Hội thảo khoa học cấp khoa “Tổ chức thực hành phương pháp nghiên cứu Xã hội học - CTXH gắn với thực tiễn xã hội”

5/22/2016 4:03:36 PM
Thực hiện kế hoạch năm học, chiều ngày 11/5/2016, khoa Khoa học xã hội (KHXH) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tổ chức thực hành phương pháp nghiên cứu Xã hội học - CTXH gắn với thực tiễn xã hội”.  PGS.TS. Lê Thị Phượng -  Phó trưởng khoa Khoa học xã hội đã tham dự và chủ trì Hội thảo.

 

Công tác xã hội là một khoa học và là một nghề mang tính thực hành cao. Công tác xã hội tập trung vào việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề cho những người yếu thế. Do đó, thực hành nghề trong đào tạo công tác xã hội có vai trò không thể thiếu trong việc hình thành và phát triển những kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của người học. Thông qua thực hành những kiến thức và những hiểu biết được học trên ghế nhà trường sẽ được  kiểm chứng và thực hành trên thực tế, từ đó trở thành những kiến thức và kỹ năng riêng mà mỗi sinh viên đúc rút được cho mình.

Đại học Hồng Đức bắt đầu đào tạo XHH (CTXH) từ năm học 2005, đến thời điểm hiện tại, đã có 8 khoá được thực hành đào tạo các môn học công tác xã hội. Hoạt động thực hành đã gíup sinh viên hiểu thêm về nội dung của môn học và ngành học, hiểu được ý nghĩa và vai trò của nghề nghiệp trong thực tế để có sự chuẩn bị tốt hơn sau khi ra trường. Tuy nhiên, công tác thực hành cũng đang gặp nhiều khó khăn và cần thiết phải có những giải pháp trong việc phát huy vai trò và ý nghĩa của thực hành đối với người học.

Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận gửi tới Hội thảo. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức đã lựa chọn được 08 bài tham luận có chất lượng đưa vào kỷ yếu hội thảo. Các bài tham luận đều có tính khoa học cao, tính mới, được trình bày theo nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng tập trung xoay quanh các vấn đề: tổ chức thực hành nghề, các kỹ năng khảo sát xã hội học, cách tổ chức tham quan thực tế, cách kiểm định giả thuyết, kinh nghiệm tổ chức thực hành nghề...

Hội thảo là cơ hội để giảng viên tham gia giảng dạy ngành CTXH hiểu sâu hơn về vai trò tổ chức thực hành nghề cho sinh viên khoa KHXH. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, đánh giá những ưu điểm, hạn chế cũng như đề xuất những giải pháp để tổ chức thực hành nghề cho sinh viên có hiệu quả hơn./.

                                                                                                                                                         BTC

 

Tin liên quan