16/09/2024
Có người viết tiểu thuyết như tự truyện. Có người viết tự truyện như tiểu thuyết. Vì sao vậy? Vì tiểu thuyết có nhiều điểm gần gũi, thậm chí tương đồng với tự truyện. Ở Nhật Bản, tự truyện có tên là “Wata Kushi” (tiểu thuyết về chính bản thân tôi). Còn ở Trung Quốc, Lương Tân Tuấn xem tiểu thuyết tự truyện là một loại của tiểu thuyết kỷ thực (tiểu thuyết ghi chép sự thực). Tác giả định nghĩa: “Tiểu thuyết tự truyện là loại tiểu thuyết nhà văn kể lại những kinh nghiệm và cảm thụ của chính bản thân mình, loại kinh lịch này có giá trị tân văn nhất định. (...) Loại tiểu thuyết này không kể lại người khác như tiểu thuyết tân văn, không giống những tác phẩm tự biểu hiện nói chung tùy thuộc vào vật truyền đạt gián tiếp, cũng không giống loại tự thuật thông thường, tái hiện những cảnh tượng đời sống tẻ nhạt thiếu hấp dẫn, mà chuyên giới thiệu bản thân mình, đặc biệt là bản thân trong những sự kiện tân văn, đồng thời bằng phương pháp trực tiếp, không hề che giấu để biểu hiện cái tôi, truyền đạt ý hướng chủ quan và những cảm thụ nội tâm của cái tôi để thực hiện những phán đoán giá trị và sự xác nhận nhân cách của cái tôi”([2]). Mối quan hệ mật thiết giữa tự truyện và tiểu thuyết, do vậy, được “xây dựng” trên cơ sở những đặc trưng khu biệt thể loại. Tự truyện đòi hỏi nhà văn phải nói ra những sự thật về đời mình. Nhưng có những sự thật nghiệt ngã tới mức, thời gian dẫu đã lùi xa thì việc công bố nó vẫn rất bất lợi([3]). Trong hoàn cảnh đó, người viết muốn đi tới tận cùng sự thật thì buộc phải hư cấu. Việc hư cấu nhiều khi có thể chỉ là thay đổi tên nhân vật trong tác phẩm cho khác với tên người viết. Dù thế nào thì việc làm này cũng khiến tác phẩm chạm tới một căn tính của tiểu thuyết. Đó là tính chất hư cấu, tưởng tượng. Nhưng vì nhà văn đã “chủ trương” kể lại sự thật đời mình, nên nhân vật tuy không trùng tên với tác giả, người đọc vẫn không thôi liên tưởng tới người viết ra nó.
Nếu sự khác biệt trên khiến cho tự truyện và tiểu thuyết xích lại gần nhau hơn như một sự đắp đổi, thì một điểm khác biệt khác lại tạo nên chiều hướng ly tán, thể hiện rõ tính riêng biệt thể loại. Đó là, trong khi tự truyện được viết ra do nhu cầu sám hối, thú nhận, tự vấn lương tâm của người viết, thì “Tiểu thuyết không phải là một lời tự thú của tác giả mà là một cuộc thăm dò cuộc sống con người trong cái thế giới đã trở thành cạm bẫy”([4]).
Bên cạnh những khác biệt cơ bản ấy, giữa hai thể loại tự sự này cũng có những điểm gần gũi quan trọng. Cả hai đều coi trọng yếu tố đời tư và đều “có tham vọng ghi lại lịch sử tâm hồn con người từ cái nhìn bên trong”([5]). Điểm nhìn nội quan (introspection) là yếu tố quyết định chiều sâu phản ánh hiện thực và đời sống con người cho hai thể loại văn học này.
Gia đình bé mọn, từ góc nhìn thể loại, vừa có nhiều đặc trưng của tiểu thuyết, vừa có thể xem là một tự truyện. Khoan hãy nói đến mối quan hệ đời thực với nhà văn, đến những hiểu biết về tiểu sử của Dạ Ngân, hãy xem Gia đình bé mọn là một tác phẩm văn học, trước hết phải khẳng định đây là một cuốn tiểu thuyết, bởi tác phẩm mang nhiều đặc điểm quan trọng của thể loại này.
Thứ nhất, tác phẩm thể hiện một cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư. Gia đình bé mọn với độ dài 290 trang, không đề cập trực diện đến các vấn đề của lịch sử, xã hội như chiến tranh hay hậu chiến. Cốt truyện được xây dựng trên cơ sở những biến cố trong cuộc đời nhiều sóng gió của một thiếu phụ. Mỹ Tiệp là một nữ văn sĩ miền
Người ta thường nói “Gia đình là tế bào của xã hội”. Mà đã là tế bào thì nó là vi mô, nhỏ bé. Nhưng nhỏ bé thì xinh xắn, đáng yêu, còn bé mọn thì cứ tội nghiệp, đáng thương làm sao ấy. Gia đình của họ đúng là một gia đình bé mọn: “Căn hộ độc một phòng, vuông sân cơi nới hùn với bên dưới chưa có tiền láng xi măng trông lỗ chỗ nghèo khó, bàn làm việc kê sát với chiếc giường thước hai, chiếc ban thờ gá vào vách tường”([6])… Đấy là cái “tổ ấm” của hai người, chỉ hai người thôi. Cả hai đều đã qua tuổi thanh xuân. Họ có cả thảy năm đứa con, nhưng là con anh, con tôi, giữa họ không có đứa con chung nào để ràng buộc. Mong manh thế, bé mọn thế, chưa đủ. Hai con người chung sống bởi một tình yêu, một niềm say mê chung đó đang mang trong mình bao nhiêu âu lo về bổn phận với con cái, gia đình, dòng họ và những mặc cảm về bản thân mình. Một gia đình bé mọn đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng để có được chút hạnh phúc mà trong cái nhân sinh quan thường tình có thể là rất nhỏ nhoi ấy, họ đã phải vượt qua biết bao nhọc nhằn: dư luận và buộc ràng, chiến tranh và khuất phục, dằn vặt và mơ ước, hạnh phúc và hy sinh… Dù sao đó cũng là sự lựa chọn chân chính và quyết liệt của họ. Tôi tin Nếu phải đi trở lại/ Họ vẫn chọn đường này. Đúng như cái tên gọi của nó, tiểu thuyết chủ yếu đề cập đến chuyện gia đình, chuyện đời tư. Nhưng ý nghĩa của nó thì dường như đã vượt ra khỏi phạm vi của những chuyện riêng tư ấy. Sâu sắc và khái quát hơn, nó là bài học về nhân sinh, về lẽ sống.
Thứ hai, trong khi các thể loại như truyện thơ, trường ca, anh hùng ca đầy chất trữ tình và cảm hứng ngợi ca, thì tiểu thuyết “hấp thụ vào bản thân nó mọi yếu tố ngổn ngang bề bộn của cuộc đời bao gồm cái cao cả lẫn cái tầm thường, nghiêm túc và buồn cười, bi và hài, cái lớn lẫn cái nhỏ”([7]). Tình yêu trước hôn nhân kéo dài hơn mười năm của Đính và Tiệp gắn liền với những năm tháng cam go nhất của thời bao cấp. Dạ Ngân với bút pháp hiện thực nghiêm ngặt và nhịp điệu trần thuật nhanh, đã đưa vào tác phẩm một lượng thông tin khá đồ sộ. Người đọc qua đó có thể hình dung ra bối cảnh xã hội của nước ta thời bao cấp. Đói nghèo và lạc hậu: mọi xe đạp phải đeo biển kiểm soát, cửa hàng ăn đục lỗ vào thìa ăn phở để tránh mất cắp, bể nước công cộng lềnh bềnh cục phân trẻ nhỏ, viên chức đến cơ quan mang theo mùi chuồng trại trên quần áo, mỗi sản phụ đến bệnh viện nạo hút thai phải nộp một chai nước tiểu loại 750 đầy (không phải để thử mà để người ta lấy nước tiểu bán cho dân trồng rau còn chai thì bán lại cho bọn sản xuất rượu lậu)… Khỏi phải nói con người thời ấy đã phải chịu đựng và vượt lên như thế nào. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa phải là tất cả. Thái độ và cách cư xử của con người mới thật đáng sợ. Hách dịch và vô cảm như cô bưu vụ hay nhân viên bán vé bến xe tưởng đã quá đủ để đày đoạ con người, vậy mà khi Đính lần đầu vào miền Nam với “tóc dài quần loe” liền bị “đội quân văn hoá” “áp vô gốc cây dùng kéo sởn một nhát nhanh như AQ bị người ta cách mạng cái đuôi sam đi” thì anh không còn biết đây là trần gian hay địa ngục nữa. Chia sẻ với Tiệp và: “Cả hai bất ngờ nhìn vào mắt nhau, ở đó là những tiếng nói chung về sự đau khổ, nỗi thất vọng và cả nỗi ngờ vực bên trong mỗi con người”([8]).
Trong một bối cảnh như thế, số phận của cái đẹp, của tình yêu trở nên quá đỗi mong manh. Đây là hình ảnh của Đính lần thứ ba Tiệp gặp, giữa thủ đô Hà Nội: “Vẫn bộ quần áo chết tiệt hồi năm kia rồi năm ngoái duy màu kem của chiếc áo đã thật sự biến thành màu cháo lòng có đệm thêm một lỗ thủng bằng trái chanh dưới ngực, chiếc quần phăng sẫm rách cả hai bên gối để lộ hai mảng da đều nhau như Đính cố tình chơi trò quy luật cân xứng”([9]). Rồi cái đêm gọi là “tân hôn” của họ, những tưởng sẽ đi đến tận cùng hạnh phúc sau bao tháng ngày nhớ “điên đầu” và khát khao cháy bỏng. Nhưng thực tế thật phũ phàng: “Những cố gắng đền bù của anh với hoàn cảnh không đánh thức nàng tận cùng như nàng nghĩ. Tại sao lại cứ hình ảnh cục phân vàng vàng trong bể nước, tại sao lại cứ cái hình thù của tấm ri-đô và những tấm cót ép chung quanh, tại sao lại vẫn bị chi phối bởi người đàn ông chủ nhà đang nín thở trên giường và đứa bé tim tím vì mồ côi mẹ và thiếu đói?”([10]).
Thứ ba, nhân vật trung tâm của tác phẩm - Mỹ Tiệp, là con người nếm trải, con người trưởng thành qua rất nhiều khổ đau, sóng gió của cuộc đời. Đây là đặc trưng cơ bản của nhân vật tiểu thuyết. Trong một hoàn cảnh sống đầy rẫy “áp lực” như vừa kể, nếu chỉ là một sức chịu đựng thông thường, con người quả thực khó có thể vượt qua. Sức mạnh của Tiệp là nội lực của người phụ nữ được thừa hưởng những phẩm chất của dòng họ, gia đình, được tôi luyện qua khốc liệt của chiến tranh và trên hết là niềm khát khao mãnh liệt được sống như một con người chân chính. Tiệp thuộc loại nhân vật “không tương hợp với số phận và vị thế của nó”, “cao lớn hơn số phận mình” (M. Bakhtin), không phải chỉ vì Tiệp đã biết chịu đựng và vượt qua những cay cực ấy để mưu cầu một tình yêu, một cuộc sống đích thực. Cuộc chiến của dân tộc vừa kết thúc thì ngay lập tức Tiệp phải đương đầu với một cuộc chiến mới còn “tàn khốc hơn cuộc chiến đã lấy đi tuổi trẻ của nàng”. Đó là cuộc chiến chống lại cái xấu xa, bỉ ổi mà “đại biểu xuất sắc” trước hết là chồng nàng. Tuyên - người chồng lần nào đưa vợ đi làm kế hoạch, cũng chỉ dừng xe ở cổng bệnh viện rồi ngay lập tức đến cơ quan mặc cho vợ “một mình chiến đấu với mọi công đoạn”. Cả hai lần Tiệp sinh con, Tuyên đều vắng mặt chỉ vì đang trong giờ công sở. Với vợ đã vậy, với con Tuyên cũng vô tâm và dửng dưng không kém. Quan trọng hơn tất cả, với anh ta, là cái chức phó phòng tuyên truyền của ban và một tương lai mơ ước là trưởng phòng rồi lên nữa, lên mãi. Với người chồng “thuộc nhóm máu cá” ấy, cuộc sống của Tiệp dù có vá víu đến thế nào cũng không tránh khỏi những lỗ thủng cứ ngày một rộng thêm mãi. Trái tim khao khát tình yêu và tự do của Tiệp cứ lên tiếng đòi giải phóng. Và thế là: “Nàng đã dấn lên, nàng đâu có chờ đến khi con vào đại học, nàng đã ra khỏi cái nhà ấy vì cuộc sống lâu dài của mình với cái rơ-moóc các con, lúc đó nàng đâu có thấy Đính, thậm chí anh đã muốn hẹn nàng ở kiếp sau, Đính xa vời, mất hút, nhưng nàng vẫn cứ bước đi vì chính mình, phía trước”([11]). Chối bỏ cuộc hôn nhân ấy, Tiệp chẳng những từ chối luôn cả những quy hoạch, dự nguồn của tổ chức với mình, nàng còn phải chịu đựng bao nhiêu sự gièm pha của dư luận, thậm chí cả “đòn roi” của giới chức trong tỉnh. Nhưng tất cả những điều ấy, Tiệp không phải bận tâm nhiều. Khác với người chồng ti tiện, vị kỷ và tụi “ông quan bà kiếc” có tư cách lem luốc, nàng tin ở nhân phẩm và sự lựa chọn của mình.
Khó khăn hơn với Tiệp là những trì kéo của gia tộc. Tiệp là “ngôi sao của dòng họ”. Cuộc hôn nhân của Tiệp có thể không hạnh phúc, nhưng Tiệp không được phép chỉ sống cho mình. Bởi vì: “Vòng vây của nàng là những bà goá, cô goá, má goá, chị goá, cô em út cũng goá, bốn bức tường gương mà nếu nàng soi vào thì nàng phải ngay lập tức quên tuổi trẻ và khát vọng của mình đi để nhớ rằng không thể so sánh nỗi bất hạnh nào với nỗi bất hạnh của những người goá bụa”([12]). Dù vậy, nàng vẫn quyết tâm đi con đường mình chọn bởi khác tất cả những người phụ nữ góa bụa trong gia đình, Tiệp là một nhà văn mà trái tim lúc nào cũng cần dào dạt để sống và để viết.
Nhưng còn những đứa con, còn tình mẫu tử của Tiệp thì tính sao đây? Tiệp biết chắc đến được với Đính là phải bỏ lại những đứa con của mình. Quá nhiều giằng xé diễn ra trong nội tâm người thiếu phụ đa cảm và đa đoan ấy. Qua những diễn tả nội tâm phức tạp của Tiệp, Dạ Ngân đã bộc lộ được sở trường của mình. Những mâu thuẫn trong nội tâm nữ nhân vật này vừa thuận với quy luật tâm lý chung của con người, vừa mang dấu ấn riêng của một cây bút nữ Nam bộ giàu tình cảm và suy tư, luôn trăn trở về cuộc sống: “Khi còn trong cổng rào với Thu Thi và Vĩnh Chuyên thì sự day dứt tranh đấu với nỗi thương yêu thèm nhớ Đính, nhưng khi tàu đưa nàng xa dần, xa mãi ra thì những ý nghĩ về các con chiếm lĩnh toàn bộ mọi thứ có tên là sự sống trong nàng”([13]). Một sự lựa chọn quả là nghiệt ngã. Bởi vậy, kết quả của sự lựa chọn ấy là “nàng có công việc của tư chất, có người đàn ông của số phận, còn hy vọng thì nàng hy vọng gì, hy vọng rồi các con sẽ tha thứ cho nàng ư?”([14]). Mãi mãi, nàng sẽ phải sống trong niềm day dứt, dằn vặt của một người mẹ “đang bỏ vãi các con ở xa mình hàng nghìn cây số để đi lấy chồng”.
