Cuộc giao lưu không chỉ là thơ và lý luận văn học

03/05/2023

Sáng ngày 20/4/2023, tại Hội trường 302, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức buổi giao lưu “Nhà thơ, nhà lý luận văn học Trương Đăng Dung và hành trình sáng tạo”. Sự kiện đã thu hút không chỉ cán bộ giảng viên, sinh viên khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức; mà còn có giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn và những người yêu thơ Trương Đăng Dung. Cuộc giao lưu vừa tràn đầy cảm xúc, dư vị; vừa mang đậm chất trí tuệ, học thuật.

 

PGS. TS Trương Đăng Dung sinh 1955, là người con của vùng đất xứ Nghệ, trở thành du học sinh tại Hungary khi còn rất trẻ. Tại đây, ông được tiếp xúc với tinh hoa lý thuyết phương Tây, tiếp cận với những tư tưởng triết học lớn của nhân loại như E. Husserl, M. Heidegger, R. Ingarden, H.G. Gadamer, P. Ricoeur, H. R. Jauss, J. Derrida… Ông đã nhận bằng Cử nhân (1987) và Tiến sĩ (1984) trên đất nước Hungary. Về Việt Nam, ông công tác tại Viện Văn học, từng giữ vai trò Phó Viện trưởng trước khi nghỉ quản lý. Ông là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Trong hành trình sáng tạo của mình, Trương Đăng Dung luôn nhất quán về tư tưởng trên cả phương diện nghiên cứu lí luận văn học, sáng tác thơ và dịch thuật; ở lĩnh vực nào, ông cũng thành công. Đến nay, ông đã có một sự nghiệp văn học phong phú, bề thế với gần 20 đầu sách giá trị được xuất bản; nhiều ấn phẩm đã nhận được giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội, Hội nhà văn Việt Nam. Ông từng chia sẻ: “Tôi cần đến thơ như một diễn ngôn có khả năng thể hiện được cái tôi bất an trước thế giới, điều mà trong diễn ngôn khoa học văn học tôi không làm được. Và tôi cần đến lí luận văn học như một diễn ngôn khác có thể khám phá những bất ổn học thuật trước cái đối tượng phức tạp mang tên tác phẩm văn học, điều mà trong thơ tôi không thể thực hiện được”. Điều này đã tạo nên tinh thần, nên mạch chủ đạo trong buổi giao lưu.

Tại chương trình giao lưu, Trương Đăng Dung với tư cách một nhà thơ đã trao đổi, chia sẻ về hành trình thơ về quan điểm nghệ thuật trong thơ của mình và những xúc cảm chân thực được gọi lên trong thơ. Ông chịu ảnh hưởng nhiều từ Martin Heidegger và Franz Kafka. Sáng tác từ rất sớm nhưng thơ ông xuất hiện khá muộn trên thi đàn, và khá kén người đọc. Cảm thơ Trương Đăng Dung không thể nhanh vội mà phải từ từ, có quãng ngưng để suy ngẫm. Từ Những kỷ niệm tưởng tượng (2011) đến Em là nơi anh tị nạn (2020) gần 10 năm vẫn nhất quán về tư tưởng, mang tính phổ quát. Tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng đã được nhà xuất bản Europa dịch sang tiếng Hungary và xuất bản năm 2018. Tại diễn đàn này, nhà thơ Trương Đăng Dung đọc một số bài thơ của mình tặng mọi người và ông cũng nhận được những sự chia sẻ từ mọi người về thơ ông: đọc thơ, cảm nhận thơ với tư cách độc giả…

 

Trương Đăng Dung đánh dấu sự nghiệp của mình nhiều hơn, đậm hơn là ở lĩnh vực nghiên cứu lí luận văn học. Cũng tại buổi giao lưu, nhà lí luận văn học Trương Đăng Dung đã chia sẻ một phần về tính độc lập của lí luận văn học trong hệ thống các ngành khoa học văn học, lí giải cặn kẽ để mọi người hiểu được sự khác nhau của lí luận văn học với phê bình văn học. Đồng thời, ông cũng cung cấp cho người nghe những mối quan hệ giữa văn bản văn học với người đọc. Do được tiếp cận với khuynh hướng sáng tác hiện đại, hậu hiện đại, ông luôn nhận thấy sự “bất ổn” trong các văn bản văn học và trao quyền cho người đọc tiếp nhận văn bản văn học… để thấy được ý nghĩa phong phú của văn bản và phân loại đối tượng người đọc ngây thơ với người đọc lý tưởng. Diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi thú vị từ các giảng viên, sinh viên và mỗi câu trả lời cung cấp cho người nghe hiểu sâu sắc hoặc gợi mở nhiều vấn đề mới.

Khi học tập ở Hungagry, Trương Đăng Dung luôn dấn thân “trở thành một người Tây” hoàn toàn trong lối sống, ứng xử lẫn tư duy để có thể cảm nghiệm thấu triệt nguồn mạch lí luận văn học và mang nguồn tri thức này cho những ai chưa kịp trang bị cho mình ngoại ngữ để tiếp nhận, nhưng luôn cháy bỏng tinh thần dân tộc. Vì lẽ đó, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã được ông dịch sang tiếng Hungary ở tuổi 30. Với vai trò là một dịch giả, ông trở thành cầu nối văn học, rộng hơn là Việt Nam và Hungari cũng như các nước phương Tây, thông qua nhiều tác phẩm dịch như: Truyện Kiều (Nguyễn Du) dịch sang tiếng Hungary (Nxb Europa, 1984); Lâu đài (Tiểu thuyết của Franz Kafka) sang tiếng Việt (Nxb Văn học, H., 1998); Thằng điên và qủy sứ (tiểu thuyết của Sarkadi Imre, Nxb Thanh niên, H., 2010; Nghệ thuật và chân lý khách quan (của Lukács György Bernát, Nxb Khoa học xã hội, H., 2018) Hành trình này cũng được ông chia sẻ trong buổi giao lưu.

Buổi giao lưu thực sự là diễn đàn trao đổi chuyên môn học thuật bổ ích, ý nghĩa. Người nghe đã hoạch đắc cho mình những kiến thức mới trên nhiều lĩnh vực. Diễn giả Trương Đăng Dung với tư cách nhà thơ, nhà lí luận văn học, dịch giả đã có những chia sẻ thú vị, cung cấp cho người nghe những kiến thức bổ ích, tư duy sáng tạo nghệ thuật, tinh thần tiếp nhận của người đọc khi tiếp nhận văn bản văn học… Sự kiện này đã tiếp thêm cho giới trẻ niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật, trong lĩnh hội văn bản văn học và tri thức nhân loại. Với Trương Đăng Dung, buổi giao lưu với giảng viên, sinh viên trường đại học Hồng Đức và bạn yêu thơ, yêu lí luận văn học trở thành một trạm dừng chân trong hành trình của ông, thành kỷ niệm đẹp nhưng không phải là những kỷ niệm tưởng tượng.

 

Một số hình ảnh tại buổi giao lưu

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl-3-20230421065756-e.jpg

Diễn giả Trương Đăng Dung tại buổi giao lưu

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl8-20230421070007-e.jpg

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl9-20230421070032-e.jpg

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl10-20230421070052-e.jpg

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl7-20230421070135-e.jpg
 

Các trao đổi đến từ CBGV, SV khoa KHXH

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl6-20230421071333-e.jpg

PGS.TS Mai Văn Tùng – Trưởng khoa KHXH phát biểu cảm ơn tại buổi giao lưu

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl-2-20230421071745-e.jpg

Toàn cảnh buổi giao lưu

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl-12-20230421070253-e.jpg

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl1-20230421070321-e.jpg

Nhà  LLVH, nhà thơ, dịch giả Trương Đăng Dung chụp ảnh lưu niệm tại buổi giao lưu

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202304/Images/gl-20230421070354-e.jpg

Dù rất bận công việc, PGS.TS Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức

 vẫn đến chào tạm biệt PGS.TS Trương Đăng Dung.

 

Tin bài: Quế Nguyễn

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN