16/09/2024
1. Khái niệm “phi trung tâm” (decentre)
Trên thế giới cũng như Việt Nam, khái niệm hậu hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại đến nay không còn mới mẻ, tuy vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của chúng là có thật. Từ Jean – François Lyotard (1924 – 1998) với Hoàn cảnh hậu hiện đại, J. Derrida (1930 – 2004) với Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn các khoa học nhân văn cho đến Liviu Petrescu (1941 – 1999) với Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại... chủ nghĩa hậu hiện đại đã được bàn luận một cách thấu đáo và hệ thống từ hoàn cảnh ra đời cho đến những vấn đề về thuật ngữ, thi pháp...
Hậu hiện đại (Postmodern) là một khái niệm lịch sử xã hội, có ý kiến cho đó là xã hội hậu công nghiệp hoặc xã hội thông tin xuất hiện sau Thế chiến II, có người cho đó là một giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản phát triển. Có một số ý kiến cho rằng, chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời và phát triển chịu sự chi phối của mọi biến động lịch sử xã hội như một tất yếu khách quan. Tiêu biểu nhất, có thể thấy điều này thông qua sơ đồ mang tính hệ thống và khái quát hoá ba thời kì của hệ thống tư bản chủ nghĩa do Fredric Jameson đề xuất (trong cuốn Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại, tr. 29). Chúng tôi xin lược tóm sự phân biệt ba chặng mốc ấy như sau:
Thời kì văn học |
Về lí thuyết |
Về kinh tế |
Chủ nghĩa hiện thực |
– Tái hiện hiện thực |
Chủ nghĩa tư bản (CNTB) theo cơ chế thị trường |
Chủ nghĩa hiện đại |
– Tính khách quan của hiện thực còn tồn tại nhưng yếu ớt (có sự xói mòn lí thuyết mô phỏng) – Có tính chất đồng quy và kí hiệu ngôn ngữ học |
CNTB độc quyền hay chủ nghĩa đế quốc |
Chủ nghĩa hậu hiện đại |
– Loại bỏ hoàn toàn tính chất đồng quy – Xác lập kỉ nguyên kí hiệu thuần tuý với “trò chơi thuần tuý và tự do của sự sáng tạo nghĩa” |
CNTB toàn cầu |
Như vậy, theo đó, F. Jameson đã chỉ ra rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là một giai đoạn tiếp nối chủ nghĩa hiện đại, chịu sự tác động về kinh tế, xã hội và có phương thức phản ánh riêng.
Còn Lyotard từ việc tìm hiểu hoàn cảnh của tri thức trong các xã hội phát triển nhất, mà ông gọi là “hoàn cảnh hậu hiện đại”, “nó chỉ trạng thái của văn hoá sau những biến đổi tác động đến các quy tắc trò chơi của khoa học, văn học và nghệ thuật từ cuối thế kỉ XIX”, thông qua sự định vị các biến đổi ấy bằng mối quan hệ của chúng với cuộc khủng hoảng của các đại tự sự đã đi đến kết luận: “hậu hiện đại là sự hoài nghi đối với các siêu tự sự” [5, tr.54].
Trong phần Luận chứng, tác giả cuốn Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại, Liviu Petrescu đã trình bày khá chi tiết và hệ thống các cuộc tranh luận bàn về định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại, từ đó tạo tiền đề để nhận diện và đi đến kết luận: chủ nghĩa hậu hiện đại khởi phát trong thời kì hiện đại chủ nghĩa (thời kì thứ hai).
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu phê bình trên cơ sở tiếp thu và nghiên cứu cũng đã đưa ra các khái niệm về căn bản là tương đối đồng nhất với các quan niệm mà các nhà nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra. Phương Lựu trong cuốn Lí thuyết văn học hậu hiện đại cho rằng: “Chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu văn hoá kết tinh những đặc trưng của xã hội hậu hiện đại” [6, tr.56]. Mở đầu cuốn Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại (L. Petrescu), với bài giới thiệu Về một vài khái niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại, Lê Nguyên Cẩn khẳng định “chủ nghĩa hậu hiện đại là một giai đoạn tiếp nối thời kì hiện đại trong đời sống tinh thần Châu Âu” [11, tr.10]. Lê Huy Bắc kế thừa và thống nhất với quan điểm của Lyotard cho đó “là khái niệm được dùng để chỉ một giai đoạn phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật, nghệ thuật cao của nhân loại. Nó ra đời khi mà các chủ thuyết hiện đại đã trở nên già cỗi, đã trở thành những đại tự sự” [2, tr.23]...
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không bàn sâu về điều kiện, hoàn cảnh ra đời, nội hàm,... của chủ nghĩa hậu hiện đại mà thông qua việc thừa nhận sự tồn tại của nó để tập trung bàn về khái niệm “phi trung tâm” (sự ra đời, mối quan hệ với những nguyên tắc khác, sự biểu hiện, cách hiểu...) – một trong những định đề triết – văn tiêu biểu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong hành trình phát triển.
Không phải ngay từ đầu, khi khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại được xác lập thì đồng nghĩa với nó là sự xuất hiện của các khái niệm mang tính định đề như phi trung tâm, liên văn bản, đa trị, trò chơi... Trải qua quá trình phân tích, chứng minh trên nhiều bình diện: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, thông tin, công nghệ,... nghĩa là có sự tác động tổng hợp nhiều yếu tố, các nhà hậu hiện đại đã rút ra được những định đề mang tính bản chất nhất, đặc thù nhất của chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhà nghiên cứu hậu hiện đại quan niệm thế giới là một khối hỗn độn (chaos). Các sự vật, hiện tượng đan bện, gắn kết vào nhau, chúng tồn tại không theo một trật tự nào mà mang tính ngẫu nhiên (contigency). Thừa nhận có sự tồn tại hỗn độn ấy nghĩa là thừa nhận sự xuất hiện có tính ngẫu nhiên. Do vậy, không có gì là trung tâm hoặc có xu hướng trở thành trung tâm trong thế giới ấy. Và đặc tính “phi trung tâm” ngay lập tức có mặt, thế chân cho tính “trung tâm” vốn tồn tại trong quan niệm trước kia.
Chấp nhận sự hỗn độn của tồn tại, các nhà hậu hiện đại xem bản chất của cuộc đời là không định hướng, là hư vô. Quan niệm này còn chi phối cả ngôn ngữ. Bởi ngôn ngữ, vốn là phương tiện để con người giao tiếp, sau nhiều thế hệ, những nét nghĩa ban đầu đã được mở rộng, thay đổi theo tập quán, hoàn cảnh. Và ngôn ngữ, theo quan điểm của các nhà hậu hiện đại, trở thành nền tảng cho mọi tri thức. Họ xác định, thế giới là một văn bản, được trình bày theo một diễn ngôn nào đó. Nhưng diễn ngôn vốn có khả năng trở thành đại tự sự cho nên chủ nghĩa hậu hiện đại lại có nhiệm vụ giải các đại tự sự đó, để đưa cuộc sống về với chính bản thể của chúng. Và khi đó thay vì các đại tự sự, các tiểu tự sự xuất hiện, cũng có nghĩa ghi nhận sự góp mặt của nguyên tắc “phi trung tâm”.
Như vậy là, trong mối quan hệ với các nguyên tắc khác, “phi trung tâm” cũng chịu sự tương tác hai chiều như là một tất yếu trong mối quan hệ với “hỗn độn”, “hư vô’, “ngẫu nhiên”, “tiểu tự sự”...
Đặc biệt, từ sự phân tích cực kì thấu đáo của Lyotard về những đặc trưng căn bản phân biệt chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, ông chỉ rõ, nếu chủ nghĩa hiện đại tồn tại đại tự sự và sự xác tín thì trong thời kì hậu hiện đại, người ta quan sát được “sự xói mòn bên trong của các hệ hình nhận thức” và trong xã hội hậu công nghiệp, “đại tự sự đánh mất tính có thể tin được của nó, bất luận từ mô thức liên kết nào”. Và cũng theo Lyotard, thời kì hậu hiện đại thể hiện đặc trưng nổi bật khuynh hướng “giải hợp thức hoá” (delegitimation) nhận thức, hướng đến “giải kết” (dissolution). “Sự giải kết” xuất hiện đã chứng tỏ rằng mỗi lĩnh vực riêng biệt khi giải toả sẽ đạt được một chuẩn mực độc lập nhất định. Nghĩa là khuynh hướng này sẽ phủ nhận quan niệm “đại tự sự” toàn thư trước đó cho rằng đại tự sự có chức năng hợp nhất các bộ phận nghiên cứu thành một “mạng toàn thư” rộng lớn và phức tạp, thành một khoa học chung. Sự xuất hiện của “giải hợp thức hoá” hay “giải kết” là một bước tiến quan trọng không chỉ trong nhận thức mà còn trong thực tiễn nghiên cứu. Đến đây, sự xác tín trong những đại tự sự dần dần nhường chỗ cho sự hoài nghi (sự mất mát tính có thể tin). Sự tan rã của các đại tự sự hợp thức hoá của nhận thức là sự kết thúc của một ưu thế về một “siêu ngôn ngữ phổ quát” trong thời kì hậu hiện đại, dẫn tới sự ra đời của tính đa trị của ngôn từ. Đây là đặc điểm gắn liền với sự xuất hiện của một hệ hình mới của nhận thức mà không phải là kết quả của quá trình xói mòn bên trong của chức năng hợp thức hoá nào đó.
Bên cạnh đó, tính phân mảnh (fragmentary) (hay còn được dùng bằng một thuật ngữ khác, ít thông dụng hơn: “giải khối – giải tụ” (demassification) đứng ở vị trí thứ hai trong số 11 đặc điểm về văn hoá hậu hiện đại mà Ihab Hassan đưa ra, thể hiện xu hướng chung nhất của nền văn minh hậu công nghiệp, để lại dấu ấn trên mọi thành tố cấu thành nền văn minh này. Do đó, biện pháp chuẩn hoá các thông tin và kiến giải biến mất, thay vào đó là ưu thế của các phương tiện cá thể hoá, thực hiện việc giải khối – giải tụ văn hoá dẫn tới “tính cá nhân hoá mạnh mẽ”.
Từ đó, “khuynh hướng phân mảnh, giải tổng thể và đa trị khi xuyên thấm các bình diện khác nhau của văn học hậu hiện đại, đã biểu hiện ý nghĩa quan trọng chặt chẽ nhất trong nhận thức luận, nổi bật qua định hướng xếp loại nhằm biệt hoá danh tính Chủ nghĩa hậu hiện đại, mang lại cho tư duy Hoa Kỳ biến thái hậu cấu trúc chủ nghĩa được ghi nhận bằng thuật ngữ “giải cấu trúc” [11, tr.173].
Phong trào giải cấu trúc ghi nhận đóng góp của các nhà phê bình tên tuổi như Paul de Man, J. Hillis Miller, G. Hartman, E. Said... nhưng người được xem là đề xướng ra tuyên ngôn lí thuyết của giải cấu trúc chính là J. Derrida với báo cáo Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn của các khoa học nhân văn tại hội thảo Hopkins. Sự tấn công sắc sảo chống lại cấu trúc luận, chống lại quan niệm mô hình truyền thống về một “trung tâm” được xem là “điểm đột phá mang tính cách mạng” của báo cáo. Bởi mô hình một “trung tâm” vốn là căn cứ chính để đảm bảo cho sự ổn định cao của cấu trúc, là khuôn vàng thước ngọc cho mọi cái biểu đạt khi tham gia trò chơi. “Chức năng của trung tâm” – J. Derrida giải thích – không phải để định hướng, tạo cân bằng hay tổ chức cấu trúc – mà hơn tất cả, nó là sự đảm bảo – như một nguyên tắc giới hạn tổ chức được gọi là “trò chơi cấu trúc”. Sự tuyên bố rời bỏ “bất cứ một ảo tưởng nào về cái trung tâm, hoặc là về một chủ thể, một đồng quy ưu trội...” được xem là sự miêu tả cho tính chất hậu hiện đại.
J. Derrida chỉ rõ trong lịch sử cấu trúc luận, tư tưởng “trung tâm” được định nghĩa theo nhiều kiểu khác nhau; chẳng hạn như chuỗi thuật ngữ, ẩn dụ: “Eidios, arche, tellos, energia, oursia (bản chất, tồn tại, thực thể, chủ thể), aletheia, tính chất siêu nghiệm, ý thức, Thượng đế, con người và cứ thế tiếp tục”. Trong thời kì cuối cùng, quan niệm cấu trúc dần có sự thay đổi và không còn nằm trong quan hệ xác định với “trung tâm”. Đây là quá trình “giải trung tâm”, tư tưởng “trung tâm” đã bị phê phán dần nhường chỗ cho tư tưởng “phi trung tâm” xuất hiện. Việc loại bỏ tư tưởng “trung tâm” trực tiếp xác lập một cấu trúc có khả năng thoát khỏi mọi sự kiểm soát, là xác lập một trò chơi tự do của những cái biểu đạt. Derrida tiếp tục khẳng định: “Luận đề trò chơi vô hạn của cấu trúc ngay từ đầu loại bỏ tư tưởng coi kết quả cuối cùng của trò chơi này là một cấu trúc hay một tổng thể; sự vắng mặt của mọi trung tâm được tạo dựng, cũng trở thành tiền đề cho sự thay thế vô hạn, do đó, sự thay thế này đương nhiên là phi tổng thể” [11; tr. 176].
Ngay lập tức, khái niệm “trò chơi” của Derrida mở ra cho xu hướng làm sâu sắc các đặc điểm về tính đa nghĩa trong văn bản văn học và mô hình đa trị. “Trò chơi tự do” (free play) tạm được hiểu là sự mở rộng đến vô cùng với rất nhiều khả biến của nhận thức trước một văn bản, “không bị bao kín hay che chắn bởi quy tắc nào”, “là sự vắng mặt của cái được biểu đạt hiển minh, không phải là trò chơi trong thế giới như nó vốn vẫn được định nghĩa cho tới bây giờ... mà là trò chơi tự do của thế giới”. Dựa vào mô hình đa trị, phương pháp bình giải tác phẩm đã có phương pháp mới “từ bỏ cấu trúc hiện hình” quen thuộc để “tạo nghĩa không ngừng và tạo nghĩa nhiều lần” mà “không cần phải đi tới việc cho ra một cái toàn thể lớn lao cuối cùng hay một cấu trúc cuối cùng” (Roland Barthes). Đặc biệt, khi nhấn mạnh đặc điểm của tính đa trị, R. Barthes cho rằng: “văn bản là đa trị. Điều này không có nghĩa chỉ vì trong văn bản tồn tại nhiều nghĩa, mà trước tiên, nó đa trị vì nó thực hiện một số nhiều mang nghĩa, một số nhiều không thể giản quy”. Liên quan tới “trò chơi tự do” là “trò chơi của sự phát tán”, nghĩa là “bất cứ cái gì cuối cùng cũng trở nên xói mòn bởi sự vượt ngưỡng” [12], mà đã “phát tán” sẽ không còn “kết tụ”, đương nhiên sẽ không còn “trung tâm”.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa hậu hiện đại còn ghi nhận sự tồn tại của dạng “rễ chùm” (rhizome) trong lối viết. Khái niệm triết học này do Gilles Deleuze và Felix Guattari khởi xướng được gọi là “hình ảnh của tư tưởng” dựa trên cấu trúc thân rễ. Theo đó, sự vật hiện tượng khách quan tồn tại gắn kết, khó tách rời, không theo thứ bậc, chấp nhận sự đứt gãy và tái hiện ngẫu nhiên (có điểm gần giống với quan niệm về hỗn độn, ngẫu nhiên). Do cấu trúc đặc thù nên “rễ chùm” chấp nhận nhiều sự tương tác tạo nên những nét nghĩa mới. Bởi vậy, khi tác phẩm văn chương đến với bạn đọc, bản thân chúng đã mang nhiều nét nghĩa “phi trung tâm” và bạn đọc, bằng cách cảm nhận riêng tại “đọc” được hàng chuỗi các chủ đề “phi trung tâm” từ các cốt truyện, nhân vật, giọng điệu... “phi trung tâm”.
Rõ ràng là, nguyên tắc trò chơi xuất hiện chính thức loại bỏ quan niệm cấu trúc có tính trung tâm – được trung tâm hoá, đồng thời xác lập sự tồn tại của khái niệm phi trung tâm bên cạnh khuynh hướng từ bỏ quan niệm tổng thể của tác phẩm và xác lập quan niệm mới về tính đa trị của văn bản cùng một số nguyên tắc đặc thù khác của chủ nghĩa hậu hiện đại như: mảnh vỡ (phân mảnh), hỗn độn, hư vô, rễ chùm... Chặng mốc này có thể được xem là một cuộc cách mạng của chủ nghĩa hậu hiện đại về nhận thức cũng như trong lí luận và khơi mở cho thực tiễn tiếp nhận văn bản sau này.
2. Nội hàm khái niệm
Khái niệm “phi trung tâm” trong Các thuật ngữ hậu hiện đại được định nghĩa là “nhìn thế giới qua những đôi mắt khác hoặc tập hợp các quan điểm khác về thế giới qua tầm nhìn của riêng mình” [14]. Nghĩa là khái niệm đã chú ý đến người viết và người đọc khi đặt quan điểm riêng và chung ngang nhau. Theo Từ điển Oxford, khái niệm “phi trung tâm” lại được chú ý ở phạm vi chủ thể con người (mở rộng ra có thể là nhân vật, tác giả, bạn đọc...) với việc “loại bỏ hoặc thay đổi chủ thể cá nhân con người, chẳng hạn như tác giả của một văn bản từ một vị trí chính hoặc vai trò của trung tâm” [15].
Trong Từ điển Bách khoa toàn thư về lí thuyết văn học đương đại, khái niệm “phi trung tâm” không được định nghĩa riêng biệt mà được đưa ra trong sự đối sánh với khái niệm “trung tâm”, như sau: “Mỗi xã hội có xu hướng nhận thức hiện thực theo những cách ít hoặc nhiều mạch lạc và duy trì những giá trị hệ thống và giá trị mang tính hệ thống phổ quát. Những giá trị này tạo thành các nền tảng hoặc các trung tâm của nó và thường được xem như những cấu trúc bền vững, là một phần của một hệ thống đóng kín. Nếu giả định có sự tồn tại của một trung tâm, thì những cách nhận diện hiện thực khác và những giá trị khác phải được bỏ qua, bị đàn áp hoặc bị ngoại biên hóa. Nói cách khác, hiện thực và những giá trị (hiện tồn) không chỉ mang tính phổ quát mà còn mang tính điều kiện, dựa trên quan điểm văn hóa, xã hội, kinh tế, và chính trị đặc thù. Thông qua việc xem xét lại các quan điểm này, một trung tâm đang tồn tại có thể được bất ổn hóa, giải tự nhiên, giải cấu trúc, hoặc phi trung tâm” [4, 518].
Như vậy là, xuất phát từ quan điểm nhìn nhận cấu tạo của một xã hội không phải chỉ có một nền tảng, một trung tâm mà là tầng tầng lớp các khả năng trung tâm cùng tồn tại và hoàn toàn có thể chi phối lẫn nhau, nhà nghiên cứu đã khẳng định sẽ không có sự tồn tại của một trung tâm duy nhất khi con người sống trong trung tâm đó nhận diện lại mọi thứ, về hiện thực cũng như về các giá trị đang được tôn thờ. Vẫn trong phần trình bày này, tác giả còn chỉ rõ: “Phê bình hậu cấu trúc xem việc phi trung tâm các giá trị và các quan điểm trong văn học và trong các ngữ cảnh khai sinh ra nó như là nhiệm vụ cốt tử của nó” [4,518].
Và ngay sau đó, để làm rõ hơn quan điểm “phi trung tâm”, cuốn sách còn dẫn quan điểm của Michel Foucault, “không có trung tâm, bởi chưng luôn có phi trung tâm” [4, 518].
Từ đó, có thể hiểu, khái niệm “phi trung tâm” là sự phủ nhận triệt để quan niệm tồn tại một trung tâm trước đó và khẳng định, tồn tại xã hội, hay tồn tại văn học lẫn các ngữ cảnh luôn được xác lập bởi đặc tính “phi trung tâm” bởi trong một hệ thống các giá trị, bản thân chúng đã có nhiều trung tâm tồn tại và chiếm giữ chức năng như nhau, chưa kể đến hệ thống ấy lại cũng mới chỉ là một phần của một hệ thống khác có vai trò tương đương.
Khái niệm “trung tâm” vốn xuất hiện trong chủ nghĩa cấu trúc như là một sự định danh, định tính của chủ nghĩa hiện đại. J. Derrida cho rằng: “trung tâm là phần cốt lõi có tính chất sinh tử của mọi hệ thống: đó là nơi mà chúng ta sẽ không có một phương cách nào thay thế nếu bị khiếm khuyết. Tại trung tâm, một nhân tố duy nhất có thể hiện hữu là yếu tố trung tâm: không có bất cứ một thành tố nào trong hệ thống có thể thay thế được nó – trung tâm bao giờ cũng mang tính tuyệt đối” (Dẫn lại theo Lã Nguyên) [8]. Từ việc phân tích đặc điểm của vai trò trung tâm trong hệ thống thần học Thiên Chúa giáo La Mã (lấy Thượng Đế làm minh hoạ) cho đến khuôn mẫu của lí thuyết ngôn ngữ Saussure, Derrida đi đến kết luận: “trung tâm của một hệ thống là yếu tố không có giá trị tương đương và không có bất cứ một yếu tố nào trong hệ thống có thể thay thế hay hoán đổi, nó là khởi thuỷ và cũng là chung cục cho mọi yếu tố trong hệ thống quy chiếu đến”. Từ đó, ông chỉ ra, “trung tâm là một phần tạo nên hệ thống mà không thuộc về hệ thống, không phải là một thành phần của tính toàn thể, tính chất trung tâm tự bản chất của nó đã bị phi trung tâm hoá (decentralization) (Bằng chứng là Thượng Đế sáng tạo thế giới và vũ trụ, điều hành vũ trụ nhưng không phải là một yếu tố của vũ trụ). Thậm chí là “không thể và không bao giờ có một hệ thống lí thuyết mang tính chất toàn trị vì trong bất cứ một hệ thống nào cũng đều có những nhân tố tự do vượt thoát ra ngoài sự chi phối của trung tâm mà ông gọi đó là trò chơi của ngôn ngữ (play of language)” [7].
Bằng quá trình từng bước chứng thực sự hiện diện của tính phi trung tâm như là một nguyên tắc tiêu biểu của chủ nghĩa hậu hiện đại, các nhà giải cấu trúc đem lại cho lí luận phê bình văn học nhiều khái niệm lí luận mới cũng như con đường tiếp cận mới, phù hợp với xu hướng vận động và phát triển của văn học hậu hiện đại. Tiếp đến, trong Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn các khoa học nhân văn, J. Derrida, khi đề cập đến sự cần thiết phải giải trung tâm trong cấu trúc, đã mở rộng khái niệm và vai trò của “trung tâm”, trong lịch sử tư duy phương Tây: “chức năng của trung tâm không chỉ để định hướng, để cân bằng và để tổ chức cấu trúc, trong thực tế, ta không thể quan niệm được một cấu trúc không có tổ chức mà, hơn tất cả, để đảm bảo nguyên tắc tổ chức cấu trúc sẽ tạo ra giới hạn trong cái mà ta có thể gọi là trò chơi cấu trúc” (Dẫn lại theo Lê Nguyên Cẩn) [11, 229]. Và Derrida còn miêu tả thêm: “Trong thực tế, cái làm mê hoặc nhiều nhất trong sự phê phán như vậy về một chuẩn mực mới của diễn ngôn, chính là sự tuyên bố từ bỏ bất kì một kiểu đồng quy nào bất kì vào một trung tâm, vào một chủ thể, vào một sự đồng quy ưu trội...”. Derrida phân biệt đặc thù của chủ nghĩa hiện đại là sự đồng nhất của trung tâm bằng tư tưởng về chủ thể hay tư tưởng về tác giả thì đến chủ nghĩa hậu hiện đại là khuynh hướng giảm thiểu vai trò sáng tạo của tác giả trong tính độc đáo của văn bản văn học, dẫn tới tuyên bố sự biến mất của người kể chuyện.
Đến đây khái niệm “phi trung tâm” đã có sự mở rộng, không chỉ là sự phủ nhận chủ thể trung tâm được phản ánh trong tác phẩm mà còn phủ nhận vai trò chủ đạo của tác giả. Theo Từ điển Wikipedia, “phi trung tâm hóa” (decentralization) cũng được hiểu “là quá trình xây dựng lại và phân tán các chức năng, quyền lực, con người và mọi điều khác từ một vị trí trung tâm” [13].
Và có thể thấy, khái niệm này ở Việt Nam đã được một số nhà nghiên cứu bàn tới. Lã Nguyên, trong bài viết Giải cấu trúc luận theo cách hiểu của tôi, diễn đạt và thâu tóm lại một cách dễ hiểu và khái quát. Ông không đưa ra khái niệm mà chỉ ra: “Quan điểm hiện đại đề cao tư duy lí tính, tinh thần hợp lí và nguyên tắc “hướng tâm”, “tập quyền”, xem đó là nền tảng của nền văn hoá châu Âu. Quan điểm giải cấu trúc luận, hậu hiện đại đề cao nguyên tắc “phi trung tâm”, nguyên tắc “tản quyền”... theo quan điểm của giải cấu trúc luận và chủ nghĩa hậu hiện đại, không thể nào có một hệ thống tri thức theo kiểu bách khoa, tổng hợp vừa toàn diện, lại vừa nhất quán. Tri thức chỉ có thể là những “mảnh”, những “trích đoạn” của vô số ngữ cảnh văn hoá mang tính cục bộ” [7].
Lê Nguyên Cẩn, trong bài viết Về một vài khái niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại bước đầu có đề cập đến bản chất của khái niệm này như sau: “phi trung tâm hoá nghĩa là tạo ra nhiều trung tâm, mỗi nhân vật trong tác phẩm trở thành một trung tâm của một câu chuyện nào đó; giữa các câu chuyện này có thể hoặc không có mối liên hệ nào và không có khả năng kết hợp lại với nhau; tất cả tạo thành mảnh vỡ được khớp nối theo sở thích của tác giả. Vì thế, khi đọc tác phẩm hậu hiện đại, người đọc sẽ phải phiêu lưu trôi dạt theo các mảnh vỡ mà không nắm bắt được câu chuyện vả lại cũng không có một câu chuyện nào theo mô hình kể chuyện truyền thống được đưa ra ở đây” [11,18].
Như vậy, căn cứ vào những nguồn tư liệu trên, chúng tôi nhận thấy, tất cả các tác giả đều khẳng định “phi trung tâm” là nguyên tắc nổi trội của chủ nghĩa hậu hiện đại. Song, cụ thể, nguyên tắc “phi trung tâm” được biểu hiện trên những phương diện nào trong văn bản chưa thấy được đề cập tới. Có lẽ, không có ngoại lệ cho những biểu hiện được gắn với khái niệm “trung tâm” trước kia như nhân vật, nhà văn, bạn đọc, cốt truyện, điểm nhìn... Do đó, khi đối lập với nguyên tắc “trung tâm”, nguyên tắc “phi trung tâm” phủ nhận các biểu hiện trước đó đã có, nghĩa là sẽ có phi trung tâm nhân vật, phi trung tâm tác giả (phi trung tâm điểm nhìn, giọng điệu, ngôi kể...), phi trung tâm bạn đọc... dẫn tới tính đa trị khi tiếp nhận văn bản tác phẩm. Tóm lại, “phi trung tâm” có thể được hiểu là tạo ra nhiều trung tâm cùng tồn tại song hành trong tác phẩm, không chỉ phi trung tâm về nhân vật mà còn về nhiều các phương diện nghệ thuật khác như cốt truyện, giọng điệu, điểm nhìn, tác giả, bạn đọc...
Dưới đây, chúng tôi xin lựa chọn một truyện ngắn của một nhà văn hậu hiện đại tiêu biểu là Raymond Carver để làm rõ nguyên tắc này.
3. “Phi trung tâm” trong truyện ngắn của Raymond Carver
Raymond Carver (1939-1988), nhà văn từng được xem là “một Chekhov của nước Mỹ hậu hiện đại” (Dương Tường), tiến sĩ Văn chương tại Đại học Hartford, là thành viên chính thức của Viện hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa Kỳ. Tác phẩm của ông nhận được nhiều giải thưởng uy tín và được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, một số tập truyện của ông đã được xuất bản như: Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình (Nxb Văn hoá Sài Gòn, 2009), Em làm ơn im đi được không (Nxb Văn học, 2012) và một số truyện ngắn in trong Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới (Nxb Hội nhà văn, 2003). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ chọn một truyện ngắn (Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình) của ông để làm rõ tính “phi trung tâm” từ góc độ tiếp nhận.
Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình là truyện thứ 16 trong số 17 truyện ngắn được tập hợp trong tập truyện cùng tên của R. Carver. Vẫn mang xu hướng “phi trung tâm” trong lối viết truyện quen thuộc, truyện ngắn này hấp dẫn người đọc có lẽ còn bởi cái nhan đề hướng về chuyện tình yêu nghe có vẻ thu hút, “câu khách” nhưng sau khi đọc đến những con chữ cuối cùng của câu chuyện, người đọc có cảm giác băn khoăn, vậy họ đã nói những gì khi nói về tình yêu? Với giọng điệu đối thoại, tính đa trị từ những mảnh đời riêng, những quan niệm khác nhau về tình yêu, về các vấn đề khác trong cuộc sống của các nhân vật tạo nên những khoảng lặng trong lòng mỗi người đọc.
3.1. Phi trung tâm nhân vật
Khi tìm hiểu truyện ngắn của Carver, chúng tôi nhận thấy, nhà văn không đề cao nhân vật đàn ông, cũng không hạ thấp nhân vật phụ nữ. Ông có cái nhìn bình đẳng giới. Tiếng nói, ảnh hưởng của họ đến cuốc sống của nhau và của thế giới con người là ngang bằng nhau. Mỗi nhân vật là một lát cắt về một chặng đời gắn liền với số phận riêng. Hầu như nhân vật của Carver không được miêu tả mang tính quá trình: từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Ông thường bắt đầu mỗi số phận là một chặng mốc ngắn nào đó. Chủ yếu cuộc đời của họ gắn liền với một quãng thời gian của hiện tại. Quá khứ được điểm xuyết rất mỏng, thậm chí nhiều khi không có gì. Còn tương lai của họ lại thuộc về khả năng suy luận và cảm nhận của độc giả. Cách xây dựng nhân vật như thế rõ ràng là sự đoạn tuyệt hoàn toàn với truyền thống. Không còn thấy nhân vật tồn tại như một đời người giống kiểu nhân vật của Balzac, Hugo... mà có phần gần với nhân vật của Hemingway ở kiểu tương lai của nhân vật thuộc về bạn đọc mà không thuộc về tác giả. Tuy nhiên, nếu nhân vật của Hemingway vẫn còn được nhìn theo quá trình, thì lát cắt cuộc đời nhân vật của Carver mỏng hơn, ngắn hơn và đương nhiên buộc người đọc phải suy luận nhiều hơn và nhiều khi chẳng hiểu gì.
Nhân vật trong truyện Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình không nhiều, mối quan hệ cũng không quá phức tạp nhưng người đọc vẫn phải đặt bút để vẽ sơ đồ kết nối họ với nhau là bởi lối kể nhảy cóc và “cài răng lược” cùng sự trộn lẫn của nhiều điểm nhìn khiến cho người đọc phải dừng lại để định hình nhân vật đang được nhắc đến là ai, có quan hệ thế nào với người kể. Có thể sơ đồ hoá mối quan hệ giữa họ như sau:
Marjorie (vợ cũ) ↔ Ed (chồng cũ)
↕ ↨
Mel McGinnis ↔ Teresa (Terri)
↨ ↨
Nick (“tôi”) ↔ Laura
Mở đầu bằng điểm nhìn xưng “tôi” kể chuyện về cặp vợ chồng Mel McGinnis và Terri với Ed, vốn là người chồng cũ của Terri. Họ bàn về tình yêu. Terri khẳng định dẫu chồng cũ của cô có những hành động dã man khiến cả hai hoảng sợ nhưng không thể phủ nhận là anh ta yêu cô thực sự. Trong quá trình kể chuyện về Mel, “tôi” xen kẽ kể về bản thân và Laura (vợ hiện tại của anh). Quan hệ của họ hiện đang rất mặn nồng, tốt đẹp bởi họ tự nhận thấy sau cuộc hôn nhân đổ vỡ trước đó của hai người thì bây giờ họ đang là cặp đôi tri kỉ. Câu chuyện được tiếp tục không hướng về cuộc sống riêng của hai cặp vợ chồng mà tất cả bọn họ tập trung bàn về “tình yêu chân chính”. Đầu tiên là Mel đưa ra quan điểm riêng từ chính sự trải nghiệm sau cuộc hôn nhân thứ nhất và cuộc hôn nhân hiện tại. Tiếp đến, Mel dành nhiều thời gian kể về câu chuyện tình yêu của cặp vợ chồng già bị tai nạn được đưa vào bệnh viện của anh mà anh được chứng kiến. Khi câu chuyện về cặp vợ chồng già kết thúc, Mel chợt quay lại câu chuyện về người vợ cũ cùng mối quan tâm đến những đứa con chung của anh với cô ta. Thay vì ý định anh sẽ gọi điện hỏi thăm bọn trẻ, anh nói lan man, uống đến say mềm và quên luôn việc đó. Câu chuyện của bọn họ được bắt đầu từ buổi chiều khi ánh sáng bao la của nắng chiều lọt vào phòng khiến cho họ thư thái dễ chịu cho đến lúc tất cả đã ngà say và căn phòng chìm vào bóng tối.
Mel “nhiều lời” nhất trong số bốn nhân vật nhưng Mel không phải nhân vật trung tâm. Người đọc sẽ thấy Mel hay Nick hay Terri hay Laura có vai trò ngang nhau. Tất cả đều được phác hoạ bằng một lí lịch rất sơ sài và cùng có vai trò quan trọng khi luận bàn “tình yêu”. Cả bốn người này đều từng bị đổ vỡ trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc trước đó. Giờ đây, họ đã có cặp đôi mới, hôn nhân mới. Họ đang sống cho hiện tại và tất thảy không ai nghĩ tới tương lai, không được dự báo về tương lai. Họ là những người bạn thân thiết của nhau, gặp nhau ăn uống, trò chuyện và bàn luận về tình yêu. Tuyệt đối không thấy một lời bình luận của tác giả về họ trong suốt cuộc trò chuyện. Họ cùng góp mặt và đưa ra ý kiến riêng. Nếu tiến hành bóc tách, “giải phẫu” từng số phận, bạn đọc lại có cách cảm nhận riêng về từng nhân vật. Trong số bốn người, Mel có vẻ như có số phận bi đát nhất. Dẫu đã đoạn tuyệt được với người vợ cũ nhưng nỗi ám ảnh về cô ta vẫn rất nặng nề, khiến anh hoặc mong cô ta sớm lấy chồng hoặc “chết quách đi” hoặc sẽ bị ong tấn công cho bõ ghét... Và bi đát hơn ở chỗ, anh vẫn phải chạm mặt cô ta vì cô ta đang nuôi con của họ. Với Terri, tuy cô vẫn thấy hoảng sợ khi nhắc đến người chồng cũ cùng ấn tượng về những hành động có phần quá khích của anh ta, song cô vẫn cho rằng anh ta hành động thế là vì anh ta vẫn còn tình yêu với cô. Còn cặp đôi Nick và Laura tuy không được kể về quá khứ gắn với những cuộc hôn nhân trước mà chú ý hơn tới đời sống tinh thần hoà hợp của hiện tại. Nhưng không thể lấy tiêu chí hạnh phúc hay bất hạnh để cân, đong, đo, đếm mức độ quan trọng của nhân vật nào ở đây. Thậm chí là, hai vợ chồng già bị tai nạn được kể đến trong câu chuyện của bọn họ lại còn được nhắc nhiều hơn, kĩ hơn so với câu chuyện của chính cuộc đời bọn họ. Vậy là, cặp vợ chồng già tưởng chừng là nhân vật gián tiếp trong câu chuyện đàm luận lại trở thành trung tâm ngang bằng với bốn nhân vật đang tham gia trực tiếp. Câu chuyện về tình yêu của cặp vợ chồng già chỉ là truyện lồng trong truyện nhưng nó có khả năng tồn tại độc lập ngang bằng với câu chuyện về tình yêu, cuộc đời của hai cặp đôi đang hiện diện trực tiếp.
Ngoài ra, chưa kể đến việc cách đặt tên của các nhân vật dường như cũng có chủ ý. Cả hai cặp vợ chồng đều đang sống với cuộc hôn nhân thứ hai. Nhưng nếu cặp vợ chồng Mel và Terri đều được nhắc đến tên của những người vợ hoặc chồng trước thì không phải cái tên mang tính định danh cụ thể, cá nhân mà chúng tồn tại như những kí hiệu có khả năng thế vai cho nhau. Chồng trước của Terri là Ed, âm đọc gần giống với tên chồng mới bây giờ, Mel. Vợ trước của Mel là Marjorie, khi đọc lướt âm đọc cũng gần với tên người vợ hiện tại, Terri. Vậy thì, cuộc hôn nhân mới này có vẻ như cả Mel và Terri đã tìm thấy bến bờ hạnh phúc thực sự song hoá ra không hẳn thế. Hạnh phúc ở hiện tại lại tiềm ẩn một bất hạnh như đã từng diễn ra trong quá khứ. Và biết đâu, lại sẽ có những cuộc hôn nhân đổ vỡ tiếp theo. Người đọc cảm nhận thấy nguy cơ của sự bất ổn luôn đe doạ con người trong thời đại này bất cứ lúc nào.
Rõ ràng là các nhân vật có mặt trong tác phẩm đóng giữ vai trò ngang bằng nhau. Nhân vật sau là sự thế chân của nhân vật trước. Còn nhân vật của hiện tại, luôn đồng thời xác lập vai trò ngang nhau của cá nhân mỗi khi hiện diện. Từ điểm nhìn của mỗi nhân vật, một quan niệm khác nhau về tình yêu được hé lộ. Tính chất đối thoại trong mạch kể câu chuyện càng góp phần làm cho tính chất “phi trung tâm” nhân vật trong truyện nổi bật hơn.
3.2. Phi trung tâm chủ đề
Tính đa chủ đề (tác phẩm có nhiều chủ đề) không còn là mới trong văn học hậu hiện đại, bởi từ chủ nghĩa hiện đại, đặc tính này đã được xác lập, tuy không thực sự phổ biến. Đến văn học hậu hiện đại, khái niệm chủ đề trung tâm không còn tồn tại. Và trong truyện ngắn này cũng vậy.
Nhan đề là Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình thoạt tiên cứ ngỡ câu chuyện sẽ quy về chủ đề tình yêu. Song thực ra không phải. Trong câu chuyện của họ có nhiều vấn đề được luận bàn: tình yêu chân chính; hôn nhân gia đình; tình yêu hạnh phúc; tình yêu bất hạnh; tình yêu vật thể – tình yêu xác thịt; tình yêu tinh thần; ước mơ; quan niệm nghề nghiệp; số phận con người trong thời hậu công nghiệp... Các chủ đề này được tập hợp từ những phân mảnh nhỏ lẻ xuyên suốt tác phẩm. Từ câu chuyện về Terri với người chồng trước, cách mà Terri khăng khăng khẳng định, anh ta vừa đánh cô vừa luôn miệng “tao yêu mày” là bởi anh ta yêu cô, còn Mel phủ nhận không bao giờ có thứ tình yêu như thế. Từ điểm nhìn của Terri, một chủ đề tình yêu được phát biểu: có những tình yêu đem lại cho con người ta đau khổ. Từ câu chuyện về người vợ cũ, Mel cho rằng trước kia anh “yêu cô còn hơn cả bản thân cuộc sống”, giữa họ đã từng có tình yêu, còn bây giờ thì “ghét cay ghét đắng”. Nghĩa là theo quan niệm của Mel, tình yêu không có gì bất biến theo thời gian. Anh còn khẳng định rằng, ngay cả bây giờ Terri và anh đang rất yêu nhau, nhưng không may ai có mệnh hệ nào thì “người kia chắc sẽ đau buồn một thời gian... nhưng rồi người còn sống sẽ lại chơi nhởn, lại yêu đương và chẳng bao lâu sẽ lại cặp với một người khác”. Từ cặp đôi Nick và Laura, người ta lại thấy có một chủ đề khác về tình yêu. Nick đã từng hạnh phúc và tự nhận Laura là người tri kỉ của mình có thể hiểu thấu Nick (phần đầu truyện) nhưng đến cuối truyện, khi Mel đề nghị bọn nên đi ăn, Nick nói: “ăn hay không ăn. Hoặc tiếp tục uống. Mình sẵn sàng lao ra trong hoàng hôn” thì Laura không thể hiểu được ý Nick, đành phải hỏi lại: “Anh nói thế nghĩa là thế nào?”. Thì ra, trong tình yêu, khái niệm tri kỉ cũng chỉ là tương đối. Từ điểm nhìn của Nick, chủ đề về tình yêu lại chuyển sang điểm nhìn của bạn đọc. Độc giả trở thành nhân vật tham gia câu chuyện và đưa ra quan điểm.
Bên cạnh chủ đề tình yêu có vẻ “trung tâm” ấy, một loạt chủ đề khác cũng rất quan trọng và có vai trò “trung tâm” tương đương xuất hiện. Sau một hồi bàn luận về tình yêu, cả bốn nhân vật lại xoay chuyển sang chủ đề về nghề nghiệp, về ước mơ nếu được thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận của Mel... Theo Mel, “nếu phải làm lại từ đầu, mình sẽ làm đầu bếp” và ước được làm hiệp sĩ “cưỡi ngựa và cầm giáo”. Một chủ đề mới lại được đề xuất: con người tưởng chừng hài lòng với cuộc sống trước mắt của mình (như Mel chẳng hạn, có công việc tốt – bác sĩ tim mạch, có cuộc hôn nhân hiện tại hạnh phúc, có những người bạn tri kỉ...), luôn mong ước được thay đổi cuộc sống. Có lẽ, ngay ở chủ đề này đã phản ánh một thực tế mà con người thời hậu hiện đại đang phải đối mặt đầy áp lực nên họ luôn khát khao thay đổi nó. Lại vẫn trong chuyện nói về mơ ước đổi nghề của Mel, tất cả bọn họ lại tập trung bàn về chủ đề hiệp sĩ. Ở đây, yếu tố “nhại” hiệp sĩ đã xuất hiện. Nếu hiệp sĩ thời trước chỉ cần có bộ áo giáp, tình nương, rồi cưỡi ngựa và cầm giáo là có thể yên tâm lên đường hành hiệp và có cảm giác tính mạng của mình được bảo vệ an toàn. Thì giờ đây, Mel đã vẽ ra một hình ảnh hiệp sĩ với nỗi lo mới mang đậm màu sắc hậu công nghiệp, hậu hiện đại: là nỗi lo “thuốc súng”, “các loại súng”, “xe hơi” và “những thằng nhóc say mèm lao bừa vào mình” và hiệp sĩ thời nay không còn ở vị trí thượng tôn, “vì chính nghĩa dẹp yên bất bằng” như anh chàng Don Quixote thuở nào nữa mà “phải làm chư hầu cho một ai đó”. Hiệp sĩ trở thành kẻ đánh thuê, được trả công, sống phụ thuộc. Hiệp sỹ thời nay luôn canh cánh một nỗi bất an ám ảnh. Chân dung hiệp sĩ hậu hiện đại hoàn toàn khác trước. Từ chủ đề hiệp sĩ, bọn họ lại quay trở lại so sánh và tổng kết nghề bác sĩ mổ tim của Mel hoá ra chỉ là “một cha thợ máy”, chỉ biết “thục vào... khoắng loạn lên rồi vá víu” (lời của Mel), hoặc là “cha đồ tể quèn” (lời của Nick).
Câu chuyện của bọn họ có vẻ lan man, nhảy cóc từ chuyện nọ sang chuyện kia. Từ việc bàn về tình yêu với đầy rẫy những quan niệm trái chiều nhau đến chuyện bàn về ước mơ, từ ước mơ lại chuyển sang bàn về nghề nghiệp, từ nghề nghiệp người đọc lại nhận thấy bóng dáng của thời đại hậu công nghiệp xuất hiện (nỗi bất an của con người). Nhưng dường như, đó là cách thức rất phổ biến để cho dạng chủ đề mang tính “rễ chùm” xuất hiện. Lúc ấy, đương nhiên chủ đề cũng sẽ trở nên “phi trung tâm”. Vậy thì, nguyên tắc “phi trung tâm” chịu sự tương tác hai chiều từ nhiều nguyên tắc khác như “rễ chùm”, “tính đa trị”, “giải khối”... Những nguyên tắc mang đặc tính của chủ nghĩa hậu hịên đại luôn song hành bên nhau để xác lập tiếng nói cũng như vị trí mới của nó trong dòng chảy văn học mới.
Đằng sau câu chuyện Mel kể về hai vợ chồng già bị tai nạn, điểm nhìn của các nhân vật cũng trở nên “phi trung tâm”. Mel – người kể câu chuyện có vẻ đang cố minh chứng cho kiểu tình yêu đặc biệt hiếm có trong cuộc sống nên có vẻ lái câu chuyện theo chủ đề tình yêu. Nhưng những người lắng nghe thì không đi vào sự rào khuôn của ý đồ. Nếu Laura tỏ ý quan tâm muốn được nghe trọn vẹn câu chuyện về họ thì Terri không bận tâm. Cô cứ ngỡ Mel kể một câu chuyện hài hước nên đùa bằng giọng đầy mai mỉa, trêu đùa. Thái độ của hai người phụ nữ này mở ra hai thái độ sống của con người trong xã hội. Người thì lo lắng, quan tâm trước cuộc đời bất hạnh của người khác. Kẻ thì lạnh lùng, vô cảm trước bất hạnh đồng loại. Ngoài ra, câu chuyện còn là một minh chứng sống rõ ràng nhất cho sự so sánh hai thế hệ khác nhau có cái nhìn và cách hành xử khác nhau về tình yêu và nghĩa vợ chồng. Trái tim già cỗi của hai vợ chồng kia vẫn tràn đầy sức sống của tình yêu, khiến cho vị bác sĩ trẻ ban đầu không hiểu được tại sao họ bị thương nặng thế mà vẫn “dồi dào năng lượng sống” và ngạc nhiên không thể hiểu nổi tại sao ông chồng bị băng bó đầy mình, khi biết vợ có khả năng qua khỏi mà “vẫn rất rầu rĩ”, “khổ não”, trái tim thì “tan nát” chỉ bởi ông không thể quay cái đầu bị thương để được nhìn thấy bà vợ. Thế hệ của những con người thời hiện tại như Mel, Terri, Nick, Laura... gắn với sự đổ vỡ, đứt gãy, tự do, còn thế hệ của những người như hai vợ chồng già kia gắn liền với sự ổn định, bền vững, thuỷ chung, tình nghĩa, có trách nhiệm... Đến đây, câu chuyện về cặp vợ chồng già đã mở ra một ngã rẽ mới cho chủ đề quan niệm và thái độ của con người thời hậu hiện đại. Chủ đề này song hành tồn tại trong tác phẩm phá vỡ tính độc tôn của chủ đề tình yêu tưởng chừng là trung tâm kia.
Như vậy, chủ đề của truyện mà người đọc có thể nhận ra được tương đối đa dạng. Nếu nhìn ở bậc thứ nhất sẽ có ít nhất hai chủ đề lớn song hành: chủ đề tình yêu và chủ đề số phận con người thời hậu hiện đại. Nhưng ngay trong “rễ” chủ đề tình yêu đã có vô số “nhánh rễ” chủ đề con được xác lập. Bên cạnh đó, nguyên tắc “phi trung tâm” còn biểu hiện triệt để hơn ở nhiều phương diện khác nữa như ngôn ngữ, giọng điệu, cốt truyện, điểm nhìn...
Chẳng hạn, về cốt truyện, Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình có hai cốt truyện song hành. Cốt truyện thứ nhất là câu chuyện về hai cặp vợ chồng Mel – Terri và Nick –Laura (ngay trong cốt truyện này lại có những câu chuyện về cuộc đời và số phận của bốn nhân vật). Cốt truyện thứ hai là câu chuyện kể về cặp vợ chồng già bị tai nạn với tình yêu hiếm có. Nếu như vậy thì sẽ không có gì mới so với kiểu đa cốt truyện của Balzac (Trong Miếng da lừa, có ba cốt truyện: về con đường phá sản của một gia đình, chuyện về cuộc đời của anh chàng Rafael, chuyện về ông già bán đồ cổ). Nếu trong truyện của Balzac, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra câu chuyện về cuộc đời của Rafael là trung tâm thì trong truyện của Carver, ta lại có cảm giác băn khoăn, phân vân khi lựa chọn. Giả sử cốt truyện thứ hai chỉ được xem là một ví dụ minh hoạ cho chủ đề tình yêu mà bốn người kia đang quan tâm thì xem ra không phải thế. Với câu chuyện mang tính nhảy cóc trong cuộc trò chuyện của bọn họ, bạn đọc tò mò và bị cuốn hút hơn về câu chuyện của cặp vợ chồng già kia. Chưa kể là sau câu chuyện thứ hai này, người kể là Mel đã buông ra một câu hỏi: “Các người có hiểu tôi nói gì không?”. Rõ ràng là Mel rất đề cao câu chuyện, cứ cho là nó chỉ là một ví dụ trong chuỗi chuyện tào lao của anh ta về tình yêu thì ví dụ ấy vẫn trở thành linh hồn khơi gợi nhiều ám gợi không chỉ cho những nhân vật trong cuộc mà còn cho cả độc giả. Hơn nữa, câu chuyện này còn là mạch keo gắn kết các nhân vật lại với nhau, từ đó mỗi người được bổ sung thêm một quan niệm sống mới về tình yêu, nghĩa vợ chồng... Do đó, khó mà xác lập đâu là cốt truyện trung tâm còn đâu là cốt truyện kém trung tâm. Chúng ta thử hình dung, truyện ngắn này nếu bỏ đi câu chuyện về cặp vợ chồng già hẳn là sẽ nhạt nhẽo, vô vị biết bao. Chưa kể là chính câu chuyện này mới tạo nên môi trường sinh động nhất để các nhân vật thể hiện mình.
Rõ ràng là, từ góc độ tiếp nhận, lí thuyết “phi trung tâm” được các nhà văn hậu hiện đại chuyển tải trong tác phẩm là có thực. Đương nhiên, nó không tồn tại độc lập mà chịu sự chi phối và tương tác cùng một số nguyên tắc khác như đa trị, mảnh vỡ, hỗn độn, ngẫu nhiên, rễ chùm... Không những “có mặt” mà nó còn hiện diện mang tính “phủ khắp” trong các sáng tác văn học sau này. “Phi trung tâm” là một nguyên tắc được biểu hiện triệt để trong tác phẩm hậu hiện đại ở mọi phương diện. Chúng tôi chỉ lựa chọn một tác phẩm bất kì trong số các truyện ngắn của Raymond Carver để làm rõ cho sự thấm nhuần của lí thuyết hậu hiện đại trong thực tiễn sáng tác và tiếp nhận. Nguyên tắc này cùng một số nguyên tắc đặc thù khác của chủ nghĩa hậu hiện đại giúp độc giả có thể cảm nhận được tác phẩm đa chiều hơn.
Chú thích
1. Lê Huy Bắc (Tuyển chọn và giới thiệu) (2003), Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
2. Lê Huy Bắc (2012), Văn học hậu hiện đại, lí thuyết và tiếp nhận, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
3. Raymond Carver (2009), Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình, Nxb Văn hoá Sài Gòn.
4. Irene Rima Makaryk (General Editor), Encyclopedia of Contemporary Literary Theory: Approaches, Scholars, Terms, University of Toronto Press, 1993, pp.518-520.
5. Jean – Francois Lyotard (2008), (Ngân Xuyên dịch), Hoàn cảnh hậu hiện đại, Nxb Tri thức, H. 2008
6. Phương Lựu (2012), Lí thuyết văn học hậu hiện đại, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
7. Lã Nguyên, Giải cấu trúc luận theo cách hiểu của tôi, nguồn http:// phebinhvanhoc.com.vn
8. Lã Nguyên, Lí thuyết và phê bình văn học đương đại: từ cấu trúc đến giải cấu trúc, nguồn http:// vanhoc – ngonngu.edu.vn
9. Nhiều tác giả (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới: Những vấn đề lí thuyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội
10. Nhiều tác giả (2013), Văn học hậu hiện đại– lí thuyết và thực tiễn (Hội thảo Đại học sư phạm Hà Nội tháng 1 /2013)
11. Liviu Petrescu (2013), (Lê Nguyên Cẩn dịch và giới thiệu), Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
12. Gordon E. Slethaug, (Hải Ngọc dịch), Các lí thuyết về sự chơi/sự chơi tự do, nguồn http: //phebinhvanhoc.com.vn
13. http:// en. Wikipedia.org (mục decentralization).
14. thebookman. Wordpress.com (Postmodern terms – Absence to Curtain wall)
15. Oxforddictionaries.com (Mục decenter)
(Bài đã in trong cuốn Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam,
Lê Huy Bắc (chủ biên), Nxb Tri thức, tr. 139 – 166)