24/08/2023
Đến dự buổi bảo vệ luận án của NCS Lưu Thị Thanh Thuỳ, về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS Lương Thị Kim Phượng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo sau đại học, các lãnh đạo và chuyên viên phòng Quản lý đào tạo sau đại học; về phía khoa Khoa học xã hội có PGS.TS Mai Văn Tùng và PGS.TS Lê Tú Anh - đại diện Ban chủ nhiệm khoa, vừa là cơ sở đào tạo, vừa là cơ quan công tác của NCS, các giảng viên bộ môn Ngữ văn, khoa Khoa học xã hội.
Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở của NCS Lưu Thị Thanh Thuỳ được thành lập theo quyết định số 1953/QĐ-ĐHHĐ ngày 27/7/2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, gồm:
1. PGS.TS Lê Thị Phượng, Trường Đại học Hồng Đức, Chủ tịch hội đồng
2. PGS.TS Nguyễn Quang Ninh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ủy viên phản biện 1
3. PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ủy viên phản biện 2
4. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học Giáo dục, Ủy viên
5. PGS.TS Trương Thị Bích, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên
6. TS. Phạm Thị Anh, Trường Đại học Hồng Đức, Ủy viên
7. TS. Vũ Thanh Hà, Trường Đại học Hồng Đức, Ủy viên thư kí hội đồng.
Hội đồng đánh giá cao chất lượng của luận án, đặc biệt những đóng góp của luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong việc nghiên cứu và giảng dạy chương trình Ngữ văn hiện nay trong nhà trường phổ thông. Tính cấp thiết của luận án được nêu rõ: Tư duy phản biện là một trong những năng lực cốt lõi của người công dân toàn cầu thế kỉ 21; vấn đề phát triển tư duy phản biện (TDPB) và những thành tố của năng lực tư duy phản cho học sinh Trung học phổ thông (THPT) đã được đề cập đến trong mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CTGDPTTT) và chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) môn Ngữ văn 2018; dạy học thơ trữ tình là môi trường thuận lợi để phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh THPT; năng lực tư duy phản biện của học sinh THPT hiện còn yếu và chưa được quan tâm hình thành, phát triển trong quá trình dạy học Ngữ văn…
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của đề tài, luận án đã có những đóng góp mới về lí luận và thực tiễn như: Bổ sung lí thuyết về cấu trúc, tiêu chí đánh giá năng lực TDPB của học sinh trong dạy học thơ trữ tình; bổ sung một số luận điểm mới về các yêu cầu và biện pháp phát triển năng lực TDPB cho học sinh THPT trong giờ dạy học thơ trữ tình; góp phần hoàn thiện hóa hệ thống lí thuyết dạy học thơ trữ tình ở nhà trường phổ thông; nâng cao hiệu quả dạy học thơ trữ tình, phát triển năng lực TDPB cho học sinh, phát triển năng lực tự học của học sinh; là tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong dạy học thơ trữ tình và phát triển năng lực TDPB cho học sinh ở nhà trường THPT; là tài liệu tham khảo trong đào tạo giáo viên Ngữ văn ở các trường sư phạm.
Luận án Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình ở trường Trung học phổ thông của NCS Lưu Thị Thanh Thuỳ đã được hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở thông qua. Hội đồng cũng quyết nghị đồng ý cho nghiên cứu sinh được chỉnh sửa và làm các thủ tục bảo vệ luận án ở cấp trường.
Một số hình ảnh buổi bảo vệ luận án cấp cơ sở của NCS Lưu Thị Thanh Thuỳ
Tin: Lê Nương, Ảnh: Vũ Hà