24/12/2022
1. Trong sự vận động vừa mạnh mẽ, quyết liệt, vừa có phần dùng dằng, nhiều níu kéo theo hướng hiện đại của văn học Việt Nam đầu XX, văn xuôi luôn nổi lên với vai trò tiên phong, dẫn đường và có tính chất quyết định đến những bước đi lên của nền văn học. Sự xuất hiện của văn xuôi đã đem đến cho đời sống văn học luồng sinh khí mới. Khởi đầu từ một vốn liếng ít ỏi, văn xuôi quốc ngữ đã nhanh chóng định hình thành các thể loại như: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký... Các thể loại này đều rất phù hợp với việc biểu đạt những nội dung hiện thực mới. Tuy vậy, một đề tài không hoàn toàn mới - đề tài lịch sử dân tộc - vẫn được thể hiện bằng cách phù hợp nhất có thể, với hiện thực lịch sử, cũng như với đời sống văn hóa tinh thần của con người lúc bấy giờ. Tiểu thuyết lịch sử viết bằng chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX có một diện mạo khá phong phú, vừa góp phần hình thành thể loại/tiểu thể loại, vừa có giá trị bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, phát huy được sức mạnh của truyền thống lịch sử vào công cuộc chống ngoại xâm. Tất cả những điều này đều hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, văn học đầu thế kỷ XX.
2. Tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ Latinh về đề tài lịch sử dân tộc được bắt đầu với Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân của Trương Duy Toàn ở miền Nam và Hưng Đạo Vương của Phan Kế Bính ở miền Bắc. Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân do F.H.Schneider xuất bản ở Sài Gòn năm 1910, còn Hưng Đạo Vương được xuất bản ở Hà Nội năm 1914 bởi Đông Kinh ấn quán. Như vậy, so với cuốn lịch sử Việt Nam đầu tiên bằng chữ quốc ngữ - Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim)[1], tiểu thuyết lịch sử bằng chữ quốc ngữ xuất hiện sớm hơn. Đây là bước tiên phong rất đáng trân trọng bởi vì vào thời điểm đó, văn xuôi quốc ngữ mới “bắt đầu được nhen nhóm lên”. Cho nên, cũng dễ hiểu khi về hình thức, cả hai tác phẩm đều tuân thủ hết sức nghiêm ngặt hình thức kết cấu chương hồi, nhất là Hưng Đạo Vương. Tác phẩm gồm 18 hồi, mỗi hồi được mở đầu bằng hai câu thơ. Hai câu này không chỉ có ý nghĩa thâu tóm nội dung của hồi mà giữa chúng còn có quan hệ đối lập, nói về một sự kiện mà sự kiện đó bao giờ cũng có ảnh hưởng đến cả hai phía ta và địch. Các cụm từ “Nói về”, “Lại nói về” vẫn được dùng khi thay đổi đối tượng trần thuật. Kết thúc mỗi hồi, tác giả thường có lời bình bằng hai câu thơ. Sau những lời bình, câu kết của hồi thường có cấu trúc: “Chưa biết sự việc/người… thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải”. Khác với mục đích của tác giả Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân[2], tác phẩm của Phan Kế Bính ra đời xuất phát từ sự thức tỉnh sớm về những giới hạn của nền giáo dục và “văn hóa đọc” của người Việt Nam. Trong lời tựa cuốn sách do tuần phủ Thái Bình Phạm Văn Thụ viết có đoạn: “Nước ta lập quốc đã lâu, khai hóa cũng sớm, Nam-đế sơn-hà thư giời rạng vẻ, trải bao phen lừng lẫy cõi Á-đông, nước tuy già, nhưng hồn vẫn tỉnh tao, nhẽ đâu ngủ mê mãi, không ai khua thức dậy. Trách vì cớ giáo-dục của dân nước ta, trước kia nhầm lẫn, chữ nước mình chả tập, sử nước mình chả học, truyện nước mình chả xem, đâu là sử Tam-hoàng cho chí Tống, Nguyên, Minh, Thanh, nhớ như văn-sách, đâu là truyện Tam-quốc cho chí Thuyết-đường, Thủy-hử, diễn thành tấn tuồng, chỉ chăm những sự đâu đâu, mà gốc tích nhà mình, loài giống mình, họ đang mình, nào ai là ông khởi-tổ sáng lập ra nước, nào ai là bực anh-hùng cạnh tranh với Tầu, ai là kẻ có công-đức với quốc dân, ai là người đáng kỷ-niệm trong xã-hội, hỏi đến thì mơ hồ không biết, hoặc sao nhãng không nhớ, rõ thật là mồ cha chả khóc, khóc đống mối, mồ mẹ chả khóc, khóc bối bòng bong”[3]. Như vậy, việc hướng người đọc quan tâm đến lịch sử dân tộc thay vì chỉ đọc sử Tàu, thoát khỏi tư tưởng lệ thuộc văn hóa ngoại bang xuất hiện sớm sủa nhất là trong tiểu thuyết này của Phan Kế Bính. Tuy được viết theo kiểu kết cấu chương hồi đậm màu sắc cổ điển, nhưng văn phong của tác phẩm giản dị, trong sáng, thanh thoát và ít nhiều mang màu sắc của tiểu thuyết hiện đại.
Tiếp theo Hưng Đạo Vương, các sáng tác của Nguyễn Tử Siêu như Tiếng sấm đêm đông (1928), Đinh Tiên Hoàng (1929), Vua Bố Cái (1929), Lê Đại Hành (1929)… đã làm cho diện mạo tiểu thuyết lịch sử ở miền Bắc dần hiển lộ. Trúc Khê cũng bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình bằng một cuốn tiểu thuyết lịch sử là Hùng Vương diễn nghĩa (1929). Tản Đà tuy không chủ trương viết tiểu thuyết lịch sử nhưng cảm thức về lịch sử thể hiện rõ trong Giấc mộng con II (1932)[4]. Và trong quan niệm rộng mở về lịch sử như hiện nay, Quả dưa đỏ (1925) của Nguyễn Trọng Thuật cũng có thể xem là thuộc đề tài lịch sử. Ở miền Nam, từ khi Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân ra đời đến đầu những năm ba mươi, sáng tác về đề tài lịch sử đã thu hút một số lượng khá đông tác giả tham gia. Bên cạnh những sáng tác của Tân Dân Tử như Gia Long phục quốc (1917), Giọt máu chung tình (1926), Gia Long tẩu quốc (1930), Hoàng tử Cảnh như Tây (1931); Phạm Minh Kiên với Việt Nam anh kiệt (1926), Việt Nam Lý Trung Hưng (Việt Nam Lý Thường Kiệt) (1929), Lê-triều Lý-thị (1931), Tiền-Lê vận-mạt (1932); còn phải kể đến Phú Đức với Tiểu anh hùng Võ Kiết (1926), Hồng Tiêu với Máu chảy ruột mềm (Biển trầm luân) (1928), Nguyễn Chánh Sắt với Việt Nam Lê Thái Tổ (1929), Nguyễn Ý Bửu với Liều thân vì nước (1929-1930), Hồ Biểu Chánh với Nam cực tinh huy (1924), Nặng gánh cang thường (1930)... So với Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân và Hưng Đạo Vương, dấu ấn ảnh hưởng tiểu thuyết chương hồi chữ Hán trong các tác phẩm ra đời sau đã mờ nhạt hơn[5].
2.1. Các nhân vật và sự kiện lịch sử trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt của các nhà tiểu thuyết
Trên tinh thần dân tộc, tiểu thuyết về đề tài lịch sử đầu thế kỷ XX về cơ bản lựa chọn cấu trúc tự sự vĩ mô. Các vĩ nhân và những sự kiện lịch sử thuộc hàng quốc gia đại sự là mối quan tâm hàng đầu. Hàng loạt tên tuổi lớn của lịch sử - những người trực tiếp tham gia vào các biến cố trọng đại của dân tộc suốt mấy nghìn năm, đã được tái dựng. Đó là các vua Hùng trong Hùng Vương diễn nghĩa; Phùng Hưng trong Vua Bố Cái; Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ trong Tiếng sấm đêm đông; Đinh Bộ Lĩnh trong Đinh Tiên Hoàng; Lê Hoàn trong Lê Đại Hành; Lý Thường Kiệt trong Việt Nam Lý Trung Hưng; Trần Hưng Đạo trong Hưng Đạo Vương; Lê Lợi trong Việt Nam Lê Thái Tổ; Nguyễn Trãi trong Máu chảy ruột mềm, Liều thân vì nước; Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh trong bộ tiểu thuyết lịch sử gồm nhiều quyển của Tân Dân Tử (Gia Long tẩu quốc, Hoàng Tử Cảnh như Tây, Gia Long phục quốc)... Có thể nói, hầu hết vĩ nhân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo của các nhà tiểu thuyết đầu thế kỷ XX. Không hẹn mà nên, mỗi tác phẩm hướng tới người anh hùng của một thời đại, tiểu thuyết quốc ngữ về đề tài lịch sử giai đoạn này đã xâu chuỗi cả chiều dài lịch sử mấy nghìn năm đất nước, tạo nên thế đứng vững vàng của dân tộc trong tâm thức của người đọc tiểu thuyết đương thời.
Gắn liền với vĩ nhân là các biến cố lịch sử trọng đại, nhiều nhất là các cuộc xâm lược của giặc ngoại bang và hành động chống trả vừa đau thương vừa quyết liệt của nhân dân ta. Rất nhiều máu xương đã đổ xuống. Nhưng thời cuộc càng bi thương thì chiến công của người anh hùng càng hiển hách. Điều đáng nói ở đây là, các nhà tiểu thuyết không chỉ tái hiện lại các sự kiện lịch sử như một câu chuyện của quá khứ, mà hiểu thấu và lý giải được “căn nguyên biến thiên của thời đại”, trong đó có vai trò không thể thiếu của các yếu nhân lịch sử. Bởi vậy, dù miêu tả một giai đoạn hay một thời đại thì nhân vật lịch sử vẫn là đối tượng được người viết hết sức quan tâm. Chẳng hạn, Việt Nam Lê Thái Tổ mô tả cả một giai đoạn lịch sử từ lúc nhà Trần suy vi, Hồ Quý Ly lộng quyền khiến cho nhà Minh có cớ sang xâm lược nước ta, đến các cuộc khởi nghĩa của nhiều bậc anh hùng hào kiệt trên khắp cả nước, và cuối cùng là cuộc kháng chiến mười năm dẫn đến thắng lợi vẻ vang của Lê Lợi, đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, dựng nên triều đại mới – nhà Hậu Lê. Với cốt truyện liên hoàn, bộ tiểu thuyết lịch sử của Tân Dân Tử gồm Gia Long tẩu quốc, Hoàng Tử Cảnh như Tây, Gia Long phục quốc đã tái hiện cả một giai đoạn lịch sử dài từ khi Nguyễn Ánh 18 tuổi, đất nước có biến loạn, ông phải lưu lạc, phong trần khắp dải đất phương Nam cho đến khi thống nhất Bắc Nam lập nên nhà Nguyễn. Hình tượng nổi bật, xuyên suốt cả ba tác phẩm là Nguyễn Ánh vừa xuất chúng, vừa đời thường trong các mối quan hệ phức tạp, nhiều vẻ với tướng sĩ dưới quyền, với gia quyến, và nhất là ý chí khôi phục lại cơ đồ nhà chúa Nguyễn. Tác giả gọi Nguyễn Ánh (Gia Long) là một bậc “đại anh-hùng” của Việt Nam.
Điểm mới trong quan niệm về lịch sử của các nhà văn đầu thế kỷ XX là: gắn liền với ý thức tự tôn dân tộc, cảm hứng về người nữ anh hùng đã xuất hiện. Trong “Lời tựa” Giọt máu chung tình, Tân Dân Tử viết:
“Thử hỏi Trương-Lương, Hàng-Tín, Hạng-Võ, Tiêu-Hà, thì sự tích lảo thông; còn hỏi lại ai là anh hùng hào-kiệt trong nước ta thì ngẩn ngơ chẳng biết.
Như vậy thì trong xứ ta chỉ biết khen ngợi sùng bái người anh-hùng liệc-nử (liệt nữ) của xứ khác, mà chôn lấp cái danh giá của người anh-hùng liệc-nử trong xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại bang, mà vùi lấp cho lu mờ cái tinh thần của người bổn-quốc”[6].
Từ tinh thần ấy, Tân Dân Tử đã hoàn toàn thoát khỏi quan niệm phong kiến về người phụ nữ, xây dựng nhân vật Bạch Thu Hà thành một tấm gương liệt nữ đáng ngưỡng mộ. Cùng chung cảm hứng ngợi ca người phụ nữ tiết liệt còn có Máu chảy ruột mềm của Hồng Tiêu. Trong tác phẩm, người thiếu phụ tên Nguyễn Bằng Tháo chỉ trong một thời gian ngắn đã phải đối diện với quá nhiều mất mát: chồng là Đỗ Quốc Kiệt bị giặc giết, cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt đưa về Yên Kinh, em trai là Nguyễn Trãi bị giặc bắt giam. Nhưng vượt lên nghịch cảnh, người thiếu phụ xuất thân dòng dõi, trong thời loạn lạc đã ý thức rất rõ bổn phận của mình: “Thầy cứ nói thiệt đi, nếu lợi cho nước, phước cho nhà thì tôi tiếc gì cái thân tàn này nữa”[7]. Nàng một mình nuôi dạy con nhỏ, nhờ sự giúp đỡ của anh em bằng hữu, nàng dùng kế mỹ nhân, vào tận tư thất của quan tổng trấn thành Thăng Long là Thốc Thành Long cứu được Nguyễn Trãi, giết được tên tổng trấn khét tiếng gian ác. Xong chừng ấy, nàng định quyên sinh để thủ tiết với chồng. Ngoài ra, các nhân vật như Trần Lệ Nương (Việt Nam Lê Thái Tổ), Hồ Ngọc Sương (Việt Nam anh kiệt), Lý Vân Kiều (Việt Nam Lý trung hưng)… đều là những tấm gương phụ nữ kiên trinh, tiết liệt được xây dựng xuất phát từ cảm hứng tôn trọng người phụ nữ.
Nhìn chung, viết về lịch sử, các nhà tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX đều gặp gỡ ở cảm hứng chủ đạo là ngợi ca công đức của người anh hùng, tự hào về truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc, về ý chí tự lực tự cường, không chịu khuất phục kẻ thù, khuất phục nghịch cảnh của dân tộc ta - một dân tộc gan góc, dũng cảm, giàu truyền thống văn hiến, giàu lòng yêu thương và vị tha. Trong bối cảnh đất nước mất chủ quyền về tay thực dân Pháp và có nguy cơ bị nô dịch về văn hóa, đó chính là một luồng sinh khí mới góp phần chấn hưng tinh thần quốc dân, tạo nên sức trỗi dậy mãnh liệt mà đối với văn học, những thành tựu to lớn được thể hiện tập trung trong giai đoạn 1930-1945, còn đối với lịch sử, đó là thành công vĩ đại của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ tháng Tám năm 1945.
2.2. Sự thật lịch sử là điểm tựa cho trí tưởng tượng của nhà văn
Ai cũng biết, viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn được/bị đòi hỏi phải là người hòa giải hợp lý giữa yêu cầu về tính xác thực của lịch sử với khả năng hư cấu không giới hạn của người viết tiểu thuyết. Đòi hỏi này khó khăn mà lại cũng dễ dàng đối với các nhà tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX khi mà với họ công việc viết tiểu thuyết gần như rất ít có trong tiền lệ, khi mà chính họ đang dò dẫm những bước đầu tiên; bù lại, họ không bị đòi hỏi phải viết ra những thứ khác lạ, tránh lặp lại người đi trước. Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử là điều đương nhiên phải có bởi vì những ghi chép trong sách sử đều hết sức ngắn gọn: “Bỉ nhân nay thấy sự tích của hai ông, trong sử chép rất là giản lược, e quốc dân ta thấy giản lược mà nhãng quên”[8]. Nhưng hư cấu ở đây chỉ đồng nghĩa với việc làm cho các nhân vật và sự kiện lịch sử trở nên sống động, khiến cho độc giả nhớ rằng họ đã từng sống, sự kiện ấy từng xảy ra: “Vậy không hiềm thô lậu soạn thành cuốn tiểu thuyết mà hằng nhớ đến hai vị cứu quốc anh hùng ấy chăng? Nếu quả được như thế thời đối với sử học, đối với sự quan cảm, cuốn tiểu thuyết này tưởng cũng không đến nỗi toàn là vô ích vậy”[9]. Hư cấu còn có nghĩa là nhà văn không cần theo sát lịch sử, các sự kiện, con người có thể thay đổi, thêm bớt ít nhiều, như trường hợp Hùng Vương diễn nghĩa, Giọt máu chung tình[10]... chẳng hạn, nhưng không phải xuyên tạc lịch sử mà chỉ nhằm làm rõ chủ đích của nhà văn, nhất là chủ đích ca ngợi những bậc anh hùng, liệt nữ.
Trong một trang quảng cáo cho tiểu thuyết nằm ở bìa 3 cuốn Lê-triều Lý-thị do Tín Đức thư xã xuất bản có các đoạn:
“NGƯỜI VIỆT - NAM NÊN ĐỌC:
19) LÝ THƯỜNG KIỆT (dã sử), một vị anh hùng khét tiếng nước Nam, đã từng đánh Tống phá Chiêm, lập nên chiến công hiển-hách, làm rạng danh con lạc cháu Hồng.
Chữ in rõ ràng, bìa in nhiều màu
Dày trên 200 trang……….…35$
20) VIỆT-NAM ANH-KIỆT (dã sử) thuật chuyện lúc nước Nam ta bị nhà Minh sai Trương-Phụ qua đánh chiếm. Một tốp người Việt nặng lòng non nước, phải trốn tránh nanh vuốt của kẻ chiếm đóng, thường bị nạn nọ tai kia. Sau gặp được Lê-Lợi khởi nghĩa tại Lam-Sơn, các anh hùng mới đến đầu quân, đánh đuổi quân Minh, lập thành nước Việt-Nam độc-lập.
Giá…………………………..25$”.[11]
Rõ ràng, nhà tiểu thuyết đề cao tính chân thực của lịch sử và coi những tác phẩm mình viết ra là “dã sử” (không phải tiểu thuyết). Việc tôn trọng tinh thần của sách sử và các sử gia là tinh thần chung lúc bấy giờ. Trong tinh thần đó, các nhà văn chú trọng cấp cho nhân vật lịch sử một hình hài thật rõ ràng, những lời nói, cử chỉ thật cụ thể, sinh động. Tinh thần đó cũng phù hợp với tư duy hiện đại trong văn học và trong tiểu thuyết đang dần dần hình thành. Bút pháp tả thực được phát huy cao độ để miêu tả nhân vật. Theo đó, các biểu hiện của hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, lời nói, các khía cạnh của con người cá nhân như đời sống nội tâm, các mối quan hệ tình cảm riêng… đều được nhà tiểu thuyết lịch sử quan tâm. Những động thái này đã xóa bớt “khoảng cách sử thi” giữa người đương thời với các nhân vật lịch sử, khiến cho lịch sử không khô khan, sách vở, lạ lẫm mà gần gũi, sống động. Nỗ lực tiểu thuyết hóa nhân vật lịch sử còn thể hiện trong việc nhà văn đi sâu khám phá đời sống nội tâm bằng các thủ pháp xây dựng độc thoại và đổi mới điểm nhìn trần thuật. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Tử Siêu, ngôn ngữ độc thoại thường xuất hiện trong miêu tả nhân vật. Tuy hình thức độc thoại còn sơ giản nhưng cố gắng của nhà văn đã đưa tới cho nhân vật lịch sử những biểu hiện rất con người, tô đậm chất tiểu thuyết trong các nhân vật lịch sử. Một số nhà văn trong khi trần thuật đã hạn chế tối đa sự xuất hiện của người kể toàn tri, để cho nhân vật lịch sử tự kể câu chuyện của mình, tự bày tỏ tâm trạng của mình. Các trạng thái cảm xúc của nhân vật do đó được bộc lộ trực tiếp, vừa mới lạ, vừa hấp dẫn. Máu chảy ruột mềm là một ví dụ.
Mặt khác, ý thức tự tôn dân tộc trước sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa ngoại bang khiến các nhà tiểu thuyết đặt ra mục tiêu xây dựng các nhân vật lịch sử thành những hào kiệt “không thua kém bất cứ bậc anh hùng của nước nào trên thế giới”. Cảm hứng ngợi ca, dĩ nhiên luôn gắn liền với bút pháp ước lệ, nhất là trong việc miêu tả hình dạng, bản lĩnh, khí phách con người: “Ngô Quyền mình cao chín thước, mặt to tai nhớn, mũi cao mồm rộng, hai mày to đen, hai mắt tròn và sáng quắc, oai phong lẫm liệt, như một vị thiên thần hạ giáng”[12]; Lý Thường Kiệt (Việt Nam Lý Trung Hưng) là người học rộng tài cao, hình dong lẫm liệt, giọng nói như chuông, tướng đi như cọp... Với tài võ nghệ siêu phàm, bản lĩnh tựa Thái Sơn, Lý Thường Kiệt đã lập nên nhiều chiến công hiển hách đem lại sự hưng thịnh cho nhà Lý; Lê Lợi (Việt Nam Lê Thái Tổ) nhờ chí lớn và tính tình khảng khái, hào hiệp đã quy tụ được hào kiệt bốn phương, khởi binh ở đất Lam Sơn, đánh tan quân xâm lược nhà Minh, cứu nhân dân thoát khỏi ách đô hộ tàn bạo của quân Tàu… Cũng để hết lời ngợi ca các vĩ nhân lịch sử, nhiều nhà tiểu thuyết còn sử dụng yếu tố kỳ ảo, hoang đường. Việc làm này có vẻ đi ngược với chủ trương về bút pháp tả thực đang hấp dẫn số đông người viết, người đọc, nhưng những chi tiết/tình tiết được tạo ra bằng sức tượng tượng không có căn cứ này lại là một điểm khá hấp dẫn, và ở một mức độ nào đó, là gần với tư duy hiện đại về thể loại[13]. Với cách tạo hình nhân vật như vậy, các nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết giai đoạn này đều xuất hiện như những vĩ nhân không tì vết. Nếu trong các tiểu thuyết cuối thế kỷ XX đầu XXI, không ít danh tướng lẫy lừng trong lịch sử có lúc cũng trở nên thật tội nghiệp dưới cái nhìn của các tiểu thuyết gia, thì ở đây, không một khiếm khuyết cá nhân nào được kể ra, không có một thói tật nào bị phơi lộ. Bởi thế, giọng hoài nghi hay giễu nhại cũng không bắt gặp ở đây, tất cả nhường chỗ cho một loại ngữ điệu duy nhất: khẳng định, ngợi ca, tôn thờ, ngưỡng vọng.
Nhìn chung, ra đời trong giai đoạn cả tư duy lịch sử lẫn tư duy tiểu thuyết còn ở dạng “bán khai”, nhà tiểu thuyết chưa có tư duy phản tư/phản biện/giải thiêng lịch sử. Lịch sử vẫn thuộc về cộng đồng, dân tộc, vẫn nằm sâu trong ký ức cộng đồng. Trong ký ức tập thể, lịch sử dân tộc là lịch sử dựng nước và giữ nước mà những nhân vật làm nên lịch sử mấy nghìn năm đau thương mà kiêu hãnh ấy đều là những anh hùng, những đấng bậc đáng được tôn thờ mãi mãi. Niềm xác tín ấy càng trở nên có cơ sở khi đất nước đang trong cảnh lầm than, lịch sử đang cần được huy động như một sự nêu gương, một sự khích lệ, một niềm cứu rỗi... Về cơ bản, người viết văn trung thành với chính sử. Không một nhà văn nào đặt vấn đề xem xét lại các nhân vật lịch sử như Phan Đình Phùng, Lê Đại Hành, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi… hay nghi ngờ một sự kiện đã được chính sử ghi chép. Cũng như thế, rất nhiều tác phẩm nhắc đến Hồ Quý Ly (Việt Nam anh kiệt, Máu chảy ruột mềm, Việt Nam Lê Thái Tổ…), nhưng không nhà văn nào có cách nhìn nhận như Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly[14]. Cuốn Việt Nam Lý Trung Hưng (Việt Nam Lý Thường Kiệt) dày tới 405 trang nhưng Phạm Minh Kiên chưa có những tưởng tượng về Lý Thường Kiệt táo bạo như Bùi Anh Tấn trong Bí mật hậu cung[15] sau này. Với các nhà tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX, lịch sử là thứ đã được mặc định. Các diễn ngôn/tự sự lịch sử[16] ra đời trước đó được coi là điểm tựa duy nhất[17]. Hơn nữa, vào lúc đó, các sách lịch sử bằng chữ quốc ngữ được đưa vào chương trình giáo dục Pháp - Việt như là giáo khoa thư và Sử học được coi là ngành khoa học phản ánh thực tế khách quan. Ở địa hạt sáng tác văn học, tiểu thuyết đầu thế kỷ XX gắn với hình thức đại tự sự. Và khi các đại tự sự còn chưa bị hoài nghi thì người đọc cũng không có lý gì để đòi hỏi nhà tiểu thuyết phải thể hiện thái độ hoài nghi các diễn ngôn/tự sự lịch sử.
2.3. Dùng tính chất “ám chỉ thời cuộc”, huy động sức mạnh lịch sử cho hiện tại
Kể lại những câu chuyện lịch sử vào thời điểm đất nước đang mất chủ quyền, truyền thống văn hóa - lịch sử của dân tộc đang có nguy cơ bị lãng quên trước văn hóa ngoại lai, các nhà tiểu thuyết không chỉ nhằm tôn vinh lịch sử nước nhà mà còn muốn khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, thức tỉnh người đọc nỗi nhục mất nước, thân phận nô lệ. Bởi vậy, tính chất “ám chỉ thời cuộc” lộ rõ trong nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử ra đời giai đoạn này, nhất là sáng tác của Nguyễn Tử Siêu. Trừ Đinh Tiên Hoàng viết về chiến công dẹp loạn trong nước của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh, các sáng tác còn lại của Nguyễn Tử Siêu tập trung chủ yếu vào đề tài chống xâm lược. Trong các tác phẩm Tiếng sấm đêm đông, Vua Bố Cái, Lê Đại Hành, ông xoáy sâu vào những tội ác vô cùng dã man của quân xâm lược Trung Quốc các thời Hán, Đường, Tống. Tiếp tay cho chúng là những kẻ bán nước như Kiều Công Tiễn (Tiếng sấm đêm đông) chẳng hạn, tham lam, độc ác với đồng bào ta nhưng vô cùng hèn nhát, nhu nhược trước kẻ thù. Những câu chuyện lịch sử ấy trở thành cái cớ, thành điểm xuất phát cho những liên tưởng về hiện tại - khi đất nước đang lầm than dưới ách cai trị của thực dân Pháp và tay sai. Không chỉ vạch trần âm mưu và tội ác của kẻ thù, Nguyễn Tử Siêu còn dùng những lời thống thiết để bày tỏ niềm đau xót trước nỗi thống khổ của dân ta. Ông cũng không tiếc lời ngợi ca những bậc đại nhân, đại trí, đại dũng đã xả thân vì nước và nhắn nhủ: “Ấy gương cứu quốc diệt thù/Quốc dân ta chớ để cho lu mờ...”. Nhìn chung, Nguyễn Tử Siêu tận dụng mọi cơ hội để liên hệ, so sánh lịch sử với hiện tại, để truyền tải tới người đọc thông điệp rằng đó không phải là câu chuyện của quá khứ mà vẫn đang hiện hữu. Điều này cũng phù hợp với tư duy hiện đại về tiểu thuyết. Trong quan niệm của M. Bakhtin[18], nếu sử thi kể một câu chuyện đã xong xuôi, thì tiểu thuyết kể câu chuyện còn dang dở. Tính chất bất toàn, dang dở, bỏ ngỏ của tiểu thuyết hiện đại đã được thể hiện trong tư duy của Nguyễn Tử Siêu, dù có thể ông chưa từng tiếp cận M. Bakhtin, nhưng điều chắc chắn là ông đã biết đến Lương Khải Siêu - nhà cải cách vĩ đại ở Trung Quốc đầu thế kỷ XX[19]. Có lẽ vì thế, khác với một số nhà văn cùng thời, Nguyễn Tử Siêu không gọi tác phẩm của mình là “dã sử”, ông gọi là “tiểu thuyết”.
Cũng như sáng tác của Nguyễn Tử Siêu, trong các tiểu thuyết của Trúc Khê, Tân Dân Tử, Phạm Minh Kiên, Nguyễn Chánh Sắt, Hồng Tiêu…, những nhân vật và câu chuyện lịch sử dù xa hay gần đều khiến người đọc liên tưởng tới bối cảnh hiện tại hoặc hàm ý, nhắc nhở câu chuyện của hiện tại. Trúc Khê trong Hùng Vương diễn nghĩa chọn bối cảnh đời Hùng Vương để nhắc nhở con cháu đừng quên công lao dựng nước của cha ông. Nhà văn giàu nhiệt huyết cách mạng còn gửi gắm vào đó những đề xuất về đường lối đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ thành quả cha ông để lại. Trong Máu chảy ruột mềm, hình tượng Nguyễn Trãi từ mối thù nhà chuyển thành nợ nước đã được Hồng Tiêu thể hiện đầy xúc động, nhất là qua ngôn ngữ nhân vật. Nhiều câu văn vần, nhiều lời độc thoại thể hiện nỗi thương nước, thương nhà chứa chan và mối căm thù giặc sâu sắc. Nhà văn cũng không quên lồng vào đó mối liên hệ với hiện tại: “Chúng ta trọng nhau vì tài, yêu nhau vì nghĩa, giao kết nhau vì mưu đường hạnh phúc của quấc (quốc) dân, xin thầy đừng khiêm nhượng. Vả lại ở trong một cái xả-hội (xã hội) nô lệ như xả-hội Việt-Nam nầy, thì còn có người nào đáng gọi là tôn, là quí”[20].
Về đặc điểm này, bên cạnh các sáng tác bằng chữ quốc ngữ còn có thể nhận thấy rõ ở Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu[21]. Trên cái nền lịch sử là cuộc kháng chiến chống quân Minh cuối đời Trần, câu chuyện ở trại Trùng Quang khiến không ít người liên tưởng tới hình bóng của Duy Tân hội mà Phan Bội Châu và các đồng chí của ông là nhân vật chính[22]. Điều này có lẽ đã nằm trong chủ đích của nhà văn. Bởi vì, với một người làm văn chương cốt chỉ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng như Phan Bội Châu, đây chính là dịp để ông giáo dục lòng yêu nước, nhất là cho tầng lớp thanh niên. Nhấn mạnh vào vai trò của quần chúng và những người anh hùng vô danh, Phan Bội Châu muốn cổ vũ tinh thần yêu nước của mọi người, mọi tầng lớp với một tư tưởng đại đoàn kết rất vĩ đại. Với chủ đích này, tuy viết bằng chữ Hán và chịu ảnh hưởng mô hình kết cấu chương hồi, tác phẩm của Phan Bội Châu vẫn thấm đẫm tinh thần của tiểu thuyết hiện đại, rõ nhất là sức tưởng tượng phong phú được huy động vào việc hư cấu thêm nhiều nhân vật phụ làm cho câu chuyện lịch sử trở nên sống động như vừa mới xảy ra.
Ở một mức độ nhất định, có thể nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Tử Siêu: cả hai đều có một giọng điệu chung là giọng thống thiết, thể hiện cảm xúc mãnh liệt, trào dâng; cả hai đều dùng lịch sử để “ám chỉ thời cuộc”, để kêu gọi, cổ vũ, động viên mọi người hành động cứu quốc. Vì đặc điểm này, đương thời cả Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu cũng như các sáng tác của Nguyễn Tử Siêu (Tiếng sấm đêm đông, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế...) đều bị nhà cầm quyền cấm lưu hành. Chính vì thế, một số nhà nghiên cứu đã cho rằng tiểu thuyết lịch sử giai đoạn này chính là một hình thái của văn học yêu nước: “Chúng ta có thể coi tiểu thuyết lịch sử ở thời gian này là một hình thái của văn chương yêu nước”[23], “Trong thời kỳ 1900-1930, tiểu thuyết lịch sử là một hình thái mới của văn học yêu nước và cách mạng”[24].
Có lẽ vì nhận thấy vai trò của tiểu thuyết lịch sử là quan trọng, năm 1929, Nam-ký Thư-quán đã đăng thông báo tổ chức cuộc thi “Lịch-sử tiểu thuyết” với mục đích “sưu tập Lịch-sử các bậc anh hùng Hào-kiệt nước nhà”. Thể lệ cuộc thi đã được công bố trên Nhị mai tiểu thuyết với giải thưởng lớn nhất lên tới 40$ và “một bức hoành-phi sơn son thếp vàng”. Tiếc rằng, cho đến nay chúng tôi chưa thu thập được cứ liệu về kết quả của cuộc thi. Nhưng việc làm này đã cho thấy ý thức của các nhà văn, các nhà hoạt động văn hóa về truyền thống lịch sử dân tộc. Và nếu nó đã diễn ra, thì đây có lẽ là cuộc thi viết tiểu thuyết lịch sử đầu tiên trong lịch sử tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.
3. Những luận điểm nêu trên vừa là đặc điểm, vừa là thành tựu của tiểu thuyết về đề tài lịch sử đầu thế kỷ XX. Những thành tựu có thể hình dung là:
Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, lịch sử hào hùng của dân tộc suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã đồng loạt được tái dựng bằng chữ quốc ngữ, dưới hình thức văn xuôi hư cấu. Đây được xem là hành động tích cực phản ứng lại phong trào dịch truyện Trung Quốc ồ ạt và thực trạng người Việt đọc - hiểu về lịch sử Trung Quốc còn hơn cả hiểu biết về lịch sử dân tộc. Với hình thức thể hiện này, các tri thức về lịch sử được tiếp nhận dễ dàng hơn, bởi một lượng người đọc lớn hơn nhiều so với độc giả của các hình thức văn học viết về lịch sử trước đó như thần phả, thần tích, truyện thiền sư, thơ chữ Hán, chữ Nôm, liệt truyện, tiểu thuyết chương hồi... hay các cuốn giáo khoa về lịch sử.
Thứ hai, từ điểm tựa là những tri thức về lịch sử trong các sử liệu, qua trí tưởng tượng phong phú của nhà tiểu thuyết, các nhân vật và sự kiện lịch sử thuộc về hàng mấy trăm năm trước đã được tái sinh. Lịch sử chống xâm lược hào hùng của dân tộc hiện ra qua các trang tiểu thuyết đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Trong bối cảnh yêu cầu “chấn dân khí” đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trước những sức mạnh áp đảo của phương Tây, điều đó càng trở nên hết sức có ý nghĩa.
Thứ ba, lịch sử là cái đã qua. Độ lùi thời gian cho phép người đời sau có thể nhận ra những vấn đề thuộc về quy luật của lịch sử. Do vậy, lịch sử không phải chỉ là câu chuyện quá khứ, nó có mối liên hệ mật thiết với hiện tại và rất cần thiết cho hiện tại. Dùng lịch sử để lý giải hiện tại, soi đường cho những bước đi lên của hiện tại là ý nghĩa sống còn của các sáng tác văn học về đề tài lịch sử. Vấn đề mấu chốt này đã được các nhà tiểu thuyết đầu thế kỷ XX hết sức lưu tâm và người thành công nhất có lẽ là Nguyễn Tử Siêu. Chính vì lẽ đó, Nguyễn Tử Siêu luôn được nhắc đến như một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của tiểu thuyết về đề tài lịch sử dân tộc trong mấy thập niên đầu thế kỷ XX.
Có thể thấy, chưa có giai đoạn nào trong lịch sử văn học Việt Nam tính đến thời điểm đó, đề tài lịch sử dân tộc lại được quan tâm và trở thành nguồn cảm hứng lớn cho nhiều người viết như mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Từ khi xuất hiện Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết Việt Nam bước sang một chặng đường mới. Tiểu thuyết lịch sử cũng theo đó mà khởi sắc hơn với những tên tuổi mới như: Phan Trần Chúc, Chu Thiên, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Huy Tưởng… Dù trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan không điểm tên[25] các nhà văn này và trong bảng phân loại tiểu thuyết dựa trên thực tiễn sáng tác là giai đoạn 1930-1945 của ông không có loại tiểu thuyết lịch sử[26], thì theo chúng tôi, điều đó cũng không ảnh hưởng đến vị thế và đóng góp của tiểu thuyết lịch sử trong văn học đầu thế kỷ XX. Bởi vì về mặt lý luận, Vũ Ngọc Phan đôi lúc còn chưa rạch ròi trong phân biệt truyện ngắn và tiểu thuyết. Bên cạnh các nhà văn kể trên, Vũ Trọng Phụng cũng không được ông chọn đưa vào công trình dù bộ sách được xuất bản từ 1942 đến 1945. Điều đó chứng tỏ tuy sức đọc đáng nể và tư duy nghiên cứu - phê bình rất khoa học, công trình của Vũ Ngọc Phan không tránh khỏi có những điểm giới hạn. Chúng tôi cũng không vì cách phân loại của Vũ Ngọc Phan mà cho rằng giai đoạn 1930-1945 cũng như mấy chục năm đầu thế kỷ XX nền văn học không có tiểu thuyết lịch sử. Ngược lại, các tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc xuất hiện đầu thế kỷ XX có thể được tập hợp thành một dòng bề thế và góp phần đặt nền móng cho tiểu thuyết lịch sử hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Hoài Anh (2001), Chân dung văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Kim Anh (chủ biên) (2004), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh.
[3]. Lê Tú Anh (2012), Tiểu thuyết Việt Nam 1900-1930, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[4]. Lê Tú Anh (2012), Tính khả dụng của nho giáo trong đời sống đương đại (Qua diễn ngôn Hồ Quy Ly), In trong Lịch sử và văn hóa cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh, Nxb Phụ nữ - Viện Văn học, Hà Nội, tr.296-310.
[5]. Lê Tú Anh (2018), Văn xuôi Việt Nam hiện đại: khảo cứu và suy ngẫm, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
[6]. Nguyễn Đình Chú (biên soạn) (1998), Nguyễn Tử Siêu - Tác phẩm chọn lọc, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[7]. Phan Cự Đệ (2003), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (Tái bản lần thứ tư), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[8]. Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, Nxb Trẻ.
[9]. Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Lê Thước (1957), Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, Tập 3, Nxb Xây dựng, Hà Nội.
[10]. Nhiều tác giả (2016), Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, 2 tập, Nxb Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
------------------------------------------------------------
Chú thích:
[1] Việt Nam sử lược, trước tác của Trần Trọng Kim, được biên soạn năm 1919, xuất bản lần đầu năm 1920 và được dùng làm sách giáo khoa trong thời Pháp thuộc. Từ đó đến nay, tác phẩm được tái bản nhiều lần.
[2] Tác phẩm của Trương Duy Toản kể câu chuyện lịch sử thời Tây Sơn, nhưng động cơ cầm bút của nhà văn chủ yếu nhằm định hướng cho người đọc, người viết về tư duy logic, khoa học, tránh tư tưởng dị đoan, nhanh chóng hướng tới cái văn minh của nhân loại: “Vậy theo trí mọn của tôi, thì nay phải bỏ những là Lê Huê pháp thuật, Kim Đính thần thông, Khương Thượng phong trần, Thế Hùng trừ quỷ, Chung Ly lập trận, Bồ Tát cứu binh, Đại Thánh loạn thiên cung, Anh Đăng về tiên cảnh… mà sắp bày những truyện chí mới miễn là lánh khỏi cái não dị đoan, mà báo ứng phân minh là đủ rồi” (Lời tựa). Trước đây, chúng tôi từng không coi tác phẩm này là tiểu thuyết lịch sử vì nhận thấy những vấn đề cơ bản của tiểu thuyết lịch sử ít được quan tâm, tất nhiên chữ “tiểu thuyết” ở đây về cơ bản là hiểu theo cách của người đường thời. Ngày nay, trong quan niệm rộng mở hơn về lịch sử, tác phẩm có thể được nhìn lại về bản chất thể loại và vị trí văn học sử.
[3] Phan Kế Bính, Hưng-Đạo vương, Đông-Kinh ấn-quán, Hà Nội, 1914, tr. III-IV.
[4] Ngoài ra, Tản Đà còn có một số bài thơ ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc.
[5] Xin xem Lê Tú Anh, “Truyền thống và cách tân trong các dạng thức kết cấu tiểu thuyết quốc ngữ giai đoạn giao thời”, In trong Văn xuôi Việt Nam hiện đại: khảo cứu và suy ngẫm, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2018, tr.142-163.
[6] Tân Dân Tử, “Lời tựa” Giọt máu chung tình, Đức Lưu Phương thư quán xuất bản, 1928, tr. 6.
[7] Hồng Tiêu, Máu chảy ruột mềm, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1928, tr.50.
[8] Nguyễn Tử Siêu, Tiếng sấm đêm đông, in trong Nguyễn Tử Siêu - Tác phẩm chọn lọc, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998, tr.203.
[9] Nguyễn Tử Siêu - Tác phẩm chọn lọc, sđd, tr.203
[10] Riêng tác phẩm Giọt máu chung tình, chương I với hai câu mở đầu: “Thành Bình-Định thuật sơ sự tích/ Vỏ-Đông-Sơ lước dặm quang-hà” (Võ Đông Sơ lướt dặm quan hà), Tân Dân Tử thể hiện một quan niệm có phần nhầm lẫn giữa ngụy triều và chính thống khi cho rằng nhà Nguyễn là chính thống, Tây Sơn là ngụy triều. Nhưng theo Bằng Giang, đó là sự nhầm lẫn kéo dài suốt từ 1867 đến gần hết nửa đầu thế kỷ XX của số đông do điều kiện tư liệu sử sách còn thiếu chứ không riêng gì Tân Dân Tử. Hơn nữa, với Giọt máu chung tình, “tác giả đã khơi đúng cái mạch truyền thống của chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân ta”. Vậy nên, ông kết luận: “Ở thời điểm 1926, lệch lạc về quan điểm chính thống và ngụy triều không phải là một thứ ung nhọt tư tưởng nguy hiểm gây cản ngại cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Có quan niệm đúng mà không yêu nước thì cái đúng đắn đó cũng chẳng dùng được vào việc gì. (…) trong hoàn cảnh mất nước, hơn bất cứ lúc nào khác, yêu nước phải được kể là một đức tính hàng đầu”, “động cơ và mục đích của tác giả khi sáng tác Giọt máu chung tình là đáng trân trọng”. Xin xem Bằng Giang, Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, Nxb Trẻ, 1992, tr.218-232.
[11] Phạm Minh Kiên, Lê-Triều Lý-Thị, sđd, trang bìa 3.
[12] Tiếng sấm đêm đông, in trong Nguyễn Tử Siêu - Tác phẩm chọn lọc, sđd, tr.208.
[13] Lí giải về các tiền đề xuất hiện tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh đến yếu tố “kỳ”, “lạ” của loại truyện truyền kỳ như là một thứ vốn liếng truyền thống của tiểu thuyết hiện đại. Xin xem thêm Tiểu thuyết Việt Nam 1900-1930, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.56-60.
[14] Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Quý Ly, xuất bản lần đầu năm 2000. Từ đó đến nay, tác phẩm được tái bản nhiều lần.
[15] Bùi Anh Tấn, Bí mật hậu cung, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012. Tiểu thuyết nhìn nhận Lý Thường Kiệt không chỉ trong tư cách một yếu nhân lịch sử, một trang hào kiệt, mà còn chứa đựng nhiều bi kịch cá nhân, ghê gớm nhất là bi kịch không dám tự thừa nhận giới tính, không được sống với con người thật của mình.
[16] Theo GS. Trần Đình Sử, các cuốn sách lịch sử cũng là những hình thức diễn ngôn/tự sự về lịch sử: “Lịch sử chỉ là sự ghi chép, trình bày diễn đạt các sự kiện đã xảy ra theo một quan điểm nào đó, chứ không phải sự thật như nó vốn có. (…) Theo Hayden White, lịch sử là một tự sự. Để cho câu chuyện lịch sử hoàn chỉnh, có logic thì nhà sử học cũng phải hư cấu, và có bốn phương thức tu từ của tự sự lịch sử”, xin xem thêm “Về tiểu thuyết lịch sử”, in trong Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, Tập 1, Nxb ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, 2016, tr.21-28.
[17] Mở đầu cuốn Lê-triều Lý-thị (Tín-Đức Thư-xã xuất bản, chưa rõ năm nào), Phạm Minh Kiên viết: “Tôi viết bộ truyện Lê-triều Lý-thị nầy cốt chỉ rút ở trong mấy thứ Sử. Như là: “Việt-Nam lược-sử”, “Đại-Việt sử-ký”, “Đại-Nam thập lục tiền biên”, “Nam-hải dị nhân”, “Lược biên giã sử”, tr.2.
[18] M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du - Bộ Văn hoá thông tin và thể thao xuất bản, Hà Nội, 1992.
[19] Lương Khải Siêu quan niệm: “Muốn làm mới dân một nước, cần phải hẵng làm mới tiểu thuyết nước ấy. (…). Vì sao vậy? Vì tiểu thuyết có một sức mạnh chi phối người ta.”, dẫn theo Mọc Khuê, Ba mươi năm văn học, Nxb Tân Việt, Hà Nội, 1942, tr.43-44.
[20] Hồng Tiêu, Máu chảy ruột mềm, Imprimerie Bảo - Tồn, SaiGon, 1928, tr.24.
[21] Bản in chữ Hán trên Binh sự tạp chí, Hàng Châu, Trung Quốc, 1921-1925, do Chương Thâu sưu tầm. Tác phẩm còn có tên khác là Hậu Trần dật sử do nhóm phiên dịch, hiệu đính, giới thiệu Trần Lê Hữu - Đào Duy Anh - Đặng Thai Mai đặt. Xin xem thêm: Văn học Việt Nam thế kỷ XX, quyển 1, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr.541-558.
[22] Xin xem: Văn học Việt Nam thế kỷ XX, quyển 1, tập 1, sđd, tr.548.
[23] Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Lê Thước, Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, Tập 3, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1957, tr.241.
[24] Phan Cự Đệ, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (Tái bản lần thứ tư), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.46.
[25] Tức là không “lựa chọn để phê bình văn phẩm” như các trường hợp Khái Hưng, Trần Tiêu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Lạp... chẳng hạn. Duy có Chu Thiên được chọn nhưng vì xếp trong loại tiểu thuyết phóng sự nên Vũ Ngọc Phan chỉ quan tâm đến tập Bút nghiên (1942) còn các tiểu thuyết lịch sử như Lê Thái Tổ (1941), Bà quận Mỹ (1942) thì chỉ được nhắc tên một lần.
[26] Trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan chia tiểu thuyết (và cả truyện ngắn nhưng ông gọi chung là tiểu thuyết) giai đoạn 1930-1945 thành 10 loại bao gồm: tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết luân lý, tiểu thuyết truyền kỳ, tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết hoạt kê, tiểu thuyết tả chân, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết tình cảm và tiểu thuyết trinh thám.
(Bài in trong sách Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc, Nxb Văn học, Hà Nội, 2019, tr. 11-24).