp tác tổ chức nhiều seminar, trao đổi học thuật, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam...
Trong hoạt động hợp tác với nước bạn Lào, hơn 10 năm qua, khoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hợp tác với nước bạn Lào, đào tạo tiếng Việt cho hàng nghìn học sinh Lào và đào tạo nhiều cử nhân, Thạc sĩ. Đồng thời xây dựng Đề án đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài; Hoàn thành ngân hàng đề thi cho đề án Đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài; Tổ chức, huấn luyện cho LHS Lào tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho học sinh Lào do Bộ GD&ĐT phối hợp Trung ương Hội hữu nghị Việt - Lào tổ chức tại Việt Nam (năm 2019). Kết quả, đội tuyển sinh viên, học sinh Lào đang học tập tại Trường Đại học Hồng Đức đạt giải Nhì vòng sơ khảo khu vực miền Trung và giải Ba vòng chung kết toàn quốc; Tổ chức cho học sinh, sinh viên Lào tham gia nhiều Hội thi Tiếng Việt và giao lưu văn hóa Việt - Lào với học sinh, sinh viên Lào học tại các cơ sở đào tạo khác như trường Đại học Hùng Vương, Đại học Hà Tĩnh, Đại học Tây Bắc..., góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường năng lực tiếng Việt và mối đoàn kết gắn bó hai dân tộc Việt - Lào; làm tốt công tác hậu cần, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh, sinh viên Lào như: tổ chức chào đón học sinh, sinh viên Lào đến học tập tại khoa; tổ chức và quan tâm sát sao đời sống học sinh, sinh viên ở Ký túc xá, nhất là thời gian đầu khi các em mới sang Việt Nam còn bỡ ngỡ về môi trường, văn hóa và vào các dịp lễ tết ở Việt Nam; thăm hỏi, động viên học sinh, sinh viên khi ốm đau hay bản thân và gia đình có chuyện vui buồn. Lãnh đạo khoa và cán bộ giảng viên, nhất là các giảng viên dạy tiếng Việt LHS Lào, tham dự đầy đủ, tích cực, sôi nổi các buổi giao lưu văn hóa, các ngày lễ tết của LHS, sinh viên Lào, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tình cảm gắn bó sâu nặng với đất nước, con người Việt Nam và niềm ham thích, say mê học tập trên đất nước Việt Nam thân yêu.
2.3. Phát triển đội ngũ giảng viên lớn mạnh về mọi mặt
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, nhất là đội ngũ giảng viên kế cận đóng vai trò quyết định chất lượng đào tạo và phát triển của một trường đại học. Trong 25 năm qua, khoa KHXH đã tích cực chủ động thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, khuyến khích giảng viên trong độ tuổi đi học nâng cao trình độ tại các trường đại học, viện nghiên cứu trung ương, nhất là đi tu nghiệp ở nước ngoài. Nhờ vậy, khoa KHXH đã nhanh chóng trở thành đơn vị có đội ngũ giảng viên đạt trình độ TS cao nhất trường. Nếu như năm học đầu tiên thành lập (1997 - 1998), khoa chỉ có 1 TS, thì đến năm 2015, trong số 75 CBGV của khoa đã có 25 TS, trong đó có 7 PGS, số CBGV còn lại có 25 GV đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Trong đội ngũ giảng viên trẻ của khoa có 10 ThS, TS tốt nghiệp từ các nước Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Đài Loan, Cộng hòa Pháp. Đây là những giảng viên có trình độ tiếng Anh tốt, hiện đang là nòng cốt cho các hoạt động HTQT của khoa và tham gia giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh tại Trường. Khoa cũng đã bồi dưỡng, giới thiệu cho các sở, ban, ngành của tỉnh, Ban Giám hiệu và các đơn vị khác của nhà trường hàng chục cán bộ lãnh đạo, quản lí.
Mặc dù trong những năm vừa qua, nhiều nhà giáo của khoa có học vị tiến sĩ, học hàm PGS đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác, nhưng khoa hiện nay vẫn là đơn vị đào tạo dẫn đầu trong trường về đội ngũ giảng viên trình độ cao. Trong tổng số 51 giảng viên cơ hữu, có 30 TS (6 PGS), 21 ThS (10 NCS). Theo lộ trình quy hoạch đào tạo giảng viên của Nhà trường, chắc chắn rằng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, khoa KHXH vẫn luôn giữ vị thế trụ cột của Nhà trường về đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương và cả nước.
2.4. Công tác lãnh đạo, tổ chức quản lý đơn vị không ngừng đổi mới
Hiện nay, Chi bộ khoa với gần 80 đảng viên, hệ thống chính trị của khoa không ngừng được củng cố vững mạnh, công tác lãnh đạo, tổ chức quản lý đơn vị không ngừng được đổi mới, bám sát với tình hình thực tế. Công đoàn bộ phận khoa KHXH thực sự trở thành “tổ ấm”, với nhiều hoạt động toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH và quản lý đơn vị, có những đóng góp quan trọng hoạt động của công đoàn trường. Liên Chi đoàn TNCS HCM, Liên Chi hội SV khoa KHXH với lực lượng hùng hậu có thời điểm hơn 2000 đoàn viên đã có nhiều hoạt động đặc thù, thiết thực, bổ ích thực sự là nơi hội tụ ý chí, nguyện vọng của SV, liên tục giành được những thành tích xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào tuổi trẻ nhà trường. 5 năm về trước, khoa có Chi hội Cựu chiến binh với hơn 10 hội viên đã phát huy truyền thống“nhà giáo chiến sỹ”, có những đóng góp to lớn cho công tác quản lý đơn vị và các thành tích của Hội Cựu chiến binh nhà trường.
Trong 5 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương tổ chức lại các đơn vị trong nhà trường, các bộ môn trong khoa cho phù hợp với điều kiện thực tế. Do vậy, từ 9 bộ môn thời điểm 2015 (Văn học Việt Nam; Lý luận văn học và phương pháp dạy học văn; Văn học nước ngoài; Ngôn ngữ học; Lịch sử; Địa lý tự nhiên và môi trường; Địa lý kinh tế - xã hội và PPDH địa lý; Xã hội học - Công tác xã hội; Việt Nam học - Du lịch), hiện nay khoa có 5 bộ môn được cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, phù hợp. Các Trưởng bộ môn và Phó Trưởng bộ môn hầu hết có trình độ TS, là những nhà giáo có uy tín, kinh nghiệm trong chuyên môn và quản lý ngành, chuyên ngành đào tạo. Sinh hoạt chuyên môn học thuật của các bộ môn được coi trọng. Ban Lãnh đạo khoa trong các khóa gần đây liên tục được trẻ hóa, được đào tạo cơ bản, toàn diện về chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý giáo dục đại học.
Từ những thành tựu chủ yếu trên cho thấy, sau 25 năm xây dựng và phát triển, khoa KHXH đã thực sự trở thành một khoa lớn mạnh toàn diện trong trường. Với những thành tựu đạt được, 10 năm trở lại đây khoa liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp Tỉnh, được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Chi bộ khoa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen; Công đoàn khoa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen; Liên chi đoàn khoa được Tỉnh đoàn Thanh Hóa tặng Cờ thi đua, được Trung ương đoàn tặng Bằng khen. Đây là những những phần thưởng cao quý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tạo tiền đề vững chắc để khoa KHXH vững vàng phát triển đạt nhiều thành tựu mới trong hành trình tương lai.
3. Khoa KHXH - định hướng phát triển vững vàng đi tới tương lai
Nhìn lại chặng đường ¼ thế kỉ xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ giảng viên và người học trân trọng những thành tựu đã đạt được, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, với quyết tâm cao tiếp tục phát triển khoa KHXH trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu Sư phạm và KHXH&NV có uy tín của tỉnh và khu vực. Khoa sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng các ngành, chuyên ngành và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; nâng cao số lượng và chất lượng các đề tài khoa học, nhất là đề tài cấp cao, tăng cường các công bố quốc tế; bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo một cách toàn diện. Khoa cùng với các đơn vị trong Nhà trường chung sức thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục, quan điểm phát triển để Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học thông minh, đổi mới sáng tạo; là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học mạnh của cả nước; hội nhập với các trường đại học tiên tiến trong khối ASEAN và quốc tế.