Sinh hoạt chuyên môn học thuật thú vị về thanh điệu, phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ với GS.TS Andrea Hoa Pham

07/12/2023

Ngày 07 tháng 12 năm 2023, tại hội trường 302 Nhà điều hành, Trường Đại học Hồng Đức đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên môn học thuật về thanh điệu tiếng Việt và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ của GS.TS Andrea Hoa Pham,Trường Đại học Florida, Hoa Kỳ. Buổi sinh hoạt học thuật thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ giảng viên và người học (sinh viên, học viên cao học, NCS) của khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức; và cả các vị khách ở các đơn vị khác quan tâm đến chủ đề này.

 

GS.TS Andrea Hoa Pham quê gốc Quảng Nam, tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Toronto (Canada), hiện là giáo sư tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa – Viện đại học Florida (Hoa Kỳ). Cô là chuyên gia giảng dạy và nghiên cứu về Ngôn ngữ học, là tác giả của nhiều chuyên luận, trong đó có 2 công trình nghiên cứu về tiếng Việt mới được xuất bản ở Việt Nam là Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam (Nxb Đà Nẵng, 2022) và Thanh điệu Tiếng Việt một phân tích mới (Nxb Dân trí, 2023). Với những đóng góp cho khoa học, cô vinh dự được nhận Giải thưởng Giáo sư tiêu biểu của Đại học Florida giai đoạn 2021 - 2024.

 

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202312/Images/1-20231207103618-e.jpg

GS. TS Andrea Hoa Pham nhận hoa và quà tặng của Trường ĐH Hồng Đức, chụp ảnh lưu niệm với GV và SV tham dự.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202312/Images/4-20231207103632-e.jpg

GS. TS Andrea Hoa Pham tại buổi nói chuyện.

 

Tại buổi trao đổi, diễn giả Andrea Hoa Pham trình bày và trao đổi nội dung: Giọng Thanh Hóa trong tương quan với vần Quảng Nam và thanh điệu Bắc. Chuyên đề này nhằm hướng tới mục đích lí giải vì sao giọng Thanh Hóa là kho báu cho các nghiên cứu và phát triển vần của Tiếng Việt; đồng thời, trình bày luận điểm và chứng cớ cho rằng giọng Quảng Nam (và các giọng nói miền Nam khác) được hình thành trên các nền giọng Thanh Hóa, có thu nhận một số các yếu tố của giọng Hà Tĩnh. Diễn giả cũng dùng chất liệu giọng Quảng Nam, Thanh Hóa để lý giải vấn đề này. Diễn giả cũng trao đổi những vấn đề về thanh điệu: Dây thanh ở chất giọng thở, giọng khép, giọng kẹt... rất hấp dẫn, thuyết phục.

Media/2004_khxh.hdu.edu.vn/FolderFunc/202312/Images/3-20231207103622-e.jpg

Các cử toạ tại buổi nói chuyện, giao lưu.

 

Rất nhiều vấn đề thú vị về âm điệu mà trong quá trình điền dã, nghiên cứu ở Thọ Xuân, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), Hà Tĩnh... giáo sư đã phân tích những sự chuyển biến âm điệu trong ngôn ngữ. Buổi sinh hoạt cũng diễn sôi nổi bởi những tràng pháo tay, trận cười bởi phương ngữ các vùng, những ý kiến trao đổi của cán bộ giảng viên, sinh viên... tạo nên một không khí học thuật vừa chuyên nghiệp, vừa cởi mở.

 

Buổi sinh hoạt chuyên môn học thuật chuyên sâu về ngôn ngữ học đã bổ sung, cập nhật những kiến thức ngôn ngữ về các vùng miền trong cả nước, trong đó có Thanh Hóa và một số phương pháp nghiên cứu phương ngữ. Đây cũng là môi trường trao đổi học thuật chất lượng. Hy vọng, sự kiện này sẽ góp phần khơi gợi những nghiên cứu mới, những hợp tác nghiên cứu giữa giảng viên khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức với GS.TS Andrea Hoa Pham cùng các cộng sự của cô.

Tin, bài: BBT Website khoa KHXH

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN