Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh Thanh Hóa: Thực trạng và giải pháp

02/12/2021

Cơ cấu cây trồng (CCCT) là một bộ phận của cơ cấu nông nghiệp và cũng là bộ phận của cơ cấu nền kinh tế. Chuyển đổi CCCT là một đặc điểm cơ bản trong quá trình phát triển nông nghiệp, là xu thế tất yếu và khách quan. Thanh Hoá là tỉnh có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp do sự đa dạng về tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và các nhân tố kinh tế xã hội (KTXH). Sau gần 7 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã có sự chuyển biến rất rõ rệt, trong đó đáng kể là những đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bằng việc lựa chọn, sử dụng các chỉ tiêu đánh giá mức độ chuyển đổi; bài báo trình bày kết quả nghiên cứu về thực trạng chuyển đổi CCCT ở tỉnh Thanh Hóa, từ đó đề xuất giải pháp phát triển ngành trồng trọt đạt hiệu quả cao hơn, hướng đến mục tiêu xây dựng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

 

 

TS. Đào Thanh Xuân, Trường Đại học Hồng Đức

 

 

Abstract

Crops structure is a part of agricultural structure as well as economic structure. Crops structure transformation is a basic characteristic of agricultural development and indispensable and objective trend. Thanh Hoa province has favorable conditions for agricultural development based on diversification of natural resources and socio-economic conditions. After nearly 7 years of restructuring, Thanh Hoa’s agriculture has had a significant change, including breakthroughs in crop structure transformation. By selecting and using evaluation criteria of transformation level, the paper presents the study results about the status quo of crops structure transformation in Thanh Hoa province, from which proposing solutions to develop the crop industry with higher efficiency, aiming to build a smart agriculture that adapt to climate change, increase surplus value and develop sustainably.

Keywords: transformation, crops structure, Thanh Hoa

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cơ cấu cây trồng đã được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau; dưới góc độ sinh thái nông nghiệp, CCCT được nghiên cứu gắn với “hệ thống cây trồng”, “hệ thống trồng trọt”, hay “hệ thống canh tác”. Dưới góc độ địa lí học, CCCT là cơ cấu của ngành trồng trọt gắn với những nghiên cứu về phát triển nông nghiệp và tổ chức lãnh thổ nông nghiệp. Về mặt kỹ thuật, CCCT là yếu tố cơ bản nhất của “chế độ canh tác”, là biện pháp kinh tế - kỹ thuật rất quan trọng để sử dụng hợp lí các điều kiện tự nhiên, KTXH của lãnh thổ [7]. Do đó, nghiên cứu về CCCT là rất cần thiết nếu muốn xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa có năng suất cao và bền vững.

Thanh Hóa là tỉnh có nền kinh tế đặc trưng vẫn là nông nghiệp với đóng góp của lĩnh vực này vẫn còn 12,72% GRDP (2018). Trong cơ cấu nông nghiệp, trồng trọt giữ vị trí chủ đạo chiếm tới 65,3% giá trị sản xuất, tuy nhiên ngành kinh tế này đang phát triển chủ yếu dựa vào lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, chi phí sản xuất thấp, xét về lâu dài đó là sự phát triển thiếu bền vững. Chuyển đổi CCCT là giải pháp quan trọng cả về trước mắt và lâu dài để ngành trồng trọt chống chọi với những thách thức lớn như: chi phí sản xuất sẽ tăng nhanh do bị cạnh tranh về lao động, tài nguyên đất, tài nguyên nước với quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ; giá nông sản biến động mạnh, thị trường các loại nông sản truyền thống co hẹp, rào cản về thương mại, thiên tai.

2. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Dữ liệu: Nguồn dữ liệu của bài báo được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là dữ liệu thứ cấp từ các loại sách chuyên khảo, đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo; đặc biệt là từ các báo cáo sản xuất, quy hoạch phát triển, kết quả điều tra từ các cơ quan ban ngành như: Cục thống kê Thanh Hóa, Sở NN và PTNN tỉnh Thanh Hóa.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập, xử lý tài liệu: Nguồn dữ liệu của bài báo được thu thập chủ yếu từ dữ liệu thứ cấp; trên cơ sở đó tác giả vừa kế thừa, vừa phát hiện các vấn đề mới, những vấn đề chưa được giải quyết.

- Phương pháp thống kê, toán học: Hệ thống số liệu về cây trồng trong SXNN của tỉnh Thanh Hóa được thống kê một cách đầy đủ chi tiết được công bố chính thống từ Tổng cục thống kê Việt Nam, Cục thống kê Thanh Hóa, Sở NN&PTNT Thanh Hóa, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Viện Chính sách Nông nghiệp...  Số liệu thống kê được tác giả tổng hợp, xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel. Trên cơ sở đó, tác giả lập các bảng biểu định lượng, tính toán thành chỉ tiêu được đề cập đến trong bài báo.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh: trên cơ sở số liệu, tài liệu đã có từ phương pháp thu thập, xử lý tài liệu, tác giả sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp so sánh để làm rõ đặc điểm của chuyển đổi CCCT ở tỉnh Thanh Hóa, làm rõ sự khác biệt theo không gian và thời gian của vấn đề nghiên cứu

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp

Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp có liên quan chặt chẽ đối với chuyển đổi CCCT; dẫn đến sự biến động diện tích gieo trồng (DTGT) của các nhóm cây, loại cây trong từng giai đoạn. Tính đến năm 2018, diện tích đất đã được đưa vào sử dụng ở Thanh Hóa là 1.076,96 nghìn ha chiếm 96,9% diện tích tự nhiên, đất chưa sử dụng chỉ còn 34,5 nghìn ha, chiếm tỷ lệ 3,1%. Như vậy, sau gần 20 năm Thanh Hóa đã đưa vào sử dụng 324,393 nghìn ha vào các mục đích phát triển KTXH, trong đó chủ yếu là tăng diện tích đất nông nghiệp với quy mô 244,46 nghìn ha và tăng đất lâm nghiệp thêm 214,3 nghìn ha. Đến năm 2018, trong cơ cấu sử dụng đất ở Thanh Hóa, đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp vẫn có quy mô lớn nhất với 909,766 nghìn ha chiếm 81,86% diện tích tự nhiên toàn tỉnh (năm 2000 chỉ chiếm 59,9%), nhóm đất phi nông nghiệp chiếm 15,04%, tăng so với năm 2000 là 7,24 điểm phần trăm.

Trong cơ cấu đất nông nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng diện tích, chiếm tỷ trọng 27,2% (năm 2018), tuy nhiên, tỷ trọng lại có xu hướng giảm dần so với năm 2000 (33,8%) do sự tăng nhanh hơn của đất lâm nghiệp và các loại đất khác. Sự biến động đất sản xuất nông nghiệp diễn ra khác nhau trong từng loại đất, ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích và khả năng chuyển đổi các loại cây trồng.

Bảng 1. Biến động diện tích đất và cơ cấu diện tích đất  phân theo mục đích sử dụng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2000 - 2018

Mục đích sử dụng đất

2000

2005

2018

 
 

 

ha

%

ha

%

ha

%

 

Tổng diện tích tự nhiên

1.110.600

100

1.113.623

100,0

1.111.465

100,0

 

1. Đất nông nghiệp

665.300

59,9

810.612

72.8

909.966

81.9

 

1.1. Đất SXNN

224.800

20,2

245.367

22.0

247.463

22.3

 

1.1.1.Đất trồng cây hàng năm

203.700

18,3

218.780

19.6

204.034

18.4

 

1.1.1.1.Đất trồng lúa

149.529

13,5

149.528

13.4

144.075

13.0

 

1.1.1.2.Đất cỏ dùng vào chăn nuôi

6.800

0,6

3.978

0.4

-

0.0

 

1.1.1.3.Đất cây hàng năm khác

47.350

4,3

65.274

5.9

59.959

5.4

 

1.1.2. Đất trồng cây lâu năm

1.2. Đất lâm nghiệp

1.3. Đất nuôi trồng thủy sản

1.4. Đất làm muối

1.5.Đất nông nghiệp khác

2. Đất  phi nông nghiệp

3. Đất chưa sử dụng

21.061

431.100

8.400

500

600

86.404

358.896

1,9

38,8

0,8

0,0

0,1

7,8

32,3

26.588

553.999

10.157

415

674

148.126

154.884

2,4

49,7

1,2

0

0,3

13,3

13,9

43.429

645.409

13.559

297

3038

167.196

34.503

3,9

58,1

1,2

0

0,3

15,0

3,1

 

                                                                        (Nguồn: Tính toán và xử lý từ [2][3][8])

- Đối với nhóm đất trồng cây hàng năm: bao gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác (CCN hàng năm, màu lương thực, rau đậu,…) và đất cỏ dùng vào chăn nuôi. Tỷ lệ diện tích đất trồng lúa mặc dù cao nhất nhưng có xu hướng giảm rõ rệt, tỷ lệ đất trồng cây hàng năm khác tăng lên, tỷ lệ đất cỏ dùng vào chăn nuôi giảm mạnh;

+ Diện tích đất trồng lúa: Đất trồng lúa giảm mạnh trong giai đoạn 2000 – 2018, trong đó chủ yếu giảm ở giai đoạn 2005 - 2013 (tới 3.860ha). Nguyên nhân bao gồm việc thu hồi chuyển đổi đất trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp (đất ở, đất chuyên dùng), tình trạng này diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh; mạnh nhất ở TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Tĩnh Gia, TP Sầm Sơn và một số huyện đồng bằng ven biển như Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa. Đồng thời, đất lúa chuyển đổi sang đất trồng các cây hàng năm khác. Đất trồng lúa giảm còn do thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh theo quy hoạch chung của cả nước.

Đất trồng lúa chuyển đổi trong nội bộ trong đất SXNN bao gồm: đất trồng lúa năng suất thấp (chân ruộng trũng) tại các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia được chuyển sang nuôi trồng thủy sản; một số diện tích lúa năng suất thấp do điều kiện thủy lợi không thuận lợi ở các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn chuyển sang trồng màu, CCN hàng năm. Ở các huyện miền núi Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân có một số diện tích lúa nương cũng được chuyển sang trồng màu, CCN hàng năm, cây lâu năm; đồng thời cũng có một số diện tích đất lúa nương rẫy không hiệu quả chuyển sang đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cũng đã có hơn 4.400 ha diện tích đất lúa tăng thêm ở miền núi và đồng bằng do quá trình khai hoang, phục hóa và chủ động thủy lợi, chuyển đất cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản sang trồng lúa. Trên thực tế, diện tích lúa tăng thêm ít hơn nhiều so với diện tích lúa giảm.

+ Đất trồng cây hàng năm khác bao gồm đất trồng CCN hàng năm, đất trồng màu lương thực và cây thực phẩm. Trong giai đoạn 2000-2018, diện tích đất cây hàng năm ở Thanh Hóa đã mở rộng đáng kể; chủ yếu diễn ra ở các huyện miền núi, do khai hoang phục hóa, chuyển từ đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm thành đất trồng CCN hàng năm. Ngoài ra, loại đất này còn tăng do chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả và đất đồng cỏ chăn nuôi. Một xu hướng khác là đất cây hàng năm cũng giảm do chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, đất lúa và đất trồng cây lâu năm.

- Đất trồng cây lâu năm bao gồm đất trồng CCN lâu năm và cây ăn quả có xu thế tăng ổn định trong cả thời kỳ. Diện tích nhóm đất này đã tăng từ 21,0 nghìn ha năm 2000 lên 43,4 nghìn ha năm 2018, tỷ trọng trong diện tích đất SXNN đã tăng từ 9,4% năm 2000 lên 17,5% năm 2018. Đất trồng cây lâu năm chủ yếu tăng ở các huyện miền núi như: Cẩm Thủy, Thường Xuân,Thạch Thành, Bá Thước, Như Xuân,… và chủ yếu là tăng diện tích trồng cao su.

Tóm lại, giai đoạn 2000 – 2018, diện tích đất SXNN của tỉnh Thanh Hóa đã có sự biến động lớn với xu hướng chung là giảm diện tích đất trồng lúa, đất cỏ dùng cho chăn nuôi, tăng diện tích đất trồng CCN hàng năm, đất trồng màu và đất trồng cây lâu năm. Sự biến động trong sử dụng đất SXNN gắn liền với các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp như xây dựng vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, phát triển kinh tế trang trại. Sự phát triển đô thị, các khu công nghiệp tập trung, các công trình cơ sở hạ tầng lại dẫn đến việc thu hồi diện tích khá lớn đất SXNN, trong đó phải kể đến đất lúa và đất trồng cây hàng năm khác.

3.2. Chuyển đổi cơ cấu diện tích cây trồng theo nhóm cây

Thanh Hóa là tỉnh có DTGT lớn, năm 2018 đạt 439,4 nghìn ha, dẫn đầu vùng kinh tế BTB với tỷ lệ chiếm 35,6% DTGT của vùng. Trong đó, diện tích cây hàng năm tăng lên từ 418,4 nghìn ha năm 2000 lên 419,8 nghìn ha năm 2018; cùng kỳ diện tích cây lâu năm có xu hướng giảm (từ 34,5 nghìn ha xuống còn 19,6 nghìn ha) [2].

Như vậy, trong CCCT của tỉnh giai đoạn 2000 – 2018, tập đoàn cây hàng năm giữ vị trí chủ đạo với tỷ trọng chiếm 92 – 95% DTGT trong khi cây lâu năm chỉ chiếm từ 7 – 8% DTGT.  Điều đó cho thấy, đặc điểm ngành trồng trọt ở tỉnh Thanh Hóa được quyết định bởi cây hàng năm và chuyển đổi CCCT cũng diễn ra chủ yếu là ở nhóm cây trồng này.

Sự chênh lệnh về quy mô DTGT giữa cây hàng năm và cây lâu năm ở tỉnh Thanh Hóa bị chi phối bởi những đặc thù về điều kiện tự nhiên và đặc điểm sản xuất, đặc điểm kinh tế kỹ thuật của 2 nhóm cây này. Mặc dù ¾ địa hình Thanh Hóa là đồi núi thích hợp để trồng cây lâu năm nhưng về khí hậu thì một số yếu tố thời tiết lại hạn chế khả năng sinh trưởng và phát triển của nhóm cây này, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan như: rét đậm, rét hại, sương muối sương giá, bão, gió phơn,.... Chính nhân tố này đã hạn chế khả năng mở rộng quy mô CCN lâu năm của tỉnh Thanh Hóa, ngoài cây cao su, thì trong tỉnh không có sự phát triển của cà phê, hồ tiêu, điều và chè – những cây trồng có GTKT cao.Về mặt kỹ thuật sản xuất thì trồng cây lâu năm yêu cầu khắt khe về kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, thời gian kiến thiết cơ bản dài (3 – 7 năm), yêu cầu vốn đầu tư lớn, đầu tư thâm canh cao, chỉ phù hợp với nông hộ có thu nhập khá trở lên; trong khi phần lớn nông hộ miền núi Thanh Hóa có thu nhập thấp. Ngược lại, tập đoàn cây trồng hàng năm ở Thanh Hóa rất đa dạng, có mặt hầu hết các loại cây trồng, trong đó thế mạnh là lúa, ngô, rau thực phẩm, mía, lạc, sắn, đậu tương và cói. Đặc điểm chung của nhóm cây hàng năm là có khả năng thích nghi sinh thái rộng, dễ thâm canh, luân canh, tăng vụ, chi phí sản xuất thấp, quay vòng nhanh, nhiều sản phẩm tiêu thụ thuận lợi nhờ thị trường tại chỗ, phục vụ xuất khẩu; đặc biệt một số cây hàng năm ở Thanh Hóa có các ngành công nghiệp chế biến hỗ trợ như: công nghiệp sản xuất đường, công nghiệp chế biến tinh bột sắn, công nghiệp chế biến thực phẩm,... Dựa vào những ưu thế này lý giải tại sao nhóm cây hàng năm khá ổn định và dễ dàng trong công tác chuyển đổi hơn.

3.3. Chuyển đổi cơ cấu diện tích cây trồng theo lãnh thổ

Lãnh thổ Thanh Hóa có sự phân dị rõ rệt về điều kiện tự nhiên, điều kiện KT-XH, vì vậy mà nông nghiệp Thanh Hóa phân hóa thành 3 vùng sinh thái: vùng đồng bằng, vùng ven biển và vùng miền núi với những đặc điểm khác biệt về CCCT và xu thế chuyển đổi CCCT.

3.3.1.Chuyển đổi CCCT vùng đồng bằng

Vùng đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa gồm 10 huyện thị (TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, Yên Định, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Hà Trung) có diện tích tự nhiên là 1.905 km2, chiếm 17,1% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đây là vùng kinh tế phát triển năng động, đầu tàu tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh (11,7%/năm giai đoạn 2010 – 2015), đóng góp tới 60% vào GDP của tỉnh [8]. Trong vùng đã hình thành các vùng chuyên canh, vùng thâm canh lúa, vùng rau thực phẩm phục vụ xuất khẩu, vùng mía nguyên liệu năng suất cao. Vùng có lợi thế trong phá triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, do có địa hình bằng phẳng, đất phù sa sông màu mỡ, dân cư đông đúc, nguồn nhân lực có trình độ cao, kết cấu hạ tầng phát triển.

Bảng 2. Cơ cấu DTGT vùng đồng bằng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2000 – 201

(Đơn vị: %)

 

 

Tỷ trọng DTGT

Tăng(+), giảm (-) tỷ trọng DTGT

2000

2005

2010

2018

2000 – 2005

2005 – 2010

2010 - 2018

Cây hàng năm

95,50

95,76

95,7

97,1

+0,26

-0,06

+1,4

Lúa

71,89

67,48

70,02

67,8

-4,41

+2,54

-2,22

Ngô

11,09

13,20

8,78

7,05

+2,11

-4,42

-1,73

Khoai lang

4,46

3,25

2,10

1,2

-1,21

-1,15

-0,9

Sắn

0,38

0,45

0,71

0,4

+0,07

+0,26

-0,31

Rau đậu thực phẩm

5,35

7,79

8,56

11,5

+2,44

+0,77

+2,94

Mía

4,30

4,58

4,48

4,1

+0,28

-0,1

-0,38

Lạc

1,47

1,61

1,16

1,3

+0,14

-0,45

+0,14

Đậu tương

0,67

1,12

1,95

4,0

+0,45

+0,83

+2,05

Vừng

0,19

0,17

0,19

0,12

-0,02

+0,02

-0,07

Cói

0,16

0,36

0,37

0,4

+0,2

+0,01

+0,03

Cây lâu năm

4,50

4,24

4,3

2,9 

-0,26

+0,06

-1,4

                                                            (Nguồn: Tính toán và xử lý từ [2][3][8])

Trong CCCT vùng đồng bằng, cây hàng năm giữ vai trò chủ lực chiếm 95 – 97% DTGT toàn vùng, cây lâu năm không đáng kể với tỷ lệ khiêm tốn và ít chuyển đổi. Nhóm CLT chiếm ưu thế nhất, tiếp theo là nhóm rau đậu thực phẩm; trong nhóm CCN hàng năm, lợi thế thuộc về mía và đậu tương; diện tích lạc, vừng, cói không đáng kể.

Trong giai đoạn 2000 – 2018, tỷ lệ diện tích CLT trong CCCT của vùng đồng bằng có xu hướng giảm mạnh, trong đó giảm mạnh nhất là khoai lang, tiếp đến là ngô và lúa. Ba loại cây này đã giảm 11,4 điểm % so với năm 2000. Ngược lại tỷ trọng diện tích cây rau đậu thực phẩm đã tăng nhanh từ 5,35% năm 2000 lên 11,5% năm 2018; CCN hàng năm là đậu tương và mía cũng chuyển đổi theo xu hướng tăng lên.

Vùng đồng bằng có điều kiện tự nhiên tương đối đồng nhất về địa hình, khí hậu, đất đai; ít phân hóa và khác biệt giữa các tiểu vùng, các huyện trong nội vùng nên hoạt động trồng trọt và canh tác cũng kém đa dạng. Vùng đạt được tính chuyên môn hóa cao với sự tập trung sản xuất lúa và rau thực phẩm; các cây trồng khác (sắn, cao su, cây ăn quả,…) không đáng kể. Về phân bố, do lợi thế về nguồn lực sản xuất, các loại cây trồng được bố trí sản xuất tập trung cao độ, theo hướng hình thành các vùng chuyên canh, vùng thâm canh sản xuất hàng hóa; do đó, tính chuyên môn hóa của vùng cũng đạt được cao nhất. Trong quá trình chuyển đổi, hầu hết các huyện đồng bằng đạt được xu hướng chung là chuyển đổi theo hướng chuyên môn hóa cao độ, đa dạng trong luân canh và cơ cấu mùa vụ.

Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, trình độ phát triển KT-XH cao, trình độ thâm canh vượt trội so với hai vùng còn lại, nên chuyển đổi CCCT ở vùng cũng đạt được kết quả và hiệu quả cao hơn. Năng suất, sản lượng và giá trị của các loại cây trồng đều tăng lên và cao hơn mức trung bình của tỉnh. Đặc điểm chuyển đổi CCCT của vùng không nằm ở việc mở rộng diện tích canh tác mà chủ yếu là tăng DTGT dựa vào chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và công thức luân canh. Mô hình chuyển đổi ở đây chủ yếu là trên đất lúa với chuyển đổi từ sản xuất 2 vụ lên 3 - 4 vụ/năm, công thức luân canh phổ biến là 2 lúa – 1 vụ đông, 3 – 4 vụ rau màu/năm. Ngoài ra, vùng đạt được một số mô hình chuyển đổi mang lại HQKT cao như chuyển đổi từ lúa và màu lương thực (ngô, khoai lang) sang trồng rau thực phẩm xuất khẩu (ớt, ngô ngọt, dưa bao tử, cà chua, rau các loại,…), chủ yếu ở huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn; hoặc mô hình chuyển đổi từ lúa sang trồng hoa, cây cảnh ở TP Thanh Hóa, Thiệu Hóa.

Xu hướng chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa thể hiện khá rõ ở vùng đồng bằng, đã hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung:

+ Vùng chuyên canh sản xuất lúa năng suất cao tập trung ở các huyện: Triệu Sơn, Nông Cống, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hoá, Thọ Xuân , Đông Sơn.

+ Vùng sản xuất rau thực phẩm chế biến xuất khẩu ở các huyện: Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Đông Sơn, Triệu Sơn, Yên Định.

+ Vùng sản xuất hoa, cây cảnh: tập trung ở vùng ven khu đô thị, khu công nghiệp tập trung thuộc huyện Đông Sơn, Thiệu  Hóa, TP Thanh Hóa

Hạn chế trong chuyển đổi CCCT của vùng là tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất SXNN diễn ra trên quy mô lớn. Trong đó chủ yếu là chuyển từ đất trồng lúa sang đất ở, đất chuyên dùng. Đất SXNN bị thu hẹp, thậm chí bị bỏ hóa ở nhiều nơi do chờ quy hoạch, nhiều hệ thống thủy lợi bị lãng phí. Nhìn chung, quy mô chuyển đổi còn nhỏ, các vùng chuyên canh chưa có sự đầu tư phát triển đồng bộ, đã xuất hiện hiện tượng ô nhiễm môi trường đất, nước do thâm canh cao.

3.3.2. Chuyển đổi CCCT vùng ven biển

Vùng ven biển bao gồm 6 huyện, thị xã bao gồm: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia. Vùng có tổng diện tích tự nhiên là 1.180,77 km2, chiếm 10,6% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Về quy mô kinh tế, vùng này đóng góp 25% GDP tỉnh Thanh Hóa [8]. Đây là vùng có nhiều lợi thế về thủy sản, nhưng cũng có tiềm năng phát triển trồng trọt với thế mạnh là chuyên canh lúa, rau đậu, các loại CCN hàng năm như lạc, cói, vừng.

Bảng 3. Cơ cấu DTGT vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2000 – 2018

(Đơn vị:%)

Các nhóm cây/loại cây

Tỷ trọng DTGT

Tăng(+), giảm (-) tỷ trọng DTGT

2000

2005

2010

2018

2000 – 2005

2005 – 2010

2010-2018

Cây hàng năm

97,46

97,32

97,34

98,6

-0,14

+0,02

+1,26

Lúa

63,62

56,75

60,28

58,5

-6,87

+3,53

-1,78

Ngô

6,23

11,65

8,90

9,2

+5,42

-2,75

 0,3

Khoai lang

9,90

5,28

4,05

2,5

-4,62

-1,23

-1,55

Sắn

0,14

0,08

0,15

0,2

-0,06

+0,07

+0,05

Rau đậu thực phẩm

6,58

7,89

10,12

11,9

+1,31

+2,23

+1,78

Mía

0,43

0,25

0,29

0,5

-0,18

+0,04

+0,21

Lạc

7,33

10,51

9,21

9,7

+3,18

-1,3

+0,49

Đậu tương

0,22

1,40

0,50

1,5

+1,18

-0,9

+1,0

Vừng

2,01

1,67

2,08

1,56

-0,34

+0,41

-0,52

Cói

2,98

3,95

3,30

3,8

+0,97

-0,65

+0,5

Cây lâu năm

2,54

2,68

2,66

1,4

+0,14

-0,02

-1,26

                                                            (Nguồn: Tính toán và xử lý từ [2][3][8])

Trong giai đoạn 2000-2018, CCCT của vùng ven biển chuyển đổi theo hướng: ổn định diện tích CLT, tăng diện tích các loại cây trồng có GTKT cao, hình thành các vùng sản xuất rau thực phẩm xuất khẩu (ớt, dưa chuột, ngô ngọt, khoai tây,...) gắn với các NMCB thực phẩm, hình thành vùng sản xuất rau an toàn phục vụ nhu cầu của tỉnh và xuất khẩu.

So với vùng đồng bằng, tốc độ chuyển đổi CCCT vùng ven biển đạt được nhanh hơn và tích cực hơn, đặc biệt là sự tăng tỷ trọng của nhóm rau đậu thực phẩm, ngô và một số CCN hàng năm. Tỷ trọng diện tích rau đậu thực phẩm tăng liên tục từ 6,58% lên 11,9%, ngô từ 6,23% lên 9,2%; lạc từ 7,3% lên 9,7%. Riêng khoai lang giảm mạnh nhường đất cho các cây trồng trên; diện tích lúa cũng có xu hướng giảm từ 63,6% xuống 58,5% do chuyển đổi sang trồng rau màu, CCN hằng năm và nuôi trồng thủy sản.

vùng ven biển, CCCT đang chuyển đổi theo xu hướng hình thành vùng sản xuất tập trung rau thực phẩm xuất khẩu với các sản phẩm như: Ớt, dưa bao tử, ngô ngọt, cà chua,… ở Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương; vùng lạc, đay, cói xuất khẩu tập trung ở tiểu vùng phía đông thuộc Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia; vùng lúa chất lượng cao tập trung ở tiểu vùng phía tây. Tuy nhiên quy mô vùng chuyên canh còn nhỏ và biến động do chuyển đổi đất SXNN sang đất chuyên dùng (ở khu kinh tế Nghi Sơn – huyện Tĩnh Gia, mở rộng địa giới TP Thanh Hóa sang huyện Hoằng Hóa và Quảng Xương)

Khó khăn trong chuyển đổi của vùng là tình trạng nhiễm mặn vào mùa khô diễn ra hầu hết ở các huyện ven biển, nhất là ở huyện Nga Sơn và Tĩnh Gia, gây khó khăn cho canh tác lúa và nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, trong điều kiện cho phép, có thể là cơ hội để chuyển đổi sang mô hình canh tác khác có HQKT cao hơn (chẳng hạn như nuôi trồng thủy sản).

3.3.3. Chuyển đổi CCCT vùng miền núi

Đây là vùng có diện tích rộng lớn bao gồm 11 huyện: Thạch Thành, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát, Quan Sơn, Cẩm Thủy với quy mô 7794,30 km2 chiếm 71,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đóng góp 14,5% GDP của tỉnh [8]. Thế mạnh của vùng núi Thanh Hóa trong phát triển nông nghiệp là trồng CCN, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc và kinh tế rừng. Đây là vùng nguyên liệu mía, vùng cao su, vùng sắn, vùng dứa, vùng cây ăn quả lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Bảng 4. Cơ cấu DTGT vùng miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2000 – 2018

                                                                                                            (Đơn vị: %)

Các nhóm cây/loại cây

Tỷ trọng DTGT

Tăng(+), giảm (-) tỷ trọng DTGT

2000

2005

2010

2018

2000 – 2005

2005 – 2010

2010-2018

Cây hàng năm

83,97

85,20

87,28

85,3

+1,23

+2,08

-1,98

Lúa

44,74

40,83

40,06

36,8

-3,91

-0,77

-3,26

Ngô

15,84

19,76

20,53

19,5

+3,92

+0,77

-1,03

Khoai lang

4,20

2,89

2,23

1,5

-1,31

-0,66

-0,73

Sắn

9,37

10,84

10,27

10,6

+1,47

-0,57

+ 0,33

Rau đậu thực phẩm

4,63

5,01

6,77

8,5

+0,38

+1,76

+1,73

Mía

16,96

16,61

15,98

20,6

-0,35

-0,63

+4,62

Lạc

2,67

2,14

1,79

0,6

-0,53

-0,35

-1,19

Đậu tương

1,01

1,36

1,28

0,8

+0,35

-0,08

-0,48

Vừng

0,59

0,56

0,53

0,2

-0,03

-0,03

-0,33

Cây lâu năm

16,03

14,80

12,72

14,7

-1,23

-2,08

+1,98

- Cao su

20,8

23,52

48,92

72,7

+2,72

+25,4

+23,78

                                                            (Nguồn: Tính toán và xử lý từ [2][3][8])

So với vùng đồng bằng và ven biển, CCCT của vùng núi có đặc điểm đa dạng và cân đối hơn, tỷ lệ diện tích cây lâu năm chiếm từ 13 – 16% DTGT, cao hơn nhiều so với 2 - 4% của vùng đồng bằng và ven biển. Điều này được quyết định bởi đặc điểm điều kiện tự nhiên của vùng, với quy mô diện tích lớn, địa hình đồi thấp, thoải, đất feralit đỏ vàng, thích hợp trồng màu lương thực (ngô, sắn), CCN lâu năm và CCN hàng năm. Tuy nhiên, CCCT này vẫn chưa khai thác được thế mạnh trồng cây lâu năm do những hạn chế về điều kiện khí hậu, cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động.

Trong giai đoạn 2000 – 2018, chuyển đổi CCCT của vùng núi Thanh Hóa cũng đạt được những xu hướng khá tích cực. Diện tích lúa có chiều hướng giảm và giữ ổn định với tỷ lệ chiếm khoảng 35-40% DTGT, chủ yếu là để đảm bảo tự túc lương thực cho vùng, không hướng đến sản xuất hàng hóa; lúa được trồng nhiều ở huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc và Như Thanh. Các loại CCN hàng năm như lạc, đậu tương, vừng và rau đậu thực phẩm được trồng rải rác với quy mô nhỏ, chủ yếu để tận dụng đất đai, phục vụ nhu cầu thị trường địa phương. Riêng tập đoàn cây nguyên liệu bao gồm sắn, mía, cao su và ngô, chiếm tỷ lệ lớn và có xu hướng tăng lên trong cơ cấu DTGT. Chuyển đổi CCCT của vùng đạt được kết quả tốt nhờ việc thực hiện chuyển đổi trên đất lúa, chủ yếu là đất lúa khó tưới, lúa 1 vụ (lúa mùa), lúa nương sang trồng ngô, sắn, mía và cây ăn quả; trường hợp này chủ yếu diễn ra ở huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân. Ngoài ra, để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, CCCT của vùng có sự chuyển đổi nội bộ khá phức tạp (mía sang sắn, sắn sang mía, mía sang ngô, mía sang cao su, đất rừng sang cao su...); có tính chất không ổn định theo từng năm; phụ thuộc vào việc thu mua nguyên liệu của các NMCB nông sản. Các huyện Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy... đều diễn ra tình trạng trên.

Vấn đề khó khăn trong chuyển đổi CCCT ở vùng núi Thanh Hóa là hệ thống thủy lợi chưa phát triển, đặc biệt là tưới; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, tập quán canh tác lạc hậu cũng như trình độ lao động nông nghiệp thấp. Do đó, trong quá trình chuyển đổi ở khu vực này, rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh về vốn, kỹ thuật canh tác, thị trường đầu ra. Đồng thời cần tăng cường khuyến khích thu hút đầu tư của tư nhân vào địa bàn này.

3.5. Đề xuất một số giải pháp chuyển đổi CCCT ở tỉnh Thanh Hóa

- Giải pháp về quy hoạch sản xuất chuyển đổi CCCT: Để chuyển đổi CCCT thuận lợi và thành công, tỉnh Thanh Hóa cần hoàn thành việc lập quy hoạch chuyển đổi cụ thể cho từng loại cây trồng, từng vùng sản xuất; cần tập trung rà soát, bổ sung và điều chỉnh kịp thời để phù hợp với tái cơ cấu trong thời kỳ mới. cần phối hợp tăng cường quản lý chặt chẽ công tác thực hiện quy hoạch, kiểm tra tiến độ định kỳ, quy hoạch cần phải được công bố công khai đến các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

- Giải pháp về quản lý và sử dụng đất trong quá trình chuyển đổi CCCT: tiếp tục đẩy mạnh “dồn điền đổi thửa”, khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Tăng cường quản lý về đất đai, kiểm tra giám sát việc sử dụng đất. Đặc biệt, việc giao đất cho nông dân, nếu không sử dụng phải thu hồi, không để tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ hoang không thực hiện sản xuất dẫn đến lãng phí tài nguyên. Trong khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Giải pháp về thị trường: Giải quyết tốt đầu ra của sản phẩm là động lực quan trọng để chuyển đổi CCCT thành công. Trong xu thế phát triển hiện nay, Thanh Hóa đã xác định các sản phẩm có lợi thế, cần tập trung mở rộng thị trường cho các sản phẩm này. Đặc biệt đối với một số sản phẩm xuất khẩu, cần có giải pháp bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất. Đối với vùng nguyên liệu, các nhà máy, doanh nghiệp cần bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng, đối với các sản phẩm hàng hóa cần có thông tin kịp thời, hỗ trợ mở rộng quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Phần lớn nông sản phẩm Thanh Hóa được xác định tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh là chủ yếu, tuy nhiên cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt ngay tại sân nhà.

- Giải pháp về đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức SXNN: Thực thi các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác; các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, HTX, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hoá lớn. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm (từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ), trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Khuyến khích phát triển hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người sản xuất hoặc với các tổ chức kinh tế hợp tác của nông dân, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tạo môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản cho nông dân.

4. KẾT LUẬN

Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng trong chuyển đổi CCCT trên một số phương diện: chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, chuyển đổi theo nhóm cây, chuyển đổi theo lãnh thổ, chuyển đổi theo hướng  hình thành vùng chuyên canh… phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để nâng cao hiệu quả phát triển ngành trồng trọt, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi CCCT, trong đó tập trung vào giải pháp đổi mới và xây dựng các mô hình, các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; quy hoạch sản xuất các loại cây trồng một cách chặt chẽ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục thống kê Thanh Hóa (2012). Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 tỉnh Thanh Hóa. Nxb Thống kê.

2. Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa. Niên giám thống kê các năm 1996 – 2000, 2000 – 2004, 2001 – 2005; 2006; 2007; 2008; 2010; 2011; 2012; 2013, 2018. Nxb thống kê.

3. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, Báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp các năm 2005, 2010, 2011, 2012, 2013, 2018.

4. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa (2013), Dự thảo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

5. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa (2013), Đề án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2016 – 2020.

6. Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa (2006), Báo cáo thuyết minh tổng hợp Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 – 2010) tỉnh Thanh Hóa.

7. Đào Thế Tuấn (1977). Cơ sở khoa học xác định cơ cấu cây trồng hợp lý. Nxb Nông nghiệp.

8. UBND Tỉnh Thanh Hóa (2012), Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng 2030.

9. Đào Thanh Xuân (2017), Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh Thanh Hóa, luận án tiến sĩ Địa lí, ĐHSP Hà Nội.

 

(Bài in trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học Địa lý lần thứ 12 -  2021, Nxb Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)

 

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN