Kế thừa, tiếp biến trong sáng tạo văn học, nghệ thuật (trường hợp "Truyện Kiều" với "U tình lục")

01/10/2021

Trong tư duy tự sự học theo hướng di truyền luận, O. M. Freidenberg – một trong những học giả đặt nền móng cho tự sự học hiện đại Nga cho rằng “hiện tại” đã được sáng tạo ra từ “quá khứ”. Điều đó có nghĩa, trong lịch sử văn học, không có một hiện tượng văn học đi sau nào lại không tiếp thu, chịu tác động từ những hiện tượng văn học có trước. Văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX cũng không là ngoại lệ: Dù cho trước đó chưa có văn (xuôi) bằng chữ quốc ngữ Latinh, thì cũng không thể nói rằng văn xuôi quốc ngữ đã ra đời mà không kế thừa thành tựu văn học có trước. Sự “hiện diện” của "Truyện Kiều" trong "U tình lục" (Hồ Văn Trung) - tác phẩm được xem là thuộc trong số những bước “chập chững” của văn xuôi hư cấu Việt Nam - là một ví dụ.
                                           PGS.TS Lê Tú Anh

 

Trong bài viết này, bên cạnh việc chỉ ra những dấu ấn ảnh hưởng Truyện Kiều của U tình lục, tác giả sẽ tập trung làm rõ lí do của sự kế thừa/tiếp thu ảnh hưởng, qua đó thấy được sức sống mãnh liệt xuyên thời đại của Truyện Kiều và những nỗ lực sáng tạo trên cơ sở kế thừa truyền thống để có được vị thế văn học sử độc đáo của Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh).

1. Sự “hiện diện” của Truyện Kiều trong U tình lục (Hồ Văn Trung)

Trong sự nghiệp viết phong phú, đồ sộ của Hồ Biểu Chánh, U tình lục sáng tác đầu tay. Tác phẩm được viết bằng hình thức thơ lục bát với độ dài 1.790 dòng, không kể bốn bài thất ngôn bát cú là xướng họa của các nhân vật, được xuất bản năm 1913 bởi một nhà in của người Pháp ở Sài Gòn: Imprimerie F. – H. Schneider. So với độ dài 3254 dòng thơ trong Truyện Kiều, qui mô của U tình lục khiêm tốn hơn. Trong cái bóng rợp lớn của một tác phẩm thuộc loại mẫu mực/kinh điển của thể loại truyện thơ Nôm, của văn học trung đại, Hồ Biểu Chánh – một người viết thuộc thế hệ thứ hai của văn học quốc ngữ không tránh khỏi sự lặp lại.

Đầu tiên và rõ nhất là cốt truyện: Cốt truyện U tình lục được xây dựng dựa trên mô hình gặp gỡ - tai biến - tái hợp – mô hình phổ biến nhất của loại truyện tài tử - giai nhân thường được mô tả trong thể loại truyện Nôm thay vì tiểu thuyết chương hồi như văn học Trung Quốc. Tấn Nhơn và Cúc Hương là một cặp trai tài – gái sắc, nhà ở sát cạnh nhau, từ nhỏ đã tới lui trò chuyện (Tấn-Nhơn (sic) có rảnh khi nào,/Lân la qua lại biết bao nhiêu lần;/Càng lui càng tới càng thân), trở thành tri kỷ (Đôi đàng ngọc trắng gương trong/Đã cho tri-kỷ (sic) còn mong nỗi gì). Rồi Tấn Nhơn lên Mỹ Tho trọ học, do hiểu lầm tình cảm của Cúc Hương, học xong đã bỏ ra Bắc làm quan, Cúc Hương bị ép duyên, sau khi có mang với Tấn Nhơn lại bị hắt hủi nên nhảy xuống sông tự vẫn, được cứu vớt, cưu mang, trải nhiều sóng gió cuối cùng hai người đoàn tụ. Câu chuyện tình buồn ấy không thể không khiến người ta liên tưởng tới mối đoạn trường của Kim Trọng với Thúy Kiều. Trong sự tiến triển của cốt truyện, rất nhiều chi tiết trong U tình lục gợi nhớ đến Truyện Kiều như: Cúc Hương nhảy xuống sông tự tử, Cúc Hương bị đánh ghen, Tấn Nhơn sau thời gian làm quan ở Bắc kỳ, trở lại quê nhà, nhớ Cúc Hương đã đến tìm nàng và chứng kiến cảnh hoang tàn, Tấn Nhơn và Cúc Hương sau khi trải qua nhiều biến cố đã tái hợp…

Cách xây dựng nhân vật: Cúc Hương thông minh xinh đẹp “cá lặn nhạn sa” (Thông minh nhan sắc phi thường/Mặt như mảng nguyệt, miệng dường đào hoa), đa sầu đa cảm, dễ khóc than, dễ tủi thân tủi phận; Tấn Nhơn “đáng mặt văn nhân,/Tuổi lên mười bốn tinh thần có dư./Lời tao nhả (sic), nết hiền từ,/Sử kinh lảu (sic) thuộc, thiên tư đâu là?”. Bên cạnh hai nhân vật chính (chính diện), tác giả U tình lục còn xây dựng nhiều nhân vật phụ, phản diện như Xuân Lan, Tạ Văn Thiên… Trong miêu tả cảnh và người, nhiều chi tiết Hồ Văn Trung cũng dùng bút pháp ước lệ: “Vườn xuân liễu ủ hoa xàu/Mây tần (sic) biến sắc đổi màu chỉn ghê” (câu 235-236), “Để chi đào lý gần nhau,/Làm cho gió thảm mưa sầu năm canh” (câu 241-242), “Tiệc xuân một giấc mơ màng/Vườn xuân ong đã mở đàng vào ra” (câu 729-730)… Tả hành động, tâm trạng nhân vật, Hồ Văn Trung cũng không thoát khỏi dấu ấn ảnh hưởng Nguyễn Du. Tấn Nhơn nhớ Cúc Hương đã “Xâm xâm bước tới bên nàng dừng chơn (sic) (câu 320). Thời gian tâm lý của sự gặp gỡ và xa cách được cảm nhận: “Đêm vui canh vắn (sic), đêm than canh dài” (câu 364). Ngay cả chi tiết Cúc Hương mang thai với Tấn Nhơn trước hôn nhân, thoạt nghe tưởng là hành động vượt thoát ảnh hưởng, thể hiện một bước tiến táo bạo trong quan niệm về con người để cho ra đời những mối quan hệ luyến ái tiếp theo như Chí Đại và Bạch Tuyết (Ai làm được – Hồ Biểu Chánh), Hiển Vinh và Thu Vân (Chút phận linh đinh – Hồ Biểu Chánh), kỳ thực cũng bắt đầu bằng thái độ chủ động đón nhận tình yêu, đến với tình yêu của hai người yêu nhau và mang dáng dấp của Kim Trọng, Thúy Kiều. Trong Truyện Kiều, nếu Kim Trọng sau buổi gặp gỡ, tương tư đã “Xăm xăm đè nẻo Lam-kiều lần sang”, thì Thúy Kiều mong gặp Kim Trọng đã “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”.

 Cách kể chuyện mở đầu bằng việc nêu lí do viết truyện (Trải xem truyện tích xưa sau/ U tình đòi đoạn xót đau nảo (sic) nề./ Nhà văn quen thú hoát lê,/ Sớm lo quan sự, tối đề câu thi.), giới thiệu bối cảnh thời gian (Trong năm ngàn tám tám mươi), không gian (Lầu, đài, cầu, lộ, kinh dinh;/ Thái-tây học-hiệu phép lành dạy dân.), nhân vật (Họ Lê người huyện Tân-hòa,/ Mỷ (sic) danh Tấn-Nghĩa, trong nhà đủ ăn)... cũng gợi cho người ta liên tưởng tới Truyện Kiều. Cấu trúc câu thơ, ở nhiều chỗ cũng có điểm tương đồng: “Có nhà Lâm-thị cách song/ Ruộng đo kể dậm, lúa đong kể vàng.” (câu 45-46); “Khi dưới cội, khi trước hiên,/ Khi xem hoa nở, khi biên câu đề” (câu 63-64); “Tình lang ôi! hởi (sic) tình lang!/ Xa xui (sic) biết thiếp đoạn tràng nầy (sic) chăng?” (câu 533-534)… Nhìn chung, đọc tác phẩm này, người đọc cho dù là người ít kiến thức văn chương vẫn có thể nhận thấy Hồ Văn Trung đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc Truyện Kiều của Nguyễn Du.

2. Lí do của những kế thừa/tiếp thu ảnh hưởng

Ai cũng biết thành tựu văn học Việt Nam trung đại nghiêng về văn vần. Nhưng văn xuôi và nghệ thuật tự sự không phải chưa từng có. Không kể Hoàng Lê nhất thống chí – tác phẩm đỉnh cao của thể loại tiểu thuyết chương hồi, ngay trong ký, truyện truyền kỳ và các thể ngâm khúc... cũng có rất nhiều thành tựu nghệ thuật đáng cho người đời sau kế thừa, học hỏi. Tại sao Hồ Biểu Chánh lại tiếp thu Truyện Kiều mà không phải là một loại hình tự sự/trữ tình nào khác?

Lí do đầu tiên có lẽ bắt đầu từ công chúng văn học. Không phải trong hình dung bây giờ mà ngay tại thời điểm đó, Hồ Biểu Chánh đã nhận thấy “phần nhiều người ta thích đọc truyện tình và truyện phiêu-lưu, còn loại tiểu-thuyết phong-tục thì quần chúng chưa biết”3. Từ góc độ tiếp nhận văn học có thể thấy Hồ Biểu Chánh là nhà văn có tư duy rất hiện đại. Ông quan tâm đến người đọc ngay từ khi cầm bút viết tác phẩm đầu tay. Ông cũng nhận thấy Thầy Lazaro Phiền (Nguyễn Trọng Quản) không được nhiều người biết đến phần nhiều là do nó quá xa lạ với người đọc. Trong truyện tình, thứ mà người đọc Việt Nam lúc bấy giờ ưa thích cũng chưa phải tình yêu tự do, thoát khỏi ràng buộc của lễ giáo phong kiến như Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Nửa chùng xuân (Khái Hưng)..., mà là tình yêu theo kiểu tài tử - giai nhân. Chiều theo thị hiếu độc giả, trong văn xuôi đầu thế kỷ XX, ngoài U tình lục của Hồ Văn Trung, người đọc còn được thưởng thức các tác phẩm khác cùng chủ đề như Tô Huệ Nhi ngoại sử (Lê Hoằng Mưu), Nghĩa hiệp kỳ duyên (Nguyễn Chánh Sắt), Bèo mây tan hiệp (Phạm Minh Kiên), Ngọc chìm đáy biển (Mộng Hiệp), Kim Tú Cầu (Đạm Phương), Ân oán vì tình (Phạm Minh Kiên), Giọt máu chung tình (Tân Dân Tử), Mảnh trăng thu (Bửu Đình), Lửa lòng (Phú Đức)... Trong bối cảnh đó, Truyện Kiều – một mẫu hình cho loại truyện tình tài tử - giai nhân không thể không trở thành một cái đích để Hồ Văn Trung hướng tới.

Không chỉ là mẫu hình cho loại chuyện tình tài tử - giai nhân, Truyện Kiều còn là đỉnh cao của loại truyện thơ Nôm trên phương diện ngôn ngữ. Nói về thành tựu ngôn ngữ của Truyện Kiều, có thể đồng tình với nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc khi cho rằng đây là vấn đề ít gây tranh cãi nhất: “Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu, bình luận Truyện Kiều đều khẳng định Nguyễn Du là bậc thầy của ngôn ngữ dân tộc, là tập đại thành về ngôn ngữ của thời đại ông, là người đã nâng ngôn ngữ văn học dân tộc của thời đại lên một đỉnh cao chói lọi”4. Ngôn ngữ trong Truyện Kiều được hợp thành từ hai bộ phận: Hán – Việt và thuần Việt. Với việc đưa một lượng lớn từ thuần Việt có nguồn gốc từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ… vào tác phẩm, Nguyễn Du đã cho thấy khả năng to lớn của tiếng Việt trong việc phản ánh sâu sắc nhiều vấn đề phức tạp của đời sống và nội tâm con người. Trong khi các tiểu thuyết chương hồi và Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn) viết bằng chữ Hán, việc học tập một “tập đại thành” về ngôn ngữ dân tộc là lựa chọn không gì có thể hợp lý hơn. Tiếp thu ảnh hưởng Truyện Kiều, Hồ Văn Trung viết tác phẩm truyện thơ đầu tay bằng chữ quốc ngữ Latinh và dùng nhiều cách nói dân gian/dân tộc. Chẳng hạn: “Lần lừa ngày lụn tháng qua,/Sương thay nắng đổi tính đà ba năm” (câu 95-96), “Nói ra muôn thảm ngàn sầu,/Nghỉ (sic) thân mà lại ngạt ngào với thân!” (câu 1015-1016)… Phương tiện ngôn ngữ ấy không chỉ dễ đọc, dễ hiểu với công chúng bình dân lúc bấy giờ, mà còn phù hợp với điệu hồn dân tộc, được người đương thời rất yêu thích.  

Ba là, trong nhận thức dù chưa thật đầy đủ, tường tận về sáng tác văn học ở thời mới cầm bút, Hồ Biểu Chánh vẫn biết rằng viết tiểu thuyết là công việc không dễ, nhất là thao tác dựng truyện: “... việc bố cục mất nhiều thì giờ hơn viết, vì cần phải suy nghĩ cho chín chắn cách hành-động của mỗi nhân-vật, phải làm sao cho tâm-hồn, ngôn-ngữ và cử-chỉ cũng như cách cư-xử của nhân-vật giống với người đời. Chẳng hạn với Ngọn cỏ gió đùa, (...), ông phải mất gần năm năm mới bố cục được, song chỉ viết trong hai tháng thì xong”5. Vì thế, ngay cả khi bắt tay viết tiểu thuyết văn xuôi rồi – tác phẩm Ai làm được khởi viết năm 1912, Hồ Biểu Chánh vẫn phải quay lại với truyện thơ (xuất bản U tình lục và viết Vậy mới phải năm 1913). Và trong giai đoạn đầu, để phản ánh được nhiều vấn đề hiện thực, viết được nhiều câu chuyện người đọc chờ đợi, Hồ Biểu Chánh đã vay mượn cốt truyện (chủ yếu của phương Tây), phóng tác thành các tiểu thuyết theo lối hiện đại. Truyện Kiều là tác phẩm hiếm hoi của văn học truyền thống dân tộc được Hồ Văn Trung mượn cả cốt truyện, nhân vật và lối viết. Tuy thuộc thể loại truyện thơ Nôm nhưng Truyện Kiều có nhiều phẩm tính của tiểu thuyết hiện đại. Cốt truyện nhiều sự kiện, biến cố của Truyện Kiều là cơ sở đầu tiên để cấu trúc những tác phẩm tự sự quy mô lớn. Thúy Kiều – nhân vật có đời tư đầy sóng gió với nội tâm được miêu tả rất sâu sắc chính là hình mẫu lí tưởng của nhân vật tiểu thuyết hiện đại. Hai yếu tố kết hợp này khiến Truyện Kiều nói riêng, truyện thơ Nôm nói chung có giá trị học hỏi hơn hẳn thể ngâm khúc bởi ngâm khúc tuy giàu khả năng diễn tả nội tâm nhưng thiếu cốt truyện và sự phát triển của tính cách nhân vật. Trong tư duy hậu hiện đại có thể cốt truyện không còn là vấn đề quan trọng, nhưng sơ kỳ của tư duy tiểu thuyết hiện đại, đây là yếu tố đầu tiên nhà văn phải lưu ý tới. Tiểu thuyết chương hồi, nhất là Hoàng Lê nhất thống chí có thể khắc phục được giới hạn của ngâm khúc trong việc giúp nhà văn xây dựng cốt truyện và tổ chức trần thuật, nhưng tính chất ghi chép người thực việc thực, tính chất biên niên khá rõ lại không gần, thậm chí đối lập với văn xuôi hư cấu, nhất là tiểu thuyết hiện đại – thể loại đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú, không giới hạn của người viết. Ở đây chúng tôi xin phép không bàn việc tiếp thu ảnh hưởng của tác giả Truyện Kiều từ tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân (Kim Vân Kiều truyện) nhưng có một điều chắc chắn khẳng định phần sáng tác của Nguyễn Du quá lớn khiến cho bóng dáng tích xưa chỉ còn rơi rớt lại không đáng kể. Với những ưu thế như vậy, Truyện Kiều là sự lựa chọn đầy sáng suốt của Hồ Văn Trung.      

Ngoài ra, hành động phóng tác Truyện Kiều của Hồ Văn Trung còn để hưởng ứng phong trào “quốc gia phục hưng” được khởi xướng khoảng năm 1907 bởi một số nhà Nho ở Nam kỳ, tiêu biểu là Tân Dân Tử và Nguyễn Tử Thức. Phong trào này hình thành để phản ứng lại phong trào dịch truyện Tàu ồ ạt ở nước ta, nhất là ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. Trong một quãng “đứt gãy” về văn hóa, trước nhu cầu ngày càng lớn của người đọc về những truyện dài bằng chữ quốc ngữ, nhiều dịch giả/ nhà in nhạy bén đã dịch và in với số lượng lớn các tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc ra quốc ngữ nhằm thỏa mãn nhu cầu công chúng6. Bởi vậy, Hồ Văn Trung viết trong tinh thần vừa học hỏi, vừa đối thoại với tiền nhân: “Trải qua mấy cuộc đoạn trường,/Việt-Nam hiếm kẽ (sic) chi nhường Trung-hoa” (câu 13-14).

Có thể nói, với U tình lục, Hồ Biểu Chánh là người tiên phong trong việc làm sống lại những “huyền thoại văn hóa” của dân tộc đầu thế kỷ XX, chống lại thái độ đề cao văn hóa ngoại lai. Tiếp theo Hồ Biểu Chánh, Phạm Quỳnh (Thượng Chi) với vai trò ông chủ bút tạp chí Nam Phong, trong tinh thần nhiệt tình cổ vũ việc gây dựng quốc âm thành văn chương đã viết bài “Truyện Kiều” (1919) và khẳng định: “Người nước ta, ai là người không biết Truyện Kiều? ai là người không thuộc ít nhiều câu trong Truyện Kiều? ai là người không rõ sự-tích nàng Kiều mà thương thân-thế cô Kiều, hồng-nhan bạc-phận, đủ bề tài-sắc mà gặp cảnh đoạn-trường (…)? Mà lạ thay, suốt các hạng người trong nước, từ kẻ văn-học tri-thức cho đến người làm-lụng tầm-thường, từ bậc khuê-môn đài-các cho đến kẻ làm ruộng hái dâu, không ai là không thích Truyện Kiều7. Chưa hết, nhân lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du - ngày 8 tháng 12 năm 1924 (tức ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý) do Hội Khai trí tiến đức tổ chức, trong bài diễn thuyết, Phạm Quỳnh một lần nữa thiết tha khẳng định: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu-sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia-công trau-chuốt lấy tiếng quốc-âm nhà, cho quốc-hoa ngày một rực-rỡ, quốc-hồn ngày một tỉnh-tao, quốc-bộ ngày một tấn-tới, quốc-vận ngày một vẻ-vang, ngõ-hầu khỏi phụ cái chi hoài-bão của tiên-sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây! (sic)8. Cái giọng điệu quá tha thiết của bài viết và vị thế của Phạm Quỳnh lúc ấy có thể trở thành nguyên nhân/châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa về Truyện Kiều – cuộc tranh cãi trở thành một trong những “vụ án” văn nghệ nổi tiếng đầu thế kỷ XX, dù có thế thì những giá trị của Truyện Kiều cũng không hề thay đổi.

3. Những nỗ lực vượt thoát ảnh hưởng

Học tập tác giả Đoạn trường tân thanh nhưng có lẽ Hồ Văn Trung không muốn đứng trong cái bóng rợp quá rộng ấy, tác phẩm đã thể hiện nhiều nỗ lực của nhà văn để có một sản phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của người viết ra nó.

Ngoài chỉ dấu thời gian là “năm ngàn tám tám mươi” (Trong năm ngàn tám tám mươi/Bốn phương lặng lẻ (sic), các nơi thái bình), nhiều nội dung mang tính chất thời đại cũng đã được nhà văn đề cập trong U tình lục. Đó là sự tiến bộ trong quan niệm về người phụ nữ: con gái cũng được nuôi ăn học và được học ở trường Tây (Cúc Hương 12 tuổi, được học trường Langsa). Sự thay đổi trong tâm lý - ý thức xã hội ngoài việc thay đổi quan niệm về người phụ nữ, về hôn nhân, còn là việc phát hiện tâm lý thực dụng, trọng lợi danh đang ngày càng phổ biến trong xã hội thuộc địa. Lâm bà ham nhà giàu có, quyền thế nên ép Cúc Hương lấy Tạ Văn Thiên – con quan huyện sở tại, một kẻ cậy quyền thế cha mẹ chơi bời lêu lổng và cực kỳ dốt nát. Xuân Lan – chị bạn dì của Cúc Hương, vì đem lòng yêu Tấn Nhơn mà tìm cách ly gián hai người khiến Tấn Nhơn bỏ đi Bắc-kỳ, còn Cúc Hương mang tiếng chửa hoang, nhảy xuống sông tự tử, cuối cùng Xuân Lan lấy Văn Thiên… Những kiểu tính cách này về sau người đọc còn gặp lại trong nhiều tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như Tiền bạc bạc tiền, Thầy thông ngôn, Nhân tình ấm lạnh... Ngay cả sự không nhất quán trong tính cách của Tấn Nhơn thể hiện qua cư xử với Cúc Hương cũng là một điểm mới trong quan niệm của nhà văn về con người: con người không thuần túy, giản đơn một chiều, trong tính hiện thực, con người rất phức tạp và đầy mâu thuẫn. Tác phẩm cũng đề cập đến một số vấn đề xã hội nóng bỏng khác như sự dốt nát mà tham lam của bọn địa chủ quan lại, các thủ đoạn bóc lột tàn nhẫn của Chệch, Chà... Những nội dung này đã góp phần hình thành giá trị hiện thực sâu sắc trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh và tạo tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực trong văn xuôi giai đoạn 1930-1945.

Nhưng điểm mới đáng kể nhất của U tình lục có lẽ là phương diện ngôn ngữ. Trong tính lịch sử của nó, phải hình dung rằng, vào đầu thế kỷ XX, sáng tác văn học bằng chữ quốc ngữ là một công việc không dễ9. Với một người học chữ nho trước khi học chữ quốc ngữ, vào lúc khó khăn lại tìm đọc sách vở thánh hiền như Hồ Biểu Chánh10, đây là một nỗ lực lớn để tự vượt mình. Tuy hình thức văn bản của U tình lụcTruyện Kiều có nhiều vẻ tương đồng nhưng nhìn sâu vào nguyên tắc cấu trúc lời, ta sẽ thấy một điểm khác biệt rất căn bản: Nếu nguyên tắc cấu trúc lời của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là dùng biểu tượng, tạo tính đa nghĩa; thì nguyên tắc cấu trúc lời của Hồ Văn Trung là đưa vào tác phẩm văn học cách nói đời thường, tiếp nối chủ trương viết văn “trơn tuột như lời nói thường” (Trương Vĩnh Ký), “lấy tiếng thường mọi người hằng nói” (Nguyễn Trọng Quản) và “dùng tiếng tầm thường cho mọi người dễ hiểu đặng” (Trần Thiên Trung). Nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều, Nguyễn Lộc đã khách quan đánh giá: “Nói cho đúng thì chẳng phải ngôn ngữ Truyện Kiều đều hoàn toàn dễ hiểu”11. Ngay cả ca dao, thành ngữ, tục ngữ - kho từ vựng phong phú của ngôn ngữ dân tộc mà Nguyễn Du vận dụng/kế thừa cũng là thứ ngôn ngữ đã được chắt lọc, trau chuốt thành những cách diễn đạt cô đọng, chuẩn mực. Dù vậy, so với văn học bằng chữ Hán, đó là một bước tiến về ngôn ngữ, là sự mở đường để tiếng nói bình dân đi vào văn học viết. Từ điểm tựa vững chắc đó, Hồ Văn Trung mạnh dạn bước tiếp, tạo lập dấu ấn riêng bằng ngôn ngữ của thời đại ông. Trong khuôn khổ hình thức văn vần, tức là có sự giới hạn câu chữ, Hồ Biểu Chánh vẫn dùng rất nhiều phương ngữ. Đó không chỉ là các từ địa phương, mà còn cả cách phát âm địa phương của vùng Nam Bộ. Theo chúng tôi, cái mà Nguyễn Khuê gọi là “lỗi chính-tả” trong U tình lục chính là phần Hồ Văn Trung đã “viết như lời nói”, đưa cả cách phát âm địa phương vào tác phẩm. Chẳng hạn: “Cúc-Hương bổng (bỗng) chúc (chút) bàn hoàn (bàng hoàng),/Tơ tình như đã vươn (vương) man (mang) vào lòng” (câu 139-140), “Mấy lời trong đụt (đục) nghe qua,/Tấn-Nhơn giọt lụy nhỏ sa dầm dề” (câu 1525-1526)... Đây cũng là hiện tượng rất phổ biến trong các tiểu thuyết quốc ngữ ra đời trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ XX ở cả hai miền Nam Bắc12. Các từ ngữ mới du nhập từ nước ngoài cũng được nhà văn đưa vào tác phẩm với một lượng khá lớn. Cách ngắt nhịp cũng làm cho lời thơ trong U tình lục đến gần hơn với ngôn ngữ đời thường. Thông thường câu thơ lục bát có nhịp 3/3 hoặc 2/2/2/2, Hồ Biểu Chánh dùng cả nhịp một âm tiết: “Lầu, đài, cầu, lộ, kinh dinh” (câu 21). Với những thử nghiệm mới về ngôn ngữ như vậy, U tình lục thực sự là bước đi đầu tiên trên hành trình kiến tạo tiểu thuyết - thể loại trụ cột của văn học hiện đại, thể loại đòi hỏi thứ ngôn ngữ tự nhiên, sống động như đời sống. 

4. Vị trí của U tình lục trong sự nghiệp của Hồ Biểu Chánh 

Dù vậy, có thể khẳng định, nếu không có Truyện Kiều sẽ không có U tình lục, hoặc nếu có, quy mô cũng chỉ dừng như Vậy mới phải13. Điều thú vị nữa là, ngay cả Vậy mới phải, dù được phóng tác dựa theo cốt truyện của vở kịch Lecid (Corneille) nhưng ở trang bìa, Hồ Biểu Chánh vẫn dẫn hai câu thơ của Nguyễn Du (Duyên hội ngộ, đức cù lao/Chử (sic) tình chử hiếu chử nào nặng hơn) như là lời đề từ cho tác phẩm.

U tình lục là tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của Hồ Biểu Chánh cũng như của quá trình hình thành tiểu thuyết hiện đại trong văn học Việt Nam. Với một cốt truyện dài nhiều tình tiết, biến cố; kết cấu mạch lạc, sáng rõ; nhân vật được miêu tả toàn diện cả ngoại hình, nội tâm/tính cách; ngôn ngữ phong phú bao gồm cả cách nói đời thường, hằng ngày... mà Hồ Văn Trung đã học tập được từ trước tác của Nguyễn Du, U tình lục đã trở thành hành trang để ông mang theo suốt hành trình viết tiểu thuyết hiện đại. Ra đời trong bối cảnh nền văn học bằng chữ viết đang tìm kiếm hình hài, U tình lục cũng thuộc trong số tác phẩm khởi đầu cho một nền văn học viết bằng thứ chữ mới, tiện lợi, hiện đại, gần gũi đời thường, đậm chất văn xuôi: chữ quốc ngữ. Nguyễn Khuê không gọi đó là “chiếc gạch nối” giữa truyện thơ và tiểu thuyết hiện đại, nhưng xem đó là tác phẩm “đánh dấu giai-đoạn quá-độ từ các truyện nôm sang tiểu-thuyết mới” và đánh giá cao vị trí văn học sử của nó: “... thiết tưởng những nhà viết văn-học-sử không thể bỏ qua tác-phẩm này khi nghiên-cứu sự hình-thành của tiểu-thuyết Việt-Nam” (sic)14. Vị trí văn học sử danh giá ấy có được một phần quan trọng là do Hồ Văn Trung đã nhận thức sâu sắc giá trị to lớn vượt thời gian, không gian của Truyện Kiều cũng như bản chất thể loại của tiểu thuyết. Truyện Kiều của Nguyễn Du – đỉnh cao của thể loại truyện thơ Nôm, kiệt tác của văn học cổ điển đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại. Không chỉ hiện diện trong U tình lục, Truyện Kiều còn “sống lại”, làm sôi động đời sống văn hóa, học thuật Việt Nam suốt mấy chục năm đầu thế kỷ XX.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Du. (1988). Truyện Kiều (In lần thứ năm). Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
  2. Nguyễn Khuê. (1974). Chân dung Hồ Biểu Chánh. Nhà xuất bản Lửa Thiêng.
  3. Nguyễn Lộc. (1999). Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - Hết thế kỷ XIX). Hà Nội: Nxb Giáo dục.
  4. Lã Nguyên. (2018). Số phận lịch sử của các lí thuyết văn học. Hà Nội: Nhà xuất bản Phụ nữ.
  5. Nguyễn Đức Thuận (sưu tầm, biên soạn, giới thiệu). (2019). Văn phê bình nghiên cứu lý luận Ngữ văn trên Nam Phong tạp chí. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  6. Hồ Văn Trung. (1913). U tình lục. SaiGon: Imprimerie F. – H. Schneider.
  7. HoVanTrung tự Biểu-Chánh. (1918). Vậy mới phải. SaiGon: Imprimerie De L’ Union.

_________

Chú thích:

1. Lã Nguyên. (2018). Số phận lịch sử của các lí thuyết văn học. Hà Nội: Nxb Phụ nữ. Tr.148-156.

2. Không kể một số tác phẩm ra đời cuối TK XIX cũng thuộc phạm trù văn xuôi hiện đại. Ở đây chúng tôi muốn nói đến thời kỳ văn học Hán – Nôm, trước khi có văn học quốc ngữ.

3. Theo Nguyễn Khuê. (1974). Chân dung Hồ Biểu Chánh. Nhà xuất bản Lửa Thiêng. Tr.171.

4. Nguyễn Lộc. (1999). Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - Hết thế kỷ XIX). Hà Nội: Nxb Giáo dục.

5. Chân dung Hồ Biểu Chánh, sđd, tr.271.

6. Theo Bằng Giang thì Nông cổ mín đàm nổ phát súng đầu tiên với bản dịch Tam quốc chí đăng ngay từ số đầu của tờ báo (ngày 1-8-1901) và người dịch là một người Pháp - ông Canavaggio - chủ nhiệm tờ báo (Bằng Giang. (1992). Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ. Tr.237). Phong trào dịch tiểu thuyết Trung Quốc bắt đầu nở rộ vào khoảng năm 1906 ở miền Nam và bắt đầu từ 1907 ở miền Bắc (bản dịch Tam quốc chí của Phan Kế Bính). Với một đội ngũ dịch giả đông đảo, các bản dịch tiểu thuyết cổ điển (Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử diễn nghĩa, Tây du diễn nghĩa...); tiểu thuyết nghĩa hiệp, công án (Tam hiệp ngũ nghĩa, Thi công án...) và các loại tiểu thuyết ngôn tình, lãng mạn, nhu cảm thời cận đại (Tuyết hồng lệ sử, Gương tự do, Bể tình nổi sóng, Ngọc lê hồn, Vân lan nhật ký, Bóng hiệp hồn hoa...) đã thi nhau ra đời.

7. Nam Phong tạp chí. Số 30 (12/1919). Tr.480-500.

8. Nam Phong tạp chí. Số 86 (8/1924). Tr.89-94.

9. Ngay cả những hoạt động giao tiếp thông thường, việc dùng thuần thục chữ viết và tiếng nói dân tộc là cả một thử thách. Trong bài “Văn quốc ngữ” (Nam Phong tạp chí, 1917), Phạm Quỳnh viết: “Ôi! Có nước mà không có tiếng nói, còn gì khổ bằng! Trong khi học tập năm ba anh em ngồi với nhau, bàn những chuyện thiết tha, nói những điều tâm sự, mà đương câu chuyện phải pha một hồi tiếng Tây hay điểm mấy câu chữ Tàu, thì cực biết bao nhiêu! Viết một bức thư là sẻ tấm lòng cho người yêu kẻ mến, lời đi cảm tình cũng phải đi theo, thế mà bày tỏ cái cảm tình ấy ra cũng không thể dùng được thứ tiếng nói bắt đầu học từ khi lọt lòng mẹ, thì thảm biết dường nào!”. Cũng trong bài viết này, Phạm Quỳnh mong mỏi tha thiết “đến ngày chữ quốc ngữ dùng làm quốc văn được” vì “văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới gây dựng được” (Phạm Quỳnh luận giải văn học và triết học. Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn, giới thiệu. 2003. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa thông tin – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. Tr. 45).

10. Xin xem thêm Chân dung Hồ Biểu Chánh, sđd, tr.30.

11. Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - Hết thế kỷ XIX), sđd, tr.421.

12. Xin xem thêm: Lê Tú Anh. 2012. “Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn giao thời”. Tạp chí Nghiên cứu văn học. Số 5. Tr.84-98.

13. Một truyện thơ khác của Hồ Biểu Chánh có độ dài 306 dòng lục bát, chia làm 8 phần, được viết năm 1913, xuất bản năm 1918.

14. Chân dung Hồ Biểu Chánh, sđd, tr.158.

 

(Bài in trên tạp chí Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, số 6 (2021), tr.29-36)

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN