Đối thoại trong "Một ví dụ xoàng" của Nguyễn Bình Phương

26/09/2024

Nguyễn Bình Phương thuộc trong số những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại. Trong hành trình đổi mới văn học từ sau 1986, ông được người đọc và giới phê bình quan tâm với tư cách nhà thơ, nhà tiểu thuyết có nhiều sáng tạo gây bất ngờ, hứng thú. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nghiêng về hệ hình hậu hiện đại với những tư tưởng sâu sắc và đổi mới mạnh mẽ về nghệ thuật tự sự. "Một ví dụ xoàng" - tiểu thuyết mới nhất của ông đã được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Có nhiều cách tiếp cận, đánh giá về giá trị của tác phẩm. Với tôi, hấp dẫn nhất trong "Một ví dụ xoàng" là đối thoại, nó làm nên một thế giới nghệ thuật khác lạ, nó cho người đọc nhìn thấy rõ hơn tài năng và phong cách nhà văn.

                                                          

PGS.TS Lê Tú Anh
Trường Đại học Hồng Đức

 

1. Mở đầu

Nguyễn Bình Phương thuộc trong số những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại. Trong hành trình đổi mới văn học từ sau 1986, ông được người đọc và giới phê bình quan tâm với tư cách nhà thơ, nhà tiểu thuyết có nhiều sáng tạo gây bất ngờ, hứng thú. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nghiêng về hệ hình hậu hiện đại với những tư tưởng sâu sắc và đổi mới mạnh mẽ về nghệ thuật tự sự. Một ví dụ xoàng1 - tiểu thuyết mới nhất của ông khi được tác giả của nó bằng lòng tham dự xét giải, đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021. Có nhiều cách tiếp cận, đánh giá về giá trị của tác phẩm. Với tôi, hấp dẫn nhất trong Một ví dụ xoàng là đối thoại: nó làm nên một thế giới nghệ thuật khác lạ, nó cho người đọc nhìn thấy rõ hơn tài năng và phong cách nhà văn.

2. Nội dung

2.1. Quan niệm về đối thoại

Đối thoại là một hình thức giao tiếp, cũng là một chức năng của sáng tạo và tiếp nhận văn học. Trong tư cách là hình thức giao tiếp, đối thoại tức là những phát ngôn, được hình thành trong quá trình tương tác của một chủ thể với lời của người khác. Ở dạng văn bản tác phẩm tự sự, đối thoại có những hình thức nhận biết cụ thể như: dấu hai chấm, dấu gạch đầu dòng, dấu hỏi, dấu chấm than… Đối thoại thường là lời nói của nhân vật, có chức năng biểu đạt nội dung hiện thực hoặc khắc họa hình tượng.

Theo M. Bakhtin, trong sáng tạo văn học, nhất là tiểu thuyết, đối thoại không chỉ được sử dụng như một hình thức bố cục ngôn ngữ, mà còn có thể thẩm thấu trong toàn bộ cấu trúc, toàn bộ các tầng ý nghĩa và biểu cảm, tạo nên tính đối thoại của một văn bản. Và chính “tính đối thoại nội tại ấy của ngôn từ, vốn không biểu hiện bằng những hình thức bố cục đối thoại bên ngoài, không tách rời như một hành động độc lập khỏi quá trình ngôn từ thâu tiếp đối tượng - chính tính đối thoại nội tại ấy lại có một sức mạnh cấu tạo phong cách vô cùng to lớn”2. Dù vậy, triết học về ngôn ngữ xưa nay, về cơ bản, chỉ chú trọng lời nói, tức là chỉ nghiên cứu đối thoại như một hình thức ngôn ngữ và chỉ nghiên cứu ngôn ngữ tiểu thuyết từ góc độ những phạm trù phong cách học. Điều này khiến cho việc tiếp nhận tiểu thuyết không chỉ xa rời những đặc điểm thể loại của nó, mà còn xa rời cả “những điều kiện tồn tại đặc thù của ngôn từ trong tiểu thuyết”3.

Đối thoại được xem xét trong bài viết này vừa với tư cách những lời nói cụ thể/riêng biệt, tự nhiên, là một yếu tố cấu thành văn bản; vừa là những tiếng nói có ý thức, những đối thoại ngầm toát ra từ trong cách cấu trúc hình tượng nhằm hướng tới một sự trao đổi, hồi đáp, bàn luận…, tức là những tư tưởng được đối thoại hóa, mang “tính đối thoại”.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202309/Images/tai-xuong-20230920085835-e.jpg
Bìa tiểu thuyết Một ví dụ xoàng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021.
 

2.2. Đối thoại là thành tố quan trọng cấu thành văn bản Một ví dụ xoàng

Trong Một ví dụ xoàng, đối thoại hiểu theo nghĩa là hình thức bố cục ngôn ngữ thông thường, là một thành phần quan trọng của trần thuật. Toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của Sang - nhân vật trung tâm - được tái hiện chủ yếu thông qua đối thoại, mà người nghe, người xâu chuỗi chúng lại là nhân vật “khách”, trong vai một nhà văn/nhà báo. Các đối thoại này không được nhận biết bằng những dấu hiệu thông thường như dấu hai chấm (:), dấu gạch đầu dòng (-), dấu hỏi (?), dấu cảm thán (!)… Nhà văn dùng dấu ngoặc kép (“”) để phân biệt lời đối thoại của nhân vật và lời của người trần thuật. Việc tỉnh lược tối đa các dấu câu, nhất là ở phần thứ hai của tiểu thuyết, khiến cho giữa các lượt lời hầu như không còn sự ngăn cách. Xét về dung lượng vật lý (tức độ dài ngắn của tiểu thuyết), cách làm này trước hết giúp tiểu thuyết thu hẹp số trang, trở nên gọn nhẹ, phù hợp để bỏ túi, để mang theo và có thể giở ra đọc bất kỳ lúc nào. Các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương nhìn chung đều có đặc điểm nhỏ gọn như vậy. Chỉ điều này đã cho thấy nhà văn thân thuộc, gắn bó với độc giả thế hệ mới.

Tuy vậy, khó khăn là ở chỗ, người ta cũng không dễ để có thể đọc nó bất kỳ lúc nào. Bởi nếu không tập trung, nếu thiếu những ghi chép, chú thích, theo dõi một mạch, người đọc sẽ phải đọc lại, phải lật giở để chắp nối, xâu chuỗi, hình dung. Bởi vì nhà văn không sắp xếp truyện theo trình tự tuyến tính của thời gian; không để cho một hoặc vài người kể thâu tóm toàn bộ cuộc đời/số phận nhân vật chính; không tường tận, chi tiết mọi ngõ ngách mà đôi khi dùng biểu tượng, rút gọn, tỉnh lược, rồi gián cách, phân mảnh, liên tưởng, ẩn dụ, ngoa dụ/nói quá, giễu nhại, tung hỏa mù…; không dùng chỉ hình thức văn xuôi mà cả thơ, cả khoảng trắng của một đoạn ghi âm bị ngắt quãng, cả cách lắp ghép các chương/hồi như một vở kịch… Có nghĩa là, nhà tiểu thuyết - Nguyễn Bình Phương đã sử dụng cả tư duy và các thao tác của nhà thơ, nhà truyện ngắn, nhà biên kịch, nhà báo… Quả là, tiểu thuyết là “tổng hợp tinh thần tối cao” (Milan Kundera) của nhà văn.

Lời thoại của nhân vật trong Một ví dụ xoàng có khi cóc nhảy, đứt đoạn; có khi rất liền mạch, logic. Ở file ghi âm số 2, con người, tính cách Sang được miêu tả bởi hai đồng nghiệp là những giáo sư nghỉ hưu đang ngồi chơi dở ván cờ. Chen vào giữa những nước cờ, câu chuyện cuộc đời anh tiến sĩ thật tầm phào, chẳng đáng quan tâm. Trong những hồi tưởng có vẻ lớp lang của cô bạn thời thơ ấu ở Linh Sơn với Sang và Uyên (file ghi âm số 9), số phận Sang được dự báo từ những chi tiết cá biệt của thân thể: “… sau trận đậu mùa tưởng chết, trên người ông ấy xuất hiện những vân như lớp vẩy, kỳ cọ thế nào cũng không mờ, chỉ riêng hai bàn tay thì vẫn cứ trắng bong”[1]; “cái con giống của ông ấy nó to hơn cả của người lớn, mà to hơn mấy lần cơ”; “ngón tay ông ấy dài, dẻo như tay con gái, nhưng không thon, mà gần như bằng nhau, theo hình chữ nhật (…) mỗi ngón là một người, mười ngón như mười người tí hon, làm việc rất khéo, ăn ý với nhau”[2]… Sự đứt đoạn hay liền mạch ở đây trước hết phù hợp với cái tự nhiên là bản chất của lời nói. Xuất hiện trong cái vẻ tự nhiên đó, mỗi người nói - nhân vật tham gia kể chuyện - đều trở thành một thỏi nam châm đối với người đọc.

Bằng cách để cho nhiều nhân vật nói về một nhân vật, những câu chuyện trở nên sinh động vô cùng. Nhà văn rất thuận lợi để rẽ ngang, dừng lại, đang chuyện nọ xọ chuyện kia… một cách rất tự nhiên mà hoàn toàn logic. Trong file ghi âm số 7, lời của một người trong đội thi hành án, đang từ chuyện chuẩn bị thi hành án tử hình sang chuyện bệnh mồ hôi tay, rồi chuyện “bố chú là bộ đội, cao to, hào sảng”, chiến tranh không vật ngã được mà chết vì “cái xương gà hóc ngang”. Trong file ghi âm số 10, người nói là ông nguyên trưởng phòng tổ chức, đang rành rọt về lai lịch, số phận Sang lại quay sang nói về cơ chế, rồi thì cách ứng xử, nhân quả, được mất... Theo đó, có cơ man những con người, cảnh đời, vấn đề được nhắc đến, gợi mở, tái hiện, khiến độc giả như gặp cả một cuộc sống rộng lớn, trải qua hàng dăm sáu chục năm trên mấy trăm trang tiểu thuyết. Ở đó có những câu chuyện “nhỏ li ti” nhưng gợi nhắc về một thời mà ai đã sống qua cũng dường như ít nhất một lần nhìn thấy/trải nghiệm. Chẳng hạn: chuyện người lớn tự do sờ vào bộ phận sinh dục của trẻ em (nam); chuyện phụ nữ chưa biết đến các biện pháp tránh thai, hễ chồng đụng đến là chửa; chuyện thìa nĩa là món hàng phổ biến của người đi Liên Xô những năm 70-80 gửi về; chuyện quà mừng đám cưới “chủ yếu là chậu nhôm, mâm nhôm, đồng hồ treo tường, vỏ gối hoặc ấm chén, bát đĩa bọc trong giấy đỏ”[3]… Có câu chuyện liên quan đến số đông, làm toát lên bối cảnh xã hội một thời: đói khổ, đào vàng, buôn lậu, phạm pháp, xử bắn… Có cả những vấn đề lớn của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đương thời như “cơ chế”, giáo dục, môi trường, biển Đông, văn học và chính trị, tham nhũng, quy hoạch nham nhở, thảm sát, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ vị thành niên, chống người thi hành công vụ… Có câu chuyện thuộc về lẽ tự nhiên, thường hằng: nhân quả, báo ứng... Biệt tài của Nguyễn Bình Phương là chỉ bằng vài câu, thậm chí một câu, đã gợi ra một chuyện, một vấn đề/vấn nạn, hoặc xui người ta liên tưởng tới nhiều văn bản khác. Nghĩa là, từ thế giới nghệ thuật này, nhà văn mở ra nhiều thế giới và thế giới nghệ thuật khác.

Theo tôi, Nguyễn Bình Phương đã thực sự thành công trong tạo dựng các đối thoại, nhất là ở phần thứ hai, từ trang 79 trở đi. Đó không phải một vài câu hay một mẩu, mà thường là cả một đoạn dài với “lời trong lời”. Nhân vật hỏi, nghe, trả lời, đồng ý, phản bác, đề nghị, tường thuật, miêu tả... sinh động như đang ngồi trước độc giả. Các tiếng nói của ông chánh án Tòa án tối cao, của nguyên trưởng phòng tổ chức, của một thành viên đội thi hành án, của cô bạn ông Sang thời thơ ấu…, hay tiếng của cô Uyên, ông Chính, chú Quyết, bà Vân, các giáo sư đồng nghiệp, ông bán chè, phu đào huyệt… đều luôn rành rẽ, người nào lời ấy, không lời nào lấn át lời nào, không lời nào bị mờ nhòe, vấp lặp. Trong mỗi tiếng nói có cả tính cách con người, địa vị, thân phận, học vấn, nghề nghiệp, trải nghiệm và tình cảm của người nói. Qua mười file ghi âm của “khách”, có thể thấy, nhân vật nào cũng có tài ăn nói. Những lời nói tự nhiên, chân thực như là những bản ghi âm các lời nói từ đời sống, như là những âm thanh của chính đời sống tự nhiên đang dội vào. Người đọc nghe thấy trong đó tiếng thì thầm, tiếng reo, tiếng chửi, tiếng nấc, tiếng cười… Nhưng linh hoạt, lưu loát, uyển chuyển chưa đủ; trong mỗi lời nói còn chất chứa biết bao nhiêu câu chuyện, con người, cảnh đời, biến cố, cả những suy nghĩ, toan tính chi li. Nó khiến người ta lập tức hình dung về một cuộc sống đang chảy trôi, vô thường và hết sức phức tạp, đa sắc. Nhà văn không chỉ cho thấy biệt tài tổ chức, sắp xếp lời nói; mà còn một khả năng sử dụng ngôn từ không giới hạn.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202309/Images/img-9903jpg-20230921084141-e.jpg

Nhà văn Nguyễn Bình Phương đồng chủ trì tổ chức hội thảo quốc gia

tại Trường Đại học Hồng Đức.

2.3. Tính đối thoại nội tại trong Một ví dụ xoàng

Trọng tâm của tiểu thuyết, như đã nói, là những hình dung về một trí thức: Tiến sĩ Sang. Sang là người có số phận đặc biệt: sinh ra mà không rõ nguồn gốc của mình, thuở nhỏ có người bạn gái rất thân thiết là Uyên, lớn lên được đi học nước ngoài (Liên Xô) lấy bằng Tiến sĩ, về nước làm giảng viên đại học, do có tài và có những ứng xử khác người nên bị đồng nghiệp kỳ thị, cô lập, rồi xin nghỉ không lương theo bạn lên Na Rì đào vàng, khi bãi vàng bị đóng cửa thì quay về trường, lấy vợ, có hai con trai, vợ dính vào hụi phải gán nợ sạp hàng, bỏ chồng con theo người đàn ông khác, Sang gà trống nuôi con, một lần vì mải chữa một đám cháy trong ký túc xá sinh viên mà bị vợ cũ bắt cóc cậu con trai thứ hai, đi buôn chè, phạm tội ngộ sát và nhận án tử hình… Chỉ riêng câu chuyện về một phận người nhiều thăng trầm, cay đắng như thế, tiểu thuyết cũng đủ để hấp dẫn người đọc. Nhưng thú vị hơn là ở chỗ, nhà văn không để cho một mình nhân vật tự kể chuyện của mình hay một người kể chuyện ngoài cuộc kể lại chuyện ấy. Ông “trao quyền” cho rất nhiều người. Nói cách khác, ông để cho rất nhiều người nói về Sang bên cạnh những tiếng nói của anh ta. Những người này đều ít nhiều chứng kiến/tham dự vào cuộc đời Sang theo những cách/vào những thời điểm khác nhau. Mỗi người một giọng nói, người thân thương trìu mến, thấu hiểu, sẻ chia; người xa cách, ghẻ lạnh, hờ hững, vô can. Người đứng gần, kẻ đứng xa. Người quan tâm, người vô tình biết đến. Nhưng dù ở vị thế nào thì mọi câu chuyện của họ về Sang đều có những chi tiết vượt ngưỡng, bất thường, ám ảnh ghê gớm. Bất thường về xuất thân, về hình hài, về tài năng, tính cách, về cư xử, lựa chọn…, và đặc biệt là về cái chết. Các tiếng nói vì thế cứ vang lên như là những tranh luận nảy lửa, không có hồi kết, không có phân giải đúng sai. Rốt cuộc, Sang là ai? Câu hỏi tự nó đã hàm chứa lời đáp. Đó là quan niệm của nhà văn về con người, về người trí thức và thân phận anh ta trong những biến thiên thời cuộc.

Bàn luận, đánh giá về một trí thức, tức thuộc tầng lớp tinh hoa, hẳn nhiên, đối thoại không dừng ở lời nói hay thái độ, nó còn chứa đựng nhiều tư tưởng, quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá về các vấn đề lớn, trọng đại. Chẳng hạn: “Đã đào tạo ở Liên Xô thì chắc chắn là rất giỏi”[4]; “Cậu là nhà văn cậu cho chị xin một lời. Cậu cũng lắc đầu hả. Thế mà chị cứ đinh ninh nhà văn thì trả lời được tuốt”[5]; “Tại sao cậu không quan tâm đến những chuyện đại sự sống còn hơn, như biển Đông đấy, (…), nhao vào cái đống tro nguội ngắt nguội ngơ này làm gì. Cậu giống cô út nhà mình, trí thức nhưng không có một tí nhạy cảm chính trị nào”[6]… Không chỉ bình luận về vai trò, vị thế của nhà văn, của người trí thức, trong tác phẩm còn có nhiều câu, đoạn liên quan đến các vấn đề nhạy cảm về chính trị/thể chế, chính sách/đường lối như: “Nói gì thì nói, cái ông nhà nước mình nó vẫn còn nhân đạo chán. Bắn xong mới báo tin cho người nhà biết. Chứ để gia đình họ nhìn thấy, tôi nghĩ nó ám ảnh đến hết đời luôn”[7]; “Chờ mai kia tôi hết tuổi tham gia sinh hoạt đảng rồi, nếu muốn thì cứ quay lại đây, lúc ấy tôi nói cho thoải mái, không ý tứ gì hết”[8]; “Cái sáng suốt, cái nhân văn của Đảng mình nằm ở đấy, ở chỗ luôn cảnh báo cho mỗi người để họ khỏi bị sai vị trí. Đã sai vị trí thì dễ dẫn đến chệch hướng”[9]; “Thấy chưa, quan lộ cũng là do số nó dẫn lối đưa đường chứ đâu phải cố gắng phấn đấu mà được”[10]... Điều thú vị là những chuyện có vẻ rất to tát, hệ trọng lại luôn được nói bằng những giọng điệu rất bình thản/thản nhiên, không hề đem đến cảm giác về sự ám chỉ, kích động, thù hận, oán trách, bôi nhọ, tô hồng... Trong tiếng nói của những cá nhân, nó là câu chuyện/góc nhìn riêng, quan điểm, trải nghiệm riêng. Nó luôn tiềm ẩn những tiếng nói khác không cùng quan điểm. Nó có thể là mở đầu của những tranh biện khác, có thể là tranh biện ngầm của độc giả với nhà văn nữa. Nhìn xa hơn, trong một lịch sử tiếp nhận có thể được hình thành trong tương lai, nó còn là tranh biện của các thế hệ độc giả. Đối thoại lúc này vượt ra ngoài phạm vi văn bản, là sản phẩm của một bối cảnh viết và đọc khá dân chủ. Và đến lượt mình, bối cảnh đó tạo tiền đề cho những đối thoại mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa. 

3. Kết luận

Với Nguyễn Bình Phương, viết và đọc tiểu thuyết không còn là hành động giải trí như quan niệm một thời. Nhà văn mất hai năm để viết cuốn sách chưa đầy 200 trang, còn người đọc, không phải vài giờ, vài ngày để có thể giải mã nó. Nhìn lại một thế kỷ tiểu thuyết Việt Nam, từ những tác phẩm được sinh ra như là sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí, “giết thì giờ” đầu thế kỷ XX[11], đến nay đã một thế kỷ, tiểu thuyết Việt Nam đã đi qua hệ hình hiện đại để hướng tới hệ hình tư duy hậu hiện đại. Nguyễn Bình Phương có thể chưa bước hẳn sang hệ hình này, cụ thể là trong trường hợp Một ví dụ xoàng, nhưng cái hiện đại đã đến độ điêu luyện của nó. Sự giao thoa hai hệ hình tạo nên một bước chuyển quan trọng, cần thiết, phù hợp với “tầm đón đợi” của độc giả những thập niên đầu thế kỷ XXI. So với Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Trí nhớ suy tàn, tiểu thuyết Một ví dụ xoàng rõ ràng là dễ đọc và hấp dẫn hơn. Với một tinh thần đối thoại xuyên suốt, Một ví dụ xoàng không chỉ là cuốn tiểu thuyết rất “mở”, tràn đầy hơi thở đời sống; mà còn hàm chứa nhiều khả năng vượt thoát những phạm vi chật chội để đến với một thế giới rộng lớn hơn.

(Bài đã in trong sách Nguyễn Bình Phương những mê lộ nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2023)


Chú thích:

1 Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2021

2 M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu, Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao - Trường viết văn Nguyễn Du, H., 1992, tr. 98.

3 M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, sđd, tr. 79-80.

[1] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr. 159-160.

[2] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr. 163.

[3] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr. 171.

[4] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr.119.

[5] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr. 134.

[6] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr. 180-181.

[7] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr. 156.

[8] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr. 175.

[9] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr. 182.

[10] Nguyễn Bình Phương, Một ví dụ xoàng, sđd, tr. 187-188.

[11] Xin xem: Lê Tú Anh, Tiểu thuyết Việt Nam 1900-1930, Nxb. Khoa học xã hội, H., 2012.

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN