19/05/2023
PGS.TS Mai Văn Tùng - Trưởng khoa KHXH phát biểu chủ trì hội thảo
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Để thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, Trường Đại học Hồng Đức đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của nhà trường theo yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, việc phát triển kỹ năng số cho giảng viên, người lao động có vai trò và ý nghĩa quan trọng. Đây chính là một trong những khâu then chốt trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của chuyển đổi số, làm cơ sở để huy động sức mạnh tổng thể, giúp quá trình triển khai kế hoạch chuyển đổi số của nhà trường được thuận lợi, đồng bộ.
PGS.TS Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu chỉ đạo tại hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo PGS.TS Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng khẳng định: Chủ đề hội thảo là vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh Nhà trường đã, đang tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng các nền tảng, hạ tầng, thiết bị công nghệ để thực hiện CĐS. Trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất được lãnh đạo nhà trường xác định là phải truyên truyền nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng giảng viên, cán bộ quản lý của nhà trường hiểu được tầm quan trọng của CĐS và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Đồng thời, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số. Phó Hiệu trưởng đề nghị trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu tập trung trí tuệ thảo luận về thực trạng và đề xuất được các giải pháp thiết thực nhằm phát triển kỹ năng số cho giảng viên, người lao động Trường Đại học Hồng Đức.
Sau một thời gian thông báo, BTC đã nhận được rất nhiều bài viết, ý kiến đóng góp đến từ các nhà khoa học, các cán bộ, giảng viên trong trường và lựa chọn 18 bài viết tốt nhất để biên tập thành Kỷ yếu hội thảo. Các tham luận đã tập trung vào các chủ để: (1) Phân tích được các vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số trong trường Đại học; (2) Mối quan hệ giữa chuyển đổi số trong giáo dục đại học, xu hướng phát triển của trường đại học số, đại học thông minh; (3) Các giải pháp phát triển kỹ năng số cho giảng viên, người lao động Trường Đại học Hồng Đức trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 4 bài tham luận phản ánh bao quát nhất các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo: Vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục ở Trường Đại học Hồng Đức hiện nay (TS. Nguyễn Thị Duyên); Năng lực số của giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số (Th.S, NCS Vũ Thị Phương), Những ưu điểm, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số công tác dạy và học Trường Đại học Hồng Đức (ThS. Đoàn Thị Như Quỳnh); Chuyển đổi số trong việc dạy và học tại Trường ĐH Hồng Đức đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới của giáo dục hiện nay - Chia sẻ quá trình CĐS tại trường ĐH Sư phạm Hoa Trung - Trung Quốc (TS. Quách Công Năm)...
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận các vấn đề cụ thể trong công tác chuyển đổi số tại Trường Đại học Hồng Đức, đối sánh với quá trình chuyển đổi số tại các trường đại học lớn trong và ngoài nước; thảo luận về các giải pháp phát triển kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng cán bộ giảng viên, người lao động tại nhà trường.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo
Với nội dung phong phú của các tham luận, sự quan tâm đóng góp ý kiến của đông đảo các quí vị đại biểu. Hội thảo đã trở thành một diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, các cán bộ nghiên cứu và giảng viên trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận về những vấn đề lý luận, thực tiễn của chuyển đổi số trong giáo dục đại học; Phân tích, đánh giá thực trạng chuyển đổi số tại Trường Đại học Hồng Đức, là cơ sở đề xuất các nhóm giải pháp phát triển kỹ năng số cho giảng viên, người lao động nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hồng Đức trở thành trường đại học thông minh, đổi mới, sáng tạo.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.