Tiếp nhận sách của nhà văn Nguyễn Văn Lưu và nhà thơ Anh Chi

21/06/2023

Sáng ngày 13/6/2023, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức tọa đàm, giới thiệu tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Văn Lưu và nhà thơ Anh Chi. Trong những ngày hè sắp kết thúc năm học, các thầy cô giáo và các em sinh viên Khoa Khoa học xã hội đã có một buổi giao lưu thật ý nghĩa. Tham dự chương trình có có nhà thơ, nhà nghiên cứu Đào Phụng – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thay mặt nhà văn Nguyễn Văn Lưu và nhà thơ Anh Chi trao sách cho trường Đại học Hồng Đức. Về phía Trường Đại học Hồng Đức có PGS.TS Hoàng Thị Mai – UVBTV Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo khoa Khoa học xã hội (KHXH), cán bộ giảng viên và đông đảo sinh viên trong khoa.

 

Nhà văn Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Lưu, sinh ra tại Trường Xuân, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Xuất thân từ nông dân nhưng ông đã lớn lên, trưởng thành qua nhiều môi trường: từng trải qua đời lính, đã được đào tạo chuyên sâu về Văn học (Cử nhân Văn học), đã có thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản… Trước khi về nghỉ hưu, ông giữ cương vị Giám đốc nhà xuất bản Văn học (2001-2005). Bút danh Chu Giang được nhiều người biết đến từ thập niên 90 của thế kỷ XX với nhiều bài viết sắc sảo, sau được nhà văn tập hợp thành cuốn Luận chiến văn chương (Quyển I) được nhận Giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996. Tiếp theo cuốn sách này, các quyển Luận chiến văn chương II, III, IV đều được nhận Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương. Qua các quyển Luận chiến văn chương của Chu Giang có thể nhận thấy ông quan tâm đến rất nhiều vấn đề của đời sống văn hóa - xã hội. Nói cách khác, đối tượng phê bình của ông rất phong phú: có khi là tác phẩm văn học, có khi là tác giả, thậm chí là nhà văn có tên tuổi lớn trên văn đàn, có khi là một vấn đề của văn học quá khứ, có khi là công trình nghiên cứu/chú giải văn học của các nhà nghiên cứu, thậm chí là những nhà nghiên cứu hàng đầu một lĩnh vực nào đó, có khi là một hội nghị/hội thảo văn học… Có nghĩa là có thể hình dung, Chu Giang thường trực một tư duy phản biện chứ không tiếp nhận một cách dễ dãi, thụ động các vấn đề/nhân vật/sự kiện liên quan đến văn học. Bên cạnh các vấn đề văn học, ông quan tâm đến cả văn hóa, giáo dục. Ông trân trọng và có cái nhìn biện chứng về các danh nhân văn hóa như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Trần Đức Thảo… Từ những trường hợp cụ thể, ông có những đề xuất đáng tham khảo về công việc biên soạn Văn học sử Việt Nam.

Nhà thơ Anh Chi tên thật là Lê Văn Sen, các bút danh: Anh Chi, Lưu Thuật Anh, sinh năm 1947 tại xóm Tân An nay là phố Tân An, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Anh Chi đã có thơ đăng báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Và chính những vần thơ đó đã khiến tên tuổi Anh Chi (Lê Văn Sen) nhận được sự chú ý. Năm 1972, nhà thơ Chế Lan Viên đã trực tiếp vào Thanh Hóa, gặp Bí thư thị ủy Hồ Văn Huấn xin cho anh công nhân Lê Văn Sen đi học lớp bồi dưỡng nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Quảng Bá. Để rồi kết thúc khóa học, ông chuyển từ nghề thợ sang hoạt động Văn học - Nghệ thuật chuyên nghiệp, trở thành một trong số những người thành lập Hội Văn nghệ tỉnh nhà. Năm 1978, Anh Chi đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I (cùng thế hệ các nhà văn chống Mỹ như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Lâm Thị Mỹ Dạ...). Kết thúc khóa học, lại một bước ngoặt nữa đến với cuộc đời Anh Chi: ông ở lại Hà Nội, công tác qua các cơ quan như: Nhà xuất bản Công an, báo Người Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn, làm cán bộ theo dõi bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho đến tận ngày nghỉ hưu năm 2007. Bên cạnh thơ, Anh Chi còn là nhà sưu tầm, khảo cứu, phê bình văn học rất có uy tín. Sưu tầm, khảo cứu là công việc đòi hỏi sự cẩn trọng, công phu. Ở địa hạt này, thành tựu đáng kể của ông là đã sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu các tác phẩm, tác giả được đăng tải trên tuần báo Tiểu thuyết thứ năm (xuất bản từ 1937 đến 1942): Công trình Tiểu thuyết thứ năm tác giả và tác phẩm, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002. Với công trình này, Anh Chi không chỉ thể hiện sự cẩn trọng, công phu, mà còn cả tâm huyết, sự trân trọng các giá trị văn học quá khứ của dân tộc. Chính nhờ công trình của Anh Chi, những người nghiên cứu văn học mới quan tâm nhiều hơn đến tuần báo này và mới biết đến nhiều sáng tác đầu thế kỷ XX - nhất là những sáng tác chưa được tập hợp thành sách và tái bản. Tại Trường Đại học Hồng Đức, tập sách của Anh Chi cũng đã được dùng làm tài liệu khảo sát chính của một Luận văn Thạc sĩ: đề tài “Văn chương trên tuần báo Tiểu thuyết thứ năm” của học viên Phạm Thị Hân (Người hướng dẫn: PGS.TS Lê Tú Anh). Với hơn 10 đầu sách ở lĩnh vực khảo cứu, phê bình văn học, Anh Chi được nhiều người biết đến với tư cách một nhà nghiên cứu có thái độ làm việc nghiêm túc, đáng tin cậy và có nhiều đóng góp cho đời sống học thuật.

Một số hình ảnh trong buổi giao lưu, tặng ấn phẩm

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202306/Images/nvl1-20230614094646-e.jpg

Nhà nghiên cứu Đào Phụng thay mặt nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lưu và nhà thơ Anh Chi trao tặng sách cho PGS.TS. Hoàng Thị Mai – UVBTV Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202306/Images/nvl2-20230614094646-e.jpg

Nhà nghiên cứu Đào Phụng thay mặt nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lưu và nhà thơ Anh Chi trao tặng sách cho cán bộ giảng viên khoa KHXH và sinh viên Trường Đại học Hồng Đức

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202306/Images/nvl4-20230614095649-e.jpg

PGS.TS. Hoàng Thị Mai – UVBTV Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

phát biểu tại buổi giao lưu

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202306/Images/nvl-ac-20230614094217-e.jpg

Nhà nghiên cứu Đào Phụng thay mặt nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Lưu và nhà thơ Anh Chi trao tặng sách cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức

 

BBT Website Khoa Khoa học xã hội

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN