06/10/2021
Rasul Gamzatov từng nói: “Nếu đã có một nghìn người cày thửa đất thì người thứ nghìn lẻ một sẽ cày dễ hơn. Nhưng nếu đã có một nghìn người làm thơ thì người thứ nghìn lẻ một sẽ khó làm thơ hơn rất nhiều”. Phải chăng, ta có thể nói điều tương tự về công việc của nhà nghiên cứu phê bình: Làm thế nào để phát hiện được những hiện tượng văn học mới có giá trị hay những giá trị mới ở những hiện tượng văn học quen thuộc là một câu hỏi khó, luôn đau đáu với nhà nghiên cứu khi cầm bút. Cuốn sách Văn xuôi Việt Nam hiện đại: Khảo cứu và suy ngẫm của PGS. TS. Lê Tú Anh cho thấy tác giả đã thực sự nghiêm khắc với chính ngòi bút của mình để trả lời câu hỏi đó một cách đầy sáng tạo.
Với hai phần lớn là “Một số vấn đề văn học sử đầu thế kỉ XX” và “Một số vấn đề của văn xuôi Việt Nam đương đại”, cuốn sách đã bao quát một chặng đường dài của văn xuôi Việt Nam. Đó là quá trình hình thành và phát triển của văn xuôi hiện đại, từ sự tiếp thu truyền thống và cách tân, hiện đại hóa của các tác giả đầu thế kỉ XX cho đến sự nhạy bén bắt kịp các xu hướng/ trào lưu mới ở phương Tây của những cây bút đương đại. Qua những bài phê bình trong tập sách, có thể nhận thấy: Ở mọi thời điểm, các cây bút văn xuôi Việt Nam đã nỗ lực theo sát khu vực và thế giới.
Không chỉ bao quát ở chiều dài, tác giả còn bao quát cả chiều rộng khi điểm diện được nhiều vấn đề của văn xuôi hiện đại như: tiểu thuyết tự thuật, tiểu thuyết nghĩa hiệp, phê bình văn học, vấn đề thân phận con người, con người tha hóa, khả năng dự báo của tiểu thuyết, cảm thức sinh thái trong văn học, giao lưu khu vực và thế giới qua các tác phẩm du kí… đầu thế kỷ XX; rồi đề tài tha hương, dấu ấn toàn cầu hóa trong văn học, tinh thần hậu hiện đại, văn học chấn thương… đầu thế kỷ XXI. Tác giả không chỉ cho thấy các cây bút văn xuôi Việt Nam đã không ngừng đổi mới, cách tân, phản ánh được diện mạo tư tưởng tinh thần của con người ở từng thời đại; mà còn chỉ ra khả năng hội nhập của văn xuôi Việt Nam với khu vực và thế giới. Các bài viết vừa thể hiện sự nhạy bén trong phát hiện vấn đề, vừa cho thấy tư duy khoa học trong cách triển khai vấn đề của người viết.
Không chỉ dừng lại ở những vấn đề khái quát cho thấy chiều dài của tiến trình và chiều rộng các vấn đề của đời sống văn học, tác giả còn giúp người đọc có cái nhìn ở chiều sâu khi nghiên cứu nhiều tác giả văn xuôi tiêu biểu ở từng giai đoạn cùng các tác phẩm nổi bật của họ như: Nguyễn Trọng Quản với Thầy Lazaro Phiền; Phan Bội Châu với Phan Bội Châu niên biểu; Tản Đà với Giấc mộng lớn; Đạm Phương Nữ Sử với Kim Tú Cầu, Hồng phấn tương tri; Huỳnh Thị Bảo Hòa với Tây phương mỹ nhân; Ngọc Giao với Đất, Nhà quê; Phạm Quỳnh với nhiều du ký nổi tiếng…; rồi Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa; Dạ Ngân với Gia đình bé mọn; Đoàn Ánh Thuận với Pari 11 tháng 8, T. mất tích; Nam Lê với Con thuyền; Đoàn Minh Phượng với Và khi tro bụi…, Mưa ở kiếp sau… Điều đáng nói là: với từng nhà văn và tác phẩm của họ, người viết luôn tìm được những hướng nghiên cứu mới và đưa ra được những luận giải sắc sảo. Đơn cử như trường hợp Ngọc Giao. Những sáng tác của nhà văn này được tác giả khám phá không chỉ bằng lí thuyết thi pháp quen thuộc, mà còn bằng quan điểm của phê bình sinh thái – một lí thuyết phê bình mới được chú ý gần đây. Điều này khiến cho người đọc có ấn tượng về khả năng khai thác vô tận các giá trị nội tại ẩn sâu trong những văn bản văn học.
Cuốn tiểu luận phê bình, đúng như tác giả đã gửi gắm trong “Lời đầu sách”, là “những gì tinh túy nhất trong quãng đường nghiên cứu vừa qua” được tác giả tuyển chọn để gửi đến độc giả. Đó thực sự là những luống cày mới, những luống cày sâu trên một mảnh đất mà rất nhiều nhà nghiên cứu đã dày công khai phá. Phát hiện được giá trị mới của các hiện tượng văn học chẳng phải là hạnh phúc lớn của người cầm bút bàn văn, bình thơ hay sao. Tôi tin, khi đi trên con đường đầy khó khăn này, tác giả Lê Tú Anh đã có thật nhiều niềm vui.