19/10/2021
PGS. TS Lê Tú Anh, Trường Đại học Hồng Đức
Trong khi nỗ lực diễn giải những đặc tính làm nên “người tị nạn”, Viet Thanh Nguyen đã cho thấy nhiều khía cạnh của một tài năng văn chương vượt trội. Đó là khả năng thấu hiểu, khả năng miêu tả, khả năng tường thuật, khả năng ngôn ngữ… Tất cả đều góp phần đưa tới một bức chân dung về người tị nạn để qua đó, người đọc không chỉ thấy một giai đoạn mà nhiều thời khắc, một không gian mà nhiều cảnh sống, một mảnh đời mà nhiều số phận, từ đó thấy được mối liên hệ giữa dân tộc và quốc tế, quá khứ và hiện tại, mình và tha nhân. Nhưng dù nhìn từ chiều kích nào của cả thời gian lẫn không gian, những người tị nạn của Viet Thanh Nguyen vẫn toát lên một bản sắc Việt không dễ gì trộn lẫn.
Điểm chung dễ nhận thấy ở những người tị nạn là họ đều trải qua một hành trình đầy nghiệt ngã. Không có nhân vật nào trong tập truyện này không phải sống phần đời còn lại trên đất Mỹ trong nỗi ám ảnh về ngày ra đi và hành trình làm thuyền nhân trên biển. Nó hãi hùng đến mức người ta muốn đánh mất trí nhớ của mình: “Vì lý do nào đó, giáo sư không nói về thời điểm trên biển này, tuy ông nhắc tới rất nhiều chuyện khác mà họ đã cùng nhau làm trong quá khứ”(1); người ta khiếp đảm khi ai đó muốn biết về nó: “viễn cảnh phải kể lại câu chuyện của mình một lần nữa khiến cậu khiếp đảm” (tr.44); người ta ám ảnh như đang sống cùng những bóng ma: “Khi trở lại, chúng tôi chỉ thấy bộ đồ sũng nước của anh và cái khăn ướt. Má cầm cái áo thun xám lên, y như cái áo anh đã mặc trên chiếc thuyền màu xanh có vẽ hai con mắt đỏ đó” (tr.26)…
Sống sót sau hành trình hãi hùng trên biển, những người tị nạn đã hòa nhập với cuộc sống mới một cách đầy khó khăn. Nhưng họ luôn sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có thể sớm ổn định cuộc sống: làm giáo viên tư vấn học đường ở trường trung học, làm bảo vệ ca đêm tại một cao ốc văn phòng/tòa nhà hạng sang, dạy tiếng Việt cho người bản xứ, viết thuê… Dù vậy, ngay sau khi thu xếp một cách tạm gọi là ổn thỏa cuộc sống vật chất của mình, người tị nạn phải đối diện với những thử thách nghiệt ngã hơn: sự đeo bám dai dẳng của quá khứ, gần nhất là ngày ra đi, xa hơn là quê nhà, người thân và quãng đời đã sống, nhất là quãng đời đã sống trong chiến tranh. Trong Những người đàn bà mắt đen, những người phụ nữ đi qua cuộc chiến, đi qua đại dương trên những con thuyền “chở nặng hơn trăm người trên một con thuyền đánh cá vốn dự trù chỉ đủ cho một toán ngư dân và một lượng cá thu ướp lạnh” (tr.31) trở thành người tị nạn với những ký ức hãi hùng, hãi hùng hơn bất cứ một chuyện ma nào mà họ từng nghe kể. Nó làm cho phần đời còn lại của họ sống mà như đã hóa những hồn ma. Cuối cùng, người viết thuê (cô con gái) từ chối tất cả mọi hợp đồng hậu hĩnh để viết cuốn tự truyện về đời mình, về những hồn ma, những ký ức đầy bóng tối. Người đàn ông đồng tính tên Liêm trong Người thứ ba quê gốc Long Xuyên, từ nhỏ đã phải dời nhà lên Sài Gòn kiếm sống bằng nhiều nghề: đánh giày cho lính Mỹ, tìm ống lon và thùng các tông trên bãi rác, lau sàn cho “một phòng trà trên đường Tự Do nơi các thiếu nữ cầm cố bản thân lấy đô la”... Sau biến cố 1975, Liêm sang Mỹ. Hành trình nghiệt ngã đến Mỹ cho Liêm nhận ra rằng: “mạng sống của người khác trở nên nhỏ nhoi biết bao đối với mình khi chính mạng sống của mình cũng đang bị đe dọa” (tr.50). Không quên câu chuyện quá khứ, Liêm luôn tự dặn lòng phải “sống đời văn minh, lành mạnh, đúng đắn” (tr.66), nhưng vì vô gia cư, sống trong trại tị nạn, Liêm được một người đàn ông Mỹ (Parrish) bảo lãnh đưa về sống tại gia đình ông ta và trở thành người thứ ba trong mối quan hệ của hai người đàn ông đồng tính.
Có thể nói, vừa dối diện với hiện tại nghiệt ngã, tương lai chưa rõ hình hài, vừa trĩu nặng những tâm tình và ám ảnh quá khứ... là tâm trạng của phần đông người tị nạn. Nó khiến cho cuộc sống của họ luôn đầy rẫy lo toan, bất ổn, khổ sở, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Mắc kẹt giữa các nền văn hóa (“không quá Mỹ hay quá Việt”), giữa phương Đông và phương Tây, giữa quê nhà và tha hương, giữa quá khứ và hiện tại… là tình thế mà mọi thân phận tị nạn đều rơi vào. Viet Thanh Nguyen đã trung thực tận đáy khi nói về cuộc sống của người tị nạn trên đất khách: là một giáo sư đến Mỹ không tìm được việc làm trong ngành hải dương học đã ổn định với việc dạy tiếng Việt (I’d Love You to Want Me), là một cô gái sống bằng nghề viết thuê giữa “một xứ sở mà tài sản định giá mọi thứ” (Những người đàn bà mắt đen), là chàng thanh niên với hàm răng ố vàng và dáng đi nhìn xuống “cứ như đang tìm bạc cắc” vì luôn ý thức về món nợ trên vai (Kẻ thứ ba), là một cô gái sau hai mươi sáu năm rời xa tổ quốc mới gửi lá thư đầu tiên về nhà và khi hiện hữu bằng xương bằng thịt đã khiến bao nhiêu hình dung đẹp đẽ về chị trong cô em gái cùng cha khác mẹ trở nên vỡ vụn, tan biến…
Nhưng dù quá khứ chiến tranh có là căn nguyên của các cuộc trốn chạy/rời bỏ và cuộc sống trên đất khách đầy nhọc nhằn, thì trong phần đời còn lại của hầu hết người tị nạn, hình bóng tổ quốc, nỗi niềm cố quốc vẫn luôn canh cánh bên lòng. Hai tiếng “Việt Nam” và rất nhiều địa danh ở Việt Nam đã được nhắc đến, thậm chí nhiều lần, trong tập truyện của Viet Thanh Nguyen: Sài Gòn, Long Xuyên, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Lạt, Huế, Quảng Trị, Hà Nội, Hạ Long… Nỗi nhớ quê hương có khi được biểu lộ bằng những hành động được tri giác như “mang theo một đĩa CD ghi những bài hát buồn bã của Khánh Ly” hay thường xuyên xem các kênh truyền hình tiếng Việt, nhưng cũng có khi là những ám ảnh vô thức như vị giáo sư ngành hải dương học (I’d Love You to Want Me) cuối đời cứ liên tục nhắc đến một người đàn bà tên Yến mà cả ông và vợ đều không cắt nghĩa được người đó là ai.
Với cộng đồng tị nạn, bằng tập truyện này, Viet Thanh Nguyen như muốn sẻ chia, bày tỏ sự cảm thông và ở một tầng vỉa sâu hơn là ngợi ca những vẻ đẹp của họ. Dù ra đi trong tình thế hoảng loạn, hòa nhập với cuộc sống mới một cách đầy khó khăn, nhưng người tị nạn vẫn thể hiện được nhiều nét đẹp trong cốt cách con người Việt Nam. Đó là một người sẵn sàng hiến bảy phần cơ thể mình cho người khác mà không cần hàm ơn (Người ghép tạng); là chàng sinh viên người Mỹ gốc Việt có sức hấp dẫn đến mức đủ để lôi cuốn cả bạn gái và bố mẹ cô ta đến thăm Việt Nam, làm cho người cha từ chỗ miễn cưỡng nghe theo vợ và con gái đến chỗ “xua tan đám sương mù của nỗi sợ hãi và choáng váng, đem đến một sự thấu cảm với con gái ông mạnh đến mức nó khiến ông đau đớn” (Người Mỹ); là người chị gái cùng cha khác mẹ với Phương (Tổ quốc) dù về thăm quê hương bằng những đồng trợ cấp thất nghiệp ít ỏi vẫn không quên mua quà tặng cho người thân, và khi trở về Mỹ lại mang theo một vali “đầy đồ lưu niệm, một búp bê bằng sứ mặc áo dài lụa cho má của Vivien, những chiếc xe xích lô bằng gỗ tếch khắc tạc thủ công cho hai đứa em, một chai rượu để ngâm rắn hổ cho cha dượng, và, cho các bạn cô là mấy cái áo thun in khuôn mặt hiền từ của Hồ Chí Minh”… Bởi vậy, cũng qua những câu chuyện về người tị nạn, người đọc có thể thấy niềm tự hào không dấu nổi của Viet Thanh Nguyen về đất nước và con người Việt Nam. Dù quá khứ chiến tranh là “một xứ sở bị ma ám”, thì hiện tại: “Xứ này gợi nhớ đến quá khứ điền viên của nước Nhật”, “Một xứ sở xinh đẹp”, “Nghèo và nóng, nhưng đẹp”… Còn phụ nữ Việt: “là bạn tình cho đàn ông tốt hơn nhiều so với phụ nữ Mỹ vốn thiếu kiên trì và đòi hỏi nhiều. Phụ nữ Việt chăm sóc đàn ông của họ, yêu thương họ” (tr.162). “Tặng những người tị nạn ở bất cứ đâu” là lời đề từ của tập truyện, nhưng điều đó không có nghĩa, những câu chuyện Viet Thanh Nguyen kể không mang tính dân tộc. Thậm chí, anh từng muốn tập truyện sớm được dịch ra tiếng Việt để cha anh có thể đọc được. Bởi đó là sự thấu cảm, sẻ chia của nhà văn dành cho những số phận mà lịch sử chọn họ để làm nên một phần của nó.
Đúng như cái tên nhà văn đặt cho tập truyện, mỗi truyện đều xuất hiện một người Việt tị nạn trên đất Mỹ, nhưng cách kể về các nhân vật này không giống nhau. Men Vũ (Người ghép tạng) không hề xuất hiện trực tiếp mà chỉ qua suy đoán, kiếm tìm, cảm nhận của người được ghép tạng. Những người đàn bà mắt đen sử dụng kỹ thuật của chủ nghĩa hiện thực - huyền ảo (bóng ma, tiềm thức, xóa trí nhớ...) để tạo nên những liên tưởng đa chiều. Tổ quốc - truyện cuối cùng của tập truyện - có dung lượng không dài nhưng nhiều tình huống khiến câu chuyện trở nên nửa tin nửa ngờ, hấp dẫn và đầy dư vị… Nhìn chung, Viet Thanh Nguyen không lặp lại cách kể ở bất kỳ truyện nào. Anh dùng nhiều điểm nhìn để soi chiếu những góc cạnh khác nhau của người tị nạn. Họ phần lớn đều không phải là những người kể chính mà được thuật lại bằng nhiều nhãn quan: khi là một người Mỹ (Một vụ ghép tạng, Người Mỹ), khi là một người Việt tị nạn thuộc thế hệ thứ hai (Những người đàn bà mắt đen, Một ai đó khác ngoài bạn), khi là người Việt trong nước (Tổ quốc)… Bằng những cách sáng tạo truyện kể như vậy, những người tị nạn được nhìn nhận ở nhiều không gian, thời gian, cảnh huống… mà trong thực tế họ có thể đã trải qua, đã đối mặt, đã sống để làm nên những đặc tính riêng có của họ.
Với Viet Thanh Nguyen, “viết tức là bước vào sương mù, mò mẫm tìm một con đường từ thế giới này tới thế giới huyền ảo của chữ nghĩa, một con đường mà không phải hôm nào cũng dễ dàng tìm thấy” (tr.29). Có lẽ vì thế mà anh viết chậm. Những truyện ngắn trong tập truyện này của Viet Thanh Nguyen là kết quả của nhiều năm cầm bút, trăn trở. Nhưng có lẽ, đó là sự cẩn trọng để tìm cho câu chuyện một ý tứ, một sự biểu đạt sao cho thật độc đáo, chứ khả năng văn chương của Viet Thanh Nguyen thì không thể nghi ngờ. Xung quanh những câu chuyện về người tị nạn, Viet Thanh Nguyen đã đưa vào tác phẩm nhiều mẩu nhỏ nhặt, tỷ mỷ, rất con người. Điều thú vị là những chi tiết đó lại không mang đến cho người ta cảm giác về sự tủn mủn, vụn vặt. Nó chỉ cho thấy óc quan sát và một khả năng miêu tả chính xác phi thường, cũng như thể cho ta hiểu rõ thêm về định nghĩa của M. Gorki: “Văn học là nhân học”.
Một điều đặc biệt là tập truyện không né tránh những vấn đề nhạy cảm về chính trị, nhất là liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Việt trong quá khứ, nhưng, cũng giống các nhà văn lớn gốc Việt khác, Viet Thanh Nguyen không “nghiêng” về phía nào, không “bóng gió” hay ám chỉ… mà kể trong tinh thần tính chân thực lịch sử cần phải được tôn trọng tối đa, sự thật là chân lý. Điều này góp phần mở rộng nhận thức cho người đọc hôm nay về một vấn đề của lịch sử dân tộc và nhân loại khi mà lịch sử đang dần lùi xa nhưng dư âm về nó vẫn còn khiến người ta chưa thôi day dứt.
_________________
(1) Viet Thanh Nguyen, Người tị nạn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018, tr.113. Mọi trích dẫn từ tác phẩm đều lấy trong văn bản này.
(Bài đã in trên tạp chí Nhà văn và tác phẩm, số 42 (tháng 7-8/2020), tr.127-130.)