Từ điểm nhìn sử gia đến điểm nhìn tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam

06/10/2021

Bài viết nghiên cứu sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật từ sử gia đến tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam trên phương diện miêu tả nhân vật. Trong đó, khẳng định sự trưởng thành của các tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam trong việc miêu tả sự kiện và nhân vật lịch sử.
TS. Vũ Thanh Hà

 

1. Trong quá trình nghiên cứu thể loại tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam, chúng tôi cho rằng, đã có sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật từ điểm nhìn của sử gia sang điểm nhìn của tác giả tiểu thuyết chương hồi. Sự dịch chuyển này tất nhiên cũng xuất hiện ở những thể loại văn học khác, nhưng tính chất “nguyên hợp” cho thấy mối quan hệ giữa nhân vật, sự kiện lịch sử và nhân vật văn học khá rõ nét. Bài viết này hướng tới sự nhận thức những dấu hiệu thay đổi trên phương diện miêu tả nhân vật và sự kiện lịch sử trong một số tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam.

2. Khi quan niệm về điểm nhìn tác giả trong sáng tác văn xuôi, tác giả V. M. Tolmachev cho rằng, điểm nhìn (point of view) là một trong những khái niệm then chốt của “phê bình mới”. Khái niệm này mô tả “cách thức tồn tại” (mode of existence) của tác phẩm như một hành vi mang tính bản thể hoặc một cấu trúc hoàn chỉnh, tự trị đối với thực tại và đối với cá nhân nhà văn. Khác với khái niệm hình thức hữu cơ, được vận dụng trước hết cho phê bình thơ, khái niệm điểm nhìn là công cụ cho việc đọc kỹ (close reading) văn bản văn xuôi…” [2, tr.61]. Tác giả này cũng cho rằng tiểu thuyết không phải là một hình thức chất phác, mà là hình thức tinh tế của nghệ thuật viết văn. Quan niệm của ông cũng thống nhất với quan điểm của nhiều nhà phê bình văn học trên thế giới. Theo V. M. Tolmachev: “Điểm nhìn - là sự lựa chọn cự ly trần thuật nào đó loại trừ được sự can thiệp của tác giả vào các sự kiện được miêu tả và cho phép văn xuôi trở nên “tự nhiên” hơn, phù hợp với cuộc sống hơn. “Tác giả có mặt ở khắp nơi, nhưng lại không ở nơi nào cả, không ai nhìn thấy nhưng lại có sức mạnh toàn năng”, giống như Thượng Đế vậy. Tác phẩm không kể lại, mà chỉ ra cho thấy...” [2, tr.61].

Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng, tính ấn tượng của văn xuôi được tạo bởi cách nhìn, khả năng của nhà văn nắm bắt được một xung động nào đó của thực tại, làm cho nó nổi rõ hơn trong quá trình lựa chọn, loại bỏ tạp âm, củng cố nó trong cuộc vật lộn với tính tự phát của ngôn ngữ, mà trong trường hợp may mắn nó mới ban cho một câu chữ chính xác, đúng lúc, đúng chỗ. Trong ý nghĩa này, người nghệ sĩ làm chủ được cấu trúc tác phẩm của mình - một “hình mẫu”, một “mạng lưới”, chứ tuyệt nhiên không phải là cái mà nó chiếm lĩnh. Đối với tác giả, nhiệm vụ đặt ra là phải theo dõi sự hình thành cái chỉnh thể từ những mảnh rời, tìm ra chức năng của từng chi tiết mang trong mình cái “siêu tri thức”, phát hiện cấu trúc hữu cơ của tác phẩm.

Vận dụng lý thuyết trần thuật với khái niệm điểm nhìn như một công cụ giải thích sự dịch chuyển trong tâm thế của người cầm bút - tác giả thể loại tiểu thuyết chương hồi chữ Hán, là một cách làm tương đối mới trong công tác nghiên cứu văn học trung đại. Trong thực tế, các tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam đã đứng trên quan điểm của tác giả văn học để phản ánh lịch sử, dùng cái nhìn của một nhà văn để nhận thức lịch sử. Tác phẩm tiểu thuyết chương hồi vừa giống sử vừa khác sử. Bằng cách này, họ muốn cung cấp cho bạn đọc hậu thế một cái nhìn khác (so với chính sử) về những sự kiện, nhân vật trong lịch sử dân tộc. Vận dụng lý thuyết điểm nhìn để nghiên cứu tác giả văn học trung đại, trước hết là tác giả tiểu thuyết chương hồi - kiểu tác giả toàn tri, nhằm khu biệt kiểu tác giả tương ứng với một thể loại cụ thể. Qua khảo sát, thấy hầu hết các tác giả đều đứng ngoài tác phẩm, không tham gia trong vai trò là một nhân vật (trừ một vài trường hợp như đã nói ở trên), điểm nhìn tác giả cao hơn tác phẩm, trở thành người điều khiển mọi diễn tiến của tác phẩm.

 Tác giả là một trong những phạm trù hạt nhân đóng vai trò trung tâm tổ chức và thống nhất các mối quan hệ văn học. Tác giả chính là “kẻ biết, hiểu, nhìn thấy trước hết” mọi chuyện diễn ra trong tác phẩm. Khi quan niệm tác giả với tư cách là phạm trù văn học, tất yếu bằng cách nào đó cũng “có mặt” trong tác phẩm, đóng vai trò “trung tâm tổ chức nội dung và hình thức của cái nhìn nghệ thuật”. Tác giả văn học Việt Nam trung đại đương nhiên phải tuân thủ những nguyên tắc sáng tác của văn học trung đại (theo khuôn mẫu, quy phạm, theo “những công thức tu từ và cốt truyện có sẵn”, “coi việc sáng tác là công việc nghiêm túc, trang trọng thành kính)... Nhận xét về chức năng của các tác giả văn học trung đại, Ngô Thì Nhậm cho rằng: “Là một tác gia lành nghề thì không thể chuyên một loại nào mà đủ. Thơ, phú, ca, vịnh, biện luận, ký, chí, tự, bạt, giải thích, biền ngẫu, tán… uẩn súc ở trong tâm thuật, phát lộ ra lời văn” [1, tr.83].

3. Tác giả văn học trung đại Việt Nam là kiểu tác giả nằm trong vùng chịu ảnh hưởng văn học chữ Hán nên sẽ mang những đặc trưng của kiểu tác giả nền văn hóa này. Văn học Việt Nam trung đại có nghĩa rộng và nghĩa hẹp, nghĩa rộng là văn học hành chính quan phương, hành đạo, học thuật làm theo chức phận, liên quan đến đời sống nhà vua và thần dân. Họ làm văn theo thánh chỉ, viết chiếu, thư, hịch, soạn sử ký... Nghĩa hẹp là văn học mang tính nghệ thuật. Bên cạnh hình ảnh nhà thơ ngôn chí xuyên suốt lịch sử thơ ca là kiểu tác giả nhà văn tự sự mang mẫu hình gần gũi với nhà sử học. Bằng chứng là các tác phẩm của họ thường mang những cái tên như “mạn lục”, “ngữ lục”, “bí lục”, “diễn chí”, “ký sự”, “chí”, “liệt truyện”,... những yếu tố đó thuộc tên gọi của thể loại lịch sử.

Tác giả văn học - người tạo ra tác phẩm văn học, là chủ thể của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Có thể hình dung hai bình diện giới hạn của phạm trù này. Ở bình diện xã hội học lịch sử, tác giả là một con người xã hội, thuộc một giới, một nhóm xã hội nhất định, có vai trò xã hội - văn hóa nhất định trong các giai đoạn lịch sử. Ở bình diện thẩm mỹ - nghệ thuật, tác giả - đó là những dấu ấn văn hóa nhân cách hiện diện ở sáng tác. Ở bình diện thứ nhất, là một đề tài lớn của lịch sử học. Với bình diện thứ hai là đề tài của nghiên cứu văn học, nó đòi hỏi tập trung chú ý vào tài liệu sáng tác hơn là phương diện con người ngoài sáng tác. Tác giả là người tổ chức ra cái thế giới được miêu tả của tác phẩm nghệ thuật và đề xuất với độc giả sự cắt nghĩa của mình, cái nhìn của mình về cái thế giới ấy. Có hai kiểu tác giả, có khi tác giả hiện diện trong vai người kể chuyện “thuần túy”, không phụ thuộc vào các sự kiện mà nó miêu tả và không phải trong vai hành động của thiên truyện được kể, có lúc tác giả thực hiện chức năng kép: người kể chuyện và vai hành động, người tham dự các biến cố diễn ra trong thế giới hư cấu của tác phẩm.

Điểm nhìn có thể coi là cái nhìn nghệ thuật của tác giả. Cái nhìn thể hiện năng lực tinh thần đặc biệt của con người trong quá trình quan sát sự kiện, sự vật, con người, tìm ra những đặc điểm bản chất của nó và thể hiện bằng sản phẩm sáng tạo nghệ thuật. Điểm nhìn tác giả biểu hiện trong vấn đề nhà văn hướng tới. Đối với tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam, cái nhìn tập trung vào những sự kiện, nhân vật của lịch sử dân tộc, cụ thể là cuộc đấu tranh giành quyền nhất thống đất nước. Từ điểm nhìn nhà sử học chuyển sang điểm nhìn nhà văn là một vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp trong bối cảnh sự tôn trọng của công chúng đối với hai loại hình tác phẩm này rất khác nhau. Cùng viết về triều đại Tây Sơn nhưng quan điểm của tác giả Hoàng Lê nhất thống chí khác xa với cái nhìn về triều đại này trong con mắt của tác giả Nam triều công nghiệp diễn chí. Điểm nhìn tác giả tiểu thuyết Việt Lam xuân thu sẽ khiến nhiều người bất bình về những “sai lạc” trong nội dung lịch sử khi viết về nhân vật Lê Lợi và những người liên quan đến ông. Vấn đề được đặt ra, đây không phải là tác phẩm sử học, Việt Lam xuân thu là một tiểu thuyết. Tiểu thuyết cho phép nhà văn có quyền hư cấu theo quan điểm, cách nhìn, cái nhìn của mình, thậm chí không quá quan tâm đến phản ứng của người đọc trước một vấn đề của lịch sử được đưa ra trong tác phẩm. Đối với tác giả tiểu thuyết, “sự thực” lịch sử không phải là mối quan tâm hàng đầu.

4. Một câu hỏi được đặt ra, có hay không kiểu tác giả tiểu thuyết chương hồi? Câu trả lời là có. Khi có một thể loại văn học trong một giai đoạn phát triển của lịch sử cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện một kiểu, một loại hình tác giả tương ứng. Trong môi trường văn học trung đại, có nhiều người vừa làm quan vừa là nhà thơ lại vừa là tác giả tiểu thuyết. Khi muốn khu biệt trong một kiểu sáng tác nào đấy để dễ dàng gọi tên, người ta vẫn có thể có một cách gọi cụ thể những người tham gia quá trình sáng tạo thể loại văn học này như một kiểu tác giả. Thể loại tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam có những yếu tố khá đặc biệt. Đây là nhóm tác phẩm mà nội dung trực tiếp liên quan đến lịch sử quốc gia, dân tộc, do người Việt Nam thực hiện nhưng mô hình, nguyên tắc sáng tác và đặc biệt chất liệu sử dụng, tức là chữ viết lại được vay mượn của nước ngoài. Vậy nên, một trong những yêu cầu tiên quyết là tác giả phải là người thông thạo thứ ngoại ngữ đó - Hán ngữ, cũng như những nguyên tắc sáng tác của thể loại mà họ vay mượn. Tất nhiên, khi viết về những vấn đề liên quan đến lịch sử dân tộc Việt Nam, đòi hỏi người cầm bút phải tinh thông về các sự kiện và nhân vật lịch sử liên quan. Với những tác phẩm mà nội dung phản ánh cách xa thời điểm sáng tác, yêu cầu khảo cứu tư liệu lịch sử là một việc làm không hề đơn giản.

Trong sách Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Nhà nghiên cứu Trần Nghĩa đã lập bảng thống kê danh sách tác giả tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam và rút ra một số nhận xét, trong đó nhấn mạnh đến trình độ học vấn cao, địa vị xã hội và đặc biệt là tâm thế cầm bút của họ. Trong số những người viết tiểu thuyết phần nhiều đều có bằng cấp, từ Nho sinh, Hương cống... đến Tiến sĩ, Hoàng giáp. Cũng có người tuy không đỗ đạt gì, nhưng họ là người “bác học hiếu cổ”, văn chương nổi trội như Đoàn Thị Điểm, Phạm Đình Hổ. Khi bàn về vấn đề này, Trần Nghĩa cho rằng: “Phải trải qua một quá trình đào tạo, bồi dưỡng gian khổ và công phu như vậy, họ mới nắm và vận dụng được “văn ngôn văn”, một thứ tử ngữ, hoặc “bán văn bán bạch”, nửa văn ngôn nửa bạch thoại, tuy có gần với ngôn ngữ đời sống hơn một chút, nhưng chung qui vẫn là tiếng nước ngoài, không dễ vẫy vùng như khi dùng tiếng mẹ đẻ để viết tiểu thuyết. Cho nên, dù tiểu thuyết hồi bấy giờ có được nhìn với “mắt xanh” hay không, thì người thai nghén ra nó vẫn cứ là phải “chư tử câu thông”, kinh sử đều thạo, “ký vấn uyên nguyên thậm quảng”, đọc rộng và ghi nhớ kỹ các nguồn tư liệu. Để viết được tiểu thuyết, họ phải thật sự có tài năng, học vấn và kiến thức, ba mặt mạnh của người cầm bút” [4, tr.24].

Về địa vị xã hội của tác giả tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, theo thống kê, hầu hết là người có địa vị xã hội từ cấp trung ương như Thư hỏa chánh trưởng, Tham tri chính sự, Hàn lâm viện trứ tác, thiêm thư bình chương sự, Đông các học sĩ, Quốc tử giám tế tửu... đến cấp địa phương - đây cũng là lực lượng đông đảo nhất - như Án sát, Tuần phủ, Tri phủ, Tri huyện, Đốc học, Giáo thụ... Họ viết tiểu thuyết bằng “tay trái”, vào những lúc “việc quan rảnh rỗi”, hoặc nói như Vũ Xuân Tiên: “Tôi đi thiết trướng, khi tan buổi học thì cảnh vắng teo, tôi thiết nghĩ chỉ có kết bạn với người cổ nhân, ngôn luận tiếu đàm, thực cũng riêng một màu thú vị” [4, tr.24].

Đối với tác giả tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tâm thế người cầm bút cũng phản ánh phần nào tình cảm, thái độ đối với lịch sử của cha ông, với thời cuộc. Trong số họ, có người “lấy việc từ quan làm may” như Lê Hữu Trác; có người vì muốn tỏ lòng trung thành tuyệt đối với vương triều cũ, nhất định không ra cộng tác với tân triều như Phạm Quý Thích, Vũ Trinh... lại có cả những người nổi lên chống lại triều đình như Cao Bá Quát, hoặc xuất dương làm cách mạng như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền... Với nhận thức “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn”, nhiều tác giả tiểu thuyết đã tự nhận lấy trách nhiệm “lo trước cái lo của người đời”. Trong triều đình phong kiến xưa “Người có chức sử” đảm nhiệm công việc ghi chép việc, hành động, lời nói của các thành viên trong triều đình. Ban đầu chức tả sử ghi lời, chức hữu sử ghi việc và đó là ghi việc thực tế trước mắt trong thì hiện tại, về sau mới ghi lại việc của quá khứ. Chính ý thức ghi việc để phân biệt phẩm loại, nêu gương tốt xấu cho đời sau đã thúc giục các tác giả cầm bút. Cái đức chuộng sự thực, tồn cái cổ đã khiến họ tìm tòi, ghi chép, phân biệt, sắp xếp sự việc cho đầy đủ, mạch lạc, có đầu có đuôi. Hơn nữa họ ghi chép theo ý chỉ của nhà vua nên không thể hư cấu dễ dàng và không phải cái gì cũng ghi chép.

Như vậy, tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam ít nhất cũng là những người có tâm huyết với lịch sử dân tộc. Với với trình độ học vấn cao lại là những người có điều kiện đi đây đi đó để khảo sát tư liệu lịch sử và đặc biệt có sở thích lưu lại những điều mắt thấy tai nghe, họ đã tự nguyện trở thành chứng nhân của lịch sử. Tác giả tiểu thuyết chương hồi là một trong những kiểu tác giả vừa có niềm đam mê của nhà sử học vừa có tâm hồn lãng mạn của nhà tiểu thuyết. Có thể xem tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam là một kiểu chuyển giao vai trò trong sáng tác của thời kỳ trung đại.

5. Đối với nhà sử học, việc kể lại có ngọn có ngành, đúng thời gian, niên đại, địa điểm, kể cả hành động, lời nói của nhân vật, miêu tả khung cảnh, khêu gợi không khí... là điều bắt buộc. Có thể nói, nhà sử học đã kết hợp cả ý thức khoa học khách quan với ý thức văn nghệ linh hoạt sinh động. Nhà sử học là một kiểu nhà khoa học đặc biệt. Họ vừa nghiên cứu quy luật, vừa nghiên cứu phục chế sự kiện, chi tiết vừa miêu tả vừa đánh giá. Chính họ tạo nên mối quan hệ bền chặt giữa lịch sử và văn học, tạo nên tính nguyên hợp trong văn học trung đại nói chung, loại hình tiểu thuyết chương hồi nói riêng. Có thể thấy rằng, trong các mối liên hệ giữa thực tế và lý luận, tác giả sử học là nguyên mẫu của kiểu tác giả tự sự trung đại. Điều này khiến họ sáng tạo tác phẩm của mình dưới các tên gọi của thể loại lịch sử. Nhưng có lẽ do ý thức được sức mạnh truyền thụ lịch sử của thể loại giảng sử như tiểu thuyết chương hồi nên họ đã đem những sự kiện, nhân vật lịch sử mà họ có trách nhiệm ghi chép để chuyển sang một loại sáng tác mang nhiều đặc trưng văn học. Đấy chính là tiểu thuyết chương hồi.

Ngoài nhiệm vụ của những nhà ghi chép lịch sử dân tộc, đề cao khát vọng thống nhất quốc gia, các tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam còn muốn xây dựng một nền văn học thực sự, thoát khỏi lối văn chức năng hành chính, văn học chức năng tôn giáo. Sự kiện tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam xuất hiện trước ở Đàng Trong chứ không phải ở Đàng Ngoài (cái nôi văn hóa của người Việt Nam) nguyên nhân có lẽ là do xứ Đàng Trong chưa có bề dày truyền thống văn chương như ở Đàng Ngoài nên dễ dàng tiếp thu một thể loại mới. Ngoài ra, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo cũng chưa trở thành một thành trì vững chắc trong nhận thức của người cầm bút.

Căn cứ trên tình hình nghiên cứu thư tịch Hán Nôm Việt Nam, có thể nhận định rằng văn xuôi nghệ thuật bằng chữ Hán là một thách thức lớn đối với mọi thế hệ tác giả Việt Nam. Bởi vì văn xuôi viết bằng chữ Nôm (thứ chữ được coi là của người Việt Nam, dù hình thức vẫn là vay mượn chữ Hán) đã hầu như không tạo nên được tính chất “văn - sử bất phân”, thậm chí “văn - sử - triết bất phân” trong sáng tác của người Việt Nam thể hiện trong hình thức tản văn đậm nét hơn nhiều trong hình thức vận văn. Dù chưa hoàn toàn thoát khỏi lối ghi chép của sử nhưng những thành công của các tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam đã phản ánh được tinh thần vượt lên những hạn chế của khoa học lịch sử nhằm vươn tới sự trưởng thành trong sáng tác nghệ thuật.

Phân biệt sự khác nhau giữa sử và văn, cũng có nghĩa là phân biệt chủ thể sáng tạo ra hai thể loại này, có ý kiến cho rằng, tiểu thuyết miêu tả sự việc trên cùng một cấp độ giá trị - thời gian với bản thân tác giả và những người cùng thời với tác giả, dù đó là chuyện quá khứ hay tương lai. Cái quyết định tiểu thuyết là kinh nghiệm, nhận thức và thực tiễn của người viết, bút pháp của tiểu thuyết là hư cấu nghệ thuật. Trong khi đó, chính sử thì chỉ có mỗi một nguyên tắc và đây là nguyên tắc cao nhất: trung thành với “sử thực” (sự thật lịch sử), đây là giới hạn mà nhà làm sử không thể vượt qua trong bất cứ tình huống nào. Người xưa từng cho rằng, chức năng của sử là “truyền tín”, quý ở “chân” còn chức năng của tiểu thuyết là “truyền kỳ”, quý ở “huyễn”. Bút pháp của sử là “thực lục”, bút pháp của tiểu thuyết là “hư bút”. Một điểm khác biệt đáng chú ý nữa giữa sử và tiểu thuyết: “sử” dừng lại ở chuyện đời thường, còn tiểu thuyết lại có thể vươn tới những bến bờ xa lạ, những miền bí ẩn mà con người ít hoặc chưa biết theo khả năng của trí tượng, óc lãng mạn của con người. Nói như Kiều Phú: “Tôi cho rằng chuyện thường được trình bày ở kinh sử để răn dạy hậu thế; chuyện quái được nêu ra ở truyện ký để mở rộng dị văn. Cho nên việc các đời Ngu, Hạ, Thương, Chu được chép vào sách kinh; việc các đời Hán, Tống, Nguyên được ghi rõ ở sách sử” [5, tr.10].

Từ bỏ sự tôn sùng của người đời đối với sử gia để đảm nhận vai trò tác giả tiểu thuyết chương hồi được xem là một “hành động dũng cảm” của người cầm bút thời trung đại, đặc biệt là đối với các tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam. Trong hoàn cảnh xã hội với sự kiểm duyệt khắt khe cùng những rào cản trong nhận thức hẹp hòi về quan niệm thể loại cũng như sự thiếu thốn về thông tin, tư liệu lịch sử khiến cho tác giả của thể loại này chắc chắn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa tác phẩm đến với công chúng. Có thể nói rằng, tác giả tiểu thuyết chương hồi là một kiểu tác giả mang trong mình phẩm chất “khách quan, khoa học, quý sự chân xác” của nhà sử học vừa có cái phóng khoáng, lãng mạn, mềm dẻo, linh động trong “hư bút” của nhà tiểu thuyết. Trong mối quan hệ “bất phân” ấy, tác giả tiểu thuyết chương hồi vẫn là người mang nhiều “phẩm chất” của tác giả văn học.

Văn học trung đại Việt Nam là nền văn học “trẻ”, ở đó thiếu cả văn tự lẫn các hình thức thể loại tác phẩm. Để thỏa mãn thị hiếu và nhu cầu của công chúng và cũng là ý nguyện của người cầm bút, việc vay mượn một mô hình thể loại nhằm đạt được những yêu cầu phản ánh mới là một lựa chọn sáng suốt, và thực tế điều đó đã mang lại kết quả. Thực tế lịch sử và đời sống xã hội của Việt Nam thời trung đại đã tạo điều kiện thuận lợi  cho tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam đạt được những thành công nhất định. Tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam có bản sắc và những giá trị nổi bật, khu biệt với tiểu thuyết chương hồi của một số nước trong khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán nói chung, của tiểu thuyết chương hồi nói riêng.

6. Có thể nói, quá trình phát triển của văn xuôi tự sự Việt Nam (từ nửa đầu thế kỷ XIV), những tác phẩm như Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp đến Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm (đến nửa đầu thế kỷ XVIII)... chủ yếu tập trung viết về cái hùng, cái bi tráng với giọng điệu chính là ngợi ca. Những tác phẩm này mang âm hưởng của sử thi. Nhưng khi xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có nhiều biến đổi, trong văn học cũng xuất hiện thêm những nội dung mới, không chỉ viết về cái hùng, cái bi tráng mà đã xuất hiện thêm cái hài. Có thể lấy Hoàng Lê nhất thống chí làm ví dụ.

Với cách viết vượt qua được lối chép sử thông thường, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí để cho các nhân vật của mình được tự do bộc lộ tính cách thông qua ngôn ngữ và hành động. Vì thế, tiếng cười - sức mạnh châm biếm dường như được nhân lên. Xét một loạt tình huống truyện, sẽ thấy rõ tài năng của người cầm bút trong việc thể hiện tính hài hước của câu chuyện kể. Ngay hồi thứ hai của tác phẩm, chúng ta được chứng kiến một màn hài kịch do các nhân vật trong gia đình chúa Trịnh Sâm trình diễn. Đó là cảnh lâm chung của chúa Trịnh Sâm. Cả ba nhân vật trong màn kịch trên đều khóc nhưng chỉ có mình chúa Trịnh Sâm là khóc thật. Đấy là tiếng khóc của đứa con chưa làm tròn đạo hiếu với Thánh mẫu, của người chồng trong cảnh đứt gánh, không trọn “duyên sắt cầm” với người thiếp yêu. Thánh mẫu khóc vì không đạt được ý nguyện về ngôi thế tử còn Đặng Thị Huệ khóc vì sợ khó bảo toàn được ngôi thế tử của con trai mình. Cảnh lập chúa cũng là màn hài kịch. Trước một việc lẽ ra phải được tiến hành hết sức nghiêm trang, những kẻ tôn phò đã biến buổi đại lễ trở nên hết sức khôi hài. Trong cảnh hỗn loạn của cuộc đảo chính, chúa Trịnh Tông trở thành nhân vật độc nhất vô nhị của các triều đại phong kiến Việt Nam, lúc tấn phong được ngồi trên “chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc”. Việc mô tả dung mạo của các đấng thiên tử bao giờ cũng được các tác giả quan tâm. Bởi đã thành nguyên tắc, các đấng quân vương bao giờ cũng mang diện mạo rất đặc biệt nhưng trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí có khi lại là cách tạo nên sự mỉa mai. Hãy lấy ông vua Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế làm ví dụ. Ông vua này được mô tả rất xứng đáng với diện mạo của đấng quân vương: “Nhà vua râu rồng, mũi cao, tóc hạc, mắt phượng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non; tính nết hiền từ, giản dị”. Thế nhưng suốt quãng thời gian làm vua, ông chỉ làm mỗi một việc “rủ áo khoanh tay”. Chi tiết tuần huyện Trang đã khiến thầy của y là Lý Trần Quán tự chôn sống mình cũng chỉ nhằm đền cái tội không dạy đư­ợc học trò. Việc làm của tuần huyện Trang không phải không đáng bàn. Nếu lấy đạo thánh hiền của Nho giáo mà xét thì Trang là kẻ bất trung, một tên nghịch tử, một tên học trò phản thầy, dám bán cả chúa của mình cho giặc. Không biết trong hai người kia, ai là kẻ đáng cười.

Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết chương hồi với nội dung là một bức tranh lớn về lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu XIX. Nhiệm vụ chính các tác giả họ Ngô Thì là phản ánh thật đầy đủ những diễn biến của các sự kiện lịch sử trong sự nghiệp “nhất thống” của các vua Lê. Dưới con mắt của những tác giả, các sự kiện, nhân vật lịch sử hiện lên không phải lúc nào cũng trong dáng vẻ trịnh trọng, trang nghiêm mà có nhiều lúc được phản ánh bằng cái nhìn hài hước. Chính điều này đã làm cho tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí thêm phần hấp dẫn. Nhận định về vấn đề này, Nguyễn Đăng Na cho rằng: “Trong Nhất thống chí có cả cái hào hùng, cái bi tráng và cái hài hước. Hai giọng điệu ca ngợi và trào lộng dường như song hành và hỗ trợ cho nhau tạo thành tiếng nói riêng vừa mới, vừa độc đáo cho Nhất thống chí [3, tr.101].

7. Đối với tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam, sự dịch chuyển trong điểm nhìn là một vấn đề quan trọng của lý luận sáng tác văn học trung đại. Thoát khỏi cách ghi chép lạnh lùng, cứng nhắc của sử gia, tác giả tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam đã đem đến cho bạn đọc một cái nhìn mới mẻ, phong phú, sinh động hơn về những vấn đề của lịch sử dân tộc. Từ đó, tạo nên một đội ngũ tác giả có ý thức “làm văn” chứ không phải “làm sử” một cách thẳng thắn và rõ ràng. Trong quá trình xây dựng và phát triển một thể loại văn học thường có những yếu tố được kế thừa, mô phỏng nhưng trong những trường hợp cụ thể, tính chất thể loại cần phải được xây dựng trên tiêu chí của một khái niệm cụ thể. Tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam cần được nghiên cứu sâu và cụ thể hơn. Bước đầu có thể xác định, khái niệm tiểu thuyết chương hồi là một khái niệm mang tính khu vực, chỉ một dạng tác phẩm cụ thể tồn tại ở một số quốc gia nhất định vùng châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên - Hàn Quốc, Nhật Bản... Đồng thời, thừa nhận sự xuất hiện cùng những đóng góp của các tác giả thể loại này trong việc góp phần phản ánh những sự kiện và nhân vật lịch sử Việt Nam trong gần mười thế kỷ. Lịch sử các triều đại cũng những sự kiện và nhân vật cụ thể trong tiểu thuyết chương hồi chữ Hán Việt Nam được thể hiện một cách sinh động, nhiều màu sắc và phần nào bù đắp những “khoảng trống” lịch sử mà các bộ chính sử còn thiếu hụt. /.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Biện Minh Điền (2005), “Vấn đề tác giả và loại hình tác giả văn học trung đại Việt Nam”, Nghiên cứu Văn học, (4).
  2. Ilin. I. P. - Tzurganova. E. A. (Chủ biên) (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 (Đào Tuấn Ảnh - Trần Hồng Vân - Lại Nguyên Ân dịch), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  3. Nguyễn Đăng Na (2003), Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại - những vấn đề văn xuôi tự sự, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  4. Trần Nghĩa (Chủ biên) (1997), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Tập 1, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  5. Trần Nghĩa (1998), “Di sản Hán Nôm theo hướng tiếp cận văn học so sánh”, Hán Nôm, (3).

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN