Khoa Khoa học xã hội - một mạch thơ chảy mãi

01/03/2023

Nhớ về khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức là nhớ về những Đêm thơ xuân, như một thứ "đặc sản" của phong trào văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa. Ngồi trong những đêm thơ, tôi lại bồi hồi nhớ tới những kỷ niệm còn vẹn nguyên về đêm thơ đầu tiên được tổ chức vào dịp xuân Quý Hợi (1983) của khoa Văn - Sử Trường Cao đẳng sư phạm Thanh Hóa (tiền thân của khoa Khoa học xã hội Trường Đại học Hồng Đức bây giờ) đóng tại xã Quảng Minh, huyện Quảng Xương.
 
                                                                           Vũ Hữu Thỏa
Nguyên giảng viên khoa Khoa học xã hội

 

 

 

Ban đầu chỉ là một buổi bình vịnh thơ Đường luật đăng trên báo Thanh Hóa. Sau đó, từ gợi ý của thầy Lê Bật Điển - Hiệu trưởng nhà trường, đêm thơ Xuân được tổ chức nhưng quy mô còn nhỏ hẹp, mới chỉ là sự tham gia của một số thầy cô giáo có tuổi trong trường. Sau đó, đêm thơ xuân đã mở rộng đề tài và số thầy giáo cô giáo của khoa và của trường tham gia ngày một đông. Sân khấu Đêm thơ tổ chức tại hội trường nhà tranh vách nứa vậy thôi mà vẫn sôi nổi, vui vẻ, ấm cúng… Thầy trò lúc đó cuộc sống còn gian khổ, cơm độn, canh rau mà thơ vẫn phơi phới tình đời!

 

Đều đặn những năm sau, khoa Văn - Sử được nhà trường giao nhiệm vụ tổ chức Đêm thơ xuân. Các tiết mục phong phú nhiều vẻ: có đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ và xen kẽ là những bài hát về mùa xuân, về niềm vui, hạnh phúc của nghề sư phạm. Tôi nhớ lúc đó thầy Nguyễn Văn Bồng - phó trưởng khoa làm trưởng ban tổ chức. Thầy còn nhiệt tình chu đáo đứng ra làm MC giới thiệu các tác giả. Số lượng các “nhà thơ nghiệp dư” tham gia ngày một nhiều với những đề tài phong phú. Sinh viên trước thì ngồi nghe vỗ tay, bây giờ cũng gửi nhiều thơ tham gia. Các cuộc thi báo tường giữa các chi đoàn nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam cũng chọn được nhiều bài thơ hay cho Đêm thơ xuân.

 

Và đến bây giờ, khoa Khoa học xã hội Trường Đại học Hồng Đức đã kế thừa truyền thống thơ ca tốt đẹp ngày nào. Khoa đã đứng ra tổ chức, đến bây giờ tính ra đã được 46 lần. Tôi nhớ những Đêm thơ xuân tại cơ sở 2 (Lê Lai) số sinh viên đến nghe thơ ngồi chật kín cả hội trường. Nhiều nhà thơ nổi tiếng của xứ Thanh cũng nhiệt tình tham gia như nhà thơ Văn Đắc, Huy Trụ, Mạnh Lê, Nguyễn Ngọc Quế...; các nhạc sĩ như nhạc sĩ Đồng Tâm, Mai Kiên phổ nhạc những bài thơ hay.

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202112/Images/dem-tho-2019-20211214090244-e.jpg

Các nhà thơ chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô và sinh viên khoa Khoa học xã hội

trong Đêm thơ Xuân 2019

 

Đội ngũ làm thơ của khoa Khoa học xã hội ngày một đông đảo với những cảm xúc thơ bay bổng mãnh liệt, sâu sắc với cuộc đời. Tôi nhớ đến những bài thơ được sinh viên truyền tay nhau đọc như thơ của các thầy Phạm Minh Diệu, Bùi Đình Ngọt, Nguyễn Xuân Hòa, Hà Cao Phong… Và thơ của các cô giáo như Vũ Hoàng Oanh, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Liên... Rồi thơ của các bạn sinh viên như Tống Phương Liên, Anh Đào, Nguyễn Phương Lan (nay là Hiệu trưởng Trường THCS Trần Mai Ninh)... Đội ngũ các tác giả thơ là các thầy cô giáo thêm đông đảo như thầy Lê Đăng Sơn, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thế Hinh, Vũ Hữu Thỏa, cô Nguyễn Thị Hồng Kiên, Lê Thị Hải… Nhiều thầy cô ở các khoa khác tích cực tham gia như thầy Nguyễn Trọng Liên khoa Toán.

 

Rồi những ấn phẩm thơ ra đời, nở rộ như hoa mùa xuân. Tập thơ văn 15 năm ấy của khoa Văn - Sử được nhiều bạn đọc khen ngợi. Thơ trên ấn phẩm của các chi đoàn sinh viên ngày càng thêm phong phú đầy đặn và giàu chất thơ.

 

Một chặng đường thơ đã trải qua bao thăng trầm của đời sống, có nhiều thầy cô vẫn còn gắn bó với thơ, có nhiều thầy cô khác vì bao nhiêu lý do không tên mà đành đứt đoạn cùng thơ đã để lại nhiều tiếc nuối… Cho dù vậy, mạch thơ của khoa Khoa học xã hội vẫn như dòng sông không ngừng chảy qua những năm tháng cuộc đời. Bởi thơ ca là tiếng nói của tình cảm, làm cho đời sống tâm hồn của mỗi người thêm phong phú và thánh thiện.

 

Và tôi nghĩ phong trào thơ ca ngày một lớn mạnh thì có một vai trò rất quan trọng của người đứng đầu của ban chủ nhiệm khoa và nhà trường. Tôi muốn nhắc đến thầy Hoàng Thanh Hải - nguyên Trưởng khoa. Thầy bao giờ cũng mở đầu những Đêm thơ xuân bằng những bài thơ sôi nổi, lôi cuốn, đầy sức xuân. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo khoa và nhà trường mà phong trào thơ tiếp tục được duy trì, mở rộng trong các thầy cô giáo như Nguyễn Thị Việt Hưng, Vũ Thanh Hà, Lê Tú Anh, Lê Thị Phượng, Nguyễn Thị Quế, Mỵ Thị Quỳnh Lê…; trong các lớp sinh viên Đại học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Việt Nam học... Nhiều em sinh viên, học viên của khoa đã có thơ in riêng và có tiếng vang trên văn đàn tỉnh nhà như Phạm Văn Dũng (sinh viên ĐHSP Ngữ Văn khóa 1, nay là Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Lộc - Hậu Lộc), Phạm Tiến Triều (sinh viên ĐHSP Ngữ Văn khóa 1, nay là giáo viên Trường THCS & THPT Như Thanh), Quách Lan Anh (học viên chuyên ngành Văn học Việt Nam khóa 7, hiện là giáo viên Trường THPT Vĩnh Lộc 1), Lê Thị Đáng (học viên chuyên ngành LL&PPDH BM Văn - Tiếng Việt, hiện là giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP. Thanh Hóa)… Năm 2016, Trường Đại học Hồng Đức được Hội Nhà văn mời tham dự Ngày thơ Việt Nam. Khoa Khoa học xã hội là nòng cốt tham dự với một lều thơ và nhiều tiết mục ấn tượng, được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tặng Bằng khen.

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202110/Images/dem-tho-2020-20211011025445-e.jpg

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm Đêm thơ 2020

 

Ôn kỷ niệm quá khứ, ta thêm yêu hiện tại và phấn khởi hướng tới tương lai. Khoa Khoa học xã hội của chúng ta bước vào tuổi 25 đầy sức trẻ. Với gần 50 đêm thơ mùa xuân đã qua, tôi tin tưởng truyền thống thơ ca ấy sẽ được khoa và nhà trường tiếp tục giữ vững và phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Như một nhà thơ nổi tiếng của xứ Thanh đã từng nói: "Được đọc thơ ở Trường Đại học Hồng Đức thật sung sướng! Nơi đây đúng là thánh đường của thơ ca!".

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN