Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức - chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển

11/10/2024

Ra đời và phát triển cùng với nhà trường, khoa Khoa học xã hội - một trong những khoa đào tạo lớn nhất của trường đến nay cũng tròn 20 tuổi. 20 năm đối với sự phát triển của một khoa đào tạo Đại học chưa phải là dài, nhưng với sự nỗ lực cố gắng, các thế hệ thầy và trò khoa KHXH đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

 

                                           PGS.TS Hoàng Thanh Hải

 

 

Diễn văn chào mừng tại lễ kỷ niệm: “20 năm thành lập (24/9/1997-24/4/2017) và truyền thống gần nửa thế kỷ khoa Khoa học xã hội, trường Đại học Hồng Đức”

 

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Kính thưa các ĐC Lãnh đạo Nhà trường! Các đơn vị bạn!

Thưa các Thầy, Cô giáo đã và đang công tác!

Thưa các Anh (Chị) HV, SV thân mến!

Trước hết, thay mặt lãnh đạo khoa Khoa học xã hội (KHXH), tôi xin nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các đồng chí lãnh đạo nhà trường và các đơn vị bạn, các thầy cô giáo, các anh, chị học viên, sinh viên đã về dự lễ kỷ niệm “20 năm thành lập (24/9/1997-24/4/2017) và truyền thống hơn nửa thế kỷ khoa Khoa học xã hội, trường Đại học Hồng Đức”!

 

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Thưa các Thầy, Cô giáo và các Anh (Chị) HV, SV thân mến!

 

Ngày 24/9/1997, trường Đại học đầu tiên của xứ Thanh mang niên hiệu Đức vua Lê Thánh Tông - một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam - Trường Đại học Hồng Đức ra đời. Đây là niềm tự hào, mong đợi bao năm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với sự ra đời và phát triển của trường Đại học Hồng Đức, khoa KHXH - một trong những khoa đào tạo chủ chốt của Nhà trường đến nay cũng tròn 20 tuổi. 20 năm đối với sự phát triển của một khoa đào tạo Đại học chưa phải là dài, nhưng với sự nỗ lực cố gắng, các thế hệ thầy và trò, khoa KHXH đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Những thành tựu đó, trước hết bắt nguồn từ truyền thống đào tạo giáo viên THCS các ngành Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý gần nửa thế kỷ trước đó.

1. Truyền thống đào tạo giáo viên THCS các ngành Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý gần nửa thế kỷ

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gian khổ, sự nghiệp giáo dục của Thanh Hóa vẫn được duy trì, giữ vững. Năm 1959, các trường đào tạo GV ra đời, gồm trường: SP cấp 2 (7+3); SP cấp 2 (10+1) và SP cấp 2 (10+3). Trường Sư phạm 10 + 3 Thanh Hóa thời bấy giờ là một trong những trung tâm đào tạo giáo viên lớn, có uy tín nhất tỉnh và khu vực. Với 7 khóa 10 + 3 và nhiều hệ đào tạo ngắn hạn, Khoa và Nhà trường đã đáp ứng kịp thời lực lượng lớn giáo viên cấp 2 các môn xã hội cho ngành giáo dục Tỉnh nhà.

Sau ngày thống nhất đất nước, giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam bước sang thời kỳ phát triển mới. Hầu hết các tỉnh đều thành lập trường CĐSP. Ngày 21/3/1978, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 164/TTC, nâng cấp Trường SP 10+3 Thanh Hóa thành trường CĐSP Thanh Hóa, do UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý. Khoa Văn - Sử cũng được hình thành và là một trong những khoa lớn của Trường. Ngoài các tổ Ngữ văn, Lịch sử, khoa còn có tổ Ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh). Cuối năm 1992, tổ Địa lý (từ khoa Hóa - Sinh - Địa) nhập về, tổ Ngoại ngữ tách thành khoa Ngoại ngữ, khoa Văn - Sử đổi thành khoa Xã hội.

Những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước, Trường CĐSP Thanh Hóa là một trong những trường CĐSP bề thế cả về quy mô đội ngũ GV, số lượng SV và chất lượng đào tạo. Trường có cả khoa đào tạo Đại học đại cương, đã từng chủ trì biên soạn giáo trình CĐSP chung cho các trường CĐSP phía Bắc, đã từng thực hiện các chương trình NCKH lớn của tỉnh như Nghiên cứu danh nhân Thanh Hóa… Cùng với nhà trường, vượt qua những khó khăn của cuộc sống, những thay đổi của nhu cầu đào tạo, có lúc phải cho SV ra trường sớm 1 năm, có lúc phải đào tạo tại các huyện, lại có lúc phải tạm dừng tuyển sinh…, khoa Xã hội vẫn không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ GV liên tục được tăng cường. Đầu năm học 1997-1998, năm học cuối cùng của trường CĐSP Thanh Hóa, trong số hơn 40 GV của khoa, đã có 01 TS, 17 ThS. Số lượng SV những năm cao điểm lên tới hàng nghìn SV.

Sau gần 20 năm, khoa Văn- Sử, khoa Xã hội, trường CĐSP Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Với 23 khóa đào tạo hệ CĐSP, có lúc là ban Văn - Sử, Văn - Chính trị, Văn - Giáo dục công dân, Văn - Kỹ thuật, Văn - Anh văn…, rồi Sử - Chính trị, Sử - Giáo dục công dân, Sử - Địa, Địa - Sử, Địa - Giáo dục công dân, hàng chục nghìn giáo viên các môn KHXH đã trưởng thành từ chiếc nôi sư phạm này. Nhiều thầy cô giáo trở thành Trưởng, Phó các ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, là cán bộ quản lý giáo dục các huyện thị, các trường THCS, là giáo viên giỏi cấp tỉnh, là nhà giáo ưu tú…

2. Khoa Khoa học xã hội - 20 năm xây dựng và phát triển (1997-2017)

20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự giúp đỡ, hợp tác của các đơn vị trong và ngoài trường, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể các thế hệ giảng viên và SV, khoa KHXH đã đạt được những thành tựu rất đỗi tự hào:

Thứ nhất, Công tác đào tạo phát triển liên tục

Ngay từ năm học đầu tiên sau khi thành lập 1998-1999, khoa được chọn là đơn vị tổ chức đào tạo ngành đại học đầu tiên: Đại học sư phạm (ĐHSP) Ngữ văn. Năm học sau đó, khoa đã tổ chức đào tạo đủ 3 ngành ĐHSP là ĐHSP Ngữ văn, ĐHSP Lịch sử, ĐHSP Địa lý, cả hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học.

Từ năm học 2002 - 2003, khi nhu cầu đào tạo giáo viên của Thanh Hoá giảm mạnh, khoa KHXH đã nhanh chóng nghiên cứu chương trình, thị trường, chuyển đổi sang đào tạo các ngành cử nhân khoa học. Đến nay, khoa đã đào tạo được nhiều khóa Đại học Ngữ văn, Văn học, Đại học Lịch sử (Định hướng quản lý di tích danh thắng), Đại học Địa lý (định hướng Quản lý Tài nguyên môi trường) Đại học Việt Nam học (định hướng Hướng dẫn viên Du lịch và Quản lý khách sạn-du lịch), Đại học Xã hội học (định hướng Công tác xã hội) thuộc hệ chính quy. Liên tục 10 năm, từ 2005 đến 2015, mỗi năm khoa tuyển sinh gần 500 sinh viên chính quy và gần 300 sinh viên hệ vừa làm vừa học của 8 ngành đào tạo nêu trên, đưa tổng số sinh viên của khoa thời điểm cao nhất lên hơn 2000, trở thành một trong 2 khoa có số lượng sinh viên đông nhất trường.

Năm học 2007-2008 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong công tác đào tạo, Khoa KHXH được giao nhiệm vụ đào tạo bậc Thạc sĩ đầu tiên: Chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam. Đến năm học 2013-2014, khoa đã và tổ chức đào tạo 4 chuyên ngành Thạc sĩ: Ngôn ngữ Việt Nam, Văn học Việt Nam, Lý luận và phương pháp dạy học Văn – tiếng Việt, Lịch sử Việt Nam, tuyển sinh hàng năm mỗi chuyên ngành 20 học viên.

Năm học 2014-2015, khoa đã được giao nhiệm vụ đào tạo bậc Tiến sỹ, chuyên ngành Văn học Việt Nam, và đến năm 2017, thêm 2 chuyên ngành nữa là Lịch sử VN và LL&PPDH Ngữ văn (là một trong 2 khoa có đầy đủ bậc, hệ đào tạo).

Thực hiện Hiệp định hợp tác giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Hủa phăn (nước CHDCND Lào), từ cuối năm 2011, khoa KHXH bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ quốc tế mới - giảng dạy tiếng Việt cho học sinh Lào tại thị xã Sầm Nưa (Hủa phăn). Từ năm học 2012-2013 đến nay, hàng năm, khoa tiếp tục được giao đào tạo tiếng Việt cho 50- 100 HS Lào tại trường ĐHHĐ trong thời gian 1 năm, trước khi các em trở thành sinh viên Đại học.

Như vậy, từ một khoa đào tạo giáo viên THCS Văn, Sử, Địa của trường CĐSP, trải qua 20 năm, công tác đào tạo của khoa không ngừng được mở rộng về quy mô ngành nghề và bậc đào tạo. Hiện tại, khoa đang tổ chức đào tạo 3 chuyên ngành TS, 4 chuyên ngành ThS, 8 ngành Đại học, 4 ngành Cao đẳng, nhiệm vụ đào tạo của khoa gần như của một trường đại học KHXH&NV thu nhỏ. 20 năm qua, khoa đã cung cấp cho xã hội gần 5000 Cử nhân ĐH, hơn 3000 Cử nhân CĐ chính quy; gần 1000 Cử nhân hệ LT, VLVH; gần 300 Thạc sĩ và hơn 500 lưu HS Lào. Chất lượng đào tạo được từng bước nâng lên. 70% SV tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm. Có những SV thành đạt, trở thành các nhà Lãnh đạo, quản lý, Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường THPT, THCS, chủ các doanh nghiệp…

Thứ hai, Công tác nghiên cứu khoa học có những bứt phá mạnh mẽ

Ngay từ năm học đầu tiên, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Khoa đã chú trọng tổ chức các hoạt động NCKH, phát huy tiềm năng đội ngũ GV, điều kiện của địa phương, một tỉnh có truyền thống lịch sử - văn hóa hàng nghìn năm. Hoạt động NCKH được triển khai theo nhiều hướng, với mục tiêu chủ yếu là: nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy; phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng và phát triển đội ngũ… Từ khi tỉnh thực hiện cơ chế mở rộng tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học cấp Tỉnh (năm 2003) và Bộ cho phép nhà trường đăng ký, tuyển chọn đề tài cấp Bộ (2009) đến nay, cán bộ, giảng viên của khoa đã được tuyển chọn, chủ trì thực hiện 8 đề tài khoa học lớn cấp tỉnh, 6 đề tài cấp Bộ.

Hàng năm, cán bộ, giảng viên trong khoa thực hiện từ 10-12 đề tài cấp trường, hướng dẫn 20-25 đề tài khoa học của sinh viên. Liên tục trong 5 năm gần đây, SV của khoa đều đạt giải chính thức SV nghiên cứu khoa học cấp Bộ, giải Tài năng KH&CN trẻ cấp Bộ.

Cán bộ, giảng viên của khoa, hàng năm cũng đã công bố 40-60 các công trình nghiên cứu trên các tạp chí Khoa học, tạp chí chuyên ngành của các trường Đại học và các viện nghiên cứu trong cả nước. Trong 2 số chuyên đề hàng năm của tạp chí Khoa học trường Đại học Hồng Đức là Khoa học xã hội và nhân văn Khoa học Giáo dục và quản lý, bài viết của cán bộ, GV khoa KHXH đóng vai trò nòng cốt. 18 số Tập san Khoa học xã hội nhân văn và nhà trường (Khi chưa có tạp chí Khoa học của nhà trường) đã phát hành, được đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên và bạn đọc trong, ngoài trường đón nhận, thực sự trở thành diễn đàn sinh hoạt học thuật bổ ích, chắp cánh cho nhiều giảng viên trẻ vững bước trên con đường khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và quảng bá cho thương hiệu, hình ảnh của Khoa và Nhà trường.

Khoa đã chủ trì và đóng vai trò nòng cốt trong hàng chục hội thảo khoa học cấp trường, liên trường, quốc gia, tiêu biểu như các hội thảo: “Hoàng đế Lê Thánh Tông” (2002), “50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” (2004), “Tố Hữu - Thơ ca và cách mạng” (2005) “Thanh Hoá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” (2005), “Quốc triều hình luật - Giá trị lịch sử và đương đại” (2007), “Thanh Hóa với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” (2010), “Lý thuyết phê bình văn học hiện đại - Tiếp nhận và ứng dụng (2013)”, “Chiến thắng Hàm Rồng - 50 năm nhìn lại” (2015), “Xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế” (2015)...

Hơn 30 giáo trình, tài liệu tham khảo do cán bộ, giảng viên của khoa chủ biên, hoặc tham gia biên soạn đã được các nhà xuất bản Trung ương như NXB Chính trị - Quốc gia, Giáo dục, Khoa học xã hội, Đại học sư phạm Hà Nội... xuất bản. Đặc biệt, nhiều cán bộ, giảng viên của khoa đã được tuyển chọn biên soạn các giáo trình đào tạo đại học và cao đẳng cho các dự án Phát triển giáo viên tiểu học, Đào tạo giáo viên THCS, Đào tạo giáo viên THPT… Nhiều giảng viên của khoa là hội viên hội Văn học - Nghệ thuật, hội Sử học, hội Văn nghệ dân gian, hội Dân tộc học và nhân học Việt Nam và Thanh Hoá. Một số chương trình khoa học lớn của tỉnh như biên soạn Địa chí Thanh Hoá tập 1, 2, 3 đều có sự đóng góp đáng kể của một số cán bộ, giảng viên khoa KHXH…

Có thể nói, trong những năm gần đây, khoa KHXH luôn là đơn vị dẫn đầu, đạt nhiều thành tích xuất sắc về công tác nghiên cứu khoa học trong trường, đang dần khẳng định là một trong những trung tâm nghiên cứu KHXH&NV lớn, có uy tín trong Tỉnh.

Thứ ba, Đội ngũ giảng viên lớn mạnh vượt bậc về mọi mặt

Trong 20 năm qua, khoa KHXH đã tích cực chủ động thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, khuyến khích giảng viên trong đi đào tạo tạo nâng cao trình độ trong và ngoài nước. Nhờ vậy, khoa KHXH nhanh chóng trở thành đơn vị có đội ngũ giảng viên đạt trình độ cao nhất trường. Nếu như năm học đầu tiên thành lập khoa chỉ có 1 TS, thì đến nay (2016-2017), trong số 75 GV của khoa đã có 25 TS, 25 GV đang nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đặc biệt, liên tục từ 2013 đến nay, có 10 GV của khoa đã được bổ nhiệm chức danh PGS. 10 GV trẻ đã tu nghiệp từ các nước: Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Đài Loan trở về khoa công tác, 2 GV đang NCS tại Cộng hòa Pháp và Trung Quốc. Khoa cũng đã bồi dưỡng, giới thiệu cho các ban, ngành của tỉnh, Ban Giám hiệu và các đơn vị khác của nhà trường hàng chục cán bộ lãnh đạo, quản lí.

Với những thành tựu chủ yếu trên, sau 20 năm xây dựng và phát triển, khoa KHXH đã trở thành một khoa lớn mạnh toàn diện trong trường. Trong 7 năm học liên tục từ 2010-2011 đến nay, Khoa liên tục đạt danh hiệu Tập thể tiên tiến xuất sắc cấp Tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Kỷ niệm 20 năm thành lập và truyền thống gần nửa thế kỷ khoa KHXH là dịp để mỗi Thầy, Cô giáo và Sinh viên nhìn lại chặng đường đã qua, khẳng định những thành tựu đã đạt được, phát huy những truyền thống tốt đẹp, khắc phục những tồn tại, phấn đấu đưa khoa KHXH trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu KHXH&NV lớn của Thanh Hóa và cả nước, tiến tới hội nhập với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Kính chúc các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo và các anh chị học viên, sinh viên sức khỏe – hạnh phúc!

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN