Đêm giao lưu ấn tượng với Hội Nhà văn Việt Nam tại Trường Đại học Hồng Đức

1/19/2013 11:45:44 AM
Tối 08/10/2011, trong khuôn khổ Hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung”, các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học về dự hội thảo đã có cuộc gặp gỡ và giao lưu với công chúng yêu thơ tại Hội trường lớn CS1, Trường Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa.

 

Tháng 9/1998, nhà thơ Hữu Thỉnh và Trưởng khoa Khoa học xã hội (KHXH) Trường ĐH Hồng Đức - NGƯT Nguyễn Văn Bồng đã ký ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam và khoa KHXH trường ĐH Hồng Đức. Theo lời PGS.TS Nguyễn Văn Trưởng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, những năm qua, HVN Việt Nam đã dành cho trường ĐH Hồng Đức, đặc biệt là thầy trò khoa KHXH những tình cảm và sự hợp tác hiệu quả. Hàng tháng, tạp chí Văn nghệ vẫn đều đặn gửi tặng khoa những số mới nhất, tuần báo Văn nghệ trẻ dành những vị trí trang trọng để đăng tải những sáng tác thơ – văn của thầy và trò trường ĐH Hồng Đức; văn phòng đại diện bắc miền trung của báo Văn nghệ đã tặng cho thư viện Khoa KHXH hàng nghìn ấn phẩm… Hơn thế, trong thời gian qua, rất nhiều những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã đến và giao lưu thơ với thầy trò trường ĐH Hồng Đức. Sự phối hợp giữa HNV Việt Nam, HVN Thanh Hóa với khoa KHXH trong việc tổ chức thành công đêm thơ “Mừng Đảng - mừng Xuân” là một bước đáng kể ghi nhận những tình cảm đáng trân trọng mà HNV Việt Nam đã dành tặng cho trường, góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa HNV Việt Nam với trường. Những hoạt động đó đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học một số môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; đồng thời là cách để giới thiệu, đưa những tác phẩm văn học đến với công chúng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất…

IMG_0042.JPG

            Hai MC chính của đêm giao lưu: NV Văn Công Hùng và TS Hỏa Diệu Thúy

Đêm qua, thành phố Thanh Hóa những ngày đầu tháng 10 mưa rả rích, con đường đến trường ĐH Hồng Đức lấm chấm bùn và nước. Mưa, rét nhưng không ngăn nổi các thầy cô giáo, các em sinh viên, những người yêu thơ tiến về trường từ khắp các ngả đường. Với tấm lòng yêu mến các nhà thơ, nhà văn, đông đảo sinh viên, giảng viên trường Đại học Hồng Đức đã có mặt đông đủ tại hội trường từ rất sớm. Cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà thơ với công chúng yêu thơ tại Thanh Hóa đã diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp. Các em sinh viên đã biểu lộ sự vui mừng khôn xiết khi cùng một lúc được gặp rất nhiều gương mặt thơ sáng giá trong nền thơ Việt Nam đương đại, được nghe các nhà thơ đọc thơ, bình thơ và trả lời những câu hỏi mà các bạn yêu thơ quan tâm.

IMG_0033.JPG

              Tiết mục văn nghệ với sự góp mặt của các thế hệ thầy trò trường ĐH Hồng Đức

19h, hội trường đông chật. Tiếng cười nói xôn xao, cả những tiếng reo vui. Nhiều em sinh viên chia sẻ: “em thích bài thơ “Áo đỏ” của nhà thơ Vũ Quần Phương lắm, nhưng mãi hôm nay mới được nhìn thấy nhà thơ ở ngoài đời”…

Trên sân khấu đang là tiết mục “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của thầy trò trường ĐH Hồng Đức. Một nhà thơ tóc đã lấm chấm bạc, đeo đôi kính trắng được mời lên sân khấu hát cùng vì: “thấy anh hát say sưa quá” (lời người dẫn chương trình đêm thơ). Nhà thơ hồn nhiên khoác vai cậu sinh viên hát vang bài hát, lúc cao hứng ông còn làm những động tác phụ họa bài hát rất say mê.

IMG_0038.JPG

     Nhà văn Kiều Vượng khai mạc đêm giao lưu bằng một phong cách hết sức giản dị, tự nhiên

19h30, sau lời giới thiệu của nhà văn Kiều Vượng, phụ trách chi hội nhà văn tại Thanh Hóa là người dẫn chương trình - TS. Hỏa Diệu Thúy, giảng viên khoa KHXH, trường ĐH Hồng Đức, trưởng ban Lí luận và phê bình Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa. Người đồng hành cùng chị trong đêm giao lưu là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, Ủy viên BCH Hội Nhà Văn VN, nhà thơ Văn Công Hùng. Mặc dù trang phục của anh rất giản dị: áo sơmi trắng, quần Tây đen nhưng vẫn không làm phai nhạt vẻ trẻ trung rất lạc quan của anh. Nhà thơ cười thật tươi trước lời giới thiệu của người đồng hành: “ba là người Huế, mẹ là người Ninh Bình nhưng lại sinh ra và lớn lên ở xứ Thanh. Hôm nay anh muốn xuất hiện với tư cách là người xứ Thanh”. Hội trường vỡ òa với tràng pháo tay dòn dã.

Vị khách đầu tiên được mời lên sân khấu là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tác giả tập truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sông”. Anh xuất hiện trước hội trường với chiếc áo Nato màu xanh bụi bặm. Anh còn cuốn hút người nghe bởi giọng nói trầm ấm, mượt mà, nét thông minh, chất hài hước đầy nghệ sĩ về chuyện thơ, chuyện làm thơ và bài thơ “Bài hát về cố hương” anh đọc tặng.

IMG_0050.JPG

                         MC Hỏa Diệu Thúy giao lưu với nhà văn Nguyễn Quang Thiều

 

Có một nhà thơ đã từng là bác sĩ, “suốt sáu năm học trường Y đều được học bổng toàn phần, ra trường được nhận về bộ Y tế nhưng ông đã “lột xác” để trở thành nhà thơ” (Kịch bản đêm giao lưu – TS. Hỏa Diệu Thúy) với những thi phẩm từng nằm sâu trong ngăn cặp học trò như “Áo đỏ”, “Đợi” xuất hiện trên sân khấu với vẻ thanh bạch mà giản dị, sinh viên vỗ tay khi người hướng dẫn chương trình trân trọng giới thiệu: nhà thơ Vũ Quần Phương! Ông trả lời bằng nụ cười điềm đạm mà sâu sắc khi được hỏi: điểm gì gần gũi giữa nghề Y và nghề thơ: cả nghề y và nghề thơ đều lấy con người làm đối tượng, nghề y lấy thể xác, nghề thơ lấy tâm hồn con người. Chỉ khác là: sai lầm của người bác sĩ được chôn dưới đáy mồ sâu cùng với bệnh nhân thì những vần thơ của người  làm thơ được chôn chặt trong trái tim người đọc. Ông cũng góp vui bằng những bài thơ ba câu độc đáo.

Vu Quan Phuong.JPG

Nhà thơ Vũ Quần Phương với câu chuyện về hơn 200 buổi nói chuyện thơ tại các trường ĐH trên cả nước

Nữ nhà thơ mang một vẻ ngoài dịu dàng, đằm thắm như vùng biển đẹp Nha Trang quê chị được nhà thơ Văn Công Hùng nói khen tặng: “đẹp thứ nhì” trong đêm thơ là nữ sĩ Lê Khánh Mai – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa. Chị cũng đã từng là nhà giáo và làm thơ (nhà thơ cười hiền hậu) và đọc tặng đêm giao lưu bài thơ “Hà Nội mùa đông đầu thế kỷ” với những thổn thức, nhớ nhung về tuổi thơ và những khát khao tìm lại.

IMG_0102.JPG

Nhà thơ Lê Khánh Mai - Tác giả thơ nữ duy nhất xuất hiện trên sân khấu đêm giao lưu tại ĐH Hồng Đức

IMG_0080.JPG

Nhà thơ Văn Công Hùng chúc mừng ca sỹ Minh Lý với sự thể hiện bài hát "Thuyền và biển" rất thành công

Đan xen giữa phần trình diễn thơ của các nhà thơ, nhà văn là các tiết mục văn nghệ. Hầu hết các bài hát được trình diễn trong chương trình giao lưu là những sáng tác nhạc phổ thơ của những nhà thơ lớn. Sau bài hát “Khúc hát sông quê” (Thơ Lê Huy Mậu, nhạc Nguyễn Trọng Tạo) là sự xuất hiện của nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với những tâm tình về bài hát anh phổ nhạc: Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang. Ông cũng góp vào đêm giao lưu bài thơ độc đáo: “Tin thì tin, không tin thì thôi” và hát tặng bài hát anh mới phổ nhạc: “Khúc du ca của dế”.

IMG_0119.JPG

Nét trẻ trung, hóm hỉnh của Nhà thơ - Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, người nổi tiếng với rất nhiều các ca khúc phổ thơ

Chương trình cũng góp mặt bởi các nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Ngọc Phú với tác phẩm “Tổ Quốc tôi 3000 cây số biển”, nhà thơ Nguyễn Quang Quý với “Dòng sông thứ hai”, “Không đề”, nhà thơ Vương Trọng với “Triết lí khi yêu” và “Nơi anh gặp em” của nhà thơ Trần Chân Huy. Đặc biệt là nhà thơ Mai Văn Hoan, nhà thơ đến từ xứ Huế với bài thơ “Nữ sinh Đồng Khánh” với vẻ mộng mơ, trong trẻo của nữ sinh  Huế làm nức lòng người yêu thơ.

3000 cay so bien.JPG

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú với phần trình diễn bài thơ "Tổ quốc tôi 3000 cây số biển" như một nghệ sỹ trên sân khấu

Bi thu tinh uy.JPG

Tác giả kịch bản bộ phim "Chủ tịch tỉnh" xuất hiện trên sân khấu với sự chào đón nồng nhiệt của khán giả đêm giao lưu

Cuộc giao lưu cũng có sự góp mặt của nhà văn Đình Kính – tác giả kịch bản bộ phim “Chủ tịch tỉnh” và sắp tới đây là “Huyền thoại tàu không số” – tập bút ký khác của anh cũng sẽ được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình; PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh – Phó chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương. Đêm giao lưu cũng phải kể đến hai gương mặt thơ hàng đầu Thanh Hóa là Văn Đắc và Huy Trụ.

Van Dac.JPG

                                      Nhà thơ xứ Thanh: Văn Đắc

21h30 phút, cả hội trường đang đắm say trong chất Huế ngọt lịm: “Nữ sinh Đồng Khánh của nhà thơ Huế Mai Văn Hoan thì người dẫn chương trình bất ngờ thông báo chương trình phải tạm dừng vì “giữ sức khỏe các nhà thơ cho cuộc hội thảo ngày mai”.Đêm giao lưu kết thúc với niềm nuối tiếc của thầy trò trường ĐH Hồng Đức. Con đường trước cổng trường thênh thang, gió đầu đông lành lạnh, vẻ băn khoăn hiện lên trong mắt học trò- "sang năm có giao lưu như thế này nữa không nhỉ?” Vâng,  thầy trò trường ĐH Hồng Đức sẽ mong chờ ngày gặp lại.

 

 

Tin: Mỵ Quỳnh Lê

Ảnh: Nguyễn Việt Hoàng

 

Tin liên quan