Vậy thì, nếu an bài với số phận mình, Tiệp sẽ không phải khổ đau như vậy? Hay là phải chăng cuộc đời Tiệp sẽ kết thúc theo một chiều hướng bi đát hơn: hoặc là a-dua theo thời, hoặc là cầm tù trái tim và nhân cách? Cả hai đều khiến cho nhân vật suy thoái về đạo đức, tinh thần. Đó là kiểu nhân vật trong các tiểu thuyết cổ điển. Những nếm trải, khổ đau, dằn vặt của cuộc đời đã tạo nên một cô Tiệp “đang trưởng thành do đời dạy bảo”. Và do vậy, tiểu thuyết này không thể khép lại mà buộc phải mở ra, để ngỏ. Kiểu kết cấu cốt truyện như vậy phù hợp với quan niệm tiểu thuyết hiện đại.
Gia đình bé mọn, không nghi ngờ gì nữa, là một cuốn tiểu thuyết. Nhưng nhiều độc giả quen biết với tác giả, thậm chí chỉ cần đọc những dòng tiểu sử ngắn ngủi, cũng có thể nhận ra hình bóng cuộc đời của Dạ Ngân trong đó. Nhà văn rõ ràng đã sử dụng chất liệu đời mình một cách có chủ ý chứ không hoàn toàn hư tâm. Kể lại đời mình, Dạ Ngân không nhằm phô trương thân thế và sự nghiệp. Bút pháp hiện thực nghiêm ngặt không chỉ giúp nhà văn soi rọi những góc khuất tối của bức tranh xã hội, của những nhân vật tạm gọi là phản diện. Ngay cả Đính và Tiệp cũng không nằm ngoài “quy định” nghệ thuật ấy của nhà văn. Bởi vậy họ cũng không hẳn là những nhân vật chính diện. Vậy thì qua những nhân vật của mình, Dạ Ngân muốn gửi gắm điều gì? Trước hết và quan trọng nhất chính là để nói lời sám hối, một lời sám hối thành thực và khẩn thiết của người mẹ với những đứa con dứt ruột đẻ ra của mình. Sau khi thu xếp cho các con, ra tới Hà Nội, trở thành người vợ chính danh của Đính như hơn mười năm qua nàng hằng mơ ước, Tiệp mới thấy rõ mình: “Nàng đổ xuống một cách thê thảm, quằn quại, như một cái cây trong cơn bão, nàng muốn được gào khóc, được đào bới, nàng muốn vạch đất xé trời để được nhìn thấy các con, giá có thể chạy bộ mà trở về được, giá có thể được nhìn thấy chúng nó một lần nữa, lúc nầy”([15]). Việc không thể thực hiện được trong thực tế đã trở thành một nung nấu trong tinh thần. Bởi vậy, năm 2004 trả lời phỏng vấn trên một trang Web, Dạ Ngân đã nói: “Tôi vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết quan trọng của mình. (...) Tôi đã có hạnh phúc nhưng chỉ thiếu một cái quan trọng nhất: Không có các con ở bên”.
Mặt khác, khi Dạ Ngân quan niệm “trong thể tự truyện, các nhà văn ta hay lười sáng tạo, chỉ thích hồi ký cho dễ. Bởi viết như Người tình của M. Duras công phu lắm, tài năng lắm, khó lắm”. Và: “Viết như Lê Vân yêu và sống có văn, có vật liệu nhưng vẫn ít chất văn học.”([16]), thì Gia đình bé mọn không phải chỉ là một cuốn tiểu thuyết nữa. Hoặc nếu là tiểu thuyết, nó nên được gọi là một cuốn tiểu thuyết thú nhận. Công khai những gì đã nếm trải, nhà văn cũng đồng thời thú nhận tất cả sự thật về con người mình. Tâm lý “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại” không còn ngự trị trong ngòi bút của nhà văn nữa. Độc giả thấy một cô Tiệp không ngừng “trưởng thành”, nhưng cũng chứng kiến từ đó một con người đầy khổ đau, luôn “thất bại”. Thất bại thảm hại nhất chính là những mất mát trong tình mẫu tử: “Để được sống với người mình yêu cũng có nghĩa là phải thường xuyên gào khóc với lương tâm làm mẹ như vầy sao, cái giá nầy nàng đã ước lượng hết chưa và phải trả đến bao giờ?”([17]). Quan niệm về tự truyện của Dạ Ngân như vậy đã xuất phát từ cơ sở lý luận về thể loại. Tự truyện khác với tự thuật về tiểu sử, lý lịch của nhà văn. Do đó, không cần phải có những thông tin cụ thể, chính xác về tên tuổi, quê quán, gia đình, nghề nghiệp… của người viết thì mới là tác phẩm tự truyện. Thể loại tự truyện cho phép nhà văn sử dụng đời tư vào những mục đích nghệ thuật khác nhau. Nghĩa là để thực hiện ý đồ nghệ thuật của mình, tác giả có quyền nhào nặn, sắp đặt, thêm thắt vào chất liệu ấy. Đọc Mực mài nước mắt (Lan Khai), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng) hay Sống mòn (Nam Cao)... chúng ta đều thấy như vậy. Dạ Ngân cũng sử dụng chất liệu về đời mình trên tinh thần xây dựng lại, nhưng không phải xây dựng lại hoàn toàn. Những bàn luận về bản chất thể loại của Gia đình bé mọn, như thế, tưởng cũng là hợp lý.
*
Từ Gia đình bé mọn, có thể nhận thấy một số vấn đề đặt ra trong nghiên cứu tác phẩm văn học hiện đại, trong đó có tiểu thuyết, từ góc nhìn thể loại như sau:
1. Trong nền văn học hiện đại, xu hướng tích hợp thể loại đang ngày càng được nhiều nhà văn quan tâm. Điều này một mặt để đáp ứng đòi hỏi của độc giả có trình độ tiếp nhận đang ngày một nâng cao, mặt khác, xuất phát từ nhu cầu làm mới nghệ thuật của chính người viết. Đối với một thể loại mà sự sáng tạo trở thành lẽ sống như tiểu thuyết, vấn đề càng vô cùng quan trọng. Hoặc như một lẽ hiển nhiên, nhà văn càng già dặn tay nghề, càng có khả năng tung hoành nhiều thể loại. Cũng như thế, “Kiệt tác lớn thường sáng tạo nên, theo cách nào đấy, một thể loại mới, đồng thời cũng vi phạm các quy tắc của thể loại vẫn lưu hành trước đó”([18]). Do vậy, việc phân tích để chỉ ra sao cho tường tận, thấu đáo rằng tự truyện hay là tiểu thuyết trong một tác phẩm như Gia đình bé mọn là không thể và cũng không thật cần thiết. Ngay cả người sáng tác cũng không quá coi trọng điều này. Từ đầu thế kỷ XX, trong lời tựa cho Giấc mộng lớn, Tản Đà đã viết: “Vậy thời Giấc mộng lớn, là một tập kỷ thực chăng? Hoặc có người hỏi chơi như thế, tác giả thực khó giả lời: Đã gọi là mộng, thời sao được là kỷ thực. Vậy thời giấc mộng lớn là một cuốn tiểu thuyết chăng? Hoặc có người hỏi chơi như thế, tác giả lại càng khó giả lời, có sự thực mới chép, thời không phải là tiểu thuyết. Thôi thời kỷ thực hay tiểu thuyết, tự độc giả muốn cho sao thời là sao”([19]). R. Grillet - nhà văn Pháp, tác giả của Tấm gương trở lại, cũng nói: “Chúng tôi không đề chữ tiểu thuyết trên bìa nữa, chúng tôi không đề gì cả, điều đó khiến cho các nhà phê bình nói rằng nó là tự thuật” và: “Tôi không viết tiểu thuyết, (...) cũng không viết tự thuật”. Nghĩa là nhà văn hoàn toàn có ý thức về thể loại tác phẩm nhưng lại không muốn phát biểu quan điểm rõ ràng của mình. Quan niệm về thể loại ấy đã tồn tại như một sự thách thức đối với người đọc, kể cả người đọc cao cấp.
2. Trong sự dung hợp thể loại của văn xuôi Việt
3. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam vẫn còn chưa thật cởi mở trong cách nhìn nhận, đánh giá về nhân vật tự truyện, nói cách khác, vấn đề tiếp nhận tác phẩm tự truyện ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập, cách làm này được xem là “an toàn tuyệt đối” để người viết có thể “tự do” đem cái tôi đời tư của mình vào tác phẩm, mà không sợ “mang tiếng” hoặc bị chỉ chích. Đây thực sự là cái phao cứu sinh đối với nhiều người viết ở ta hiện nay trước nhu cầu kể lại đời mình. Bởi vì, người viết tự truyện ở ta hiện vẫn phần nhiều là nhà văn. Các nhà văn với những cái tôi “chứa đầy bí mật”, cũng là những người luôn có nhu cầu nói ra những bí mật tâm hồn ấy như một sự ký thác vĩnh hằng về lịch sử hình thành cái tôi dấu yêu rồi đây sẽ không còn hiện hữu. Có thể nói, không ở đâu niềm khát khao khám phá những chuyện đời tư nhiều khúc quanh, sóng gió, bí ẩn... lại được thỏa mãn như những câu chuyện về chính bản thân tôi của người viết ra nó. Xin đừng bắt nhà văn phải trả lời câu hỏi rằng những điều đang kể có phải chuyện đời riêng? Bởi chấp nhận xu hướng này mới hy vọng nền văn học sẽ có nhiều tác phẩm lớn, đáp ứng nhu cầu độc giả về tiểu thuyết - một thể loại văn học có năng lực dồi dào, vừa thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và giải trí, vừa tiềm tàng khả năng bao quát rộng lớn các vấn đề của đời sống xã hội và nhân sinh■
L.T.A
([1]) Các bài viết có liên quan đến vấn đề như: “Bốn lời bình cho Gia đình bé mọn” (Hoài Nam, in trong Gia đình bé mọn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2006), “Tự truyện và tiểu thuyết trong Gia đình bé mọn” (Lê Tú Anh, in trên Văn nghệ số 15/2006), “Gia đình bé mọn và sự khác nhau giữa tự truyện và tiểu thuyết” (Phan Quý Bích, in trên Văn nghệ Trẻ, số 47/2006), “Khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại” (Đỗ Hải Ninh, in trong Tạp chí Khoa học, trường ĐHSP Hà Nội 2, số 7/2009)...
([2]) Lương Tân Tuấn: “Tổng quan về tình hình nghiên cứu tiểu thuyết kỷ thực ở Trung Quốc thời gian gần đây”, Tạp chí Văn học và Ngôn ngữ học, Viện TTKHXH, Số 3/1992, tr.71-77.
([3]) Xin đơn cử câu chuyện về ảnh hưởng của cuốn Lê Vân yêu và sống (Bùi Mai Hạnh - Lê Vân) đến nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Việt Báo, Phan Huyền Thư - con gái nghệ sĩ Thanh Hoa - nói: “Nói chung, sau cuốn tự truyện của chị Lê Vân, đang có nhiều nguồn dư luận khác nhau. Mẹ tôi cũng đang tính lại”. Và dù chưa đọc tự truyện của mẹ, Phan Huyền Thư vẫn đầy dự cảm lo âu: “Ở tuổi của mẹ tôi, viết tự truyện không phải để nổi tiếng nữa, không phải để mua danh nữa, mà chỉ đơn giản là muốn chia sẻ. Mẹ muốn chia sẻ để được gần hơn với khán giả của mình. Nhưng, nếu vì được đến gần hơn khán giả, mà mẹ chấp nhận cách xa những người thân, thì đó là quyết định của mẹ. Nếu mẹ muốn sau cuốn tự truyện, mẹ lui về sống trong cô đơn, thì đó là lựa chọn của mẹ. Mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm, tự trả giá cho mỗi việc làm của mình” [nguồn: http://tintuc.xalo.vn]. Có lẽ vì những áp lực tinh thần như thế mà mặc dù đã rất sẵn sàng: “... đã viết ra thì phải là sự thật và tôi cũng cần được nhẹ lòng! Nếu người thân thông cảm được thì tốt, còn họ không chia sẻ thì tôi cũng đành chịu”, Thanh Hoa vẫn phải chùn bước. Cuốn tự truyện không được công bố, Thanh Hoa cuối cùng đã phải tự gặm nhấm nỗi cô đơn bằng một niềm an ủi: “Biết giữ bí mật chính là biết hưởng thụ nỗi cô đơn và cũng là để không làm tổn hại đến người khác. Giữ bí mật để không làm tổn hại đến thế giới thì hơi ghê. Tôi chỉ là người phụ nữ nhỏ bé. Cách làm trong sạch của tôi chỉ là tự mình gặm nhấm nỗi cô đơn của mình để không phải chia sẻ với ai, chỉ mình mình biết và gánh lấy mà thôi. Ai càng dấu được nỗi cô đơn cho mình thì càng giàu có về tâm hồn” [Thanh Hà, “NSND Thanh Hoa: cuốn tự truyện để ngỏ”, Nguồn: http://giadinh.net.vn]. Cho đến nay, câu chuyện về việc Thanh Hoa viết và công bố tự truyện đã hoàn toàn im ắng. Nỗi mong chờ của độc giả về một cuốn tự truyện công khai những bí ẩn đời tư của một nghệ sĩ nổi tiếng đã nhiều phần vô vọng.
([4])
([5]) Lại Nguyên Ân (biên soạn): 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, tr.376.
([6]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2006, tr.278.
([7]) Lê Bá Hán-Trần Đình Sử-Nguyễn Khắc Phi: Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2000, tr. 278.
([8]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, sđd, tr.41.
([9]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, sđd, tr.148.
([10]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, sđd, tr.154.
([11]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, sđd, tr.138.
([12]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, sđd, tr.22.
([13]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, sđd, tr.287.
([14]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, sđd, tr.280-281.
([15]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, sđd, tr.278-279.
([16]) Dạ Ngân: http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2009/01/3ba0abe3/
([17]) Dạ Ngân: Gia đình bé mọn, sđd, tr.280.
([18]) Tzvetan Todorov: Thi pháp văn xuôi, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004, tr.8.
([19]) Tản Đà: Giấc mộng lớn, in trong Tản Đà toàn tập, Tập II, Nxb Văn học, Hà nội, 2002, tr.602.
([20]) Orhan Pamuk: Lịch sử của tiểu thuyết là lịch sử giải phóng con người, Báo Văn nghệ Trẻ, số 3+4+5 (15/1-29/1/2012), tr.24.
([21]) Phùng Văn Tửu: Tiểu thuyết Pháp hiện đại - Những tìm tòi đổi mới, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.21.
([22]) Phùng Văn Tửu: Tiểu thuyết Pháp hiện đại - Những tìm tòi đổi mới, sđd, tr.19.
(Bài đã in trong Tiểu thuyết & truyện ngắn Việt Nam từ 1975 đến nay, Nxb Đại học Vinh, 2012).