Nghiên cứu sinh Cao Thị Mai bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp cơ sở

13/07/2023

Sáng thứ năm, ngày 13/7/2023, tại phòng bảo vệ luận án (tầng 5 Trung tâm Thông tin - Thư viện) Trường Đại học Hồng Đức, nghiên cứu sinh (NCS) Cao Thị Mai đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp cơ sở với đề tài: "Cảm quan sinh thái trong văn học Mường (khảo sát qua mo Đẻ đất đẻ nước và các tác phẩm văn học hiện đại tiêu biểu". Đề tài được thực hiện dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Hỏa Diệu Thúy.

 

Đến dự buổi bảo vệ luận án của NCS Cao Thị Mai, về phía khách mời có đại diện cơ quan công tác của NCS (Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa); về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS. TS Lương Thị Kim Phượng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học, các giảng viên bộ môn Ngữ Văn và chuyên viên phòng Quản lý đào tạo sau đại học.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202307/Images/mai4-20230713084426-e.jpg

PGS.TS Lê Tú Anh - Chủ tịch hội đồng - điều hành phiên họp.

 

Đề tài luận án của NCS Cao Thị Mai thể hiện rõ tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn: Trong thế kỉ XX, nhiều ngành nghiên cứu nhân văn liên quan mật thiết với việc bảo vệ môi trường: triết học môi trường, thuyết giải phóng động vật, mỹ học sinh thái... Như một sự tiếp nối những hoạt động nghiên cứu sinh thái mang tính liên ngành này, phê bình sinh thái phát triển và gặp gỡ với nhiều diễn ngôn khác liên quan đến nó như hậu hiện đại sinh thái, nữ quyền luận sinh thái, hậu thuộc địa sinh thái... Phê bình sinh thái là một bước chuyển đầy tính thích ứng của một bộ phận phê bình văn học trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu; được coi như là nỗ lực của các nhà nghiên cưu mong muốn tìm kiếm trong văn học, nghệ thuật những thông điệp môi trường, khơi gợi nhu cầu tìm kiếm và khắc phục những thương tổn mà con người đã gây ra cho giới tự nhiên.

 

Ở Việt Nam, từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, phê bình sinh thái đã được giới thiệu, nghiên cứu và ứng dụng trong phê bình văn học. Tuy đã có những thành tựu bước đầu nhưng phê bình sinh thái ở Việt Nam vẫn còn những khoảng trống, nhất là trong ứng dụng nghiên cứu tác phẩm. Đề tài của NCS Cao Thị Mai là công trình chuyên khảo đầu tiên vận dụng lí thuyết phê bình sinh thái để nghiên cứu hai đối tượng: mo Đẻ đất đẻ nước - di sản văn hóa văn học dân tộc Mường và tác phẩm tiêu biểu của các tác giả Mường hiện đại. Xét trên cả cơ sở lí thuyết lẫn thực tiễn, luận án đều đáp ứng tính thời sự, cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202307/Images/mai1-20230713084426-e.jpg

NCS Cao Thị Mai trình bày kết quả nghiên cứu đề tài.

Từ mục đích đặt ra của đề tài, vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học, phù hợp, luận án đã đạt được những kết quả chính, cũng là những đóng góp mới như:

- Hệ thống, làm rõ những khái niệm liên quan đến lí thuyết phê bình sinh thái; Thiết lập cơ sở khoa học của nghiên cứu mo Đẻ đất đẻ nước và các tác phẩm văn học Mường hiện đại từ góc nhìn phê bình sinh thái.

- Chỉ ra được những tập tục đậm nét văn hóa sinh thái của người Mường, mối quan hệ giữa Đẻ đất đẻ nước với Mo Mường, vị trí của Đẻ đất đẻ nước trong mo Mường để từ đó làm cơ sở cho việc phân tích cảm quan sinh thái trong áng sử thi này

- Hệ thống được những vấn đề chính trong cảm quan sinh thái của mo Đẻ đất đẻ nước: mối quan hệ giữa con người - tự nhiên - vũ trụ như những thông điệp về đạo đức sinh thái của mo Đẻ đất đẻ nước; những biểu tượng tiêu biểu của sử thi Đẻ đất đẻ nước mang cảm quan sinh thái...

- Phân tích được những biểu hiện cho thấy cảm quan sinh thái trong tác phẩm của một số cây bút Mường hiện đại: Từ việc coi thiên nhiên là đối tượng thẩm mĩ đặc biệt, mối quan hệ giữa thiên nhiên với những tập tục văn hóa đến những khắc khoải về nỗi đau sinh thái...

Luận án Cảm quan sinh thái trong văn học Mường (khảo sát qua mo Đẻ đất đẻ nước và các tác phẩm văn học hiện đại tiêu biểu của NCS Cao Thị Mai đã được hội đồng chấm thông qua với kết quả 6/6 phiếu tán thành. Hội đồng cũng quyết nghị đồng ý cho nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án ở cấp trường sau khi đã sửa chữa theo quyết nghị.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202307/Images/mai-3-20230713084450-e.jpg

Toàn cảnh buổi bảo vệ luận án.

Hội đồng đánh giá luận án của NCS Cao Thị Mai được thành lập theo quyết định số 1351/QĐ-ĐHHĐ, gồm:

1. PGS. TS Lê Tú Anh, Trường Đại học Hồng Đức, Chủ tịch hội đồng

2. PGS. TS Đỗ Lai Thúy, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Ủy viên phản biện 1

3. PGS. TS Trần Văn Toàn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ủy viên phản biện 2

4. PGS. TS Nguyễn Bích Thu, Viện Văn học, Ủy viên

5. PGS. TS Nguyễn Thanh Tú, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Ủy viên

6. TS. Vũ Thanh Hà, Trường Đại học Hồng Đức, Ủy viên

7. TS. Hoàng Thị Huệ, Trường Đại học Hồng Đức, Ủy viên, thư kí Hội đồng.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202307/Images/mai2-20230713084426-e.jpg

Các đại biểu và các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm cùng NCS.

Bộ môn Ngữ Văn

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN