15/06/2024
Đợt thực tế thứ nhất diễn ra trong tháng 4/2024 của K25 ĐHSP Ngữ Văn và K25 ĐHSP Ngữ Văn CLC tại Quảng Bình, Huế. Hành trình miền Trung thăm tượng đài mẹ Suốt Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình… để thêm yêu miền cát trắng - quê hương người mẹ kiên cường chèo đò đưa cán bộ cách mạng qua sông Nhật Lệ; đã được tạc thành tượng đài bất hủ trong văn chương.
Thăm tượng đài mẹ Suốt ở Quảng Bình
Về với mảnh đất cố đô, thơ mộng, yên bình, các bạn sinh viên được tham quan chùa Thiên Mụ, Đại nội – Kinh thành Huế; được thăm lăng Minh Mạng (Hiếu lăng), lăng Tự Đức (Khiêm lăng), lăng Khải Định (Ứng lăng)... Tại các di tích này, sau khi tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc độc đáo trong quần thể di tích cố đô Huế, nghe giới thiệu, các sinh viên đã có những trao đổi về nhiều vấn đề học thuật liên quan đến văn hóa, văn học Việt Nam... Không chỉ vậy, các bạn còn được chiêm bái chùa Thiên Mụ vào ngày rằm; ghé chợ Đông Ba, ru mình trong làn điệu ca Huế và thả hoa đăng trên dòng sông Hương thơ mộng, thưởng thức hương vị ẩm thực Huế. Một địa điểm không thể bỏ qua đối với sinh viên ngành Sư phạm Ngữ Văn khi đến Huế là Di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu - chí sĩ yêu nước lỗi lạc, tác gia văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tại đây, các sinh viên đã được tái hiện lại cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp văn học của cụ Phan, nhất là thời kỳ “Ông già Bến Ngự”, được dâng hương lên phần mộ của cụ một cách thành kính. Các sinh viên cùng được trải nghiệm những sản phẩm thủ công truyền thống và được thưởng thức những món ăn nổi tiếng, đậm chất Huế: Chè hẻm, bành bèo, bánh nậm, bún Huế, cơm niêu…
Học tập tại Lăng vua Tự Đức
Thăm lăng vua Khải Định
Học tập tại Di tích lịch sử khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu
Đợt thực tế thứ 2 diễn ra trong tháng 5, các lớp K25 C1; K26A2, K26 B3 ĐHSP Ngữ Văn (liên kết) tại tỉnh Hải Dương. Hành trình thực tế về miền di sản xứ Đông: nơi Chí Linh thiêng liêng có Đền Vương Trần đứng đó/ Kiếp Bạc sáng một vùng/ Hịch tướng sĩ thuở ấy/ Mãi là lời non sông. Ở Côn Sơn suối chảy rì rầm như tiếng đàn tuyệt diệu, mà Nguyễn Trãi cáo quan về ở ẩn; từng nằm trên đá rêu phơi, dưới bóng thông xanh mát nhàn tản mà ngâm thơ nhưng tấc lòng vẫn “ưu thời mẫn thế”. Có đến Côn Sơn mới thấy phong cảnh mĩ lệ, mới cảm nhận thêm những cái hay trong thơ Nôm của Ức Trai. Cũng chính nơi đây diễn ra oan án Lệ chi viên khiến gia tộc Nguyễn Trãi rơi vào tru di tam tộc. Mãi đến năm 1464, Nguyễn Trãi mới được vua Lê Thánh Tông chiêu tuyết và truy tặng tước Tán trù bá, với câu “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Lòng Ức Trai sáng tựa sao khuê buổi sáng).
Học tập tại Đền Kiếp Bạc
Viếng thăm di tích chùa Côn Sơn
Chia tay Chí Linh, đoàn đến Văn miếu Mao Điền – một trong các Văn miếu lớn (sau Văn miếu Quốc Tử giám) với Trường thi hương trấn Hải Dương và trở thành nơi đào tạo ra hàng nghìn cử nhân, tiến sỹ Nho học, đứng hàng đầu cả nước; góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước. Đoàn đã đến học tập, tham quan cụm di tích quốc gia đặc biệt Chùa Giám, đền Bia (Cẩm Giàng) thờ đại danh y Tuệ Tĩnh. Đền được xây dựng để thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh và tấm Bia đá thời Lê, là di vật kỷ niệm của ông nên có tên là đền Bia: Tấm Bia đá hiện đang lưu giữ tại Hậu cung của đền Bia là do Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 -1699), Người cùng làng với Tuệ Tĩnh khi đi sứ sang Trung Quốc bàn việc hoạch định địa giới. Trên đường đi, ông đã tìm thấy mộ cụ Tuệ Tĩnh ở bên sông Trường Giang. Tấm Bia trên mộ in rõ dòng chữ: Đời sau có ai sang đây thì nhớ cho hài cốt tôi về với. Vì đang trên đường đi kinh lý, nên Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về, ông bèn lấy tờ giấy bản ốp vào tấm Bia in lại dòng chữ đó và gửi về nước để mọi người biết nguyện vọng của cụ Tuệ Tĩnh. Về Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho làm một tấm Bia đá và khắc lại dòng chữ đó lên Bia, sau đó cho chuyển về quê. Khi vận chuyển bằng đường thủy, đến chỗ bây giờ là đền Bia. Lúc đó cả vùng quê bị ngập nước, thuyền bị lật, tấm Bia rơi xuống không lấy lên được. Ít lâu sau nước cạn nhân dân tìm được Bia, thấy roi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc) nên đã dựng Miếu nhỏ để thờ Bia. Ngôi đền trên chính quê hương Tuệ Tĩnh như một niềm tri ân với công lao vị thiền sư, danh y lỗi lạc. Đến Hải Dương, đoàn đi tới Côn Sơn - Kiếp Bạc viếng Nguyễn Trãi, Đức Thánh Trần qua Nghĩa Phú viếng Tuệ Tĩnh, qua Văn miếu Mao Điền viếng các trạng nguyên… và tới thị trấn Cẩm Giàng thăm viếng một di tích văn chương nổi tiếng trong nền văn học nước nhà – cố trạch của Tự lực văn đoàn, ga Cẩm Giàng - bối cảnh nhà văn Thạch Lam viết truyện “Hai đứa trẻ”.
Tại Văn miếu Mao Điền
Vườn thuốc tài đền Bìa thờ danh y Tuệ Tĩnh
Đợt thực tế thứ ba của các lớp K25C2, K26B2 ĐHSP Ngữ Văn (liên kết) diễn ra vào những ngày cuối tháng 5/2024 tại Hà Nội. Mở đầu hành trình khám phá di sản ở Thủ đô, các sinh viên được chiêm bái ngôi chùa cổ: chùa Thầy, chùa Tây Phương. Hai ngôi chùa đẹp với nếp xưa cũ gợi lên một sự trường tồn với thời gian. Tại chùa Thầy, các sinh viên có cơ hội tìm hiểu thêm về danh sư Từ Đào Hạnh - vị trụ trì đầu tiên đã có công chữa bệnh, dạy học cho dân trong vùng. Ông cũng là nhân vật từng được xếp vào tín ngưỡng thờ Thánh Tổ thời Lý - Trần, tín ngưỡng Tứ bất tử của nước ta trước thời Lê. Dọc theo con đường dẫn lên núi chùa Thầy, đến hang Cắc Cớ huyền bí với độ sâu lôi cuốn. Nơi này liên quan đến nhiều truyền thuyết bí ẩn được truyền đồng từ thời xa xưa. Nhân dân trong vùng còn lưu truyền câu ca dao quen thuộc: “Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Tương truyền, hang Cắc Cớ là nơi thi sĩ Hồ Xuân Hương từng ghé tới vịnh thơ, cái tên “Cắc Cớ” cũng từ ấy mà trở nên thân thuộc với mỗi người dân xứ Thầy. Tạm biệt chùa Thầy, đoàn đến tham quan, học tập tại di tích chùa Tây Phương. Tại đây, đoàn sinh viên được chiêm bái cảnh chùa, được tận mắt chiêm ngưỡng bộ tượng tròn gồm 64 pho, mang phong cách hiện thực. Ẩn chứa trong mỗi pho tượng là thần thái nội tâm, đạo lực từ bi, vị thiền, giải thoát đều hiển hiện dưới từng nét chạm, sinh động từ nếp áo đến dáng điệu. Trong số này, pho tượng Tuyết Sơn, tượng La Hầu La Đa được xem là tượng đẹp nhất trong toàn bộ nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Tây Phương là nơi hội ngộ của các “phật sống” tọa thiền với tất cả nét độc đáo trong tâm tư và hình thái của mỗi vị. Chùa Tây Phương và các bảo vật quốc gia trong chùa trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật để nhà thơ Huy Cân sáng tác bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương”. Trong đợt thực tế này, các sinh viên thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Văn miếu - Quốc Tử giám - Trường Đại học đầu tiên của nước ta - khu di tích tâm linh, biểu tượng của trí tuệ, truyền thống hiếu học là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách, có những đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển về mọi mặt của thủ đô cũng như của cả nước. Đoàn tham quan, học tập tại Hoàng thành Thăng Long – Di chỉ khảo cổ là minh chứng sống động cho nền văn minh châu thổ sông Hồng trong suốt 13 thế kỷ: bắt đầu từ thời tiền Thăng Long vào khoảng thế kỷ VII, đi qua thời Đinh và tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, hậu Lê, đến triều Nguyễn và tồn tại mãi đến ngày nay.
Học tập tại chùa Tây Phương
Thăm chùa Thầy - nơi phụng thờ danh sư Từ Đào Hạnh
Sải chân bước vào thăm Hoàng thành Thăng Long
Chuyến thực tế không chỉ giúp các sinh viên kiểm tra lại những kiến thức đã học trên giảng đường, đối chiếu với thực tế: những địa danh, những di sản Hán Nôm, những tác gia văn học, hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm văn học... Đây còn là chuyến đi đầy ý nghĩa, được thấy nhiều điều mới mẻ và học được nhiều bài học đáng quý. Đồng thời, hành trình ấy với những phút giây cùng nhau học hỏi, chia sẻ để hiểu hơn về ẩm thực, văn hóa của mỗi vùng đất được đặt chân đến còn giúp các bạn tăng thêm tình đoàn kết, tình yêu đối với quê hương đất nước, con người Việt Nam và thổi lên ngọn lửa đam mê đối với văn chương. Đi để biết, đi để làm cháy lên ngọn lửa của tình yêu với nghề mà các bạn đã lựa chọn./.
Tin bài: BBT Website KHXH