Học viên chuyên ngành Văn học Việt Nam khóa 15 bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ - Quả ngọt cuối năm

26/09/2024

Sáng thứ hai, ngày 24/6/2024, tại phòng bảo vệ luận văn, luận án Trường Đại học Hồng Đức (tầng 5 Trung tâm Thông tin - Thư viện), các học viên Cao học khóa 15 chuyên ngành Văn học Việt Nam đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Sự kiện này cũng tạm thời khép lại một năm học với nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành tốt của khoa Khoa học xã hội.

 

Các hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam được thành lập theo các quyết định số 1937/QĐ-ĐHHĐ, 1938/QĐ-ĐHHĐ, 1939/QĐ-ĐHHĐ, 1940/QĐ-ĐHHĐ, 1941/QĐ-ĐHHĐ của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Thành viên tham gia các hội đồng là các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Hồng Đức (PGS. TS Lê Tú Anh, TS. Nguyễn Văn Thế, TS. Hoàng Thị Huệ, TS. Vũ Thanh Hà, TS. Lê Thị Nương, TS Nguyễn Thị Hoàng Hương); Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Huế (PGS. TS Thái Phan Vàng Anh); Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (TS. Hoàng Thị Kim Oanh, TS. Nguyễn Thị Hà).

Học viên Lữ Thị Huệ với đề tài Sự giao thoa giữa cảm hứng thiên nhiên và cảm hứng tôn giáo trong thơ văn Trần Nhân Tông (người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Thế). Thơ thiền Phật giáo thời nhà Trần là một bộ phận văn học quan trọng trong tiến trình văn học trung đại Việt Nam. Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba đời nhà Trần, lên ngôi trong thời kì thịnh trị của triều đại nhà Trần. Ông cũng là người sáng tạo ra triết lý phật giáo thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong cuộc đời mình, ông đã để lại một số lượng tác phẩm văn học nhất định với những thể loại khác nhau và vì là một vị vua cũng đồng thời là một thiền sư - thi sĩ, tác phẩm của ông luôn thể hiện sự giao thoa của nhiều nguồn cảm hứng: cảm hứng yêu nước, cảm hứng tôn giáo, cảm hứng thiên nhiên… Việc nghiên cứu, phân tích sự giao thoa giữa cảm hứng thiên nhiên và cảm hứng tôn giáo trong thơ văn Trần Nhân Tông sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về cảm hứng thiên nhiên và cảm hứng tôn giáo trong văn học Thiền Tông thế kỷ X - XIV. Đề tài có đóng góp về lí luận và thực tiễn: là công trình nghiên cứu sự giao thoa giữa cảm hứng thiên nhiên và cảm hứng tôn giáo trong thơ văn Trần Nhân Tông một cách toàn diện và hệ thống; qua đó khẳng định những đóng góp quan trọng của Trần Nhân Tông trong dòng văn học Thiền Tông nói riêng, trong nền văn học dân tộc nói chung.

Đề tài Hình tượng nhân vật nho sĩ trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái được thực hiện bởi học viên Lê Thị Mai (dưới sự hướng dẫn của TS Lê Thị Nương). Hoàng Lê nhất thống chí hay còn gọi là An Nam nhất thống chí, là tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán trong tùng thư của Ngô gia văn phái. Bức tranh xã hội mà Hoàng Lê nhất thống chí xây dựng là một bằng chứng hùng hồn về sự sụp đổ tất yếu của chế độ phong kiến đã khủng hoảng trầm trọng. Cuốn vào vòng xoáy đó, những nho sĩ quan liêu không còn cơ hội để thể hiện tư tưởng “trí quân trạch dân” nữa mà luẩn quẩn, bế tắc, bất lực trước thời cuộc. Trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí, hình tượng các nho sĩ được tác giả họ Ngô khắc họa cụ thể và chân thực, đồng thời đó còn là hình tượng nghệ thuật kết tinh của giá trị lịch sử và giá trị văn học. Vì vậy, nghiên cứu về hình tượng nho sĩ còn có ý nghĩa thiết thực, không chỉ thể hiện thành công của thể loại tiểu thuyết chương hồi mà còn góp phần làm sáng tỏ hơn các khía cạnh của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Luận văn là công trình khoa học chuyên biệt đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về hình tượng nho sĩ Việt Nam trong tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ là tài liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh khi học và giảng dạy về văn học trung đại Việt Nam, cụ thể là về thể loại tiểu thuyết chương hồi.

Đề tài Thể tài nhật kí trong văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975 được thực hiện bởi học viên Phạm Văn Thiện (dưới sự hướng dẫn của Pgs Ts Lê Tú Anh). Nhật kí là loại hình trung gian giữa đời sống và văn học. Giá trị của nhật kí không dừng lại ở tính chất riêng tư mà trong những hoàn cảnh nhất định, nhiều cuốn nhật kí còn trở thành kỷ vật vô giá đối với cộng đồng, là hiện vật rất có giá trị trong bảo tàng lịch sử của một quốc gia. Nhật kí còn có thể vượt ra ngoài giới hạn của một quốc gia, là chứng nhân lịch sử của những sự việc mang tầm nhân loại cho dù trong quá trình lưu bút người viết có khi chưa ý thức hết được giá trị. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, kế thừa thành tựu của các giai đoạn trước, văn học 1954-1975 vừa chuyển hướng để phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ mới của dân tộc, vừa tiếp tục tích lũy những kinh nghiệm và thành tựu mới. Trong bối cảnh đó, nhật kí phát huy đặc trưng của thể loại, lưu giữ và ươm mầm cho những tiếng nói riêng tư, cùng với âm hưởng sử thi như một âm hưởng chính, làm phong phú giọng điệu văn học giai đoạn này. Tuy chưa được biết đến ngay tại thời điểm ra đời, nhưng cho đến nay, gần 40 năm kể từ sau Đổi mới, nhật kí giai đoạn 1954-1975 đã và đang được công bố ngày càng nhiều. Thể tài này mang lại những hơi thở mới cho văn học và tạo điều kiện để nhật kí được nhìn nhận như một thể loại văn học độc lập với những đóng góp có giá trị nhất định. Bởi vậy, nghiên cứu nhật kí văn học trong giai đoạn 1954-1975 giúp cho người nghiên cứu có cơ hội nhìn nhận sâu sắc hơn về cả giai đoạn văn học, nhất là làm rõ hơn một thể tài còn chưa thu hút được sự quan tâm cả về lí thuyết và thực tiễn, từ đó góp phần bổ khuyết những thiếu hụt và đánh giá khách quan hơn về thể tài văn học này. Luận văn là công trình nghiên cứu chuyên sâu, tổng thể và hệ thống về thể tài nhật kí trong văn học Việt Nam giai đoạn 1954-1975, góp phần không nhỏ vào việc làm sáng tỏ những đặc trưng thể tài nhật kí, từ đó tạo nền tảng cho những đánh giá và tiếp nhận thể tài độc đáo nhưng lâu nay vẫn bị “lãng quên” này.

Luận văn Cảm thức thời gian trong tập thơ Nhật kí người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều được thực hiện bởi học viên Lê Thị Linh Thảo (dưới sự hướng dẫn của hai nhà khoa học: Ts. Lê Thị Hiền và Ts. Hoàng Thị Huệ). Hành trình thơ đương đại Việt Nam là hành trình của sự cách tân, đổi mới. Nguyễn Quang Thiều là một trong số những nhà thơ đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc tìm lối đi riêng, xác lập “giọng nói riêng”. Kiên trì với sự lựa chọn của mình, Nguyễn Quang Thiều đã từng bước khẳng định được vị trí trên văn đàn. Đó cũng chính là động lực lớn lao để ông luôn miệt mài trên hành trình sáng tạo, đổi mới và cách tân mà chính ông vẫn thường gọi nó là hành trình “tìm thấy những cơn mơ và sự tự do của mình”. Tập thơ mới nhất của Nguyễn Quang Thiều -  Nhật ký người xem đồng hồ (Nxb Hội Nhà văn, 2023) là minh chứng khẳng định tài năng và đóng góp của nhà thơ trong hành trình cách tân, đổi mới thơ đương đại Việt Nam, có nhiều điểm hấp dẫn so với hành trình trước đó của Nguyễn Quang Thiều, đặc biệt là ở cảm thức thời gian. Xây dựng thời gian như một hình tượng trung tâm; vận dụng cảm thức thời gian như một tư duy nghệ thuật có khả năng chi phối các phương diện khác của thế giới nghệ thuật thơ, Nguyễn Quang Thiều đã làm nên một bước độc sáng mới với Nhật kí người xem đồng hồ. Thời gian là một phạm trù triết học, cùng với không gian, nó là hình thức tồn tại của vật chất, của thế giới. Mỗi một đại lượng thời gian trong văn chương đều là cách thể hiện quan niệm của tác giả. Sự cảm thụ thời gian gắn liền với ý thức về ý nghĩa của cuộc đời, quan niệm về thế giới và lịch sử, với ước mơ, lý tưởng và năng lực hoạt động của chủ thể. Tìm hiểu cảm thức về thời gian có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp nhận một tác phẩm văn học, nhất là trong bối cảnh đổi mới cách dạy - học văn hiện nay. Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu về cảm thức thời gian trong tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều. Những kết quả đạt được của luận văn sẽ đóng góp vào quá trình nghiên cứu, khẳng định giá trị của tập thơ cũng như vị trí của Nguyễn Quang Thiều trên hành trình cách tân thơ Việt Nam đương đại.

Học viên Lê Văn Thanh với đề tài Tiểu thuyết Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành nhìn từ góc độ xã hội học (đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của Ts Vũ Thanh Hà). Tiểu thuyết là thể loại có khả năng bao quát đời sống, khả năng chiếm lĩnh những vấn đề nhạy cảm của thời đại mà nó quan tâm. Tiểu thuyết Việt Nam những năm sau Đổi mới chứng tỏ khả năng nắm bắt và đi sâu khai thác những đề tài lớn liên quan đến số phận của dân tộc cũng như đời sống tinh thần của từng cá nhân với những số phận cụ thể trong cái nhìn đa chiều. Trong số những tiểu thuyết tạo được dấu ấn trên văn đàn văn học Việt Nam đương đại có thể kể đến Nguyễn Phúc Lộc Thành với tiểu thuyết Cõi nhân gian (Nxb. Hội Nhà văn, 2022). Cõi nhân gian là bộ trường thiên tiểu thuyết được viết bằng cảm hứng mãnh liệt, bằng lối kể chuyện mới mẻ; xét về phương diện phản ánh hiện thực, có thể nói đã đem đến cho người đọc một bức tranh với nhiều mảng màu mới lạ. Qua Cõi nhân gian, người đọc không những thấy được nhiều mảng màu sáng - tối về hiện thực xã hội Việt Nam giai đoạn mở cửa ra thế giới, bước vào nền kinh tế thị trường nhiều biến động mà còn cảm nhận sâu xa tấn bi kịch của con người trong cõi đời đầy rẫy thị - phi. Nghiên cứu tiểu thuyết của Nguyễn Phúc Lộ Thành từ góc độ xã hội học là hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng. Đối với tác giả luận văn, người đang trực tiếp giảng dạy Ngữ văn ở trường Phổ thông, trước những yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu tiểu thuyết Cõi nhân gian từ góc độ xã hội học không chỉ mang lại giá trị nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm văn học mà còn cung cấp thêm những kiến thức thực tế về văn hóa xã hội. Quá trình nghiên cứu Cõi nhân gian dưới góc độ xã hội học văn học đã giúp tác giả luận văn nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn văn học. Luận văn là công trình nghiên cứu góp phần khẳng định những đóng góp của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành trong nền văn học Việt Nam đương đại. Kết quả của luận văn cũng là bằng chứng cho việc vận dụng thành công phương pháp nghiên cứu xã hội học vào nghiên cứu một tác phẩm văn học cụ thể, tiếp tục hướng nghiên cứu về những vấn đề mới mẻ của Việt Nam nói chung, tiểu thuyết Việt Nam nói riêng.

Sau hơn 6 giờ làm việc nghiêm túc, khách quan, các hội đồng đã hoàn tất các nội dung công việc. Nhìn chung, cả 5 đề tài luận văn của học viên chuyên ngành Văn học Việt Nam khóa 15 đều được đánh giá có ý nghĩa khoa học, thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của luận văn Thạc sĩ, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất của người học, phục vụ đắc lực cho công việc dạy học và quản lý của học viên ở các nhà trường phổ thông.

Bộ môn Ngữ văn khoa Khoa học xã hội chúc mừng sự nỗ lực cố gắng của các học viên cao học K15 chuyên ngành Văn học Việt Nam. Kết quả này cũng là quả ngọt cuối năm, khép lại một năm học với nhiều thành tích của Bộ môn, của Khoa và Nhà trường. Hy vọng một năm học mới với những thành tựu mới!

Một số hình ảnh của buổi bảo vệ luận văn Thạc sĩ VHVN K15

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/bv2-20240624073018-e.jpg

Đại biểu và các thầy cô, các học viên chụp ảnh lưu niệm.

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/bv3-20240624073208-e.jpg

 

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/bv41-20240624073208-e.jpg

Thầy cô hội đồng chụp ảnh lưu niệm với học viên Lê Văn Thanh.

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/bv1-20240624072049-e.jpg

Thầy cô hội đồng chụp ảnh lưu niệm với học viên Phạm Văn Thiện.

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/bv9-20240624073209-e.jpg

Đồng nghiệp chúc mừng học viên Lữ Thị Huệ.

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/bv7-20240624073208-e.jpg

Người thân, đồng nghiệp, học sinh chúc mừng học viên Lê Thị Linh Thảo.

Media\2004_khxh.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/bv8-20240624073208-e.jpg

Đồng nghiệp chúc mừng học viên Lê Thị Mai bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ.

 

Bộ môn Ngữ Văn.

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN